Vào lúc lớp sĩ quan trẻ Nhật giận dữ, cũng là lúc xảy ra xung đột giữa Us Navy và Us Army. McArthur, Tư lệnh Lục quân Á châu, đề xuất: Sau chiếm New Guinea tràn qua Nam Dương rồi từ đây tạt qua Mã Lai lần lên Đông Dương, phối hợp với Anh tiến vào Trung Hoa, chiếm Đài Loan rồi từ đó đánh sang Nhật. Tái chiếm cùng lúc Phi Luật Tân.

McArthur là một danh tướng không ít kẻ thù. Đô đốc Halsey bình phẩm về McArthur: “A swollen one, especially anxious to promote his person (một kẻ sưng tấy, chỉ lo quảng bá cá nhân mình)”. Ngay cả Nimitz, chỉ huy US Pacific Fleet là thượng cấp của Halsey cũng không ưa McArthur, và đặc biệt, cả hai không chấp nhận ý niệm hành binh của McArthur. Lý do?

Từ Guadalcanal lên Bougainville là 634 km đường chim bay. Tính từ lúc Sư đoàn 1 TQLC Mỹ đổ bộ lên Guadalcanal vào tháng 8-1942 cho đến khi Sư đoàn 3 TQLC của tướng Allen H. Turnage giẫm chân lên bãi cát trong vịnh Nữ hoàng Augusta phía Tây Bougainville tháng 11-1943, mất 14 tháng. Để đi 400 dặm.

Khoảng cách từ Bougainville đến Đông Kinh còn 5 ngàn cây số và nếu đi vòng sẽ mất hằng thập kỷ. Với tổn thất gấp ngàn lần. Nimitz lập luận: McArthur muốn chiếm từng đảo rồi trên các đảo lập căn cứ với sân bay làm bàn đạp chiếm đảo kế tiếp, nhưng chúng ta có hàng không mẫu hạm! Chỉ cần thiêu hủy hạm đội Nhật là cô lập các đảo Nhật không còn tiếp tế. Hàng không mẫu hạm không thể chở pháo đài bay nhưng chỉ cần chiếm Iwo Jima là các pháo đài bay B29 có thể trải thảm Tokyo. Để chiếm Iwo Jima, cần chiếm Saipan (190 km phía Bắc Guam) làm trạm tiếp tế cho các Task Forces sau cùng chiếm Okinawa để đồn trú binh lính trước khi đổ bộ lên đất Nhật. Tái chiếm Phi Luật Tân là thừa! Phải tiến vào trung tâm Thái Bình Dương thay vì đi dọc thềm lục địa với McArthur. Chiếm những đảo ít quân địch và lập những đảo địch đông quân. “Knock where they are not!” (Cũng là Binh pháp Tôn Tử: Đánh vào khoảng trống).

Chiến pháp không xuất phát từ Nimitz mà từ Đề đốc Theodore S.Wilkinson, phó của Halsey và từng là đề tài nghiên cứu của Naval War College. Tuy vậy công lao của Nimitz vẫn lớn, vì đã thúc đẩy “Nhảy đảo” (Island hopping). McArthur nổi đóa viết thư cho giới hữu trách (tuy sau chiến tranh McArthur tự nhận “Nhảy đảo” là sáng kiến của mình). Roosevelt hậu thuẫn Nimitz. Chi tiết binh chủng TQLC trả về cho Nimitz điều động nói lên trọng tâm trong phân xử của Roosevelt.

Vai trò của McArthur lu mờ trong suốt hai năm 42 và 43, chỉ nổi bật với cuộc đổ quân lên đất Phi tháng 10-1944. Là vì với Roosevelt, lời hứa “I shall return!” của một đại tướng Mỹ phải được tôn trọng, nên Roosevelt chấp thuận tái chiếm Phi bất chấp phản đối của Halsey và Nimitz.

Các sử gia đồng thuận: kẻ chiến thắng trên Thái Bình Dương là Nimitz, không phải McArthur. Công trạng thực sự của McArthur là đã cai quản tốt đẹp và dân chủ hóa xứ Nhật sau thế chiến. Khía cạnh này, tầm vóc McArthur vượt xa Nimitz.

