Nữ bá tước Pia Beltramini rảo mắt nhìn khắp sân khách sạn Villa d’Este cạnh bờ hồ Côme. Buổi dạ hội được ông vua tơ lụa Ý, Carlo Bianchi, tổ chức thật lớn, rực rỡ màu sắc: hàng chục người mẫu trong y phục may bằng tơ lụa đắt tiền duyên dáng diễn hành quanh những chiếc bàn nơi khách quý ngồi ngắm nhìn, bình phẩm. Đã gần 9 giờ tối ngày 01 tháng 09 năm 1948, nhưng mặt trời vẫn còn tỏa những tia sáng cuối cùng lơ lửng trên bầu trời thành phố Milan, nước Ý, tạo một màu xanh phơn phớt trên mặt nước hồ Côme…

Nữ bá tước Pia Beltramini lẻ loi ngồi một mình một bàn, trong khi những bàn khác đều có cặp có đôi âu yếm, tình tứ… chuyện trò. Nữ bá tước có ngoại hình khá hoàn hảo: nước da sạm nắng, mịn màng, thân hình thon thả, cân đối … và phong cách thì tao nhã, lịch sự không kém. Nàng ngồi một mình vì tuy chỉ mới 28 tuổi nhưng nàng lại góa chồng. Chồng nàng mất cách đây 3 năm trong cơn bão táp của Đệ nhị thế chiến tàn phá đất nước Ý.

Ngồi bàn bên cạnh, Carlo Bianchi vỗ tay tán thưởng người mẫu cuối cùng vừa đi ngang qua với sự phụ họa của khách mời. Phần biểu diễn thời trang may toàn bằng tơ lụa đắt tiền vừa kết thúc, nối tiếp theo là phần khiêu vũ. Với màu da sạm nắng, mái tóc điểm vài sợi bạc, Carlo Bianchi trông thật sự lôi cuốn và quyến rũ… tuy đã ngoài 40. Carlo mỉm cười hài lòng, niềm hoan hỉ hiện rõ trên gương mặt. Ngồi bên cạnh là Norma, vợ của Carlo. Nàng liên tục nhả khói thuốc, mông lung nghĩ ngợi về điều gì đó. Xuất thân từ dòng dõi quý tộc, từ nhiều năm nay Norma chỉ mặc toàn y phục màu đen, dù nàng không phải là góa phụ.

Carlo đứng lên khởi xướng buổi khiêu vũ, nhưng chàng không đưa tay mời Norma. Trùm tơ lụa Ý quyết định chọn bạn khiêu vũ là một người khác. Carlo bước qua trước mặt Pia Beltramini rồi đi thẳng đến một người phụ nữ khác đang ngồi đơn độc một mình. Đây là lần đầu tiên Pia nhìn thấy người phụ nữ này. Cô ta cũng có màu da sạm nắng, tuổi chưa quá 25. Nàng tên là Silvia Guido. Đó là tất cả thông tin mà Pia biết về cô ta.

Và trong khi các cặp nhảy tình tứ dìu nhau theo điệu valse du dương thì nữ bá tước Pia Beltramini ôn lại diễn biến cuộc đời của chính mình… Đó là một câu chuyện y như trong thần thoại dù được diễn ra trong những năm tháng đen tối nhất của nước Ý, và kết cục đầy bi thảm.

Bảo Huân

-oOo-

Mọi việc bắt đầu vào năm 1937, khi Pia Beltramini vừa tròn 17 tuổi. Lúc bấy giờ nàng chỉ là một thường dân sống trong nghèo khó ở làng Civitavecchia, ngoại ô thành Rome. Pia là con gái út trong gia đình 5 người con. Bố nàng mất trước khi nàng chào đời không lâu vì chiến cuộc. Mẹ nàng là nội trợ.

Tháng 6 năm 1937, nhiều cuộc thi được chế độ Mussolini tổ chức. Một trong những sự kiện đó là bình chọn danh hiệu “Phụ nữ gương mẫu” của thành phố. Với sự khuyến khích của mẹ, Pia ghi tên tham dự cuộc thi, hy vọng sẽ đoạt giải với phần thưởng là một số tiền và đặc biệt là một chỗ làm tại tòa thị chính.

Và thật là may mắn, Pia đã đoạt giải! Nàng hội đủ những điều kiện: hạnh kiểm mẫu mực, lý lịch trong sáng, 2 người anh tham gia thanh niên phát xít, nhưng yếu tố quyết định chính là ngoại hình đầy đặn, cân đối đến tuyệt vời. Cơ thể Pia là một sự hòa hợp giữa thánh thiện, thanh thoát và cả mạnh mẽ. Tóm lại Pia là người phụ nữ Ý lý tưởng thể hiện chuẩn mực của chính phủ Ý lúc bấy giờ. Thế là nàng nhận được tờ séc 1,000 lire và được tuyển vào giúp việc tại trường học công Civitavecchia.

Xem thêm:   Lời tạ lỗi

Nhưng Pia sẽ không bao giờ đến làm việc tại trường học… phần thưởng được trao cho nàng bởi chính ông chủ tịch hội đồng giám khảo cuộc thi. Đó là bá tước Arturo Beltramini, một người đàn ông ngoài 40 tuổi, dáng đi tao nhã, phong cách lịch sự. Thuộc gia đình quý tộc La Mã, bá tước Arturo Beltramini có mối quan hệ mật thiết với các cơ quan quyền lực Ý lúc bấy giờ. Bản thân bá tước còn là bạn của Mussolini, nhân vật số một của Ý  thời ấy. Pia hơi đỏ mặt khi đối diện với bá tước Beltramini để nhận giải…

Khi trao cho Pia giải thưởng là một vòng hoa hồng tượng trưng cho chiến thắng, bá tước giữ im lặng trong giây lát rồi bất chợt hỏi nàng:

–  Cô có thích về giúp việc cho tôi không…?

Tất nhiên Pia trả lời đồng ý. Vậy là nàng rời Civitavecchia để tới thủ đô cách đó không xa và thâm nhập vào một thế giới mới. Arturo Beltramini sống trong một lâu đài xây trên một trong những ngọn đồi tuyệt đẹp của thành Rome. Pia chỉ giúp việc trong lâu đài vài tuần bởi bá tước Arturo Beltramini nhanh chóng tuyên bố với mọi người rằng ông yêu Pia từ cái nhìn đầu tiên và rằng đây không phải là cuộc phiêu lưu tình cảm trong chốc lát. Arturo Beltramini góa vợ và ông chính thức cầu hôn Pia!

Đám cưới được tổ chức trọng thể. Đích thân thủ tướng Mussolini đến dự đám cưới. Kể từ đó, ngày nào lâu đài cũng tổ chức tiệc, dạ vũ linh đình… đến tận khuya để làm vui lòng cô bé “nhà quê” đến từ ngôi làng ngoại ô Civitavecchia! Nhiều giáo sư giỏi của thành Rome được Arturo Beltramini mời đến dạy văn hóa cho Pia, nền học vấn mà nàng không được tiếp thu khi ở quê nhà. Chẳng bao lâu sau, Pia trở thành một mệnh phụ phu nhân quý phái, lịch lãm không khác các bà bá tước thuộc giai cấp thượng lưu thành Rome…

Rồi chiến tranh diễn ra ngày càng ác liệt, nhưng dường như Pia không nhận ra điều đó bởi ngày nào trong lâu đài cũng có tổ chức tiệc tùng. Nhưng năm 1943, mọi việc đều thay đổi. Quân Mỹ đổ bộ lên Sicile. Lo cho tính mạng của Pia, Arturo Beltramini đưa nàng đi lánh nạn chiến tranh ở Côme, một thành phố phía Bắc nước Ý với lời hứa sẽ đến với nàng trong thời gian ngắn. Thế nhưng cuộc tái ngộ đó không bao giờ diễn ra và cuộc đời của Pia trải qua một khúc ngoặt mới…

Là phu nhân của một quan chức quyền lực của đất nước, Pia Beltramini được đưa đến ở trong khách sạn sang trọng vào bậc nhất lúc bấy giờ, khách sạn Villa d’Este. Chính tại đây, Pia quen biết Carlo Bianchi, vua tơ lụa Ý. Carlo Bianchi đến nghỉ mát tại khách sạn cùng với tình nhân trong vài hôm. Khi phát hiện Pia, Carlo lập tức chia tay người tình để tán tỉnh Pia.

Phải công nhận Carlo Bianchi là một người đàn ông khéo săn tình. Pia nhanh chóng chấp nhận tình yêu của Carlo dù nàng biết rằng có thể nàng chỉ là người tình qua đường…  Vả lại việc chấp nhận lời cầu hôn của bá tước Arturo Beltramini chỉ là sự hàm ơn của nàng dành cho người có tiếng nói quyết định trong cuộc thi… giúp nàng có tấm séc 1,000 lire và một việc làm. Nhưng với Carlo Bianchi, con tim nàng mới thực sự rung động.

Cuộc tình Pia và Carlo bắt đầu bằng những chuyến du lịch đầy thơ mộng. Trong cả năm 1944, dù nước Ý đang trong tình trạng chiến tranh, đôi tình nhân vẫn đi ngao du nhiều nơi: Venice, Florence… rồi quay trở về Côme. Pia vẫn không có tin tức gì về người chồng Arturo Beltramini mà nàng tin rằng đã cùng Mussolini và các bộ hạ lao vào cuộc chiến. Nàng được tự do sống theo ý muốn bên cạnh Carlo như một người vợ dù không chính thức.

Xem thêm:   Hoàng hôn bên Clarks Hill Lake

Thật ra Carlo đã có vợ. Điều này Pia chỉ phát hiện khi Carlo quyết định về Milan để lo công việc kinh doanh tơ lụa. Vợ của Carlo là Norma Bianchi. Đám cưới của họ là sự phối hợp giữa một bên là dòng dõi quý tộc, Norma Bianchi, và một bên là vua tơ lụa giàu có, Carlo Bianchi. Hiện nay tình nghĩa “vợ chồng” giữa họ chỉ còn trên danh nghĩa bởi họ đã ly thân vì luật pháp nước Ý lúc bấy giờ không cho ly dị. Norma hiện sống trong một lâu đài cổ theo lối kiến trúc thời phục hưng. Nàng luôn mặc y phục màu đen, gương mặt kiêu kỳ, lãnh đạm.

Khi chiến tranh kết thúc vào tháng 04 năm 1945, Pia mới được tin chồng nàng, Arturo Beltramini, trong lúc ẩn trốn ở Thụy Sĩ, đã bị quân kháng chiến bắt và xử bắn. Thế là Pia chính thức góa chồng và thừa hưởng toàn bộ tài sản mà Arturo Beltramini để lại. Tin Pia là người tự do khiến Carlo lo sợ nàng sẽ bám chặt và anh ta không thể dứt bỏ nàng như người tình qua đường. Carlo tìm cách dần xa lánh Pia tuy không dứt khoát hẳn. Carlo cặp thêm nhiều tình nhân khác. Ngón nghề sở khanh mà Carlo cố tình giấu diếm Pia từ trước đến giờ ngày càng bộc lộ nguyên hình.

Một hôm, Carlo đưa cho Pia một mẫu giấy in sẵn kèm lời giải thích:

– Em có biết giấy gì đây không? Đó là cách anh nói lời chia tay với bạn tình đó. Nó có vẻ tàn nhẫn, nhưng chia tay là điều tất yếu, chỉ cần điền vào chỗ trống là xong. Anh có cả xấp như thế.

Pia Beltramini cầm tờ giấy đọc: “Tôi, Carlo Bianchi, rất lấy làm tiếc thông báo đến bà… sự chia tay tức khắc và vĩnh viễn. Kèm theo đây là tờ séc… lire, gọi là quà kỷ niệm. Trân trọng.”

Kể từ hôm ấy, Pia luôn sống trong nỗi lo sợ bị hất cẳng bởi các tình địch vì nàng không thể sống thiếu Carlo. Nàng muốn giữ Carlo bằng mọi cách có thể… Thời gian trôi qua trong bồn chồn, lo âu, căng thẳng. Năm 1948, Pia cảm nhận có điều gì đó bất thường. Carlo không giới thiệu với nàng người tình mới như anh đã làm đối với những người tình trước đó. Mặt khác, Carlo vắng mặt thường xuyên hơn về đêm, nhất là vào dịp cuối tuần. Pia nhiều lần gặng hỏi nhưng vô ích. Cho đến một hôm, Carlo bình tĩnh nói:

–  Anh đã có người phụ nữ mới tên là Silvia Guido. Em sẽ được giới thiệu vào buổi tiệc tiếp tân sắp tới mà anh dự định tổ chức ở khách sạn Villa d’Este, cạnh hồ Côme.

Khách sạn Villa d’Este… nơi mà Pia và Carlo quen nhau trước đây… Carlo Bianchi không giải thích gì thêm nhưng Pia đoán được cuộc tình Pia – Carlo sắp đến hồi kết cục. Pia hy vọng người tình Carlo mà nàng yêu mến trên tất cả sẽ có cuộc chia tay lịch sự, êm đẹp chứ không theo kiểu hạ cấp như những người khác. Nhưng không phải thế! Khoảng một giờ sau, người giúp việc mang đến cho nàng một bì thư niêm phong đặt trên cái mâm bạc. Không cần mở ra, Pia cũng biết đó là mẫu giấy hôm trước. Và nàng đã không lầm: “Tôi, Carlo Bianchi, rất lấy làm tiếc thông báo đến bà bá tước Beltramini sự chia tay tức khắc và vĩnh viễn. Kèm theo đây là tờ séc một triệu lire, gọi là quà kỷ niệm. Trân trọng.”

Xem thêm:   20 & 21

Pia Beltramini xé bỏ tờ séc trị giá không nhỏ. Nàng thu xếp hành lý, suy nghĩ cách trả thù. Không thể có một kết cuộc như thế được! Nàng không thể chấp nhận sự sỉ nhục, bỉ ổi như thế. Tất cả tình cảm nàng dành cho Carlo bỗng chốc biến thành thù hận.

Trong lúc sắp xếp hành lý, Pia tìm thấy cây súng lục mà Arturo Beltramini, chồng nàng, trao cho nàng để tự vệ trước khi nàng đi Côme lánh nạn chiến tranh…  Pia đã quên khuấy cây súng, kỷ vật duy nhất của chồng mà nàng còn giữ. Cầm cây súng trong tay ngắm nghía, Pia suy nghĩ và quyết định tối nay sẽ đến dự buổi dạ tiệc do vua tơ lụa Carlo tổ chức cũng tại nơi mà trước đây họ đã quen nhau. Cuộc tình giữa nàng và Carlo sẽ kết thúc… nhưng không phải theo cách mà Carlo đã sắp đặt!

-oOo-

Đó là những gì mà Pia suy nghĩ trong đầu khi nhìn người tình cũ, Carlo, tay trong tay khiêu vũ điệu valse với Silvia Guido… Điệu nhạc vừa kết thúc, Carlo dìu Silvia về quầy rượu. Giờ phút hành động đã đến. Pia đứng lên, tay cầm chiếc khăn lông chồn, tiến về phía cặp tình nhân đang cụng ly rượu champagne…

– Carlo, anh đã lầm rồi. Em không giống như những phụ nữ khác!

– Em muốn gì nào, em yêu? Giữa chúng ta đã kết thúc rồi, đã sang trang mới rồi… Em không hiểu sao?

Carlo nốc cạn ly rượu rồi tiếp:

– Như ly rượu anh vừa uống cạn…

Pia Beltramini lật chiếc khăn lông chồn ra để lộ mũi súng chĩa thẳng vào ngực Carlo:

– Em hiểu rất rõ và em chẳng muốn gì khác ngoài giết anh.

Vua tơ lụa không một chút nao lòng:

– Em sẽ không dám nổ súng, anh chắc là như thế. Em không đủ can đảm làm điều đó…

Một tiếng nổ đinh tai vang lên và vua tơ lụa ngã quỵ, một đốm máu đỏ lan tỏa ra từ lồng ngực thấm ướt vải áo trắng. Pia đưa mũi súng vào cằm mình và bóp cò nhưng súng không nổ. Pia hét to:

– Tại sao súng không nổ để tôi chết theo hắn…

Những người chung quanh vội ùa đến tước súng từ tay Pia. Silvia Guido quỳ xuống ôm xác người tình tức tưởi khóc:

– Anh ấy chết rồi! Chúa ơi, anh ấy chết rồi!

Tháng 10 năm 1950, tức 2 năm sau, tòa án Milan mở phiên xử bà bá tước Pia Beltramini. Một phiên tòa hết sức “lạ lẫm” bởi bị cáo không có mặt.

Ngay sau khi bị bắt, Pia Beltramini rơi vào trạng thái trầm cảm nặng và nhiều lần nàng định tự tử nhưng không thành. Cuối cùng Pia được đưa vào nhà thương tâm thần để điều trị, nhưng bệnh tình ngày càng nặng thêm. Các bác sĩ chẩn đoán Pia bị bệnh tâm thần trầm trọng có thể sẽ không bao giờ bình phục được và yêu cầu không cho nàng tham dự phiên tòa.

Phiên tòa diễn ra hết sức căng thẳng. Một nhóm bác sĩ, chuyên gia tâm lý cho rằng Pia vô tội vì vào thời điểm diễn ra án mạng nàng đã bị bệnh rồi trong khi nhóm thứ hai thì có quan điểm ngược lại. Sau hơn 3 giờ tranh cãi, tòa kêu án 10 năm tù giam giữ tại bệnh viện tâm thần.

Nhưng chỉ một năm sau, bệnh tình của Pia ngày càng trầm trọng đến độ nàng không còn nhận biết ai cả và qua đời tại bệnh viện trong tình cảnh hết sức thương tâm.

Marie-Thérèse Cuny

ĐDH phỏng dịch