Sau đổ bộ lên Phi Luật Tân dồn Mac Arthur vào bán đảo Bataan, Hải quân Nhật xâm chiếm Nam-Dương (Indonesia). Thủy chiến Java là một thất trận phía Đồng Minh, với toàn bộ hạm đội Anh-Mỹ-Hòa Lan bị đánh đắm. Cánh cửa thông sang Úc mở toang. Các chiến thắng dồn dập từ Hương Cảng xuống Tân Gia Ba, Mã Lai rồi lan ra chuỗi đảo Guam, New Guina, Marshall, Solomon đều xây cất trên chiến đấu cơ Mitsubishi A6M Zéro và thế hệ phi công của Sakai. Chương 9 của hồi ký Samurai đậm đặc những cận ảnh không chiến như thể người đọc đang ngồi ở vị trí hoa tiêu. [Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 9

Chương 9

Nhiều năm sau chiến tranh, tôi có đọc quyển “Lịch Sử Những Cuộc Hành Quân của Hải quân Hoa Kỳ trong thời Ðệ Nhị Thế Chiến” của Ðề đốc Samuel Eliot Morison. Ðề đốc chứng tỏ là một sử gia có tài và nghiên cứu của ông đã cung cấp một sử liệu đồ sộ. Tuy nhiên, đáng tiếc là có một đoạn lịch sử đặc biệt liên quan đến cuộc chiến trong sách này ít dựa vào căn bản của sự thật. Tôi muốn nói đến mặt trận quần đảo Ðông Nam Dương thuộc Hoà Lan, mặt trận đã mang đến chiến thắng cho chúng tôi, nhứt là việc đánh chiếm pháo đài quan trọng Java. Theo quan điểm của Morison, sự chiến thắng của chúng tôi ở mặt trận này là “do đánh lén với sức mạnh, hơn là do sự tinh tế”. Một điều đáng lưu ý trong cuộc chiến bại của các hạm đội Ðồng Minh và Hoà Lan vào tháng 2 năm 1942, là không chỉ một mình Morison mà còn nhiều sử gia tăm tiếng khác của Hoa Kỳ cũng đều bỏ qua, không đề cập tới các chi tiết của trận không chiến lớn nhất Nam-Dương trong tài liệu của họ.

Qua vai trò một hạ sĩ quan phi công, dù đã tham dự trực tiếp vào trận đánh đó, cái nhìn của tôi dĩ nhiên sẽ có nhiều giới hạn hơn cái nhìn của những sử gia “ôm đồm” cả một cuộc chiến rộng lớn trong tay. Tuy nhiên, sự góp phần cá nhân của tôi vào mặt trận tháng 2 này có thể giúp soi sáng sự tìm hiểu những chi tiết liên quan đến cuộc chiến Thái Bình Dương.

Mặt trận Java kết thúc hẳn vào ngày 25 tháng 2 với sự chiến bại của các lực lượng trên biển của Ðồng Minh trong khu vực. Yếu tố quan trọng gây ra cuộc chiến bại này là các chiến hạm của Ðồng Minh thiếu sự bao che trên không, vì trước đó, vào ngày 19 tháng 2, các đơn vị không quân của họ đều bị tiêu diệt trong một cuộc không chiến dữ dội và lớn nhất ở Surabaya, với tổng số gần 80 chiến đấu cơ của cả hai phía tham dự. Nhưng không có bài tường thuật nào của người Mỹ về cuộc chiến, mà tôi đã từng đọc qua, đề cập đến trận không chiến này. Chính chiến thắng của các khu trục cơ Zéro đã chiếm lĩnh bầu trời, chứ không phải các cuộc ném bom của các oanh tạc cơ Nhựt, mới là thành tố quyết định.

Vào ngày 4 tháng 2-1942, tôi bay đến phi trường Balikpapan với nhiều phi công khác. Ngày hôm đó, tôi thực hiện các phi vụ tuần tiễu trong khu vực. Nhiệm vụ khó khăn, vì hoạt động không quân địch đã gia tăng mạnh mẽ. Báo cáo chính thức phía Nhựt ghi nhận thêm một chiến công của tôi ngày hôm ấy.

Tuần lễ kế đó, các phi cơ thám thính của chúng tôi báo cáo rằng địch quân đã tập trung trong khu vực Surabaya một số lượng chiến đấu cơ từ 50 đến 60 chiếc, loại Curtiss P36 Mohawk, Curtiss P40 và Brewster F2A Buffalo, nhằm chống lại cuộc đổ bộ lên Java của chúng tôi.

Bộ tư lệnh tối cao Nhựt ra lệnh cho tất cả các chiến đấu cơ khả dụng, đóng tại các căn cứ trên đất liền nằm trong khu vực mặt trận, tập trung về Balikpapan vừa mới chiếm giữ. Vào buổi sáng ngày 19 tháng 2-1942, 23 chiến đấu cơ Zéro thuộc các đơn vị không quân ở Cao Hùng và Ðài Nam đều cất cánh quy tụ về Surabaya.

Ðây là cơ hội đầu tiên, theo chúng tôi đoán biết, chúng tôi sẽ đối đầu với các loại chiến đấu cơ tối tân của địch. Chúng tôi phải bay 800 cây số liền để đến căn cứ Hòa Lan, nơi kẻ thù đang chờ đợi với số phi cơ áp đảo. Không một ai trong chúng tôi trông đợi một chiến thắng dễ dàng, như đã hoàn thành ở Phi. Tất cả những dự phòng đều được chuẩn bị. Mỗi phi công có một danh sách các hải đảo có thể đáp khẩn cấp với cấp cứu của tàu Nhựt. Các phi cơ thăm dò khí tượng bay trước chúng tôi nhằm thông báo cho chúng tôi biết những thay đổi của thời tiết sẽ ảnh hưởng đến trần mây. Một máy bay thám thính dẫn đầu hợp đoàn tấn công.

Xem thêm:   Pulau Bidong hòn đảo bao dung

Khi bay vô không phận Surabaya vào lúc 11 giờ 30, trên cao 16,000 bộ (4,900m), chúng tôi đụng đầu với khoảng 50 chiến đấu cơ Ðồng Minh, đang bay ở cao độ 10,000 bộ (3,000m) và xoay vòng trên thành phố, ngược chiều kim đồng hồ, theo đội hình hàng dọc. Như vậy, lực lượng đối phương nhiều hơn gấp đôi chúng tôi. Máy bay địch chia ra làm 3 nhóm với từng phi đội tam giác. Chúng tôi nhả bình xăng phụ và đâm xuống, ngang hàng với địch thủ. Các chiến đấu cơ Ðồng Minh phá vỡ đội hình vòng tròn và gia tăng hết tốc lực lao về phía chúng tôi. Họ sẵn sàng và nôn nóng đánh nhau, khác xa các chiến đấu cơ Hoa Kỳ mà chúng tôi đã đối đầu ở phi trường Clark vào ngày 8 tháng 12-1941.

Không đầy một phút, hai bên đã dàn xong đội hình quy củ và bước vào một trận đấu ác liệt.

Nhìn thấy một chiếc P36 đang gầm thét xông đến, tôi liền nhích cánh lộn thật mau về phía trái chờ phản ứng của đối thủ. Ngu dại thay, đối thủ vẫn duy trì hướng bay cũ. Tôi lập tức xoay sang phải thật ngặt, lấy thăng bằng, và lướt thẳng vào đuôi của chiếc P36 với tên phi công đang sửng sốt.

Liếc nhìn lại phía sau thấy trống không, tôi thâu ngắn khoảng cách giữa tôi với viên phi công địch. Hắn lộn về bên trái, nhưng với một cái nhích nhẹ ở cần điều khiển, tôi theo sát đuôi hắn. Còn cách 50 thước, tôi thổi vừa đạn đại liên vừa đạn đại bác ra. Tức khắc, cánh phải của đối thủ long ra, bay trong không khí, rồi tới cánh bên trái cũng bị xé đứt. Xoáy như chong chóng, chiếc P36 chúi xuống vỡ tan dưới mặt đất cùng với viên phi công.

Tôi đảo một vòng thật rộng để vượt lên, và trở về đội hình chính. Có ít nhất 6 phi cơ đang rơi xuống như những bó đuốc. Bóng màu ô liu của một chiếc P36 đang xoay tít hướng về phía tôi. Tôi quay lại để chặn đầu, nhưng một chiếc Zéro khác đã vượt thẳng từ dưới lên, chụp chiếc P36 bằng một tràng đại bác, rồi lách ra như chớp trong khi chiếc phi cơ Hoà Lan nổ tung. Phía bên trái một chiếc P40 theo sát đuôi một chiếc Zéro đang tháo chạy. Tôi cấp tốc xoay lại nhằm chận đứng chiến đấu cơ địch. Nhưng hành động của tôi thừa thãi, chiếc Zéro đã quất ngược mũi lên, lộn nhào về phía sau, ở trên chiếc P40 một chút, rồi đạn đại liên và đại bác nện cùng lúc. Chiếc P40 biến thành cây đuốc.

Cách đó không xa, một chiếc P40 khác loé sáng, kéo một vệt lửa dài gấp 3 lần thân phi cơ, và một chiếc P36 lảo đảo như một chiếc lá rụng trên không, viên phi công đã gục chết trên tay lái. Phía dưới tôi một phi cơ dẫn đường không võ trang của chúng tôi đang bị 3 chiến đấu cơ của Hoà Lan rượt đuổi. Viên phi công Nhựt đang cuống cuồng lẫn trốn.

Một lần nữa, tôi lại lướt đến quá chậm. Một chiếc Zéro hùng hổ bổ nhào xuống và đạn đại bác của nó phá tung bồn chứa xăng của chiếc chiến đấu cơ Hoà Lan bay đầu tiên. Rồi vừa vượt lên chiếc Zéro vừa “đấm” vô bụng chiếc P36 thứ nhì, phi cơ địch đứt hẳn một bên cánh ngay khi chiếc thứ ba lộn vòng trở lại để chận đầu chiếc Zéro. Quá muộn, buồng lái của chiếc P36 này cũng ăn đạn và vỡ tan tức khắc. Chiếc Zéro lướt dọc theo phi cơ của tôi, viên phi công đưa tay vẫy vẫy và cười rạng rỡ rồi bay đi hộ tống chiếc phi cơ quan sát ra khỏi khu vực.

Một chiếc P36 tháo chạy, lướt ngang phía trên tôi. Tôi gia tăng tốc lực cấp tốc, vượt thẳng lên và ấn cò đại bác. Quá sớm! Áp lực của vòng xoáy để lấy lại thăng bằng của đối thủ đã làm lệch đường nhắm của tôi. Chiếc P36 lộn nhào nhiều vòng về phía trái và chúi thẳng xuống đất. Tôi cắt thẳng vào đường xuống của phi cơ địch và ấn cò súng. Một vệt khói màu đen kéo lê thật dài. Tôi bồi thêm hai viên đại bác 20 ly nữa, và lảng ra ngoài khi cuộn lửa đỏ bao trùm cả thân chiếc chiến đấu cơ Hoà Lan này.

Một chiếc Zéro với hai sọc xanh kẻ trên thân phi cơ lướt ngang qua cách 200 thước trước mặt tôi. Không dấu hiệu nào báo trước, chiếc Zéro nổ tung, lửa loà sáng. Trung úy Masao Asai, phi đội trưởng của chúng tôi thiệt mạng. Lúc đó tôi không hiểu lý do gây ra sự nổ tung này.

Trở lên cao độ 8,000 bộ (2,400m), tôi nhận thấy khoảng 20 chiến đấu cơ Zéro đang lượn vòng quanh trong đội hình tập họp. Một vài chiến đấu cơ Hoà Lan sống sót chỉ còn là mấy chấm đen ở xa. Trận đánh đã kết thúc, sáu phút sau khi phát khởi.

Xem thêm:   Trang trí tường

Thật kỳ lạ, với bầu trời không còn một chiếc phi cơ địch nào, các khẩu cao xạ của Hoà Lan vẫn im tiếng khi chúng tôi lượn vòng trên thành phố của họ, chờ đợi xem còn chiếc chiến đấu cơ Zéro nào truy đuổi địch trở về hay không.

Trong khi những chiến đấu cơ khác lượn vòng, tôi bay về phía trước, trên eo biển ngăn đôi Surabaya và đảo Madura… Nơi đây có một phi trường được ngụy trang cẩn thận. Tôi bay thật chậm, ghi toạ độ phi trường trên bản đồ, nằm ở mũi phía Tây Madura. Chưa ai báo cáo về phi trường bí mật này, tin tức của tôi chắc chắn sẽ được cơ quan tình báo đón nhận một cách hài lòng.

Khi bắt đầu bay lên cao để quày lại kết hợp với những chiến đấu cơ khác, tôi nhìn thấy một chiếc P36 bay phía dưới sà thấp trên thành phố. Mục tiêu ngon lành. Viên phi công địch bay nhởn nhơ, không biết tôi đang đến gần.

Sự nôn nóng của tôi làm mất cơ hội chiến thắng nhanh chóng. Cách tầm súng quá xa tôi đã vội vã bóp cò. Bị động, viên phi công Hoà Lan lập tức chúi mũi xuống, gia tăng hết tốc lực để tháo chạy. Chửi thề cho sự ngu dốt của mình, tôi cũng gia tăng tốc lực rượt theo.

Khả năng bay của chiến đấu cơ P36 kém hơn loại chiến đấu cơ Zéro của chúng tôi. Zéro mau lẹ hơn, nắm ưu thế về võ trang, và nhanh nhẹn khi nhào lộn hoặc vượt lên, nhưng lại rất yếu khi chúi xuống với tốc độ cao. Hơn nữa, tôi khai hoả quá sớm, cho phép chiếc P36 kéo dài khoảng cách giữa hai phi cơ đến 200 thước. Tôi không thể tiến gần thêm được. Nếu ở một độ cao hơn nữa, chiếc P36 chạy thoát dễ dàng bằng cách cứ bay chúi xuống. Nhưng lúc ấy mặt đất phía dưới đang dâng cao, bắt buộc viên phi công địch phải vượt lên. Bây giờ tôi có thể sử dụng ưu thế của chiếc Zéro.

Viên phi công Hoà Lan bay sà sát mặt đất theo hình chữ chi rất ngặt. Tôi cắt thẳng vào mỗi nét của chữ chi (giống như chữ Z), thâu hẹp khoảng cách lại. Hắn bay càng lúc càng thấp hơn, lách vào khoảng trống của cây cối và nhà cửa, vừa trốn chạy vừa hy vọng tôi bỏ cuộc vì thiếu nhiên liệu. Tôi hiểu điều này. Ðánh ván cuối cùng, tôi gia tăng tốc lực khẩn cấp ngay khi căn cứ Malang hiện ra trước tầm mắt. Cách 50 thước, tôi nhắm vào buồng lái của chiếc P36 và ấn cò súng. Ðại bác hết đạn nhưng hai tràng đại liên đã xé nát viên phi công. Chiếc chiến đấu cơ nhào xuống và vỡ tan trong một ruộng lúa. Tôi là phi công cuối cùng trở về kết hợp với những chiến đấu cơ khác đang bay quần trên cao độ 13,000 bộ (4,000m) cách phía Bắc Madura 20 dặm (30km).

Chúng tôi mất Trung úy Asai và 2 phi công khác. Trở về Balikpapan, theo báo cáo của các phi công Nhựt, có tất cả 40 chiến đấu cơ địch bị bắn hạ. Tôi luôn luôn trừ đi 30% báo cáo của bất kỳ nhóm phi công nào, sau một trận không chiến dữ dội, như trận không chiến vừa rồi chẳng hạn. Bởi lẽ, trong cảnh hỗn đấu, hai hoặc ba phi công có thể cùng xạ kích một chiếc phi cơ địch, và mỗi người đều cho rằng mình bắn hạ một chiếc. Tuy nhiên, lần này con số có vẻ ít sai sự thật, vì kể từ ngày đó chúng tôi hầu như không còn đụng độ với số lượng đông đảo các chiến đấu cơ Hoà Lan nữa. Ðồng thời, phi trường bí mật ở Madura bị oanh tạc, tiêu diệt hầu hết số phi cơ P40, Buffalo và Hurricane còn lại trên mặt đất của Ðồng Minh.

Ðêm nào chúng tôi cũng đều nghe đài phát thanh của địch quân cho biết 5 hay 6 chiến đấu cơ Nhựt bị bắn hạ trong ngày. Ðiều này sai sự thật, vì nhóm chúng tôi là nhóm duy nhất bay loại phi cơ Zéro trong khu vực, và con số thiệt hại lớn nhất của chúng tôi chỉ xảy ra vào hai ngày 19 và 20 tháng 2, với 6 phi cơ và phi công bị bắn hạ.

Và ngày 25, tám chiến đấu cơ Zéro được lịnh rời khỏi Balikpapan bay đến “dọn dẹp” căn cứ không quân Malang nơi mà cơ quan tình báo tin rằng có nhiều oanh tạc cơ của Ðồng Minh. Trên đường đến Malang, chúng tôi đụng đầu với một chiếc thủy phi cơ Hoà Lan, và tôi đã tách khỏi đội hình để nhận nó xuống đại dương.

Xem thêm:   Rèn chữ

Sau khi bay quần trên phi trường khoảng 6 phút, chúng tôi nhào xuống làm thịt ba chiếc B17 đang đậu trên mặt đất. Hoả lực phòng không của địch dữ dội, xoi thủng nhiều chiến đấu cơ của chúng tôi nhưng không lôi được chiếc nào xuống đất.


Ghi chú Quân sự:

Brewster F2A Buffalo

Trọng lượng: 3,254 kg (7,159 lb)  *  Đ?ng c? 1ộng cơ 1,200 lực (895 kW)

Tốc độ tối đa: 517 km/h (321 mph)  *  Tầm xa: 1,554 km (965 mi)

Trần bay: 10,600m (33,200 ft)  *  4 đại liên Browning 12.7 mm


Nạn nhân kế, cũng là nạn nhân chính thức thứ mười ba của tôi, xuất hiện vào ngày cuối của tháng Hai.
Tôi tham dự vào một phi vụ gồm 12 chiến đấu cơ hộ tống 20 oanh tạc cơ Mitsubishi G4M Betty từ Macassar phía Tây Nam đảo Sulawesi đến tấn công cuộc di tản bắt buộc của Ðồng Minh ra khỏi đảo Tjilatjap (Ðông Nam Bandung). Chiến hạm của địch rời khỏi hải cảng trước khi chúng tôi đến. Các chiến đấu cơ chúng tôi quần chầm chậm trong khi các oanh tạc cơ ném bom vào những cơ sở của địch trên hải cảng. Cuộc không kích suôn sẻ và, sau khi hộ tống các oanh tạc cơ ra đến biển Java, chúng tôi quay lại Malang để lục lọi phi cơ địch.

May mắn đến với chúng tôi hôm ấy. Bốn chiến đấu cơ, thuộc loại mà tôi chưa từng đụng độ, bay quần trên không, gần một đám mây dầy đặc, ở cao độ 25,000 bộ (7,600m). Khi tiến đến gần, tôi nhận ra đó là loại chiến đấu cơ Brewster F2A Buffalo của Hoà Lan. Tôi không bao giờ hiểu nổi sự thiếu đề cao cảnh giác của mấy viên phi công Hoà Lan này, cho dù trước đó họ đã biết có sự hiện diện của chúng tôi.

Chúng tôi áp sát, và một chiếc Zéro đốt ngay một chiếc Buffalo với một quả đại bác. Tôi xông đến chiếc thứ nhì, lúc nó đang xoay thân. Ðúng là nó muốn nghinh chiến. Tôi cắt thẳng vòng xoay của chiếc phi cơ, mũi hơi chếch để bay lảng ra, cách địch thủ 200 thước, và bóp cò súng liên tục. Nhiều viên đại bác trúng đầu máy chiếc Buffalo và khói bốc ra cuồn cuộn trôi ngược về phía sau. Hình như viên phi công cũng bị trúng đạn, vì chiếc phi cơ lộn nhào chầm chậm nhiều vòng cho đến khi biến mất trong mây. Nó khó có thể tồn tại trước cơn nóng dữ dội trong những đám mây đó.

Nhiều tháng sau, chúng tôi chuyển hết căn cứ này đến căn cứ khác rồi trở về Phi Luật Tân, và thực hiện các phi vụ yểm trợ cho Lục quân lúc các hệ thống phòng thủ của Mc Arthur ở đảo Corregidor bị chọc thủng. Sau đó, đơn vị chúng tôi được chuyển đến đảo Bali ở Nam-Dương để chuẩn bị cho cuộc hành quân quan trọng kế tiếp về phía Nam.
Tôi không bao giờ hiểu nổi những phúc trình của người Mỹ về các trận không chiến vào khoảng thời gian này. Ðáng kinh ngạc hơn hết là một phúc trình của Ðại tá Jack Delmar Dale. Theo đó, phi đoàn chiến đấu cơ P40 của ông đã hạ 71 phi cơ Nhựt và ông chỉ thiệt mất 9 chiếc trong suốt 45 ngày chiến đấu ở Java. Ðây là một con số không thể tưởng tượng nổi, khi mà mất mát của chúng tôi vào giai đoạn này không hơn 10 chiếc Zéro.

Ðại tá Dale còn mô tả cả đội hình mà ông đã thiết lập khi chiến đấu, khiến cho chúng tôi nhìn 16 chiến đấu cơ của ông thành 48 chiếc. Ðó là đội hình chữ S phân tán. Trong tất cả những trận đụng độ giữa tôi với các chiến đấu cơ P40 của Hoa Kỳ, tôi chưa bao giờ thấy một đội hình nào như Ðại tá Dale mô tả.

Ðại tá Dale cũng đã phúc trình: “Một đêm tối chúng tôi có nghe đài phát thanh Ðông Kinh loan báo: nhiều trăm chiến đấu cơ P40 được tung ra tấn công đều khắp. Ðó là những chiến đấu cơ Curtiss Tomahawk loại mới, võ trang đến 6 đại bác.” Katsutaro Kamiya, phụ trách phần phát thanh Anh ngữ của đài Ðông Kinh, nói với tôi rằng không bao giờ có loại tin tức như vậy được loan đi, bởi lẽ giản dị là đài chỉ loan những tin tức chiến thắng của Nhựt mà thôi. Các phúc trình của Ðại tá Dale cũng ít dựa vào sự thật như phúc trình “đánh chìm” thiết giáp hạm Haruna của Ðại úy Kelly.

Kỳ tới: Chương X

Tấn công Úc châu

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles,

Nxb Presses de la Cité, 1957.

Minh họa từ trang War Thunder và Squadron Signal Publications