“Chà Và” là biến âm trong tiếng Việt của chữ Java, một đảo lớn ở cực Nam Indonesia. Cũng là tên của trận thủy chiến quan trọng đầu tiên mở màn chiến tranh Thái Bình Dương. Vì sao Java? Vì cùng với bán đảo Malacca kéo dài xuống chuỗi đảo Sumatra rồi kết hợp với dãy đảo Timor làm nên Rào Chắn Mã Lai – The Malay Barrier (còn gọi East Indies Barrier). Với Bộ Tư Lệnh Liên quân Đồng Minh (The American-British-Dutch-Australian (ABDA) Command), việc giữ Rào Chắn Đông Ấn trở nên bắt buộc nếu muốn ngăn Nhật tràn sang Ấn Độ Dương và xuống Úc châu. Với Tổng Hành Dinh Nhật, việc chiếm Java là phá mắt xích quan trọng nhất nằm chính giữa rào chắn đó. Java cũng còn là thủ phủ của xứ Nam Dương với trữ lượng dầu hỏa to lớn. Cuộc tấn công của Nhật chia làm hai hướng chính: Hải đoàn phía Tây (Groupe Occidental) xuất phát từ Cam Ranh đi xuyên qua Sumatra tiến xuống Batavia và Hải đoàn phía Đông (Groupe Oriental) đi xuyên qua Phi Luật Tân xuống Surabaya. Trung tá Tameichi Hara thuộc Hải đoàn phía Đông. [Trần Vũ]
Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm
Chương XIV
Vào ngày 27 và 28 tháng 2 năm 1942, tôi tham dự trận đánh ở biển Java. Ðây là một trong vài trận hải chiến quan trọng hồi đệ nhị thế chiến, được xem là vang danh, nhưng không hề có một chiến đấu cơ nào tham chiến. Vì vậy, trận hải chiến này đáng được mô tả và phân tích đầy đủ.
Ðã có nhiều sách viết về trận này. Hầu hết các quyển sách của Ðồng Minh viết gấp rút ngay sau khi chiến tranh kết thúc, nên các tác giả hình như đã vượt quá giới hạn của chứng liệu lịch sử và sự trung tính. Nguyên nhân là vì hầu hết các sỹ quan Ðồng Minh ở biển Java đều đã chết trận nên khó thâu thập chi tiết. Về phía Nhựt, cũng chẳng hơn gì. Các quyển sách được viết ra đều gây cảm giác thiếu trung thực và chính xác. Do các cấp chỉ huy sau bại trận đã thối chí, nên không đủ can đảm cung cấp những dữ liệu khách quan của trận đánh mà họ tham dự. Ðề đốc Takeo Takagi, tư lịnh Nhựt trong cuộc hải chiến này đã thiệt mạng ở Saipan vào năm 1944. Hai sỹ quan cao cấp còn sống, là Ðại tá Nagasawa tham mưu trưởng của Takagi, hiện là Tổng Tư lịnh Tân Hải quân Nhựt, và phụ tá của Nagasawa là Thiếu tá Kotaro Ishikawa từng là sỹ quan tình báo của Takagi. Tôi đã đến gặp và thảo luận khá lâu với họ, cũng như với một số người liên quan còn sống sót trước khi viết chương này.
Trong thủy chiến Java, thoạt đầu lực lượng Ðồng Minh bao gồm 3 tuần dương hạm nặng, 2 tuần dương hạm nhẹ và 11 khu trục hạm cố gắng bao vây và tiêu diệt 41 dương vận hạm chạy chậm chạp vì chở cả một sư đoàn bộ binh và các tàu hộ tống của chúng tôi (gồm 10 khu trục hạm và 2 tuần dương hạm nhẹ). Ngoài ra Nhựt còn có 2 tuần dương hạm nặng được cắt đặt trong cuộc chuyển vận này nhưng cả hai cách phía sau 150 dặm.
Với tất cả lợi thế và lực lượng vượt trội nhưng Ðồng Minh đã không đánh chìm được một tàu chiến nào của Nhựt. Theo thiển ý của tôi thì tinh thần là yếu tố thực sự quyết định cuộc đụng độ này, và có thể lấy yếu tố đó để so với cuộc đụng độ ở vịnh Leyte vào năm 1944 sau này; Phó Ðô đốc Takeo Kurita đã đóng một vai trò giống hệt như Ðề đốc Hòa Lan Doorman đã đóng trong trận đánh ở biển Java.
Ở vịnh Leyte Phi Luật Tân, Phó Ðô đốc Kurita đã dồn hẳn 4 hàng không mẫu hạm Mỹ vào rọ và ông chỉ còn giơ tay đấm xuống nữa là xong. Nhưng chỉ vì một chút ngần ngừ, ông đã mất dịp may bằng vàng. Ðó là những gì mà hạm đội Ðồng Minh vấp phải ở Java. Kurita đến Leyte với sự quyết tâm, nhưng đồng thời cũng ý thức là ông không hề có một cơ may chiến thắng nào trước lực lượng quá đông của Hoa Kỳ. Ðó là nguyên nhân gây ra sự ngần ngừ khi ông giơ cú đấm để giáng xuống.
Vào tháng 2 năm 1942, một không khí tuyệt vọng bao trùm lấy Ðồng Minh ở Surabaya. Họ thấy ít dịp may chiến thắng. Mười lăm tàu chiến Ðồng Minh vá víu lại các vết thương và tất cả đều biết số phận sẽ định đoạt trong vòng một tuần lễ, khi quả đấm cuối cùng của Nhựt tung ra. Các vị chỉ huy Ðồng Minh nhớ lại cuộc tấn công Trân Châu Cảng và hai thiết giáp hạm Prince of Wales và Repulse bị đánh chìm hai tháng trước đó. Thoạt đầu họ không tin những gì nghe được. Nhưng sự thực vẫn là sự thực. Tân Gia Ba rơi vào tay Nhựt và cuộc xâm chiếm toàn thể lãnh thổ Phi chỉ còn ngày một ngày hai. Lực lượng Nhựt cuồn cuộn lướt về phía Nam. Ðồng Minh bỏ hết tiền đồn này đến tiền đồn khác. Họ biết Lực lượng Ðặc nhiệm hùng hậu của Hải quân Nhựt, dưới quyền Phó Ðô đốc Chuichi Nagumo, đã di chuyển đến các hải vực Nam Thái Bình Dương. Trước mặt họ, lực lượng này chẳng khác nào một siêu hạm đội khổng lồ. Họ không có cách nào để biết sứ mạng đích thực của Nagumo, và Nhựt có bao nhiêu hàng không mẫu hạm cả thảy? Phần lớn sự bối rối lan tràn trong hàng ngũ sỹ quan địch có lẽ do việc không thể đoán được phi cơ Nhựt đã xuất phát từ đâu.
Các cuộc không tập ồ ạt ở Phi Luật Tân, xảy ra vài giờ sau cuộc tấn công Trân Châu Cảng, được địch quân tin tưởng đã xuất phát từ hàng không mẫu hạm. Sự thực, phi cơ Nhựt cất cánh từ Ðài Loan. Một loạt oanh tạc trên đảo Java là do phi cơ ở các sân bay Jolo, Balikpapan và Kendari nhưng các sỹ quan Ðồng Minh ở Surabaya lại cho rằng những phi cơ này xuất phát từ các tàu sân bay.
Vào ngày 1 tháng 12, một Task Force nhỏ của Hoa Kỳ đã tấn công quần đảo Marshall phía Ðông Nam- Dương. Từ Truk, Nagumo cấp tốc vượt 1,500 dặm hướng về Marshall. Ðồng Minh nghe tin này đã cho rằng con đường tấn công vào lãnh thổ Nhựt đang quang đãng, vì vậy 4 tuần dương hạm và 7 khu trục hạm của họ tiến đến Balikpapan phía Ðông Bắc Java, hy vọng gây “sửng sốt” cho Nhựt Bản.
Thời gian này Nhựt không ngủ quên. Vào ngày 4 tháng 2-1942, từ Ðài Loan, 60 oanh tạc cơ Nhựt cất cánh chận đường và nhào xuống xâu xé các chiếm hạm Ðồng Minh ở Kendari. Các chiến hạm này lê lết trở về Surabaya. Ðồng Minh choáng váng và tin rằng những phi cơ tấn công đã xuất phát từ hàng không mẫu hạm.
Một biến cố khác, khó tiên liệu đối với xét đoán của Tổng Hành Dinh Ðồng Minh ở Surabaya, nhưng vẫn diễn ra. Là vào ngày 19 tháng 2, tin tình báo của Ðồng Minh cho biết Nagumo đang tiến về Marshall, bỗng nhiên xoay hướng về Úc Ðại Lợi. Sáng hôm đó, Nagumo đã tung 188 phi cơ tấn công ồ ạt hải cảng Darwin. Vào buổi trưa cùng ngày, 23 chiến đấu cơ Zéro của Nhựt gầm thét trên không phận Surabaya và bắn rơi 40 chiến đấu cơ của Ðồng Minh, hầu hết là loại P36 Hawk, trong một trận không chiến ngắn ngủi. Cho dù tình báo của Ðồng Minh ở Balikpapan đã báo cáo chính xác rằng các phi cơ Nhựt đã vượt 450 dặm từ các sân bay ở Ðài Loan đến Nam Dương, sỹ quan Ðồng Minh ở đây vẫn không tin. Vẫn nghĩ phi cơ Nhựt cất cánh từ tàu sân bay.
Buổi chiều cùng ngày, một số oanh tạc cơ Nhựt lại cất cánh từ Kendari (Ðông Nam đảo Sulawesi) bay đến giội bom một phi trường bí mật của địch ở Djombang, gần Surabaya, hủy diệt hàng chục oanh tạc cơ và khu trục cơ Curtiss P40, cả những con trâu cổ Brewster Buffalo của Hoa Kỳ và chiến đấu cơ Hurricane của Anh. Các chiếc Zéro của Nhựt đã nhanh chóng gặt hái sự “ngưỡng mộ kính nể” của địch quân. Khi phi cơ Nhựt đã ra tay thì không nạn nhân nào thoát khỏi, ngay cả các chiến hạm “kiêu hãnh nhứt” của đế chế Anh. Và, như các chiến hạm Anh, số phận thuyền chiến Úc-Mỹ-Hòa Lan ở Surabaya không biết sẽ định đoạt lúc nào.
Rút kinh nghiệm này, các cấp chỉ huy Ðồng Minh đã đắn đo trên các tin tình báo mới nhứt của họ vào ngày 20 tháng 2, cho biết hai hải đoàn vận tải khổng lồ của Nhựt đang hướng về Java. Sự thực, ngày trước đó, 41 dương vận hạm với 20 hộ tống hạm Nhựt rời Jolo tiến đến Surabaya. Hai ngày trước nữa, một đoàn tàu khác gồm 56 dương vận hạm với 15 hộ tống hạm rời Cam Ranh trực chỉ Tây Java.
Như vậy, Ðồng Minh ở Surabaya đang trong cơn hấp hối. Nếu các chiến hạm Ðồng Minh xuất phát tấn công một trong hai hải đoàn này thì họ có thể đạt kết quả. Nhưng họ không đủ lực ngăn hai đoàn tàu cùng một lúc. Tuy nhiên, yếu tố rắc rối nhứt đối với họ là làm cách nào để đoán đúng sức mạnh của Lực lượng Ðặc nhiệm Nagumo. Trước hạm đội Ðồng Minh thiếu bao che của không quân, Nagumo có thể vung búa đập xuống bất cứ lúc nào, đồng thời phi cơ Nhựt đến và đi như vào chỗ không người.
Nhưng vào ngày 17 tháng 2, tại Bộ Tư Lịnh Tối Cao, Ðô đốc Isoruku Yamamoto đã mở một phiên họp với bộ tham mưu của ông trên soái hạm Nagato (Trường Môn) đậu ở Hashira-jima, gần Kuré (Ngô Thị), miền Trung nước Nhựt. Kết quả phiên họp là Yamamoto đã ra lịnh cho Nagumo xoay hướng tiến về Úc châu, không truy đuổi lực lượng nhỏ bé của Hoa Kỳ nữa. Yamamoto huấn thị: “Phải giữ các mỏ dầu và các nguồn tài nguyên khác ở Nam Dương vừa bị Nhựt chiếm giữ. Việc này ưu tiên hơn việc truy đuổi hải lực Hoa Kỳ.”
Chắc chắn kế hoạch Midway đã nằm sẵn trong trí của Yamamoto vào lúc ấy. Bộ tham mưu của ông đã nghiên cứu các dữ kiện, Yamamoto kết luận rằng hạm đội của Ðồng Minh ở Surabaya “không đe dọa trầm trọng” các hoạt động của Nhựt và ra lệnh cho hai đoàn tàu mỗi đoàn chuyển vận một sư đoàn bộ binh nhổ neo. Yamamoto chủ trương “Hành quân đổ bộ không đòi hỏi phải có sự hỗ trợ của một hạm đội mạnh.” Do đó, vào ngày 19 tháng 2, Nagumo đã vượt thủy trình 220 dặm tiến về phía Bắc Darwin và oanh kích hải cảng này.
Vào ngày 20, Yamamoto lại mở một phiên họp khác, và đưa ra quyết định: “Hạm đội Ðồng Minh hoàn toàn mất tinh thần sẽ không có một động thái quan trọng nào”. Yamamoto bỏ hẳn kế hoạch sử dụng phi cơ trên đất liền làm cây dù bao che cho những cuộc hải vận của Nhựt, như đã từng trù tính. Nagumo lại được lịnh sang Ấn Ðộ Dương để “nhận chìm chiến hạm của Ðồng Minh từ Surabaya thoát ra.”
Sự khinh thường đối thủ này đã khiến cho đoàn tàu chuyển vận, với khu trục hạm của tôi nằm trong thành phần hộ tống, lâm vào tình cảnh ngặt nghèo.
Ðoàn tàu 41 chiếc chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm cách nhau 2,000 thước, và mỗi chiếc cách nhau 600 thước di chuyển với tốc độ 10 hải lý theo hình chữ chi. Cách 3,000 thước phía trước là 4 tàu dò mìn giăng ngang. Cách 3,000 thước phía sau, cũng giăng hàng ngang là 3 khu trục hạm. Kế đến là tuần dương hạm nhẹ Naka, nặng 5,600 tấn, võ trang 7 hải pháo 140 ly và cũng là soái hạm, được hộ vệ bởi hai tiểu đĩnh. Hai khu trục hạm chạy ở tả mạn và hữu mạn, canh chừng khoảng giữa đoàn hải vận dài dằng dặc này. Nhóm tàu này thuộc Phân Hải đoàn 4 Khu Trục hạm của Ðề đốc Nishimura.
Một nhóm tàu hộ tống khác, thuộc Phân Hải đoàn 2 Khu Trục hạm, bao gồm 4 chiếc, trong đó có chiếc Amatsukaze của tôi, cầm đầu là soái hạm Jintsu (Thần Ðạo) của Ðề đốc Raizo Tanaka. Chiếc Jintsu cũng là một tuần dương hạm nhẹ cùng trọng tải và hỏa lực tương đương với chiếc Naka. Tất cả di chuyển ở tả ngạn, tách biệt hẳn đoàn tàu chuyển vận. Phân Hải đoàn 2 trước đó đã tham dự vào cuộc hành quân đổ bộ ở đảo Timor, kế cuộc hành quân Ambon, và sau đó ngày 25 tháng Giêng kết hợp với đoàn chuyển vận này ở Macassar. Ngoài số tàu hộ tống vừa nói, còn 2 tuần dương hạm nặng Nachi và Haguro, mỗi chiếc trọng tải 13 ngàn tấn, với 10 hải pháo 203 ly nhưng cả hai chạy cách 200 dặm phía sau chúng tôi. Chiếc Nachi là soái hạm của Ðề đốc Takeo Takagi, chỉ huy cuộc hành quân.
Ðoàn tàu dài 20 dặm là một hình ảnh đẹp mắt nhưng có một việc thấy rõ là đội hình của đoàn tàu không mấy ngay ngắn. Ðiều này dễ hiểu, vì thủy thủ của các tàu hải vận không được huấn luyện đầy đủ. Nhiều chiếc tàu nhả từng bụm khói đen và nhiều chiếc khác còn sử dụng cả vô tuyến để chuyển tin tức, thay vì dùng cờ hoặc đèn, và thỉnh thoảng lại còn vi phạm lệnh cấm bật đèn đêm. Là những việc cấm kỵ trong lúc hải hành.
Tuy nhiên điều lo lắng hơn hết là việc các tuần dương hạm nặng ở quá xa phía sau, khó thể can thiệp kịp thời trong trường hợp địch tấn công mạnh, vì chỉ có 2 chiến hạm này mới đủ sức đương đầu.
Thời tiết tốt đẹp, ban ngày nắng chói chang, và ban đêm trăng sáng vằng vặc trên mặt biển đến nỗi có thể dùng mắt thường theo dõi đoàn tàu đang di chuyển. Các phi cơ thám thính của Nhựt phát hiện 5 tiềm thủy đĩnh của Ðồng Minh, nhưng các tàu ngầm này không tìm cách tấn công chúng tôi.
Sáng ngày 16, mặt biển phía Nam Bornéo yên tĩnh. Tôi thức dậy sau một giấc ngủ ngắn hồi đêm và chăm chú đọc báo cáo mới nhứt. Các phi cơ thám thính và tình báo của chúng tôi cho biết một bãi mìn thủy lôi được địch thiết lập dọc bờ biển Surabaya, rất nguy hiểm cho các tàu chở khẳm. Tin tức cũng cho biết: “Một số pháo đài bay B17 và chiến đấu cơ của Ðồng Minh vẫn tiếp tục được đưa đến Mã Lạng và nhiều nơi khác.”
Tình hình cho thấy sự lạc quan của chúng tôi không có gì là vững chắc. Lúc 8 giờ cùng ngày, một thủy phi cơ Catalina thình lình rời khỏi các đám mây từ hướng Ðông và đâm bổ về phía tàu của tôi.
“Phi cơ địch phía trước! Khai hỏa!” Tôi la lên.
Một khẩu phòng không nhả đạn ngay khi chiếc Catalina thả một trái bom, nhưng quá sớm, và trái bom chỉ tạo ra một cột nước cao khoảng 500 thước phía trước mũi tàu của tôi. Chiếc Catalina đảo cánh, gia tăng tốc lực và biến mất trong mây. Diễn tiến nhanh đến nỗi chúng tôi không kịp hồi hộp.
Cuộc tấn công có vẻ vội vã bắt tôi phải suy nghĩ. Nếu chiếc phi cơ này chỉ có nhiệm vụ thám thính, thì nó không ngu dại gì xuất đầu lộ diện, và nhứt là lại nhắm thả bom vào một chiếc khu trục hạm thay vì chọn một tàu vận tải chậm dễ đạt kết quả hơn. Nhưng dù thế nào, cuộc tấn công chớp nhoáng này cho thấy địch đã biết sự có mặt của chúng tôi.
Không lâu sau, chúng tôi phát hiện một chiếc tàu lớn sơn trắng ở tả mạn của đoàn tàu. Dùng viễn vọng kính, tôi nhận thấy đó là một tàu bịnh viện khoảng 4,000 tấn.
Chúng tôi trương cờ ra lịnh cho chiếc tàu dừng lại để khám xét. Qua ống viễn kính, tôi nhìn thấy một người đàn ông lớn tuổi đứng trên sàn tàu, có lẽ là thuyền trưởng đang vội vã mặc đồng phục. Ðôi tay ông ta run rẩy và dáng điệu bồn chồn. Khi tàu của tôi đến gần, tôi mới biết đó là một tàu bịnh viện của Hòa Lan mang tên Opten Noort.
Ðại úy Goro Iwabuchi cùng sáu sỹ quan khác nhảy xuống một xuồng máy và leo lên chiếc Opten Noort. Một giờ sau họ quay lại báo cáo trên tàu có 15 bác sỹ và y tá cùng với thủy thủ đoàn. Tôi xin chỉ thị, Ðề đốc Tanaka đáp: “Ngay cả một tàu bịnh viện cũng đáng nghi ngờ trong khu vực này. Bắt giữ chiếc tàu và mang ra phía sau nhập chung với những tàu tiếp liệu của chúng ta.”
Tôi phải bỏ cả buổi sáng để đi kèm chiếc tàu này. Sau khi cẩn thận trao nó cho vị chỉ huy hải đội tiếp liệu, tôi gia tăng tốc lực 26 hải lý, quày lại với nhiệm vụ hộ tống vào lúc 2 giờ 15. Một vài chiến đấu cơ Nhựt cất cánh từ Balikpapan bay che trên hải đoàn cho đến 7 giờ chiều. Mặt biển bỗng nhiên trở lạnh. Tôi rít một hơi thuốc lá và hỏi viên hoa tiêu khi nào mặt trời lặn. Trung úy Toshio Koyama cho biết mặt trời sẽ lặn lúc 7 giờ 48 phút.
Tôi quăng điếu thuốc vì đột nhiên súng cao xạ nổ vang. Tuần dương hạm Jintsu đang khai hỏa. Tôi ra lịnh: “Vào vị trí chiến đấu! Không kích!” Nhìn lên, tôi thấy hai oanh tạc cơ B17 bay trong mây, cao độ khoảng 4,000 thước. “Khai hỏa!” Tôi hét lớn.
Các khẩu cao xạ 12 ly 7 xoay nòng lên 75 độ, và khạc lửa nhưng đạn không chạm tới các pháo đài bay. Các loại súng nhỏ hoàn toàn vô hiệu nhưng tiếng nổ rền vang của chúng cũng làm cho phi cơ địch khiếp đảm. Các oanh tạc cơ này chắc đến từ Java, đã thả 6 trái bom 500 cân Anh, 4 trái rớt cách hữu mạn chiếc Amatsukaze (Thiên Phong) của tôi khoảng 1,500 thước, và 2 trái cách tả mạn khu trục hạm Hatsukaze (Nhất Phong) 500 thước. Thả tệ như thế là cùng.
Các oanh tạc cơ chỉ nhắm vào chiến hạm thay vì tàu vận tải, điều này chứng tỏ chúng chỉ quyết ăn thua đủ với các khu trục hạm của chúng tôi. Có lẽ các phi cơ này đã dành phần các tàu vận tải cho hạm đội của chúng. Ðó là một việc đáng lưu tâm. Tôi tăng cường canh phòng.
Buổi sáng ngày hôm sau, 27 tháng 2, hoàn toàn yên tĩnh. Ðoàn tàu vẫn tiến tới. Nhưng vào lúc 11 giờ 50, ngay khi thủy thủ sửa soạn ăn trưa, 4 trái bom bất ngờ rơi xuống. Những cột nước khổng lồ mọc lên phía trước mũi khu trục hạm Yukikaze (Tuyết Phong) khoảng 200 thước và cách chiếc tàu của tôi khoảng 300 thước.
Ngày hôm qua. Chúng tôi đã thấy các oanh tạc cơ địch trước khi chúng tấn công nhưng hôm nay thì chúng tôi hoàn toàn không hay biết. Tôi khám phá quá trễ 2 chiếc B17 đang bay đúng trên đầu mình ở cao độ 4,000 thước. Các pháo đài bay đã gây kinh ngạc cho chúng tôi nhưng vì quá vụng về nên chúng làm hỏng cơ hội.
Một lần nữa pháo đài bay địch chỉ nhắm vào các tàu chiến và điều này khiến tôi suy nghĩ. Tại sao chúng không giội bom các dương vận hạm? Chỉ cần một quả bom 500 cân Anh là có thể đánh đắm một tàu vận tải dễ dàng và gây rối loạn cho cả hải đoàn. Những năm sau chiến tranh tôi vẫn tin đó là một lỗi lầm to tát của Ðồng Minh. Nhựt cũng vấp phải sai lầm trong việc tung ra cuộc hành quân mà không có sự bao che hữu hiệu của phi cơ nhưng sai lầm ấy đã không gây ra thiệt hại đáng kể bởi chiến thuật của không quân Ðồng Minh không hiệu quả và thiếu khôn ngoan.
Tuần sau: Chương XV
Ngư Lôi! Phóng!
Tameichi Hara, Đông Kinh 1958
Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960
Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974
Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962
Minh họa từ trang World of Warships