Riêng với Hara, thảm bại vịnh Empress Augusta mà Hara sắp tham dự là khởi đầu của chiến lược “Nhảy đảo” còn gọi “Nhảy Cóc” (Leapfrogging) của Nimitz. Thay vì tấn công đảo Kolombangara, nơi có nguyên một sư đoàn Nhật tử thủ, Nimitz lệnh cho Halsey đánh thẳng vào đảo Bougainville nằm ở phía sau, nơi ít quân Nhật. Cửa vào Bougainville là vịnh Nữ hoàng. [Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XXXX

Báo cáo sai lầm của phi cơ tiếp tục truyền nhiễm nhóm chiến hạm của Ðề đốc Ijuin. Chúng đã chạy tán loạn trong nhiều phút sau khi đồng đội Yugumo (Mây Hoàng Hôn) bị đánh chìm. Ðến khi gặp hai chiếc Chevalier và O’Bannon, 3 chiến hạm Nhựt vẫn còn ngơ ngác và bối rối trước sự mất mát đồng đội một cách bất ngờ, nên đã nhìn thấy 2 chiếc tàu chạy quờ quạng này thành ra 4 tuần dương hạm địch, và cho rằng chúng tiến đến để dọn dẹp chiến trường.

Vào lúc 21g19, ba khu trục hạm của Ijuin phóng một loạt 24 quả ngư lôi nhắm vào 4 đối thủ ảo tưởng của chúng. Xuyên qua đêm tối đầy sương mù, thủy thủ Nhựt hân hoan ngắm nhìn ngọn lửa bốc cao trên hai chiếc O’Bannon và Chevalier, và báo cáo rằng các ngư lôi của họ đã đánh chìm 2 tuần dương hạm (hoặc 2 khu trục hạm lớn) của địch. Lại một ảo tưởng khác nữa.

Với “chiến quả” này, Ijuin ra lịnh cho các chiến hạm của ông xoay hướng Bắc để trở về căn cứ. Trong lúc đó, đoàn tàu chuyển vận của Nhựt đã đến Horaniu mà không gặp bất kỳ một sự ngăn chặn nào của địch. Trong vòng 2 giờ, toàn thể 589 binh sỹ trú đóng trên hòn đảo đều được di tản.

Một hải đội khu trục hạm thứ hai của Hoa Kỳ gồm 3 chiếc Ralph Talbot, Taylor và La Valette, chạy từ hải phận New Georgia tiến vào khu vực xảy ra trận đánh ngay khi chiến hạm cuối cùng của Nhựt vừa rời khỏi. Không tìm thấy đối thủ, chiếc La Valette xoay sang ban cho chiếc Chevalier một quả ngư lôi “ân huệ”. 3 khu trục hạm địch tiếp cứu những người còn sống sót, và sau đó dìu dắt 2 chiếc Selfridge và O’Bannon bị hư hại về căn cứ Tulagi.

Xem thêm:   Cao Xuân Huy

Như vậy, trận đánh kết thúc, Hoa Kỳ bị đánh chìm một khu trục hạm và hai chiếc khác bị hư hại nặng nề. Nhựt thiệt hại mất một khu trục hạm. So sánh về thương vong, Hoa Kỳ nhẹ hơn Nhựt, vì phần lớn thủy thủ đoàn của chiếc Chevalier được cứu thoát trong khi toàn thể thủy thủ của chiếc Yugumo đều thiệt mạng. (Lúc ấy chúng tôi không hay biết việc khoảng một phần ba thủy thủ đoàn của chiếc Yugumo được các khu trục hạm Hoa Kỳ tiếp cứu). Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là mặc dù vấp nhiều sai lầm, nhiệm vụ hộ tống của Ijuin đã diễn tiến đúng theo kế hoạch một cách tốt đẹp, và điều này cũng là chiến thắng của ông.

Theo ý kiến của tôi, Hoa Kỳ có thể chiến thắng trong trận đánh này nếu các khu trục hạm của Ðại tá Walker xoay về hướng Nam thay vì xoay về hướng Bắc. Ông sẽ có một ngày tròn để truy đuổi 3 khu trục hạm mất tinh thần của Nhựt. Một cuộc truy đuổi như vậy không cần phải sử dụng ngư lôi mà chỉ cần sử dụng hải pháo có radar hướng dẫn là có thể tiêu diệt được các khu trục hạm đang trốn chạy của Ijuin. Nhưng ý kiến này chỉ có tính cách ước đoán, và các trận đánh trên biển luôn đầy dẫy sai lầm, ảo tưởng và bất ngờ.

Khi trở về Rabaul, tôi nhận thấy Ijuin xao xuyến và hổ thẹn. Ông không bị quở trách công khai, nhưng Bộ Tư Lịnh Tối Cao đã chứng tỏ sự lượng xét hành động của ông bằng cách tổ chức một buổi lễ trao tặng trường kiếm cho tôi và đoản kiếm cho Thiếu tá Kimio Yamagami, hạm trưởng khu trục hạm Shigure, và Thiếu tá Yoshiro Sugihara, hạm trưởng khu trục hạm Samidare. Không một người nào thuộc nhóm chiến hạm của Ijuin được ân thưởng hoặc tuyên dương công trạng nào trong cuộc chiến thắng đầu tiên của Hải quân trong khoảng thời gian 3 tháng trở lại đây.

Mừng chiến thắng được tổ chức vào ngày kế đó, qua một buổi lễ trao kiếm và một bữa tiệc. Bữa tiệc ở câu lạc bộ dành cho sỹ quan cao cấp, với sự tham gia của tất cả sỹ quan hàng đầu của Hải quân ở Rabaul, trong đó có Phó Ðô đốc Jinichi Kusaka – Tư lịnh khu vực Ðông-Nam kiêm Tư lịnh Không Hạm đội 11, và Phó Ðô đốc Tomoshige Samejima, Tư lịnh Ðệ Bát Hạm đội.

Khối lượng sakê vĩ đại được tiêu thụ, buổi tiệc diễn ra thực vui vẻ với sự có mặt của một số nữ tiếp viên. Thường thường thì các nữ tiếp viên đều thuộc giới Geisha, trẻ đẹp và xinh xắn, được Bộ Chỉ Huy Hải quân điều đến các căn cứ tiền tuyến quan trọng với nhiệm vụ gây phấn chấn cho binh sỹ. Họ hát hay và quyến rũ. Nhưng tuy là khách danh dự của buổi tiệc, tâm tư tôi vẫn nặng trĩu, không cảm thấy vui như những người khác. Tôi muốn say, nên đã uống liên tu bất tận.

Kusaka đọc diễn văn ca ngợi khu trục hạm Shigure. Ông nói: “Hy vọng tồn tại của các khu trục hạm đóng tại Rabaul trung bình chỉ có 2 tháng. Nhưng có một chiếc tàu cũ kỹ đã chiến đấu dũng mãnh gần 3 tháng ròng rã mà không hề mang thương tích hay mất mát một thủy thủ nào. Hãy nâng ly để chúc mừng Ðại tá Hara, Thiếu tá Yamagami và tất cả thủy thủ của chiếc Shigure kiên cố.”

Tâm tư của tôi mỗi lúc càng nặng trĩu thêm. Ðáng ra bữa tiệc này phải dành cho toàn thể 240 thủy thủ sáng chói của tôi hơn là dành riêng cho mấy sỹ quan chỉ huy của họ. Trong lúc tôi đang suy nghĩ, buổi tiệc vụt trở nên ồn ào, vì sau đó một sỹ quan tham mưu lên tiếng: “Kính thưa Ðô đốc Kusaka, từ lâu tôi có nhiều vấn đề nhưng không bao giờ dám hỏi. Bây giờ, thưa Ðô đốc, tôi có thể mạn phép nêu lên được không?”

Bữa tiệc rơi vào im lặng sau câu hỏi đột ngột này. Phó Ðô đốc Kusaka gật đầu, và viên sỹ quan trẻ tiếp tục: “Thưa Ðô đốc, Ðô đốc vừa ghi nhận hy vọng sống sót ngắn ngủi của một khu trục hạm. Có phải chúng ta đã chấp nhận một số phận như thế? Tại sao tất cả các tàu lớn của chúng ta đều nằm lì ở Truk? Có phải buổi lễ mà chúng ta sẽ tổ chức vào ngày 26 tháng 10 tới đây là buổi lễ kỷ niệm trận đánh cuối cùng trong lịch sử có sự tham dự của các hàng không mẫu hạm Nhựt hay không? Trong suốt năm qua, các khu trục hạm của chúng ta không những được giao phó các nhiệm vụ vận chuyển không mấy vinh dự mà chúng còn nhận lĩnh tất cả các gánh nặng chiến đấu trong hải phận này. Xin Ðô đốc tha thứ câu hỏi vụng về của tôi. Câu hỏi này không nhằm chỉ trích Ðô đốc, nhưng mà tất cả chúng tôi đều biết rằng không chỉ có Không Hạm Ðội 11 của Ðô đốc đã nằm miết ở bờ biển từ khi cuộc chiến bắt đầu. Trong giai đoạn khủng hoảng này, tại sao các khu trục hạm phải gồng gánh hết sức nặng mà không được các hàng không mẫu hạm, thiết giáp hạm và tuần dương hạm nặng chia sẻ? Tại sao?”

Xem thêm:   Cám ơn kỷ niệm nuôi em lớn

Các câu hỏi dồn dập này thực là ngoài sức tưởng tượng, nhưng đều là cảm nghĩ chung của hầu hết đám đông hiện diện trong phòng. Những lời có vẻ vô lễ của viên sỹ quan say rượu khiến cho một số bạn bè của anh ta lo âu. Phó Ðô đốc Kusaka không nói tiếng nào. Phó Ðô đốc Samejima phá vỡ bầu không khí căng thẳng: “Tôi biết Tổng tư lịnh Koga đang chuẩn bị một trận đánh quyết định, trong trận đánh này tất cả đại chiến hạm của chúng ta sẽ tham dự.”

Viên sỹ quan trẻ tuổi không đắn đo, lớn tiếng hỏi: “Khi nào? Khi nào các đại chiến hạm sẽ hành động? Chúng đã đứng ngoài trận chiến một năm tròn nay, và một năm tròn đó, đối với các khu trục hạm chúng tôi lâu bằng một thế kỷ. Trong thời gian này địch đã đuổi kịp và vượt qua chúng tôi.”

Một sỹ quan cố gắng ngăn cản không cho đồng bạn lên tiếng nữa, anh ta cho rằng đã quá khuya, nên đi về thì hơn. Nhưng viên sỹ quan đã ngà ngà say vẫn tiếp tục nói: “Bộ Tư Lịnh Tối Cao đang làm gì ở Tokyo? Chỉ có những thông báo vang lên như tiếng kèn mỗi ngày, theo đó, Nhựt Bản đã đánh cho địch phải kéo cờ trắng trên quần đảo Solomon. Nếu có kéo cờ trắng thì kẻ kéo đó là chúng ta, không phải địch quân.”

Hai sỹ quan bạn phải đứng dậy lôi kéo viên sỹ quan trẻ ra khỏi phòng. Ðôi mắt hắn ta đầy nước mắt và bật khóc nức nở. “Yugumo bị chìm, chiếc Yugumo khốn khổ đã mang theo nhiều bạn bè của tôi.”

Ðoạn bi kịch đã gây một ảnh hưởng kỳ dị trong tôi. Tôi cũng đã say, nhưng tôi cố giữ vững đôi chân trong buổi lễ lĩnh trường kiếm do Phó Ðô đốc Samejima trao tặng. Tôi bước đến trước mặt ông và nói: “Kính thưa Ðô đốc, tôi muốn trả lại thanh kiếm này, vì tôi xét thấy không xứng đáng nhận lãnh nó. Ngay cả tôi có xứng đáng đi nữa, tôi sẽ sử dụng một thanh kiếm vào việc gì trên chiến hạm?”

Quả bom của tôi đã gây kinh ngạc cho mọi người. Ðại tá Miyazaki lộ hẳn sự xúc động, ông bước đến bên tôi và nói: “Anh đã mệt mỏi, Hara. Chúng ta nên đi về nghỉ ngơi.”

Tôi vừa đẩy nhẹ ông ta sang một bên vừa nói: “Không, cám ơn Miyazaki.” Và tiếp tục: “Tôi muốn đổi thanh kiếm này để lấy rượu sakê cho thủy thủ đoàn tuyệt vời của tôi. Nếu có ân thưởng thì họ chính là những người xứng đáng được ân thưởng. Không phải tôi. Thưa Ðô đốc, hãy mua rượu cho các thủy thủ của tôi.”

Tới đây, Ðề đốc Ijuin, chỉ huy trưởng trực tiếp của tôi, tiến đến bên cạnh tôi cố gắng khuyên lơn: “Anh hoàn toàn đúng, Hara. Tôi sẽ mua rượu cho thủy thủ của anh, nhưng hiện giờ tất cả chúng ta đều mệt mỏi, tốt hơn chúng ta nên chấm dứt buổi tiệc.”

Sáng hôm sau thức dậy, tôi cảm thấy rã rời thân thể. Trung tá Yamagami với vẻ mặt dàu dàu, đã kể lại tỉ mỉ cho tôi nghe về quang cảnh hai vở bi kịch ngoạn mục do viên sỹ quan trẻ và tôi thủ diễn đêm rồi ra sao, Ðề đốc Ijuin và Ðại tá Miyazaki đã cố gắng bịt miệng tôi như thế nào. Hành vi như thế chưa bao giờ được nghe nói đến trong hàng ngũ sỹ quan cao cấp thuộc Hải quân Hoàng gia, và hậu quả sẽ không thể nào lường được. Tôi cảm thấy bất an.

Nhưng lạ lùng thay, hành vi vô hạnh kiểm của tôi không bị khiển trách. Sau đó, tên tuổi của tôi trở thành quen thuộc với họ. Hậu quả không xảy ra cho tôi, đã chứng tỏ thượng cấp của tôi cùng chia sẻ sự bất mãn chung đối với Bộ Tư Lịnh Tối Cao.

Bộ Tư lịnh Hải quân ở Tokyo đã ra lịnh cho chúng tôi triệt thoái đến Bougainville, và xem nơi đây như là phòng tuyến cuối cùng. Việc này càng gây bi quan trong khu vực chiến đấu. Bougainville rộng gần gấp ba Guadalcanal. Với bờ biển quá dài và chưa được điều nghiên sâu rộng, hòn đảo này sẽ cung cấp nhiều điểm đổ bộ thuận lợi cho địch. Nhiều đồ hộp thức ăn của Mỹ đã được tìm thấy trong rừng rậm cho biết có sự hoạt động của địch trên hòn đảo, và dĩ nhiên các điểm đổ bộ tốt nhứt đã được họ chọn lựa.

Bộ Tư lịnh Hạm đội Hỗn hợp ở Truk không làm được gì thêm cho chúng tôi. Các vị tân chỉ huy đầu não cũng không xuất sắc gì hơn những vị tiền nhiệm của họ. Ðô đốc Mineichi Koga, nắm quyền Tổng Tư lịnh sau cái chết của Yamamoto vào tháng 4 năm 1943, hầu như khoanh tay ngồi yên. Riêng Phó Ðô đốc Jisaburo Ozawa, từ khi thay thế Nagumo trong chức vụ Tư lịnh Lực lượng Ðặc nhiệm vào tháng 11 năm 1942, không hề đạt được một chiến thắng đáng kể nào. Và Phó Ðô đốc Nobutakê Kongo, Tư lịnh Ðệ Nhị Hạm đội, mệt mỏi và bất thường, vừa được Phó Ðô đốc Takeo Kurita thay thế vào tháng 8 năm 1943.
Ba vị tân tư lịnh này chịu khó và siêng năng làm việc, nhưng họ không thể nào tạo ra các phép lạ. Sự khiếm khuyết căn bản nằm ở Tokyo, trong Tổng Hành Dinh Hải quân Hoàng gia, hiện vẫn dưới quyền Ðô đốc Osami Nagano.

Xem thêm:   Tô canh dưa hồng

Kể từ khi Yamamoto thiệt mạng, nửa năm đã trôi qua, vậy mà các chính sách của ông vẫn còn được theo đuổi. Trong trận hải chiến ở biển Java vào tháng 2 năm 1942, tôi nhận thấy mặt trận đã dạy nhiều bài học hơn cả ngàn buổi thao luyện. Chẳng may, các vị tư lịnh đã không chia sẻ quan điểm này. Họ giữ sức mạnh chính yếu của Hải quân ở Rabaul hoặc, tồi tệ hơn nữa, ở các hải phận Nhựt Bản, nhằm “bảo tồn chiến hạm và huấn luyện thủy thủ”. Kết quả, cả tàu và người đều chứng tỏ thiếu kinh nghiệm khi được tung ra mặt trận.
Bước tiến của đối phương không bao giờ ngừng nghỉ. Vừa trở về sau chiến thắng hiếm khi xảy ra của chúng tôi trong vịnh Vella thì một sự kiện ập xuống, cho thấy tình thế đã ngặt nghèo đến mức nào.

Vào ngày 12 tháng 10-1943, một cuộc không tập ở Rabaul do 349 phi cơ xuất phát từ các căn cứ trên đất liền của đối phương thực hiện. Tuy nhiên, một cuộc không tập với cao độ quá cao không mấy chính xác và chỉ một hải vận hạm bị đánh chìm. Ðó là dương vận hạm Keisho Maru, 5,879 tấn, của Hải quân. Ngoài ra cuộc không tập này còn đánh chìm 3 hải vận hạm nhẹ của Lục quân là Tsukinada 526 tấn, Kamoi Maru 513 tấn, Fuku Maru 132 tấn và tàu tuần tiễu Mishima Maru của Hải quân. Ba khu trục hạm, ba tiềm thủy đĩnh, một tàu chở dầu và một tàu tuần duyên khác bị hư hại.

Một cuộc không tập quy mô nhắm vào căn cứ chính của Nhựt là một việc gây nhiều chú ý và xúc động với Tổng Hành Dinh ở Truk. Nhưng Ðô đốc Koga vẫn còn lưỡng lự. Nếu đối phương có thể tung nhiều phi cơ đóng trên các căn cứ ở đất liền để tấn công Rabaul như vậy, hải vực quanh quần đảo Solomon sẽ bất lợi đối với hạm đội Nhựt nếu xảy ra đụng độ.

Vào ngày 18 tháng 10, một loạt không tập quy mô khác xảy ra ở Rabaul và Buin, căn cứ không quân chính ở Bougainville. Cuối cùng, Koga ra lịnh cho 2 tuần dương hạm hạng nặng và một phân đội khu trục hạm tiến từ Truk đến Rabaul. Ðây là hành động rập khuôn theo lối tăng viện nhỏ giọt của Yamamoto, sẽ gây cho Koga sự hối tiếc sau này.

Các cuộc không tập mạnh mẽ lại giáng xuống Rabaul và Buin 5 ngày sau đó, và tiếp tục hàng ngày cho đến khi Buin trở thành đống gạch vụn. Trong lúc đó, các đơn vị trên mặt biển đến Rabaul vào ngày 21 tháng 10. Trong số các khu trục hạm đến căn cứ này có chiếc Shiratsuyu, tức khu trục hạm tăng phái, bây giờ trở lại kết hợp với hải đội của tôi. Cuối cùng, tôi lấy làm sung sướng được nắm trong tay 3 khu trục hạm, nghĩa là 6 tháng sau khi tôi được bổ nhiệm làm chỉ huy trưởng hải đội. Trong thời gian này, có rất nhiều hải đội bao gồm không quá 3 chiếc tàu.

Shiratsuyu (Bạch Sương), 1,980 tấn, là một chiếc tàu đàn chị của Shigure và Samidare. Mặc dù được đóng từ 1933, chiếc tàu này có vẻ còn mới. Bị phi cơ địch oanh kích gây hư hại nặng nề gần Buna vào tháng 11 năm 1942, chiếc Shiratsuyu được tu bổ lại ở Truk.

Mặc dù phấn chấn, tôi đã lo ngại cho chiếc tàu này, bởi vì hầu như tất cả thủy thủ đoàn còn thiếu kinh nghiệm, và tôi không tin sẽ giữ được nó lâu dài trong hải đội của tôi.

Vào ngày 23 tháng 11, tôi mang cả 3 khu trục hạm của tôi tham dự vào một nhiệm vụ vận chuyển đến Iboki, cách phía Ðông mũi Gloucester khoảng 50 dặm. Ngày đó, cuộc không tập đầu tiên, nằm trong một loạt không tập hàng ngày của địch, xảy ra ở Rabaul và Buin, các chiếc tàu của tôi cũng được phi cơ địch đón tiếp nồng hậu trong nhiều giờ trước bình minh. Ba chiếc tàu phải phân tán để chạy riêng rẽ, và khi ngày lên hẳn, phi cơ địch bỏ săn đuổi chúng tôi. Các chiến hạm đã tụ họp một cách có trật tự, và tôi hài lòng khi nhận thấy tất cả còn nguyên vẹn. Chiếc Shiratsuyu đã chứng tỏ có nhiều hứa hẹn hơn là tôi tưởng.
6  ngày sau đó, tôi thực hiện một chuyến vận tải đến đảo Garove, nằm ở phía Bắc bán đảo Willaumez (New Britain), với 2 chiếc Shigure và Shiratsuyu. Vài phi cơ địch bay đến tấn công chúng tôi một cách qua loa. Tuy nhiên, Shiratsuyu đã thi hành nhiệm vụ khá đẹp, do đó, tôi xem như chiếc tàu này thuộc hẳn vào “tài sản của hải đội”. Tôi đã sai lầm biết bao.

Tuần sau:

Chương XXXXI

Thảm kịch Empress Augusta Bay

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960. Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships