Chuyện tình của Nguyễn

(New Orleans)

Tôi gọi em là “bạn”, xưng “tôi” dù lúc đó tôi “hăm mấy” còn em chừng mười sáu hay mười bảy chớ không hơn! Suốt mấy tháng ở trại tôi giữ cách xưng hô đó vì “tôi và bạn” đều nằm trong hoàn cảnh “hết sức khó chịu”, em nói vậy. Sau này gặp lại em ở Sài Gòn, tôi đã xưng “anh” với em, và giữ cho đến hôm nay dù rằng “anh” và “em” đã ngàn trùng xa cách.

Mặt trời chưa lên đã nghe tiếng kẻng báo thức và thấy ông quản trại đứng lù lù ngoài sân. “Tập hợp! Tập hợp nghe chưa?”. Nghe tiếng ông quản trại các trại viên bước vội ra sân xếp thành hai hàng. Bằng cặp mắt him híp, ông ta nhìn từ trái qua phải rồi nhìn ngược lại. Năm mươi mấy con người vừa nam, vừa nữ tập hợp trên sân đất bầy hầy dưới ánh trăng chếch về hướng Tây Nam, cũng đang nhìn ông! Rồi theo lệnh của ông, mọi người chia hai nhóm nam riêng, nữ riêng được một cậu du kích dẫn ra đám ruộng hay rẫy dưa nào đó để cuốc, xới… gọi là “ lao động cải tạo”, ông quản trại nói vậy.

Thường thì em là người đi sau cùng của nhóm nữ, tôi đi đầu nhóm nam nên dễ bắt chuyện. Ở đây trại viên thoải mái nói chuyện với nhau vì nội quy không khắt khe lắm. Tôi, em và mọi người là trại viên của trại giam Cồn Cù, dân địa phương gọi là “trại nhốt mấy người vượt biên”, chớ có phải tù tội to tát gì đâu! Hoàn cảnh sống ở đây chỉ “hết sức khó chịu” bởi nắng, gió nóng, môi trường trong lành nhưng khô khát.

“Bữa nay thấy bạn có gì đó… vui vui?” – Tôi bắt chuyện. Em nghe tiếng tôi nhưng không day lại, chỉ hỏi trổng: “Sao biết?”. Tôi cười: “Ðẹp ra. Tươi tỉnh”. Em cười nhẹ: “Xấu òm chớ đẹp gì?”. “Tôi thấy bạn sao thì nói vậy mà!”. Em cám ơn rồi làm thinh. Có lẽ em buồn vì cái đẹp mà tôi vừa khen lại là sự “xấu òm” em không muốn có. Như vậy thì trước đây em đẹp hơn bây giờ nhiều, rất nhiều? Sau hai tháng “lao động cải tạo”, dung nhan em xuống sắc. Nắng chan chát, gió biển mặn, ăn uống thiếu thốn, quần áo xuề xòa, sự cực nhọc và sa sút tinh thần làm em “héo” đi. Tâm trạng người sắp vượt biên là hồi hộp, lo lắng; tàu bị bắt lại càng lo rồi vô đây là thất vọng. Xuống sắc là phải!

Ra đến rẫy là trời sáng hẳn. Rẫy là miếng đất cạnh rừng dừa xanh có con rạch nhỏ vắt ngang. Mặt trời lên nhưng trên bầu trời vẫn còn cái dáng tròn tròn lửng lửng của vầng trăng khuyết như khuôn mặt buồn hiu của người phụ nữ lỡ một đời chồng, mà lại có con. “Trăng làm sao có con được?”. Có lần em phản đối tôi khi nhìn sao Mai sáng một cách kỳ lạ bên cạnh mặt trăng, và sau khi nghe tôi giải thích “Ngôi sao đó là con của mặt trăng”. Em không tin cũng phải, trăng làm sao sanh đẻ như con người ta được. Ðó là tôi “hình tượng hóa” hai thiên thể xa xôi, xa biệt mù trong vũ trụ. Ban đêm cũng ngôi sao đó, thấy gần bên mặt trăng nhưng khoảng cách có thể là vài triệu năm ánh sáng, gọi là sao Hôm. Còn buổi sáng như lúc này, ngôi sao đó có tên sao Mai. “Tại người ta gọi vậy, chớ hai ngôi sao đó là một” – Em giải thích điều tôi từng biết qua sách vở. “Vậy mặt trăng tên gì?”. Em cười khì: “Nguyệt”. Ðó là điều tôi từng không biết, và nay thì biết rồi. “Em tên Nguyệt phải không?”- Tôi hỏi. Em gật đầu: “Y vậy!”

Ánh sáng mặt trời làm trăng sao mờ dần rồi biến mất. Lúc này tôi và em không nói chuyện nhau được vì phải làm việc: Tôi và cánh đàn ông cầm cuốc đánh vồng, em và các “bà nữ” ghim các hom mì xuống vồng đất. “Khoai mì muôn năm!” – ai đó mới nói một mình trong cái không gian yên tĩnh khiến cậu du kích ấp day lại nhìn. Cuối hàng, một trại viên đứng thẳng lưng, cười ý nhị. Có lẽ anh thấm thía cái từ “muôn năm”, hay “muốn nằm” vừa nói là hết sức vô duyên nên buột miệng: “Khoai mì 7 món là hết sẩy nha bà con!”

Xem thêm:   Nạn nhân của Putin

Sau một tuần trồng mì, trại viên nữ chuyển qua trồng dưa, mấy ông đi đốn lá dừa nước về lợp mái vì sắp mưa rồi. Nhà lợp xong, dưa trồng xong và khoai mì chưa kịp đào thì em và vài “bà nữ” nữa được thả. Phải rồi, đàn bà con gái nhốt lâu quá… thành tinh sao? Ba bốn tháng rồi…

“Bạn về đâu?”. Em nhún vai, tự hào: “Sài Gòn”. “À thì ra dân thành phố…”. Em cắt lời tôi cái rột: “Sài Gòn chớ thành phố gì? ”. Tôi ừ. “Còn… anh?”. Bấy lâu nay em luôn nói trổng với tôi nhưng hôm nay thật bất ngờ gọi tôi là anh, tôi mừng đáp: “Thị xã Phú Vinh là Trà Vinh á!”. Chưa kịp nói thêm về quê quán của mình tôi đã nghe em xì: “Dân tỉnh lẻ hả?”. Tôi lại ừ, không thấy ghét em: “Nay mai có dịp lên Sài Gòn thăm bạn nhe?”. “Chắc khó à”- Em lắc đầu. “Sao khó?”. “Ði nữa. Thua keo này bày keo khác”. “Lại vượt…?”. “Chớ sao. Cột điện mà có chân thì… thì sao anh tự biết á”. Nói vậy chớ em vẫn ghi cho tôi địa chỉ nhà em trên phần trống của tờ giấy ra trại em xé hai. “Không chờ à nha. Ðến trễ… thì thôi!”. Tôi gật đầu. Em ăn nói trổng trơn nhưng tôi vẫn thích bởi em có sức hút mạnh mẽ trong từng câu nói, trong cái bĩu môi làm duyên, làm dáng!

Em rời trại với bộ quần áo cũ mèm, xách giỏ đệm trong đó chắc có vài bộ quần áo, nói chung chẳng có gì quý giá. Vật quý nhất còn lại của em có lẽ là chiếc khăn len màu đỏ vấn trên cổ. Em bước đi trên cát nóng, trong gió biển hầm hập, chiếc khăn hất ngược ra sau nhìn em như thiên thần, à không, như tiên nữ bị đày xuống trần gian, như dân Sài Gòn vượt biên bị tóm lại vùng đất mà gió và nước đều mặn với những động cát chạy dài nóng bỏng.

Thắm Nguyễn

o O o

Tôi ra trại vài tháng sau đó. Những trại viên khác cũng lần lượt nhận giấy “quy cố hương”.

Tôi về thị xã trong chuyến xe đò “thời Bảo Ðại ở…” lúc đầu còn thoáng mát sau thì ngộp vì khách lên đông. Ðường nhựa nhỏ hẹp, bể nát, gập ghềnh. “Kệ. Còn hơn đi bộ…”- Tôi nghĩ. Chiều về tới nhà, ba má, các em tôi mừng lắm. Ba tôi hỏi: “Tính đi nữa hông mậy?”. Tôi tính lặp lại lời em là “cột điện có chân thì…” nhưng thôi. Chuyện đó tính sau. Chuyện đi thành phố, à không đi Sài Gòn, tìm Nguyệt là quan trọng hơn. Ôi vầng trăng kiêu hãnh của tôi. Nhớ quá…

“Ðây là ly nước mía ngon hết sẩy, hấp dẫn nhứt Sài Gòn”. Em đưa tôi một ly, em một ly vừa ngậm ống hút vừa nói chuyện bên xe nước mía trên đường Cách mạng tháng Tám gần đường Sương Nguyệt Anh. Nhìn xe cộ ngược xuôi, tôi nói: “Ðường này hồi trước là đường Lê Văn Duyệt”. Em ngạc nhiên: “Ủa! Sao biết?”. Tôi can đảm nói về mình, nhân dịp bỏ luôn chữ “tôi”: “Anh… từng ở Sài Gòn 3 năm, đi học.”. “Ủa?” – Em lại ủa, tròn mắt nhìn tôi. Tôi khoe: “Sinh viên Văn khoa mà”. “À thì ra… có văn hóa? Chơi được à nha!”. Em nói làm tôi phì cười, nghĩ “Cô bé này thông minh một cách nghịch ngợm”.

Uống nước mía xong, tôi và em thả bộ qua vườn Tao Ðàn, ngồi băng đá tán dóc. “Gia đình em sao?”. Em hỏi lại: “Sao là sao?”. “Thì cha mẹ làm nghề gì, có mấy anh chị em?”. Em trề môi: “Anh hỏi giống… điều tra lý lịch quá?”. Tôi cười nhẹ. Em nói tiếp: “Cha đi lính, đang cải tạo miền Bắc. Mẹ bán xôi. Anh trai bán… chợ trời. Em… vượt biên mới về!”. Nghe em nói tôi biết gia cảnh em trước đây khác, bây giờ khác. Cha học tập cải tạo miền Bắc chắc là sĩ quan? “Ừ sĩ quan. Trung tá quân đội. Mẹ nội trợ. Hai con đi học. Lương trung tá nuôi cả nhà…”. Nói tới đây em thở dài tiếc nuối một thời “phồn vinh giả tạo” của gia đình mình. “Sao nói phồn vinh giả tạo?”-Tôi hỏi. Em nhìn ra xa: “Mấy chả nói vậy đó! Thấy ghét.”

Xem thêm:   Bên bờ ly biệt

Xế chiều, em lên xe lam về Thị Nghè, tôi đi xe buýt về Phú Lâm. Một ngày vui qua mau và không hẹn ngày gặp lại. Sao vậy? Vì chuyện em nói “vài tháng nữa em… xuất ngoại”, nếu diễn ra, tôi và em sẽ khó gặp lại. Về nhà bà dì ở Phú Lâm, trong bữa cơm tối, dì hỏi: “Sài Gòn vui như hồi đó không con?”. “Vui!” Tôi nói vậy vì cả ngày nay tôi có em, vui với em một cách hồn nhiên. Rồi tự dưng tôi cười một mình nhớ lời em nói. Vài tháng là bao lâu? Em cũng chưa biết. “Xuất ngoại” hay “vượt biên” cũng vậy thôi, đều là rời bỏ chốn này mà đi.

Ở chơi một tuần, tôi đưa thằng em con bà dì về Trà Vinh. Mấy ngày sau tôi và nó ra bến xe đi Cần Thơ, rồi đi tiếp xuống Bạc Liêu. Tối, anh em tôi đến nhà dì Út ở một xã có sông mà gần biển. Dì Út mừng rỡ lùa hai đứa tôi ra nhà sau, dặn: “Ở trong nhà nghen, đừng ló ra ngoài. Mấy bữa nữa có “chuyến” thì… người ta kêu”. Giác khuya của một đêm trời đầy sao anh em tôi và mấy người nữa được “người ta kêu”. Vậy là… “xuất ngoại”! Chúng tôi rời con rạch nhỏ bằng xuồng chèo ra sông Cái, đến cuối chóp cù lao có tàu cá đón. Vậy là lên đường lòng nhẹ như tơ…

o O o

Chuyến tàu nhỏ bé vượt qua vùng biển rộng lớn giống như chiếc lá giữa dòng, có lúc chịu sóng to, có lúc oằn mình trong gió lớn may mà đến được bến bờ tự do. Tính thời gian đi, hướng đi, tốc độ tàu đi thì kết quả khá chính xác là tàu hướng đến Mã Lai.

Những ngày ở trại Bidong tôi la cà chỗ này chỗ kia để hỏi thăm về cô bạn nhỏ tên Nguyệt với hy vọng gặp được “cô em có chiếc khăn len màu đỏ”. Tôi cũng thường nhìn lên bầu trời về đêm hay về sáng mong là em ở đâu đó cũng đang nhìn vầng trăng khi tròn khi khuyết với ngôi sao cô đơn. Lúc đó có thể tôi và em sẽ nhìn thấy nhau cùng nở nụ cười. “Mặt trăng không có con!”. “Ừ thì không. Ai cãi đâu nè?”.

Mấy tháng rồi không có tin tức em. Em “xuất ngoại” chưa hay còn lưu luyến Sài Gòn? Nếu em đã đi thì đang ở đâu lúc này? Mong là em ra đi bình an không bị kẹt lại trại tạm giam, tạm giữ nào đó giống như trại Cồn Cù cát nóng, gió nóng.

Trời đang bão có lẽ là cơn bão cuối cùng trong năm. Do có bão nên vùng biển Mã Lai sóng cao chập chùng, mây đen cuồn cuộn, gió và mưa từng cơn ào ào như trút nước. Về chiều, bão yếu đi rồi tan dần. Gió êm, sóng lặng nhưng mây vẫn cuồn cuộn in dấu trên bầu trời sũng nước.

Chiều hôm đó có chiếc ghe biển của dân bản xứ cặp đảo. Họ nói vừa vớt được bốn người Việt Nam vượt biên bị sóng đánh chìm tàu, muốn giao lại trại. Ðó là ba người đàn ông và một đứa nhỏ chừng mười bốn tuổi.

Hôm sau tôi tìm đến hỏi thăm mấy người bị chìm tàu. Họ chưa hết kinh hoàng khi nói tàu bị chết máy trôi dạt trong cơn bão. Gió lớn quá, sóng mạnh quá đẩy con tàu nghiêng một bên nên nước tràn vô. Rồi họ nói về những tiếng kêu cứu của mấy chục con người trong hầm tàu vừa thoát ra ngoài, chen lấn nhau tìm sự sống, rồi lọt xuống biển. Tàu chẳng có phao hay áo phao cũng chẳng có tấm ván nào cho họ đeo bám trong cơn hoảng loạn. Bốn người này biết bơi, dìu nhau rời xa tàu, trồi lên, chìm xuống nhiều lần may mắn được cứu…

Một người đàn ông trong số họ nói ông tội nghiệp một cô gái, có lẽ là người không dám rời tàu, kêu cứu trong tuyệt vọng. Tàu nghiêng rồi chìm dần nên ông chỉ kịp nhìn thấy dải khăn màu đỏ phất qua, phất lại rồi biến mất trong con sóng phũ phàng tràn qua mũi tàu nghiêng. “Dải khăn đỏ?”.Tôi điếng hồn hỏi lại. Người đàn ông im lặng cố nhớ lại rồi chậm rãi nói: “Tôi nhìn qua màn mưa thấy hình như là cái khăn màu đỏ mà có thể không phải cái khăn. Sợi dây hay cái gì đó hổng chừng?”. Thằng bé đang nằm bật dậy nói: “Cái khăn len màu đỏ đó ba”. “Vậy là đúng rồi. Nguyệt!”- Tôi buột miệng nói. Thằng bé hỏi: “Chú biết cô đó hả?”. “Ừ biết…”. Nó nói tiếp: “Cô đó ở Sài Gòn!”.

Xem thêm:   Arkhom

Từ đó trở đi tôi thường im lặng, lòng nghĩ miên man. “Là em chớ ai vô đây?”, “Chiếc khăn len màu đỏ”, “Dân Sài Gòn vượt biên”… và rồi sao nữa? “Ðôi chúng ta sẽ chẳng còn nhìn nhau nữa. Trên cõi đời này, trên cõi đời này. Từ nay mãi mãi không thấy nhau. Từ nay mãi mãi không thấy nhau…”. Tôi nhớ lời một bài hát của “Bố già” Phạm Duy nói về cái chết buồn bã của mùa Thu giống tâm trạng tôi bây giờ. Cơn bão quỷ quái kia, chiếc tàu chết máy kia đã nhấn chìm em và nhiều người nữa vào lòng biển cả. Với tôi em đã thật sự hóa thân thành vầng trăng huyễn hoặc trên bầu trời xám xịt kia. Không có sao Hôm, sao Mai gì cả chỉ có một vầng trăng khuyết buồn bã trôi đi rồi biến mất trong đám mây mỏng manh từ hướng Tây Nam…

o O o

Cuối năm đó anh em tôi sang Mỹ và được sự bảo trợ của gia đình ông bà J. người Mỹ. Ông bà đó sau này là “ông bà già vợ” của thằng em cùng “xuất ngoại” với tôi. Còn tôi lúc vừa đủ lông đủ cánh là rời nhà ông bà J. ra riêng vừa học, vừa đi làm tự lo cuộc đời mình. Tiền dành dụm được tôi gởi về ba má tôi trả dì Út Bạc Liêu 2 cây vàng mượn lúc vượt biên và lo cho mấy đứa em ăn học nên người.

Ba mươi mấy năm qua cuộc sống nơi quê người như dòng đời trôi mãi khiến tôi quên mất chuyện xưa. Những ngày bên em ở trại Cồn Cù là quãng thời gian đẹp của thời trai trẻ. Cả buổi nói chuyện bâng quơ dưới bóng mát những tàng cây trong vườn Tao Ðàn, em và tôi chưa hề nói lời yêu thương, em nói chỉ mong gặp lại, nếu có thể, ở một nơi nào đó xa xôi.

Nhưng chuyện gặp lại là không thể nào…

Em là một trong số hàng trăm ngàn người vượt biển ra đi đã không đến đích, thân xác chìm vào lòng biển nhưng linh hồn thì bay lên trời cao hóa thành muôn ngàn vì sao nhấp nháy trong đêm. Với tôi, em là vầng trăng cô đơn khi tròn, khi khuyết lặng lẽ như những vì sao lạc lõng buồn hiu.

Tôi đổi chỗ làm nhiều lần, chuyển chỗ ở nhiều nơi cho đến lúc về sống ở New Orleans, một thành phố bên dòng sông Mississippi, vầng trăng xưa bất chợt hiện về. Nhiều đêm nhìn bầu trời bao la trên vịnh Mexico tôi thấy trăng tuyệt đẹp có khi ửng đỏ một màu kiêu kỳ lộng lẫy, có khi lạnh lùng, mờ ảo trong sương. “Em vẫn gần bên tôi”- nhìn trăng tôi nói thầm.

Ði làm đêm về nhà lúc gần sáng, trăng theo tôi lao nhanh trên chiếc cầu dài vượt hồ Pontchartrain. Ánh trăng làm những con sóng nhỏ trên mặt hồ lấp lánh, lấp lánh. Về đến khu Village Slidell cuối con đường nhỏ uốn lượn, tôi dừng xe lại, bước lên đồi cỏ xanh. Trăng chờ tôi ở đó. Ở đó, không phải là hướng Tây Nam mà chính xác là giữa bầu trời hơi nghiêng về hướng Tây một chút, vầng trăng hiện thân của em đang mờ dần, mờ dần…

Tôi lên xe ngồi và biết rằng trăng không còn bên ngoài cửa sổ.

“Trăng đã lặn rồi nhưng không phải hướng Tây Nam! Không phải! ” – Tôi lặp lại câu nói đó nhiều lần trên đường về. Ở quê nhà Cồn Cù, Trà Vinh hay ở vùng biển Mã Lai… trăng có thể lặn hướng Tây Nam, còn ở đây cách nửa vòng trái đất, nơi trăng rong chơi, sáng rực hay mờ ảo rồi biến đi phải là hướng khác…

DHP

New Orleans 4. 2019