Đêm 12 rạng 13 tháng 11-1942 đi vào lịch sử như một trận đấu hỗn loạn ngay trước bờ biển Guadalcanal. Vì cả hai phía Mỹ-Nhật đều vỡ nát đội hình và mạnh ai nấy bắn trong tầm vài ngàn thước. Ở khoảng cách này, với các chiến hạm nhiều ngàn tấn là một cận chiến tương đương với xáp lá cà của bộ binh. Trung tá Hara lập chiến công đánh đắm hai tàu Mỹ và gây hư hại nặng cho soái hạm San Francisco. Theo Craig Symonds trong tập WWII at Sea: A Global History, nguyên nhân thua trận của Task Force 67 là vì Đề đốc Daniel J. Callaghan đã không tin vào radar là một khí tài hãy còn quá mới đối với ông, nên đã không ra lệnh khai hỏa mặc dù radar Mỹ phát hiện ra hạm đội Nhật trước tiên. Sau đó là kỹ năng đánh đêm vượt trội của thủy thủ Nhật. Cả hai Đề đốc Norman Scott và Callaghan trả giá bằng chính mạng sống của họ, cùng tử thương trong đêm mà Symonds ví với “một trận ấu đả trong một quán bar tắt hết đèn đuốc…” [Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XXVII

Mưa bão chấm dứt lúc 22g40, hơn 30 phút kể từ khi chúng tôi bắt đầu xoay hướng. Ðề đốc Abê lại ra lệnh xoay thêm 180 độ nữa, tức xoay mũi các chiến hạm trở lại phía đảo Guadalcanal. Tôi độ chừng Abê bây giờ sẽ lập một đội hình duy nhất. Ðội hình phức tạp chỉ thuận lợi để chống lại các cuộc tấn công của các ngư lôi đĩnh nhỏ, nhưng nếu đụng độ quy mô, chúng tôi sẽ lâm vào rối loạn ngay.

Abê, với tính cẩn thận cố hữu, cương quyết giữ đội hình cũ. Lần đầu tiên tôi nghi ngờ sự khôn khéo của ông. Lúc chiến đấu mà nghi ngờ khả năng của thượng cấp là không tốt. Nhưng tôi không thể nào cho rằng việc giữ đội hình cũ là thích hợp một khi soái hạm Hiei đã dùng tần số vô tuyến trung bình để liên lạc. Ðịch chắc chắn đã xác định được tọa độ của chúng tôi và sẵn sàng đánh.

“Ðảo nhỏ! 60 độ! Tả mạn!” Tiếng la của một quan sát viên chấm dứt dòng tư tưởng của tôi. Sau đó, nhiều tiếng la cùng lúc: “Núi cao án trước mặt!”

Tôi day ngay sang trái, nhìn thấy dáng đen sậm của đảo Savo thấp thoáng trong bóng đêm. Phía trước tàu của tôi là dãy núi Guadalcanal cao chớn chở, đỉnh lẩn khuất trong mây. Tôi linh tính cuộc đụng độ sắp xảy ra. Hít một hơi dài không khí kích thích của đêm, tôi ra lệnh: “Chuẩn bị trọng pháo và ngư lôi hữu mạn. Tầm 3,000m. Góc phóng 15 độ.”

Im lặng trở lại trên sàn tàu sau khi mọi người vào vị trí chiến đấu. Trên soái hạm, Abê đang cắm cúi với các báo cáo. Thủy phi cơ quan sát cất cánh từ Bougainville cho biết mưa vừa dứt ở Guadalcanal và không còn thấy một chiến hạm địch nào gần đảo Lunga. Năm mươi phút sau khi chúng tôi xoay hướng lần thứ hai, hạm đội chỉ còn cách bờ biển Guadalcanal 12 dặm. Abê vẫn chưa quyết định, chỉ ra một lệnh do dự: “Hiei và Kirishima chuẩn bị loại đạn số 3 cho các pháo khẩu chính.” Ðây là loại đạn lửa, nặng một tấn, mang khối lượng chất nổ mạnh bằng nhiều mươi trái bom.

23g42, khu trục hạm Yudachi báo cáo: “Nhìn thấy địch!”

Abê hét: “Phía nào, bao xa? Vị trí Yudachi?”

Abê dứt cơn thịnh nộ khi quan sát viên của Hiei đứng trên tháp cao la to: “Bốn điểm đen phía trước!  Giống các chiến hạm… 5 độ hữu mạn, cách 8,000m! …không chắc… nhìn không rõ.”

Abê xụ mặt: “Yudachi đang chếch phía phải chúng ta 10,000m. Hỏi lại quan sát viên điểm đen bao xa.”

Trung tá Masakane Suzuki, Tham mưu trưởng của Abê bước ra và lớn tiếng: “Có đúng 8,000m không? Phải xác định!”

“Có lẽ 9,000m …thưa Trung tá.”

Chúng tôi nghe các lịnh lạc qua máy chuyển âm. Giọng Ðề đốc Abê đứt quãng: “Lệnh cho Hiei và Kirishima thay tất cả đạn lửa bằng đạn xuyên phá và xoay hết pháo khẩu về phía trước.” Abê lặng trên ghế, đầy phân vân. Ðáng lẽ ông phải lệnh cho 2 thiết giáp hạm xoay mũi lùi về phía sau trong lúc thay đạn khác, nhưng ông cân nhắc, và cuối cùng không đưa ra lệnh này.

Trên sàn của 2 thiết giáp hạm bỗng hoang vắng. Hầu hết mọi người đều phải bỏ vị trí để tiếp tay mang loại đạn xuyên phá từ dưới hầm sâu lên thay thế đạn lửa. Trong lúc đó loại đạn lửa vĩ đại vẫn còn chất đống như núi trên sàn tàu. Tình thế này, ở tầm 9,000m, hai chiếc Hiei và Kirishima sẽ bị bắn trúng dễ dàng và thành hộp diêm khổng lồ.

Các sỹ quan truyền tin của Hiei bận rộn liên tục. Tần số ngắn và trung bình được tận dụng để loan báo diễn tiến của địch. Vấn đề an ninh truyền tin không còn được lưu ý nữa. Các quan sát viên của tôi vẫn chưa nhìn thấy một tàu nào của địch nên tỏ vẻ sốt ruột. Tôi quát lớn: “Không thấy thì có sao? Chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ, chỉ chờ địch đến cách dưới 3,000m là ra tay.”

Xem thêm:   2 người thợ săn

Một việc lạ lùng là đã 8 phút trôi qua nhưng địch không bắn một quả đạn nào. Tốc độ di chuyển của hai hạm đội Mỹ-Nhựt là 40 hải lý, như vậy có nghĩa là cứ mỗi một phút tiến gần nhau 1,200m. Khác biệt làm sao so với thủy chiến Java, cả hai phía đã khai hỏa ngay khi còn cách xa 25,000m.

Trên hai chiếc Hiei và Kirishima, mọi người đã trở lại vị trí. Ðạn lửa đã được cất đi và các pháo khẩu nạp đạn xuyên phá.

Tại sao địch cho chúng tôi 8 phút để hoàn tất việc thay đạn? Không làm sao giải thích, cho dù tôi đã đọc nhiều tài liệu sau chiến tranh. Không còn ai đủ thẩm quyền để dọ hỏi, bởi vì hầu hết sỹ quan cao cấp Mỹ tham dự trận đánh đều thiệt mạng. Những giả thuyết tôi đọc qua đều căn cứ trên từng câu chuyện rời rạc, trái ngược nhau, do những kẻ sống sót kể lại. Tuy nhiên, theo tìm hiểu riêng của tôi, địch sở dĩ không khai hỏa trong suốt 8 phút khủng hoảng của chúng tôi là do thế trận đã dàn ra không thích hợp, và thêm vấn đề chỉ huy phức tạp của họ.

23g41, khi khu trục hạm Yudachi báo cáo phát hiện địch, tàu địch đang tiến đến trong đội hình hàng dọc duy nhất, nhằm chống lại đội hình phân tán của chúng tôi. Với đội hình như vậy, chỉ có một chiếc tàu dẫn đầu của địch mới có thể khai hỏa được mà thôi. Nhưng điều khó giải thích là tại sao những chiếc tàu khác không rẽ sang phải để xoay tất cả các họng súng của họ về hướng chúng tôi? Tại sao họ không chọn phương thế khác, chẳng hạn như tiến từ bờ biển ra để đánh vào hữu mạn chúng tôi? Những câu hỏi  này vẫn luôn ám ảnh tôi.

Trong trận đánh này còn nhiều bất thường khác. Một trong những điều này là hoạt động của khu trục hạm Yudachi, hạm trưởng là Trung tá Kiyoshi Kikkawa, một bạn thiết của tôi. Sau trận đánh, Kikkawa đã giải thích: “Lỗi lầm của tôi là quá cẩn thận. Tôi từng tham dự trận đánh ở biển Bali trước đó. Trong trận này, khu trục hạm Mitsushio của tôi bị trúng ngư lôi vào cạnh sườn và thiệt hại khá nặng, giữa lúc tôi đang điều khiển hỏa lực của chiếc tàu ngắm vào mục tiêu ở hướng khác. Là bài học đắt giá cho tôi.”

“Ngày 12 tháng 11 tại Guadalcanal, chiếc Yudachi của tôi cùng với chiếc Harusame đang đi tìm 3 khu trục hạm khác cùng nhóm thất lạc. Trong cuộc tìm kiếm này, chúng tôi không ngờ rằng đội hình phức tạp trước đây đã xoay hai lần 180 độ khiến cho 3 chiếc tàu cùng nhóm với chúng tôi đã tụt lại phía sau, thay vì ở vị trí tiền đội như khởi thủy.”

“Tôi kinh ngạc khi nhìn thấy một khu trục hạm địch từ bóng tối nhô ra thình lình, và sắp đánh vào cạnh sườn chiếc Yudachi. Thảm họa Bali chợt hiện lên. Tôi không chống trả kịp thời, vì hỏa lực không nằm trong tình trạng sẵn sàng. Tôi quyết định quay tàu bỏ chạy và thông báo về soái hạm, nhưng không thể nào định vị tàu địch, bởi vì tôi không biết chính tàu tôi hiện đang ở đâu.”

“Tôi chạy vài phút thì địch khai hỏa. Tôi lâm vào tình cảnh bối rối và hổ thẹn, vì lúc đó thủy thủ đoàn đã giận sôi lên, lý do là tôi không cho họ thử sức với địch. Tôi quyết định quày tàu và hướng thẳng tới đoàn tàu địch. Từ lúc đó, Yudachi tử chiến cho tới lúc bị đánh chìm.”

“Trong thời gian Yudachi đơn độc đối đầu với địch, chiếc Harusame cùng đi chung đã trở về kết hợp với tuần dương hạm Nagara.” Kikkawa tiếp, “Hiển nhiên là chiếc tàu này lạc dấu chúng tôi trong đêm tối, vì lúc đó chiếc Yudachi đã chạy với tốc lực tối đa 35 hải lý.”

Không chỉ có các đơn vị tiền phương tan vỡ đội hình mà cả thành phần chính cũng không tránh khỏi. Bảy tiếng đồng hồ chạy như đui mù, và qua hai lần xoay hướng 180 độ, cho dù đội hình nào đi nữa cũng phải tan vỡ huống chi là đội hình phức tạp của Abê.

23g50, soái hạm Hiei sử dụng đèn rọi và nhận thấy tuần dương hạm Nagara chạy cách phía trước không đầy 2,000m. Chiếc tuần dương hạm này tiếp tục chạy khoảng 5,000m nữa rồi đổi hướng sang trái để chạy phía trước khu trục hạm Yukikaze và kế đó khoảng 2,000m là chiếc Amatsukaze của tôi. Khi đèn rọi của soái hạm Hiei phát hiện tuần dương hạm Atlanta của Hoa Kỳ, cách xa chừng 5,000m, tàu địch lập tức khai hỏa, nhưng vì nhắm vội vã nên tất cả 12 quả đạn 127 ly rớt nổ cách soái hạm Hiei đến 2,000m.

Ba mươi giây sau khi vung về tả mạn, soái hạm Hiei khai hỏa một lượt tám khẩu 356 ly. Với mục tiêu ở tầm 5,000m, loại đại pháo này bắn không thể trật. Tất cả các quả đạn một tấn bắn ra đều trúng chiếc Atlanta. Ðề đốc Hoa Kỳ Norman Scott với các sỹ quan đứng trên đài chỉ huy chết ngay tức khắc. Như vậy là Abê đã phục thù cho Ðề đốc Goto, là cố tri của ông. Ðây là một trong những cuộc pháo kích – hạm đối hạm – chính xác nhất trong toàn thể mặt trận Thái Bình Dương.

Xem thêm:   Allen PAC

Nhưng Hiei trả giá cao cho việc dùng đèn rọi của mình. 4 khu trục hạm Mỹ chạy phía trước tuần dương hạm Atlanta đã tập trung hỏa lực vào soái hạm Nhựt ở khoảng cách từ vài trăm đến 2,000m. Khu trục hạm Cushing dẫn đầu đã rót nhiều loạt hải pháo và mưa đại liên lên đài chỉ huy của Abê. Tuy nhiên, pháo thủ địch quá tệ khiến tất cả đạn của họ đều vung vẩy chung quanh chiếc Amatsukaze của tôi. Quang cảnh lặp đi lặp lại nhiều lần, và tôi như kẻ đứng trước tấm màn lửa. Cũng may, không viên đạn nào trúng tàu của tôi.

Tiếp theo đó, khu trục hạm Cushing đã phóng 6 quả ngư lôi vào soái hạm Hiei, nhưng không quả nào trúng đích. Tôi hét lớn: “Xả hết tốc lực! Xoay về trái, rời địa ngục lập tức!”

Chiếc Amatsuzake nhanh chóng tách rời khỏi soái hạm Hiei, kế đó là khu trục hạm Yukikaze, và cả hai chạy vượt qua tuần dương hạm Nagara. Tôi nhìn thấy một số chiến hạm địch như hồn ma bóng quế chập chờn dọc theo bờ biển Guadalcanal ở phía phải. Tôi ra lệnh: “Xoay hẳn về hữu mạn! Tốc độ chiến đấu!”

Tôi quyết định tung một cú chớp nhoáng vào địch quân trước khi tiến đến khu vực giao tranh. Nhưng hình bóng chập chờn của các chiến hạm địch biến mất. Tôi mở bét mắt nhìn đăm đăm phía trước mặt. 3 khu trục hạm Nhựt thình lình từ cạnh sườn phía phải của soái hạm Hiei chạy ra án ngang tầm súng của tôi.

Ý định của tôi hết hy vọng tiếp tục, tôi quay nhìn chiếc Hiei. Nó đang bốc cháy. Khu trục hạm USS Laffey của Hoa Kỳ đã lập thành tích này. 3 khu trục hạm của chúng tôi chạy về phía trái, hiển nhiên là để bao che mặt sau của chiếc Hiei. Ðó là 3 khu trục hạm Akatsuki, Inazuma và Ikazuchi, mới hơn những chiếc tàu khác và nhanh hơn chiếc Amatsuzake của tôi. Tôi cho tàu chạy theo sau 3 chiếc tàu bạn này. Bất ngờ 2 trái chiếu sáng vượt lên không và tỏa rộng phía trước. Sau đó, tôi biết được 2 quả pháo sáng đó do tuần dương hạm Nagara của Ðề đốc Kimura phóng lên.

Năm hoặc sáu chiến hạm địch chạy theo đội hình hàng dọc lộ hẳn trên đại dương. Chiếc tàu địch gần nhất, chạy song song với chiếc tàu của tôi, cách 5,000m. Tim tôi đập rộn. Ðây là dịp may để chứng minh lý thuyết phóng ngư lôi của tôi. Mặc dù được Hải quân Hoàng gia chấp nhận, nhưng lý thuyết này vẫn chưa chứng minh cụ thể với một mục tiêu thực sự.

Ðại úy Masatoshi Miyoshi, sỹ quan ngư lôi trưởng của tôi, không còn kiên nhẫn được nữa: “Cho mấy con cá thoát ra, thưa Trung tá.”

“Chuẩn bị đi,” tôi đáp và ra lệnh: “Mục tiêu di động hữu mạn 30 độ. Giác độ phóng 15 độ. Xoay tàu phía phải. Áp sát bằng đường lượn cong.”

Lệnh của tôi lập tức được thi hành. Cả hai chiếc tàu, địch và của tôi cùng tiến đến có vận tốc chung lên đến 69 hải lý, nên khoảng cách thâu hẹp trong nháy mắt. Ðại úy Miyoshi liếc nhìn tôi lo ngại, tôi tảng lờ đi. Ðiều lấy làm lạ là địch không khai hỏa. Nhưng nếu họ có khai hỏa đi chăng nữa thì cũng không thể nào trúng được chiếc tàu đang chạy theo hình vòng cung của tôi, cho dù khoảng cách giữa đôi bên chỉ 3,000m. “Ngư lôi! Sẵn sàng!… Phóng!” Tôi hét lên.

8 con cá lớn vọt ra, lao trầm ngay xuống nước và nhanh như cắt lướt đến mục tiêu. Tôi hồi hộp theo dõi. Lúc đó là 23g54 phút. Trên đài chỉ huy từng luồng gió quất phần phật mạnh như những cái tát, và tàu chạy mau tung đầy bọt sóng lên mình chúng tôi. Khi chiếc tàu xoay về phía trái và giảm tốc độ, 2 quả pháo sáng nữa được bắn lên trời, soi rõ hình dáng 4 khu trục hạm đang chạy hàng dọc của địch. Khoảng cách giữa tàu chúng tôi với tàu địch chừng vài trăm mét. Ngay lúc ấy, khu trục hạm Yudachi xuất hiện, các họng súng đều rực lửa, đâm ngang vào phần trước của đoàn tàu Hoa Kỳ. Chiếc tàu địch, bị Yudachi chạy đâm thẳng vào là chiếc USS Aaron Ward, đã xoay như chớp để tránh né.

Chiếc tàu thứ hai, USS Barton, giảm ngay tốc độ vị sợ đụng chiếc Aaron Ward. Ngay lúc đó, hai phút sau khi các ngư lôi của tôi phóng ra, hai cột lửa lớn tung phụt lên trên không. Giống hai cột thu lôi lóe rực với hai tiếng nổ rền làm rung chuyển mặt biển. Chiếc Barton trúng ngư lôi! Diễn biến nhanh đến nỗi mắt tôi nhìn thấy nhưng vẫn hồ nghi. Chiếc Barton bị cắt ra làm đôi, biến dạng vào làn nước trong chớp mắt.

Tôi thở phào. Một cuộc hủy diệt thật ngoạn mục. Thủy thủ đoàn của tôi reo hò ầm ĩ. Nhưng tôi không để ý đến. Mục tiêu bị hạ đối với tôi là chuyện hiển nhiên. Cảm giác của riêng tôi là sự hài lòng hơn là vui mừng ồn ào. Ðây là lần đầu tiên lý thuyết phóng ngư lôi của tôi được áp dụng ngay trong cuộc chiến, và bây giờ không còn một chút ngờ vực nào về sự chính xác nữa.

Xem thêm:   Nguyễn Đức Đạt một cung đàn lạc quan

Các trái sáng rơi thấp dần rồi tắt hẳn. Trong màn đêm vừa phủ lại, chiếc Amatsukaze chấm dứt hình vòng cung và xoay mũi chạy trở về hướng Tây. Tôi nhìn thấy chiếc Hiei chập chờn lửa. Tàu của tôi tiến thẳng đến. Một vài phút sau, tôi phát hiện những tia sáng thoạt ẩn thoạt hiện trong đêm tối, ở mạn trái của chiếc tàu là do ánh lửa phản chiếu vào một thân tàu sơn bóng với bốn cột. Nhứt định là tàu địch, có thể là một tuần dương hạm. Tôi ra lệnh: “Ngư lôi sẵn sàng! 70 độ tả mạn!”

“Ngư lôi sẵn sàng! Thưa Trung tá!” Ðại úy Miyoshi đáp, như một anh học trò trả lời với thầy giáo, trong giọng nói không còn dấu hiệu nào cho thấy anh ta mất tin tưởng như trước đó. “Xong rồi thì chờ đó. Mục tiêu đang di động phía trước. Dễ ăn… hơn mục tiêu vừa rồi. Miyoshi, lần này chỉ cần 4 trái thôi, 8 trái sẽ phí đi.”

Tôi nhìn mục tiêu đang lướt tới, chiếc Amatsukaze đánh đường cong theo đúng lý thuyết của tôi. Khi đỉnh vòng cong hyperbole vừa chạm, tôi la lớn: “Chú ý! Ngư lôi… Phóng!”

Trong khoảng lặng như tờ, của mặt sóng nhấp nhô, 4 con cá thoát ra khỏi ống vào lúc 23g59, chúng lao tụt xuống biển rồi xé nước như tên bắn. Ðêm tối khiến sau vài mươi thước tôi không còn trông thấy gì nữa. Ba phút, lâu bằng thế kỷ, rồi bốn mươi giây sau.. một cột lửa đỏ ối vĩ đại từ mục tiêu phụt lên trên nền biển. Cả một khoảng trời đỏ lựng. Nạn nhân là tuần dương hạm USS Juneau hiện đại của Hoa Kỳ, hạ thủy tháng 10-1941 ngay trước chiến tranh, nặng 8,470 tấn và trang bị 8 ụ pháo 127 ly nòng đôi, từng đấu súng với chiếc Yudachi. Thủy thủ đoàn của tôi cất tiếng reo vang dậy. “Hoan hô hạm trưởng!” Họ hò reo khắp tàu. Nhưng tôi không kịp mãn nguyện, Ðại úy Shimizu, sỹ quan pháo thuật, muốn pháo nhồi lên mục tiêu để dứt điểm luôn. Tôi nói: “Thôi, Shimizu, hãy để cho chiếc Yudachi làm việc này. Ðừng bồn chồn. Chúng ta còn nhiều mục tiêu khác nữa. Pháo của chúng ta lên tiếng chẳng khác nào chỉ điểm vị trí của chúng ta cho địch.”

Amatsukaze chạy thẳng về phía trước. Trong lúc đó, các cuộc quần thảo dữ dội đang tiếp diễn tại những nơi khác. Ðêm tối nhưng lửa phựt lên từng lúc và tiếng đại bác rầm rầm như sấm sét không dứt. Sau này, hạm phó của Hiei, Trung tá Hideo Sekino có kể lại với tôi các chi tiết liên quan đến cuộc chiến đấu của soái hạm này. Theo đó, khu trục hạm Cushing sau khi tấn công Hiei, đã nhận lãnh hỏa lực phục thù của khu trục hạm Terutsuki. Chiếc Terutsuki tiến lên từ mạn trái của chiếc Hiei, rọi đèn pha thẳng vào chiếc Cushing, và dứt điểm mục tiêu bằng một loạt pháo trực xạ.

Khu trục hạm thứ nhì của Hoa Kỳ là chiếc Laffey (1,620 tấn, 4 pháo 130 ly) hầu như xáp lá cà với soái hạm Hiei. Hai chiếc tàu chạm nhau và ngay khi tách ra, chiếc Laffey đã rót một loạt đại liên vào cột chính của chiếc Hiei, gần đài chỉ huy. Ðại tá Suzuki hạm trưởng Hiei chết tức khắc và nhiều người khác bị thương, trong đó có Ðề đốc Abê. Các khẩu đại pháo 356 ly của thiết giáp hạm Hiei và ngư lôi của khu trục hạm Terutsuki đẩy chiếc Laffey ra xa, rồi nhận chìm ngay trong vài phút.

Khu trục hạm USS Sterett, chạy kế chiếc Laffey, phóng một loạt ngư lôi vào soái hạm Hiei, nhưng không trúng, và khu trục hạm USS O’Bannon tiếp liền ngay sau đó, rót một loạt pháo 127 ly vào Hiei, nhiều trái trúng đích. Hệ thống liên lạc trên soái hạm bị cắt đứt hẳn, và chiếc tàu bắt đầu rời khỏi khu vực. Lúc đó, vào khoảng nửa đêm, trận chiến trở thành loạn đấu. Khu trục hạm Akatsuki từ trước vẫn cách 2,000m mạn phải của  Hiei, sau khi soái hạm rút lui, đã lướt tới và giáng cho tuần dương hạm Atlanta nhiều trái ngư lôi. Chiếc Akatsuki lại xoay ngang đấu súng với soái hạm San Francisco và một khu trục hạm khác của Hoa Kỳ. Kết quả, khu trục hạm Nhựt bị cả hai hỏa lực tập trung chôn vùi xuống đáy biển toàn thể thủy thủ đoàn. Chiếc USS San Francisco vẫn còn đang bắn bồi thêm vào mục tiêu thì thiết giáp hạm Kirishima xông tới với 8 đại bác 356 ly hạ gục ngay soái hạm này. Sau đó, chiếc Kirishima tuân lệnh của Abê đã vội vã rời khỏi khu vực.

Tuần sau:  Chương XXVIII 

Tê liệt bánh lái

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships