Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác

Rừng rồi lại rừng. Ngàn cây tưởng chừng kéo dài vô tận. Màu xanh của lá cây, của dòng nước ánh lên sắc da vàng bủng vì sốt rét của Tom làm cho Bốp rầu rĩ thêm. Ðôi bạn quanh quẩn trong cánh rừng dọc triền sông này đã mấy tháng nay. Họ săn loại thú hiếm trong vùng, xuôi về đô thị bán cho các công ty ngoại quốc.

Bốp nhìn dãy cũi dựng thành hàng dưới mái lá trên bè: đôi beo gấm, cặp lợn lòi, con kỳ đà khổng lồ với năm bảy con trăn đủ loại, nằm lim dim như say sóng. Riêng lũ đười ươi là tỉnh táo: chúng đu thoăn thoắt trên gióng tre, hay khọt khẹt chọc đàn cá sấu mõm dài, lúc nào cũng hộc lên như tức giận.

Bây giờ Bốp chỉ muốn bè trôi cho nhanh, qua cánh rừng âm u đầy đe dọa, chết chóc. Bốp có cảm tưởng một tai họa gì sắp xảy tới, nhất là từ khi gã dẫn đường bị trúng tên độc của thổ dân, chết mất xác trong cánh rừng đồng lầy.

Rồi tới lượt Tom bị rét rừng hành hạ… Mọi công việc đều đến tay Bốp. Sáu người chân sào trên bè cũng mong mỏi như Bốp: họ tự trách đã tham tiền, vượt quá sâu vào cánh rừng cấm, phạm vào đất của các bộ lạc có tiếng là hung hãn…

Ðêm ấy, Bốp nghe tiếng trống bập bùng, rồi có ánh lửa cháy phía xa xa… Lẫn trong đó súng nổ từng loạt.

Bốp nghĩ thầm:

– Chắc lại lão Cốc, không sai!

Cốc cũng là thợ săn thú. Lão cạnh tranh với Bốp và Tom. Nhưng Bốp thừa biết lão ưa cướp da thú, vàng cốm của thổ dân hơn săn bắn. Lão vẫn thèm có đủ bộ thú rừng để lấy tiếng với người miền xuôi. Bốp ngại lão hơn những bộ lạc săn đầu nơi đây.

– Tốt hơn hết là tránh xa lão với lũ thủ hạ đầu trộm đuôi cướp…

Bốp neo bè vào con lạch nhỏ, sau một mỏm đất cây cối rậm rạp. Như vậy dù thuyền của lão có đi ngang đây cũng không thấy được nào.

Nhóm chân sào thao thức cả đêm, chốc chốc họ lại nhổm dậy nghe ngóng. Tiếng trống vẫn dai dẳng. Nhịp bập bùng quen thuộc được các làng dưới hạ lưu nhắc lại, truyền đi… Rồi các làng phía bên kia sông cũng nổi trống… Cả cánh rừng vang lên nhịp trống ghê rợn, như thách thức, như dọa nạt.

Một người chân sào bảo Bốp:

– Nguy rồi, thầy hai!… Họ báo tin có người da trắng đốt làng… Ta gặp họ là rắc rối lắm…

Bốp cố bình tĩnh:

– Anh em đừng ngại… Họ biết mình mà!

Gã chân sào lắc đầu:

– Kể gì mấy bộ lạc ven sông… Nhóm phía trong mới đáng sợ… Họ giết cả thầy cũng chẳng tha chúng tôi…

Chiều hôm đó, nhóm thợ săn thấy chiếc thuyền độc mộc từ miền trên trôi xuống… Trong ánh nắng thoi thóp của hoàng hôn nhiệt đới, con thuyền gỗ lững lờ, bồng bềnh như không ai chèo lái. Bốp đưa ống nhòm lên:

– Có người mà!… Dễ thuyền lão Cốc… Nhưng sao thế này?

Ðiều Bốp không dám nói cho mọi người hay là quang cảnh ghê rợn trên thuyền: tất cả chín người ngồi lắc lư trên đó đều chẳng ai còn đầu… Bọn mọi đã chặt đầu họ, buộc xác vào thuyền, thả trôi xuôi, để cảnh cáo người da trắng!

Chiếc thuyền trôi ngang mỏm đất. Bây giờ thì chẳng ai nghi ngờ gì nữa… Những chiếc thây không đầu, bê bết máu tươi, sắp sửa làm mồi cho chim rừng, cá sông đó đúng là thuộc nhóm cướp của lão Cốc!

Bốp rùng mình… Nhưng trong thâm tâm vẫn có đôi chút thoải mái:

– Ít ra, mình cũng bớt được mối lo về phía lão cướp già!

Bốp nghĩ vậy. Ðám thợ săn với chân sào lại không gan dạ như chàng: họ chỉ thấy thổ dân đã nổi giận, như vậy là cái chết gần kề rồi!

Ðếm ấy, Bốp trằn trọc mãi mới nhắm mắt được. Tom còn sốt mê mệt, lảm nhảm luôn miệng. Tiếng trống man rợ vẫn bập bùng trong rừng sâu… Khoảng gần sáng, Bốp mơ màng nghe vài tiếng động nhẹ, nhưng lại ngủ thiếp đi ngay.

–oOo–

Ánh mặt trời soi vào mặt làm Bốp tỉnh giấc. Trên bè êm ru. Ðó là một sự lạ, thường thường nhóm chân sào dậy sớm, lúc này họ đã đang lách cách đun nấu, làm bữa sáng mới phải. Những tiếng động quen thuộc, mùi cà phê thơm tho bữa nay thiếu hẳn.

Bốp ngơ ngác nhìn quanh: dưới mái lá chỉ còn có Tom với chàng, bầu bạn với đàn thú rừng trong cũi. Cả thợ săn lẫn chân sào biến mất!

Hai chiếc thuyền kéo theo bè cũng chẳng thấy đâu.

Bốp chạy ra tận đầu mỏm đất: dòng nước trường giang ngầu đục cuồn cuộn xuôi, nhưng đôi thuyền thoi cùng nhóm người đã chia sẻ cực nhọc với chàng từ bao lâu, vẫn bặt tăm. Bốp thẫn thờ đứng đó, bối rối lạ lùng!

Hoàn cảnh của Bốp lúc này chẳng có chút gì lạc quan: Một chiếc bè phải chở, một đàn thú phải nuôi, một người bạn ốm phải săn sóc… Thêm vào đó thổ dân chỉ rình bắt được đôi bạn là cắt lấy đầu.

Nhưng Bốp thuộc hạng người thực tế, gan dạ, chẳng biết sợ cũng chẳng bao giờ nản lòng. Bốp suy tính thực nhanh xem mình phải làm những gì?… Công việc đầu tiên là săn sóc Tom. Bữa nay Tom có vẻ bớt đôi chút, đã bắt đầu đòi ăn. Nếu cất được cơn sốt, Tom bình phục chẳng mấy hồi.

Cái vất vả của Bốp là kiếm lương thực cho đám thú trong cũi. Bốp cầm súng vào rừng. Nắng mặt trời biến đâu mất, dưới tàn cây cao năm bảy chục thước, nào dây leo với chòm lá mọng nước, nào phong lan rễ rủ thõng, với hoa đủ màu, gạn lọc ánh sáng chói chang của vòm trời nhiệt đới. Bốp có cảm tưởng như đi trong đêm trăng, ngột ngạt giữa mùi ẩm mốc của lá, của cành nát nhũn dưới bước chân.

Xem thêm:   Kinh đô thời trang Roma

Bốp đem về được con nai, vài cặp gà rừng. Chàng không dám nổ súng nhiều, sợ bọn mọi nghe tiếng.

Phải quá trưa, công việc trên bè mới đâu vào đó. Bốp chưa biết có nên nhổ bè ngay chăng?… Liệu mình Bốp có đủ sức điều khiển chiếc bè giữa dòng nước lũ không đây?… Mà ở lại đây lâu quá, chắc không thoát khỏi tai mắt lũ mọi săn đầu.

Bốp nghĩ tới lão Cốc:

– Nhóm lão có mười người… Trên thuyền đếm được chín xác chết… Biết lão có trong số đó chăng?

Bốp có cảm tưởng lão không hề hấn gì thì phải. Hạng người như lão có dư thủ đoạn để thoát thân một mình, mỗi khi gặp tai họa.

Mối băn khoăn đó ám ảnh Bốp suốt ngày. Ðôi lúc Bốp muốn cười nói một hồi cho nhẹ ưu tư mà không sao hé môi được. Cái cô quạnh, đơn độc trong khung cảnh hoang vu heo hút này mà kéo dài chắc Bốp phát điên mất!

Bốp tưởng mình hoa mắt khi thấy thấp thoáng bóng người nhô ra từ góc rừng um tùm… Một người cao lớn, lưng hơi gù, có khuôn mặt choắt cheo của loài dơi hút máu. Chỉ một người có khuôn mặt đó… Ai đã một lần gặp y, không thể nào quên nổi… Ðó là lão Cốc!

Quần áo lão rách bươm, tóc rũ rượi, mặt lão bị gai cào sướt, máu khô đọng từng vạch dài; đôi mắt gian giảo trước kia, nay ngơ ngác vì mệt mỏi, còn lộ nét kinh hoàng đến cùng cực… Lão nhìn Bốp, sững sờ… Rồi như người tỉnh cơn mê, chạy vội lại bè gỗ. Bốp giơ súng lên… Nhưng khi thấy lão Cốc tay không, Bốp không nỡ bắn.

Lão ngồi phệt xuống bè, nức nở:

– Bốp!… Cứu tôi với!… Chúng nó giết tôi mất!

Hai tay lão toan ghì lấy chân Bốp khiến cậu phải lùi ra xa:

– Ðến lúc này lão còn tính đánh lừa tôi sao?

Giọng lão Cốc thảm não:

– Cậu thương tôi với!… Giờ đây chỉ còn chúng ta với nhau… Cậu đành lòng để chúng giết tôi sao?

– Tại sao lão đốt làng họ?

– Ðó là chuyện lầm lỡ đáng tiếc…

– Lão giết bao nhiêu người?

– Ô!… Làm gì mấy tên mọi, trước sau gì chúng cũng tuyệt giống vì rét rừng, vì nước độc mà!

Lão Cốc nhìn quanh rồi quay lại Bốp:

– Bọn chân sào với thợ săn đâu?

– Chúng bỏ trốn hết rồi.

Lão già lắc đầu:

– Bao giờ cũng vậy, gặp nguy hiểm, chúng chạy trước. Cậu có giữ được thú rừng không?

– Còn cả trên bè…

Nét mặt héo hắt của lão tươi lên rõ rệt:

– Ðể lão giúp cậu một tay… Cậu còn nhớ tài lèo lái của lão chứ gì?… Có người nào trong bọn ta dám ngược dòng nước lũ đâu, thế mà lão Cốc coi như trò đùa. Rồi cậu coi!

Chợt lão nghĩ ra chuyện gì:

– Thế Tom đâu rồi?

Bốp lắc đầu:

– Tom rét rừng, nằm trong lều…

– Thế ra cậu có một mình nhỉ?

Bốp đăm đăm nhìn vào mặt lão:

– Như vậy không có nghĩa là lão giở trò ăn cướp ra được đâu… Tôi biết lão cũng chỉ còn một mình. Chín người bạn lão vừa trôi qua đây… Sao lão thoát chết được nhỉ? Chắc trong khi họ chống cự lão bỏ trốn một mình?

Lão Cốc giơ hai tay lên trời:

– Có thủ hạ là để họ đánh cho mình, phải vậy không?…

Chuyện may rủi cả mà… Nhưng thôi, thắc mắc làm gì?

Tôi với cậu từ nay là bạn… Tôi sẽ không làm hại bất cứ ai, rồi cậu coi!… Từ lúc thấy mạng mình như treo sợi tóc, tôi thay đổi ý kiến rồi… Thề có trời đất như vậy. Gặp cậu tôi mừng như gặp em ruột… Thực vậy!… Chúng ta là anh em, cậu vui lòng chứ?…

Không đợi Bốp cho phép, y sấn lại chỗ thịt nai còn lại nhặt một miếng để trên đống than:

– Tôi nhịn ăn từ bữa qua…

Y nuốt vội nuốt vàng miếng thịt còn tái, bắt đầu liến thoắng:

– Trời mưa nhiều, nước lớn lắm đây. Chỗ này chỉ vài bữa là lụt… Rồi cây cối trôi ngổn ngang đầy sông nhưng cậu chớ lo, có tôi là bè xuôi êm như ru…

Lão ăn thật no mới chịu đứng dậy… Vừa đúng lúc đó, một mũi tên từ đâu vọt tới cắm phập vào cột buồm ngay giữa bè… Lão Cốc lủi vào bụi nhanh như cắt, lão gọi Bốp:

– Bọn mọi…nằm xuống mau!

Bốp không có lý do gì để sợ nhóm thổ dân: Bốp có làm hại ai đâu?… Cậu chạy lại phía địch, giơ hai tay tỏ dấu thân thiện; để đáp lại Bốp bị một mũi tên sượt qua vai. Bốp đành quay lại bè, bế vội Tom lên bờ đặt nằm sau bụi cây rậm. Như vậy nếu bọn mọi có cướp bè Tom cũng không hề hấn gì. Ðoạn Bốp cầm súng chạy vòng phía sau mỏm đất:

– Chẳng biết lũ mọi có đông không?

Ðiều Bốp lo ngại nhất là khi bọn mọi đông quá, chúng sẽ hành động như bọn thú dữ, không để mình có thì giờ phân trần… Bốp lom khom rẽ lùm cây, tiến vào rừng, dè dặt từng bước… Vụt!… Lại một mũi tên vọt tới. Lần nào cũng chỉ có một mũi, thứ tên dài vót bằng gỗ dừa có mũi nhọn bằng xương cá, tẩm nhựa cây màu nâu. Cái nguy hiểm của loại tên này là chỉ hơi sướt da, nạn nhân cũng trúng độc, người cứng như cây gỗ rồi chết.

Bây giờ thì Bốp trông thấy gã mọi lẩn sau rặng dừa. Gã có một mình… Gã không tiến lại phía bè mà chạy băng vào rừng. Bốp lắc đầu:

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

– Vậy là nó gọi cả đồng bọn tới ngay giờ… Ta phải xuôi bè cho mau!

Bốp vội vã lại chỗ Tom nằm, xốc bạn lên vai… Nhưng khi ra tới mỏm đất, Bốp có cảm tưởng như trời sụp đổ chắc: trước mặt Bốp, nơi neo chiếc bè gỗ, giờ đây trống trơn…

Chỉ có một người làm nổi việc này, đó là lão Cốc. Lão cướp gọn chiếc bè, bỏ mặc hai người bơ vơ trên mỏm đất, trong lúc bọn mọi săn đầu sắp kéo tới!…

Bốp không thể lầm được. Ngoài xa, chiếc bè vừa ra khỏi ngách sông, trôi phăng phăng, cánh buồm lá phần phật đón gió. Lão Cốc đứng đó, giơ tay vẫy Bốp… Giọng nói the thé của lão vọng tới, mỉa mai:

– Con ở lại mạnh giỏi, nghe!…

Bốp ngồi phịch xuống cỏ, hai chân như mềm nhũn ra.

–oOo–

Qua cái sửng sốt ban đầu, Bốp thấy bừng trong lòng nỗi căm giận ghê gớm. Ý nghĩ trước tiên của Bốp là cho lão Cốc phát đạn… Bốp giơ súng lên, rồi lại bỏ xuống, lắc đầu:

– Lão ở ngoài tầm súng, bắn vô ích!…

Bốp sẽ dành cho lão viên kẹo đồng, sau này.

Nhưng bình tĩnh lại, Bốp thấy mình ít có hy vọng gặp lại lão già bất lương đó!

Bốp không có thuyền, bè, cũng chẳng có thứ dụng cụ gì để làm việc này. Ngang lưng Bốp còn được con dao găm, thứ dao săn dày dặn, sắc bén… Nếu cần, Bốp tạm dùng nó chặt tre, nứa… Nhưng ít ra cũng phải hai ngày trời mới kết nổi chiếc bè sơ sài bằng thân cây nhỏ với dây mây.

– Làm sao đủ thì giờ làm việc đó… Mình có nhiều lắm là một giờ, ít hơn nữa không chừng… Bọn mọi có thể tới bất kỳ lúc nào!…

Bốp nghĩ tới chuyện tạm lẩn vào rừng, nhưng rừng là giang sơn của bọn mọi. Chúng tìm ra hai người ngay… Rồi trong lều của viên tộc trưởng lại có thêm hai chiếc đầu da trắng ướp thuốc, sấy khô, để trang trí!…

Ðược cái Bốp không phải hạng người để hoàn cảnh vật ngã. Càng bị dồn ép tới cùng, người trai trẻ gan dạ này càng có những quyết định táo bạo… Chẳng bao giờ Bốp tự nhận là kẻ bại trận trước thử thách.

Một mảng đất trôi trên sông gợi cho Bốp chút hy vọng mong manh. Bốp bế vội Tom lại sát mé nước…

Ðúng như lời lão Cốc, mực nước mỗi ngày một dâng cao, đỏ màu gạch, đặc sệt thứ phù sa màu mỡ từ thượng lưu chảy về.

Trên dòng sông trở nên bát ngát, hàng trăm mảng cỏ gai bị nước cuốn theo, bập bềnh trôi như những cù lao nổi. Dăm bảy mỏm đất lớn hơn, có cây cối hẳn hoi, dạt theo hai bên bờ.

Bốp đặt hy vọng vào đó.

Chiếc đảo nhỏ gần Bốp nhất, có vẻ mong manh quá. Ðó là một khối lau sậy dày khoảng ba tấc, rộng bằng mươi chiếc chiếu. Bốp sợ nó không đủ sức đỡ hai người. Mà dù có chịu nổi chăng nữa, thì lúc ra giữa dòng sông đụng vài thân cây, cũng rã rời từng mảnh mất thôi!

Một vài mảng khác là những bụi mây chằng chịt chẳng có vẻ vững chãi chút nào. Những mảng tốt hơn lại ở tít ngoài xa…

Chợt Bốp nghe có tiếng cành cây gãy phía trong rừng, rồi thấp thoáng có bóng người… Vút!… Một loạt ba bốn mũi tên vọt tới…

– Bọn mọi!…

Bốp xốc vội Tom, nhảy liền lên một mảng đảo vừa bập bềnh trôi tới… Thấy cả hai không xuyên thủng khối đất, lọt xuống sông, Bốp cảm tạ Trời Phật vô ngần!

Hòn đảo bồng bềnh trôi nhanh ra giữa dòng. Bốp thở phào, nhẹ nhõm:

– Thực liều lĩnh, nhưng còn hơn ngồi đó chờ bị cắt đầu!

Bốp nghĩ vậy… Trong lòng người con trai dễ lạc quan này đã nhen nhúm hy vọng đoạt lại chiếc bè bị mất.

– Lão Cốc có buồm, đi mau hơn… Nhưng biết đâu chẳng có lúc trời đổi gió, rồi bè đâm vào bãi nổi không chừng! Lúc đó sẽ biết tay nhau!

Bốp khoan khoái nghĩ tới lúc gí súng vào đầu lão Cốc… Tiếng Tom rên rỉ trong cơn sốt, khiến Bốp quay về với thực tại: Bốp phải kiếm gì cho Tom lót dạ chứ!

Hòn đảo khá lớn, phủ lớp cỏ xanh mướt; ngay giữa đảo có bụi tre đã cao, xung quanh chi chít cây rừng loại cây gai khoảng hai thước. Bốp đoán chừng năm trước đây, dòng nước cuốn theo tảng bùn, dạt vào ven sông, trên đám bụi rậm. Rồi nước rút, bùn khô đi, cây cối nảy mầm… Giờ đây, nước dâng cao, hòn đảo mới thành hình lại bập bềnh trôi đi… Có điều lạ là ngay phía cuối đảo có một thân cây lớn cành lá um tùm… Bốp lại gần, ngắm nghía mãi mới vỡ lẽ: thì ra cây không mọc trên đảo mà nước cuốn trôi theo đảo như bóng theo hình. Ðó là một cây gạo; thân cây mắc sâu vào đất, không tách rời được… Như vậy tiện cho Bốp lắm: Vừa có bóng rợp, vừa có nơi mắc võng cho Tom nằm.

Bốp vẫn chưa kiếm được chút gì để ăn… Chuyện đó mới nan giải!

Biết bao nhà thám hiểm đã chết đói, trong khi họ có cả một cánh rừng trước mắt. Ðằng này Bốp có mỗi khoảng đất con, giữa dòng nước xoáy, mới cực!

Trước hết, Bốp thử kiếm măng tre, nhưng vào mùa này, tre già cằn!… Vài thứ quả rừng xanh đỏ mọc trên bụi gai vừa chua vừa chát, không sao nuốt được…

Có tiếng Tom đòi uống nước… Bốp nhìn bạn: Tom có vẻ tỉnh táo hơn… Trán đã bớt nóng, như vậy Tom có thể khỏi bệnh nay mai đây!

Tom cố gắng ngồi dậy:

– Ô!… Bè đâu, cậu?

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (04/18/2024)

Bốp gật đầu:

– Cậu khỏi rồi đấy… Hỏi tới bè tức là hết mê sảng rồi…

Tom gượng nhếch mép:

– Tớ còn yếu như con gà con, cậu ơi…có gì ăn không?

– Có chứ… Nằm đợi mình một chút!

Bốp phải nghĩ cách gì để có nước nóng cho Tom, mới khỏi bệnh mà uống thứ nước sông đục ngầu này, không đi tả cũng thương hàn mất!… Mà muốn có nước nóng thì phải có ấm đun, rồi có bếp lửa… Ấm thì Bốp kiếm ra ngay: đó là một ống tre tươi, có đầu mặt. Ðổ đầy nước có thể đun sôi mà tre không chảy, điều này Bốp thấy trong sách có nói tới, chắc là đúng!

Chỉ có lửa mới khó kiếm.

Bốp hái một quả bông gạo, bóp vỡ, lấy ra được nắm bông mỏng manh, vụn như tơ.

– Thứ này mồi lửa thì tuyệt!… Chỉ cần viên đá nữa là xong.

Bốp tính lấy dao đánh đá lấy lửa, nhưng kiếm khắp đảo chẳng được viên đá cuội nào, thế mới khổ!

– Ta phải lấy lửa cách khác vậy!

Bốp định bắt chước thổ dân Úc Châu, lấy lửa bằng cách xoay tít mẩu que nhọn giữa mớ bùi nhùi đặt vào một lỗ đục trong mảnh gỗ. Bốp có sợi dây mây làm dây kéo, còn gỗ với bùi nhùi thì vô vàn… Vậy mà kéo tới phồng da tay, vẫn không lóe được tia lửa nào, mới kỳ!

Cuối cùng, Bốp đành mượn cặp kính của Tom, đánh ánh mặt trời vào nắm bông gạo. Lần này Bốp thành công.

Nhưng uống nước không khỏi đói. Bốp phải kiếm cái gì cho hai người no bụng mới được.

Sau gần nửa giờ hí hoáy hết đẽo lại vót, Bốp làm được ngọn lao tre. Bốp ướm mũi lao trong tay hí hửng:

– Lao này mà đâm cá thì tuyệt!

Vậy mà Bốp ngồi hàng giờ ven đảo, luôn tay phóng lao xuống nước, vẫn chẳng được con cá nào: nước đục quá, Bốp không nhìn thấy gì, nên đành chịu thua!

May mắn vào lúc xế chiều, có thân cây lớn trôi ngang, một chú khỉ trên cây chuyền sang đảo… Bốp không để lỡ dịp tốt, nắm cổ chú, thịt liền…

Thế là đôi bạn được bữa no nê. Tom tấm tắc:

– Thịt khỉ nướng thế mà ngon!

Bốp cẩn thận dành xương với gân khỉ để làm lưỡi câu và dây buộc. Tom cười:

– Cậu đâm cá không được, chắc đi câu sẽ may mắn hơn!

Không ngờ Tom nói đúng, Bốp câu được dăm, bảy con cá lớn và một thứ lươn dài ngoằng. Nhưng Bốp vừa mó tay vào thân lươn đã giẫy lên như bị điện giật nằm lăn ra đất thở không ra hơi… Tom biết đó là thứ lươn đặc biệt ở vùng này, có sức phát điện mạnh tới độ làm ngất được một người lớn. Vô phúc cho loài thủy tộc nào đụng tới nó!

Bọn thổ dân một vài nơi dùng điện đó chữa bệnh tê thấp. Bốp toan đập chết con lươn, nhưng Tom ngăn lại:

– Thứ này hiếm thấy lắm… Ta đem về xuôi thì quý lắm đấy!

Bốp đành đào một hố nhỏ dưới đất, đổ đầy nước rồi thả lươn vào; lần này Bốp cẩn thận lấy cành củi khô đẩy lươn xuống chứ không dại dột đụng tới người nó.

Trời tạnh ráo, nên cuộc sống của đôi bạn trên đảo không đến nỗi cực. Ban ngày nắng đã có bóng cây, đêm đêm cả hai chúi vào đám lá khô trải làm nệm.

Hai bữa sau, Bốp thấy chiếc bè gỗ của lão Cốc nằm nép ven rừng, sát mé sông. Chắc lão neo bè đó đi kiếm lương thực.

Bốp không có cách nào lái cho hòn đảo ghé lại gần bè, đành bó tay, nhưng kể từ lúc đó cả hai đều phấn khởi lạ lùng… Họ sẽ có dịp đoạt lại chiếc bè gỗ với đàn thú rừng.

Hòn đảo đang trôi xuôi bỗng gặp xoáy nước, xoay tròn vài vòng rồi dạt vào khoảnh vịnh nhỏ, nằm ỳ ra đó. Bốp sốt ruột vô ngần, chỉ sợ bè của lão Cốc vượt lên trước thì chẳng bao giờ còn hy vọng bắt kịp.

Nhưng qua một đêm dài lo lắng, đôi bạn đã ngạc nhiên thích thú vì chiếc bè gỗ gặp xoáy nước, lại gặp lúc trời lặng gió, nên cũng dạt vào vịnh, ngay với đảo.

–oOo–

Bốp nhảy vọt sang bè, tay lăm khẩu súng. Tom bước theo bạn. Hai người không thấy lão Cốc đâu. Bốp thì thào:

– Chẳng lẽ lão rớt xuống sông?

Tom lắc đầu, chỉ vào đống chăn trong xó lều: lão già bất lương nằm trong đó ngáy pho pho… Lão vớ được mấy chai rượu mạnh trong thùng lương thực của Bốp đem theo, nên say túy lúy.

Dãy cũi thú rừng còn nguyên vẹn, có điều đàn thú đói meo, vì chẳng có ai săn sóc.

Bốp xốc lão Cốc dậy, đẩy vào một chiếc cũi trống liền với chuồng trăn nước:

– Cho lão nằm đó… Chờ khi về tới bến sẽ hay!

Bốp không hiểu sao lúc này mình lại rộng lượng như vậy. Lẽ ra, Bốp phải cho lão một viên kẹo đồng như Bốp vẫn thường tính – rồi liệng xác lão xuống sông mới phải… Tội lão còn nặng hơn thế nhiều!

Thế mới biết tuổi trẻ dễ tha thứ!

Chuyến về xuôi của Bốp và Tom kết thúc thật tốt đẹp. Ðàn thú rừng được người ngoại quốc tranh nhau mua. Không những thế họ còn đặt cho đôi bạn săn giùm hàng chục loại thú hiếm có trong vùng A-ma-dôn.

Lão Cốc bị nhà chức trách câu lưu: lão phạm nhiều tội ác ghê gớm, mà nặng nhất là tội cướp phá và giết hại nhiều thổ dân trong vùng để đoạt da thú.

Bốp mỉm cười nhìn Tom:

– Ít ra lần sau này chúng ta cũng khỏi băn khoăn về lão, phải không bạn?

NMT phóng tác

Nxb Sống Mới, Sàigòn 1970

Trần Vũ đánh máy lại tháng 8-2022