Một Hạm đội Nhật có nhiều Hải đoàn. Một Hải đoàn bao gồm nhiều Phân Hải đoàn. Một Phân Hải đoàn gộp nhiều Hải đội.

Khác biệt giữa một Phân Hải đoàn Khu Trục hạm với một Hải đội Khu Trục hạm là một Hải đội có 4 khu trục hạm và soái hạm của Hải đội ấy vẫn là một tàu khu trục cùng loại; trong lúc một Phân Hải đoàn Khu Trục hạm có từ một đến ba Hải đội Khu Trục hạm với soái hạm là một tuần dương hạm nhẹ. Là lý thuyết. 

Hải quân Hoa Kỳ tổ chức cách khác: Fleet (Hạm đội) gộp nhiều Task Force (Hải Lực hay Lực lượng Đặc nhiệm). Mỗi Task Force có nhiều Task Group (Hải đoàn Đặc nhiệm). Mỗi Task Group có nhiều Task Unit (Hải đội Đặc nhiệm).

US Navy có cách ký hiệu riêng: Nếu ghi Task Unit 62.5.3 thì đây là Hải đội 3 của Hải đoàn 5 thuộc Hải lực 2 của Đệ Lục Hạm đội (“the Third Task Unit of the Fifth Task Group of the Second Task Force of the Sixth Fleet”).

Trong trận Vella, Hải đội 4 Nhật đụng độ Task Group 331.2 gồm Task Unit 331.2.11 và Task Unit 331.2.15. Tức là Hải đội 11 của Hải đoàn 2 thuộc Lực lượng Đặc nhiệm (hay Hải Lực) 31 của Đệ Tam Hạm đội của Đô đốc Halsey. Tương tự cho Hải đội 15.  

[Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XXXIV

Vào 3g sáng ngày 6 tháng 8, chúng tôi rời căn cứ Rabaul tiến về hướng Nam. Mặt biển lặng sóng, bầu trời nhiều mây, thỉnh thoảng những cơn mưa luồng chợt đến, và xen vào đó là ánh bình minh loáng thoáng.

Lúc 14g30, chúng tôi di chuyển ngang qua đảo Boka. Một thám thính cơ địch xuất hiện, nhưng rồi mất hút trong mây. Truyền tin của tôi cho biết vừa chận bắt một công điện mã hóa. Có lẽ đây là mật điện của phi cơ địch báo cáo hướng tiến của chúng tôi. Thực ra, cuộc hành quân này không làm cho địch phải ngạc nhiên. Chúng tôi đã đi qua đây hai lần rồi.

Tôi tiếp tục theo dõi soái hạm Hagikaze, để xem Ðại tá Sugiura đối phó với tình hình như thế nào. Tôi rất  bực khi thấy Sugiura vẫn tiếp tục giữ nguyên lộ trình, với tốc độ như cũ, dầu rằng địch đã phát giác ra chúng tôi. Tôi nghiến chặt răng và thi hành nhiệm vụ.

Lúc 19g, chúng tôi tiến vào eo biển Bougainville, xoay hướng 140 độ và tăng gia tốc lên 30 hải lý. Hai giờ hai mươi phút sau đó, chúng tôi tiến thẳng vào mặt Ðông-Bắc của đảo Vella Lavella. Chiếc Shigure rơi về phía sau, chứng tỏ nó không đủ sức chạy mãi với tốc lực 30 hải lý. Sỹ quan hoa tiêu là Trung úy Yoshio Tsukihara báo cáo với tôi: “Ðại tá, chúng ta tuốt đằng sau chiếc Kawakaze đến 1,000m, làm thế nào gia tăng vận tốc để giữ khoảng cách 500m?”

“Không,” tôi lớn tiếng, “như thế này được rồi. Không điên khùng giữ khoảng cách 500m. Ðừng bắt máy chạy nhanh hơn nữa.”

Vella Lavella hiện ra thấp thoáng ở mạn phải chiếc Shigure, với ngọn núi lửa cao ngút bao phủ mây đen. Ở mạn trái, tôi không nhìn thấy gì cả ngoài một màu đen kịt mà từ đó địch quân có thể xuất đầu lộ diện bất cứ lúc nào. Tôi cảm thấy nao núng.

Tôi lớn tiếng ra lệnh: “Sẵn sàng tác chiến. Tất cả trọng pháo và ngư lôi nhắm về mạn trái, đặt súng ở tầm 3,000m, ngư lôi ở tầm sâu 2m, giác độ 20. Tăng cường gấp đôi các vị trí quan sát.”

Tôi nhắc lại: “Tập trung canh phòng mạn trái.”

Mười phút nặng nề trôi qua, tôi vẫn nhìn chăm chú về mạn trái xem coi có dấu hiệu hoặc chuyển động nào của địch hay không. Tầm nhìn của tôi không xa hơn 2,000m. Sự căng thẳng trên tàu chợt bị xé tan bởi tiếng nói từ phòng kiểm soát vang lên qua ống liên lạc nội bộ. Là tiếng nói của Ðại úy Doi hỏi tôi xem những ống phóng ngư lôi có nên trả về vị trí cũ hay không?

Tôi la lên: “Không.”

Và tiếp đó tôi giải thích rõ hơn: “Không di chuyển Doi, ở mạn phải nhìn rất rõ, chúng ta có thể nhìn thấy cả những lớp san hô của đảo Vella. Nhưng ở mạn trái, chúng ta không thể nhìn quá 2,000m, chúng ta không biết địch ở đâu. Hãy cứ giữ vị trí các ngư lôi hướng trái, sẵn sàng phóng bất cứ lúc nào.”

Tiếng nói của tôi chưa kịp dứt, quan sát viên Yamashita la to:

“Nhiều lượn sóng trắng! Nhiều vật đen xuất hiện! Rất nhiều tàu … đang tiến về phía chúng ta!”

Lập tức, tôi ra lệnh cho tàu xoay hẳn về phía phải, để đưa lườn song song đội hình địch, đồng thời ra lệnh phóng ngư lôi vào các mục tiêu ở mạn trái. Bây giờ thì những vệt sóng trắng đã hiện rõ trên mặt đại dương. Tôi cảm thấy bất an, liếc nhìn về phía 3 khu trục hạm dẫn đầu, cả 3 đang tiếp tục tiến về phía trước như không thấy những chiến hạm địch đang đâm thẳng đến.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (04/11/2024)

“Tiên sư!”Tôi chửi thề! Chiếc Shigure của tôi vẫn còn lẽo đẽo tận mãi phía sau, cách chiếc Kawakaze đến 1,500m. Khoảng 45 giây sau khi tôi ra lịnh đổi hướng, Shigure vung sang mạn phải, ngay khi những quả ngư lôi được phóng ra và lướt nhanh trên mặt nước. Lúc đó là 21g45. Khi sắp ra lịnh phóng thêm 8 ngư lôi nữa, tôi chợt thấy nhiều quả ngư lôi đang xé nước chạy về phía chúng tôi. Quả ngư lôi gần nhứt chỉ cách tàu chúng tôi 800m. Tôi ra lịnh xoay cấp tốc về phía phải. Ngoặt nhanh! Ngay lúc đó, tôi nhìn thấy một cột lửa bốc phụt lên từ khoảng giữa khu trục hạm Arashi, và 2 cột lửa khác phựt từ khu trục hạm Kawakaze. Riêng chiếc tàu dẫn đầu Hagikaze của Sugiura ở mãi tít đằng xa và chạy cùng hàng với hai chiếc tàu phát hỏa, nên tôi không hiểu được tình trạng nó ra sao.

Lúc quay nhìn xuống mặt nước, tôi nín thở. Ba quả ngư lôi lướt thẳng đến trước mũi Shigure, lúc chiếc tàu vừa ngoặt về mạn phải. Tôi gần như muốn khuỵ xuống, phải nắm chặt vào tay vịn của đài chỉ huy. Quả ngư lôi đầu chỉ cách mũi tàu 20m, quả kế gần hơn, và quả thứ ba chắc chắn trúng chiếc tàu. Tuy nhiên, nó không trúng, hoặc nếu có trúng thì chỉ phớt nhẹ vào vỏ tàu lúc chiếc Shigure đang xoay hướng nhanh chóng. Tôi mơ hồ nghe một tiếng động nhẹ phát ra từ phía đuôi tàu, nhưng không đoán ra là tiếng động gì. Nhìn chung quanh, một lần nữa tôi phát hiện nhiều quả ngư lôi đang lướt ngang phía trước mũi chiếc Shigure, cách chừng 30m hay xa hơn chút ít, lúc tàu vừa xoay vòng tròn để tránh né một cách tuyệt vọng.

Tôi ra lịnh xoay ngược lại: “Bẻ lái sang trái, nửa vòng! Lập tức!”

Khi một khu trục hạm đang chạy với tốc lực 30 hải lý một giờ, muốn guồng lái đáp ứng với tay lái phải mất một phút. Tôi nhìn quanh đầy lo ngại. May mắn thay, tôi không còn nhìn thấy quả ngư lôi nào nữa. Lúc này tôi mới có dịp nhìn đồng hồ. Bấy giờ là 21g47. Hai phút ngắn ngủi vừa trôi qua là hai phút nghẹt thở nhứt trong đời tôi.

Quan sát viên Yamashita hân hoan thông báo là một trong số những quả ngư lôi do chúng tôi phóng đi đã nổ giữa đám tàu của địch. Ðây là loạt phóng đúng vào lúc mà toàn thể thủy thủ và sỹ quan của khu trục hạm Shigure đang lo lắng không biết lúc nào chiếc tàu thân yêu của mình bị trúng ngư lôi địch. Tuy nhiên, niềm vui này không dài lâu khi chúng tôi nhận thấy hình như không một chiến hạm nào của địch phát hỏa.

Sau đó, mọi người đoan chắc rằng sở dĩ quả ngư lôi phát nổ vì chạm phải sóng mạnh do tàu địch gây ra, bởi lẽ loại ngư lôi chạy bằng ô-xy nén rất nhạy.

Ðêm đó, địch quân đã tránh né những “lưỡi giáo dài”, loại ngư lôi tối tân của Nhựt một cách tài tình. Tôi đinh chắc thế nào một số ngư lôi mà chúng tôi phóng ra cũng trúng đích, nhưng các khu trục hạm địch đã kịp thời quay 90 độ hướng về phía Ðông đúng lúc để tránh.

(Hải đoàn Hoa Kỳ đang hoạt động gần Bougainville lúc này là Task Group 331.2 do Trung tá Frederick Moosbrugger chỉ huy, bao gồm Hải đội 12 Khu Trục hạm với các chiếc Dunlap, Craven và Maury, cùng Hải đội 15 Khu Trục hạm với các chiếc Lang, Sterrett và Stack.)

Tôi gọi phòng truyền tin hỏi xem có tin tức gì của các khu trục hạm Nhựt khác hay không. Tôi được trả lời ngay: “Arashi và Kawakaze báo đã trúng ngư lôi địch. Chưa có tin gì về khu trục hạm Hagikaze.”

Sau khi ra lịnh phải cố giữ liên lạc với các tàu bạn, tôi cho Shigure phun một màn khói để che giấu hoạt động của chúng tôi. Tôi phân vân không biết phải làm gì nữa đây. Trong lúc đó, chiếc Shigure đang chạy thẳng về hướng Tây-Bắc, rời khỏi khu vực lâm chiến. Kiểm điểm lại tình hình, tôi nhận thấy địch đã mở một cuộc phục kích chúng tôi rất thần tình, và vào lúc ấy chiếc Shigure ở vào một tình thế bất lợi thấy rõ. Tôi nhớ lại cái đêm ở Guadalcanal trước đây, một mình chiếc Amatsukaze của tôi đương đầu với cả một đoàn tàu địch, và đã đánh chìm khu trục hạm USS Barton. Bây giờ thì tình thế đã đổi khác. Ðịch quân đã đâm thẳng vào tàu tôi và không phải một mình chiếc tàu tôi chống trả địch quân. Xét đoán hướng tiến của các ngư lôi địch, tôi nhận thấy các chiến hạm địch đã khai hỏa trong sự phối hợp chặt chẽ. Hai khu trục hạm Arashi và Kawakaze bị trúng đạn đã gây sửng sốt cho tôi. Trước đây, tôi chưa bao giờ thấy chiến hạm nào của địch phóng ngư lôi tài ba như vậy. Ngẫu nhiên, tôi khám phá ra kỹ thuật phóng ngư lôi của địch đã tinh vi hơn.

Xem thêm:   Dubai

Ðêm nay, Hoa Kỳ nắm trọn lợi thế. Nhưng tôi không thể nào tháo chạy, bỏ mặc các đồng đội, cho dù tôi biết không thể nào chống chọi lại với một lực lượng địch đông vượt trội. Khu trục hạm Hagikaze biệt tăm, chỉ mong rằng may ra nó vẫn còn nổi được trên mặt biển. Tôi ra lịnh chuẩn bị lại các dàn ngư lôi, và cho thủy thủ đoàn biết Shigure sẽ quay lại để đánh tiếp. Ðúng 21g51, chúng tôi quay tàu lại. Một phút sau đó, hải pháo địch đột ngột giăng phía trước chúng tôi khoảng 3 dặm. Những ánh đèn pha và đèn rọi tìm của địch rực sáng cả bầu trời. Ðịch đang pháo vào các khu trục hạm đã thấm đòn của chúng tôi.

Trong lúc chiếc Shigure tiến về phía trước, nơi đang xảy ra cuộc pháo kích, tôi gọi phòng truyền tin hỏi xem có liên lạc được với các khu trục hạm bạn hay không và đồng thời ra lịnh cho mọi người sẵn sàng tham chiến, nhưng không một tàu Nhựt nào lên tiếng. Ngay lúc đó, tôi nhận ra hướng tiến của chiếc Shigure không được chính xác. Tôi chực nhớ lại tiếng động khác lạ mà tôi đã nghe trước đó. Mãi đến 4 tháng sau, khi chiếc Shigure vào ụ nổi để sửa chữa, tôi mới hiểu nguyên do gây ra tiếng động này. Trên bánh lái của chiếc tàu có một lỗ thủng khoảng chừng 60cm: một quả ngư lôi Mỹ đã chọc thủng, nhưng không nổ, và chui xuyên qua đó.

Trên đài chỉ huy, tôi đang sống trong một trạng thái cực kỳ lo lắng. Với 250 binh sỹ bộ binh và nhiều tấn quân cụ chất nghẹt boong tàu, làm sao chiếc Shigure có thể đơn thân độc mã chống trả với một kẻ thù đông đúc còn nguyên vẹn? Tại Guadalcanal, tôi đã vấp phải 3 lỗi lầm khiến cho 43 thủy thủ thiệt mạng. Không biết tôi sẽ phạm thêm bao nhiêu lỗi lầm trong tình cảnh này? Và sẽ có bao nhiêu người thiệt mạng vì những lỗi lầm đó?

Shigure vẫn tiếp tục tiến tới khu vực chiến đấu. Hỏa lực của địch thình lình ngưng hẳn vào lúc 22g10. Khu vực chìm khuất vào bóng tối. Dường như cả ba khu trục hạm Nhựt đã biến mình vào lòng đại dương rồi. Không còn dấu tích và kẻ chiến thắng chắc chắn đang nằm chờ trong bóng tối để bất thần nhảy ra vồ lấy chiếc Shigure. Ngay sau khi cố liên lạc lần cuối cùng với các tàu bạn nhưng không được trả lời, tôi ra lịnh rút lui vào lúc 22g15. Ðây là một quyết định rất đau lòng, nhưng không có chọn lựa nào tốt hơn.

Tôi thông báo về căn cứ Rabaul rằng chúng tôi đã rút khỏi địa điểm xảy ra trận chiến và yêu cầu ở đây cho chỉ thị. Tổng Hành dinh trả lời tức khắc: “Quay về căn cứ. Yêu cầu đơn vị ở Kolombangara tìm cách cấp cứu những người còn sống sót.”

Như vậy là trận đánh đã kết thúc và địch đã chiến thắng vẻ vang. Ba khu trục hạm Nhựt bị đánh chìm, 700 thủy thủ và 820 binh sỹ bộ binh có mặt trên 3 chiếc tàu này chỉ còn sống sót 310 người, trong số đó có Ðại tá Sugiura. Hơn 30 giờ sau khi tàu chìm, ông ta trôi dạt vào bờ và đi lạc trong rừng rậm suốt một tuần lễ trước khi được toán tìm kiếm tiếp cứu. Vào ngày 20 tháng 8, tôi rất đau lòng và hổ thẹn khi thấy Sugiura trở về căn cứ Rabaul trong một thân xác gầy yếu. Những người sống sót đã thuật lại cảnh tượng khủng khiếp của trận đánh mà họ đã tham dự. Hai quả ngư lôi đã trúng vào chiếc Hagikaze, hệ thống vô tuyến của chiếc tàu này bị cắt đứt ngay lập tức. Chiếc Arashi lĩnh 3 quả ngư lôi và chiếc Kawakaze lĩnh 2 quả. Ðó là một trong những thành tích phóng ngư lôi chính xác nhứt của US Navy trong lịch sử các trận hải chiến.

Quả ngư lôi thứ tám của địch trúng vào bánh lái của khu trục hạm Shigure. Cũng nhờ vào sự may mắn chứ không thì nó cũng chịu chung số phận với 3 tàu kia. Trận chiến kể trên chứng tỏ Hải quân Hoa Kỳ đã tiến bộ rất mau lẹ trên mọi phương diện, gây kinh ngạc cho tất cả các chuyên viên Nhựt, những người từ trước đến nay tỏ ra khinh thường sự hữu hiệu của ngư lôi địch.

Không cần phải đợi mãi đến sau khi chiến tranh chấm dứt, đọc những bài viết về trận đánh này, tôi mới hiểu tại sao địch đã chiến thắng. Tất cả khu trục hạm của chúng tôi đã chui vào cái bẫy được địch khéo léo giăng ra, lợi dụng vào địa thế của dãy núi Kolombangara. Hoa Kỳ biết chúng tôi lên đường vào sáng sớm và đã theo dõi chúng tôi suốt ngày hôm ấy. Sáu khu trục hạm của họ đã rời khỏi căn cứ Tulagi lúc 9g30. Các khu trục hạm này đã được trinh sát cơ thông báo đầy đủ diễn tiến hoạt động của chúng tôi. Ðịch biết chúng tôi hướng về vịnh Vella. Từ trong vịnh họ đã thấy chúng tôi trên màn hình radar ở khoảng cách xa 10 dặm. Lúc đó chiến hạm địch bèn chia thành hai nhóm, mỗi nhóm 3 chiếc. Ba chiếc Dunlap, Craven và Maury có nhiệm vụ ra tay trước, còn 3 chiếc khác chờ đợi khi nào cần sẽ tiếp tay đồng bọn dứt điểm mục tiêu. Nhưng 3 chiếc tàu trước đã phóng ngư lôi một cách rất chính xác nên nhóm thứ nhì không cần phải hành động.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Chiến thắng của Hoa Kỳ có lẽ sẽ được trọn vẹn hơn nếu họ tiếp tục truy đuổi chiếc Shigure. Nhưng vì màn khói đen do chúng tôi tạo ra khá hữu hiệu, đến nỗi khiến cho địch quân tưởng lầm chiếc Shigure đã trúng ngư lôi và chìm rồi. Sau chiến thắng này của Hoa Kỳ, Bộ Tư Lệnh Tối Cao Nhựt không bao giờ còn dám sử dụng ngõ vịnh Vella để tiến đến căn cứ Kolombangara nữa.

Chiếc Shigure trở về căn cứ Rabaul vào đêm 7 tháng 8-1943. Lúc đó Tổng Hành dinh ở đây rất náo động. Sau chiến bại của chúng tôi tại Munda vào ngày 4, tiếp liền là sự thảm bại không ai ngờ tại vịnh Vella đã làm mọi người xúc động. Từ Munda xuyên qua eo biển Blackett nhỏ hẹp là khu vực phòng ngự chính của Nhựt bảo vệ quần đảo Solomon và căn cứ Kolombangara. Tôi có thể hiểu được tại sao các khu trục hạm của địch đụng đầu với chúng tôi ở Vella đã quyết đánh tan chúng tôi. Họ không muốn chúng tôi sử dụng hải trình này nữa, và họ đã thành công.

Phó Ðô đốc Tomoshige Samejima, Tư lệnh Ðệ Bát Hạm đội đã tiếp tôi với khuôn mặt dàu dàu, nhưng ông không đá động gì đến công tác vừa qua của tôi. Ông tỏ ra hối hận đã đưa các khu trục hạm của Hải đội 4 vào bẫy, vì đã điên rồ lặp đi lặp lại một phương thức đã được sử dụng.

Lúc tôi quay trở về thì 250 lính bộ binh và quân trang của họ đã chuyển hết lên bờ. Hầu hết số binh sỹ này đều mệt lả sau 40 giờ chen chúc dưới hầm tàu. Họ la lên vui mừng khi được đặt chân lên đất liền. Họ biết vừa thoát khỏi tay tử thần trong đường tơ kẻ tóc, nên trước khi ra đi tất cả đều cung kính chào giã biệt chiếc Shigure và thủy thủ đoàn. Ðiều này khiến tôi nghĩ rằng quyết định rút lui mà tôi đã chọn là một quyết định đúng.

Tôi cho các thủy thủ được nghỉ ngơi qua hết ngày hôm sau, và cho phép họ lên bờ mỗi lần một phần ba số thủy thủ đoàn. Ðây là lần nghỉ ngơi thực sự và đầu tiên của họ. Khi nhìn thấy Trung sĩ Yamashita, quan sát viên đã phát hiện tàu địch, trong nhóm thủy thủ đầu tiên được phép lên bờ, tôi gọi anh ta vào phòng. Tôi trao anh ta chiếc đồng hồ đeo tay bằng bạc của tôi và nói: “Anh đã làm được một việc lớn. Tôi muốn anh nhận cái này. Nó không đáng giá bao nhiêu, tôi đã mua nó cách đây 20 năm tại thương xá Wanamaker ở Nữu Ước.”

Trung sĩ Yamashita từ chối: “Thưa Ðại tá, tôi không dám nhận một vật có nhiều giá trị và ý nghĩa đặc biệt đối với Ðại tá. Tôi chỉ làm nhiệm vụ của mình thôi. Nếu hành động của tôi được khen thưởng thì tôi mong rằng sự khen thưởng đó từ Bộ Tư Lệnh.”

“Nhận chiếc đồng hồ này và đừng bàn cãi gì thêm nữa, Yamashita. Bộ Tư Lệnh sẽ không bao giờ cho anh cái gì đâu. Ngay cả quả ngư lôi của chúng ta đã trúng tàu địch mà họ còn không tin, bởi lẽ việc này chỉ có anh là nhân chứng duy nhất mà thôi.”

“Thưa Ðại tá, họ không tin là sai. Tôi thấy quả ngư lôi trúng tàu địch như đã thấy nhóm tàu địch tiến đến chúng ta khi hãy còn là những vệt đen nhỏ. Trong đời tôi chưa hề biết nói láo, và tôi sẽ đấm vào mặt kẻ nào cho tôi là nói láo.”

“Lại đây, Yamashita. Bây giờ anh biết phải làm gì. Quên chuyện đó đi. Hãy lên bờ và vui chơi thỏa thích.”

Tôi nhét chiếc đồng hồ vào túi Yamashita. Anh ta hơi bối rối một chút, nhưng sau đó nở một nụ cười trên môi, và cáo từ.

Tôi buông mình xuống ghế. Một công việc khó khăn đang chờ tôi. Tôi phải viết một bản tường trình với đầy đủ chi tiết về trận hải chiến tại vịnh Vella. Tôi muốn viết một cách ngay thẳng trung thực, đồng thời tôi muốn bênh vực cho các đồng đội đã thiệt mạng. Tôi mất nhiều giờ mới viết xong bản báo cáo.

Tuần sau: 

Chương XXXV

Thoát hiểm

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960. Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships