Hiện nay cột cờ Thủ Ngữ được trùng tu trả lại hình thể nhà bát giác, phá bỏ các mảng tường bao quanh của nhà hàng Ngân Đình tửu gia vào thời VNCH. Nói chung gần như giữ nguyên bản cấu trúc, chỉ mở rộng phần bệ chung quanh, tạo không gian rộng thoáng kết nối với công viên Bạch Đằng. Cột cờ Thủ Ngữ trở thành biểu tượng của thương cảng Sài Gòn hơn một trăm năm mươi năm qua.

Cột cờ Thủ Ngữ thuở mới xây (Nguồn: Manhhaiflickrs)   

Tôi nhớ hồi xưa, bên bến Bạch Ðằng chỉ có nhà hàng Mỹ Cảnh và Ngân Ðình. Mỹ Cảnh nhộn nhịp hơn vì là nhà hàng nổi, thực khách vừa thưởng thức món ăn vừa ngắm nhìn mặt nước sông Sài Gòn chuyển động với những chiếc đò qua lại Thủ Thiêm. Ngân Ðình ít khách hơn bởi nơi này chủ yếu là bán rượu bia, bài trí như một quán bar. Tất nhiên là có nhiều món lai rai, ai muốn ăn thì ăn, muốn uống cứ uống.

Sau năm 1975, tôi mới có dịp bước chân vào Mỹ Cảnh và hình như cũng chỉ có một lần duy nhất, nhân dịp được mời dự sinh nhật của người bạn. Ban đầu nhóm bạn chọn Ngân Ðình, ngay cột cờ Thủ Ngữ nhưng khi bước vào thấy không khí nhậu nhẹt ì xèo nên chuyển qua Mỹ Cảnh không khí thoáng mát hơn.

Hồi đó, tôi cũng chẳng để ý đến cột cờ Thủ Ngữ. Cột cờ Thủ Ngữ trên bến Bạch Ðằng dường như ai sống ở Sài Gòn cũng biết, nhưng có mấy ai (trong đó có tôi) lưu ý đến lịch sử của cái cột cờ. Chỉ biết cột cờ thì dùng để treo cờ và cũng chẳng chú ý có một lá cờ phất phới trên chóp. Chung quanh cột cờ được bao bọc bởi các mảng tường của Ngân Ðình tửu gia. Tôi cũng chẳng chú ý đến sự chiếm dụng này. Mãi đến năm 2016, nó mới được công nhận là di tích lịch sử của thành phố.

Xem thêm:   Đà Lạt & phượng tím

Thoạt đầu, cột cờ Thủ Ngữ là cột tín hiệu cho tàu bè vào cảng Sài Gòn, được xây dựng vào năm 1865 với tên gọi là Mât des signaux. Công trình được xây trên nền cũ của dinh quan thủ ngự thời nhà Nguyễn, khi ấy vùng đất ở bến sông Sài Gòn còn gọi là Gia Tân.

Cột cờ Thủ Ngữ năm 1882 (Nguồn: Manhhaiflickrs)

Theo Ðại Nam Quốc Âm Tự Vị, “Thủ” có nghĩa là “giữ, giữ gìn”, “Thủ Ngữ” là “chức quan giữ cửa biển, đồn thủ tại cửa biển”. Cảng sông Sài Gòn thuở đó xem như cửa biển vì tàu thương buôn nước ngoài theo sông Soài Rạp từ Vũng Tàu neo đậu tại đây. Nhưng chữ “ngữ” có nghĩa là biển hay không, chắc nhiều người cũng thắc mắc như tôi. Phía bên kia sông Sài Gòn có Thủ Thiêm, lần lên trên là Thủ Ðức, về phía Nam có Thủ Thừa. Thủ là trấn giữ, Thiêm, Ðức và Thừa là tên người giữ chức trấn giữ đồn canh. Về tên gọi địa danh trong tiếng Việt có nhiều thú vị nhất là các từ ghép, tuy nhiên vấn đề này không nằm trong nội dung bài viết.

Trở lại cột cờ Thủ Ngữ hay cột Tín hiệu theo như người Pháp đặt tên. Ðến đây tôi lại nhớ trong bài viết về bưu điện thuở xưa của tôi có in trong tập sách Xôn xao xe cộ Sài Gòn có nhắc về cột cờ Thủ Ngữ, nay tôi xin trích lại:

Theo tài liệu lịch sử bưu điện thời Pháp thuộc thì Nhà Bưu chính đầu tiên khánh thành tại Sài Gòn năm 1863 và đưa vào sử dụng công cộng một năm sau đó. Tuy nhiên trước đó, người Pháp đã thiết lập đường dây thép đầu tiên Sài Gòn – Biên Hoà dài 28 km nối liên lạc với vùng đất Nông Nại đại phố sung túc một thời, từ khi Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh chúa Nguyễn vào Nam phân chia địa giới, lập xứ Ðồng Nai. Tiếp theo là những cột dây thép mọc lên ở các tỉnh miền Nam kết nối giao thông liên lạc qua đường truyền điện tín. Ðến năm 1872, hệ thống thông tin điện tín đã mở rộng nhiều vùng Ðông Nam bộ với tổng số đường dây lên đến 6,600 km trong đó có cả 36 đường cáp ngầm chui qua những con sông. Dù vậy, việc sử dụng thư từ, đánh dây thép vẫn còn là chuyện xa xỉ đối với người dân Sài Gòn – Chợ Lớn và cả vùng Nam bộ. Thuở đó giá một con tem là 4 xu (tương đương 1.3 kg gạo), một bức điện tín đánh đi ít nhất phải tốn 20 kg gạo”.

Cột cờ Thủ Ngữ thời VNCH (Nguồn: Manhhaiflickrs)

Như vậy ngoài việc làm cột tín hiệu cho tàu thuyền, nơi đây còn là một trạm thông tin viễn thông bằng dây thép đã được hình thành cùng lúc. Trong Sài Gòn năm xưa, cụ Vương Hồng Sển viết: “Sông Thị Nghè giáp với rạch Bến Nghé, chỗ giáp nước là một cái thòi loi gie ra ngoài sông, phong cảnh rất đẹp, gió mát từ Ô Cấp thổi vào tư mùa. Người Pháp dựng tại đây một cột cờ tên gọi cờ Thủ Ngữ (mât des dignaux)… Trên chót vót ngọn cờ thường thấy treo án ngữ, ban ngày là cờ vải, cờ màu, hoặc một quả bóng sơn đen. Ban đêm thì treo một ánh đèn, khi trắng khi đỏ. Những tín hiệu này báo tin cho tàu bè biết để tránh chỗ hiểm nguy, va vào nhau trong lúc vào ra sông Sài Gòn”.

Xem thêm:   Bố già Marlon Brando 100 năm một huyền thoại bất tử

Nhìn lại các tấm ảnh chụp cột cờ Thủ Ngữ qua các giai đoạn ta có thể thấy rằng, hồi mới xây dựng, nó chỉ là cái cột cờ, cột tín hiệu cho điện tín và tín hiệu cho tàu bè cao 30 mét. Ðến năm 1890, cột cờ được dựng lại bằng sắt cao 35 mét và thêm sàn kéo cờ. Khu vực gần cột cờ có thêm một số công trình phụ như tòa nhà kiểm tra thuế quan và nhà kho. Năm 1920, một công trình hình bát giác một tầng có mái dốc được xây dựng dưới chân cột cờ. Cầu tàu trước cột cờ được mở rộng. Khu vực trước cột cờ có một quầy bán hàng giải khát tên tiếng Pháp là La Pointe des Blagueurs, dịch ra có nghĩa là Mũi Tán dóc.

Vào những năm 1930, kiến trúc cột cờ không có sự thay đổi lớn. Các nhà kho, quầy bán hàng và công trình xung quanh được tháo dỡ để xây dựng một công viên dọc bờ sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé. Ðến những năm 1940, cột cờ được xây dựng lại có thay đổi về hình thức kiến trúc. Và nơi đây cũng xảy ra một cuộc giao chiến giành quyền treo cờ giữa người Việt với quân Anh vào Sài Gòn giải giáp quân Nhật. Cuối cùng quân Anh với vũ khí đầy hiện đại đã giành chiến thắng và lá cờ Anh được bay phất phới trên đỉnh cột.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 11 tháng 4 năm 2024

Từ sau năm 1954, dưới thời VNCH, vai trò tín hiệu của cột cờ không còn hữu dụng, khối công trình bao quanh cột cờ được trưng dụng cho thuê làm Ngân Ðình tửu quán.

Cột cờ Thủ Ngữ được xem là một “nhân chứng” xuyên suốt qua nhiều thời kỳ xây dựng thành phố Sài Gòn, đến nay được trùng tu để người Sài Gòn có dịp ghé thăm, ôn lại nhiều ký ức khó quên.

Ngân Đình tửu quán dưới chân cột cờ giữa thập niên 1960 (Nguồn: Manhhaiflickrs)

TN