Ðại hội toàn trường của trường trung học được tổ chức trong một nhà hàng lớn ở quận Cam California năm nay có rất nhiều người tham dự, vì địa thế thuận lợi và vì mấy năm rồi trường chưa họp mặt lần nào nên ai cũng nao nức cố gắng thu xếp những chuyện bận rộn riêng tư để có dịp gặp thầy xưa bạn cũ …

Phượng cũng thế, chàng từ thành phố Seattle về đây.

Mẫn, người trong ban tổ chức đại hội đã thông báo trước cho Phượng biết là buổi họp mặt sẽ có Nguyễn thị Bông, tên một người con gái mà chàng còn nhớ mãi vì cái tên dễ nhớ và vì một thuở chàng đã từng yêu..

Ngày xưa Mẫn cũng như các bạn cùng lớp không ai là không biết mối tình si của Phượng dành cho Bông cho nên hôm ấy Mẫn hào hứng dặn dò:

– Này Phượng, tao nghe nói Bông độc thân từ lâu sau khi hai vợ chồng chia tay đường ai nấy đi, Bông sang Mỹ thăm con trai đang du học và có ý định muốn ở lại Mỹ. Bây giờ “tình thế” đã đổi chiều, dịp này biết đâu Phượng và Bông lại có nhân duyên với nhau

Phượng đã lừng khừng:

– Ừ thì… để xem gặp lại nhau trái tim mình có…đập loạn xạ như ngày xưa không.

Mẫn khích lệ bạn:

– Đằng nào mày cũng phải tìm duyên mới, lấy Bông là lấy được người trong mộng và… cứu được một người từ Việt Nam sang Mỹ luôn.

Phượng đến nhà hàng đúng giờ đã thấy người ta hiện diện gần kín mọi bàn, Các bạn trong ban tổ chức đang lăng xăng bận rộn chàng tự tìm một bàn còn chỗ trống và ngồi xuống. Bàn10 người mà thêm chàng mới là 5 người.

Họ toàn là những khuôn mặt lạ có thể là khác lớp, khác niên khoá.

Phượng chưa kịp bắt chuyện xã giao để làm quen với ai thì Mẫn đã đến và chỉ một phụ nữ ngồi đối diện Phượng hân hoan giới thiệu:

– Còn nhớ ai không? Nguyễn Thị Bông nè… Còn đây, xin giới thiệu với chị Bông, anh ta là Nguyễn Văn Phượng.

Hai người nhìn nhau, cùng ngỡ ngàng trong ánh mắt vì nếu không có Mẫn giới thiệu thì chắc gì họ đã nhận ra nhau nhanh chóng sau hơn 40 năm xa cách.

Bảo Huân

Phượng lên tiếng trước:

– Chào Bông, không ngờ được tái ngộ Bông mà lại càng không ngờ tôi chọn đúng bàn này. Tôi xin lỗi đã không nhận ra Bông ngay…

– Bông cũng không nhận ra anh Phượng. Thời gian và cuộc sống đã làm chúng ta thay đổi quá nhiều.

Quay qua Mẫn, Bông nói:

– Ngay như anh Mẫn có nhiều điểm đặc biệt mà mãi Bông mới nhận ra anh ấy, là trưởng lớp chúng mình ngày xưa nhờ…

Mẫn nhanh nhẩu cướp lời bạn:

– Nhờ cái miệng rộng nụ cười toe toét như các bạn cùng lớp thường đùa chứ gì…

Mẫn lại cười thoải mái và nói tiếp:

– Có vài đứa còn nói cụ thể là tôi có nụ cười toe toét rộng đến mang tai, rộng như… miệng chảo, rộng như… cái nia. Tất cả đều đúng quá.

Bông thành thật khen:

– Anh Mẫn vẫn vui tính hay đùa như xưa, nhờ thế trông anh trẻ phây phây. Qua đây  Bông đã gặp gỡ vài bạn xưa thấy ai sống ở Mỹ cũng tướng mạo đẹp đẽ phong lưu hẳn ra…

Mẫn vui đùa:

– Có khi bên trong đang lo sầu vì mất việc, vì nợ nhà nợ xe đấy Bông ơi. Mà này, nhìn  tướng tá Phượng phong lưu thế này ai biết ngày xưa là Phượng còm ròm nhút nhát, thấy con gái thì lấm la lấm lét nhỉ…

Quay nhìn Bông, Mẫn nói tiếp:

– Tôi còn nhớ ngày xưa bạn bè cùng lớp cứ trêu chọc và ghép tên hai bạn thành “Bông Phượng” và… hình như anh Phượng thích được ghép tên lắm thì phải? mỗi lần bị trêu là anh đỏ mặt lên vì sung sướng.

Xem thêm:   Anh hùng

Phượng vui vẻ gật đầu:

– Không ngờ anh Mẫn vẫn nhớ cái kỷ niệm… vô duyên này của tôi, vì ngày ấy Bông đã không thích tôi mà còn ghét tôi ra mặt nữa chứ.

Mẫn đứng lên:

– Tôi xin kiếu hai bạn để đi đón tiếp khách khác nhé. Chúc “Bông Phượng” cùng nhau tìm về kỷ niệm.

Bây giờ Phượng mới nhìn Bông kỹ hơn, là một phụ nữ héo hon không còn giữ lại nét nào của cô học trò cấp ba xinh đẹp mà Phượng đã từng mơ ước, gương mặt Bông già nua, đôi mắt với những vết nhăn vết quầng thâm chắc nàng đã trải qua những đoạn đường đời lo toan vất vả, mái tóc rụng xơ xác chỉ còn mỏng tanh dù nàng đã cố tình chải cho phồng ra vẫn không che giấu nổi sự trống vắng trên da đầu.

Làm sao Phượng có thể nhận ngay ra Bông với hình ảnh ngày xưa mái tóc dày đong đưa trên bờ vai xinh mà bao lần Phượng từng thức trắng đêm tìm vần thơ đẹp cho xứng với mái tóc huyền mơ mộng ấy.

o O o

Sau buổi đại hội trường vui vẻ nhưng có một chút buồn bâng khuâng đến với Phượng chính là Bông. Không ngờ Bông thay đổi đến thế.

Tình yêu xưa không còn, chàng chỉ thấy thương cảm cho một nhan sắc đã tàn phai.

Bông là mối tình đầu của Phượng từ năm học đệ tam, Phượng mới 16 tuổi, hai đứa cùng lớp cùng tuổi mà chẳng cùng một tâm tư.

Bông xinh đẹp học giỏi con nhà giàu còn Phượng học lực trung bình lại là con nhà nghèo, dáng cao gầy gò trông càng thảm hại. Nhiều bạn trai cùng lớp và khác lớp đều thích Bông thì Bông đời nào thèm để ý đến Phượng, nàng thừa biết Phượng si mê nàng và xem tình yêu ấy như một trò đùa vậy mà Phượng vẫn không hề nản lòng, cứ miệt mài tập làm thơ với những hình ảnh Bông, nào là mái tóc em, nào là nụ cười em, nào là dáng em… mọi thứ đều nên thơ và đẹp đẽ.

Cuối năm đệ nhị Phượng đã rụt rè đưa cuốn lưu bút cho Bông, nhưng Bông kiêu kỳ từ chối:

– Xin lỗi Phượng nhé, tôi không có thì giờ…

Phượng cố nài nỉ:

– Bông…làm ơn làm phước viết cho Phượng vài dòng làm kỷ niệm, muốn viết gì cũng được miễn là có nét chữ của Bông.

Nàng đã thương hại cầm lấy cuốn lưu bút và hôm sau đưa trả lại Phượng, nàng viết một câu duy nhất: “Tôi và Phượng là hai đường ngược chiều không bao giờ gặp nhau, Phượng đừng theo đuổi tôi cho mất công”

Những lời này đã làm Phượng thất vọng và đau đớn vậy mà Phượng vẫn si mê như con thiêu thân đâm đầu vào ánh đèn, Phượng đã viết cho Bông mấy hàng chữ và đưa tận tay nàng: “Bất cứ lúc nào Bông quay đầu lại, đổi hướng đi cùng chiều với Phượng thì Phượng xin sẵn sàng đón nhận”

Những lời yêu tuyệt vọng đáng thương ấy chẳng làm nàng cảm động mà trái lại Bông càng tỏ ra khó chịu mỗi khi phải đối diện Phượng.

Sau khi xong tú tài Phượng vào đời lính vì thất tình, chàng ôm mối tình tuyệt vọng, mối tình đơn phương. Bông luôn là hình ảnh xinh đẹp, như một thiên thần ở trên cao mà không bao giờ Phượng có thể với tới.

o O o

Tiếng điện thoại reo vang, khi Phượng cầm phone lên là tiếng của Bông, nàng rụt rè ái ngại:

– Phượng có bận rộn gì không? Bông gọi có làm phiền gì không?

Phượng bỗng nhớ lại giây phút xưa khi Phượng rụt rè ái ngại đưa cuốn lưu bút cho Bông, nhưng hôm nay chàng không chảnh như nàng, chàng nhún nhường đáp:

– Dù bận thì tôi vẫn vui khi được tiếp phone Bông mà.

Giọng Bông hớn hở hẳn lên:

– Gặp lại Phượng trong buổi đại hội trường Bông mừng ghê vậy đó, nhưng hôm ấy đông người và ồn ào mình không nói chuyện được nhiều. Bông mới qua Mỹ chưa có bạn bè nhiều để tâm sự, may mà… có Phượng.

Xem thêm:   Chuyện ở cửa hàng

– Bông có duyên với trường với bạn đấy, sang Mỹ du lịch đúng vào dịp trường họp mặt chứ biết đời nào chúng ta mới có thể gặp lại…

Bông thân mật:

– Nghe Mẫn kể hoàn cảnh Phượng bây giờ Bông vừa buồn vừa mừng, buồn vì biết vợ Phượng qua đời hơn 2 năm nay và các con ở xa chắc Phượng cô độc lắm, nhưng cũng mừng vì 3 đứa con của Phượng đều ăn học đàng hoàng.

– Tôi cũng vui vì các con ngoan, bây giờ tôi thảnh thơi nghỉ hưu non rồi Bông ạ.

Bông tiếc rẻ:

– Nghỉ sớm uổng vậy, Bông nghe nói làm hãng Boeing lương cao lắm mà…

– Tôi ra trường làm kỹ sư cho Boeing đến ngày nghỉ hưu non là bền bỉ lắm rồi, phải nghỉ sớm và tận hưởng cuộc sống khi còn sức khỏe chứ Bông.

Bông chuyển sang than thở:

– Công nhận sống ở Mỹ sướng thật, có làm có hưởng. Phượng may mắn đi Mỹ từ năm 1975 tuổi trẻ đôi mươi tha hồ có cơ hội ăn học làm lại cuộc đời, còn Bông lận đận tới giờ này mà giấc mơ đi Mỹ vẫn lửng lơ và đứa con trai thì du học không biết có cách gì ở lại? Phượng cho con trai Bông một lời khuyên đi…

– Theo tôi thì cháu cứ học cho giỏi, khi tốt nghiệp nếu xin được việc làm ở Mỹ thì có hy vọng xin được thẻ xanh ở lại…

Phượng đã nghe Bông kể sơ về hoàn cảnh gia đình, hai vợ chồng Bông đã ly dị vì người chồng thiếu trách nhiệm với vợ con, Bông phải vất vả làm ăn và lo cho đứa con trai duy nhất du học, nàng đã dành bao ước vọng tương lai tốt đẹp cho con.

Giọng Bông bỗng buồn rầu:

– Phượng ơi… Bông nhớ lại ngày chúng mình còn học chung mái trường mà tiếc quá, ngày ấy Bông ngây thơ khờ khạo không nhận ra mối chân tình của Phượng. Bông thật đáng trách phải không Phượng?

Giá mà những lời nói dịu êm này Bông thốt ra mấy chục năm trước thì Phượng đã sung sướng biết bao, nhưng cái tình cảm đầu đời ấy đã chết dần mòn theo thời gian lúc nào rồi. Phượng ngạc nhiên không hiểu sao đã có thời chàng yêu Bông đến thế và Phượng cũng ngạc nhiên sao hôm nay tự dưng Bông nhắc lại chuyện này?

Chàng chỉ biết an ủi bạn:

– Tôi không trách gì Bông đâu, tình cảm tuổi học trò mà, cả hai đứa mình đều vụng dại như nhau, chẳng ai là người có lỗi.…

Nhưng Bông vẫn tự trách mình:

– Bông vẫn nhớ lời viết vô tâm của mình trong cuốn lưu bút của Phượng. Hôm nay ông trời run rủi Bông gặp lại Phượng, cho phép Bông làm kẻ quay đầu đi trở lại con đường cùng chiều để tạ lỗi Phượng và để hai đứa đi chung đường nhé…

Phượng còn đang ngỡ ngàng thì Bông đã thao thao nói tiếp dường như những câu này đã được sắp đặt sẵn trong đầu:

– Bông và Phượng mỗi đứa dang dở một cách và giống nhau nỗi cô đơn, tình cảm xưa dành cho Bông chả lẽ không còn chút nào trong lòng Phượng? Vậy Bông xin Phượng… làm hôn thú và bảo lãnh Bông ở lại Mỹ, được không? Chúng ta sẽ đi nốt quãng đường đời còn lại.

Giây phút này thì Phượng quá ngỡ ngàng và kinh ngạc, chàng không ngờ Bông đã thẳng thắn đưa ra lời đề nghị thực tế này.

Phượng bây giờ là một người đàn ông lịch lãm với cuộc sống phong lưu, tài chánh vững chắc. Tiền hưu tại Boeing của chàng là tiền triệu, mỗi tháng mấy ngàn đô chàng xài không hết, chàng là niềm ước mơ của nhiều phụ nữ, vợ mất mới 2 năm mà Phượng đã có vài cơ hội quen biết với những phụ nữ độc thân, cũng tương xứng với trình độ, nếp sống như chàng, cũng tỏ ra mặn mà với chàng mà Phượng còn chưa có ý định tái hôn ngay lúc này thì nói gì đến cái tình cảm đã nguội lạnh với Bông..

Xem thêm:   Bữa ăn tối ở nông trại

Tội nghiệp Bông, tưởng Phượng vẫn là thằng học trò khờ khạo vì tình yêu năm nào.

Phượng bối rối tìm cách trả lời Bông:

– Tôi… chưa có ý định kết hôn lần nữa… tôi đang vui hưởng cuộc sống thảnh thơi về hưu.

Nàng nài nỉ như ngày xưa Phượng đã nài nỉ nàng viết mấy chữ vào cuốn lưu bút:

– Nếu Phượng không còn yêu Bông thì coi như… làm phước giúp Bông đi…Làm xong giấy tờ Bông hứa sẽ ly dị và không làm gì ảnh hưởng đến Phượng đâu.

Vốn tính cả nể thật khó khăn lắm Phượng mới dám thốt ra:

– Tôi… xin lỗi Bông, tôi không thể.

Bông nài nỉ tiếp:

– Chắc là Phượng đang có người yêu chứ gì, Bông biết mà, Phượng còn phong độ lắm. Bông không dám làm khó Phượng nữa, nhưng nếu Phượng có thể giúp cho con trai Bông được ở lại thì Phượng có giúp không?

– Bông nói gì tôi chưa hiểu? tôi chỉ có thể cho cháu những lời khuyên như vừa rồi.

– Thì Phượng nói có đứa con gái còn độc thân đó, nó cỡ tuổi con trai Bông, cho hai đứa kết hôn đi, kết hôn thật hay giả cũng được, tùy theo quyết định của cha con Phượng, cách nào mẹ con Bông cũng chịu hết…

Chỉ sau vài ngày gặp lại nhau mà trong đầu óc nàng đã vẽ ra những tính toán này. Chàng trả lời ngay:

– Không được, chúng tôi không thể làm điều giả dối.

Nàng hờn mát:

– Anh thật khó tính khác hẳn Phượng ngày xưa.

Phượng giải thích:

– Giả vờ kết hôn để giúp người vào Mỹ là sai trái pháp luật, chúng tôi sống ở Mỹ phải tôn trọng luật pháp Mỹ.

Biết không thể nhờ cậy gì Phượng nên Bông đã lạnh nhạt nói chuyện vài câu xã giao lấy lệ và tạm biệt.

Phượng nhớ hôm gặp Bông ở đại hội trường chính Bông đã chủ động chuyện trò với Phượng rất vồn vã thân tình, trước khi chia tay nàng đã không quên xin số điện thoại của Phượng. Thì ra chỉ vì mục đích này.

Phượng khẽ thở dài.

Ngày xưa Phượng và Bông là hai đường ngược chiều. Hôm nay con đường ngược chiều ấy càng dài và càng xa…

NTTD

Nguyễn Thị Thanh Dương

Trở về

(Cảm tác “Đi mãi” của Cung Lan).

 

Trở về tìm giấc ngủ ban trưa

Ngọt ngào trong tiếng mẹ hát ru

Hồn tôi là ca dao tục ngữ

Mẹ tặng tôi từ thuở bé thơ.

 

Tôi thấy lũy tre của quê nhà

Cánh diều ai thả bóng chiều xa

Đi mãi tưởng đã quên nguồn cội

Quên hương linh mồ mả ông bà.

 

Trở về để thắp một nén hương

Đứa con đã phiêu bạt mấy phương

Một phương này vẫn là duy nhất

Xa cách bao năm chẳng lạc đường.

 

Trở về tìm giấc mộng thanh xuân

Bài hát xưa nghe đã nhiều lần

Thổn thức: “Ngày em hai mươi tuổi”. *

Vẫn còn khóc được, vẫn bâng khuâng.

 

Tôi thấy chiếc áo thuở đôi mươi

Nằm ngoan trong ngăn tủ đợi tôi

Rộn ràng tôi mặc vào làm dáng

Áo màu tôi thích vẫn chưa phai.

 

Tôi thấy con hẻm xưa dại khờ

Xóm tôi ngày nắng hay ngày mưa

Có người đi tìm hoài con hẻm

Có người đứng ngoài ngõ mà mơ.

 

Đi mãi cũng có lúc mỏi lòng

Sông ơi dù đã chảy mấy dòng

Tủi thân sông muốn về với biển

Sẽ chẳng bao giờ cạn nhớ mong.

 

Trở về tìm lại tình thân thương

Đây mái nhà xưa đây cố hương

Tìm lại kỷ niệm êm đềm cũ

Và gọi tên người một cố nhân.

 

NTTD

*“Ngày em hai mươi tuổi” nhạc Phạm Duy