Cách nay hơn nửa thế kỷ, nhà của người Sài Gòn ra sao, xây dựng bằng vật liệu gì, hẳn không ít người Sài Gòn vẫn còn nhớ. 

Nhà mặt tiền vào đầu thập niên 1950 thường là trệt hoặc hai tầng mái lợp ngói (Nguồn: Manhhaiflicks) 

Có lần tôi hỏi ông “thầy” kiến trúc sư từng làm việc ở Tổng nha Kiến thiết và Thiết kế đô thị Sài Gòn ngày trước được phân công về Viện Quy hoạch sau năm 1975, rằng, kiến trúc dân dụng Sài Gòn có thay đổi nhiều so với thời gian nửa thế kỷ trước. “Thay đổi nhiều lắm, từ vật liệu xây dựng cho đến kiểu kiến trúc bền chắc hơn bằng cách đúc bê tông cốt sắt. Tuy nhiên, khoảng đầu thập niên 1950, nhà đúc bê tông chưa nhiều và cũng không nhiều tầng. Nhà ở dân dụng lúc đó thường chỉ một tầng sàn bê tông, mái lợp ngói. Nhà trong hẻm thường sử dụng vật liệu nhẹ, khung gỗ, vách gạch, gác ván, lợp mái tôn hay fibro”.

Ông là một trong những kiến trúc sư khoá đầu tiên của trường Ðại học Kiến Trúc năm 1951, khi trường thành lập ở Sài Gòn. Ban đầu cha mẹ muốn ông học bác sĩ nhưng ông lại thích ngành thiết kế đô thị rồi tiếp tục học khoa thiết kế xây dựng trở thành kiến trúc sư trong thời gian Sài Gòn bắt đầu bùng nổ kiến trúc bộ mặt theo kiểu tân thời. Chỉ chuyện vẽ đồ án cho những công trình dân dụng, ông kiếm tiền xây được nhà lầu, sắm xe hơi. Ông kể, Sài Gòn phát triển những kiến trúc tôn giáo và công sở từ những năm đầu thế kỷ 20, lúc đó ngành kiến trúc của ông còn chưa ra đời, dân học kiến trúc hầu hết tại miền Bắc trực thuộc trường Cao đẳng Mỹ thuật Ðông Dương. Về sau, trường chuyển về Ðà Lạt nhưng người theo ngành kiến trúc rất ít cho đến khi trường được thành lập tại Sài Gòn.

Ông nhớ lại mấy năm trước, thành phố Sài Gòn mở rộng ra các vùng ven như Gò Vấp, Hóc Môn, Thủ Ðức, Bình Chánh, Q.6, Q.8. Ngay cả Q.4 được xem là nội ô nhưng chỉ phát triển khu dân cư có quy hoạch tại các chung cư giáp Q.1, trong khi các con đường hướng ra sông rạch lại không được quan tâm, nhà cửa ken kín, chật hẹp tạm bợ. Những khu vực vùng ven nhà cửa vẫn còn mái tranh vách gỗ như thuở thập niên 1950, chỉ một ít khu phố chợ tại trung tâm quận mới xây những dãy nhà trệt hoặc một tầng vách gạch mái ngói đỏ, lưa thưa tồn tại một vài căn nhà kiểu bánh ít truyền thống bằng cột gỗ xây bằng gạch của những người cố cựu giàu có. Vùng trung tâm từ thời Pháp tại Q.1 và một phần của Q.3 và Q.5 là nhà biệt thự, nhà phố mặt tiền theo quy hoạch từ thời Pháp nhưng cũng chưa có cái nào xây nhà lầu bốn năm tầng. Hầu hết là nhà hai tầng lợp mái ngói, sàn bê tông hoặc tầng gác ván dày. Nói chung, kiểu thức xây dựng còn khá đơn giản, không cần kiến trúc sư thực hiện bản vẽ, ông thầu xây cất đủ sức để làm những ngôi nhà như thế. Ngoại trừ các công sở, khách sạn năm bảy tầng, đòi hỏi tính mỹ thuật, thiết kế bằng vật liệu nặng, chắc chắn tuỳ theo lớn nhỏ mà kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng đảm nhiệm công trình. Còn nhà dân thô sơ sử dụng vật liệu nhẹ chỉ cần xin giấy phép, kiếm ông thợ hồ là có thể dựng ngôi nhà theo ý muốn.

Kiến trúc tân thời xuất hiện từ thập niên 1960 với nền gạch bông tường đá rửa (Ảnh: Tài liệu)

Tôi nhớ hồi còn nhỏ trong xóm có rất nhiều nhà trệt mái fibro hoặc nhà xây theo lô sườn gỗ có gác và ban-công cũng bằng gỗ. Hàng hiên tầng trệt thì dựng hàng rào song thưa. Thuở đó, tôi thấy kiểu cách xây dựng như thế nên thơ và giản dị, phù hợp với quang cảnh chung quanh còn nhiều thửa đất trống trồng chuối; nhiều con hẻm còn là đường đất, hai bên lưa thưa vài ba cây chùm ruột, bông giấy bên cửa rào lúc nào cũng ra hoa tô màu cho khu phố lao động nghèo trở nên sinh động vui tươi.

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Ở xóm tôi, đâu khoảng năm 1967, đường ống nước sinh hoạt khi đó mới được Sở Thủy cục cho công nhân kéo vào tận hẻm sâu. Sẵn chương trình viện trợ vật liệu xây dựng (xi măng, tôn fibro) của chính quyền cho các gia đình nghèo cải thiện nơi ăn chốn ở sạch sẽ khang trang hơn. Người nghèo không cần xài thì đem bán cho người khác mua thêm để đủ số vật tư chỉnh trang một phần nhỏ của ngôi nhà. Dân xóm trên, xóm dưới khu Hoà Hưng nơi tôi cư ngụ hè nhau đổ xi măng các con đường hẻm, xây lan can hiên nhà, kéo gạch ống về xây vách tường nhưng khổ nỗi không sao thay được cột nhà bằng gỗ. Mấy ông thợ hồ đóng đinh mười phân vào thân cột cái, cột con hai bên khung vách, dựng gạch xây tô. Một thời gian sau, mối mọt sinh sôi khó phát hiện vì làm tổ trong các lỗ gạch ống. Tối ngủ nghe tiếng mối ăn rào rạo.

Khung gỗ là cách thức phổ biến dựng nhà dân dụng hồi xưa ở thôn quê hoặc ở thành thị theo kiểu nhà phân lô với mục đích làm giảm giá thành xây dựng. Cột, kèo, đà ngang, đòn tay thường sử dụng gỗ dầu (rẻ tiền). Người ta cho rằng gỗ dầu cứng và nhẹ thích hợp cho nhà có diện tích nhỏ và mối mọt thường chê dầu hôi không ăn được. Nhưng thực tế, mối mọt rất thích gặm nhấm gỗ dầu và lũ rệp hôi rất thích chọn kẽ sàn ván làm nơi trú ngụ.

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Rất nhiều nhà của dân lao động bình dân ở Sài Gòn có kiểu thức cấu trúc như vậy. Cũng có khi, người ta không dùng cột gỗ mà xây cột gạch, xây tường, tô hồ, quét vôi trộn a dao pha bột màu. Thường người Sài Gòn thích màu vàng đất hay vàng chanh. Có lẽ do ảnh hưởng màu sắc của các dinh thự công sở thời Pháp. Cửa nẻo thường làm bằng gỗ thao lao đóng kiểu lá sách (cho thông thoáng nhưng ruồi muỗi dễ bay vào) sơn xanh lá cây đậm hay xanh dương xám, nền nhà trát vữa tô nước xi măng bóng láng. Cứ mỗi năm Tết đến nhà nào nhà nấy đều quét vôi cho tường nhà thêm mới.

Khu xóm nhà ven đô dựng bằng vật liệu tạm bợ (Ảnh: Internet)

Nhà khá giả thường có nền bằng gạch bông, mái ngói hoặc đúc sàn lầu bằng bê tông cốt sắt. Nếu có cầu thang thường làm kiểu cầu thang hộp (gạch xây thành khối từng cấp, bên dưới cầu thang làm kho chứa đồ) chứ thuở đó cầu thang xương cá chưa phổ biến ở các loại nhà dân dụng. Mặt tiền dựng lam gió dọc ngang, vách tường tô đá rửa, đá mài kẻ chỉ màu tối hoặc dùng hồ (vữa xi măng) nhuộm màu giả gạch gốm, cửa lá sách thay bằng cửa kiếng có khuôn bông sắt trang trí. Từ thập niên 1960 nhiều cửa tiệm và nhà ở dân dụng ở mặt tiền bắt đầu có mốt dán gạch mosaic nhập từ Ý (không nhiều). Gạch mosaic đắt tiền, nhỏ chừng hai phân vuông hoặc nhỏ hơn đủ màu sắc dùng trang trí nhà bếp hay phòng tắm bên châu Âu nhưng nhập vào Sài Gòn nó được người ta ốp lên mặt tiền coi như một cách “sáng tạo” sử dụng vật liệu xây dựng. Vách bếp hay vách nhà tắm thường sử dụng gạch men. Tuy nhà lầu ba bốn phòng nhưng hầu như người ta không chú ý đến tiện nghi của vấn đề vệ sinh, nên thường nhà chỉ có duy nhất một phòng vệ sinh dùng chung.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 4 tháng 4 năm 2024

Nhắc đến gạch bông, ở miền Tây thời trăm năm trước có rất nhiều nhà lai (kiểu nhà truyền thống kết hợp phong cách châu Âu), nền lát bằng gạch bông rất đẹp. Một lần trong khi tìm tư liệu viết cuốn “Nhà xưa Nam bộ”, tôi đến Cù lao Giêng (An Giang), gặp chủ nhà còn cho xem hoá đơn nhập gạch bông từ bên Pháp. Màu sắc gạch bao năm không phai, bóng mượt, hoa văn sắc sảo. Gạch bông làm từ Pháp tốt khỏi chê. Thuở đó ở Sài Gòn có hãng gạch bông Thanh Danh nổi tiếng, các nhà thầu đặt hàng lát sàn cho nhiều dinh thực công sở. Rồi thuở thập niên 1960, ông Nguyễn Tấn Ðời lập hãng gạch bông Ðời Tân cung cấp vật liệu xây dựng khi Sài Gòn bùng nổ cơn sốt chỉnh trang và xây dựng mới nhà cửa.

Nhà đẹp đương nhiên đi liền với các đồ gỗ nội thất mà người am hiểu thường gọi là đồ gỗ đỏ Sài Gòn. Cho đến bây giờ tôi vẫn thích những loại tủ chưng chén dĩa, tủ mẹ bồng con, tủ cửa lùa, bộ sa lông thùng với cái bàn tròn. Kiểu dáng giản dị, đẹp và bền chắc.

Xin mượn đoạn văn của Phạm Công Luận trong bài “Tìm lại giấc mơ” kể một chút cảm giác lần ghé nhà thăm người bạn sống ở nước ngoài về Sài Gòn dựng căn nhà nhỏ để nhớ lại kỷ niệm xưa: “Căn nhà ngang độ bốn mét. Mặt tiền tô đá rửa, cầu thang đá mài. Giữa nhà bộ sa lông gỗ gõ đỏ đóng theo kiểu hộp đơn giản, ngồi hơi ngả ra phía sau. Gạch bông mỗi cạnh hai tấc, hoa văn màu nâu đỏ, trầm lạnh nhưng sang trọng… Căn nhà tôi đang ngồi vốn là đất trồng hoa ở Gò Vấp. Nhưng khi ngồi vào chiếc ghế cũ kỹ, một cảm giác êm đềm của thời trai trẻ sống ở Sài Gòn hơn bốn mươi năm trước trở lại. Nó gợi nhớ những căn nhà hồi xưa…”.

TN