Am tường văn hóa bản địa đến mức mang biệt danh “Le Mandarin” (Viên quan An-Nam), Raoul Salan sang Ðông Dương khi còn là một trung úy 25 tuổi tùng sự tại Trung đoàn 3 Tán Binh Bắc Kỳ (3e Régiment de Tirailleurs Tonkinois) rồi làm trưởng đồn Nguyên Bình cách Cao Bằng 30 cây số; rồi trưởng đồn Ðình Lập gần Lạng Sơn, hút thuốc phiện, soạn tự điển Pháp-Lào, lấy vợ Lào và có con lai là trung sĩ Victor Salan. Một tiểu sử vắn tắt nhưng đầy bí ẩn vì Salan kết bạn với Hồ Chí Minh giai đoạn Hiệp ước Sơ Bộ 1946. Chính Salan thương thảo với Võ Nguyên Giáp tại hội nghị Ðà Lạt, và cũng chính Salan đưa Hồ Chí Minh sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau; tại trạm dừng Calcutta, cả hai cùng thăm viếng xứ Ấn. Thư riêng của Hồ Chí Minh gửi Salan, 7 tháng sau khi chiến tranh đã xảy ra, viết: “Tôi vừa được tin chuẩn tướng quay lại xứ chúng tôi. Năm trước (tôi cảm giác chỉ mới là hôm qua mà cũng thật lâu như đã hằng thế kỷ), chúng ta đã du hành chung nhiều lần, đã hàn huyên nhiều với nhau. Trên rất nhiều đề tài về con người và trong nhiều lĩnh vực, chúng ta cùng đồng ý. Tóm lại, chúng ta đã rất thân thiết. (…) Cá nhân chúng ta sẽ tiếp tục làm bạn, chuẩn tướng có muốn như thế không?” [Phóng ảnh thư Hồ Chí Minh gửi Salan ngày 10 tháng 6-1947, Ðế Quốc Suy Tàn, tập 2, Nxb Presse de La Cité, 1971]. Lời lẽ thắm thiết chiêu dụ Salan, khi ấy quyền tư lệnh lâm thời Bắc Phần, không hiệu quả. 4 tháng sau Salan mở cuộc hành binh Léa mà mục đích là vây bắt Hồ Chí Minh trong chiến khu Việt-Bắc. Léa thất bại và chiến tranh tiếp diễn.

Thu đông 1952, thay thế de Lattre, Salan lên đến chức trung tướng tổng tư lệnh phải đối phó với 3 sư đoàn Việt Minh vừa tràn ngập phân khu Nghĩa Lộ, mở tung cánh cửa vào miền Thái. Kế sách nào khi xứ Thái (miền Thượng du Bắc-Việt) là một dải đất dài 300 km, rộng 50 km với vỏn vẹn 35 đồn canh mà mỗi một đồn chỉ do một trung đội phụ lực quân Thái chống giữ? Làm cách nào ngăn chặn chủ lực Việt Minh đang tràn xuống sông Ðà? Tiểu đoàn 6 Nhảy dù Thuộc địa (6e BPC) vừa phải triệt thoái khỏi Tú Lệ, thả dù thêm vài tiểu đoàn nữa sẽ vô ích một khi rừng núi làm nên lợi thế của Võ Nguyên Giáp. Giữ đất sẽ vô ích một khi không đủ quân số chống giữ. Moltke, bậc thầy tư duy Phổ, thường xuyên cảnh cáo: Ai muốn phòng thủ tất cả, sẽ không phòng thủ được gì hết. “Celui qui veut tout défendre, ne défend rien” là suy nghiệm của Salan khi ấy. Cũng từ 1950, từ khi Việt Minh chính quy hóa, hình thành một quy luật: Ra khỏi đường kính pháo binh Pháp (155 ly tầm xa 15 km hoặc 105 ly tầm xa 10 km) thì Việt Minh thắng trận. Ngược lại, bên trong đường kính này, quân Liên-hiệp Pháp chiến thắng. Hai tiên đề căn bản hiện ra rõ ràng: Phải chấm dứt công thức Phòng tuyến Liên tục (Ligne continue) và chấm dứt quan niệm Cố thủ tại chỗ (Tenir sans esprit de recul). Với Salan, Phòng ngự co dãn (Défense Élastique) của Erich von Manstein là nghiệm số duy nhất. Phải bỏ đất, không phòng thủ tỉnh lỵ Sơn La mà lùi thật xa, chiêu dụ Võ Nguyên Giáp vào thật sâu trên một trận địa thiết lập sẵn, rồi dùng phi pháo hủy diệt. Con nhím Nà Sản ra đời từ suy nghĩ quân sự này.

Xuất phát từ Lào Cai, Tuyên Quang và Yên Bái, 3 sư đoàn 308, 312, 316 tấn công Nà Sản thu đông 1952. Cùng thời gian, cuộc hành quân Lorraine từ Việt Trì đánh vào hậu phương của Việt Minh tại Phú Thọ, Phủ Đoan, Yên Bình.

Mô thức «con nhím» xuất hiện lần đầu trên mặt trận Nga, khi quân đội Ðức sa lầy trong tuyết phải làm chậm sức tiến vũ bão của Hồng quân. Kholm, Velikié Louki, Demiansk, Rjev, Kovel là những tấm khiên làm gẫy mũi giáo Sô-Viết. Cấu trúc nguyên thủy là một căn cứ hỏa lực mạnh với phi đạo chính giữa, vây bọc bằng một chuỗi cứ điểm với công sự ngầm cùng những bãi mìn dầy đặc. Salan dùng một thuật ngữ võ thuật để chỉ ý niệm chiến thuật: «Le Contre» mà chuyển ngữ sang tiếng Việt có thể dịch là “Khắc” hoặc “Khử”, tức thế đỡ của võ sĩ gập cùi chỏ hoặc nâng đầu gối hứng cú đá chí mạng của đối phương; dùng phần rắn của xương bảo vệ phần mềm của cơ thể, khiến đối phương ê ẩm cùng lúc thất bại trong mục đích đánh vào tử huyệt. Chức năng của «con nhím» là một «phá lam».

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Tuy nhiên, Salan cần thời gian để vận chuyển binh sĩ, pháo binh, đạn dược và thiết bị từ châu thổ sông Hồng lên Nà Sản. Ngày 28 tháng 10-1952, 10 ngày sau khi Nghĩa Lộ thất thủ, Salan phóng ra cuộc hành binh Lorraine: Vận dụng 3 Liên đoàn Lưu động (GM1, GM3, GM4) xuất phát từ Việt-Trì đánh lên Phú Thọ, cùng lúc bất thần ném 3 tiểu đoàn Nhảy Dù (1erBEP, 2eBEP, 3eBPC) xuống Phủ Ðoan, là kho hậu cần tiếp vận cho chiến dịch Tây-Bắc của Võ Nguyên Giáp. Quân Dù tiến chiếm Yên Bình, 40 cây số phía bắc Ðoan Hùng (Phủ Ðoan), uy hiếp Yên Bái là căn cứ địa Việt Minh và đánh nghi binh lên Tuyên Quang. Ngay lập tức cố vấn trưởng Trung cộng Vi Quốc Thanh yêu cầu Võ Nguyên Giáp rút Trung đoàn 36 của Sư đoàn 308 và Trung đoàn 176 của Sư đoàn 316 từ Nà Sản về Yên Bái.

Căn cứ Nà Sản cùng các cứ điểm phòng thủ ngoại vi

Opération Lorraine là một thành công chiến thuật của Salan. Ðã phá hủy kho tàng tiếp vận cho quân đoàn tác chiến Việt Minh. 250 tấn đạn dược súng trường, 40 tấn đạn súng sối, 35 ngàn lựu đạn, 2300 mìn đĩa, 1500 vũ khí cộng đồng, 4 xe vận tải Molotova và nhiều phân xưởng sản xuất lựu đạn chày, phóng pháo hỏa tiễn của kỹ sư Trần Ðại Nghĩa cùng những kho thóc bị phá hủy. Cả Vi Quốc Thanh và Võ Nguyên Giáp đều lướt qua chi tiết này mà tập trung kể về cuộc phục kích gây tổn thất cao cho Liên đoàn 4 Lưu động (GM4) của Trung tá Kergaravat khi lui từ Phủ Ðoan về Việt-Trì, lúc chấm dứt hành quân (*).

Xem thêm:   Họa sĩ... "Vandal"

Võ Nguyên Giáp trả giá máu ngay sau đó, chính vì Salan, với cuộc hành binh Lorraine (mục đích không nhằm giải vây Tây-Bắc như Vu Hóa Thầm ghi) đã mua được thời gian cho phép Ðại tá Jean Gilles, chỉ huy Nà Sản, hoàn tất công sự vững chắc. Thay vì khai trận cuối tháng 10-1952, ngay sau khi chiếm Nghĩa Lộ và tràn xuống sông Ðà, Võ Nguyên Giáp phải mất một tháng để tái tiếp tế 3 sư đoàn Việt Minh vì hậu cần tại Phủ Ðoan bị tiêu hủy, và vì phải di chuyển 2 trung đoàn 36 và 176 từ Yên Bái về lại Nà Sản. Khái niệm “Thời gian là hỏa lực gấp đôi” của Heinz Guderian, Võ Nguyên Giáp chưa biết đến.

Bảo Đại tiếp Salan tại Đà Lạt 1953, hình scan lại từ hồi ký Fin d’un Empire của Salan, tập 2

Ngày 24 tháng 11-1952, Võ Nguyên Giáp hạ quyết tâm tiêu diệt Nà Sản. Các đợt tấn công biển người đều thất bại. Ðêm 30 tháng 11-1952 Việt Minh tràn ngập đồi 22bis do Ðại đội 8 của Tiểu đoàn 2 Bộ binh Thái (BT2) và Ðại đội 278 Phụ Lực quân (278e CSM) chống giữ. Tiểu đoàn 2 Nhảy dù Lê Dương (2e BEP) lập tức phản kích. Từ 3 giờ sáng đến 6 giờ sáng, pháo 105 ly của Tiểu đoàn 5 Pháo binh Việt Nam (5e GAVN) và Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 41 Pháo binh Thuộc địa (IV/41e RAC) bắn 3000 quả đạn dập nát Trung đoàn 165 danh hiệu «Thành đồng Biên giới» của Sư đoàn 312. [Na San, Une Victoire Oubliée, Jacques Favreau, chương 9, Nxb Economica, 1999]

Ðêm hôm sau, Trung đoàn 88 danh hiệu «Tu Vũ» và Trung đoàn  Thủ đô» 102 của Sư đoàn 308 đánh biển người lên đồi 21bis. Ðến sáng, Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 5 Lê Dương (III/5e REI) đếm được 540 xác Việt Minh trên rào kẽm gai, thu 54 trung liên, 70 tiểu liên và 2 đại liên [Salan, trang 354, sđd]. Ðêm sau nữa, 11 tiểu đoàn của Quân đội Nhân dân tấn công đồng loạt nhiều cứ điểm. Pháo binh Pháp bắn 5000 quả đạn, Việt Minh thương vong 6000 bộ đội cho toàn chiến dịch. Nà Sản, là chiến thắng của Salan.

Salan và Hồ Chí Minh viếng Calcutta, Ấn Độ, 1946, hình scan lại từ hồi ký Fin d’un Empire của Salan, tập 2

Salan còn là vị tướng đã thành lập các Liên đội Lưu động Dân Sự Vụ Chiến đấu GAMO (Groupement Administratif Mobile Opérationnel) mà mỗi liên đội bao gộp 1 tiểu đội y tá, 1 tiểu đội dân vận, 1 tiểu đội cán sự xã hội, 1 trung đội nội chính và một đại đội Bảo Chính đoàn (Corps de Défense de l’État) với nhiệm vụ phát thuốc men, cấp phát lương thực, phản tuyên truyền và thanh lọc cán binh cộng sản trong các bản làng vừa tái chiếm. Một hình thức Tỉnh đoàn Cán bộ Xây dựng Nông thôn mà Việt Nam Cộng Hòa áp dụng về sau trong chiến dịch Phượng Hoàng.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Ðến đây, câu hỏi đặt ra là vì sao Con Nhím Nà Sản thành công mà một con nhím khác, phình to hơn là Ðiện Biên Phủ thất bại? Nhiều nguyên nhân nhưng một trong những lý do căn bản là vì Ðiện Biên Phủ đã được Navarre thiết kế như một Căn cứ Tấn công Không-Lục thay vì một chiến lũy phòng thủ, như Salan đã thực hiện ở Nà Sản. Dấu nhấn đặt lên chữ tấn công, tức giảm thiểu chiến hào, công sự mà tập trung yểm hỏa cho các đơn vị hành quân ngoại vi. Trong suy nghĩ của Navarre: các chiến đoàn sẽ từ Mường Thanh hành quân lên Tuần Giáo hay tiến sang Thượng Lào; một khi chạm chính quy địch thì sẽ lui về bên trong đường kính pháo binh của Mường Thanh, để với hỏa lực mạnh, sát thương Việt Minh. Việc Navarre chọn de Castries là một sĩ quan kỵ binh rồi không vận 10 chiến xa nhẹ M-24 Chaffee xuống Ðiện Biên Phủ và ra lệnh cho Piroth, chỉ huy trưởng pháo binh thiết lập vị trí pháo sao cho có thể tác xạ 360 độ ngoài trời, thay vì chôn pháo xuống lòng đất hoặc lập vòm mái bao cát bảo vệ, nói lên ý niệm hành binh tấn công này. Ban đầu Ðiện Biên Phủ không phải để phòng thủ. Từ tháng 2 Ðiện Biên Phủ biến dần thành Verdun nhưng đã quá muộn, các công sự nhẹ không đủ sức chịu pháo 105 ly của Việt Minh.

Phóng ảnh thư Hồ Chí Minh gửi Salan, scan lại từ hồi ký Fin d’un Empire của Salan, tập 2

Một lý do khác: Tổng bộ Việt Minh huy động 25,000 dân công cho toàn chiến dịch Tây-Bắc mà Nà Sản là trọng điểm, trong lúc số dân công cho chiến dịch Ðiện Biên lên đến 260,000 người. Là số liệu do chính Võ Nguyên Giáp cung cấp khi trả lời phỏng vấn của ký giả Claude Pomonti trên nhật trình Le Monde. (**)

Tuy nhiên, Con nhím Nà Sản của Salan không cáo chung với Ðiện Biên Phủ. Tướng Westmoreland áp dụng thành công mô thức này khi dội nát hai sư đoàn Bắc-Việt tại Khe Sanh.

«Ta, Ðịch, Phương tiện» (Nous, L’Ennemi, Les Moyens) và «Hiểu biết để có khả năng hành động» (Savoir, Pouvoir et Agir) là phương châm của Salan.

TV

Xem lại và bổ túc tháng 6-2022

(*) Vương Chấn Hoa, thư ký riêng của Vi Quốc Thanh dưới bút danh Vu Hóa Thầm ghi lại Trong ký sự Đồng chí Vi Quốc Thanh trong viện trợ Việt Nam đấu tranh chống Pháp: “Ngày 17/11 trung đoàn 36 đại đoàn 308 từ tiền tuyến Tây-Bắc quay về phục kích trên quốc lộ số 2, một lúc tiêu diệt hơn 400 tên địch, bắn hỏng hơn 10 xe tăng và hơn 30 ôtô. Ba trung đoàn chủ lực Việt Nam truy kích quân Pháp đến phòng tuyến đoạn phía Tây đồng bằng sông Hồng mới thu quân. Hành động giải vây Tây Bắc của quân Pháp lần này đã phải trả giá bằng việc hơn 1,200 tên địch bị thương vong, rốt cuộc thất bại hoàn toàn.” [Thượng tướng Phong Vân lục, Nxb Bách khoa Toàn thư, 2000]

Sử gia Ivan Cadeau đưa ra những số liệu khác: “Lúc 10 giờ 30 đêm, thành phần đoạn hậu của Liên đoàn 4 Lưu động (GM4) về đến làng Ngọc Tháp phía bắc Phú Thọ. Trận phục kích tại Chân Mộng gây thiệt hại 56 chết, 133 mất tích và 125 binh sĩ Pháp-Việt bị thương. 11 quân xa và 1 chiến xa bị Việt Minh phá hủy ngày 17 tháng 11-1952.” [Ivan Cadeau, La Guerre d’Indochine, chapitre Guerre du Pays Thai, trang 401, Nxb Tallandier, 2015]

(**) Le Monde số ra ngày 4 tháng 10-2013 (http://www.lemonde.fr/disparitions/article/2013/10/04/le-general-giap-heros-de-l-independance-vietnamienne-est-mort_3490198_3382.html)