Sân chùa Kim Cang đông tấp nập trong ngày lễ Vu Lan.

Ðây là ngôi chùa Phật Giáo lớn ở tiểu bang Georgia. Sân chùa rộng rãi, thoáng mát, những người làm công quả đang hướng dẫn cho xe ra vào, cờ xí treo ngợp trời. Những bức tượng Phật lớn nhỏ rải rác trong sân, tượng Phật Di Lặc thật đồ sộ là nơi Phật tử chọn để chụp hình nhiều nhất.

Bên cạnh những dãy hàng bày bán các món ăn chay gây quỹ là cái bàn dài, nơi trưng nhiều tượng Phật, kinh Phật, những CD tụng kinh…và hai thùng hoa hồng màu trắng, đỏ để cài lên ngực áo cho phật tử đến chùa hôm nay, ngày lễ báo hiếu, tạ ơn mẹ.

Tôi ngần ngừ nhìn chú, người đàn ông ăn mặc chỉnh tề với chiếc nạng gỗ khập khiễng. Thường thì những vị cao niên cỡ hơn bảy mươi như chú đây sẽ nhận đóa hoa trắng cài trên áo vào dịp Vu Lan. Tuy vậy, khi chưa có câu trả lời của chú, tôi cứ ngần ngừ…

– Hoa trắng …cô. Cám ơn.

Sau đó nhìn đóa hoa màu đỏ trên áo tôi, chú tựa người vào cái nạng gỗ, đưa tay ra bắt tay tôi:

– Chúc mừng cô, hạnh phúc còn Mẹ trên đời, nhớ sống sao cho xứng đáng nghe.

Tôi nói lời cám ơn và lòng thầm nghĩ, chắc chú có tâm sự gì đây. Tôi đưa tay nhặt đóa hồng trắng nhẹ nhàng cài lên ngực áo chú, một giọt lệ ứa ra trên khuôn mặt già nua của chú khiến tôi xúc động. Dòng phật tử còn xếp hàng rất dài để được cài hoa, tôi chưa có thời gian để hỏi thăm chú một câu thì chú đã bước ra khỏi hàng, đóa hoa trắng lẻ loi trên ngực áo.

Sau buổi lễ cầu an và nghe lời thầy giảng là bữa ăn trưa chay do nhà chùa và các thiện nam tín nữ phục vụ. Cũng có nhiều món ăn do phật tử nấu ở nhà mang đến cúng dường. Trước cúng, sau cấp. Tôi nhìn bao quát, nhiều người lớn tuổi ngồi ăn quanh những dãy bàn dài xếp dưới bóng mát tàn cây, trò chuyện râm ran. Dãy hàng ba dọc theo mé hiên của chùa cũng có nhiều người ngồi. Ngọn gió thoảng qua làm rung rinh cỏ cây, len qua những khóm hoa đủ màu. Mùi hương trầm, hương hoa và mùi thức ăn chay từ nhà bếp của chùa tạo thành một mùi hương rất thanh khiết.

Thắm Nguyễn

Tôi bắt gặp ông chú nhận đóa hoa trắng lúc nãy đang ngồi một mình, ánh mắt xa xăm, cây nạng gỗ gác chênh vênh bên cạnh. Tôi bước đến ngồi bên cạnh. Dĩa thức ăn của chú còn đầy ắp, tôi đặt chai nước suối xuống bàn:

Xem thêm:   Sống sót

– Chào chú.

Ông chú hơi ngỡ ngàng:

– Chào cô.

– Chú đi chùa một mình hả?

Ông chú gật đầu.

Tôi gợi chuyện:

– Lúc cháu cài hoa trắng cho chú, thấy chú buồn quá, chắc cụ bà mới qua đời hả chú?

– Mẹ tôi mất…hơn ba mươi năm rồi.

Ông chú tiếp, giọng Bắc rất ấm:

– Cô còn có mẹ trên đời hãy sống sao để mai này không ân hận…

– Chú qua đây lâu chưa chú?

– Hơn hai mươi năm.
– Chắc ngày bà cụ mất, chú không về kịp hả chú?

Người đàn ông nhìn khoảng sân, nơi có treo nhiều cờ Phật giáo đang phất phới. Nắng trưa phản chiếu ánh sáng từ hồ hoa sen, nơi có tượng Bồ Tát Quan Thế Âm, tay cầm nhánh hồ lô, khuôn mặt hiền từ. Chú nói:

– Cô có biết người ta thường ví mẹ là Quan Âm không?

– Dạ…

– Vì tình thương của mẹ bao la, như trời biển.

Giọng nói của ông như có điều hối tiếc, tôi nhìn mái tóc đã bạc, khuôn mặt khắc khổ. Tôi hỏi:

– Hồi trước chắc chú có đi lính?

– Ừ, Thủy Quân Lục Chiến.

Tôi thầm nghĩ ổng cũng là… thứ dữ đây.

– Cháu cũng đi qua đây diện HO đó chú.

– Vậy hả?

– Bố Mẹ còn ở đây hết hả?

– Dạ.

– Cô may mắn lắm, sống sao cho phải hiếu, phải đạo nghe!

Xem thêm:   Bị chôn sống

Từ lúc gặp ông đến giờ, tôi cứ nghe ông dặn dò như thế, trong lòng tôi thầm nghĩ…chắc ngày xưa chú lêu lổng quá nên bây giờ hối tiếc. Giọng chú đều đều như kể chuyện.

. . .

Năm tôi mới 10 tuổi thì bố tôi qua đời, mẹ tôi một nách 5 đứa con còn dại. Nuốt nước mắt khóc chồng không dám cho ai hay bởi cái chết của bố tôi có nhiều nghi vấn. Ðã mấy mươi năm qua rồi nhưng tôi không bao giờ quên hình ảnh mẹ tôi lặng lẽ tiếc thương bố.

Hai năm sau, sống không nổi với những khắc nghiệt của hoàn cảnh, mấy mẹ con với mảnh ruộng khô cằn, sức người không kham nổi. Hiệp định 54 chia đôi đất nước, mẹ tôi năm ấy mới hơn ba mươi tuổi, dắt bốn đứa con rời quê cha đất tổ vào Nam. Mẹ tôi gói tấm ảnh thờ của bố vào cái áo cũ của chồng, giấu tận đáy rương. Ðó là di vật duy nhất. Gia tài mẹ mang theo ngày rời xứ vào phương Nam lập nghiệp là bốn đứa con thơ và mối tình phu thê vùi sâu tận đáy lòng.

Gia đình tôi lếch thếch theo đoàn người di cư. Sau những tháng được hưởng trợ cấp từ chính phủ Cộng Hòa, mẹ tôi gặp gì buôn nấy. Những hôm không đủ tiền mua gạo, bữa ăn tối mù mờ dưới ánh đèn dầu, mẹ ngồi nhìn các con chia nhau những củ khoai, củ mì, nước mắt lưng tròng.

Mẹ đến bàn thờ bố thắp nén nhang cầu xin… Mấy năm sau, khi khu này có đông đảo người Bắc về lập nghiệp mẹ tôi làm dưa cải, cà muối, mắm tôm bán ở chợ. Mấy anh em tôi cắp sách đến trường nhờ chiếc đòn gánh tre kẽo kịt của mẹ ngày hai buổi chợ. Miền Nam cưu mang gia đình chúng tôi, người miền Nam tốt bụng, xuề xòa.

Thế nhưng …  chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc gia tăng. Anh em chúng tôi vào quân trường,
hai anh tôi lần lượt gởi thân nơi chiến trường. Mẹ tôi chết đi sống lại. Mùa hè năm 1975, chiến trường ác liệt, trong một cuộc hành quân, tôi bị thương phải cưa mất một chân, đến gối. Tôi chưa kịp xuất viện thì quân đội tan hàng. Ngôi Quân Y Viện dành chỗ cho những thương binh phía bên kia. Mẹ thường dặn dò:

Xem thêm:   Bên bờ ly biệt

– Con nhớ đừng nóng nảy, mình là phía thua cuộc rồi, nhịn nhục để giữ mạng sống nghe con.

Tôi quát:

– Mẹ im đi…

Thế rồi tôi chống nạng, không quay nhìn mẹ một lần trước khi bước ra khỏi nhà. Mấy hôm sau nghĩ lại thái độ của mình đối với mẹ, tôi lấy làm ân hận. Lòng hứa sau mấy tuần xong cải tạo sẽ về nhà xin lỗi mẹ. Tôi đi biền biệt mấy tháng, rồi mấy năm.

Người đàn ông nghẹn ngào, ánh mắt u uẩn. Tôi mở chai nước đưa cho chú và hỏi:

– Vậy… chú cải tạo bao lâu thì được phóng thích, có ai thăm nuôi chú không?

– Sáu năm, lúc còn ở trong Hàm Tân thì chị tôi sẵn đi thăm chồng bà thăm tôi luôn thể vì dạo đó anh rể tôi cũng ở cùng trại.

– Lúc ở trại cải tạo chú không gặp lại bà cụ à?

– Không. Mẹ tôi đã già, đường sá xa xôi, hiểm trở nên khi chị tôi đi thăm mẹ tôi sắm sửa thức ăn gởi cho tôi. Khi tôi chuyển ra Bắc thì không còn ai thăm nữa, trong vòng chừng hai năm.

…Ngày tôi về, thân thể tiều tụy. Bước vào nhà thì tôi muốn khuỵu xuống khi thấy trên bàn thờ, cạnh ảnh của bố là tấm hình của mẹ. Mấy tháng sau tôi đi vượt biên.

Trăng quê người cũng sáng như trăng quê nhà nhưng lòng tôi sao âm u quá. Mùa Vu Lan cũng có phong tục gắn hoa cho phật tử. Tôi hay đến chùa để làm công quả, hơn bảy mươi mà nỗi ray rứt lớn nhất đời tôi là không nhìn  mẹ một lần trước ngày ra đi.

Boong…boong…

Tiếng chuông chùa từ chánh điện vọng ra. Buổi chiều đang rơi trên mái tóc bạc của chú.

NDAT