Trước đó, tôi có một giấc mơ lạ và đẹp. Lạ là bởi mọi thứ tôi gặp trong mơ, dễ đến 30 năm tôi hoàn toàn không nhớ gì về chúng. Vậy mà khi trở lại trong giấc mơ nó sống động từng chi tiết, bờ cỏ xanh bên rào, hoa văn bộ bàn ghế, gió đùa khóm trúc, bụi tre cựa mình, lũ chim chuyền cành tạo nên những âm thanh quấn quýt, líu ríu, xôn xao.

Đặc biệt mùi hương của hoa hồng, đậm mà thoảng, nhẹ mà sâu khi nồng nàn cuống quýt, lúc nhạt nhòa xa xăm. Và nhân vật tôi là của những năm chân sáo, áo đầm, tóc thắt bím xa lắc lơ hơn nửa thế kỷ rồi!

Lạ còn bởi, bình thường tôi rất mau quên những giấc mơ, chưa khi nào nhớ mạch lạc câu chuyện. Chỉ loáng thoáng những gương mặt người, chuyện nọ xọ chuyện kia, lộn xộn không thể sắp xếp thứ tự để kể lại ngọn ngành được. Thế nhưng, trong giấc mơ này, không gian và thời gian hiện lên rõ ràng, mạch lạc câu chuyện. Tại sao tôi đến đấy, để làm gì, với những ai.

Vườn hồng đủ sắc màu. Một dãy hoa vàng sáng lên trong nắng chiều, lượn vào màu trắng ngà của cái hàng rào gỗ thấp rồi chìm vào màu tường vôi mặt tiền căn nhà có nhiều ô cửa sổ. Bên dưới cửa sổ có vạt hoa hồng phấn hay màu hồng tro, tôi không phân biệt được vì ánh nắng chiếu vào hơi gắt. Trên thảm cỏ, từ cửa sổ đến một cây to xòe tán rất rộng và dày mà tôi không nhớ là cây gì, có đặt bộ bàn ghế mây màu trắng, hoa văn đan cầu kỳ. Chiều mùa hè, chúng tôi 4 đứa đang học Pháp văn với soeur Marie, người Pháp. Chỗ chúng tôi ngồi không có giọt nắng nào rơi xuống.

4 đứa học trò nhỏ là 2 anh em tôi và 2 chị em Phượng. Chúng tôi ngồi quanh bàn tròn nhìn soeur Marie đang cầm một tấm bảng nhỏ, có kích thước lớn hơn cuốn vở. Một loại bảng không viết lên bằng phấn mà bằng một cây bút nhựa ngắn, đầu bo tròn. Cái bảng có một lớp nền màu đen, bên trên là miếng nhựa trong. Soeur Marie lấy cây bút viết lên miếng nhựa trong, chữ nổi trên nền màu đen. Chờ chúng tôi đọc xong, soeur cầm lấy miếng nhựa kéo lên, xóa sạch rồi viết tiếp. Mấy chục năm sau, tôi mới gặp lại loại bảng này bán ở các nhà sách, gọi là “bảng viết xóa nam châm”.

Năm đó tôi và Phượng học lớp 5, anh tôi hơn 3 lớp. Sinh ngữ chính của anh tôi là Anh văn, lên lớp 10 mới học tiếng Pháp, gọi là sinh ngữ phụ. Anh tôi và chị của Phượng do đã quen việc học ngoại ngữ nên tiếp thu khá nhanh, riêng tôi học rất đuối, tôi hầu như không hiểu gì khi soeur Marie không biết tiếng Việt, vào giờ học toàn trao đổi bằng tiếng Pháp. Tôi lặp lại theo soeur như con vẹt mà không biết nghĩa câu, từ. Vậy mà sau này lên lớp 10 tôi luôn nhất lớp về môn Pháp văn và đọc rất đúng giọng, được thầy khen mới là điều ngạc nhiên chứ!

Được vài tháng, thấy tôi vẫn bết bát, không chút nào tiến bộ, soeur Marie “trả” tôi lại cho Ba, chỉ nhận dạy anh tôi. Sáng tôi học trên trường, cả buổi chiều ở nhà “lơ ngơ lớ ngớ” chẳng biết làm gì, Ba xin cho tôi học lớp Giáo lý của soeur Veronique, người Việt – gọi theo tên Thánh. Tôi cũng chẳng thích thú gì nên học hành lơ là lắm, nghe đó rồi quên ngay, hay lo ra trong khi học, chỉ mong mau được ra chơi… Biết vậy, soeur Veronique chú ý đến tôi hơn. Soeur càng chăm chút, tôi càng thấy khổ sở.

Bảo Huân

Tôi hay tiếc những lúc ra chơi. Bước chân của đứa trẻ lên 9, nín thở, chạy u chưa giáp vòng khu đất rộng đã bị gọi vào học tiếp. Có 2 ngôi nhà, phía trước là nhà xây gạch, có nhiều ô cửa sổ kính, tôi đoán là nơi tiếp khách hay cầu nguyện. Hoa hồng trồng khắp lối đi, sân trước, trong vườn. Phía sau là nơi ở của các soeur, nhà gỗ, dựng theo kiểu nhà sàn, cầu thang đi lên cao khoảng một mét. Ngôi nhà không có gì đặc biệt ngoại trừ một mùi thơm dịu, sạch, thoảng phất mùi nắng từ những bộ tu phục màu xám phơi trên một sợi dây chăng phía sau cùng.

Xem thêm:   Rực rỡ đêm

Một lần đi học sớm, tôi tha thẩn lần ra dãy phòng của các soeur và thấy một soeur đang đứng chải đầu trước gương. Mái tóc đen dày đổ xuống, dài và mượt óng đẹp lắm khiến tôi ngây ra hồi lâu mới giật mình len lén lùi đi vì sợ bị phát hiện. Hồi ấy các soeur đội lúp trùm kín tóc nên tôi cảm giác như mình vừa phạm một điều tội lỗi.

Soeur Veronique có gương mặt đẹp và thật hiền. Đôi mắt sau cặp kính trắng luôn nhìn mọi người một cách trìu mến; đặc biệt giọng nói nhỏ nhẹ, dịu dàng toát lên vẻ ân cần, quan tâm. Trong khu nhà ấy có nhiều soeur, nhưng tôi chỉ nhớ thêm một soeur lớn tuổi nhất, gương mặt khắc khổ, dáng đi nhanh nhẹn, giọng nói rất có uy. Những chiều êm ả với những giờ học Pháp văn, Giáo lý trong khu vườn hoa hồng đủ sắc màu ấy trôi chậm, đưa tôi qua hết mùa hè tiểu học rồi vào trung học.

Giấc mơ chỉ đến đó nhưng khiến tôi nhớ đoạn sau này với nhiều ray rứt những năm tuổi 20.

Tôi vào trung học, bài vở, vui chơi, bè bạn, cuốn đi… tôi không còn dịp ghé lại khu nhà có vườn hoa hồng, chiều bình yên ríu rít tiếng chim. Mùi thơm dịu nhẹ cộng với mùi nắng cũng tan trôi vào quên lãng. Sau này nghe ba tôi nói các soeur dọn đi nơi khác rộng rãi hơn.

18 tuổi tôi vào năm thứ 2 đại học ở Thủ Đức. Những năm thời bao cấp, xe cộ đi lại rất khó khăn. Tôi là dân tỉnh, mỗi lần vào lại Sài Gòn phải chen lấn mua vé xe rất khổ cực. “Đặt cục gạch” từ mờ sớm, xếp hàng cả ngày, đến phiên mình thì hết vé là chuyện cơm bữa. Bến xe ngày ấy rất hỗn độn, phức tạp, cướp giật, lường gạt đủ thứ, nói chung là phải rất cảnh giác, sơ hở dễ bị móc hay rạch túi xách. Tôi đã bị rọc túi một lần vào năm thứ nhất khi chen xe buýt từ Sài Gòn lên Thủ Đức. Nhớ lại đường dao lam bén ngót để lại trên cái túi simili còn lạnh người!

Hôm ấy, dù đã ra bến xe từ sáng sớm nhưng tôi vẫn không xếp được phía trước. Gần 3 tiếng đồng hồ chờ đợi, cuối cùng hết vé! Trong âm thanh lao nhao của đám đông, bật lên tiếng loa phóng thanh yêu cầu mọi người trật tự, nếu còn vé sẽ bán tiếp. Tôi nản quá vừa quay ra sau định nhờ người kế tiếp giữ giùm chỗ để ra ngoài một lát thì bắt gặp một gương mặt nhìn tôi chăm chăm có lẽ từ lâu lắm. Tôi chột dạ có chút sợ hãi khi nghĩ đến những việc thôi miên, bỏ bùa mê ở bến xe. Người phụ nữ có gương mặt khắc khổ, màu da sạm, quầng những vết nám mà cặp kính mát màu xanh không che được hết. Tóc dài, kẹp bằng cây kẹp nhựa. Quần bà ba đen và cái áo ngắn màu xám tro nói lên vẻ lam lũ, quê mùa; ngược lại, đôi bàn tay nhỏ và thon, ngón áp út có đeo một chiếc nhẫn cho thấy cốt cách thanh nhã, lịch sự.

Xem thêm:   Đổi bằng lái xe cám ơn đời

Đột nhiên người phụ nữ hỏi tôi: “Em mua vé đi Sàigòn?”. Tôi gật đầu rất lạnh nhạt vì nghĩ bà ta đang có “ý đồ” gì đây. “Em học ở Sài Gòn?”. Lúc này thì tôi bực mình thật sự: “Vâng”. Bà ta nhìn tôi cười: “Em lớn quá tôi nhận không ra, nhưng tôi thấy Ba đang chờ em ngoài kia”.

Tôi ngạc nhiên: “Sao cô biết ba cháu?”. “Có lẽ em quên rồi. À, mà em học ở đâu vậy?”. Tôi trả lời: “Dạ, ở Thủ Đức”.  Bỗng dưng cảm giác sợ hãi ập đến, tôi thấy mình sao dễ tin người, hé lộ thông tin nơi học làm chi với người phụ nữ không quen ấy.

Thế nhưng người đàn bà chỉ cười và nói: “À, Thủ Đức”, rồi quay đi khi nghe có tiếng kêu bên ngoài. Tức thì, như một luồng điện xẹt ngang kích hoạt nhanh ký ức tôi. Nụ cười hiền, giọng nói dịu nhẹ, ân cần, khu vườn rộn tiếng chim, hương hoa hồng, bộ bàn ghế mây, tấm bảng của soeur Marie… lần lượt hiện lên chậm và chi tiết như tôi đang lần giở một cuốn album cũ. Tôi không có thời gian chạy theo người phụ nữ vì loa phóng thanh vang lên yêu cầu mọi người vào hàng. Tôi vội vàng quay lại và tự nhủ mua vé xong sẽ ra tìm cô ấy.

Khi ra bên ngoài, tôi chỉ thấy Ba đến đón. Ba hỏi: “Mua được vé không, con?”. Tôi gật đầu, Ba nói tiếp: “Hồi nãy Ba có gặp soeur Veronique. Bà ta giờ già và trông khắc khổ quá, lúc đầu Ba nhận không ra nhưng nhờ giọng nói quen thuộc. Soeur hỏi con học ở đâu, học có giỏi không. Ba nói con học giỏi, bà ta vui lắm”. Tôi vội vàng: “Thế soeur đâu rồi, Ba?”. “Chắc bà ấy đã mua được vé đi Sài Gòn. Thôi mình về, ngày mai ra bến xe sẽ gặp nhau”.

Tôi bị “đứng hình” trong vài giây, sau đó tràn ngập cảm giác vừa hổ thẹn, nuối tiếc, tự trách mình. Gần 10 năm trôi qua, sao tôi vô tình như vậy chứ!

Tối đó, vào sinh nhật 18 tuổi, tôi đã viết một lá thư dài với những dòng chữ ray rứt, mong soeur tha thứ và dự định sáng hôm sau ra bến xe sẽ đưa cho soeur. Thế nhưng, mãi mãi lá thư không có người nhận. Trên chuyến xe đi Sài Gòn ngày hôm đó, tôi không gặp được nụ cười hiền, giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp của ngày xưa.

Năm thứ tư đại học, tôi nghe Ba báo soeur Veronique chuyển vào Thủ Đức. Tôi đã tìm trong vô vọng, bế tắc không một tin tức gì về soeur.

Mười tám tuổi, tôi không dám tin vào sự nhân ái, thánh thiện của cuộc đời bởi nỗi hoài nghi quá lớn. Tôi nợ một lời xin lỗi cần phải được nói ra với một người trong suốt những năm tháng tuổi trẻ cho đến khi mọi thứ nguôi ngoai theo thời gian.

-oOo-

Tôi có một kế hoạch là chụp hình lại tất cả những ngôi nhà cổ/xưa ở quê mình. Tôi đặt tên cho cái “dự án” nhỏ này là “Tìm lại dấu xưa”. Tôi có kể cho bạn bè thời trung học nên mỗi khi biết được ngôi nhà nào đẹp, bạn hay mách tôi tìm đến.

Tôi gặp lại Phượng chỉ mới mấy năm sau này. Thời gian ngắn ngủi ở lớp Pháp văn của soeur Marie vừa đủ để biết tên. Lên trung học, chúng tôi khác lớp nên mối quan hệ nhợt nhạt, lỏng lẻo. Dòng đời trôi, tôi rời quê xuống thành phố, công việc, gia đình, cơm áo… Mãi đến khi nghỉ hưu mới có dịp “tùng tơn” cùng bạn bè cũ. Bây giờ chúng tôi thành nhóm 4 người, mỗi năm 2 lần đi chơi xa đâu đó, còn cà phê họp mặt ăn uống là bình thường.

Xem thêm:   Cây cầu biên giới

Hôm ấy, tôi và Phượng ngẫu hứng rủ nhau “tìm lại dấu xưa” vì Phượng bảo giới thiệu cho tôi một nhà cổ rất đẹp tha hồ chụp hình. Trong câu chuyện giữa chúng tôi và chủ nhân nhà cổ không hiểu sao lại lạc vào khu đất rộng mà hồi ấy người ta cho các soeur thuê dựng nhà sàn, làm nơi ở và dạy học. Tôi và Phượng nhìn nhau: có phải ngôi nhà hồi đó không? Tôi hỏi dồn tin tức về các soeur. Người kể chuyện lắc đầu: “Chỉ biết sau đó các bà ấy dời vào D., cách đây 30 cây số”.

Chúng tôi thẳng tiến đến D., mục đích hỏi thăm tin tức về các soeur ngày ấy mà trong tay không có một địa chỉ cụ thể nào, hú họa may rủi. Chưa đi làm sao biết con đường mình sẽ đến có những hy vọng gì mở ra, chờ đón?

Vừa đi vừa hỏi thăm đường với những thông tin vô cùng mù mờ, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nơi cần đến là một tu viện. Thật tình ban đầu tôi không nghĩ sẽ gặp lại soeur Veronique nên tôi đã rất ngỡ ngàng khi biết soeur mới về lại Dòng, 2 năm trước. Tôi thở ra như hạ được cái gánh mang trên vai nhiều năm tuổi trẻ và hồi hộp ngồi đợi ở phòng khách. Không nhầm lẫn vào đâu được khi thấy soeur trong bộ trang phục thường ngày, quần đen, áo ngắn, đầu đội lúp trắng. Cặp kính trắng trên gương mặt trái xoan, nụ cười đôn hậu vẫn y nguyên trong cái nhìn của đứa con nít tôi ngày ấy, đặc biệt không thể nào quên giọng nói đã khiến tôi ray rứt một quãng đời. Tôi đã tìm một người đến tận hơn nửa thế kỷ mới gặp lại, ngẫu nhiên không định trước mà thành.

Chỉ một điều, chúng tôi có chung ký ức về ngôi nhà ấy nhưng thời gian quá lâu rồi, soeur đã thuyên chuyển nhiều nơi, cuối đời về lại D. an dưỡng tuổi già. Soeur đã dạy biết bao lớp học trò nhỏ, làm sao nhớ được một đứa bé lười học chỉ thích đi tha thẩn khám phá, tìm tòi.

Tôi kể về Ba tôi, một người thầy thuốc vốn là bạn thân với các soeur khi xưa, nhưng đáp lại chỉ là cái lắc đầu: “Không nhớ”. Thời gian đã sàng lọc và bỏ đi quá nhiều ký ức đời người. Chỉ có tôi ôm giữ những câu trả lời lạnh nhạt ở bến xe ngày ấy và gặm nhấm nỗi day dứt của riêng mình.

Cuộc đời là vậy, đôi khi chúng ta mãi hoài ân hận về một lỗi lầm và chờ xin cơ hội tha thứ, nhưng người ấy hoàn toàn không nhớ, không chú ý để nhớ vì nó quá tiểu tiết trong ngồn ngộn dữ liệu đời người.

Soeur kể về soeur Marie:

“Sau những biến động, chị Marie trở về Pháp và ra khỏi Dòng. Chị có trở lại Việt Nam trong một chuyến du lịch và gặp chúng tôi, chị em vui mừng hàn huyên sau nhiều năm xa cách. Thời gian, bao chuyện vật đổi sao dời. Vào tuổi 84, soeur cũng quên khá nhiều rồi!”

Cho dù soeur không nhớ, nhưng với tôi như được “giải tội”. Cảm giác nhẹ nhàng, tôi thấm hiểu cuộc đời có những điều thật thú vị. Và may mắn đôi khi như một phước lành, ân sủng không dễ có được.

Tôi thấy mình may mắn!

ĐTTT