Guadalcanal cách hậu cứ New Caledonia của US Navy 1,300 km và cách hậu cứ Truk của Hải quân Nhật 2,100 km. Hải trình quá dài khiến việc tiếp liệu và quân viện của Nhật đầy khó khăn, triệt thoái là bắt buộc. Nguyên do chính của thất bại là bộ binh Nhật đã không chiếm lại được phi trường Henderson Field mà từ đây các phi đoàn Marine Fighter Attack Squadrons Bomb Group của Cactus Air Force không ngừng tấn công chiến hạm Nhật. Ngày 18 tháng 4-1943 Phi đoàn 339 cất cánh cho một phi vụ ám sát The “killer” flight. Mục tiêu là oanh tạc cơ Mitsubishi đang chở Thủy sư Đô đốc Yamamoto bay thị sát mặt trận trên không phận Bougainville cách đó 400 dặm.

Di ảnh Thủy sư Đô đốc Yamamoto  

Xác Yamamoto được Nhật thu nhặt ngày hôm sau. Chính là Operation Vengeance, một báo thù trừng phạt kẻ đã đánh úp Trân Châu Cảng.

Không là lần đầu tiên Đồng Minh mưu sát các tướng lĩnh nổi tiếng của khối Trục. Với Operation Flipper ngày 10 tháng 11-1941, 25 biệt kích Anh đã tấn công vào bộ chỉ huy tiền phương của Rommel tại Bắc Phi nhưng thất bại. Rommel đã nghĩa cử là cho mai táng tử tế và đến viếng mộ các biệt kích bị bắn chết.

Riêng với Hara, vừa thăng đại tá và chỉ huy một hải đội 4 khu trục hạm, những ngày này là việc huấn luyện ráo riết thủy thủ đoàn cho trận đánh sắp tới.

[Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Phần IV  Đối Thủ Vượt Trội

Chương XXXII

Tôi quay lại chiếc Shigure với cơn đau đầu như búa bổ. Sau khi sắp xếp cho thủy thủ lên bờ, tôi rã rời bước vào cabin, và ròng rã 24 tiếng đồng hồ, không lúc nào ngừng nghĩ tìm giải đáp cho các vấn đề mới của cuộc chiến. Cuối cùng, tôi gạt sang bên tất cả, vì nhận thấy vấn đề này quá xa vời nếu so sánh với mối bận tâm trước mắt: Một thủy thủ đoàn chưa thuần thục của chiếc Shigure. Phải bắt đầu từ căn bản. Sau ngày cho thủy thủ đi phép, tôi bắt đầu huấn luyện họ liên tục trong hải vực quanh quân cảng Truk. Tôi biết ơn Phó Ðô đốc Kondo, nhận thấy ông quá cao kiến khi dành một khoảng thời gian cho tôi thực hiện việc này. Vì cũng cần ít ra khoảng 3 tháng mới khép một thủy thủ đoàn vụng về vào quy củ.

Theo kế hoạch, tháng đầu tiên tôi kiên nhẫn hướng dẫn họ các căn bản đi tàu, và nếu điều nào xét thấy họ không lĩnh hội được, tôi đích thân chứng minh và điều khiển cuộc tập dượt, nhiều khi lặp đi lặp lại hàng chục lần. Thoạt đầu họ có vẻ chán nản nhưng dần dần ham thích và hăng hái thi hành các mệnh lệnh. Họ không đến nỗi tệ như tôi tưởng. Nhưng trong suốt thời gian huấn luyện này, tôi thường hay bị ám ảnh về tình hình thực sự của chiến trận, qua các hồ sơ mà tôi đã xem trên soái hạm Atago.

Một tháng trôi qua, tôi bắt đầu cảm thấy chạm phải một sự việc không thể nào hiểu nổi. Do kinh nghiệm thu thập được trong các trận đánh của năm qua, tôi nhận thấy có nhiều hành động đã được lặp đi lặp lại với cùng một phương thức. Khi một chiến thuật được áp dụng thành công thì y như là nó sẽ được Hải quân Hoàng gia áp dụng lại, không thay đổi một chút nào, và kết quả thường là thảm họa.

Cuộc pháo kích dữ dội vào Guadalcanal vào tháng 10 năm rồi, do hai thiết giáp hạm Kongo và Haruna của Phó Ðô đốc Kurita thực hiện là một thành công lớn. Một tháng sau đó, Ðề đốc Abê được lệnh tiếp tục mô thức tấn công ấy với 2 thiết giáp hạm Hiei và Kirishima. Nhưng với lần ăn quen này, Hải quân không những không chạm được một quả đạn nào vào hòn đảo mà còn khiến thiệt mất cả 2 tàu chiến.

Với thảm họa biển Bismarck vào tháng Hai, 12 trong số 16 chiến hạm của Ðề đốc Kimura bị đánh chìm, làm tan hẳn cố gắng quân viện đến Lae và Salamaua. Kế hoạch tăng viện này rõ ràng giống hệt như kế hoạch đổ quân thành công xuống Buna trước đó. Nhưng sự lặp lại này giống như không biết suy xét, vì 6 tháng sau cuộc đổ quân lên Buna, sức mạnh không lực địch trong khu vực đã gia tăng.

Ðề đốc Tanaka đã thực hiện một loạt cuộc hành quân vận chuyển đến Guadalcanal vào hai tháng 11 và 12 năm 1942. Sau đó, một nhóm khu trục hạm khác được các sỹ quan thiếu khả năng cầm đầu, đã cố gắng lặp lại hành động của Tanaka, nhưng chỉ đưa đến các thảm bại, như cuộc thảm bại vịnh Kula ngày 5 tháng 3-1943 chẳng hạn.

Khăng khăng như vậy là ngu dốt. Qua các sự việc vừa nêu, có vẻ như Hải quân Hoàng gia cho rằng địch quân là những kẻ dễ bị đánh lừa trước trò chơi của chúng tôi. Các sự kiện trên, bắt tôi nhớ lại những dòng ghi trong cẩm nang của Musashi Miyamoto, một kiếm khách siêu việt mà tôi từng đề cập đến:

Xem thêm:   Thân thương hai tiếng "Mình ơi"

“Trong giao chiến, lặp lại một công thức đã từng sử dụng là một tệ hại, và còn tệ hại hơn nữa nếu lặp lại lần thứ ba. Khi một cố gắng thất bại, có thể cố gắng lần thứ hai nhưng nếu cố gắng này thất bại nữa, phải lập tức thay đổi phương thức và thay đổi liên tục. Khi đối thủ chờ đợi một cú chém từ trên cao, phải đánh thấp, và ngược lại. Là bí quyết của kiếm thuật.”

Lời khuyên này dường như hoàn toàn phù hợp cho tình thế hiện tại. Tôi quyết định chuyển các ý kiến của tôi lên Ðô đốc Isoroku Yamamoto. Nhưng tôi không thể nào tự tiện bước vào văn phòng của Tổng Tư lệnh và trực tiếp trình bày với ông. Do đó, vào ngày 24 tháng 4 năm 1943, tôi đến soái hạm Musashi (mang tên của Musashi Miyamoto được Nhựt Bổn xem tương đương với Tôn Tử) để giải thích các tham kiến của tôi với Tham mưu trưởng của Yamamoto là Phó Ðô đốc Matome Ugaki.

Chỉ có một chuẩn úy ở đó tiếp tôi tại cầu thang của chiếc thiết giáp hạm khổng lồ này. Ðây là một việc khác thường, không đúng nghi lễ đón tiếp một vị chỉ huy trưởng hải đội, Khi tôi cho biết muốn gặp Phó Ðô đốc Ugaki, viên chuẩn úy nhìn tôi trừng trừng, đôi mắt có vẻ đờ đẫn. Im lặng hồi lâu, hắn yêu cầu tôi theo hắn. Chúng tôi đi qua nhiều cầu thang sắt quanh co và lên xuống trong chiếc soái hạm khổng lồ. Tôi không gặp một sỹ quan nào khác, còn các thủy thủ thì hình như có vẻ ngơ ngác và chán nản.

Khi chúng tôi đến căn phòng bên ngoài đề hàng chữ “Tổng Tư lệnh”, viên chuẩn úy mở cửa và nhường lối cho tôi bước vào. Trong căn phòng vừa đủ sáng, mùi nhang đốt xông ra ngào ngạt, và chính giữa căn phòng này, trên một mặt bàn rộng lớn có trải thảm, 7 chiếc hòm được xếp thành hàng. Tôi xoay sang viên chuẩn úy dọ hỏi. Hắn cúi đầu và đáp thật nhỏ: “Ngày Chủ Nhựt vừa qua, từ Rabaul, Ðô đốc Yamamoto và bộ tham mưu của ông sử dụng 2 chiếc oanh tạc cơ để bay thị sát mặt trận phía Nam. Khi 2 chiếc phi cơ đến gần không phận Buin thì bị các chiến đấu cơ P38 của Hoa Kỳ đột kích và bắn rơi. Các khu trục cơ này chắc chắn cất cánh từ phi trường Guadalcanal. 7 chiếc hòm này đựng thi hài của Tổng Tư lệnh và 6 sỹ quan tham mưu của ông. Phó Ðô đốc Ugaki và những người khác bị thương nặng.”

Khu trục cơ Tia Chớp Lockheed P-38 Lightning bắn rơi máy bay chở Yamamoto ngày 18 tháng 4-1943

Một việc không thể nào tưởng tượng được, nhưng sự thật vẫn là sự thật. Mắt tôi đã thấy và tai tôi đã nghe. Lệ dâng đầy đôi mắt khi tôi cúi đầu cầu nguyện cho sự yên nghỉ của những người đã chết.

Tôi được thăng cấp Ðại tá vào ngày 1 tháng 5 năm 1943. Hạm trưởng của Shigure, Thiếu tá Kimio Yamagami, tổ chức buổi tiệc mừng tôi tân thăng. Sỹ quan chật ních phòng, chúc tụng tôi nồng nhiệt và thi nhau mời tôi uống sakê. Sau hai tuần rượu, Thiếu tá Yamagami lên tiếng với vẻ lưỡng lự: “Suốt 40 ngày ròng rã khổ nhọc, toàn thể thủy thủ đoàn đã luyện tập không nghỉ ngơi. Tôi thấy rằng nên cho họ xả hơi một chút. Tối nay bên tàu công xưởng Akashi có buổi chiếu phim, kính thưa Ðại tá, Ðại tá nghĩ rằng tôi có nên cho phép họ đi xem hay không?”

Từ chối đề nghị xả trại hợp lý này thực khó cho tôi, nhưng tôi giải thích: “Tôi biết chúng ta đang phải chịu đựng một thời gian gò bó. Ở trên tàu 7 ngày một tuần tuy quá nhiều nhưng rất cần thiết. Các anh đừng nghĩ rằng tôi nghiêm khắc với các anh. Tình thế đòi hỏi chúng ta không được nghỉ ngơi một phút nào cả. Tôi mong các anh hiểu cho.”

Yaganami đúng là một người trọng quân kỷ, không nói gì thêm. Nhưng Ðại úy Toshio Doi, sỹ quan ngư lôi trưởng lên tiếng: “Kính thưa Ðại tá, tôi nghĩ thủy thủ đoàn khó có thể công tác hữu hiệu nếu họ không có một phút giải trí nào. Tôi nghĩ họ cần có những giây phút thoải mái.”

Tôi đáp: “Việc cấm trại gò bó này có vẻ sai lầm thực, nhưng cũng nên biết rằng toàn thể thủy thủ của chúng ta chưa lần nào ra trận, nơi mà chỉ vấp phải một sai lầm nhỏ thôi cũng đủ gây ra sự mất còn của chiếc tàu, của thủy thủ đoàn và của chính sinh mạng các anh. Các thủy thủ sẽ nghĩ rằng tôi quá nghiêm khắc và chắc họ sẽ oán trách tôi, nhưng tôi mong rằng các anh, những sỹ quan của họ, hiểu rằng tôi phải áp dụng một cuộc sống gò bó như vậy, bởi vì thà chịu đựng sự khổ nhọc trong thời gian tập huấn còn hơn là phải thiệt mạng vì kẻ thù.”

Xem thêm:   Trên lưng trời

Bầu không khí nặng nề chợt phá tan khi Ðại úy Hiroshi Kayanuma, cơ khí trưởng, lên tiếng: “Thưa quý vị, tôi đồng ý những gì mà Ðại tá Hara vừa nói. Trong những tháng vừa qua, rất nhiều khu trục hạm của chúng ta bị đánh chìm, và chính Ðại tá Hara đã chứng kiến tận mắt cảnh tượng đó. Chúng ta rất may mắn được chỉ huy bởi một người đã có nhiều kinh nghiệm quý báu. Chúng ta phải biết lợi dụng tài năng và kinh nghiệm này của Ðại tá Hara, để áp dụng cho chính bản thân mình. Ai chưa biết rõ Ðại tá Hara ở hiện tại thì tôi mong rằng trong những ngày sắp tới sẽ biết tri ân khi nhìn thấy sự lỗi lạc của ông.”

Thiếu tá Yamagami cùng với các sỹ quan nâng ly mời tôi tuần rượu chót. Sau buổi tiệc, tôi nói với Yamagami: “Tôi cảm thấy có lỗi với Thiếu tá về việc tôi đã nghiêm khắc thái quá đối với thuộc cấp của Thiếu tá. Ðúng ra, một vị chỉ huy trưởng hải đội phải trao toàn quyền điều khiển chiếc tàu cho hạm trưởng. Tôi không biết giải thích làm sao để mọi người hiểu rằng tôi buộc lòng phải nắm trong tay việc cai quản chiếc Shigure. Tôi nhìn nhận tinh thần kỷ luật của Thiếu tá và hy vọng rằng một ngày nào đó Thiếu tá sẽ hiểu.”

Thiếu tá Yamagami gật đầu một cách khiêm tốn. Giả sử Yamagami là một người ương ngạnh và bướng bỉnh thì với tư cách hạm trưởng của Shigure, sẽ gây ra cho tôi không biết bao nhiêu nỗi bực bội. May mắn thay, Yamagami đã chứng tỏ là một cộng sự viên rất đắc lực và biết tuân lệnh.

Sau 6 tuần huấn luyện khổ nhọc, Shigure được chỉ định vào công tác phòng duyên ở Truk. Công tác này bao gồm việc bảo vệ những dương vận hạm ra vào hải cảng và ngăn ngừa tàu ngầm địch len lỏi tấn công. Công tác nhẹ nhàng này không hề làm cản trở chương trình huấn luyện của tôi.

Trong lúc đó, tình hình chung của cuộc chiến không mấy sáng sủa đối với Nhựt. Sau khi triệt thoái khỏi Guadalcanal, lực lượng Nhựt rút về trú đóng tại một chuỗi đảo khác nằm ở phía Bắc quần đảo Solomon. Nhưng khả năng tấn công của địch càng lúc càng mạnh mẽ và nhanh chóng hơn khả năng phòng thủ của chúng tôi.

Ðô đốc Mineichi Koga, kế nhiệm Ðô đốc Yamamoto trong chức vụ Tổng Tư lệnh Hạm Ðội Hỗn hợp vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược của vị tiền nhiệm. Ông áp dụng chiến pháp tấn công lẻ tẻ, bằng cách phân tán các tuần dương hạm và khu trục hạm ra từng nhóm nhỏ. Chiến thuật “tiêu hao” này được tung ra cả ngày lẫn đêm, đã gặt hái được một số chiến thắng nhỏ, nhưng vẫn không xoay nổi dòng chủ lưu của cuộc chiến.

Cùng với việc triệt thoái ra khỏi Guadalcanal, những đơn vị tinh nhuệ của Nhựt đóng trên quần đảo Solomon rút về New Georgia. Tại đây, Nhựt có những căn cứ trên hòn đảo chính Munda và các đảo phụ cận Kolombangara. Trong khu vực này, Nhựt có khoảng chừng 10,500 quân, gần một sư đoàn. Ngày 30 tháng 6 năm 1943, Hải quân Hoa Kỳ đã chĩa một mũi dùi vào khu vực này, qua các cuộc đổ bộ lên phía Bắc hai đảo Rendova và Vangunu. Các cuộc đổ bộ này là mối đe dọa trầm trọng cho những căn cứ của Nhựt, do đó Ðô đốc Koga đã phải ra lịnh tăng cường đến mức tối đa cho các đạo quân trú phòng. Các khu trục hạm của chúng tôi được lịnh vận chuyển quân tăng cường này. Những chiến hạm vừa chở đầy người và đồ tiếp liệu, vừa phải đối đầu với địch quân vượt trội trong những trận đánh dữ dội xảy ra trong tháng 7. Tưởng rằng với sự cách biệt rõ rệt giữa tương quan hai bên, phần thất bại sẽ nghiêng về phía chúng tôi, nhưng trái lại những chiến hạm nhỏ bé nhưng can đảm này đã gặt hái nhiều thành tích lớn. Ðặc biệt nhứt là chiến công sáng chói của 5 khu trục hạm tại vịnh Kula vào đêm 12 tháng 7.

Trong cuộc quần thảo tại vịnh Kula, lực lượng Nhựt gồm có tuần dương hạm hạng nhẹ Jintsu (Thần Lực) và các khu trục hạm Yukikaze (Gió Tuyết), Hamakaze (Gió Biển), Mikazuki (Trăng Lưỡi Liềm), Ayanami (Sóng Cuộn) và Yugure (Hoàng Hôn) chống lại với một hạm đội địch gồm đến 3 tuần dương hạm, hai của Hoa Kỳ và một của Tân Tây Lan, và 10 khu trục hạm. Trận chiến bắt đầu lúc nửa đêm, khi tuần dương hạm Jintsu đáp lại nhầm tín hiệu của một tàu Hoa Kỳ và bị đánh chìm ngay lập tức bởi một hỏa lực tập trung mãnh liệt.

Trận chiến tiếp diễn, tuần dương hạm Leander của Hoa Kỳ bị chiến hạm Nhựt phóng ngư lôi loại ra khỏi vòng chiến. Hải lực Ðồng Minh vấp phải một sai lầm khi chia ra làm hai nhóm vào lúc ấy. Một trong hai nhóm đã thất bại nặng khi lâm chiến với các khu trục hạm Nhựt. 5 khu trục hạm Nhựt đã lướt sóng tung hoành giữa nhóm tàu thứ hai này của địch quân, và đã loại ra khỏi vòng chiến 2 tuần dương hạm Saint Louis và Honolulu, đồng thời đánh chìm khu trục hạm Gwinn. Trong cơn hỗn loạn của trận chiến, 2 khu trục hạm Hoa Kỳ là Woodworth và Buchanan va vào nhau. Các chiến hạm Nhựt quay mũi về căn cứ, tuy bị thiệt hại, nhưng là thiệt hại trong chiến thắng.

Xem thêm:   Quán nhậu thời đo... cồn

Ðối với Nhựt, việc mất mát tuần dương hạm Jintsu, so với sự thiệt hại mà khu trục hạm Yukikaze và các đồng đội gây ra cho 3 tuần dương hạm và 3 khu trục hạm Ðồng Minh, có vẻ đắt giá hơn nhiều.

Tại Truk cách Kula 1,800 cây số, tôi cảm thấy có chút ganh tị khi nghe chiến công của Yukikaze. Chiếc Yukikaze cùng hạ thủy một lượt với chiếc Amatsukaze của tôi hồi cuối năm 1941, nhưng nó chưa đạt được một chiến công hiển hách nào trước đó, thành tích duy nhứt là sống sót qua trận hải chiến biển Bismarck mà không hề mang một thương tích nào. Nhờ trận thủy chiến vịnh Kula, chiếc Yukikaze trở thành một trong những khu trục hạm nổi tiếng. Tôi định tâm cho chiếc Shigure của tôi ganh đua chiến công với chiếc Yukikaze khi chúng tôi được lịnh di chuyển đến Rabaul vào ngày 20 tháng 7.

Tôi sung sướng nhận được lịnh di chuyển. Từ trước đến sau, tôi chỉ là một chỉ huy trưởng hải đội trên danh nghĩa, vì tất cả các chiến hạm của tôi đều phân phối cho các hải đội khác, ngoại trừ chiếc Shigure. Hai trong số khu trục hạm của tôi là chiếc Yugure (Hoàng Hôn) và Ariake (Bình Minh) bây giờ đang ở Rabaul. Do đó khi nghĩ đến 3 chiến hạm dưới quyền sẽ gặp nhau, tự nhiên tôi thấy phấn kích. Tôi cũng biết được chiếc Yugure vừa trở về từ trận đánh vinh quang ở vịnh Kula với nhiều thành tích đáng kể. Với kinh nghiệm đã qua, chiếc tàu này sẽ là một tài sản quý giá của Hải đội 27 của tôi.

Toàn thể thủy thủ đoàn Shigure đều chia sẻ cảm giác này với tôi, và tinh thần của họ lên cao khi nghe  những thành tích mà chiếc Yugure đã gặt hái được. Sự tôi luyện gian khổ trong suốt 4 tháng trời làm tất cả mọi người mệt mỏi, nhưng trước viễn tượng sắp được thử sức với địch ngoài mặt trận, nỗi mệt mỏi đã tan biến.

Chất đầy những cơ phận máy bay mà Rabaul đang rất cần, chiếc Shigure hướng về Nam với tốc độ đều đặn 18 hải lý. Tôi không thể nào tưởng tượng được rằng chỉ qua 4 tháng huấn luyện, đã làm biến đổi một thủy thủ đoàn thiếu tinh thần, làm việc rời rạc trước đây, trở thành một thủy thủ đoàn hăng say, có tinh thần đồng đội cao độ. Trong suốt thời kỳ trui rèn, tôi tiết kiệm những lời khen thưởng, nhưng họ cũng đã thi hành bổn phận một cách tốt đẹp. Kinh nghiệm thực tế đã dạy cho tôi hiểu rằng chiến trận sẽ giúp cho ta hiểu biết nhiều hơn là hàng ngàn lần thao dượt. Cho nên tôi phải hà tiện tối đa lời khen cho đến lúc nào họ thực sự thiện nghệ và can đảm trước khói lửa, và tôi cũng hy vọng nhờ vào những thử thách cam go, sự yếu kém của họ sẽ dần được điền khuyết. Bây giờ tôi thèm khát được chiến đấu. Khu trục hạm Yukikaze đã lập công, Shigure cũng sẽ lập công.

Ðoạn hải trình đến Rabaul không có gì xảy ra, và chúng tôi cập bến vào ngày 23 tháng 7. Tôi lập tức trình diện Tổng Hành dinh ở đây. Một sỹ quan tham mưu đã lặng lẽ trao tôi một bản tin. Tôi xem vội vã và chết điếng. Bản tin cho biết 2 khu trục hạm Yugure và Kiyonami đã bị đánh chìm tại phía Nam đảo Choiseul vào ngày 20. Hai chiếc tàu này nằm trong thành phần các khu trục hạm có nhiệm vụ vận chuyển đồ tiếp tế đến Kolombangara, bị gián đoạn một tuần lễ trước đó và đang được cố gắng tái lập. Toàn thể thủy thủ đoàn mất tích, gồm 228 người của chiếc Yugure và 240 người của chiếc Kiyonami. Như vậy, tính ra địch quân đã phục thù được tổn thất của họ tại vịnh Kula trong vòng có một tuần lễ.

Ngay sau khi chiếc Shigure đổ hàng xong xuôi, tôi báo cho thủy thủ đoàn biết câu chuyện đã xảy ra cho 2 chiếc khu trục hạm bất hạnh trên. Toàn thể thủy thủ lắng nghe một cách im lặng, và theo tôi ghi nhận, họ đã bắt đầu cảm thấy tất cả những gì mà họ đã phải chịu đựng trong lúc tập dượt không phải là vô ích.

Tuần sau:

Chương XXXIII

Trận đầu của Shigure

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960.

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships