Lời Giới Thiệu: Tiểu thuyết ngắn CÁNH ÉN NHÀ TÔI,  của Dương Như Nguyện, viết cho Trẻ nhân dịp 30 tháng 4. gồm 14 chương, sẽ được đăng nhiều kỳ. Truyện kể lại kinh nghiệm 1954-1975 của một gia đình người Bắc di cư, nhân vật chính là cô gái tên Yến, gốc Sơn Tây, trưởng thành ở Huế, và làm việc ở Saigon. “Tiểu Thuyết Ngắn” (novella) là một “truyện ngắn” dài.  BBT Trẻ.

(tiếp theo kỳ trước)

Và tôi nhớ đến hình ảnh đứa bé sơ sinh cất tiếng khóc chào đời với máu thịt của mẹ trở thành vòng hoa chiến thắng trên cổ, mang bốn chữ:

Tràng Hoa Quấn Cổ.

o O o

Công việc buôn bán thực phẩm ăn nên làm ra. Cô chú tôi mua hai cái nhà. Căn nhà thứ hai: cô tôi nhất quyết phải mua ở vùng Irvine, khu sang trọng, để được nhà tốt, giữ giá, với mục đích để dành cho đứa con gái độc nhất. Tôi hỏi tại sao, vì nhà quá đắt.  Cô nói:

– Nhà đắt mấy cũng phải hy sinh, gồng mình lên cho tương lai của con. Cô có đứa con gái xinh đẹp, phải gả tấm chồng xứng đáng.  Phải có nhà đẹp ở vùng tốt để con gái mình gặp người tốt, ăn học, lương thiện, không trộm cướp bất nhân đầu đường xó chợ. Rồi còn làm đám cưới theo kiểu Việt Nam cho nó, ở tư gia. Phải có nhà đàng hoàng để gả con gái chứ.

Chim Yến mẹ lo xây tổ cho con.  Rút ruột rút gan mà nhả nước bọt cho con.

Quả đúng như cô tôi nói, con gái cô Yến tôi lấy chồng rất xứng đáng, một doanh nhân thành đạt, lương thiện, và đám hỏi, đám cưới xảy ra theo nghi lễ truyền thống Việt Nam, trong căn nhà khang trang ở Irvine của cô chú tôi.

Ngày hôm nay, vợ chồng con gái cô chú Yến-San, sau khi sinh bầy con cho cô chú có cháu ngoại, đã mở tiệm cho du khách gần bờ biển Nam California, rồi lại mua xe Mercedes cho chú San tôi lái, sau khi ông đã một đời lái xe “Sony’s Catering Van” buôn bán thực phẩm, làm từ bốn giờ sáng đến chín giờ tối, sáu, bảy ngày một tuần. Chú tôi gọi đó là sức vóc Quang Trung Bình Ðịnh thi thố ở nước Mỹ.

Ðối với tôi, câu chuyện của chú San là  kinh nghiệm di dân theo đuổi “Giấc mộng Hoa Kỳ” bằng sức vóc, mồ hôi của chính mình.

11

Còn giấc mộng của tôi thì sao?

Gõ chữ đến đây, tôi vẫn bồi hồi không yên tâm về ý nghĩa của giấc mộng mấy ngày trước: tôi được gặp lại bà nội tôi, và bốn chữ CÁNH ÉN NHÀ TÔI in đậm trên màn ảnh trí óc khi tôi thức giấc.   Sau giấc mơ tái ngộ với bà nội tôi, những ngày kế tiếp là cuộc độc thoại diễn tả bằng 10 ngón tay trên bàn vi tính, và là hành trình về quá khứ để tìm hiểu ý nghĩa của giấc mộng này. Nỗi khắc khoải vẫn chưa nguôi ngoai, và bài toán đố chưa có giải đáp.

Ðồng hồ chỉ 12 giờ đêm. Tôi sửa soạn tắt máy, và nghĩ đến chuyện bay đi California thăm cô tôi trong tương lai, sau khi thế chiến thứ ba đã dẹp yên – thế chiến thứ ba là cách tôi gọi một bệnh dịch đem đến tình trạng mà người Việt bây giờ đặt tên là “cách ly” giữa con người với con người (dịch chữ lockout), một cuộc chiến tranh không súng ống đã làm trì trệ kinh tế và xã hội, khiến nước Mỹ phú cường tự nhiên thành một người bệnh có thể hấp hối. Trong các tư tưởng phát xuất từ kinh thánh Thiên Chúa Giáo, bệnh dịch hay thiên tai thường bị cho là sự trừng phạt của thượng đế. Tôi muốn nói đến vấn đề con virus tên gọi Corona bắt đầu từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã và đang làm kiệt quệ thế giới toàn cầu. Vì nó, tôi không thể lên máy bay sang thăm cô tôi ngay được.

Xem thêm:   Má Mi Deborah

Ồ, không, không, không…

o O o

Không, không, không…

Tôi đang cố gắng chống lại một cái gì đó, nhưng mắt tôi híp lại…

CÁNH ÉN NHÀ TÔI!

Bốn chữ ấy lại hiện ra trong óc tôi, và trực giác cho tôi biết đó là thông điệp đến từ bà nội, khi hai bà cháu đứng trước nơi cư ngụ hiện nay của bà, căn nhà số 4 đường 30, ở không gian và nơi chốn gọi là Ngã ba Ông Tạ, hoặc Ngã Tư Bảy Hiền, nơi sinh sống của ông bà nội tôi trong thời điểm đầu thập niên 1970. Tôi đã đi xe lam của quá khứ về khu vực đó, bây giờ đã hoàn toàn thay đổi thành một khu thị tứ xa lạ, và bà tôi đã ra đứng đầu phố để đón tôi về…

o O o

Tự nhiên tôi choàng tỉnh. Nhịp tim đập thình thình. Người nóng hổi. Ðầu tôi gục trên bàn máy vi tính. Như vậy là tôi đã ngủ quên bất tỉnh, hay thiếp đi một cách rất thình lình, sau khi vừa tắt máy.  Và trong khi thiếp đi, tôi đã nhìn thấy một lần nữa, bốn chữ là “mật âm” bà nội đã truyền thẳng vào tế bào óc của tôi. Bốn chữ tiếng Việt vẫn còn hiện rõ trên cái màn ảnh gọi là trí óc. Lần này là lần thứ ba.

CÁNH ÉN NHÀ TÔI.

Lần này thì thật rõ ràng, không còn chối cãi hay nghi ngờ. Lần này, bà tôi không gửi cho tôi bốn chữ CÁI YẾN NHÀ TÔI, mà là CÁNH ÉN NHÀ TÔI.

Tự nhiên tôi nhớ đến một câu tục ngữ tiếng Việt rất phổ thông, cũng thuộc về ký ức, vì bây giờ, tiếng nói truyền thông để sống còn của tôi là tiếng Anh chứ không còn là tiếng Việt. “Một con én không làm nên mùa Xuân.”

CÁNH ÉN NHÀ TÔI.

Tôi thầm thì, nhắc lại với chính mình. Vô thức, tiềm thức của tôi đang đón nhận những điều gì?

Theo trực giác, tôi kết luận rằng chắc bà tôi muốn tôi đi tìm CÁNH ÉN, cho dù tình gia tộc và máu mủ — ý nghĩa của biểu tượng về cô tôi – phải là CÁI YẾN.  Cô tôi, cũng như bà nội tôi, rõ ràng mang đức tính chim mẹ của loài hải điểu gọi là chim Yến. Thế nhưng, bà tôi đã truyền thông, và nét chữ hiện ra rất rõ ràng, không phải là CÁI YẾN NHÀ TÔI, mà là CÁNH ÉN NHÀ TÔI.

Bà tôi muốn tôi nghĩ về, và trở về, để tìm CÁNH ÉN, chứ không phải chỉ là CÁI YẾN?

Không phải bất cứ CÁNH ÉN nào, trong đất trời lồng lộng kia, mà phải là CÁNH ÉN NHÀ TÔI?

Hay bà nội tôi muốn tôi tìm về, trước nhất, CÁI YẾN NHÀ TÔI, để rồi sau đó phải tìm cho ra CÁNH ÉN NHÀ TÔI?

Xem thêm:   Sống sót

Tôi bóp trán: CÁNH ÉN NHÀ TÔI là ai, biểu tượng gì?

“Một con én không làm nên mùa Xuân.”

CÁI YẾN thì rõ ràng là cô tôi, nhưng còn CÁNH ÉN?  Ồ, có thể nào đây là hai loài chim khác nhau, YẾN không phải là ÉN? Tôi lặp lại. YẾN và ÉN, có phải cùng một loài hay không. Tôi vội vã mở máy vi tính, lên mạng lưới để tìm hiểu về “CÁNH ÉN.”

Thì ra nhiều người, kể cả tôi, lầm tưởng chim Yến và chim Én là một loài nhưng mang hai tên gọi, vì vấn đề thổ âm. Bàng hoàng, tôi nhận ra, chim ÉN, và CHIM YẾN là hai loại chim rất tương tự nhau, nhưng không phải là một. Loài người rất dễ nhầm lẫn hai loại chim này như tôi đã nhầm lẫn: cả hai cùng bé nhỏ, có màu sắc tương tự, cùng bay cao với đôi cánh rất khỏe mạnh, với vận tốc khác thường, và cùng là “hải điểu,” những sinh vật gắn liền với núi và biển.

Chim là sinh vật rất nhỏ bé lại bay cao hơn triền núi, và bay qua biển cả.  Núi và biển là biểu tượng của dải đất hình chữ S gọi là non sông Việt Nam. Biển còn tượng trưng cho chu trình tỵ nạn của người Việt Nam. Dù đi tỵ nạn bằng máy bay hay đường bộ đi chăng nữa, người Việt Nam bỏ quê hương qua thế giới Âu Tây cuối cùng cũng phải vuợt biển để tới đích (destination).

Say sưa vì khám phá của mình trong việc tìm hiểu ý nghĩa giấc mơ, người tôi bừng bừng sức sống, thôi thúc như thể trước mặt là viễn ảnh tìm ra chìa khóa của một bí mật có tính cách siêu hình. Tôi dán mắt vào màn vi tính, và thu nhập các dữ kiện như sau (tôi vừa đọc vừa suy luận):

– Tiếng Anh gọi chim Én là Swallow, cũng là một loại chim biển. Còn chim Yến tiếng Anh gọi là Swift, thuộc loài Apodidae, hải điểu có thể sống và làm việc trong không gian, không cần đậu cánh, ý nghĩa của cụm từ “aerial birds.” “Swifts are placed in the order of  Apodiformes with

hummingbirds… The family name, Apodidae, is derived from the Greek   (ápous), meaning “footless.”  Chim Yến được cho vào loài Apodiformes cùng với loại chim biết kêu vang. Chữ Apodidae nguyên thủy đến từ tiếng Hy Lạp, có nghĩa là “không chân…”

Loài chim không chân.

– Chim Yến còn được gọi là Yến Sào, trong khi chim Én còn mang tên chim Nhạn. Én bay lượn trên bầu trời ở tầm thấp nhưng bay chậm hơn so với Yến.  Én bay có lúc với đôi cánh khép, đóng một nửa; trong khi đó Yến bay lượn với đôi cánh như lưỡi liềm dang rộng hết cỡ. Khác với Yến, Én có đôi chân khỏe mạnh, có thể đậu trên cây, dây điện, ăng-ten… Tổ làm từ bùn (sình), đất sét hoặc cỏ cây chứ không bằng nuớc miếng do nội lực của chính mình như Yến.

Sự mầu nhiệm của chim Yến là ở chỗ đó. Những con chim làm việc trong khi bay. Chỉ có sinh sản và xây dựng cái tổ, ý niệm tổ tông, là đậu cánh mà thôi, và việc xây dựng ấy là từ nước miếng, tức là sức sống rút từ ruột của mình. Rồi chim lại lao đầu vào vách núi cheo leo để tự tử, giữ tiết liệt trung trinh và khóc thương bằng chính cái chết khi nòi giống và con cái của mình bị tiêu diệt. Cánh mảnh dẻo dai, tinh thần tiết liệt, nhưng hai chân ngắn và yếu, cho nên được đặt tên là loại hải điểu “không chân.”

Xem thêm:   Bị chôn sống

– Thế nhưng, loài  chim Yến làm tổ bên vách núi cheo leo không phải là chim Én của mùa xuân, dù rằng phiến diện thì có thể có liên quan dòng giống.  Én được phân loại vào giống “passerine,” có chân khỏe cho nên đậu được trên mái nhà, trên dây điện.  Dòng passerine cũng là dòng của loại chim ca hát (songbirds) gồm cả chim mùa Xuân mà tiếng Anh gọi là Sparrow.

– Nhiều người lầm tưởng chim Yến và chim Én, nghĩ sai rằng cùng một loài nhưng mang hai tên gọi, bởi cả hai có những điểm giống nhau như thích bay lượn trên bầu trời; cùng nhỏ bé như nhau, và thân có màu sắc gần giống nhau. Chẳng lẽ linh hồn của bà tôi lại “lẫn lộn” hai loại chim với nhau khi nhắc đến đứa con gái hiếu thảo, là cô Yến tôi? Hoặc chính vô thức của tôi, động cơ của bản ngã, đã tạo thành một giấc mơ khao khát cái gì đó, vì chính tôi đã lẫn lộn hai loài chim ngay từ đầu?

– Tuy nhiên, về cái nhìn tinh thần, thì cả chim Yến và chim Én đều là những loài chim chung thủy. Trong suốt cuộc đời chúng chỉ kết đôi một lần (tức là một vợ một chồng), và cả hai loài đều là hải điểu có khả năng bay rất điêu luyện. Như thế, về ý nghĩa văn hóa, không có tính cách khoa học, thì đồng hoá hình ảnh chim Yến và chim Én không hẳn là sai lạc.  Chính tôi đã từng “ký hiệu” số điện thoại của cô Yến tôi trên điện thoại cầm tay là “Sparrow,” tên gọi chung cho một loài chim Én. Hành động này của tôi, theo khoa học nghiên cứu các loài chim, là một sai lầm khoa học. Nhưng  ý nghĩa văn hoá thì khác, không dựa trên khoa học mà dựa trên liên tưởng và ẩn dụ. Như vậy, từ ngày di cư qua Mỹ, chính tôi là người đã tạo liên tưởng cho rằng tên Yến của cô tôi đồng nghĩa với Cánh Én, khi tôi ký hiệu số đíện thoại của cô Yến tôi là Sparrow. Chỉ có Én mới có thể dịch là Sparrow. Tại sao tôi làm thế? Một sai lầm về khoa học đến ngay từ tiềm thức cả bốn thập niên nay. Vô thức con người và ý nghĩa văn hóa của ngôn ngữ nằm trong kinh nghiệm sống qua bản năng sinh tồn, không hẳn nằm trong khoa học thực nghiệm.

Vì thế, trên máy vi tính, tôi bắt đầu nghiên cứu để so sánh những gì khoa học liệt kê về chim Én, với cô Yến nhà tôi:

“Chim én rất nhỏ bé, phần thân của chúng khá tròn, khá thấp nhưng thân hình tròn trịa. Lưng của chim én thuôn dài…”

(còn tiếp)