Dầu Nhị Thiên Đường làm mưa làm gió suốt một thời gian dài,  cho đến khi dầu khuynh diệp bác sĩ Tín đứng vững trên thị trường từ thập niên 1950 và trở thành đối thủ xứng tầm. Cả hai đều được dân chúng ủng hộ và trở thành dầu gió thông dụng trong đời sống hằng ngày. Với dầu gió bác sĩ Tín được mệnh danh là “dầu bà đẻ”, còn Nhị Thiên Đường là dầu “trị bá bệnh” một thời.

Quảng cáo dầu gió Nhị Thiên Đường ngày xưa (Ảnh: Internet)   

Do quá tín nhiệm dầu gió Nhị Thiên Ðường nên người dân cho rằng nó “trị bá bệnh”. Thật ra cả hai loại dầu nói trên đều trị những bệnh thông thường nhức đầu sổ mũi. Ðau đầu thì xoa hai bên thái dương, đau bụng xoa lên bụng, sổ mũi thoa lên hai lỗ mũi, ho khục khặc thì xức dầu lên cổ. Thậm chí cảm thấy ớn lạnh nhỏ vài giọt dầu vào nồi nước sôi, trùm mền xông hơi mồ hôi ra như tắm thấy hồi phục lại ngay, trầy da chảy máu lấy dầu thoa lên như loại thuốc sát trùng. Chai dầu gió lúc nào cũng có trong nhà, trong túi áo mấy bà, mấy chị, hễ thấy người khó chịu cứ xoa dầu, cạo gió là xong. Buồn buồn lấy chai dầu ra xức lên thái dương, cổ họng để giữ cơ thể cho ấm, riết thành thói quen. Ngồi gần mấy bà già trầu ngồi trên xe thổ mộ hay xe lam chật chội, mùi dầu gió nồng nặc trong xe nhưng cũng cảm thấy dễ chịu hơn mùi dầu khói của xe lam xả mịt mù.

Trước khi có các loại dầu gió, người Việt mình hay dùng dầu cù là Mac Phsu. Nhớ hồi nhỏ tụi tôi chơi trò chi chi chành chành, cải biên lời ca đồng dao thành “Bòn bon si-cu-la, bánh tây sữa hột gà, dầu cù là mác-su” dù rằng thuở đó, dầu gió Nhị Thiên Ðường, rồi dầu khuynh diệp đã phổ biến khắp nơi. Người dân vẫn dùng cả ba loại dầu gió nhưng dầu nước  thuận tiện hơn dầu cù là thoa lên người thấy nhớp nháp. Dầu Nhị Thiên Ðường có màu nâu đỏ, nhãn hiệu cầu chứng là hình Ðịa Tạng Vương Bồ Tát.

Xem thêm:   Đông dược

Còn một lời đồng dao vui nhắc đến dầu Nhị Thiên Ðường mà tôi tin rằng các vị tuổi trung niên đều biết: Nhất dương chỉ, Nhị thiên đường, Tam tông miếu, Tứ đổ tường, Ngũ vị hương, Lục tàu xá. Nói chung là trộn lẫn hằm bà lằng xá cấu, chỉ có món chè Lục tàu xá là ngon thôi.

Đường Triệu Quang Phục Chợ Lớn nơi có nhà thuốc Nhị Thiên Đường (Nguồn: Manhhaiflickr)

Trong cuốn Phê bình và cảo luận, nhà phê bình Thiếu Sơn viết: “Lần đầu tiên tôi được đọc cụ Hồ Biểu Chánh trong một cuốn sách quảng cáo của nhà thuốc Nhị Thiên Ðường. Tôi để ý tới tiểu thuyết của cụ rồi kiếm coi ở loại sách như những truyện Tàu in xấu, để giá 4 cắc mà luôn luôn bán dưới giá đó…”.

Xem ra ngoài các quảng cáo báo chí thông thường, nhà thuốc Nhị Thiên Ðường còn có sáng kiến tạo ra cách quảng cáo độc đáo để sản phẩm dầu gió được công chúng bình dân biết đến rộng rãi.

Tác giả Phạm Trường Giang ghi nhận: “Ðể quảng bá nhãn hiệu Nhị Thiên Ðường, ông chủ đã chọn cách khá độc đáo. Ðó là thay vì đăng quảng cáo trên sách, báo thì ông ta thuê một số trí thức viết ra các bộ sách quảng cáo bằng chữ Quốc ngữ, luôn cả chữ Pháp và Hán tự, gọi là Vệ sinh chỉ nam. Trong cuốn sách này in đầy hình ảnh và chữ quảng cáo cho các cao đơn hoàn tán của Nhị Thiên Ðường, đồng thời in kèm vào trong đó các loại thơ văn để người mua có thể đọc thêm. Chẳng hạn bên cạnh quảng cáo dầu cù là Ông Tiên là trích đoạn thơ Lục Vân Tiên, bên cạnh nhãn hiệu Nhị Thiên Ðường là từng phần Nghĩa hiệp kỳ duyên, bộ truyện tình cực kỳ ăn khách về mối tình Việt – Khmer lúc đó của Nguyễn Chánh Sắt hay còn gọi Chăn Cà Mum (tên nhân vật chính). Nhiều khi khách đang đọc quảng cáo thuốc xổ lãi thì được đọc thêm Hậu chàng Lía, hay các mối tình uyên ương ly hận của Hồ Biểu Chánh… Vì sao nhà văn Hồ Biểu Chánh không muốn in sách đẹp? Vì ông biết nếu sách in đẹp sẽ phải bán mắc và như vậy sẽ không đến được tay những độc giả bình dân thân thiết của ông. Chính nhờ những cuốn sách quảng cáo giá rẻ, in xấu như Vệ sinh chỉ nam của nhà thuốc Nhị Thiên Ðường mà văn chương chữ Quốc ngữ bình dân giai đoạn đó đã cực kỳ phong phú và phổ biến rộng khắp trong tầng lớp dân chúng…”.

Cầu Nhị Thiên Đường xây xong năm 1925 (Nguồn:Manhhaiflickr)

Dầu Nhị Thiên Ðường do gia đình họ Vi người Quảng Ðông sang Chợ Lớn sáng lập. Không thấy tài liệu ghi nhà thuốc Nhị Thiên Ðường thành lập năm nào, chỉ biết ngoài dầu gió, nhà thuốc còn làm ra các loại đông dược trị các loại bệnh, đặc biệt là ngoại cảm tán, một loại thuốc trị cảm rất hiệu nghiệm, bán rất chạy, thậm chí cả thương hàn. Trong cuốn niên giám Ðông Dương 1933-1934 còn ghi lại: Nhị Thiên Ðường Pharmacie asiatique 47 rue de Canton (Triệu Quang Phục), Telephone no 58 Directeur Vi-Khai Chợ Lớn.

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Ngược dòng thời gian về mấy chục năm trước nữa, trên địa bàn quận 5, Chợ Lớn (nay thuộc quận 8) điểm nguồn của quốc lộ 50 Long An đã có một cây cầu gỗ bắc ngang kênh Ðôi cho người dân qua lại. Ðến năm 1925, nhà thầu Vallois-Perret xây một cây cầu bê tông, trang trí hai bên ban công bằng những trụ đèn bằng sắt và từ đó cây cầu được đặt tên chính thức là cầu Nhị Thiên Ðường.

Theo những người dân cố cựu tại khu vực này thì, cây cầu gỗ hồi đó không có tên, do nhà thuốc Nhị Thiên Ðường dựng lên để thông thương hai bờ cho người dân dễ đi lại. Từ đó mà thành tên.

Dấu ấn còn lại của nhà thuốc Nhị Thiên Đường (Ảnh: Nguyễn Minh Vũ)

Theo ghi nhận của tác giả Phạm Trường Giang đăng trên báo Pháp Luật thì “nhà máy sản xuất thuốc và dầu Nhị Thiên Ðường nằm ở bên phía đường Trần Hưng Ðạo và Nguyễn Văn Dũng, còn công nhân thì ở khu vực ngoại thành phía bên kia kênh Ðôi. Hằng ngày để đi đến chỗ làm các công nhân đều phải đi đò qua kênh Ðôi rất mất thời gian và nguy hiểm. Ông chủ Nhị Thiên Ðường quyết định bỏ tiền cùng với chính phủ Nam Kỳ lúc đó xây nên cây cầu này làm việc thiện cho dân chúng thuận tiện đi lại, trong đó có các công nhân của ông. Cũng có giai thoại cho rằng khi xây cầu, chính phủ Nam Kỳ vận động ông chủ Nhị Thiên Ðường ủng hộ một phần tiền để đổi lấy việc đặt tên cầu chứ không phải toàn bộ kinh phí xây cầu vì số tiền này rất lớn. Cũng có một giai thoại khác là kinh phí xây cầu đều do chính phủ Nam Kỳ lúc đó bỏ ra. Do ở gần ngay nơi chân cầu vốn có một dãy nhà kho lớn là nơi chứa gạo và sản phẩm của dầu Nhị Thiên Ðường, được dân chúng gọi là kho Nhị Thiên Ðường nên khi xây cầu xong, người ta lấy luôn tên Nhị Thiên Ðường đặt cho cây cầu. Không rõ trong các giai thoại trên cái nào là chính xác nhưng chắc chắn là đều có liên quan đến nhãn hiệu Nhị Thiên Ðường”.

Xem thêm:   1 giàu to 2 vướng nợ

Sau 1975, dầu Nhị Thiên Ðường ngừng hoạt động. Dòng họ Vi ra định cư nước ngoài và tiếp tục sản xuất dầu gió “trị bá bệnh”. Những năm sau đó, trong nước xuất hiện lại dầu gió Nhị Thiên Ðường nhưng là hàng giả mạo.

TN