Benjamin Fournel cố hết sức bước lên những bậc thang cuối cùng dẫn lên căn phòng. Anh cảm thấy lực tàn sức cạn. Anh tra vào ổ chìa khóa vừa lấy trong túi ra. Sau mỗi động tác, anh lảo đảo như chực ngã xuống sàn nhà.

Hai tay anh phải bám víu vào tường để khỏi đổ xuống. Đã mấy ngày rồi anh chưa nuốt miếng gì vào bụng. 1, 2 hay có lẽ 3 ngày? Mấy đồng xu cuối cùng còn lại trong túi anh chỉ đủ trả một tách cà phê. Anh đã cố lê bước xuống lầu để gọi điện thoại… nhưng rồi anh tự hỏi “gọi cho ai bây giờ ?” Tất cả cái tên gọi đi anh đều nhận được câu trả lời tương tự:

–   Thằng bạn tội nghiệp. Mầy gọi sai địa chỉ rồi. Tao cũng túng quẫn như mầy thôi… Nhưng hãy lạc quan lên. Đừng vội tuyệt vọng, rồi mọi chuyện sẽ đâu vào đấy thôi, cũng như tao cách đây vài năm.

Nhưng Benjamin Fournel đã sống trong tình trạng bi đát, dở chết dở sống này gần 10 năm rồi mà vẫn chưa tìm ra lối thoát. 10 năm trong nghèo khổ với cái đói cồn cào bao tử. Một hai cái bánh sandwich và tách cà phê bỏ thật nhiều đường mỗi ngày chỉ giúp anh cầm hơi, duy trì sự sống.

Công bằng mà nói thì Benjamin là một tài năng. Đường vẽ sắc nét, bay bướm bằng bút chì của anh được các nhà xuất bản truyện tranh đánh giá cao. Có điều những nhân vật trong truyện được Benjamin thể hiện trong bối cảnh lỗi thời. Những câu chuyện phản ảnh một thế giới đã cổ xưa, những ngôi nhà bình dị với cổng xe ra vào, những người giúp việc mặc áo gi lê kẻ sọc tay bưng chiếc khay bạc đựng giấy bạc thơm phức dành cho các quả phụ…

Nhưng đừng vội trách Benjamin bởi anh ta cũng lạc hậu như những nhân vật trong tác phẩm của mình. Có ai tưởng tượng vào năm 1950 mà Benjamin vẫn xuất hiện trước công chúng với kính một tròng bên dưới vòm xương lông mày? Những câu chữ anh dùng cũng thuộc về thế kỷ trước. Người ta có thể sống trong một thế giới khác nhưng phải quay về với thực tế hàng ngày khi thanh toán hóa đơn tiền khí đốt hay hóa đơn bánh mì.

Người gầy nhom vì thiếu cái ăn, tối nay Benjamin về nhà chờ… chết.

Sau khi đóng cửa căn phòng, Benjamin lê bước đến bên cửa sổ mở tầm nhìn ra vô số mái nhà của Paris hoa lệ. Con đường bên dưới lúc nhúc xe cộ và người qua lại mà không một ai biết có một mảnh đời đói khổ, tuyệt vọng đang ở trên lầu 6 con đường họ đi qua.

Người họa sĩ cùng khổ đưa tay lấy tờ giấy và nguệch ngoạc nét viết chì dòng chữ tổng kết một đời người: “Hôm nay ngày 10 tháng 06 năm 1952, tôi không còn trông chờ một ai nữa”.

Bảo Huân

Sau khi cẩn thận đặt tờ giấy lên bàn, anh cố gắng hết sức bước tới cái tủ lấy bộ lễ phục ra mặc rồi nằm dài trên giường trong tư thế người chết và dần chìm vào cõi hư vô.

Xem thêm:   20 & 21

Kim đồng hồ chỉ 19h11 và theo dòng chữ ghi chú trên tờ lịch, hôm nay mặt trời lặn đúng 40 phút nữa. Khi tỉnh trí lại, Benjamin Fournel thấy mình nằm trong căn phòng rộng, vách giăng vải thưa, cửa sổ mở ra mảnh vườn và điệu nhạc du dương vang bên tai.

Đôi mắt Benjamin dừng lại trên đôi bàn tay đặt ngay ngắn trên bụng. Anh nghĩ ngay đó là bàn tay của ai đó bởi móng tay được cắt gọn gàng và bên trên còn được phủ một lớp sơn móng tay bóng loáng màu trắng trong. Nhưng sau khi động đậy ngón cái rồi ngón giữa, anh nhận ra rằng đó chính là bàn tay của anh. Hai bàn tay anh lú ra khỏi ống tay áo pajama màu vàng nâu bằng lụa giống như tấm vải trải giường.

Benjamin cố gắng đưa tay lên gần mặt: lông tay vừa được cạo nhẵn toát ra mùi hương thơm dịu của gỗ đàn hương. Đưa mắt nhìn chung quanh, anh thấy toàn đồ đạc, vật dụng đắt tiền, một bình hoa thược dược đặt ngay giữa cái bàn bằng gỗ gụ. Benjamin tự hỏi:

– Mình đang nằm mơ chăng? Nhưng dù sao thì đây cũng là một giấc mơ dễ chịu mà mình muốn kéo dài. Giấc mơ hẳn là rất dễ tan biến bất cứ lúc nào. Chỉ cần một động tác bất chợt, một tiếng động nhỏ là nó tan vỡ như  bọt xà phòng để đưa người nằm mơ trở về với thực tại.

Benjamin cố gắng gượng ngồi dậy nhưng không thể. Một cô y tá có gương mặt tuyệt đẹp trong bộ đồng phục màu xanh lơ xuất hiện. Anh lên tiếng:

– Tôi đang nằm mơ ư?

Giọng nói có vẻ như  vọng lại từ một nơi xa thẳm, thời cổ xưa… và rất nhỏ, chỉ vừa đủ nghe. Cô y tá xinh đẹp hẳn đã nghe được bởi cô xác nhận với Benjamin là anh ta không nằm mơ. Cô y tá yêu cầu anh nằm im và đưa tay nhấc điện thoại móc trên tường:

– Bệnh nhân đã hồi tỉnh, xin vui lòng báo với bác sĩ!

Nhưng Benjamin Fournel tin chắc anh đang nằm mơ, bằng chứng là anh luôn trong trạng thái đờ đẫn nửa mê nửa tỉnh, mọi cử động của anh diễn ra cực kỳ chậm chạp. Ngay cả giọng nói của anh cũng không bình thường. Và tại sao anh hiện diện trong căn phòng sang trọng này, không phải phòng bệnh viện dù có cô y tá gần bên.

Vừa mới đây thôi, anh nằm dài trên giường, kiệt sức chờ thần chết đưa anh thoát khỏi cảnh đời cơ cực. Vâng đây đích thực là giấc mơ mà Chúa dành cho anh. Anh muốn giấc mơ kéo dài bất tận để khỏi phải quay về với thực tế phũ phàng cùng cực.

Benjamin mơ màng nhìn thấy vị bác sĩ đến bên cạnh, cái ống nghe vắt chéo trước ngực. Cùng đến với bác sĩ là người hầu mặc áo vét trắng, găng tay trắng, quần đen, tay bê một cái khay bạc đựng vài cái tách và đĩa. Bác sĩ bắt mạch cho anh và ra dấu cho người hầu đặt cái khay lên giường:

Xem thêm:   Có những tháng ngày như thế ...

– Anh hãy uống món súp bò cô đặc này, nó sẽ giúp anh lấy lại sức. Sau đó tôi sẽ thuật lại phép lạ nào đưa anh đến đây.

Trong khi cô y tá cho anh uống từng muỗng súp bò, Benjamin nghĩ trong giấc mơ bất cứ điều gì đều có thể xảy ra. Nước súp bò nồng ấm lăn dài từ cổ họng xuống bao tử anh. Chưa bao giờ anh có bữa ăn ngon đến thế.

Khi chén súp cạn, bác sĩ ngồi xuống giường và cất tiếng nói chậm rãi từng âm tiết cốt cho Benjamin hiểu tường tận:

–  Một sự thật chắc chắn sẽ gây cho anh ngạc nhiên tột cùng … Cách đây 2 năm, 3 tháng, 11 ngày, anh được tìm thấy nằm hấp hối trong căn phòng ở khu Latin. Anh được đưa vào bệnh viện và cứu sống bằng sự chăm sóc đặc biệt. Sau đó, theo yêu cầu của luật sư, anh được chuyển đến khách sạn đặc biệt gần Bois de Boulogne và may mắn thay, anh vừa mới thoát ra khỏi giấc ngủ dài. Phải mất nhiều tuần để anh hồi phục hoàn toàn. Chúng tôi sẽ làm hết sức nhằm giúp anh về với cuộc sống bình thường.

Bác sĩ đo huyết áp, nghe nhịp tim, phổi… cẩn thận ghi vào bệnh án và dặn dò cô y tá những điều cần thiết. Trước khi rời căn phòng, bác sĩ thông báo với Benjamin rằng người đại diện quyền lợi của anh đã được thông báo việc anh hồi tỉnh và sẽ sớm đến gặp anh. Khi nghe nói đến “người đại diện quyền lợi” cho mình, Benjamin bất chợt cười thầm vì anh chưa bao giờ có tài khoản ở ngân hàng!

Thế nhưng người đại diện quyền lợi của anh đã đến cùng với luật sư và cô thơ ký! Đúng là trong giấc mơ, điều gì cũng có thể xảy ra, ngay cả điều vô lý nhất. Vị luật sư thông báo:

– 3 tháng trước khi anh hôn mê, một người anh em cùng cha khác mẹ với bố anh mất tại Braxin, để lại khối tài sản khổng lồ cho bố anh. Do bố anh đã mất, nên với tư cách là con trai duy nhất, anh là người thừa kế khối tài sản kếch xù mà trị giá lên đến 600 triệu francs.

Thời gian điều tra, làm thủ tục và xác định người thừa kế khá dài, cuối cùng người thừa kế được tìm thấy tại bệnh viện trong trạng thái hôn mê và người đại diện quyền lợi của Benjamin quyết định thuê khách sạn đặc biệt này cùng bác sĩ, y tá… chăm sóc cho anh xứng tầm một nhà triệu phú. Vị luật sư tiếp:

– Người đại diện quyền lợi của anh sẽ trình cho anh bảng chi phí chăm sóc trong thời gian hơn 2 năm anh hôn mê. Trong khi chờ đợi, xin anh duyệt tấm chi phiếu mà số tiền lên đến…

Benjamin ra dấu anh tin vào báo cáo của luật sư. Anh ký tên vào tấm chi phiếu và thỏa mãn nhắm mắt lại đi vào giấc mơ. Thế là giấc mơ hạnh phúc kéo dài trong 6 tháng tiếp theo.

Xem thêm:   Hoàng hôn bên Clarks Hill Lake

Trong vô thức anh đang hưởng những tiện nghi của căn phòng sang trọng, chiếc giường nệm êm ái. 6 tháng là thời gian để cơ thể anh hồi phục sau hơn 2 năm nằm bất động. Tuy nhiên trong thâm tâm, anh luôn nghĩ mình đang sống trong một thế giới ảo. Với nhận thức lệch lạc, Benjamin ăn, ngủ, đi dạo trong khu vườn khách sạn, sai bảo nhân viên phục vụ, ký những tấm chi phiếu… mà luôn nghĩ rằng mình đang trong giấc mơ hạnh phúc.

Mỗi lần bác sĩ, người đại diện quyền lợi hay cô y tá nói rằng anh đã ra khỏi giấc mơ và đang sống một cuộc sống thật, anh chỉ mỉm cười đáp lại:

– Vâng, vâng tôi biết rồi, nhưng hãy cẩn trọng kẻo tôi tỉnh giấc và lại đối mặt với thực tại phũ phàng.

Và mọi người không còn nhắc lại sự thật đó nữa bởi họ muốn Benjamin tận hưởng “giấc mơ hạnh phúc”…

Cuộc sống nửa tỉnh nửa mê trong niềm hạnh phúc vô biên kéo dài nhiều tháng. Thế rồi một hôm, người cô của Benjamin từ tỉnh lẻ mò đến. Không thể chịu được cháu ruột của mình sống nửa tỉnh nửa mê như thế, người cô yêu cầu bác sĩ phải làm gì đó để Benjamin thoát ra khỏi “giấc mơ” và trở về với thực tại.

Theo lời khuyên của một nhà tâm lý học nổi tiếng, vị bác sĩ cho Benjamin uống thuốc ngủ rồi đưa anh ta trở về căn phòng tối tăm, nghèo nàn ở khu Latin, nơi anh được phát hiện nằm thoi thóp chờ chết. Cảnh trí căn phòng được tái tạo giống như lúc trước. Benjamin được mặc lại bộ quần áo như nhà kế bên mô tả lúc đưa vào bệnh viện. Tấm giấy viết dòng chữ: “Hôm nay ngày 10 tháng 06 năm 1952, tôi không còn trông chờ một ai nữa” cũng được đặt trên bàn, tại chỗ cũ.

Núp sau cánh cửa khép hờ, nhà tâm lý học, vị bác sĩ và người cô của Benjamin sẵn sàng can thiệp mọi tình huống. Benjamin dần tỉnh và từ từ mở đôi mắt buồn thiu nhìn quang cảnh chung quanh. Thế là giấc mơ tuyệt vời đã kết thúc. Benjamin từ từ ngồi dậy, đưa hai tay ôm đầu.

Nhà tâm lý học vỗ vai người cô báo hiệu đã đến lúc can thiệp.

– Benjamin, cháu. Là cô Marie của cháu đây.

Như bị kích thích bởi một luồng điện cực mạnh, Benjamin đứng phắt dậy chạy đến đẩy cửa sổ mở toang ra…

–   Benjamin!

Mọi người bổ nhào vào căn phòng về hướng cửa sổ, nhưng đã quá muộn. Benjamin, “người không còn trông chờ ai nữa”, quyết chọn cái chết hơn là sống vất vưởng trong nghèo khó.

Bên dưới căn phòng tầng 6, mọi người ùa chạy đến quanh cái xác nằm bất động.

Truyện ngắn của Pierre Bellemare

ĐDH (Phỏng dịch từ nguyên tác “Je n’attends plus personne” của Pierre Bellemare, Pháp)