Cuộc “Bắc du” của cải lương Nam Kỳ từ giữa thập niên 1920 đến đầu thập niên 1940 đã để lại dấu ấn lớn trong ngành nghệ thuật cải lương. Nhiều cá nhân và các nhóm nghệ sĩ miền Bắc học hỏi làn ca điệu thức của nghệ sĩ miền Nam, để rồi hai mươi năm sau đó, mạnh dạn tiên phong “Nam tiến” cọ xát thực tế. Và họ đã thành công.

Rạp hát Trung Quốc nơi hoạt động của đoàn cải lương Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt tại Hà Nội khoảng thập niên 1940 (Nguồn: Manhhaiflick)   

Người yêu mến cải lương vẫn còn nhớ đến nghệ sĩ Bích Thuận quê ở Bắc Ninh, chủ nhân đoàn hát Bích Thuận từ năm 1950 và từng giảng dạy tại Viện Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn trước 1975. Cô có giọng ca cải lương miền Nam ngọt lịm cuốn hút khán giả khắp cả mọi miền. Từ lúc còn bé, Bích Thuận gia nhập gánh hát Ðồng Ấu Nhật Tân Ban của ông Bầu Tài ở Hà Nội. Thời đó ở Hà Nội có phong trào hát cải lương theo làn điệu Nam Kỳ qua các bài cổ nhạc Văn Thiên Tường, Tứ Ðại Oán, Nam Xuân, Nam Ai, Ðảo Ngũ Cung, Xàng Xê, Phụng Hoàng, và các bài cổ nhạc ngắn, nói lối và ngâm thơ theo điệu Tao Ðàn Sài Gòn.

Ngoài gánh hát Ðồng Ấu Nhật Tân Ban của ông bầu Tài, còn có gánh hát Quảng Lạc Ban của ông bầu kiêm họa sĩ Trần Phền, gánh hát Ðồng Ấu Sán Nhiên Ðài của ông bầu kiêm kép Sáu Cương. Mấy ông bầu này chung đậu một số tiền lớn để mua chuộc các nghệ sĩ Nam Kỳ trong đoàn hát Nghĩa Hiệp Ban để họ ở lại Hà Nội dạy cho các đoàn hát cải lương miền Bắc ca theo điệu nhạc tài tử Nam Kỳ.

Bích Thuận chỉ qua sáu tháng học ca cổ nhạc và học hát là đã đóng vai đào chánh trên sân khấu đoàn Nhật Tân Ban. Theo lời cô Bích Thuận kể lại, kỷ niệm trong đời đi hát của cô là khi học ca theo điệu nhạc tài tử Nam Kỳ, cô ca vẫn đúng theo bài bản, nhịp điệu nhưng không thể nào bắt chước được giọng Nam Kỳ. Năm 1948, khi theo đoàn hát Tố Như cùng các nghệ sĩ nổi danh Bích Hợp, Kim Chung, Khánh Hợi, Túy Ðịnh vào Nam lưu diễn, cô vẫn chưa hoàn thiện được giọng ca còn âm hưởng Bắc của mình.  Phải mất một thời gian khá dài cô mới cải thiện được giọng ca cải lương đặc biệt chỉ dành cho người miền Nam.

Nghệ sĩ Bích Hợp có biệt danh “đệ nhất đào thương miền Bắc” được báo chí Sài Gòn ca ngợi (Ảnh: Internet)

Cùng thời gian sau khi với Bích Thuận vào Nam còn có Bích Sơn, Bích Hợp, trong đó cô đào Bích Hợp nổi danh hơn cả, được mệnh danh là “đệ nhất đào thương miền Bắc”. Nhờ cuộc di cư vào miền Nam 1954, Bích Hợp có điều kiện phát triển nghệ thuật ca hát của mình nhiều hơn nữa. Ngoài cổ nhạc, Bích Hợp còn là giọng hát vàng của tân nhạc và sân khấu thoại kịch. Cô còn là một xướng ngôn viên của Ðài Phát thanh Quốc gia tại Sài Gòn

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 28 tháng 3 năm 2024

Về kép hát nổi danh thì có nghệ sĩ Huỳnh Thái vào Nam đầu quân cho đoàn Thanh Minh của ông bầu Lưu Hoà Nghĩa (tiền thân của đoàn Thanh Minh Thanh Nga sau này). Sau khi đoàn Kim Chung vào Nam định cư và biểu diễn, Huỳnh Thái về đoàn này ca hát đến năm 1968 thì Huỳnh Thái ra đi đột ngột để lại sự tiếc nuối của khán giả hằng đêm tại rạp Aristo tức Trung Ương Hý Viện (nay là khách sạn New World trên đường Lê Lai).

Sau Hiệp định Genève ký kết, người ái mộ cải lương bỗng thấy một đoàn hát mới từ miền Bắc xuất hiện tại Sài Gòn. Ðó là đoàn Kim Chung hay còn gọi là đoàn Tiếng Chuông Vàng Thủ Ðô. Ban đầu đoàn Kim Chung chưa có chỗ diễn cố định, phải đi diễn lưu động nơi này nơi nọ. Sau một thời gian mới về rạp Aristo hát thường trực và đến năm 1968 mới dời về rạp Olympic trên đường Hồng Thập Tự và đóng đô ở đây.

Cô đào Kim Chung cùng chồng là bầu Trần Viết Long của đoàn Kim Chung hồi còn xuân sắc (Ảnh: Cailuongvn.com)

Ban đầu mới vào Nam, bảng hiệu đoàn chỉ có hai chữ Kim Chung, về sau thêm dòng chữ phía dưới “Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt”. Sau nữa, đoàn bỏ hai chữ “Bắc Việt”, thêm vào hai chữ “Thủ Ðô” và cuối cùng đoàn mang danh hiệu dài như sau: Ðoàn thi ca vũ nhạc kịch (chữ nhỏ hàng trên) Kim Chung (hai chữ to nhất ở giữa) Tiếng Chuông Vàng Thủ Ðô (nằm ở dưới cùng). Ngoài thay đổi trên, Kim Chung còn thực hiện sân khấu đại vĩ tuyến! Sân khấu huy hoàng, trang trí lộng lẫy, mở ra một hình thức sân khấu vĩ đại cho cải lương miền Nam từ dạo ấy.

Xem thêm:   Đông dược

Soạn giả Nguyễn Phương nhớ lại, rạp cải lương Aristo thuở ban đầu là một nhà hàng sang trọng, có một sân khấu nhỏ để những tối thứ Bảy, ban đờn ca tài tử đến ca giúp vui cho thực khách. Có khi chủ nhà hàng thay ban đờn ca cổ nhạc bằng một dàn nhạc nhẹ chuyên trình tấu các bản nhạc cổ điển Pháp, dàn nhạc Tây có piano, violin, saxo, clarinette. Từ năm 1940 mới cất lại thành một rạp hát có khán phòng 800 chỗ chuyên biểu diễn cải lương do nhu cầu yêu thích cải lương của khán giả. Rạp Aristo từng được các đoàn cải lương đại ban về diễn như gánh hát Năm Phỉ của bầu Năm Phỉ-Chín Bia, gánh cải lương tuồng Tàu Phụng Hảo của bầu Nhơn-Phùng Há, gánh hát thi ca vũ nhạc Nam Hồng của bầu Trình, gánh hát Hoa Sen của bầu Bảy Cao, gánh Việt Kịch Năm Châu của ông bầu Năm Châu.

Vào tháng 10 năm 1954, ông bầu Trần Viết Long ký hợp đồng mướn rạp Aristo trong một năm với một giá rất rẻ để làm nơi tập tuồng và củng cố lại đoàn hát Kim Chung-Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt vừa mới di cư vào Nam. Thời kỳ đó chưa có đoàn hát nào ở miền Nam hát thường trực hằng tháng ở một rạp. Thế nhưng đoàn Kim Chung-Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt đã lập kỷ lục hát liên tục 40 suất một vở tuồng (tuồng Trăng Giãi Ðêm Sương) tại rạp Aristo, khiến cho báo chí, nghệ sĩ và các ông bà bầu gánh hát cải lương miền Nam phải chú ý và để tâm nghiên cứu hiện tượng này.

Bảng hiệu Kim Chung thường trực tại rạp Olympic trên đường Hồng Thập Tự những năm cuối thập niên 1960 (Ảnh: Manhhaiflick)

Theo ký giả Song Lang của báo Sóng Thần xuất bản năm 1973 ghi nhận: Nên biết lúc đầu mới vào Nam, đoàn Kim Chung-Tiếng Chuông Vàng Bắc Việt hơi kén khách. Vì sao? Phải nhìn nhận rằng, khán thính giả ở miền Nam đi xem cải lương phần đông đều yêu thích nghe bản vọng cổ. Một bản nhạc bình dân xuất xứ từ nơi đồng áng nông thôn thuộc miền Nam sông Hậu (ý nói xuất phát từ khi bản Dạ cổ Hoài Lang của ông Cao Văn Lầu ra đời và được thêm thắt câu cho hợp với nghệ sĩ có làn hơi dài của ông Lưu Hoà Nghĩa cũng ở Bạc Liêu). Vọng cổ Bạc Liêu độc tôn ngự trị trong lòng khán thính giả miền Nam hàng chục năm qua và hiện nay có thể còn trong tương lai nữa. Trong khi đó các nghệ sĩ nam nữ dưới bản hiệu Kim Chung lúc bấy giờ toàn người miền Bắc, cố nhiên, không thể nào sử dụng được bản vọng cổ có âm hưởng du dương đúng mức đi sâu vào tâm hồn khán thính giả như nghệ sĩ miền Nam được. Vì, như đã nói, bản này ra đời tại miền Nam dường như chỉ đặc biệt cho người miền này sử dụng. Chính nghệ sĩ đoàn Kim Chung nhận rõ điều đó nên về sau các cô Kim Chung, Bích Hợp, Bích Thuận, Bích Sơn đều cố gắng ca vọng cổ theo giọng miền Nam.

Xem thêm:   Mối đe dọa của heo rừng

Nhờ khán giả ái mộ Kim Chung-Tiếng Chuông Vàng Thủ Ðô vang xa, ông bầu Long cho thành lập thêm nhiều đoàn Kim Chung (6 đoàn) quy tụ nhiều nghệ sĩ miền Nam nổi danh thời đó như Minh Cảnh, Minh Vương, Hùng Cường, Út Trà Ôn, Thanh Hải, Tấn Tài, Út Hậu, Lệ Thuỷ, Mỹ Châu, Thanh Kim Huệ, Út Bạch Lan, Kim Hoàn, Diệu Hiền, Hà Mỹ Liên, Hà Mỹ Xuân, Ngọc Bích… Giờ đây Kim Chung không còn ý nghĩa là một đoàn hát nữa mà trở thành Công ty cải lương Kim Chung. Ðoàn hát nhiều cũng đòi hỏi kịch bản, tuồng tích phải có để đáp ứng sân khấu. Soạn giả Ngọc Huyền Lan tức ký giả Nguyễn Ang Ca (chủ nhiệm báo Tin Sớm) và ký giả Hoài Ngọc đã hợp tác với Kim Chung sớm nhất. Không kể hai soạn giả Ngọc Văn, và Vạn Lý, vì hai người Bắc này được xem như soạn giả thường trực của đoàn. Kim Chung cũng mời thêm các soạn giả cộng tác như Yên Ba, Loan Thảo, Thao Cao, Hoài Ðiệp viết thêm nhiều kịch bản làm phong phú tuồng vở cho 6 đoàn Kim Chung.

Ðến năm 1958, đoàn Kim Chung không thu hút được khán giả nữa. Và sau đó hết hợp đồng với rạp Aristo, rạp bị bỏ hoang cho đến năm 1975. Ðoàn dọn về rạp Olympic làm nơi diễn thường trực, thu hẹp lại hoạt động. Sau 1975, ông Bầu Long và đào Kim Chung cùng gia đình đi Pháp. Ðến năm 1981 thì ông về nước mang theo dự tính xây dựng lại đoàn Kim Chung. Nhưng rồi đã không làm gì được vì “lực bất tòng tâm”.

TN