Tháng 10-2022, nhị nguyệt san Chiến tranh và Lịch Sử (Guerres & Histoire) số 69 thực hiện phỏng vấn thiếu tướng về hưu Pierre Latanne, nguyên trung đội trưởng của Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam tại Điện Biên Phủ. 93 tuổi nhưng Pierre Latanne vẫn minh mẫn và giữ nguyên ký ức về những người lính Việt. Một phỏng vấn sống động đầy oanh liệt và bi thảm.

Quân đội Quốc gia thành lập 5 tiểu đoàn Dù đầu tiên:

– Tiểu đoàn 1 ND (Đại úy Nguyễn Khánh)

– Tiểu đoàn 3 ND (Thiếu tá Vincent Monteil)

– Tiểu đoàn 5 ND (Đại úy Jacques Bouvery)

– Tiểu đoàn 6 ND (Thiếu tá Đỗ Cao Trí)

– Tiểu đoàn 7 ND (Đại úy Trịnh Xuân Nghiêm)

Trong 5 tiểu đoàn này, Tiểu đoàn 5 là đơn vị đụng ba trận lớn: Chiến dịch Cá Măng (Brochet) ở Hưng Yên-Hải Dương, Chiến dịch Castor nhảy xuống Mường Thanh, rồi tăng viện lần thứ nhì cho Điện Biên Phủ. Sau tái võ trang, các tiểu đoàn trưởng kế tiếp là các Thiếu tá Ngô Quang Trưởng, Hồ Trung Hậu, Nguyễn Khoa Nam, Nguyễn Vỹ, Bùi Quyền… Phỏng vấn của cựu thiếu úy Pierre Latanne xoay quanh giai đoạn 1953-1954.

Đặc biệt, khác với US Army, quân đội Pháp không viết hoa các chức vụ và cấp bậc, vì xem là danh từ chung. Tất cả các chức vụ từ cao ủy, toàn quyền, thống chế đến đại tướng, đô đốc, đại tá, tỉnh trưởng đều không viết hoa. Do là bản dịch từ tiếng Pháp nên người dịch giữ nguyên quy tắc của Quân đội Liên Hiệp Pháp mà Quân đội Quốc gia khi ấy là một thành phần. Người dịch cũng thêm phụ chú về thời kỳ này.

[Trần Vũ]

Nhiều kỳ – Kỳ 1

“Không gì khủng khiếp bằng cố tình phơi mặt trước thần chết!”

(Pierre Latanne)

G&H: Sang Đông Dương, bằng thương thuyền SS Jamaique dùng làm quân vận hạm, tâm trạng của viên thiếu úy trẻ là Pierre Latanne lúc đó như thế nào?

Pierre Latanne: Tôi là sĩ quan trừ bị tăng phái cho Tiểu đoàn 3 Nhảy dù Thuộc địa (3e Bataillon de Parachutistes Coloniaux viết tắt 3e BPC), đang hành quân trên cao nguyên miệt Pleiku và An-Khê. Khi tôi về đơn vị, đại đội trưởng “ra mắt” các trung sĩ, “lạc đà” mang máy truyền tin, y tá với hai tá lính trong trung đội. Hầu hết sáng sủa trừ một số chai sần lì lợ=m. Nhiều tay đã tác chiến sang đến năm thứ 4 ở Ðông Dương. Có cả hạ sĩ quan từng đánh trận trong thế chiến. Tôi mới 23 tuổi, thấy rõ mình hãy còn non nớt để chỉ huy những người lính “già” này. Tôi cố gắng tối đa, đặc biệt không nghĩ về quá khứ của họ. Lính nhảy dù Việt-Nam gọi tôi là “Ông Một” – tức “Quan Một”, theo một vạch vàng của lon thiếu úy. Nếu trung úy, lon hai vạch vàng thì họ gọi là “Quan Hai”, hay “Ông Hai”.

(Ghi chú của dịch giả: “Ông Một”, “Ông Hai” là nguyên văn Pháp văn trong câu trả lời của thiếu tướng Pierre Latanne mà sau 60 năm vẫn không quên).

G&H: “Tiền tuyến hằng ngày” của tân thiếu úy Latanne trên cao nguyên là gì?

Pierre Latanne: Tôi tham dự hành quân đầu tiên qua trận tảo thanh Việt Minh trong khu tam giác An Khê-Quy Nhơn-Pleiku. Là một vùng rộng lớn nên kéo dài đến tháng 3-1953, nhưng giống hầu hết các cuộc hành binh càn quét, lưỡi gươm chém xuống nước không chết cá. Ít đụng độ. Ít tiêu hao. Chạm súng lẻ tẻ không gây thiệt hại. Chúng tôi phát hiện vô vàn các mật khu Việt Minh với dấu vết còn mới nguyên – bếp lò than còn nóng – lá cây rừng ngụy trang còn tươi nhưng kẻ thù mất dạng. Trên chiến trường tôi học trực tiếp những cạm bẫy ác hiểm của kẻ thù. Quy tắc luôn luôn là không di hành trên đường cái, tránh các lối mòn, những chỗ trũng, thậm chí các gò đất. Luôn luôn nhìn kỹ các ngọn cây, lùm cây chung quanh. Nếu không cẩn thận, sẽ giẫm lên một chiếc bẫy tàn bạo: một hố chông phủ lá lên những nan tre xếp ngang dọc, bên trên rải một lớp đất mỏng. Dưới đáy sâu 50 cm là các lưỡi lam nhọn hoắt đôi khi tẩm thuốc độc. Nơi khác là mìn, thường khi là lựu đạn giựt chốt bằng một sợi cước giăng sát mặt đất.

Trung úy Latanne 24 tuổi tại Điện Biên Phủ và khi 92 tuổi năm 2021

G&H: Tiểu đoàn 3 Nhảy dù Thuộc địa bị “vàng hóa”. Việc “vàng hóa” diễn ra nhanh chậm?

Xem thêm:   2 người thợ săn

Pierre Latanne: Trong thực tế, ngay từ ban đầu Tiểu đoàn 3 Nhảy dù Thuộc địa đã bao gộp đại đội thứ 3 mang tên 3e CIP (Compagnie Indochinoise Parachutiste) là đại đội nhảy dù Ðông Dương thuần lính Việt. Ðến giữa mùa hè 1953 thì Tiểu đoàn 3 Nhảy dù Thuộc địa biên cải thành Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam với cấp số 80% binh sĩ Việt, tính luôn sĩ quan và hạ sĩ quan.

(Ghi chú của dịch giả: Một Tiểu đoàn Nhảy Dù Mẫu Quốc (Paras Métropolitains) hay Tiểu đoàn Nhảy Dù Thuộc địa (Paras Coloniaux) kể từ 1951 khi sang Việt Nam chỉ có một đại đội hỏa lực (súng không giựt 54 ly và súng cối 81 ly) với 2 đại đội tác chiến thay vì 4 đại đội tác chiến theo cấp số. Ngay khi cập bến Vũng Tàu hoặc Hải Phòng thì tiểu đoàn Dù viễn chinh nhận thêm 2 đại đội Nhảy dù Việt Nam từ Trung tâm Huấn luyện Binh chủng Không vận Đông Dương CITAPI (Centre d’Instruction des Troupes Aéroportées d’Indochine). Phân biệt ban đầu vào giai đoạn 1945-1950 là Nhảy Dù Mẫu Quốc thuần lính Pháp, còn Nhảy Dù Thuộc Địa gộp chung với lính bản xứ. Thêm vào đó là Nhảy Dù Lê Dương của binh chủng Lê Dương. Từ tháng 1-1951, tất cả các tiểu đoàn viễn chinh kể cả pháo binh, giang đoàn và thiết giáp, trừ các đơn vị thuần Ả Rập hay thuần Châu Phi, đều có cấp số phân nửa lính Việt, kể cả bộ binh Lê Dương. Lý do là tân cao ủy kiêm tổng tư lệnh Jean de Lattre muốn tăng quân, nhưng có sự va chạm văn hóa và ẩm thực giữa các đơn vị Ả Rập và Châu Phi đối với lính Việt. Binh sĩ Việt không chấp nhận bị chỉ huy bởi các hạ sĩ quan Ả Rập hay Châu Phi và ngược lại.)

G&H: Ký ức của thiếu tướng về lính Nhảy dù Việt Nam?

Pierre Latanne: Họ rất dễ thương, thân thiện với đồng đội Pháp và tuy tâm tính có chút trẻ con nhưng tôi vô cùng mến những người lính Việt của mình. Khác lính Pháp, lính nhảy dù Việt Nam không bao giờ than phiền điều gì, rất tháo vát và đặc biệt thích nghi với mọi hoàn cảnh. Vào những ngôi làng vắng ngắt nhưng hãy còn chập chờn hiểm nguy, chúng tôi ít thức ăn – vì trong những cuộc hành quân chớp nhoáng tiêu lệnh là ưu tiên ba đơn vị hỏa lực cho một đơn vị lương khô – nhưng chỉ trong nửa giờ lính Việt Nam đã mang cho tôi một con gà rừng rô-ti không biết săn lúc nào. Họ thổi cơm bằng những phương thức khó tin: trong ống tre, nón sắt, lon đồ hộp và dùng xẻng thay chảo gang… Họ hay nói: “C’est moyen mon lieutenant!” (Có cách rồi thiếu úy!), “C’est pas moyen mon lieutenant!” (Hết phương rồi thiếu úy!). Khi “Có cách” thì chắc chắn họ đã tìm ra giải pháp, còn nếu “hết phương” thì không nên lặp lại mệnh lệnh. Cấp chỉ huy phải biết nhìn sự việc cách khác.

Tôi nhớ trong trận Ðiện Biên Phủ, khi bị bao vây trên một cứ điểm, chúng tôi thiếu nước uống. Một buổi sáng một lính Nhảy dù Việt Nam xuống giao thông hào chìa ra một ca sắt: “Thiếu úy tiểu vô lon được không?” Ngạc nhiên, tôi hỏi “Ðể làm gì?” Anh ta trả lời: “Ðể pha cà-phê cho trung đội.” Tôi cáu: “Không phải lúc giỡn chơi.” Anh lính đáp thản nhiên: “Nếu mọi người cùng tiểu sẽ đủ nước khuấy Nescafé đó thiếu úy.” Tôi đành nói là tôi rất “hân hạnh”…nhưng sáng nay tôi không uống cà phê để tránh mất ngủ!

(Ghi chú của dịch giả: Pierre Latanne mang lon thiếu úy nhưng trong quân đội Pháp ngay cả khi còn là thiếu úy hay chuẩn úy thì hàng binh sĩ phải thưa “mon lieutenant” là “thưa trung úy”, cũng như phải “thưa đại tá (mon colonel)” ngay cả khi thượng cấp là trung tá (lieutenant-colonel). Nếu là thiếu tá thì “mon commandant”.

Lối xưng hô này là phép quân kỷ phải tuân thủ – không nhằm xác định cấp bậc đích xác mà xác định giai cấp: Là sĩ quan trung cấp hoặc cao cấp hoặc hàng tướng lĩnh. Chính vì vậy mà bất kể là chuẩn tướng hay đại tướng, chỉ phải thưa “mon général” là “thưa tướng quân”. Ở đây không thể dịch “mon général” là “ông tướng của tôi” vì tính từ sở hữu (adjectif possessif) “mon” hàm ý vị tướng chỉ huy tôi. Tuy nhiên, vì lính miền Nam không xưng hô “thưa tướng quân” mà gọi đúng cấp bậc nên tùy theo chức vụ của viên tướng ấy hay viên sĩ quan ấy có thể dịch “thưa thiếu tướng” hoặc “thưa thiếu úy”).

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

G&H: Chính trận Điện Biên Phủ là điều chúng tôi muốn biết.

Pierre Latanne: Tháng 11-1953 chúng tôi đang ở hậu cứ ở Hà Nội. Thình lình lệnh họp hành quân. Trong một khung gỗ chứa cát là mô hình một lòng chảo sát biên giới Lào. Chúng tôi, các sĩ quan cấp úy hoàn toàn chưa biết vùng này. Thiếu tá Bigeard, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 Nhảy dù Thuộc địa (6e BPC) thuyết trình: “Tôi từng hành quân ở đây. Năm 45. Một thung lũng đường kính 10 cây số có một phi đạo do Nhật xây chính giữa. Chung quanh là núi. Các anh ở dưới đáy nhưng xuống đáy bằng dù.”

Như thế là một cuộc hành quân đánh chiếm bằng thả dù. Các tướng lĩnh muốn thiết lập một căn cứ tấn công không-lục ở phía Tây-Bắc Ðông Dương và thiết kế theo kiểu chiến lũy Nà Sản năm trước. Cuộc hành binh mang ám danh “Castor”. Ngày 20 tháng 11, Tiểu đoàn 6 của Bigeard nhảy trước tiên, thanh toán Tiểu đoàn 910 của Trung đoàn 148 Việt Minh và chiếm phía Bắc lòng chảo. Tiểu đoàn 2 Dù của thiếu tá Bréchignac nhảy tiếp theo, chiếm phía Nam lòng chảo. Ngày 22, phần còn lại nhận vùng trách nhiệm. Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam nhảy xuống ngày hôm đó. Ðây là cuộc hành quân lớn thứ nhì của tiểu đoàn tân lập này.

(Ghi chú của dịch giả: Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam thuộc Chiến đoàn 2 Không vận (Groupement Aéroporté GAP2) dưới quyền trung tá Pierre Langlais bao gộp 3 tiểu đoàn Dù: Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam (5e BPVN), Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Lê Dương (1er BEP), Tiểu đoàn 8 Nhảy dù Thuộc địa (8e BPC) còn gọi Tiểu đoàn 8 Xung kích (8e CHOC).

Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam “khai trương” chính thức tháng 9-1953. Tiểu đoàn trưởng đầu tiên là đại úy Jacques Bouvery, tiểu đoàn trưởng kế nhiệm là đại úy André Botella. Hành quân lớn đầu tiên của tiểu đoàn là chiến dịch Brochet (Cá Măng) đánh xuống phía Nam châu thổ sông Hồng nhằm tiêu diệt 2 trung đoàn chủ lực miền của Việt Minh: Trung đoàn 42 (địa bàn Hưng Yên) và Trung đoàn 50 (địa bàn Hải Dương)).

G&H: Nhiệm vụ của Nhảy dù Việt Nam trong giai đoạn đầu ở Điện Biên Phủ?

Pierre Latanne: Trong hai tuần lễ từ 22 tháng 11 đến đầu tháng 12-1953 chúng tôi phát quang các ngọn đồi và lấy gỗ ở các bản làng bỏ hoang để tấn vách hào và xây công sự. Binh sĩ gắng sức hoàn tất chiến lũy. Công tác nặng nhọc nhất là biến cao điểm rợp cây ở phía Bắc, thành cứ điểm Gabrielle vững chắc. Nguyên thủy là một cánh rừng nhỏ mọc trên một ngọn đồi cao, chúng tôi cưa trụi hết thành một sa mạc không cây cối. Ðể không cản trở tầm quan sát và xạ kích. Cho trống trường bắn. Song song là các nhiệm vụ viễn thám, liên lạc với các cứ điểm chung quanh cách nhau 5 cây số.

(Ghi chú của dịch giả: Tiểu đoàn 5 không duy nhất làm công tác xây chiến hào mà còn tham dự hành quân Pollux vào trung tuần tháng 12-1953. Là cuộc hành quân quan trọng nhằm đón quân trú phòng Lai Châu triệt thoái về Mường Thanh. Pollux trong thần thoại Hy Lạp là anh em song sinh với Castor (tên chiến dịch đánh chiếm Điện Biên Phủ), con trai của vua Sparta. Tại Mường Thanh, Pollux là một thất bại. Trung đoàn 174 của Sư đoàn 316 Việt Minh chặn đánh các đại đội phụ lực quân người Thái khi về đến Mường Pồn, trong lúc Trung đoàn 98 của Sư đoàn 308 tấn công quân Dù lên đón ở Bản Tấu. Khi quân dù đến được Mường Pồn (cách Mường Thanh 7 km), chỉ còn chưa đến 200 lính Thái sống sót (trên tổng số trên 2.000 khi rời khỏi Lai Châu). Chính Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam đã giảm áp lực Việt Minh giúp Tiểu đoàn 1 Nhảy dù Lê Dương đi đoạn hậu phá vây.

Xem thêm:   Père Lachaise thành phố tĩnh lặng

Ở đây Pierre Latanne không nhắc đến cuộc hành binh này, xảy ra từ 8 đến 12 tháng 12-1953, vì Latanne đã rời lòng chảo trước đó. Ngày 13 tháng 12 Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam về Hà Nội làm trừ bị chiến thuật cho Bộ Chỉ huy Bắc phần. Từ đây đại úy Botella thay đại úy Bouvery ở chức vụ tiểu đoàn trưởng.)

Các trung sĩ Trần Đình Chàm, Nguyễn Văn Hóa và Nguyễn Văn Sử được đề cử đi học trường sĩ quan Đà Lạt (École Militaire Inter-Armes DaLat) do lập chiến công đã bắt sống 38 tù binh Việt Minh và thu 29 súng. Các khóa sinh mang cầu vai alpha với huân chương chữ thập TOE. (Nguyệt san Indochine Sud-Est Asiatique in tại Sàigòn 1953).

G&H: Thiếu úy Latanne về Hà Nội “lội” thêm vài tuần trong các ruộng mạ ven sông Hồng cho đến khi Việt Minh tấn công Điện Biên Phủ, nhưng tình thế đã đổi khác…

Pierre Latanne: Hai giờ trước khi lên máy bay, tất cả sĩ quan của tiểu đoàn được đọc bản liệt trận mật với mệnh lệnh không phát tán cho lính: Cứ điểm Béatrice phía Tây-Bắc lòng chảo bị bọn Việt (Les Viets) tấn công. Tiểu đoàn 3 của Bán Lữ đoàn 13 Lê Dương (III/13e DBLE) bị tràn ngập lúc hai giờ sáng. Trung tá Jules Gaucher chỉ huy lữ đoàn, thiếu tá Paul Pégot tiểu đoàn trưởng, đại úy Vincent Pardi tiểu đoàn phó với 4 đại đội trưởng là các trung úy André Carrière, Georges Jego, André Lemoine, Joseph Pungier đều tử trận. Duy nhất trung úy Turpin với 12 lính Lê dương sống sót. Trong một đêm pháo binh bắn sáu ngàn quả đạn. Tình hình nguy ngập và các “Thẩm quyền” không muốn binh sĩ Việt Nam mất tinh thần.

(Ghi chú của dịch giả: Trong quy ước Pháp văn của Quân đội Pháp, khi viết “Les Viets”» (Bọn Việt) hoặc “Les soldats Viets”» là ám chỉ Việt Minh. Khi viết “Les soldats vietnamiens”» là nói lính Việt Nam Quốc gia. Một quy luật bất thành văn. Viets là Cộng sản, còn Vietnamiens là dân Việt hay Việt Quốc gia.)

G&H: “5e Bawouan” nhảy xuống lòng chảo lần thứ nhì ngày 14 tháng 3-1954. Dưới đất ra sao?

Pierre Latanne: Tôi không kịp có thời gian để nhìn tràng hoa trắng khổng lồ kết bằng các cánh dù trên đầu mình vì từ dưới đất đã dậy vang đủ mọi tiếng nổ của đủ loại súng, từng tràng liên thanh tự động… Khi tôi chạm đất, bích kích pháo đang bứng từng cụm đất. Tất cả nổ tung chung quanh. Lính tráng náo động. Tôi không biết đang ở đâu so với vị trí của khu trung tâm – tôi hoàn toàn không nhận ra cảnh quan của căn cứ mặc dù khá quen thuộc với tôi trước đó. Xung quanh đầy tiếng nổ, hàng tràng đạn, tiếng la hét… Phản xạ đầu tiên của tôi là tìm chỗ trú pháo. Tôi trông thấy từng tốp lính chạy về phía các giao thông hào mà từ bên dưới có những chiếc đầu nhô lên ngoắc tay ra hiệu cho chúng tôi chạy về phía họ. Tôi chưa quen kiểu “tác chiến” này. Quá khác với thao diễn cơ bản là ngay khi chạm đất phải bung rộng ra để giữ an ninh bãi đáp, cho các “stick” xuống sau.

(Ghi chú của dịch giả: Pháp gọi các tiểu đoàn Việt Nam là “Les bawouans”, sau khi tiếp thâu quân nhà Nguyễn. “Bawouan” là ký âm tiếng Pháp của chữ “Ba Quân”. 5e Bawouan hay 5e Bawan là danh xưng không chính thức của Tiểu đoàn 5 Nhảy dù Việt Nam. Tên chính thức là 5e BPVN (5eme Bataillon de Parachutistes Vietnamiens). “Stick” là thuật ngữ của binh chủng nhảy dù. Một “Stick” tương đương với hai tiểu đội nhảy liên tiếp từ máy bay trong một lượt thả dù. Do sức chứa của vận tải cơ Dakota DC-3 là từ 20 đến 30 lính).

G&H: Quân trú phòng dưới đất đón tiếp quân tăng viện ra sao?

Pierre Latanne: Tôi cảm giác rơi vào một hành tinh khác. Các sĩ quan “chủ nhà” đón “khách” mới thả dù bằng tóm lược nhanh tình hình. Rất giản lược: Bọn Việt bắt đầu tấn công lúc 5 chiều hôm qua. Cứ điểm Béatrice giữ cửa ngõ vào Ðiện Biên Phủ trên tỉnh lộ 41 thất thủ. Cứ điểm Gabrielle bảo vệ an ninh phi đạo phía Bắc đang bị vây chặt, sắp bị tràn ngập. Từ hôm qua địch pháo kích không ngưng nghỉ.

(còn tiếp)

TV dịch từ bản Pháp văn ” Il n’y a rien de plus terrible que de s’exposer délibérement à la mort » in trong nhị nguyệt san Guerres & Histoire số 69 tháng 10-2022, trang 36-42.

Kỳ sau:

Phản kích lên đồi Gabrielle. Trung úy Lộc trung úy Ty bị lột lon tại mặt trận đày ra lao công chiến trường. Trung úy Phạm Văn Phú đặc cách đại úy quyền tiểu đoàn phó.