Nhà văn Thế Uyên qua đời ngày 11 tháng 6 năm 2013. Tháng 6 này là đúng 9 năm. Tôi gặp ông nhiều bận, lang thang dọc sông Loire ở Orléans, ăn trưa trên đồi Montmartre ở Paris, và một lần bất ngờ dưới mưa khuya Sàigòn… Thế Uyên cao gầy và cương trực. Lúc sinh tiền ông luôn bênh vực lớp viết trẻ vì tánh ông phóng khoáng, chấp nhận mọi thử nghiệm. Đánh máy lại truyện ngắn nổi tiếng nhất của ông cho ngày giỗ kỵ thứ chín. Nỗi Chết Không Rời do Nguyễn Đình Vượng xuất bản vào năm 1966, gồm một số truyện của Thế Uyên và Duy Lam viết riêng nhưng in chung, Văn Uyển tái bản 1969.

[Trần Vũ]

Kỳ 1

Trán tì vào cửa kính lạnh, tôi cố nhìn xuống nhưng mây che kín phía dưới, những giọt nước mưa liên tiếp văng dọc cánh phi cơ về phía sau. Tôi ngả người vào ghế, trên cao phía đầu phi cơ hình điếu thuốc bị gạt chéo xuất hiện, người Pháp già ngồi cạnh nói một câu tôi nghe không rõ trong tiếng động cơ. Tôi lắc đầu mỉm cười, hất hàm ra phía ngoài trời. Người Pháp nói tiếp, tôi nghe thấp thoáng: “Ðáng lẽ phải trông thấy đồn điền của tôi rồi!”. Tôi nhìn đồng hồ, nếu không lạc đường phi cơ hẳn đang bay trên vùng thị trấn. Có tin bão lớn mưa lớn miền Trung loan báo trên đài phát thanh đêm qua. Không khí bắt đầu lạnh, tôi thu người lọt vào trong ghế, hai tay khoanh trước ngực.

Hình như đêm qua tôi cũng ngồi như thế trong một góc tối, nhìn thiên hạ nhảy, chờ đợi bốn giờ sáng hết giới nghiêm, lại thăm Chi. Thành phố đường vắng, vài chiếc xích-lô máy nổ xa, tôi bước vào ngõ chiếc cổng gỗ sơn trắng lờ mờ và Chi bất động phía sau. Tiếng then cổng mở, thân thể nàng ấm nóng dưới áo len. “Anh lại chậm quá, em đứng thấy lạnh rồi”. Ðôi môi nóng mở rộng, tôi cúi xuống, thật lâu, vòng tay xuống dưới, bế nàng vào chiếc ghế cuối vườn. “Mấy giờ phi cơ bay? Anh…” Mặt ghế gỗ sương ướp lạnh thấm qua vải quần vào đùi, bàn tay tôi trên một bên ngực, nhịp tim Chi đập dồn và khẽ. Tôi cúi hôn. “Anh về chuyến phi cơ sáng thứ Hai”.

Cửa phòng lái bật về phía trong, người phụ trách hành khách cầm xấp túi nôn phân phát thêm cho những người đàn bà. Mưa hình như lớn hơn, phi cơ chao dữ dội. Người phụ trách vịn hàng ghế lại gần, cúi xuống nói, người Pháp lắc đầu, tôi lắc đầu, tiếng động cơ quá lớn. Người đó đứng thẳng dậy, quay tay ba bốn vòng, chỉ ra ngoài cửa sổ. Người Pháp ghé gần sát tai tôi: “Phi công nhất định tìm phi trường bằng được. Sợ không?”. Tôi lắc đầu, trả lời: “Dửng dưng”. Tâm hồn tôi cũng vậy, đang dửng dưng với tất cả, trừ với Chi. Nhưng Chi không có đây, nàng chắc vào ngủ tiếp và ngủ muộn trong chăn. Buổi sáng sớm trời mưa lất phất, tôi đến phi trường quá sớm, tắc-xi phải đợi, và tôi tiếc rẻ một khoảng thời gian đáng lẽ có làn da nóng dưới bàn tay luôn dưới lớp áo len. Tôi đứng ngơ ngác, nhân viên hãng hàng không chưa ai đến. Bên kia chỗ xe đậu, một quán có vẻ mở cửa. Một cà-phê sữa tồi tệ. Còn hơn không nhưng tôi tiếc dư vị của miệng Chi còn lại. Phi cơ rớt hẳn xuống, bụng tôi làm căng sợi dây an toàn lên phía trên, một cảm giác nôn nao. Một đêm không ngủ, lạnh về sáng, và bây giờ vai thấy buốt khi chạm vào cửa kính. Tôi đột nhiên thấy tôi đang nghĩ tới sự chết. Phi cơ va vào một đỉnh đồi, những thân thể dưới mưa và khói xăng khét lẹt. Cái thân thể tôi văng lên, đập đầu vào trần kia, nát bét trước khi rơi xuống cỏ ướt. Với dư vị nước bọt miệng Chi? Không còn, không thể còn bất cứ cái gì.

Tiếng súng nổ bên ngoài, tôi buông đũa chạy ra. Một binh sĩ trần truồng ướt nước xách khẩu trung liên: “Thiếu úy để tôi mặc quần đã… Thôi chẳng cần, đ.m. tụi đàn bà xuống hầm hết rồi”. Tôi quỳ sau một gốc cây, một loạt đạn cấy đất bụi tung, tôi nhìn thật xa. Những bóng người thấp thoáng chạy vào bìa rừng, tiếng trung liên nổ đều. Sau khẩu trung liên kê hai càng trên lộ, chiếc mông nâu của xạ thủ nhấp nhổm, tôi tự dưng muốn hạ súng xuống bắn vào vật đen lủng lẳng. Một con chó chạy băng qua, tôi đứng dậy nhắm bắn hai phát. Hụt. Tiếng sủa. Tiểu đội mắc kẹt rút khỏi bờ ấp. Sau bờ tre, mọi đường nét bất động, không nhìn thấy gì cả. Tôi leo lên lộ. “Thiếu úy, thiếu úy! Chết bây giờ!” Tiếng súng nổ, đạn réo qua đầu. “Rút quân!” Một binh sĩ và binh sĩ trần truồng khênh theo khải hoàn môn bằng tre địch dựng lên từ một tuần nay trêu tức. Cái giống giữa đám lông đen lắc lư theo bước chân. Tôi đột nhiên nhớ tới Chi và thèm nàng.

Tôi vụt trông thấy một quầng phi đạo, phi cơ chúc hẳn xuống, đài kiểm soát lờ mờ sau mưa. Tôi nhìn đồng hồ: trễ một giờ. Còn hơn trở về Sài-Gòn đợi hết mưa bão. Tôi không muốn hôn Chi, ôm Chi thêm. Buổi đêm về sáng, chiếc ghế ướt sương lạnh dưới mông, làn da nóng dưới áo len, từng đó quá đủ cho một ngày. Vuốt những giọt nước trên tóc, tôi bắt gặp cái nhìn của người đàn bà ngồi trên ghế cao trước quầy. Ðôi chân, một phần đùi trắng trong chiếc jupe màu nâu. Tôi khó chịu, con người giống cái mang vẻ mặt biết tình trạng thèm muốn của tôi đang biểu lộ dưới vải. Phòng tiểu ở bên kia Vip-room, mấy tủ kính kê ngang chặn lối. Tôi đi vòng ra ngoài, mưa và lạnh, tôi chải lại đầu và nhìn tôi một thời gian trong mùi khai của nước tiểu và không gian thiếu sáng. Hàng ghế phía sau xe, hai vợ chồng người Pháp nói lớn tiếng. Bên kia kính xe, nhà, doanh trại quen thuộc. Ba năm rồi. Thị trấn này chẳng có gì thay đổi. Thiếu úy Y Mlô chờ đón với chiếc Jeep xanh cũ nát, giọng nói quên dấu sắc lộn dấu huyền của sắc dân Rhadé. Toán lính Thượng đứng đầy hành lang chờ đợi. “Anh kiểm lại số tiền lương đi. Chỉ thị của giám đốc thi hành đến đâu, báo cáo thẳng Sài-Gòn… Cho tôi mượn xe về nhà. Cám ơn, để hôm khác, tối nay tôi có hẹn với các bạn cũ ở đây”. Chiếc xe rời tiểu khu, trời ngớt mưa, việc xong và hôm nay thứ Bảy.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Chiếc cửa phòng Văn đóng kín, tôi để va-li trên thềm, vào nhà bên cạnh. Ông Minh cười, giơ tay bắt: “Dễ thường đến hơn ba năm rồi không gặp…” Ông già quay lại gọi con pha nước. Tôi uống trà nóng ngon lành, hút thuốc ngon lành. Phần dưới cơ thể một người đàn bà vào tầm nhìn của tôi. Tôi ngửng lên, cúi chào đáp lễ. Một đôi mắt quen thuộc và khá đẹp. “Cháu đỗ Trung học Phổ-thông năm ngoái. Ngân còn nhớ thầy Dự chứ? Ngượng cả với thầy cũ, cái con này hỏng… Chúng nó nhớn cả rồi, bố già cũng sốt ruột. Nhưng tôi nói rồi, anh nào đến tán cũng được, nhưng để nó chửa mà không lấy, tôi sẽ đưa dao cho nó đến tận chỗ làm việc đâm chết”. “Các cô không đâm đâu… Chắc thế! Ðàn bà thường vác bụng chịu thiệt vì yêu”. “Bác trẻ nên nghĩ thế. Ðâm chứ, tôi bảo là nó đâm. Ðời con gái bị hại rồi, còn gì nữa mà không giết thằng Sở-khanh cho rồi!”. Văn bước vào, ồn ào: “Thấy chiếc va-li ở cửa, tớ tưởng thằng Oánh. Ai ngờ cụ!”. Tôi thực tình vui vẻ gặp Văn, kẻ độc nhất tôi còn muốn gặp lại ở xứ này. “Tôi ở nhà ông tới thứ Hai, tiện không?”. “Sang đây, hỏi lộn xộn. Nếu có chót mang bồ lên, tôi sẵn lòng cho mượn cả nhà”. Căn phòng sáng, đồ đạc dễ chịu, tôi nói: “Thằng Hiến trước ở đây bẩn như chuồng bò”. Văn vung tay: “Mất mười ngàn cả điện nước, bàn ghế. Hiến đi làm hiệu trưởng ở tỉnh cái gì Long, tôi quên mất rồi”. “Ông có nhớ những buổi học nhảy ở đây không? Hồi mùa mưa…” Văn kéo màn cửa, cười: “Nhớ! Nhưng không nhớ bằng buổi có những tên sắp đi lính mang gái về chơi. Kinh bỏ mẹ!”. Tôi tháo giày, thay đôi tất ướt. “Tổng cộng mười lăm thằng đi lính. Lớp cũ chỉ còn tôi và bác Minh già. Buồn kinh. Không như ngày xưa đâu”.

Hai nữ giáo sư đã ra về, đến lượt tôi phải ngâm thơ. Thiên hạ, các khuôn mặt đỏ men rượu ồn ào: “Giáo sư Việt-văn phải ngâm thơ tiễn biệt anh em trước khi xếp bút nghiên chứ!”. Yên ngừng nói, cười. Khuôn mặt hắn tự dưng làm tôi bực ghê gớm. “Tôi sẵn lòng ngâm thơ theo lời yêu cầu của giáo sư Yên. Nhưng với điều kiện là giáo sư sẽ ngâm tiếp nửa bài sau để tỏ tình đoàn kết… Hôm qua lên núi hái chè… Gặp thằng phải gió nó… Xin mời bạn Yên ngâm tiếp”. Căn phòng ồn hẳn lên, tiếng của Ðịch to nhất: “A! Cái thằng này tiếu lâm quá. Chưa đi lính mà đã nói bậy hơn lính. Yêu cầu bác hiệu trưởng bắt hắn ngâm thơ tử tế”. Tôi đã bắt đầu say chếnh choáng, đưa cả nửa ly vang lên uống cạn một hơi, khề khà: “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi, dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi… túy ngoạ sa trường quân mạc tiếu”, nắm chặt lấy ly rượu cho khỏi rung, uống đi, tôi buồn thực sao, cuộc chiến đã đến, tôi vung mạnh tay, cái ly rơi xuống vỡ tan trên sàn xi-măng. Các câu nói vụt ngang dọc, tiếng Ðịch át tất cả: “Cái thằng này khá, cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi, batterie đâu?”. Vinh chồm ra khỏi ghế: “Có ngay!”. Tiếng trống dồn dập. Hiến đeo trống bongo dẫn đầu, Vinh kéo lê bộ trống, một kẻ nào đó vung một nhạc cụ kêu lóc cóc. Ðịch thách thức: “Cả trường, chỉ có moa và thằng Dự là tửu lượng cao. Nhưng chưa biết ai hơn. Thi! Nhân thể để moa lính già quá tuổi tái ngũ tiễn dân blanc-bec lên đường”. Nhảy swing trên ghế, mỗi thằng một chai uống liên tục, những mẫu bánh mì ném ngang dọc. Chai bia ngậm trong miệng như dài ra, vụt lên cao, nét mặt Ðịch lờ mờ, chai bia cạn giơ cao. Hiến bắt đầu cất tiếng hát.

Ngoài cửa sổ trời hửng sáng, loáng thoáng vết mưa. “Chúng vẫn gửi chứng chỉ lương bổng về đủ cả chứ?”. Văn khoác áo mưa, đội mũ, cười: “Ðủ. Chắc còn sống cả”. Học trò đi rải rác hai bên lề và khắp lòng đường, tôi ngắm vài thân hình đẹp. “Hôm nay có chuyện gì mà học sinh náo nhiệt vậy?”. “Tớ quên không nói nhỉ. Ðêm nay và đêm mai, trường tổ chức văn nghệ lấy tiền lập thư viện. Tối nay tám giờ, ông đến chứ? Ðến cả đêm mai cho vẻ mặt ông bớt cái chất lính tráng đi!”. Hai nữ sinh bỏ nón chào. Văn gật đầu, tôi nói: “Con gái xứ này có vẻ khá hơn trước”. Văn cười phá lên: “Học trò cũ của ông đấy, ông bạn ơi. Làm gì mà ngắm kinh thế! À, ông còn nhớ con bé Phi không? Con bé có lần ông chỉ nó và nói: Cô này ba năm nữa xinh phải biết, khuynh đảo trai cao nguyên được, ông không nhớ à? Con bé có đôi mắt trong và cặp lông mày xanh mướt ấy”. Tôi cố hồi tưởng, hình ảnh một cô bé con ít nói ngồi bàn đầu, bàn đầu hay bàn hai?

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Trời bắt đầu mưa lớn hơn. Tôi không mang áo mưa theo và bắt đầu thấy lạnh. Phía xa, ngoài thị trấn có sương mù mỏng trên các đồi. “Con bé Phi tối nay giữ vai chính trong vở kịch nòng cốt. Ðóng ác vô cùng. Sau khi ông nhập ngũ rồi, nó hay hỏi thăm về ông, đóng đâu, làm gì, tôi đâu biết rõ. Ông làm cái gì mà đổi dữ thế. Plei-ku, Quảng-Ngãi, Bình-Dương cứ loạn lên. Trường lắm lúc cũng chẳng biết ông ở đâu trên cái đất Việt-Nam này nữa”.

Những giọt mưa trên mái vẫn giỏ vào chiếc bể xi-măng trong khu vườn nhỏ, hòn non bộ cũ kỹ. Vài bông hoa lan bằng nhựa cắm lẫn lộn trong đám lá cây leo che khuất một bên cửa. Tôi cảm thấy từ tất cả chất ẩm ướt và bất biến kéo dài. Tôi đứng dậy lục chồng đĩa. Người Về của Phạm Duy. Tôi vứt mẩu thuốc qua cửa sổ, kéo chăn lên tận cổ. Tôi choàng dậy. Một vài đốm lửa lóe lên bên kia quốc lộ. Trăng chiếu sáng mặt nhựa. “Ðưa tôi một trái lựu đạn”. Tiếng nổ lớn, tôi lao qua mặt đường, một binh sĩ la: “Máu chúng nó đấy. Chúng kéo xác đi rồi. Ðuổi theo!”. Tôi nhìn vết cỏ bết máu rạp thành vết chạy khuất dần. Những dãy nhà phía trong, các đốm đuốc bắt đầu xuất hiện, có tiếng la thất thanh “Ai giết chết con tôi rồi! Ai giết chết con tôi rồi!”. Các đốm lửa xuất hiện nhiều hơn, lập lòe di chuyển. “Muộn quá! Chúng xua dân ra khỏi nhà cản đường. Rút!”. Toán quân hối hả tháo võng, tiếng la thảm thiết hơn: “Ai giết chết con tôi! Ai giết chết con tôi!”. Tôi dừng lại cho toán quân vượt qua, ghé mắt nhìn theo vệt sáng lọt qua vách. Một người đàn bà đang lôi đứa trẻ trong hầm dưới phản, đặt lên nằm cạnh đứa lớn đang ngáp. Một đốm lửa ngả nghiêng ngoài lộ, tiến vào sân. Tôi giơ tay ra hiệu, toán quân ngừng di chuyển, bất động tại chỗ, các hình dáng thẫm mờ lẩn sau hàng cây. Tiếng gõ cửa dồn dập: “Chị Hai! Vui đây chị Hai!”. Tiếng người đàn bà: “Ai, ai bị sao, ai bị sao?”. “Thằng Năm chị Hai. Mấy ông đánh nhau, máu me ra tùm lum vườn bà Tư. Thằng Năm ngủ say chạy vô hầm không kịp, bị đạn xuyên đùi. Tôi mướn lăm-bét-ta chở lên chợ rồi… Nào tui đâu rõ. Hai ba người gì lận phải khênh đi”. Chiếc cửa khép lại, tôi ghé sát vách. Người đàn bà nước mắt chảy đầy má, lấp lánh vệt dài. “Tui cắm cây đuốc lớn lên lăm-bét-ta, khỏi lo các ổng bắn”. Tôi vẫy tay, toán quân lặng lẽ đi tiếp. Căn bếp không cửa còn mùi khói nóng, tôi cởi áo đẫm mồ hôi móc lên cột. Tiếng hiệu thính viên thì thào: “Văn, Văn, ba ba gọi Văn nghe không trả lời. Ðịch tử thương hai, ba ba vô sự. Một thường dân đạn lạc, tản thương xe ba bánh cắm đuốc. Xin nhắc lại, xe ba bánh cắm đuốc, đừng bắn”. Ngoài khung cửa, trăng soi sáng từng nếp đất. Tiếng binh sĩ thì thào bàn tán. Tôi ngủ thiếp đi. Gần sáng, tôi bừng tỉnh, đầy lo âu. Có tiếng ai la: “Ai giết con tôi…! Không, không có gì cả, tôi quá mệt, chắc thế.

Sân khấu lấp ló các đầu học sinh, nhìn chúng, tự dưng tôi thoải mái. Một năm đã lâu, tôi đứng nhìn ra sân khấu như vậy, năm mười hai hay mười lăm? Phía tường trước mặt, các nữ sinh chưa tới màn trình diễn ngồi lẫn lộn với các giáo sư mặc đồ lớn. Một thiếu nữ hất mái tóc cười rũ rượi. Ứng ghé tai tôi làu nhàu: “Tụi giáo sư bây giờ bê bối. Ðùa với nữ sinh trước mặt mọi người như gió!”. Tôi lắc đầu phụ họa cho vừa ý bạn. Tôi không muốn đôi co gì với ai. Ðã lâu lắm, tâm hồn tôi mới vào trạng thái thoải mái này, tôi không muốn đôi co với bất cứ ai về bất cứ vấn đề gì. Một cô gái tóc đuôi ngựa, mặc jupe phồng trắng ôm một con mèo lớn từ cửa ngách đi vào, vừa len lỏi tìm lối vừa cười ngượng nghịu, con mèo há mõm kêu nhưng nhạc ngăn không nghe tiếng, chiếc miệng đỏ há ra rồi khép lại. Tôi nói với Ứng: “Trẻ con mới lớn trông tếu thực! Quả thực bọn mình già rồi”.

Tiếng Văn trên sân khấu giới thiệu vở kịch, chiếc màn lùi về hai bên, một thiếu nữ ngồi ở bàn úp mặt xuống khóc mê sảng nức nở trong tiếng nhạc khiêu vũ hỗn loạn xa gần. Thiếu nữ hét lớn, tỉnh cơn mê, ngửng lên. Mái tóc trẻ con Nhật-Bản cụp vào vai, đôi mắt ướt nước như đã khóc dưới hàng lông mày xanh mướt của cô bé học trò ba năm trước. Ứng quay sang: “Phi đấy hả? Con bé xinh đấy chứ? Diễn xuất khá lắm”. Tôi gật đầu không trả lời, chăm chú nghe giọng nói, ngắm nét mặt linh hoạt thay đổi theo đối thoại. Một thúc đẩy, một quyến rũ tới với tôi, chắc chắn như đầu một con rắn trong mơ. Tôi nôn nao trong người, tôi không nghe hiểu một lời đối thoại nào, chỉ có giọng nói, những nét mặt biến đổi giữa mái tóc úp vào cổ. Mái tóc vụt rũ xuống, tôi chỉ còn trông thấy một nửa đôi môi hồng bóng lên mấp máy dưới ánh đèn.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Tôi nhìn những giọt mưa nhỏ rơi ngoài đường trong ánh sáng loãng của buổi chiều, nghĩ rằng thế là hết một ngày Chủ Nhật. Ngày mai 8 giờ phi cơ cất cánh, có tin bão lớn đang tàn phá miền duyên hải, nhưng phi trường Sài-Gòn có ra-đa, chắc chắn tôi sẽ về tới trưa mai, buổi tối tới ngồi trong phòng nhảy ngồi đợi tới hết giờ giới nghiêm, đi bộ lại tìm Chi lờ mờ sau cổng gỗ, chiếc ghế ướt sương lạnh, làn da ấm dưới làn áo len. Ứng giơ bật lửa châm thuốc: “Ông làm gì mà có vẻ băn khoăn thế?”. Tôi có vẻ băn khoăn? Mà tôi băn khoăn thực. Tôi đang muốn gì đây? Lại hay không lại dự đêm văn nghệ tối nay? Ngày mai rời thị trấn này không biết ngày nào trở lại, có thể ba tháng, sáu tháng, có thể không bao giờ. Mái tóc uốn cụp vào cổ, đôi mắt như ướt nước dưới hàng mày xanh mướt. Ðến hay không đến? Tôi hỏi Ứng: “Ngồi đây luôn đến khuya chứ?”. Ứng lắc: “Tám giờ có xe đến đón về.  Ðêm nay tôi trực”. Ngoài trời mưa bắt đầu dữ dội, bây giờ tôi ngồi một mình. Hoàn toàn một mình với những bản nhạc quá nhàm từ một máy phát thanh quá cũ, và trên tường đối diện, hai bức tranh chụp lan treo nguyên vị trí ba năm trước. Một không gian của ẩm mốc và bất động.

Mùi bùn lẫn mùi máu xông lên, tôi túm tóc cố giữ đầu người lính trên đùi, cố tì tay kia lên bờ ruộng tiếp tục bắn. Sao lâu quá trung đội hai không lên, đầu gối tôi tụt sâu thêm vào bùn, tiếng trung liên ngừng bắn, đừng, đừng hết đạn, tôi bóp cò liên hồi hết số đạn còn lại trong kẹp. Ðừng xung phong, đừng xung phong. Tiếng trung liên lại bắt đầu. Ðơn vị bạn đã lên nơi, tiếng súng địch vụt im bặt. Tôi la: “Thôi bắn!” Thế là thoát. Ðịch chưa xung phong, chắc không mất khẩu súng nào, tôi thoải mái cúi xuống. Ðôi mắt trên đùi tôi mở lớn, bất động, một giòng nước bọt ở bên mép. Hắn đã chết với bàn tay tôi ghì tóc dính bùn và máu. Những ngón tay tôi tê cóng vì siết chặt quá lâu. Ðôi mắt bất động mở lớn, và tôi tiếp tục nhìn đôi mắt ấy, bàn chân đầu gối lún sâu thêm vào bùn. Hắn chết rồi, chết rồi, chết rồi.

(còn tiếp 1 kỳ)

Trần Vũ đánh máy lại từ trang 95 đến 115 theo bản in trong tập Nỗi Chết Không Rời, tập truyện ngắn của Duy-Lam và Thế-Uyên, mẫu bìa của Đằng Giao, tranh bìa của Duy-Thanh, do Nguyễn Đình Vượng xuất bản lần thứ nhất. In tại nhà in riêng của Nhà xuất bản, in xong ngày 10 tháng 8 năm 1966.

Tiểu sử Thế Uyên:

Thế Uyên tên thực là Nguyễn Kim Dũng, sinh năm 1935 tại Hà Nội. Học trung học Chu Văn An Hà Nội và tiếp tục học trường này sau khi di cư vô Sàigòn năm 1954.

Ông là con trai của ông Nguyễn Kim Hoàn (quản lý cơ sở xuất bản Ngày Nay – Đời Nay) và bà Nguyễn Thị Thế (em gái của Nhất Linh, Hoàng Đạo, và là chị của Thạch Lam). Ông cũng là em trai nhà văn Duy Lam.

Đã theo học Văn khoa và Sư phạm Sàigòn và làm giáo sư Việt văn các trường trung học công lập trong 15 năm. Bị động viên lần thứ nhất năm 1962, khóa 14 Thủ Đức, ngành Bộ binh. Tái ngũ năm 1968. Sau tháng 4-1975 bị tập trung cải tạo trong 3 năm với cấp bậc trung úy.

Sau 8 tháng tại Phi Luật Tân, đến Hoa Kỳ vào cuối năm 1987 theo diện đoàn tụ gia đình. Định cư tại tiểu bang Washington. Ngoài việc dạy học, đi lính và viết văn, Thế Uyên còn chủ trương tạp chí và nhà xuất bản Thái Độ.

Di ảnh Thế Uyến trên bàn thờ.

Đã xuất bản:

Hồi Chuông Tắt Lửa (Truyện dài, 1964)
Những Hạt Cát (Tập truyện ngắn, 1964)
Mưa Trong Sương (kịch, 1964)
Ngoài Đêm (Tập truyện ngắn, 1965)
Mười Ngày Phép Của Một Người Lính (Đoản văn, 1965)
Nỗi Chết Không Rời (Tập truyện, chung với Duy Lam, 1966)
Những Ý Nghĩ Của Bọt Biển (Đoản văn, 1966)
Chân dung Nhất Linh (Tập hồi ký, 1966)
Tiền Đồn (Truyện dài, 1967)
Nghĩ Trong Một Xã Hội Tan Rã (Tiểu luận, 1967)
Bản Tình Ca (Tập truyện ngắn, 1968)
Chiến Tranh Cách Mạng (Tiểu luận, 1968)
Những Người Đã Qua (Đoản văn, 1968)

Kỹ thuật tuyên truyền chính trị, (dịch J.M. Domenach, 1969)
Tình dục, (tuyển dịch Quốc Tế, 1969)
Mưa trong sương, (Tập truyện ngắn, 1971)
Căn nhà của mẹ (Đoản văn, 1970)
Đoạn đường chiến binh (Đoản văn,1971)
Về miền đất hứa (Dịch từ Leon Uris, 1973)
Kỹ thuật đảo chánh (Dịch từ Curzio Malaparte, 1973)
Sàigòn sau 12 năm (Hồi ký, 1989)
Con Đường Qua Mùa Đông (Tập truyện ngắn, 1989)
Tuyển Tập truyện ngắn Thế Uyên (Tập truyện ngắn, 1992)
Nghĩ Trong Mùa Xuân (Tập truyện ngắn, 1992)
Tuyển tập Dâm Tình Và Các Nhà Văn Nữ Hoa Kỳ (1993)
Khu Vườn Mùa Mưa (Truyện dài, 1993)
Nhà văn già và cô bé gù (Tập truyện ngắn, 1995)
Những Người Mỹ Chung Quanh Chúng Ta (Hiểu luận, 1998)
Không một vòng hoa cho người chiến bại (Truyện dài, 1998)
Những người đã qua II (Đoản văn, 2003)