“Nhất Y, nhì Mống, tam Bông, tứ Đường, năm Nghè, sáu Lợi” là câu vần nói về sáu cây cầu xưa, nổi tiếng ở Sài Gòn. Đó là cầu chữ Y, cầu Mống, cầu Bông, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Thị Nghè và cầu Bình Lợi.

Cầu chữ Y thập niên 1960 là một cây cầu chiến lược kinh tế do Pháp xây dựng (Nguồn: ManhhaiflicKr)   

Vì sao phải là nhất Y?

Cầu chữ Y khởi công vào năm 1938 đến năm 1941 thì mới khánh thành. Trước đó, cầu Quay (Le pont tournant) được xây năm 1904 trên kênh Tàu Hủ, theo một thiết kế độc đáo, cầu có thể quay ở nhịp giữa vào thời gian nhất định trong ngày để mở đường cho tàu thuyền qua lại dễ dàng. Một giải pháp tuyệt vời cho việc lưu thông ở những vùng có nhiều sông rạch.

Trước đó chút nữa thì có cầu Bình Lợi vượt sông Sài Gòn xây dựng năm 1902 để kết hợp đường bộ và đường sắt đi miền Trung, hay cầu Tân Thuận bắc qua kênh Tẻ xây năm 1905 nối liền lưu thông đường bộ từ các cảng sông Sài Gòn vào trung tâm thành phố. Và còn nhiều cây cầu có tuổi đời nhiều hơn cầu chữ Y. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là cầu chữ Y có hình dáng thiết kế đặc biệt, bắc qua vàm (ngã ba kênh rạch hoặc sông) kênh Đôi và kênh Tàu Hủ, tạo một điểm nhấn mới lạ. Cũng như cầu Ba Cẳng trên vàm kênh Hàng Bàng ở Chợ Lớn. Đây là một cây cầu kết hợp 3 cánh cung dành cho người đi bộ do người Pháp xây dựng vào đầu thế kỷ 20.

Cầu chữ Y nhìn từ hướng đường Nguyễn Biểu (Nguồn: Manhhaiflickr)

Một người bạn của tôi có sở thích chụp ảnh các cây cầu ở Sài Gòn-Chợ Lớn, giải thích việc xếp hạng của dân gian (thời nay) đối với cây cầu chỉ là khái niệm thuận miệng nói cho vui, dựa theo câu truyền miệng của học sinh phổ thông khi chọn nghề nghiệp của mình trong tương lai vào những năm cuối thập niên 1970, “nhất Y nhì Dược, tạm được Bách khoa, Sư phạm bỏ qua, Nông dân xin kiếu”, hay “chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm”. Đây là giai đoạn hình như không chỉ có học sinh mà cả một số phụ huynh, người lớn có quan điểm cuộc sống thực tế xem nhẹ nghề giáo. Mặc dầu trước 1975, sư phạm là một nghề đáng kính trong xã hội và lương bổng khá hậu hĩnh trong thang lương công chức.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (04/18/2024)

Chuyện ngoài lề của cầu chữ Y nói lan man đôi chút cho thêm ý vị. Lần đầu tiên tôi biết cầu chữ Y là khi ghé thăm người bạn học ở cuối đường Dạ Nam vào năm 1978. Khi ấy từ đường Nguyễn Biểu chạy đến giữa cầu mới thấy nhánh rẽ của chữ Y. Rẽ hướng nào đây, tôi dừng xe lại bên thành cầu để quan sát, chắc rằng mình không đi vào hướng đường Hưng Phú. Phía sau lưng là kênh Tàu Hủ, lòng kênh đầy ghe bầu san sát. Vào thời gian này, ghe bầu vận chuyển hàng hoá từ miền Tây lên Sài Gòn vẫn còn hữu dụng khi xăng dầu dành cho xe cộ khan hiếm. Phía trước mặt là nhánh cầu nối tiếp bắc qua kênh Đôi rộng lớn hơn, ghe bầu, tàu sắt trọng tải nhỏ cũng nhiều như trên kênh Tàu Hủ. Kênh Đôi là con kênh quan trọng thông thương qua kênh Chợ Đệm về Cần Đước, Bến Lức, có một cảng sông và kho vận lớn dành cho tàu biển theo cửa sông Soài Rạp vào Tiền Giang và Long An mà không phải vào sông Lòng Tàu đến cảng Sài Gòn.

Lê Văn Viễn (mặc đồ trắng) cùng các sĩ quan Bình Xuyên trên cầu chữ Y (Nguồn: Manhhaiflickr)

Binh biến trên cầu chữ Y

Như trên đã nói, cầu chữ Y là một chiến lược kinh tế lưu thông đường bộ kết hợp đường thuỷ mà người Pháp nhìn thấy. Cây cầu hình thành khi ấy phía bên tỉnh Chợ Lớn giáp ranh quận Nhà Bè (tỉnh Gia Định) còn là vùng đất hoang vu, thưa thớt dân cư. Nhờ có cầu, dân chúng các nơi kéo về mưu sinh lập nghiệp. Trong đó không ít có những giang hồ hảo hán tụ tập về đây lập nên hang ổ, kiếm sống bằng nghề cướp bóc, đặc biệt đột kích “ăn hàng” trên các ghe tàu qua lại trên kênh. Do đó, từ thời Pháp, gần sát chân cầu tại điểm giao nhau của 3 nhánh, chính quyền cho xây dựng một điểm canh rất kiên cố, có đội cảnh sát tuần tra thường xuyên trên kênh Tàu Hủ và kênh Đôi để bảo đảm an ninh trật tự.

Xem thêm:   Kinh đô thời trang Roma

Năm 1941 khi quân Nhật tiến vào Đông Dương, binh lính đi tàu từ Bắc vào Nam đổ bộ vào các cảng sông đến Tân Thuận theo 2 nhánh qua cầu Khánh Hội và cầu chữ Y để tiến vào Sài Gòn. Dân giang hồ khu vực cầu chữ Y hùa theo lính Nhật nổi dậy đánh chiếm các đồn bót cảnh sát và lính Pháp trú đóng dọc theo kênh Đôi cũng như các vùng Tân Thuận, Tân Quy, Hưng phú, Chánh Hưng, Phú Định. Họ thành lập nhiều lực lượng quân sự chống Pháp tự phát. Trong đó phải kể đến Dương Văn Dương, thủ lĩnh các nhóm giang hồ Nam Bộ sống tại ấp Bình Xuyên làng Chánh Hưng, thống nhất các lực lượng quân sự chống Pháp và lấy tên gọi lực lượng vũ trang của mình là Bộ đội Bình Xuyên.

Báo ngoại quốc đăng tin cuộc binh biến của lực lượng Bình Xuyên bị tiêu diệt (Ảnh: Internet)

Sau khi Dương Văn Dương tử trận vào năm 1946, lực lượng Bình Xuyên bị phân hóa. Sau đó, Lê Văn Viễn một chỉ huy dưới trướng Dương Văn Dương, ly khai và trở thành một lực lượng quân sự bổ sung nằm trong khối Liên hiệp Pháp dưới danh xưng “Công an Xung phong”, hay còn gọi là lực lượng Bình Xuyên địa bàn hoạt động ở xung quanh Sài Gòn. Dưới sự đồng thuận của Pháp, Bình Xuyên kiểm soát nhiều sòng bài, nhà thổ, cùng những thương cuộc lớn nhỏ khắp vùng Sài Gòn – Chợ Lớn trong đó phải kể Casino Grande Monde (Đại Thế giới), Casino Cloche d’Or (Kim Chung), Bách hóa Nouveautes Catinat. Sau Hiệp định Genève, Bình Xuyên phải sáp nhập vào Quân đội Quốc gia Việt Nam nhưng ngầm không phục tùng.

Xem thêm:   Mua đồ trang trí

Năm 1954, khi Thủ tướng Ngô Đình Diệm chấp chính thành lập Chính phủ Trung ương và thành lập nội các. Lê Văn Viễn đòi được tham chính và đưa ra yêu sách lập Chính phủ mới và gửi tối hậu thư buộc Chính phủ phải có tên ông trong nội các. Nội các Ngô Đình Diệm không chịu nhượng bộ nên Bình Xuyên mở cuộc tấn công Bộ Tổng tham mưu rồi pháo kích vào Dinh Độc Lập. Sang tháng 4 năm 1955 thì quân Bình Xuyên tấn công thành Cộng Hòa. Quân đội Quốc gia phản công, phá được căn cứ chính của Bình Xuyên ở khu vực cầu Chữ Y khiến lực lượng Bình Xuyên phải triệt thoái khỏi Sài Gòn – Chợ Lớn và rút về Rừng Sác.

Mấy tháng sau, Tổng thống Ngô Đình Diệm phái Đại tá Dương Văn Minh mở Chiến dịch Hoàng Diệu để truy nã Bình Xuyên tại khu vực Rừng Sác. Quân Bình Xuyên  hoàn toàn bị tiêu diệt. Lê Văn Viễn đào tẩu sang Campuchia rồi lưu vong sang Pháp, chấm dứt thực lực của Bình Xuyên.

Thủ tướng Ngô Đình Diệm (X) thương thảo với Bảy Viễn (bên phải) tại Dinh Độc Lập năm 1954 (nguồn hinhanhlichsu.org)

TN