Tameichi Hara là sĩ quan hải quân sáng chói thuộc hạm đội viễn dương Nhật Bản. Lý thuyết phóng ngư lôi của Hara được Hải quân Hoàng gia Nhật dùng làm cẩm nang ứng dụng chính thức trong suốt cuộc chiến. Với trên trăm hải hành và qua 13 trận thủy chiến lớn, Hara đã đánh chìm 2 tiềm thủy đĩnh, 1 khu trục hạm, 1 tuần dương hạm nhẹ và gây hư hỏng nặng cho 1 khu trục hạm Hoa Kỳ khác. Các thủy thủ của Hara cũng bắn rơi 10 phi cơ Đồng Minh. Một chiến tích phi thường, càng thêm đặc biệt khi các tàu chiến dưới quyền Hara không bị US Navy phá hủy. “Một Hạm trưởng không thể đánh đắm”, “The Unsinkable Captain” là biệt danh phía Hoa Kỳ đặt cho Hara.

Hai chương đầu tiên của tập hồi ký là những tâm nguyện và hoài bão của một tân khóa sinh xuất thân dòng dõi võ sĩ đạo. [Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Phần 1:

Một samurai chào đời

Chương I

Tôi chào đời vào ngày 16 tháng 10 năm 1900, ở ngoại ô thành phố Takamatsu (Cao Tùng Thị) thuộc tỉnh lỵ Kagawa, nằm trên bờ biển phía bắc đảo Shikoku, đối diện với quang cảnh ngoạn mục của biển Nhựt Bản.

Gia đình tôi thanh bạch. Tôi là con út trong số năm anh chị em. Cha mẹ tôi cắm cúi trên mảnh đất nhỏ bé của hai người từ sáng sớm đến mờ tối. Như hầu hết nông dân Nhựt Bản, một trong những xứ có mực độ dân số cao nhất thế giới. Huê lợi kiếm được không đủ nuôi sống gia đình, vì vậy mà cha tôi phải thức trắng đêm để làm thêm một số nông cụ thô sơ mang đi bán.

Hình ảnh vất vả đêm ngày của song thân tôi có lẽ là hình ảnh mà tôi không bao giờ quên được. Hai người có rất ít hoặc không có thì giờ để chơi đùa với anh chị em chúng tôi. Ngay khi còn bé nhỏ, hai anh trai và hai chị gái tôi đã phải sớm tiếp tay tìm miếng ăn cho gia đình.

Lúc tôi ra đời, ông nội tôi, Moichiro Hara, đã gần 70 tuổi. Ông trông nom và chơi đùa với tôi. Hồi còn trai trẻ, ông nội tôi là một Samurai với đầy đủ ý nghĩa, và tôi là đứa cháu chịu rất nhiều ảnh hưởng của ông.

Cho đến năm 1871, dân chúng Nhựt được chia làm bốn thứ bậc hoặc bốn giai cấp. Nhưng cũng từ năm ấy các lãnh chúa phong kiến phải giao nộp binh phù và đất đai cho Thiên hoàng. Khởi đầu kỷ nguyên Minh Trị.

Trước đó, giai cấp quyền uy là giới Samurai. Giòng họ tôi cũng thuộc giai cấp này, và đã phục vụ cho lãnh chúa Takamatsu hàng nhiều thế kỷ. Nhiệm vụ của các Samurai thời bình là quản trị các vấn đề địa phương và đảm nhiệm công việc huấn luyện quân sự liên tục để đề phòng khi tai biến. Ngược lại, đời sống của họ được các lãnh chúa bảo đảm. Cũng vì vậy giới Samurai tỏ vẻ kiêu hãnh, và sống tách rời hẳn với 3 giai cấp khác là Sĩ, Nông, Thương.

Với địa vị và các đặc ân, một Samurai sẽ nhận thấy khó mà thích ứng với một nghề mới nào khác. Vì vậy, hầu hết Samurai khi từ giã nghề võ sĩ để chuyển sang nghề buôn bán đều gặp thất bại hoàn toàn. Ông tôi cũng không thoát khỏi thông lệ. Bám vào mảnh đất nhỏ bé do lãnh chúa chu cấp, là tất cả những gì mà ông tôi có thể làm sau khi giã từ nghề cũ. Kỳ lạ làm sao, cuộc đời tôi lại có những nét gần gũi với cuộc đời của ông tôi. Rời khỏi Hải quân Hoàng gia sau khi Nhựt Bản đầu hàng sau cuộc chiến thế giới thứ hai, ngoài danh nghĩa cựu đại tá hải quân ra, tôi không có một nghề nào khác.

Lực lượng Ðồng Minh chiếm đóng không chỉ bãi bỏ hẳn tất cả ngân khoản cấp dưỡng cho các cựu sĩ quan mà còn cấm họ giữ bất kỳ chức vụ công nào. Do đó, nhiều năm sau chiến tranh gia đình tôi đã phải sống đắp đổi bằng cách cầm cố đồ đạc và làm các công việc lao động chân tay. Dù vậy, tôi không bao giờ hối tiếc sự chọn lựa nghiệp dĩ hải quân của mình. Ông tôi đã dạy tôi nhiều bài học mà tôi luôn ghi ơn. Những bài học này giúp tôi chiến thắng và cho phép tôi tồn tại trong chiến bại sau cuộc đại chiến đó. Trong suốt chiến tranh các thuộc cấp của tôi chịu thương vong ít hơn bất kỳ thủy thủ đoàn nào của bất kỳ khu trục hạm nào được chỉ huy bởi các hạm trưởng ngang cùng kinh nghiệm với tôi.

Ông nội tôi chăm sóc tôi chu đáo lạ lùng. Vì mẹ tôi bận rộn, ông phải săn sóc và trông nom tôi trong suốt thời thơ ấu. Khi tôi bắt đầu đi chập chững, ông thường dẫn tôi loanh quanh các ngôi đền, dỗ dành, chơi đùa và mua bánh cho tôi.

Xem thêm:   Người tháp chữ A vào tên PARIS

Khi tôi bắt đầu biết nói, ông kể cho tôi nghe các câu chuyện của giới võ sĩ đạo không bao giờ dứt. Sau này mẹ tôi có nói lại lúc ấy ông đã hy vọng tôi sẽ phục hồi danh vọng của dòng họ, vì theo ông, tôi là đứa trẻ thông minh nhứt trong những đứa trẻ lên năm.

Bây giờ tôi có thể nhắm mắt nhớ lại hình ảnh ông lão đầu bạc như bông ngồi thật thẳng, trong tư thế của một Samurai, mỗi sáng và mỗi chiều trước bàn thờ của dòng họ. Bàn thờ với các bài vị của tổ tiên chúng tôi cũng như của vị lãnh chúa vùng Takamatsu, là sứ quân Yorichika Matsudaira. Nghi lễ hàng ngày này không bao giờ thay đổi hoặc gián đoạn, cho đến khi ông tôi ngã bệnh nặng.

Trước giờ phút lâm chung, với sự hiện diện của tất cả những người trong gia đình, ông gọi tôi đến và ra dấu cho tôi lại gần. Lúc đó tôi lên sáu, song thân đã dẫn tôi lại đứng cạnh giường bệnh, cầm đôi tay nhỏ bé của tôi lên đặt vào tay người. Ông quơ tay nắm lấy thanh kiếm võ sĩ đạo của ông và đặt vào đôi tay nhỏ bé của tôi. Ông thều thào: “Tamei, thanh kiếm này là của cháu. Hãy lắng nghe lời dặn dò cuối cùng của ông.”

Mọi người vẫn yên lặng. Giọng người sắp chết đứt quãng: “Tameichi Hara! Cháu là cháu của một Samurai, cháu phải nhớ điều này: một Samurai đã chọn đời sống như vậy, hắn luôn luôn phải chuẩn bị để chết. Nhưng cháu đừng diễn dịch sai lầm lời dạy này. Không bao giờ nên cố theo đuổi chăm chăm một cái chết dễ dàng như vậy, vì việc này sẽ chống lại tinh thần thực sự của Bushido.

“Ông đã nói với cháu nhiều lần về sự toàn vẹn ở một Samurai là cố gắng hết sức để hoàn thành các nhiệm vụ của mình. Cháu hãy cố gắng để làm như thế. Luôn luôn đề phòng và nỗ lực gấp đôi những gì tốt nhứt để tự vươn lên.”

Mặc dù lúc ấy tôi quá nhỏ để hiểu thấu đáo những gì mà ông tôi nói, nhưng lời nói của người hấp hối đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với tôi, khiến tôi nhớ rõ và không sao quên được.

Năm sau đó, tôi vào học trường mẫu giáo và đều dẫn đầu lớp trong suốt sáu năm theo học, và tôi đã đem danh dự đầu tiên đến cho gia đình khi rời khỏi trường này.

Gia đình tôi vẫn khốn khổ. Hai anh tôi, một người lớn hơn tôi 10 tuổi và một người lớn hơn tôi 8 tuổi, đã phải tiếp tục phụ việc với cha mẹ tôi. Hai người anh này và hai người chị của tôi, không ai học quá bậc tiểu học. Nhìn kết quả học hành của tôi, các anh chị tôi đã thuyết phục cha tôi cho tôi tiếp tục lên bậc trung học. Họ nói: “Chúng con sẽ cố gắng kiếm tiền cho em con ăn học”. Nhờ đó mà tôi mới có thể tiếp tục con đường học vấn. Tôi không bao giờ quên sự hy sinh to lớn này của anh chị mình.

Tôi phải qua một kỳ thi tuyển vào trung học và may mắn thay, tôi có tên trong 5 học  sinh được chấm điểm đậu. Chỉ có 5 học trò ở Cao Tùng Thị vượt qua được kỳ thi gắt gao vì trường này là một trong những trường danh tiếng nhứt của Nhựt Bản, chỉ thâu nhận những học sinh ưu tú. Trải qua năm năm theo học ở đây, tôi không thể nào chiếm nổi các hạng danh dự, nhưng tôi cũng đứng được ở hạng thứ mười trong số 150 học sinh tốt nghiệp.

Sau khi qua khỏi bậc trung học, tôi phải nghĩ đến một nghề nghiệp nào đó. Hiển nhiên là tôi thích theo đuổi việc học lên cao hơn nữa. Nhưng muốn theo học tại các trường cao đẳng và đại học, cần phải có nhiều tiền, mà gia đình tôi thì không thể nào kham nổi. Dưới kỷ nguyên Minh Trị chỉ có tiểu học là miễn phí mà thôi. Cho nên tôi chỉ có thể tiếp tục con đường học vấn ở các viện do chánh phủ đài thọ tài chánh. Ðiều này lúc ấy có nghĩa là tôi phải chọn một trường đào tạo ra giáo sư hoặc quân nhân. Tôi mang dòng máu Samurai, nên tôi đã chọn một trường quân sự. Tôi không quên những lời cuối cùng của ông nội tôi.

Chương II

Tôi tốt nghiệp trường trung học Takamatsu và tháng 3 năm 1918. Tôi ghi danh dự thi vào cả hai trường Hàn Lâm viện Lục Quân ở Ðông Kinh và Hàn Lâm viện Hải Quân ở Eta Jima, gần Hiroshima. Sở dĩ tôi ghi danh cả hai trường vì tôi ít có hy vọng được Hải quân tuyển chọn…

Sở thích của tôi là hải quân, nhưng nếu thất bại, Lục quân sẽ thâu nhận tôi, bởi vì tôi không thể chờ đợi thêm một năm nữa để tham dự kỳ thi tuyển tới.

Ông nội tôi là một kỵ sĩ, tại sao hải quân lại hấp dẫn tôi nhiều như vậy? Có lẽ tinh thần của tôi đã đơn giản đáp ứng truyền thống địa phương của tổ tiên. Thành phố Takamatsu và ngoại cảnh có một ý nghĩa đặc biệt cho binh chủng hải quân, vì chính nơi này đã khai sanh ra hải quân Nhựt Bản.

Xem thêm:   Mát-xa tại…nhà

Biển Nhựt đã cung hiến cho nước Nhựt những gì mà biển Egée là vùng biển nằm giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đã cung hiến cho xứ Hy.

Ðời sống sơ khởi của dân chúng Nhựt đều phát triển và xoay quanh biển này, với hàng nhiều ngàn hòn đảo nhỏ đầy cảnh sắc của nó, giống như nền văn hóa của Hy Lạp đã bắt đầu trên các bờ biển Egée.

Trận hải chiến quan trọng đầu tiên trong lịch sử Nhựt xảy ra ở gần bờ biển Takamatsu vào tháng Hai 1185. Tháng sau đó, một lực lượng hải quân được thành lập gồm toàn những người dân Takamatsu, và lực lượng này đã giữ vai trò chánh trong cuộc chiến thắng ở Dan-no-ura thuộc biển Nhựt, một trận đánh lớn chưa từng thấy trong lịch sử của quốc gia Nhựt Bản.

Vào thế kỷ thứ XIII, khi một hạm đội Mông Cổ khổng lồ với 200,000 binh sĩ của Hốt Tất Liệt âm mưu đổ bộ lên Nhựt Bản từ phía Bắc Kyushu (Cửu Châu), một lần nữa, lực lượng hải quân Takamatsu đã giữ vai trò chánh yếu trong tiêu diệt địch ở bờ biển Nhựt. Michiari Kono, một vị Ðô đốc lừng danh của Nhựt, sinh quán gần Cao Tùng Thị, là người đầu tiên leo lên soái hạm Mông Cổ sau khi đắc thắng trong trận hải chiến khủng khiếp vào năm 1281. Tất cả các quyển lịch sử của Nhựt đều ghi lại kỳ tích này. Lần đó, toàn thể hạm đội Mông Cổ bị đánh tan ở vịnh Hakata. Sau này, các hạm đội Nhựt còn thực hiện nhiều “hải xuất phục thù” từ biển Hoàng Hải tiến đánh lục địa Trung Hoa.

Hạm đội Nhựt Bản thời Trung cổ này đã thi hành các nhiệm vụ có tính cách giống như xung kích quân của thời tân tiến. Khác với hạm đội Mông Cổ, vì không có ý định chiếm giữ thường trực đất Trung Hoa nên hạm đội Nhựt không mang theo số lượng quân đông đảo. Các thủy thủ cảm tử Nhựt sẽ bất thần đổ bộ lên đất liền, đột kích chớp nhoáng các lực lượng Trung Hoa, và rút lui ngay sau khi đốt phá. Lịch sử Trung Hoa đã cho thấy những xung kích quân Nhựt này đã đạt được nhiều kết quả trong các cuộc tấn công vào miền duyên hải Hoa Lục ở thế kỷ thứ XVII và đã tiếp tay lật đổ nhiều triều đại của họ, trong đó có triều đại nhà Minh nổi tiếng là cường thịnh.

Di sản hải quân của tỉnh lỵ sinh quán chắc chắn là yếu tố chính gây cảm hứng cho việc chọn binh nghiệp của tôi.

Hàn Lâm viện Hải Quân ở Eta Jima là một trong những trường có kỳ thi tuyển chọn kỹ càng với điểm số cao nhất ở Nhựt. Những thanh niên nhiệt huyết, những người thi rớt kỳ thi tuyển chọn đầu tiên ở trường này phải đợi đến một năm sau hoặc có thể là hai năm để đợi cơ hội khác để thi lại. Nhưng gia đình của tôi thì không thể để tôi đợi thêm một năm nếu không qua được kỳ thi. Vì vậy tôi cũng ghi danh vào Hàn Lâm viện Lục Quân.

Kỳ thi tuyển chọn vào học viện Lục quân chỉ được tổ chức ở các thành phố chính trên toàn quốc. Vào tháng 4, một tháng sau khi tôi tốt nghiệp trung học Takamatsu, tôi đến Marugame để dự thi tuyển vào Hàn Lâm viện Lục Quân, bài thi dễ dàng với tôi và tôi chắc rằng tôi sẽ vượt qua với số điểm cao.

Tháng sau đó tôi đến Honshu (Bản Châu) bằng đường thủy từ Cao Tùng Thị để dự kỳ thi tuyển vào Hàn Lâm viện Hải Quân được tổ chức ở Hiroshima. Cùng lúc này trường trung học Takamatsu có tổ chức một chuyến viếng thăm Honshu, nhưng tôi không thể tham gia vì lý do tài chánh.

Chuyến đi đầu tiên trong đời của một thanh niên thôn quê 18 tuổi thật sự sôi động, một mình lên thành phố lớn Hiroshima, thành phố lớn nhất phía Bắc Honshu, sầm uất nhộn nhịp, các con đường sang trọng rộng rãi đã làm tôi ngơ ngác.

Tôi ở trong một khách sạn trông có vẻ hiện đại nhất nhưng nằm xa những khu nhộn nhịp. Kinh nghiệm thuê phòng lần đầu tiên của tôi tỏ ra kém khôn ngoan. Ở các khách sạn của Nhựt các bữa ăn của khách được nữ nhân viên phục vụ ngay trong phòng. Cô gái phục vụ cho tôi vào khoảng 20 tuổi, đẹp và thân thiện. Nhưng vì quá thân thiện đã làm tôi căng thẳng!

“Anh có muốn uống chút rượu mạnh không?” cô gái hỏi.

“Không, thưa cô. Tôi chưa đủ tuổi uống rượu và hơn nữa ngày mai tôi phải dự thi vào Hàn Lâm viện Hải Quân Eta Jima.” Tôi trả lời.

Xem thêm:   Mùa hoa nhĩ cán tím & hoàng đầu ấn ở Tràm Chim

“Ồ!” cô gái trầm trồ. “Anh chuẩn bị thi vào Hàn Lâm viện Hải Quân! Tuyệt làm sao! Anh sẽ trở thành một sĩ quan chói sáng! Anh sẽ quay lại khách sạn này trong bộ quân phục hải quân bảnh bao chứ? Em rất muốn gặp lại anh!”

Cuộc nói chuyện này làm tôi không được thoải mái. Tôi chưa bao giờ nói chuyện với một người con gái nào từ trước đến giờ ngoài các chị tôi. Ðiều đó làm tôi nổi nóng khi cô gái cứ đặt ra những câu hỏi gây khó cho tôi. Khổ sở lắm tôi mới phun ra được từng chữ khi trả lời cô ấy, và thở phào nhẹ nhõm khi cô quay gót đi. Tôi mở vài quyển sách mang theo ra, tâm trạng lo âu và cố gắng học thêm chút ít trước khi thi. Tôi lật sách tới lui hàng giờ mà vẫn không tập trung được. Người khách phòng kế bên đang uống rượu thi với chiêu đãi viên. Giữa những lúc uống họ hát hò. Thật kinh khủng. Tôi nhận ra là mình đã chọn sai khách sạn.

Ðến nửa đêm tôi chịu thua và gọi xuống Tiếp tân yêu cầu họ chuẩn bị giường ngủ cho tôi. Các khách sạn ở Nhựt không có giường ngủ trong phòng. Khi khách cần nghỉ ngơi người phục vụ sẽ trải một tấm nệm futon ở giữa phòng cho khách nghỉ.

Cô chiêu đãi viên năng nổ lại xuất hiện để chuẩn bị giường ngủ cho tôi. Thay vì rút lui sau khi xong việc, cô ta lại giúp tôi thay đồ và chuẩn bị quần áo cho tôi, tôi thật sự bối rối.

Cô ta phớt lờ giọng nói cà lăm tỏ vẻ không đồng ý của tôi và bắt đầu đấm bóp cho tôi. Tôi đành nhượng bộ.

“Anh chàng trai trẻ ơi!”, cô ta nói với giọng chế nhạo, “trông anh rất căng thẳng, anh cần được xoa bóp. Nếu anh không dãn gân cốt và thoải mái tâm gan thì ngày mai anh sẽ thi trượt!” Cô gái cười khúc khích.

“Tên em là Noriko người tỉnh Yamaguchi”, cô nói tiếp. “Em đã làm việc ở khách sạn này suốt 3 năm rồi. Thỉnh thoảng cũng gặp nhiều rắc rối vì không phải khách nào cũng lịch sự như anh!”

Tôi lặng im, mặc dù cô ta mát-xa rất điệu nghệ nhưng lời nói của cô ta còn gây căng thẳng cho tôi hơn.

“Em không có nhiệm vụ tối nay…”, cô ta thì thầm “Anh có thể giữ em lại…”

Tiếng nói của cô gái thật trầm, nhưng đối với tôi lại vang như tiếng sấm động. Tôi hoảng sợ. “Cô muốn nói gì?”, tôi to giọng.

“Ồ! Này anh chàng tuổi trẻ ơi, anh đừng nên đóng trò thì hơn! Một anh chàng đẹp trai như anh phải biết qua hàng tá gái là ít. Tốt hơn là đêm nay anh nên giải trí để ngày mai đủ bình tĩnh mà đối phó với các bài thi.”

“Xin cô rời đây giùm tôi…,” tôi van nài. “Tôi chưa bao giờ biết qua một cô gái nào cả. Trong đời tôi, tôi cũng chưa từng nói chuyện với một cô gái nào cả, ngoại trừ các chị tôi. Cuộc thi ngày mai tối quan trọng đối với tôi.”

“Anh có vẻ đang nghĩ em là một con điếm!”, nàng nói. Giọng nàng thịnh nộ và giận dữ. “Em tự nguyện ở đây đêm nay với anh, bởi vì em cảm thấy yêu anh khi mới gặp. Em cũng biết theo luật của nhà trường, anh sẽ bắt buộc phải từ chối các cô gái khác trong bốn năm anh theo học ở Eta Jima. Em sẽ không tiết lộ vụ này cho các đồng nghiệp của em đâu. Anh nghe đó! Tất cả các phòng kề cận đều yên lặng. Họ ngủ hết rồi. Anh có thể ôm em mà không phải lo lắng…”

Tình cảnh này đối với tôi thật quá lắm! Tôi thành thật van xin cô gái rời khỏi phòng. Cuối cùng, cô ta bước ra với một cái nhìn đầy vẻ khinh thị.

Tai nạn này đã phá rầy giấc ngủ của tôi. Hôm sau tôi vào trường thi một cách uể oải vì thiếu ngủ. Tôi không cảm thấy một chút tin tưởng nào vào các bài thi mà tôi đã làm. Tôi trở về Takamatsu với sự chán nản và thất vọng.

Khoảng mười ngày sau tôi nhận được giấy báo cho biết đã qua được kỳ thi ở Hàn Lâm viện Lục Quân và phải trình diện Ðông Kinh vào tháng 8. Nhưng tôi đã đạt được ước nguyện: Hải quân đã nhận tôi! Tôi la hét “Banzai! Banzai!”, “Thiên hoàng vạn tuế! Vạn vạn tuế!” và nhảy nhót vui mừng khi nhận được điện tín thông báo thứ nhì này.

Tuần sau:  Chương III

Trường Hải quân Eta Jima

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính theo bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ phim Seven Samurai và minh tinh Haruka Ayase