Sau thế chiến, các kiến trúc sư hàng hải phân tích nguyên nhân khiến các hàng không mẫu hạm Nhật dễ phát hỏa và tê liệt sau khi trúng bom: chính vì cấu trúc kín (closed structure) so với cấu trúc mở (open space) của Hoa Kỳ. Các tàu sân bay Nhật biến cải từ các thiết giáp hạm và tuần dương nặng nên bên dưới phi đạo (primary deck) thường là một vỏ tàu bọc kín, không có “sân thượng thứ nhì” (second deck of the ship). Bít bùng, nên ngay khi bom đánh thủng sàn phi đạo rồi phát nổ ở tầng dưới nơi chứa phi cơ với bom và xăng, áp suất trở nên khủng khiếp. Bít bùng, nên một khi phát hỏa, thủy thủ đoàn Nhật chết ngạt lập tức. Ngược lại trên các mẫu hạm Hoa Kỳ, tầng nhì không có vách, gió lộng tứ phía vào “parking máy bay” làm giảm sức nổ, đem không khí cho đội cứu hỏa.

Sai lầm thứ nhì là Nhật không dùng cốt sắt mà dùng cốt tre lót sàn phi đạo. Dưới lớp sắt mỏng là các đà ngang bằng gỗ và những cột tre xếp dọc. Kỹ sư Nhật đã tin vào độ đàn hồi của tre, như kỹ sư Việt tin vào cốt tre khi xây cầu lúc này.

Khi máy bay đáp xuống, sức đàn hồi của tre chịu được sức nặng của máy bay, vừa giúp giảm trọng tải chiếc tàu để có thể mang thêm nhiều dầu, nhiều máy bay và thiết bị. Nhưng không phải chỉ có máy bay đáp xuống mà là bom của US NAVY. Là lý do vì sao USS Enterprise với USS Saratoga và USS Essex tuy trúng bom nhiều lần và bị các kamikaze chúi xuống nhiều lần vẫn không chìm, trong lúc các hàng không mẫu hạm Nhật, trừ hai chiếc Shokaku và Zuikaku là cốt sắt, những chiếc cốt tre khác giống “giàn hỏa Tây Sơn Tự”. Erreur de conception, Design error hay Lỗi thiết kế, là tên gọi của sai lầm này. (Xem thêm Les Faiblesses des Porte-Avions Japonais trong số đặc biệt của tập san Champs de Bataille chuyên đề Không Hải đoàn Nhật 1939-1945, phát hành tháng 1-2012).

Tuy nhiên thủy chiến Santa Cruz vẫn là chiến thắng chiến thuật của Nhật Bản, như bảng tổng kết thiệt hại ghi nhận:

Nhưng là một chiến thắng không ngày mai và không thực sự nhờ vào thế trận mãng xà như Hara nghĩ, mà nhờ vào tài ba của lớp phi công huấn luyện trước chiến tranh mà lớp thay thế không đủ kinh nghiệm để bổ khuyết.

[Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương XXV

Trong lúc đó, trên hàng không mẫu hạm Junyo, ở vị trí đuôi của con rắn trong thế xà trận Ðề đốc Kakuta đã tỏ vẻ tức tối khi biết địch quân còn cách ông đến 330 dặm. Ông ra lịnh cho các chiến hạm xả hết tốc lực hướng Ðông Nam. Chiếc Junyo, một hàng không mẫu hạm biến cải đã chạy với tốc độ 26 hải lý thay vì 20 hải lý như thường khi, bứt xa 3 khu trục hạm hộ tống chạy phía sau. Ðây là lần đầu tiên các thủy thủ khu trục hạm nhìn thấy soái hạm chậm chạp này rời bỏ họ khá xa như vậy, cho đến cả tiếng đồng hồ sau họ mới đuổi theo kịp. Mục tiêu cách 330 dặm không phải quá xa. Kakuta có thể tung phi cơ của chiếc Junyo rồi cho các phi cơ này đáp xuống hai chiếc Shokaku và Zuikaku của Nagumo. Nhưng ông muốn mặt đối mặt với địch. Kakuta muốn áp sát hơn nữa để có thể thâu hồi máy bay để phóng nhiều đợt tấn công. Lúc 7 giờ 14 phút, Kakuta tung 29 phi cơ làm 3 đợt oanh kích.

Ðiểm tâm của tôi khiêm tốn hơn thường lệ. Vài miếng bánh với nước lọc. Tôi vừa nuốt xong thì một oanh tạc cơ Aichi quay về đáp xuống chiếc Shokaku. Thủy thủ đẩy lập tức chiếc Aichi sang bên để 6 chiếc Zéro cất cánh. Ngay sau đó, một phi đội trưởng của chúng tôi báo cáo: “Nhìn thấy mẫu hạm địch! Tất cả máy bay đều nhào xuống!” 40 oanh tạc cơ Aichi và các phi cơ phóng ngư lôi Nakajima đã tập trung vào hàng không mẫu hạm Hornet của Hoa Kỳ, trận oanh kích kéo dài 10 phút. Nhiều trái bom đã trúng thẳng mục tiêu.

Tôi tạm quên các tin tức đầy phấn kích này, khi một oanh tạc cơ khác quay trở về và cố đáp xuống chiếc Shokaku, nhưng vì hỏng máy nên chiếc phi cơ phải đáp xuống biển. Khu trục hạm Amatsukaze chạy đến vớt phi công. Trong khi công việc đang xúc tiến, phi cơ địch ào đến. Báo động toàn thể! Tất cả mọi người xoay sang chiến đấu. Trong tiếng còi hụ đinh tai, tôi liếc thấy trên một chục oanh tạc cơ đâm bổ của địch vừa thoát ra khỏi mây, bay thấp ở độ cao 2,000 thước. Tôi tiếp tục cứu phi công lâm nạn, vì tin rằng phi cơ địch sẽ chọn mẫu hạm Shokaku để tấn công hơn là chiếc tàu bé nhỏ của tôi. Thêm nhiều máy bay phóng ngư lôi Hoa Kỳ xuất hiện. (Ðây là phi đội xuất phát từ tàu USS Enterprise: 15 chiếc Dauntless và 6 Avenger). Tôi ra lệnh tiếp cứu gấp rút. “Nhanh lên!” Tôi thét đến khan cuống họng. Tàu chòng chành vì phải thả xuồng rồi trục xuồng trở lên trong lúc sóng vập vào hai bên hông. Liên tiếp tiếng súng phòng không khô ran báo hiệu máy bay địch đã ập tới. Khi chiếc Amatsukaze quay lại, với 2 phi công được vớt, tất cả các chiến hạm khác của Nhựt đều đang khai hỏa vào 2 nhóm phi cơ địch đang lao đến. Cùng lúc thêm 6 chiến đấu cơ của chúng tôi lập tức cất cánh. Amatsukaze nhảy ngay vào vòng chiến. Hành động phản công nhanh nhẹn của Nhựt khác xa biết bao hai tháng trước đây khi hàng không mẫu hạm Ryujo chịu đựng cuộc không tập. “Ðạn nổ cao! Khai hỏa tự do!” Tôi quát. Mắt không rời ống nhòm. Các họng súng của Amatsukaze hươi lên và khạc lửa. Từng tràng giòn giã. Các đốm đen nhanh chóng vây lấy máy bay địch. Tôi quyết định không cho tàu chạy hình chữ chi mà chạy đường thẳng vì tuy làm thành mục tiêu thẳng tắp cho máy bay Mỹ nhưng cũng giúp xạ thủ cao xạ dễ nhắm hơn.

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Ðột ngột hai phi cơ phóng ngư lôi Avenger Mỹ trúng đạn của chiến đấu cơ Nhựt, vụt bốc khói và nổ tung. Một chiến đấu cơ của chúng tôi đâm thẳng vào một oanh tạc cơ địch gây ra một tiếng nổ kinh hồn rồi cả hai tan ra từng mảnh. Hai oanh tạc cơ khác của địch trúng đạn cao xạ, đứt lìa cánh và đâm sầm xuống biển. Tôi tin là cao xạ của chiếc Amatsukaze nhưng tôi không chắc lắm vì tất cả tàu Nhựt cùng khai hỏa đồng loạt. Chuỗi tiếng nổ tiếp tục rền vang đến khó phân định được gì nữa. Một việc lạ lùng là chúng tôi không nhìn thấy một chiến đấu cơ nào của địch. Tôi tự hỏi tại sao địch lại không cho phi cơ hộ tống bay theo?

Số máy bay Mỹ giảm xuống nhanh. Hỏa lực phòng không bắn rát rạt của chiến hạm Nhựt tạo một tường lửa dầy đặc.

Ngoài 28 pháo cao xạ 25 ly với 4 đại liên 13 ly nòng đôi của Amatsukaze của tôi, mỗi hàng không mẫu hạm Nhựt võ trang 36 khẩu phòng không tự động 25 ly với 16 trọng liên 12 ly 7. Chưa kể các hộ tống hạm khác. Tất cả túa lên không một tấm lưới sắt vạch chéo kín mít. Xem như chúng tôi đẩy lui cuộc tấn công với sự thiệt hại ít ỏi. Amatsukaze chạy trở lại theo hình chữ chi với vận tốc 33 hải lý chiến đấu. Tôi quyết định quay lại đường chữ chi vì giúp giảm tốc độ để có thể luôn song song dòm chừng Shokaku, vì soái hạm cần được bảo vệ tối đa.

Bất thình lình tôi nhìn thấy 2 oanh tạc cơ Dauntless chui xuyên qua màn hỏa lực của chiếc Shokaku và đâm thẳng xuống chiếc tàu này từ một độ cao khoảng 7 ngàn  thước, nhưng cuối cùng nó bỗng bay vượt lên và biến mất trong mây. Cùng lúc hai hoặc bốn vệt sáng trắng giống như các làn chớp, rớt xuống khoảng giữa soái hạm. Hai vạch sáng đầu như hai tia chớp, còn hai vạch sau như hai lưỡi lam dài cắt trúng nơi gần đài chỉ huy và bùng cháy tức khắc. Lửa nháng lên rồi khói lan ra tứ phía, bao phủ toàn thể sân tàu. Ở giây phút cuối của cuộc tấn công, soái hạm Nhựt lĩnh 4 trái bom. Khói mù mịt nhưng tôi không có thời giờ quan sát, máy bay địch vẫn ào đến. Lần này ngay trên chiếc tàu của tôi. Tôi hét: “Ngặt 45 độ!” Một cột nước dâng lên ngay chỗ chiếc Amatsukaze vừa rời đi. Sóng tạt  ràn rạt. Dập lên kính của đài chỉ huy muốn vỡ. Cao xạ tóe lửa bắn đuổi theo nhưng máy bay Mỹ đã biến mất.

Sóng biển ướt sũng khắp nơi, tôi vuốt nước trên mặt bằng bàn tay mặt và day lại, Shokaku đã xoay hướng, vẫn chạy với tốc độ 30 hải lý, hiển nhiên máy móc nó không hề hấn gì và bắt đầu rút lui với hai khu trục hạm hộ tống. Khói đen trên Shokaku đang loãng dần, cho thấy nỗ lực cứu hộ của thủy thủ đoàn. Trước khi rời khu vực, Nagumo chỉ thị cho tôi bảo vệ Zuikaku, hàng không mẫu hạm duy nhứt còn hoạt động của ông. (Chiếc Junyo thuộc hải lực đoạn hậu không dưới quyền Nagumo).

Tôi vẫn còn kinh ngạc, không hiểu tại sao Shokaku, với các phi công tài ba và thủy thủ kinh nghiệm, lại tỏ ra yếu kém như vậy? Việc chiếc Ryujo bị đánh đắm không làm tôi ngạc nhiên mấy, vì nó ít kinh nghiệm, nhưng chiếc Shokaku từng đánh 3 trận Trân Châu Cảng, Ấn Ðộ Dương, Biển San Hô, bị loại khỏi vòng chiến thực sự gây xúc động cho tôi.

Xem thêm:   Sân bên Side Yard

Tuy nhiên, tôi không có thời giờ để nghĩ vẩn vơ. Làn sóng tấn công của phi cơ địch đã chấm dứt, nhưng các làn sóng khác sẽ ào đến không biết lúc nào. Hơn nữa, hàng không mẫu hạm duy nhứt còn lại là chiếc Zuikaku phải nhận tất cả các phi cơ của 3 hàng không mẫu hạm đang quay về. Dĩ nhiên, có một số phi cơ bắt buộc phải đáp xuống biển vì một mình chiếc Zuikaku không đủ chỗ chứa. Zuikaku chỉ có thể chứa tối đa 84 máy bay.

Khu trục hạm Amatsukaze xả hết tốc lực chạy lại gần chiếc Zuikaku.

Một giờ trôi qua, không thấy cuộc tấn công nào mới của địch. Các phi cơ của Zuikaku trở về từng nhóm nhỏ. Theo báo cáo của các phi công, chúng tôi mới biết tại sao oanh tạc cơ địch không có chiến đấu cơ bay theo hộ tống. Phi xuất đầu tiên của Nhựt bao gồm 40 oanh tạc cơ và 27 chiến đấu cơ đã đụng đầu với nhóm phi cơ tấn công thứ nhứt của địch trên không. Một sự đụng độ ít thấy xảy ra trước đây. Phân nửa con số phi cơ Nhựt mở ngay một cuộc không chiến dữ dội với phi cơ địch trên Thái Bình Dương. 8 chiến đấu cơ địch bị bắn rơi, nhưng chúng đã cầm chân được các phi cơ Nhựt để cho oanh tạc cơ thoát đi và tấn công loại soái hạm Shokaku ra khỏi vòng chiến. Ðồng thời, nửa nhóm phi cơ Nhựt còn lại vẫn tiếp tục bay đến tấn công mục tiêu là hàng không mẫu hạm Hornet của Hoa Kỳ. Nhưng lực lượng tấn kích đã giảm đi sức mạnh nên gặp nhiều khó khăn. Kết quả 7 oanh tạc cơ Nhựt bị bắn hạ nhưng cũng gây thiệt hại nặng cho chiếc Hornet. Ðịch quân đã phải bỏ rơi hàng không mẫu hạm này sau đó.

Như vậy, nhóm 21 oanh tạc cơ và 8 chiến đấu cơ của hàng không mẫu hạm Hornet đã tấn công đơn vị tiền phương của chúng tôi, còn nhóm phi cơ ít hơn của hàng không mẫu hạm Enterprise tấn công soái hạm Shokaku. Tại sao nhóm phi cơ lớn hơn lại chọn mục tiêu là các tuần dương hạm đi đầu thay vì hai hàng không mẫu hạm của chúng tôi, cho đến bây giờ tôi cũng không thể đoán ra. Các tuần dương hạm tiền tiêu lúc đó đang chạy cách 120 dặm phía trước chúng tôi, thay vì 60 dặm phía sau như trước đây. Việc này là do hai lần đổi hướng của Nagumo. Trong cuộc oanh kích chỉ có tuần dương hạm Chikuma bị tổn hại do 7 trái bom gây ra, và được hai khu trục hạm hộ tống về Truk. Cuộc oanh kích của các phi cơ địch thất bại đã làm cho thế cờ lật ngược. Trong khi thủy thủ đoàn chiếc Hornet phải bỏ tàu, chiếc Enterprise bị các đợt phi cơ mới tung lên của Nhựt tấn công vũ bão làm Ðề đốc Kinkaid phải ra lịnh cho hạm đội của ông rút lui. Là một chiến thắng! Nhưng chúng tôi không hiểu ngay tình thế, Nhựt vẫn còn 2 hàng không mẫu hạm nguyên vẹn trong lúc Hoa Kỳ chỉ còn một chiếc Enterprise đã hư hại. Chính vì thảm bại Midway hãy còn trong ký ức nên Nagumo đã không nắm lấy cơ hội.

Sau cuộc tấn công, 5 khu trục hạm, bao gồm chiếc của tôi, chạy quanh hàng không mẫu hạm Zuikaku để tiếp cứu các phi công đáp xuống biển. Amatsukaze vớt được 2 phi công oanh tạc cơ. Một trong hai phi công nói với tôi: “Bình xăng ăn đạn, nhờ phép màu mới không phát cháy.” Kế đó, một phóng pháo cơ ngư lôi hạ cánh xuống sàn Zuikaku nhưng không thể ngừng lại được nên đã chạy vượt ra khỏi phi đạo và chúc đầu xuống biển. Chiếc tàu của tôi chạy nhanh đến giải cứu nhưng không kịp, cả phi công và phi cơ đều chìm sâu dưới đáy đại dương.

Một chiến đấu cơ khác đáp xuống biển, song song với Amatsukaze. Tôi ra lịnh xả hết tốc lực chạy đến và ngừng lại để giải thoát phi công trước khi chiếc phi cơ chìm xuống. Phi công này bị thương nặng, khi chúng tôi mang lên tàu, hắn chỉ kêu được một tiếng “Mẹ..” nho nhỏ, rồi trút hơi thở cuối cùng. Hôm đó, tàu tôi cứu được 13 phi công, 3 người khác chết lúc mang lên tàu.

Hai hàng không mẫu hạm còn lại tiếp tục hoạt động. Trước trưa ngày hôm đó, chiếc Junyo đã tung ra một làn sóng tấn công nữa với 15 phi cơ vào lúc 11 giờ 6 phút. Năm phút sau, Zuikaku lại cho cất cánh thêm 13 phi cơ nữa. Chiếc Junyo của Ðề đốc Kakuta vẫn giữ hướng đâm thẳng về phía địch và cho cất cánh các phi cơ còn lại sau tiếp xăng.

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Nhưng không phải mọi vị tư lịnh Nhựt đều “dữ dội” như Kakuta. Phó Ðô đốc Nobutake Kondo, Phó Tổng Tư lịnh Hạm đội Hỗn hợp nắm trong tay một lực lượng bao gồm hai thiết giáp hạm hạng nặng Kongo và Haruna, với hàng chục khu trục hạm và tuần dương hạm bao quanh, một lực lượng có thể đè bẹp địch quân dễ dàng vậy mà ông ta lại nhút nhát không đưa ra một hành động ngoạn mục nào.

Một kẻ rụt rè khác là Ðề đốc Koki Abê, chỉ huy một đơn vị tiên phong gồm 2 thiết giáp hạm và 5 khu trục hạm, đã chân trước chân sau rời ngay khu vực chiến đấu với soái hạm Chikuma và 2 khu trục hạm hộ tống. Ông này quả là một người quá cẩn thận, dư cẩn trọng và ít nhuệ khí.

Vào buổi trưa, khi mạng lịnh đưa đến từ Truk bắt chúng tôi săn đuổi và tiêu diệt địch đang tháo chạy, thì đã quá trễ. Dù cho các chiến hạm của Kondo xả hết tốc lực cũng không thể nào nuốt trôi khoảng cách 300 dặm giữa ông và địch quân.

Trong đêm, hai khu trục hạm Makigumo và Akigumo bắt gặp hàng không mẫu hạm Hornet (thủy thủ đoàn Mỹ đã di tản khỏi tàu khi bốc cháy). Tuần dương hạm Northampton đang kéo chiếc Hornet với 2 khu trục hạm Russell và Hugues đã quay đầu bỏ chạy. 2 khu trục hạm Nhựt thiêu rụi “mục tiêu” với 4 trái ngư lôi.

Trên khu trục hạm Arashi, Nagumo trở lại khu vực vào sáng sớm ngày 27 tháng 10. Lửa bốc cháy trên hàng không mẫu hạm Shokaku đã được dập tắt ngay trưa hôm đó. Nagumo chuyển soái kỳ của ông từ chiếc Arashi sang chiếc Zuikaku. Nhiều phi cơ của hàng không mẫu hạm Zuikaku và Junyo cất cánh tìm tung tích địch tháo lui, nhưng không thấy bóng dáng nào trong vòng bán kính 300 dặm. Lúc 6 giờ 30 ngày 27 tháng 10, Nagumo ra lịnh chấm dứt hành quân. Tất cả chiến hạm hội tụ trong ngày, và sau đó quay mũi về Truk.

Tổng kết trận đánh vừa qua, được mệnh danh là xà trận Santa Cruz, phía Nhựt hư hại 5 chiến hạm mọi loại, trong đó có hàng không mẫu hạm Shokaku và mất 120 phi cơ. Phía Hoa Kỳ chìm hàng không mẫu hạm Hornet và hư hại 7 chiến hạm mọi loại và mất 81 phi cơ.

Vì vậy, nếu so sánh con số, có thể nói Nhựt đã chiến thắng. Ðịch đã bước vào trận đánh với các lợi thế tâm lý và chiến thuật, nhưng đã phải trả một giá khá cao. Ðịch chọn chiến trường với thời gian và không gian do họ chọn lựa. Nhưng họ đã phải kinh ngạc. Họ không ngờ đầu và đuôi “con rắn Nhựt Bổn” đã biết ứng biến rất mềm dẻo, trái ngược hẳn với trận Midway.

Qua so sánh thiệt hại, Nhựt xem như đã chiến thắng nhưng Hoa Kỳ thực sự thắng về mặt chiến lược. Vì khi trận đánh này kết thúc, tuy huy động 5 hàng không mẫu hạm để tổng phản công, Nhựt không chiếm lại được đảo Guadalcanal, cũng không quét sạch tàu Mỹ khỏi biển Solomon; Hoa Kỳ mua thêm thời gian cho phép họ tăng cường và chuẩn bị bước kế tiếp. Chiến thắng chiến lược của địch phải quy trách nhiệm cho hạm đội chánh của Yamamoto, dưới quyền chỉ huy của Phó Ðô đốc Kondo, đã thiếu tinh thần quyết chiến. Nếu hạm đội của Kondo, ở vị trí lưng rắn, đã tận lực như đầu và đuôi rắn đã mổ, cả hai Task Force 16 của Ðề đốc Kinkaid và Task Force 17 của Ðề đốc Murray có thể bị tiêu diệt hoàn toàn. Ở Học viện Etajima, chúng tôi được giảng dạy khi hành binh phải nghĩ đến hủy diệt – Zetsumetsu, “絶滅”(Extermination) – là chức năng của mọi sỹ quan khi đối mặt kẻ thù. Phó Ðô đốc Kondo đã quên mất bài học này. Câu hỏi khác, mà mãi về sau tôi vẫn còn thắc mắc: Là vì sao Yamamoto cứ yên vị trong Tổng Hành Dinh mà không chỉ huy trực tiếp chiến thuyền? Ðại Ðô đốc Togo, tiền nhiệm của Yamamoto, đã đứng trên boong thiết giáp hạm Mikasa trực tiếp điều động và ra lệnh khi đánh đắm hạm đội Nga ở eo biển Ðối Mã-Tsushima. Ðại Ðô đốc Togo, nếu còn sống, sẽ làm gì lúc này?

Quay về Truk, ca khúc khải hoàn của chúng tôi chứa nhiều bóng tối.

Kỳ sau:  Chương XXVI 

Hỗn chiến đêm 

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships