Cho đến 1940, Hoa Kỳ sản xuất 1 tỷ rưỡi thùng dầu hàng năm (cứ 7 thùng là một tấn dầu), giữ vị trí quốc gia xuất cảng dầu hỏa nhiều nhất, gấp 6 lần Venezuela là xứ xuất cảng nhiều thứ nhì và vượt xa các xứ Ả Rập thuộc Liên Hiệp Anh. Nga giữ vị trí thứ 4 nhưng không bán dầu ra thế giới. Ngay khi quân đội Thiên hoàng tiến vào Đông Dương, Roosevelt phong tỏa kinh tế Nhật. Bước sang 1941 Roosevelt gia tăng cấm vận: cấm bán xăng có chỉ số octan cao dành cho máy bay nhằm làm tê liệt Không quân Nhật và áp đặt Nhật phải thanh toán dầu thô bằng tiền mặt; nhưng cùng lúc, Bộ trưởng ngân khố Dean Acheson đóng băng các trương mục của Nhật khiến việc mua dầu trở nên bất khả thi đối với xứ Mặt Trời Mọc.

Roosevelt và Acheson về sau sẽ bị các sử gia phản chiến kết án đã đẩy Nhật vào đường cùng, vì trữ lượng dầu hỏa của Nhật Bản chỉ còn đủ dùng 18 tháng và 80% dầu hỏa của Nhật nhập từ Mỹ (20% còn lại từ Mã Lai thuộc Anh và Nam Dương thuộc Hòa Lan nhưng các xứ này tuân thủ embargo của Hoa Kỳ). Không quặng mỏ, không khí đốt thiên nhiên và không xăng nhớt, các samurai sẽ phải buông kiếm? 

Câu trả lời của các võ sĩ đạo là cuộc tấn công Trân Châu Cảng. Với phương châm “Tiên hạ thủ vi cường/Hậu thủ vi tai ương (Ra tay trước chiếm ưu thế/Ra tay sau mất lợi thế)”. Một phương châm được chính Harold Stark, Tư lệnh Hành quân của US NAVY đồng tình, qua mệnh lệnh ban cho US Pacific Fleet vào đêm trước khai trận: “Do not take any offensive action until Japan has acted openly (Không thực hiện bất kỳ tấn công nào cho đến khi Nhật Bản công khai hành động)”.

Trong Chương X, Hara kể lại quyết định quan trọng nhất binh nghiệp: Đã ngưng tấn công một tiềm thủy đĩnh Đồng Minh trong hải vực trách nhiệm của khu trục hạm Amatsukaze, vì ý thức tuy đã có lệnh hành quân nhưng vẫn còn đang hòa đàm, và khác biệt múi giờ giữa Trân Châu Cảng và Phi Luật Tân có thể cứu vãn hòa bình. Cùng lúc, vào 6 giờ 45 sáng tại Pearl Harbor, vào ngày 7 tháng 12-1941, Hải quân Thiếu tá William W. Outerbridge ra lệnh cho khu trục hạm USS Ward đánh đắm một tàu ngầm bỏ túi của Nhật bị phát hiện ngoài khơi Hạ Uy Di. Cả thảy 5 tàu ngầm Nhật đều bị đánh đắm trước khi Đại sứ Nomura trao tối hậu thư và trước khi Hạm đội Hỗn hợp của Nagumo tấn công Trân Châu Cảng. Định mệnh không thể thay đổi. Một giờ sau, vào lúc 7 giờ 53 phút, Hải quân Trung tá Fuchida Mitsuo chỉ huy 183 máy bay của đợt không kích đầu tiên nhìn thấy mục tiêu và đánh đi công điện lịch sử: Tora! Tora! Tora! Hổ! Hổ! Hổ!

Lưỡi kiếm samurai sáng lòa không trung. [Trần Vũ]

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm

Chương X

Cuộc hành binh “Giai đoạn I” được ban lịnh vào ngày 7 tháng 11 năm 1941.

Hạm đội Hỗn hợp nhanh chóng phân tán trong vòng trật tự. Khu trục hạm của tôi, với ba chiếc khác thuộc Hải đoàn 16 lặng lẽ tiến vào quân cảng Kuré. Nhưng tôi không biết các thành phần chính thuộc Ðệ Nhất và Ðệ Nhị Hạm đội đã hải hành về hướng Bắc, tụ họp ở Hitokappu Wan (vịnh Tankan) ở Chishima (Thiên Liệt Ðảo/Kurile Islands) phía nam bán đảo Daikokuya (Kamchatka). Các phân hạm đội họp thành Lực lượng Ðặc nhiệm Nhựt Bản (là một lực lượng hải quân bao gồm nhiều chiến hạm mọi loại), một lực lượng vĩ đại nhứt chưa từng thấy bao giờ.

Các chiếc tàu của chúng tôi phải qua một cuộc kiểm soát cẩn thận ở Kuré. Những gì lặt vặt không cần thiết và những thủy thủ bịnh hoạn đều được lịnh mang lên bờ. Số thủy thủ khiếm khuyết này lập tức được thay thế. Chỉ có những sỹ quan chỉ huy mới biết rõ cuộc hành quân đang khai triển, riêng thủy thủ đoàn chỉ biết họ sẽ thực hiện một hải xuất huấn luyện ở Nam Thái Bình Dương.

Bộ Tư Lịnh Tối Cao bãi bỏ mọi đặc ân, đình chỉ tất cả đi phép. Tôi đã được nghỉ phép lần cuối cùng hồi tháng 9, và tôi đã đáp chuyến xe lửa tốc hành 16 tiếng đồng hồ từ Kuré về thăm gia đình tôi ở Kamakura (Liêm Thương Thị), một thành phố bờ biển gần Yokosuka (Hoành Tu Hạ Thị). Chuyến đi dài dằng dặc đầy mệt mỏi được đền bù. Hai con gái tôi nhảy nhót chào đón cha về, hớn hở bên Mikito, đứa con trai hai tuổi vừa biết nói của tôi. Tôi chỉ lưu lại nhà một ngày tròn. Ðám trẻ con đã buồn bã khi tôi ra đi, chính tôi cũng buồn bã không kém gì chúng. Tôi ghì ghặt từng đứa một và nói: “Ba của các con sẽ sớm trở về!”. Hy vọng gặp lại các con … có thể sẽ không còn nữa.

Xem thêm:   Kinh đô thời trang Roma

Cuộc hành binh “Giai đoạn II” được ban lịnh vào ngày 21 tháng 11 năm 1941.

Ngày kế đó, toàn thể Lực lượng Ðặc nhiệm của Phó Ðô đốc Chuichi Nagumo đã tập trung đầy đủ trong vịnh dầy đặc sương mù Etorofu (Trạch Tróc Ðảo) ở Kurile. Với 6 hàng không mẫu hạm, 9 thiết giáp hạm và 40 chiến hạm nhỏ hơn cùng 350 máy bay các loại, Liên hợp Hạm đội (Rengo Kantai) của Nagumo là một vũ khí vô tiền khoáng hậu. Một hải lực chưa từng có.

Vào ngày 23, tám khu trục hạm của hai Hải đoàn 16 và 24 âm thầm thoát ra khỏi cảng Kuré và hướng mũi về eo biển Terashima. Bốn ngày liên tiếp, các giàn phóng thủy lôi và mọi loại vũ khí khác trên tàu chúng tôi đều trong tư thế sẵn sàng. Các bác sỹ bận rộn săn sóc, khám sức khỏe và chích thuốc cho thủy thủ đoàn. Ðề đốc Ryunosuke Kusaka chỉ huy hai hải đoàn này.

Hai hải đoàn của chúng tôi di chuyển khỏi eo biển Terashima và trực chỉ ra Thái Bình Dương vào lúc 6 giờ chiều ngày 26 tháng 11. Cùng thời gian này Lực lượng Ðặc nhiệm của Nagumo cũng rời khỏi vịnh Tankan và nhắm hướng Hạ Uy Di. Ðiểm đến của chúng tôi là Palau, còn gọi Belau, một trong các hòn đảo của chuỗi Tiểu đảo Micronesia thuộc quyền của Nhựt Bản. Tất cả các sỹ quan chỉ huy đều được thông báo cho biết việc thành lập một Lực lượng Ðặc nhiệm nhỏ ở Palau là để tấn công đảo Mindano thuộc Phi Luật Tân, cùng lúc với cuộc tấn công Trân Châu Cảng. Palau nằm phía Ðông Nam thủ phủ Davao trên đảo Mindano là đảo lớn thứ nhì sau đảo Luzon của Phi. Chúng tôi vô cùng hồi hộp.

Trên hải trình 2,000 dặm phát khởi từ Terashima, các công điện chuyển đi bằng vô tuyến của chúng tôi đều bị đình chỉ, phải tuyệt đối im lặng, kể cả Lực lượng Ðặc nhiệm của Nagumo, nhưng các kiểm thính viên vẫn tiếp tục nghe ngóng. Khi các tàu chiến của chúng tôi rời khỏi hải phận Nhựt, chúng tôi nghe được một tin tức loan đi trên đài phát thanh: “Báo chí cho biết vào sáng ngày 26 tháng 11, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Cordell Hull đã trao một công hàm cho hai vị Ðại sứ Nhựt Kichisaburo Nomura và Saburo Kurusu. Theo sự hiểu biết, Hoa Kỳ thông báo quyết định sau cùng về hòa đàm.”

Ngày 28, khi băng ngang qua Ðài Loan, chúng tôi nhận được một công điện khẩn từ bộ chỉ huy địa phương ở Ðài Trung: “Hai tiềm thủy đĩnh không rõ quốc tịch, có thể là Hoa Kỳ, đang di chuyển về phía Ðông Bắc Ðài Loan.”

Cuộc “Hành binh Giai đoạn II” giao quyền cho các sỹ quan chỉ huy đưa ra các động thái đối đầu “chỉ khi nào tối cần thiết”. Qua máy liên lạc nội bộ, tôi truyền lịnh cho các sỹ quan phụ trách Sonar (máy thẩm âm tiềm thủy đĩnh): “Cảnh giác! Tàu ngầm địch trong khu vực!”

Tiếng đáp lại thật điềm tĩnh của một tay nghề nghiệp: “Tất cả Sonar đều tích hợp. Nếu phát hiện gì sẽ thông báo ngay.” Sonar là một phát minh của Anh-Pháp, dùng kỹ thuật phản xạ sóng âm, bằng cách phát sóng rồi nghe tiếng vọng lại từ chân vịt của tàu ngầm khi xung sóng chạm vào một âm thanh đối nghịch. Tóm lại là một kỹ thuật sử dụng sự lan truyền của âm thanh dưới nước. Vào thời điểm đó Sonar của chúng tôi khá hoàn hảo nhưng chúng tôi không phát hiện gì hết.

Ngày 1 tháng 12, truyền tin của chúng tôi nhận điện tín: “Sáu chiến hạm Anh, bao gồm hai thiết giáp hạm nặng Prince of Wales và Repulse trên đường sang Viễn Ðông. Chuẩn bị nghinh chiến!”

Căng thẳng cực độ nhưng rồi tất cả kích thích đều giảm xuống khi hòn đảo Palau xanh rì nhô ra phía chân trời. Cùng ngày, lúc 1 giờ trưa, chúng tôi tiến vô hải cảng của hòn đảo này. Chỉ trong vòng năm ngày, khí hậu mùa Ðông đã chuyển sang mùa Hè đối với chúng tôi. Bóng dừa rợp mát lả lơi trên bãi biển xanh mượt nắng vàng là nơi trú ẩn ấm áp đầy yên tĩnh. Nhưng tôi không hưởng cảnh này được lâu. Không khí ở cảng Palau đầy gấp rút. Nhiều tàu lớn chạy vào buông neo, trong số đó có cả những tàu chuyển vận. Các cuộc tập dượt ráo riết của thủy thủ trên những chiếc tàu này vẫn tiếp tục. Các hoạt động hối hả làm không khí như có điện. Bóng dáng chiến tranh đã xuất hiện.

Ðứng trên đài chỉ huy, ý nghĩ đầu tiên của tôi là phải đặt các điểm canh gác trên bờ, tuy nhiên sau đó tôi nhận thấy việc làm này vô ích, vì hải cảng tràn ngập binh lính. Và tôi ra lịnh thả lỏng thủy thủ đoàn. Mọi người cũng nhận chỉ thị tắm rửa sạch sẽ, lần đầu tiên chúng tôi có dịp tắm rửa thỏa thích kể từ ngày rời khỏi Kuré một tuần trước đây. Lợi dụng dịp này, tôi cũng mang một số sỹ quan của tôi đi xem địa hình địa vật của hải cảng, và luôn tiện đi lang thang cho dãn gân  dãn cốt. Chúng tôi dùng xuồng nhỏ ngao du đây đó, cả ngày lẫn đêm. Các quán rượu ở Palau khá rộn rịp, chừng như mọi người muốn tiêu hết tiền lương trước khi chết.

Xem thêm:   “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”

Buổi chiều ngày hôm sau, 2 tháng 12, chúng tôi nhận công điện “lịch sử” từ Tổng Hành dinh Hạm đội Hỗn hợp: “Nitaka Yama Noboro I208”.

Câu tiếng Nhựt này có nghĩa đen: “Leo lên đỉnh Nitaka I208.” Nitaka là ngọn núi cao nhứt ở Ðài Loan (các phi xuất tấn công Phi Luật Tân sẽ phải phát xuất từ Ðài Nam). Tôi đọc ngấu nghiến công điện này và cảm thấy hồi hộp như lúc sắp giở xem các tài liệu đóng dấu tối mật. Nghĩa bóng của câu này là “Cuộc chiến chống Ðồng Minh sẽ phát động vào ngày 8 tháng 12.”

Ngay sau đó, tất cả các hạm trưởng của Phân Hải đoàn 2 Khu Trục Hạm nhận lịnh của Ðề đốc Raizo Tanaka, tập họp quanh ông, để lãnh các chỉ thị tấn công Davao. Trong vài lời vắn tắt, Tanaka, lặp đi lặp lại câu: “Các anh phải nhớ rằng cuộc hòa đàm vẫn còn đang tiếp tục ở Hoa Thạnh Ðốn. Chúng ta phải chuẩn bị để nhận một công điện đình chỉ toàn thể cuộc hành quân, không biết gởi đến lúc nào, nếu hòa đàm đạt kết quả. Sau đó, chúng ta chỉ còn một việc để làm: là quay tàu trở về Nhựt.”

Tôi lên tiếng: “Thưa Ðề đốc, ở đây, Palau chỉ cách phía Ðông căn cứ then chốt Davao của Hoa Kỳ 500 dặm, và chỉ cách Ðông Nam căn cứ quan trọng khác của họ là Guam 700 dặm. Với khoảng cách khá gần như vậy, một số đông tàu chiến của chúng ta tụ họp ở đây, thì thế nào Hoa Kỳ cũng phái các tiềm thủy đĩnh của họ theo dõi chúng ta. Phải hành động như thế nào, nếu chúng ta chạm mặt với các tàu ngầm này?”

Tanaka đáp: “Chúng ta buộc phải đánh, đánh chìm, cho dù giai đoạn II của cuộc hành quân chỉ cho phép chúng ta đưa ra các hành động thù nghịch khi nào gặp trường hợp tối cần thiết.”

Cuộc họp chấm dứt, các hạm trưởng lặng lẽ trở về tàu của mình. Nhưng không khí im lìm này khó mà duy trì được trong tình trạng hiện tại. Sự hiểu biết về năng lực của Ðồng Minh vẫn khiến tôi bi quan, và tôi cũng nhận thấy kế hoạch được đưa ra hình như có vẻ gì không thật.

Tôi chờ đợi, có thể là mong mỏi, cuộc hành binh này cuối cùng sẽ được lịnh hủy bỏ. Một câu trong binh thơ Tôn Tử lảng vảng trong trí tôi: “Một vị chỉ huy vĩ đại thật sự là vị chỉ huy chiến thắng địch quân mà không phải dụng binh.” Tôi không ngờ rằng Bộ Tư Lịnh Tối Cao Nhựt đã xem công hàm của Ngoại trưởng Cordell Hull trao ngày 1 tháng 12 có tánh cách như tối hậu thơ đòi hỏi Nhựt đầu hàng, và vì vậy Bộ Tư Lịnh Tối Cao đã quyết định khai chiến với Hoa Kỳ.

Suốt 3 ngày, từ 3 đến 5 tháng 12, chúng tôi tập dượt ráo riết, và cuối cùng các chiến hạm đều được xem xét lại tỉ mỉ, từ máy móc đến quân dụng, tất cả những gì không cần thiết được mang lên bờ.

Lúc 1 giờ 30 khuya 6 tháng 12, sáu khu trục hạm của chúng tôi và một tuần dương hạm rời khỏi hải cảng rộng lớn Palau. Chúng tôi được giao phó nhiệm vụ “tẩy sạch” tiềm thủy đĩnh của địch để dọn đường cho một hàng không mẫu hạm và hai tuần dương hạm hạng nặng tiến đến Mindanao. Nhiều dương vận hạm vẫn nằm chờ trong cảng Palau để tham dự vào các thành phần tấn công khác nhằm vào Phi Luật Tân và quần đảo Nam Dương là một dãy đảo thuộc Hòa Lan.

Với đội hình hàng dọc, chúng tôi rời khỏi hải cảng Palau, hướng về phía Tây một đỗi và sau đó đổi sang đội hình “răng cài lược” lướt ngang mặt biển với các máy dò tìm tàu lặn. Không có dấu vết đáng lưu ý, cho đến 4g chiều ngày đầu tiên, sỹ quan Sonar mới báo động:

“Một vật thể, giống tiềm thủy đĩnh ở 60 độ hữu mạn, cách 2,500 thước!”

Tôi lập tức cho chiếc Amatsukaze hướng đến mục tiêu và ra lịnh: “Chuẩn bị phóng chất nổ ngầm!” Ðồng thời, chiếc tàu của tôi rít một hồi còi dài và các cây cờ ám hiệu “ABX” (có nghĩa là “chúng tôi tấn công bằng mìn lôi ngầm”, được kéo lên, để lưu ý các chiến hạm bạn biết hoạt động của chúng tôi.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Sỹ quan sonar lại báo cáo: “Mười độ tả mạn, cách 2,000 thước! Âm thanh bắt được chắc chắn là của tiềm thủy đĩnh!”

Tôi điều chỉnh hướng tiến của Amatsukaze, và gia tăng tốc độ lên 12 hải lý. Nhìn quanh, tôi thấy tất cả các thuộc cấp đều sẵn sàng và họ chỉ chờ chỉ thị của tôi là hành động. Sỹ quan sonar tiếp tục báo cáo các giác độ, và khoảng cách khi chúng tôi dần đến mục tiêu. Tôi bị căng thẳng và nổi lên hứng thú của một tên thợ săn đến gần con mồi. Khi chiếc tàu tiến đến khoảng cách vừa vặn để tấn công, tôi biết giây phút quyết định đã đến. Tôi la to: “Gia tốc 21 hải lý!” Mìn lôi ngầm chỉ có thể được thả sau khi một chiếc khu trục hạm gia tăng tốc độ, vì nếu không làm như vậy thì chính chất nổ được thả xuống sẽ hủy diệt chiếc tàu. Nhưng ngay giây phút cuối cùng sắp ban lịnh “dứt điểm”, miệng tôi bỗng nhiên cứng lại. Thay vào đó, tôi la to: “Ðình chỉ thả chất nổ! Ðình chỉ thả chất nổ!”.

Ðó là một trong những quyết định quan trọng nhứt mà tôi đã đưa ra trong suốt cuộc chiến. Hành động của tôi vào lúc đó chắc khó ai hiểu được, và người ta sẽ nghĩ là tôi đã cãi lịnh trên.

Quyết định của tôi căn cứ trên những lý lẽ sau: 0 giờ (tức giờ tấn công) được đặt ra vào ngày 8 tháng 12, nghĩa là còn 2 ngày nữa (múi giờ Trân Châu Cảng đi trước Phi Luật Tân 18 tiếng). Chiếc tàu ngầm chưa tỏ dấu hiệu nào gọi là thù địch. Ngay cả khi nhận được báo cáo khám phá tàu ngầm, tư tưởng của tôi đã xung đột dữ dội. Tôi xem hòa bình là trọng, vì vậy ý nghĩ đầu tiên thoáng qua đầu tôi, là với hành động hiện tại của tôi có thể khiến cơ hội tiến đến hòa bình đổ vỡ. Hơn nữa, thái độ của tôi lúc đó là sự cân nhắc có tánh cách chiến thuật. Tấn công một mục tiêu ngầm không dễ đạt kết quả dễ dàng, đặc biệt khi mục tiêu đó đã có sự đề phòng trước. Nếu mục tiêu thoát khỏi cuộc tấn công, kết quả sẽ hoàn toàn trái ngược. Nói một cách khác, nếu chiếc tàu ngầm không bị hủy diệt, nó sẽ thông báo về đại bản doanh và mọi tàu chiến của Hoa Kỳ sẽ được báo động để tung ra một cuộc phản công. Khi một người đã có sự lưỡng lự trước một quyết định, chắc chắn người đó sẽ không bắn trúng mục tiêu. Tôi đã từng rút kinh nghiệm qua các buổi diễn tập, vì vậy, tôi đã ra lịnh hủy tấn công.

Lúc ấy từ tuần dương hạm nhẹ Jintsu 5,950 tấn, Ðề đốc Raizo Tanaka đang theo dõi tôi. Ông không hề hỏi về hành vi kỳ dị của tôi ngày hôm đó. Có lẽ ông đã hiểu và chia sẻ cảm nghĩ của tôi.

Sau khi chấm dứt cuộc săn đuổi tàu ngầm, khu trục hạm của tôi quay về nhập bọn với các chiến hạm khác. Lúc đó hàng không mẫu hạm hộ tống Ryujo, 10 ngàn tấn mang 33 máy bay (24 chiến đấu cơ Zéro và 9 phóng pháo cơ Kate), với hai tuần dương hạm hạng nặng và hai khu trục hạm, rời khỏi Palau đến kết hợp với chúng tôi. Lực lượng Ðặc nhiệm Nhẹ gồm 12 chiến hạm bây giờ di chuyển theo đội hình hàng dọc, với tốc độ 18 hải lý trực chỉ về phía Tây. Chúng tôi đã sớm ra ngoài đại dương bao la, đất liền đã biến mất khỏi tầm mắt và ngoài chúng tôi ra không còn bóng dáng chiếc tàu nào khác nữa. Từng đoàn cá heo hết lượt này đến lượt khác phóng đuổi theo tàu chúng tôi, nhưng ngoài các sinh vật này, trước mắt chúng tôi chỉ có trời và nước.

Tôi ra lịnh tập hợp thủy thủ đoàn trên sàn tàu và cho họ biết nơi đến và nhiệm vụ của họ. Tất cả đều không có một phản ứng nào khi nghe tin này khiến tôi kinh ngạc. Hiển nhiên là họ đã đoán biết chuyến đi sau khi được huấn luyện đặc biệt.

Sỹ quan và thủy thủ trở lại phận sự của họ. Tôi ngồi trên đài chỉ huy chăm chú nhìn Davao và ngoại cảnh của nó trên bản đồ. Chiếc tàu lặng tanh và đại dương im lìm. Ðêm tối dần và tất cả đều yên bình. Ðoàn tàu lướt đi âm thầm, đèn đuốc đều được lịnh tắt hết.

Tuần sau: 

Chương XI

Chiến thắng Mã Lai

Tameichi Hara, Đông Kinh 1958

Bản Anh ngữ Japanese Destroyer Captain, Fred Saito & Roger Pineau, 1960

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1974

Trần Vũ hiệu đính từ bản dịch Les Torpilleurs du Soleil Levant, René Jouan, 1962

Minh họa từ trang World of Warships