Thủy sư Đô đốc Isoroku Yamamoto được tập thể sĩ quan hải quân Nhật kính phục như một vĩ nhân. Công lao của Yamamoto là đã kế thừa và hiện đại hóa hạm đội của Đại Đô đốc Tojo. Viễn kiến của Yamamoto là đã phán xét đúng sức mạnh của hàng không mẫu hạm hãy còn là một vũ khí mới, trong lúc thế giới vẫn trọng vọng thiết giáp hạm. Kế hoạch đánh úp Trân Châu Cảng của Yamamoto được xem kỳ tài. Sang đến kế hoạch Midway, ngược lại, phát lộ những khiếm khuyết chiến lược.

Midway là một hải đảo “giữa đàng”. Cách San Diego 5,503 km và quân cảng Sasebo của Nhật 5,034 km. Những khoảng cách tương đương. Chiếm Midway là chiếm trung tâm Thái Bình Dương, là lấp khoảng trống giữa Mariana Islands (Guam) và Aleutian Islands ở cực Bắc vì Nhật không có căn cứ nào trong hải vực này. Midway, phía Bắc Pearl Harbor, còn là đôi mắt của Đô đốc Chester Nimitz. Với một vị trí then chốt như vậy, Nimitz chắc chắn sẽ phải tung hạm đội bảo vệ Midway; qua đó Yamamoto sẽ nhấn chìm hai hàng không mẫu hạm còn lại của Hoa Kỳ là các chiếc Enterprise và Hornet (Yamamoto tin chiếc Yorktown bị đánh đắm trong trận biển San hô và chiếc Saratoga đã bị tàu ngầm Nhật bắn chìm). 

Là đại cương của kế hoạch Midway và suy nghĩ của Yamamoto.

Trong thực tế, Nimitz không nhất thiết phải giao chiến ở Midway. Vì mất Midway, cục diện chiến tranh không thay đổi. Do cách Hạ Uy Di 2,000 km vị trí của Midway không uy hiếp được Trân Châu Cảng. Ngay cả oanh tạc cơ tầm xa Mitsubishi G4M của Nhật với đường kính hoạt động 3,000 km cũng không thể bay đến Pearl Harbor, vì tầm hoạt động của một máy bay bằng 1/3 bình xăng cho lúc đi, 1/3 bình xăng cho lúc về và 1/3 còn lại cho không chiến, oanh kích cùng những bất trắc.

Yamamoto cũng không thể dùng Midway làm bàn đạp đánh chiếm Hạ Uy Di, do vào thời điểm này đã có 70,000 binh sĩ Mỹ trên đảo với US Pacific Fleet và hàng trăm máy bay của US Navy. Vì Midway là một hải đảo quá nhỏ bé chỉ có thể làm căn cứ tàu ngầm mà không thể thiết lập quân cảng lớn cho cả một hạm đội. Sân bay Midway cũng quá hẹp để có thể chứa nhiều phi đoàn và toàn đảo không có chỗ cho nhiều sư đoàn thủy binh đồn trú. Yamamoto chỉ có thể đổ lên đảo vài tiểu đoàn lính với một phi đoàn tác chiến như Nimitz đã làm. Midway là một vị trí tiền tiêu không có giá trị của một trạm trung chuyển hay một căn cứ hải quân lớn. Do vậy, Nimitz có thể chấp nhận mất Midway mà không bảo vệ, rồi đợi hạm đội Nhật rút đi vì thiếu dầu rồi tái chiếm vì Yamamoto không thể ở mãi trong hải vực và dùng lực lượng chính để bảo vệ một trạm quan sát.

Trường hợp Nimitz tái chiếm Midway, Yamamoto càng khó phòng vệ vì Midway ở quá xa các căn cứ Nhật. Cách Mariana Islands 4,000 km, Marshall Islands 2,700 km và gần nhất là đảo Wake bị Nhật chiếm tháng 12-1941 cũng cách 2,000 km. Nimitz không cần giao chiến, chỉ việc đợi Yamamoto rút đi và chiếm lại, là cục diện chiến trường không thay đổi. Chính đây là giới hạn của kế hoạch Midway của Yamamoto đã đi tìm trận đánh quyết định nhưng xây cất trên những tiên đề bấp bênh.

Yamamoto bác bỏ kế hoạch tiến xuống phía Nam đánh chiếm New Caledonia của Đô đốc Inoue Shigemi vì tin Midway là miếng mồi ngon mà Nimitz sẽ cắn. Nhưng vì sao Nimitz cắn?

Vì việc giải mã Magic Code của Nhật giúp Nimitz nhìn thấy tường tận kế hoạch Midway như chính Nimitz đang ngồi chung bàn với Yamamoto và cùng nhìn vào bản đồ hành quân của Nhật. Mặt khác, US Pacific Fleet sắp có thể vận dụng 6 hàng không mẫu hạm: Enterprise, Hornet, Yorktown, Wasp, Ranger và Saratoga. Hai chiếc Yorktown và Saratoga đang sửa chữa cấp kỳ và hai chiếc Wasp và Ranger trên đường đến. Ngay cả khi thua trận Midway với cả ba chiếc Enterprise, Hornet và Yorktown bị đánh đắm thì Nimitz vẫn còn ba chiếc Wasp, Ranger và Saratoga thay thế. Có thể thêm chiếc Essex sẽ hạ thủy tháng 7-1942 tại Newport News Shipbuilding một tháng sau Midway. Kỹ nghệ sản xuất lớn của Hoa Kỳ cho Nimitz quyền mạo hiểm.

Xem thêm:   Nhạc sĩ Anh Việt Thu & dòng An-Giang hiu hắt

Midway đi vào lịch sử dưới tên “The Turning Point in The Pacific”, khúc quành không thể đảo hồi trong thế chiến. Là lối nhìn phía Đồng Minh. Vì từ sau Midway, Yamamoto mất quyền chủ động chiến trường. Phía Nhật là một bi kịch nhưng nhìn rộng ra, cho dù Yamamoto chiến thắng ở Midway, cán cân binh lực vẫn không thay đổi. Dài lâu, Nhật Bản vẫn thảm bại. Thủy chiến là chiến tranh của công nghiệp nặng mà quốc gia nào sản xuất nhiều hơn, nhanh hơn, hiện đại hơn, quốc gia đó thắng thế. Là bài học cho thủy chiến biển Đông tương lai mà Churchill định nghĩa: “Xảy ra trong một buổi chiều, định đoạt sinh mệnh một quốc gia.”

Khi nào quốc gia Việt Nam mới có thể tự sản xuất tàu chiến hiện đại, tiềm thủy đĩnh “siêu việt”, giàn tên lửa “khủng” và máy bay tiêm kích “thiên lôi”?

“Bao giờ cho đến tháng 10?”

[Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

PHẦN BA

Những chuyến tàúc hành Đông Kinh

Chương XVIII

Sáu  ngày phép trôi qua nhanh chóng. Có lịnh gọi tôi trở về tàu lập tức, để chờ đợi nhận sự bổ nhiệm mới không biết vào lúc nào. Ðể kéo dài thời gian gần gũi với gia đình, tôi mang tất cả đi theo tôi đến Kure (Ngô Thị) vào ngày 10 tháng 5. Các con tôi tỏ ra thích thú vì được đi xa lần đầu tiên, nhứt là khi chúng tôi vào ngụ trong một khách sạn. Sắp xếp công việc xong xuôi, chúng tôi đi dạo phố hoặc leo núi.

Các bữa ăn ở câu lạc bộ sỹ quan thuộc căn cứ hải quân Kure đã làm cho cả gia đình tôi hài lòng, vì ở đây có những món ăn không thể tìm thấy trong thành phố, và nhiều năm sau này các con tôi vẫn còn nhắc nhở, đặc biệt vào những ngày thiếu thốn sau khi Nhựt Bản đầu hàng.

Cuộc oanh tạc Ðông Kinh bất ngờ của Jimmy Doolittle trong tháng 4 nhanh chóng rơi vào quên lãng. Các pháo đài bay B25 gây rất ít thiệt hại. Quân đội tuyên bố tất cả máy bay Mỹ đều bị bắn rơi. Giống một vết đốt của chí rận. Dân chúng vẫn tin vào sức mạnh của hải quân vẫn đang say sưa với chiến thắng.

Tôi về Kure được 4 ngày thì có lịnh thuyên chuyển hầu hết các thủy thủ của tôi. Tất cả các sỹ quan cùng phân nửa hạ sỹ quan và binh sỹ rời khỏi chiếc Amatsukaze. Mỗi ngày, các sỹ quan và binh sỹ đầy kinh nghiệm của tôi lần lượt lên đường sang các tàu mới, nhường tàu cũ cho các sỹ quan vừa ra trường và binh sỹ tân tuyển. Những cuộc hoán chuyển này thường xảy ra trong hải quân.

Tôi không hiểu Bộ Tư Lịnh Tối Cao đã nghĩ như thế nào khi cho thi hành việc này. Thủy thủ đoàn đã được huấn luyện thuần thục của tôi bị chia manh xẻ múm, thật là một điều đáng tiếc.

Các hạm trưởng khác cũng cảm thấy như tôi. Phải mất ít nhất 2 tháng mới mong khép những tay lính mới vào quy củ, những kẻ chưa hề biết làm việc tập thể là gì. Và những gì sẽ xảy ra nếu ngay bây giờ họ được giao phó nhiệm vụ chiến đấu?

Khi kế hoạch hành quân Midway được tiết lộ vào ngày 20 tháng 5, tôi nghĩ Bộ Tư Lịnh Tối Cao đã mất hẳn khôn ngoan. Tin tức gây ngạc nhiên này, tôi đã được đề đốc Raizo Tanaka cho biết riêng ở căn cứ hải quân Kure. Tôi lắp bắp hỏi: “Thưa Ðề đốc, như vậy nghĩa là sao? Chúng ta sẽ tham dự hành quân với thủy thủ đoàn này à?”

Tanaka có vẻ chán nản: “Hừ…!

Tôi mong chuyện này không có thật.”

Phân Hải đoàn của Tanaka, gồm một tuần dương hạm và 6 khu trục hạm, lặng lẽ rời Kure vào ngày 21 tháng 5. Với tốc độ 20 hải lý, chúng tôi hướng về Saipan, nơi đây những “lịnh đặc biệt” đang chờ đợi chúng tôi. Ngày kế đó, tôi nghe tiếng la hét giận dữ và tiếng vật gì đó va chạm nên tôi bước ra sân tàu để xem. Tôi thấy Ðại úy Kazué Shimizu, tân sỹ quan pháo thuật, đang to tiếng với một thủy thủ có lẽ đã phạm phải lầm lỗi, và sau đó Shimizu cung tay thoi anh này. Tôi tức giận hỏi: “Gì đó?”

Xem thêm:   Chuyện hay, dở của năng lượng từ mặt trời

Shimizu xoay lại tôi, đôi mắt vẫn còn hằn học: “Thưa Trung tá, tên này thấy tôi không chào. Tôi trị nó.”

Tôi hỏi tên thủy thủ: “Ðúng như vậy không?”

“Ðúng, thưa Trung tá.” Hắn ấp úng đáp. Mặt hắn sưng vù vì nhận lãnh mấy thoi vừa rồi.

Tôi hơi xúc động khi thấy thủy thủ này là Ikeda, quan sát viên được ban thưởng vì đã khám phá ra chiếc tiềm thủy đĩnh địch gần Surabaya. Tôi mạnh mẽ cảnh cáo anh ta và yêu cầu Shimizu theo vào phòng riêng của tôi. Hắn thoáng ngơ ngác nhưng vẫn im lặng đi theo tôi. Sau đó, tôi đóng cửa phòng và kêu Shimizu ngồi xuống ghế đẩu.

Tôi rất bực cảnh vừa rồi, nhưng tôi đã cố dằn xuống. Tôi nói:

“Shimizu, anh có thể hút thuốc, chúng ta nói chuyện thẳng thắn, không phải giữa hạm trưởng và sỹ quan pháo thuật. Tôi không muốn chỉ trích anh hoặc bảo vệ người lầm lỗi. Nhưng tôi cho anh biết rõ là tôi không chủ trương duy trì kỷ luật bằng hình phạt thể xác. Tôi không hiểu phương pháp chỉ huy của hạm trưởng trước đây của anh như thế nào, nhưng tôi tin rằng một thủy thủ khu trục hạm phải hoàn toàn duy trì nhiệm vụ có tánh cách đồng đội. Ðó là lối chiến đấu hữu hiệu nhứt. Tất cả 250 người trên chiếc tàu này phải làm việc như một người. Tất cả phải chung lưng đấu cật trong tình chiến hữu và sự hòa thuận. Không có phương cách khác đối với tôi.”

Shimizu chăm chú lắng nghe, hình như hắn không hài lòng nhưng không nói ra.

“Duy trì tình đồng đội tốt và một trật tự thích đáng không phải dễ dàng. Nhưng tôi đã từng làm được mà không cần phải áp dụng hình phạt thể xác. Việc khó, nhưng phải làm cho được. Nếu thấy khó khăn, lần sau gặp trường hợp vừa rồi hãy báo cáo cho tôi biết để tôi quyết định.”

Shimizu im lặng nhìn xuống. Tôi nhấn chuông và yêu cầu 3 sỹ quan cầm đầu 3 ngành khác đến gặp tôi. Tất cả đều là người mới. Ðại úy Shigeo Fujisawa, cơ khí trưởng, Trung úy Masatoshi Miyoshi, sỹ quan ngư lôi trưởng, và Ðại úy Kinjuro Matsumoto, hoa tiêu trưởng, đến phòng tôi nhanh chóng. Mặt cả 3 có vẻ nghiêm trọng, dĩ nhiên là do lịnh gọi bất thình lình của tôi. Tôi nói ngay: “Tôi vừa thấy Shimizu đánh một thủy thủ một cách ngang nhiên. Ðây là lần đầu và cũng là lần cuối, tôi không muốn cảnh này tái diễn trên chiếc Amatsukaze. Tôi không cho phép đánh đập thủy thủ đoàn của tôi. Ðó là lịnh cho quý vị.”

Tất cả rút lui, và lưỡi tôi như có vị chua chát. Tôi cảm thấy bực bội vô tả. Với một thủy thủ đoàn vá víu như vầy, tôi làm sao đủ thời giờ khép họ vào quy củ để tham dự một cuộc hành quân quan trọng sắp xảy ra? Tôi nhớ lại những kinh nghiệm đã trải qua ở Eta Jima những năm trước đây, và tôi vẫn không thể quên được những tên bịnh hoạn được trao quyền tự do đánh đập tôi.

Ðánh đập người như đánh đập súc vật trên một chiếc khu trục hạm không khác nào tước đoạt sáng kiến của thuộc hạ. Trên một khu trục hạm, mỗi người đều phải đâu lưng làm việc, vì chỉ như vậy mới có thể đòi hỏi một thủy thủ tận dụng hết năng lực của mình, thường thường gấp đôi, trong các cuộc hành quân.

Tôi quyết định dành nhiều thời giờ đích thân theo dõi công việc trên tàu. Tôi luôn luôn nghe la hét giận dữ, nhưng không thấy sỹ quan nào đánh đập thuộc cấp nữa.

Chuyến đi dài 1,400 dặm hoàn toàn yên tĩnh, và sáng ngày 25 tháng 5 chúng tôi đến Saipan. Mười sáu tàu chuyển vận khởi hành từ Truk chất đầy 3,000 binh sỹ bộ binh và 2,800 thủy binh cũng đã đến. Trong hải cảng này còn có hơn chục chiếc tàu săn tiềm thủy đĩnh, tuần tiễu đĩnh, trục lôi hạm và tàu chở dầu. Ngày hôm sau, trong một cuộc họp chiến thuật gồm các vị hạm trưởng, cuộc hành quân Midway được chánh thức công bố. Lịnh hành quân chi tiết được trao cho mỗi sỹ quan. Theo đó, chiếc Amatsukaze lãnh nhiệm vụ hộ tống lực lượng đổ bộ lên đảo Midway.

Xem thêm:   Hương sắc gia vị

Kế hoạch hành quân Midway có hiệu lực kể từ ngày 26 tháng 5 năm 1942. Ngày kế đó, Lực lượng Ðặc nhiệm của Phó Ðô đốc Nagumo rời khỏi biển Nhựt trực chỉ đến Midway.

Từ Saipan, lực lượng đổ bộ được các khu trục hạm hộ tống lên đường vào ngày 28 tháng 5. Ðộ chừng tiềm thủy đĩnh địch thế nào cũng theo dõi, chúng tôi giả vờ chạy về hướng Tây, sau đó quay sang hướng Nam. Ðồng thời với cuộc khởi hành của chúng tôi, phân hải đoàn của Ðề đốc Takeo Kurita, gồm ba tuần dương hạm và hai khu trục hạm cũng rời khỏi đảo Guam.

Thành phần chánh của Hạm đội Hỗn hợp do siêu thiết giáp hạm tối tân Yamato, soái hạm của Ðô đốc Yamamoto, dẫn đầu rời khỏi biển Nhựt Bản vào ngày 29 tháng 5. Ngày trước đó là ngày kỷ niệm thứ 37 cuộc chiến thắng hạm đội Nga ở eo biển Ðối Mã Tsushima vào năm 1905 của Nhựt Bản. Một điềm lành báo trước, nhưng qua linh tính, tôi cảm thấy có một cái gì sai lầm trong cuộc hành quân này và tim tôi như thắt lại.

Sáu ngày nối tiếp trôi qua đều đặn. Khoảng 6 giờ sáng ngày 3 tháng 6, một thủy phi cơ địch xuất hiện vài dặm phía trước đoàn tàu chốc lát rồi biến mất. Nhưng chắc chắn chiếc phi cơ này đã ghi nhận đoàn tàu của chúng tôi đang hướng về Midway, lúc đó chỉ còn cách phía Ðông Nam hòn đảo này 600 dặm.

Vào xế trưa, nhiều phi cơ địch bay đến từ phía Nam. Soái hạm Jintsu của Tanaka khai hỏa. Phi cơ địch tránh ra xa, chờ khi tiếng súng dứt chúng quay lại. Jintsu vẫn khai hỏa, nhưng không trúng, và cuối cùng những phi cơ này bay mất dạng. Việc không được không quân bao che làm chúng tôi nao núng. Nhá nhem tối phi cơ địch quày lại, và lần này bay sà thấp nên chúng tôi có thể nhận ra đó là 9 pháo đài bay B17.

Tất cả các khu trục hạm đều khai hỏa. Không một phi cơ địch nào trúng đạn, và trước khi bay đi, các oanh tạc cơ 4 máy thả nhiều trái bom rớt nổ cách chúng tôi 1,000 thước. Quá nửa đêm, bốn oanh tạc cơ địch lại xuất hiện và thả nhiều trái thủy lôi. Một trong những trái thủy lôi trúng ngay chiếc tàu chở dầu Akebono Maru, gây cho 11 người thiệt mạng và 13 người khác bị thương. Nhưng chiếc tàu không chìm vì khu vô nước được ngăn lại kịp thời, và có thể di chuyển theo đoàn tàu chuyển vận chạy chậm chạp.

Chúng tôi hiểu rõ đang phải đối đầu với một địch quân đã chuẩn bị sẵn sàng, nhưng các cố gắng ngăn chặn đoàn tàu của chúng tôi như vậy được xem là yếu kém và vụng về. Lực lượng Ðặc nhiệm của Nagumo có thể nghiền nát địch quân với quả đấm ngàn cân của nó.

Bình minh ngày 5 tháng 6, thời tiết u ám, mây giăng kín bầu trời nhưng đứng gió. Ðứng trên đài chỉ huy của chiếc Amatsukaze, mí mắt tôi nặng trĩu sau một đêm không ngủ. Với thời tiết này, nếu phi cơ địch thình lình từ trong các đám mây bay thấp xuất đầu lộ diện tấn công, thật khó cho chúng tôi chống đỡ. Tôi thức tỉnh qua tiếng nói từ phòng truyền tin phát ra: “Trung tá, Lực lượng Ðặc nhiệm chánh của chúng ta gởi ra nhiều công điện khẩn cấp.”

“Mang tất cả lên đây cho tôi.” Tôi ra lịnh.

Vài giây sau, tôi nhìn chăm chú vào một mảnh giấy, tim tôi ngừng đập. Công điện gởi đi từ hàng không mẫu hạm Kaga (Gia Hạ): “Chúng tôi đang bốc cháy.”

Tuần sau:  Chương XIX

Thảm bại Midway

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships