Ủa! sao mẹ không để cái này chung với cái bà nội mới làm nè.

Minh Lý đưa ngón tay lên môi:

– Suỵt! đừng nói lớn, coi chừng bà nội nghe. Con không thấy đòn giò thủ mẹ làm xấu tệ sao? Một đầu to, một đầu nhỏ, đâu có vừa vặn, chắc tay và đẹp như của bà nội.

– À há!

Bé My che miệng cười khúc khích. Bà Ban đang xếp dĩa trái cây vào mâm cũng thấy vui lây. Bé My không phải cháu của bà. Minh Lý không phải là con dâu của bà và căn nhà này cũng không phải là nơi chốn của bà, mà sao bà nghe lòng mình ấm lạ. Bao năm rồi, vào những ngày cuối cùng của một năm, chưa có lần nào bà chuẩn bị đón Tết với tâm tư náo nức như hôm nay. Chợt nhớ tới Quang, đứa con trai duy nhất của mình, bà nghe xót đắng trong lòng. Giờ này, ở nơi xa xôi đó, không biết Quang có chợt nhớ đến bà, một người mẹ đã khóc cạn nước mắt vì con, mà ăn năn tự hỏi “Mẹ tôi giờ ra sao?”.

Tự dưng, nỗi buồn kéo ập đến làm tay chân bà Ban bải hoải. Ngồi xuống ghế, bà mơ màng hình dung đứa cháu nội của mình qua hình ảnh liến thoắng của bé My. Bà nhớ, lúc vợ chồng bà đến Mỹ, Quang vừa hai mươi tuổi, rất ngoan ngoãn, suốt ngày chăm lo học hành. Năm hai mươi lăm tuổi, Quang tốt nghiệp đại học hạng cao, nên tìm được việc làm tốt. Ba năm sau, Quang lập gia đình với cô bạn học cũ. Ðó là một cô con gái xinh xắn, hiền lành, chỉ qua lần tiếp xúc đầu tiên, bà cảm thấy rất hài lòng. Hơn một năm sau, đứa cháu nội gái mũm mĩm, dễ cưng ra đời, bà vui mừng khi nhìn thấy con trai mình có một gia đình ấm êm, hạnh phúc.

Chẳng bao lâu, chồng bà bất ngờ qua đời sau cơn bạo bệnh. Bà suy sụp hoàn toàn. Từ đây, còn ai cận kề hôm sớm cùng bà khi thằng con đã có một mái ấm của riêng nó. Bà khóc như mưa trong ngày tang lễ, vì tiếc thương chồng, vì nghĩ đến sự đơn độc, quạnh hiu mà mình sắp phải chịu đựng. Nhưng trời còn thương, nên bà được con trai rước về ở chung và cô con dâu hiếu thảo đã chăm sóc, lo lắng cho bà như mẹ ruột. Bà Ban cũng là người biết lẽ phải, nên cư xử với con dâu thật mềm mỏng, chân tình. Chẳng những không bắt bẻ khi có điều trái ý, mà còn luôn cám ơn con dâu, vì nó vẫn giữ được nề nếp xưa cũ, để bà được an hưởng tuổi già. Và nỗi sung sướng lớn lao nhất là đứa cháu nội ngày đêm quấn quýt bên bà, thỏ thẻ những lời ngây ngô rất đáng yêu.

Nhưng rồi những ngày tháng tuyệt vời ấy chẳng còn nữa khi con trai của bà bắt đầu đam mê cờ bạc. Bà không biết Quang lao đầu vào trò giải trí tai hại này từ lúc nào, cho đến khi Tuyến nghẹn ngào kể lể:

– Mẹ ơi! bao nhiêu tiền con dành dụm lâu nay, anh Quang làm tiêu tan hết rồi.

Bà lảo đảo ngồi xuống ghế, lắp bắp hỏi:

– Nó lấy tiền cho ai?

Tuyến gục xuống, nấc lên:

– Ảnh không cho ai hết, mà đem nướng sạch trong sòng bài.

Bảo Huân

Trời ơi! con trai bà có máu ham mê cờ bạc của ba bà sao? Từ nhỏ, bà đã chứng kiến cảnh người mẹ tội nghiệp của mình xỉu lên, xỉu xuống, mỗi khi tới kỳ lãnh lương mà ba của bà trở về nhà với khuôn mặt thiểu não, vì tất cả tiền bạc đã thua rỗng túi. Mẹ bà xác xơ, gầy gò theo từng năm tháng trôi qua trong cảnh túng bấn, nghèo đói, con cái lếch tha, lếch thếch. Còn người cha vô trách nhiệm thì trốn chui, trốn nhủi mỗi khi có người đến đòi nợ bằng thái độ hung hãn. Rồi một đêm, chừng như không thể chịu đựng hơn nữa, mẹ bà bồng bế năm đứa con thơ, trốn về quê, ở nhờ nhà một người bà con xa, nơi mà ba bà chưa một lần biết đến. Và từ đó, chị em bà trở nên những đứa trẻ mồ côi cha, dù ba vẫn còn đó.

Xem thêm:   Arkhom

Nhìn đứa cháu nội ngây thơ đang nằm ngửa trên giường, cong hai chân lên, một tay cầm bình sữa, một tay nắm lấy bàn chân đong đưa, đùa giỡn một mình, bà nghe nhói đau trong lồng ngực.

– Tuyến à! Con đừng giận, để mẹ rầy thằng Quang. Nó thương vợ, thương con lắm, chắc nó sẽ nghe lời mẹ mà bỏ bài bạc.

Tuyến lắc đầu với khuôn mặt đầm đìa nước mắt:

– Mẹ có biết con đã năn nỉ, khuyên can anh Quang cả năm nay rồi không? Lúc trước, con cũng nghĩ như mẹ, nhưng đến bây giờ con mới biết, tình yêu thương và bao dung, cũng như sự kiên nhẫn và tận lực của con đã thua ma lực của sòng bài. Quang từng hối hận, từng ôm con khóc lóc xin lỗi, nhưng chỉ được vài hôm thì đâu lại vào đó. Những lần Quang đi biền biệt cả tuần không về nhà là đi đánh bài và ở luôn trong sòng bài, chứ không phải đi công tác cho hãng như con đã dối mẹ. Bao nhiêu tiền bạc con dành dụm bấy lâu trong ngân hàng, Quang lén rút ra hết. Chiếc xe, không phải bị ăn cắp như Quang đã nói mà anh ấy cầm cho người ta rồi không có tiền chuộc lại. Bây giờ, Quang còn giả mạo chữ ký của con để thế chấp nhà, lấy tiền đánh bài. Quang nói, anh muốn có tiền đánh trận cuối để gỡ lại những số tiền đã thua, rồi sẽ không bao giờ trở lại sòng bài nữa. Con quỳ xuống van xin Quang, hãy thương mẹ, thương vợ con mà tỉnh táo lại. Hãy quên số tiền đã thua, đã mất, cố gắng đi làm để có tiền trả nợ, hầu giữ căn nhà này cho cả gia đình có chỗ trú thân. Nhưng Quang đã bị con ma cờ bạc nhập, mắt anh long lên sòng sọc như người sắp nổi điên, hất con ngã xuống đất, chạy bay ra cửa. Mẹ ơi! con chịu đựng hết nổi rồi. Con phải làm sao bây giờ?

Bà choàng tay ôm lấy đứa con dâu đáng thương, hai mẹ con khóc tức tưởi trước ánh mắt ngơ ngác của đứa cháu nội vừa mới mừng sinh nhật hai tuổi hồi tháng trước. Hai ngày sau, giữa lúc bé Vicky lên cơn suyễn phải đi cứu cấp, Quang xuất hiện với khuôn mặt hốc hác, tiều tụy, sức lực gần như cạn kiệt, nhưng cũng quyết liệt giành lấy chiếc xe của Tuyến để đem đi cầm. Lúc đó, con trai bà chẳng khác nào con thú nổi điên, chỉ làm sao để lấy được món mình đang cần, chứ không chút lo lắng đến tính mạng của con.

Vài ngày sau, với dáng vẻ rã rời, đau khổ, Quang trở về nhà, ngay lúc bà đang run rẩy đọc từng dòng chữ nhòe nhoẹt nước mắt của Tuyến.

“… Xin lỗi mẹ, con đành phải mang cháu nội của mẹ ra đi, vì con của con không thể sống với một người cha không có lương tâm, chỉ biết thoả mãn niềm đam mê của riêng mình, chứ chẳng màng đến sự sống chết của đứa con bé bỏng”.

Quang đổ xuống như một thân cây bị cơn giông quật ngã. Bà cũng dở sống, dở chết, vì bỗng dưng mất đi một đứa con dâu mà bà thương như con đẻ và đứa cháu nội bà quý hơn ngọc, hơn vàng. Vài tháng sau, căn nhà bị tịch thu, vì Quang không có tiền trả nợ. Bà phải đến ở trọ nhà người bạn già, còn Quang lây lất nay nơi này, mai nơi khác. Nhưng cũng nhờ cú sốc quá lớn này mà Quang thức tỉnh và sau một thời gian cần mẫn làm việc, Quang thuê được một chỗ ở tươm tất cho hai mẹ con.

Xem thêm:   Con nhỏ khờ dễ sợ

Kể từ ngày Tuyến ra đi, Quang bỏ hết mọi việc, kể cả thú đam mê bài bạc, đi khắp nơi để tìm kiếm vợ con. Bà xót xa trong lòng khi nhìn nét ủ rũ, sầu thảm của con, nhưng cũng mừng thầm, vì nhờ vậy mà Quang không còn nghĩ đến chuyện cờ bạc.

Ba năm sau, Quang đem về cho bà một cô con dâu mới. Uyên, một phụ nữ kém sắc diện, nhưng cũng hiền lành, chân thật như Tuyến. Uyên có một đứa con riêng, lớn hơn cháu nội của bà ba tuổi. Thôi! cũng không sao, bà chỉ mong Quang tạo lập một gia đình khác và qua kinh nghiệm cay đắng đã trải qua, Quang sẽ biết nắm giữ hạnh phúc trong tay mình. Nhưng chỉ được hai năm vui vẻ, ấm êm, ma lại đưa lối, quỷ lại dẫn đường cho Quang một lần nữa lao đầu vào đam mê cũ. Tiền bạc, của cải Uyên dành dụm được nhờ thời gian nghề nails phát đạt không cánh mà bay mất. Nợ giăng tứ phía, chủ nợ gọi điện thoại chửi bới mỗi ngày. Và ngay lúc Uyên qua đời vì căn bệnh nan y, cũng là lúc Quang bước vào trại tù vì nhiều tội danh, trong đó có tội lừa đảo và giựt nợ. Căn nhà – tưởng là nơi cho bà và bé My che nắng, che mưa khi không còn người thân thuộc nào ở chung quanh – cũng bị ngân hàng tịch thu.

Sau nỗi đớn đau, vật vã cùng cực, bà đành dắt đứa cháu nội không phải ruột thịt của mình đến ngôi chùa mà khi còn khá giả Uyên đã cúng dường rất nhiều để xin tá túc.

Nhờ Trời Phật độ, nên những người quen biết với Uyên tận tình giúp đỡ hai bà cháu, trong đó có vợ chồng Minh Lý. Biết rõ hoàn cảnh đáng thương của bé My, Minh Lý ngỏ ý muốn xin đứa bé mồ côi này làm con nuôi, vì hai vợ chồng cô kết hôn đã tám năm mà trông ngóng mãi vẫn chưa có tin vui.

Lời đề nghị thật nhẹ nhàng, nhưng là cú sốc nặng nề khiến bà Ban xây xẩm mặt mày. Ðành rằng, bé My không phải là con của Quang, nhưng hơn ba năm chung sống, bà đã thương yêu, quấn quýt lấy nó khác nào đứa cháu nội của chính mình. Hơn thế nữa, khi Quang không còn ở cạnh bà, thì bé My là một niềm an ủi lớn lao, một sự ấm áp vô cùng cần thiết. Xa nó, cuộc sống của người đàn bà già nua, cô độc như bà sẽ hiu quạnh, buồn thảm đến chừng nào. Nhưng nếu giữ bé My lại, tương lai nó sẽ ra sao khi bà không đủ khả năng để cho con bé một nơi trú ẩn an toàn, một cuộc sống đầy đủ. Bà khóc rưng rức trước sự lựa chọn thật đau lòng.

Dẫu sao, bà Ban cũng không phải là con người ích kỷ chỉ biết nghĩ cho mình, nên sau một đêm thức trắng cầu nguyện, bà dỗ dành cháu gái:

– Bà nội già rồi, không còn sức lực để đi làm kiếm tiền nuôi con. Con nghe lời bà về sống với cô Minh Lý để được cơm no, áo ấm, học hành tới nơi, tới chốn.

Xem thêm:   Tự thú

Bé My vừa lắc đầu, vừa nắm tay bà, nước mắt ràn rụa trên khuôn mặt nhăn nhó, méo xệch:

– Không! Nội ở đâu thì con ở đó, con không muốn xa nội.

Tiếng khóc não nuột của đứa bé chưa đầy mười tuổi khiến Minh Lý xốn xang trong lòng. Vốn ngoan ngoãn, hiền lành, nên cuối cùng bé My cũng nghe lời bà Ban. Nhìn theo cái dáng dấp bé bỏng của đứa cháu thơ, vừa miễn cưỡng bước đi, vừa quay đầu nhìn lại, với bàn tay đưa lên gạt nước mắt không ngừng, bà Ban tưởng chừng như hai chân mình sụm xuống, vì mất đi lẽ sống duy nhất còn sót lại.

Một tuần sau Minh Lý phải trở lại chùa khi nghe sư cô báo tin bà Ban bệnh nặng và không chịu ăn uống gì cả. Ðứng trước hình ảnh tiều tụy của một người đàn bà đang tuổi về chiều mà phải hứng chịu nhiều đắng cay, nghiệt ngã của số phận, Minh Lý gọi điện thoại bàn tính với chồng và quyết định đưa bà Ban về nhà để hai bà cháu họ được sống gần nhau. Không thể tả hết nỗi mừng vui của bé My. Con bé không còn thu mình, khóc rấm rứt như mọi ngày mà nhảy tưng lên, hét vang:

– Con cám ơn, cám ơn mẹ Lý nhiều lắm.

Tiếng gọi mẹ đầu tiên của bé My, khiến vợ chồng Minh Lý nhìn nhau rơm rớm nước mắt. Như thoát khỏi cơn mê, bà Ban chắp tay xá dài, với hai hàng nước mắt chảy quanh.

– Bà cháu tôi mang ơn cô cậu suốt đời.

o O o

Hữu ngồi vào ghế, bàn tay vỗ nhẹ trên cái bụng tròn vo, miệng xuýt xoa:

– Trời ơi! con cần nhịn ăn cho ốm bớt, mà sao dì Năm làm đồ ăn ngon vầy con chịu sao thấu. Từ ngày dì Năm về đây, con lên gần mười pounds rồi. Kiểu này chắc con chết sớm.

Minh Lý vừa xếp khăn ăn, vừa liếc xéo chồng:

– Hôm nay là mùng một Tết phải kiêng cữ, không được nói năng lạng quạng mà xui xẻo cả năm, phải không bà nội?

Hai chữ bà nội làm rúng động trái tim cằn cỗi của người đàn bà trong một thời gian không dài lắm đã phải mất đi hai đứa con dâu. Bà nhớ, ngày xưa Tuyến cũng thường dùng hai chữ thân thương này để gọi bà. Và bà chợt hiểu, tình cảm của Minh Lý dành cho bà, không chỉ đơn thuần là thứ tình của một người ban ơn và một người thọ ơn mà trong đó có chút ngọt ngào, ấm áp của tình quyến thuộc. Nước mắt ứa ra trong niềm hạnh phúc đến thật bất ngờ khiến bà thầm nghĩ, dù cả đời còn lại, bà có quỳ lạy Trời Phật suốt ngày đêm cũng không bao giờ đủ để tạ ơn đấng thiêng liêng.

– Mẹ ơi! con muốn Tết hoài để ngày nào mình cũng được đi chùa hái lộc, đi hội chợ Xuân xem văn nghệ, đánh lô tô và được ăn nhiều món ngon như hôm nay.

Hữu nhanh nhẩu:

– Ðúng, đúng! Ba cũng muốn như vậy. Ðể xem, hình như từ ngày có bà nội về đây, ba hết được ăn mì gói, món tuyệt chiêu của mẹ Lý.

– Thôi ông ơi! Xạo quá đi.

Minh Lý gạt ngang, nhưng âm thanh giọng nói lại chở đầy niềm vui. Niềm vui bắt đầu từ ngày căn nhà vắng vẻ này đón thêm hai thành viên, một già, một trẻ để Minh Lý cảm nhận được mùa Xuân bắt đầu từ dạo đó.

NB