Boeing B17 Flying Fortress là oanh tạc cơ hạng nặng của Không lực Lục quân Hoa Kỳ USAAF từ cuối thập niên 30 với phi hành đoàn 10 người, gồm hoa tiêu, cơ khí viên và các xạ thủ. Bọc thép, 4 động cơ công suất 1,200 mã lực, mang 7,800 kg bom với trần bay 10,850 m cùng đường kính hoạt động 3,219 km vận tốc tối đa 462 cây số giờ (so với 533 km/h của chiến đấu cơ Zéro), mỗi chiếc B17 là một pháo đài bay.

Trong đội hình hợp đoàn Defensive Box, mỗi chiếc B17 võ trang 13 đại liên Browning 12 ly 7 giăng ra một tấm lưới hỏa lực đan kết trở nên vô cùng khó tấn công cho đối phương. Sakai lập chiến tích khi bắn rơi pháo đài bay B17 đầu tiên trong chiến tranh Thái Bình Dương. [Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 8

Chương 8

Ngày thứ hai của cuộc chiến, ngày 9 tháng 12 năm 1941, chúng tôi phải đương đầu với những trận đánh tồi tệ nhứt, những trận mưa bão. Chúng xém gây thiệt hại trầm trọng cho các đơn vị không quân của chúng tôi. Rạng sáng chúng tôi quay lại Lữ Tống. Thời tiết xấu đến mức các oanh tạc cơ Betty phải nằm lại mặt đất. Giông bão cũng quần nát Phi Luật Tân như trên đảo Ðài Loan. Ðến chiều, chúng tôi chỉ phá hủy được vài chiếc phi cơ Mỹ trên phi đạo. Trên đường về một trận mưa lớn phá vỡ đội hình của hợp đoàn khu trục. Những cú đấm của thiên lôi mạnh không thể tưởng; chưa bao giờ tôi hứng chịu sấm sét khủng khiếp như thế và ngay cả sau này cũng vậy. Từng khối mây đen cuộn lấy chúng tôi và nhấn dìm xuống sát mặt đại dương. Sau cùng chúng tôi đành phân tán thành từng phi đội nhẹ ba chiếc một và tự túc bay về Ðài Nam riêng rẽ. May mắn thay, không một phi công mất tích.

Ngày thứ ba của cuộc chiến, một ngày tôi không bao giờ quên. Ðó là ngày tôi bắn rơi oanh tạc cơ B17 đầu tiên, và cũng là pháo đài bay đầu tiên của Mỹ rớt trong phi vụ chiến đấu. Sau chiến tranh, tôi biết được viên phi công của chiếc oanh tạc cơ này là Ðại úy Colin Purdie Kelly Jr, một anh hùng của Không quân Mỹ.

Vào ngày hôm đó, 10 tháng 12 năm 1941, chúng tôi bay che cho một đoàn công-voa Nhựt chuyển quân đổ bộ lên Vigan, phía Tây Bắc Manila 400 cây số, bao gồm tuần dương hạm nhẹ Nagara 4,000 tấn và 6 khu trục hạm hộ tống 4 dương vận hạm (Sau này chúng tôi được biết người Mỹ sai lầm khi cho rằng đoàn công-voa này bao gồm thiết giáp hạm Haruna 29,000 tấn, 6 tuần dương hạm, 10 khu trục hạm và 15 đến 20 vận tải hạm).

Trong khi bay bao che ở cao độ 18,000 bộ (5,500m), tôi nhận thấy có 3 tia nước bắn lên gần đoàn công-voa. Thật ra đây là 3 cột nước do 3 trái bom gây ra, nhưng vì bay quá cao nên chúng tôi không nhìn thấy rõ. (Không chiếc tàu nào trúng bom, nhưng theo phía Mỹ thì chiếc thiết giáp hạm “tưởng tượng” bị trúng bom trực tiếp, và chìm lĩm, chỉ còn thấy khói và dầu trên mặt nước).

Mặc dù được các chiến đấu cơ Nhựt bao che kỹ lưỡng như vậy, đối phương vẫn tấn công được. Ðiều này khiến tất cả chúng tôi đều bực tức. Ngay cả bóng dáng oanh tạc cơ địch, chúng tôi vẫn không nhìn thấy. Một vài giây sau khi nhìn ngang liếc dọc, tôi thấy một chiếc B17 lẻ loi, bay cách 6,000 bộ (1,800m) bên trên chúng tôi, trực chỉ về hướng Nam. Tôi báo động cho các phi công đồng đội và đảo mắt tìm kiếm phi cơ khác của địch, vì chúng tôi chưa từng nghe nói một oanh tạc cơ lâm trận mà không có chiến đấu cơ hộ tống bao giờ. Nhưng không ngờ việc này thật sự xảy ra. Chiếc B17 này đã thực hiện phi vụ tấn công đơn độc. Chắc chắn viên phi công có thừa can đảm.

Chiến đấu cơ dẫn đầu của chúng tôi báo hiệu truy đuổi, chỉ để lại ba chiếc phía sau bao che cho đoàn tàu chuyển vận. Chớp mắt, chúng tôi đuổi kịp chiếc B17 và còn cách phi trường Clark khoảng 50 dặm (80km), chúng tôi dàn đội hình khai hoả. Ngay lúc đó, 3 chiếc Zéro khác đột nhiên xuất hiện và lướt ngang đường bay của chiếc B17. Ðây là 3 chiến đấu cơ của phi đoàn Cao Hùng (Kaohsiung) tham dự cuộc tấn công phi trường Nichols Field vào sáng sớm này. Cả 3 cùng khai hoả, nhưng chiếc oanh tạc cơ vẫn lướt đi an toàn.

Bảy chiến đấu cơ chúng tôi nhập với 3 chiến đấu cơ của phi đoàn Cao Hùng. Mười chiến đấu cơ khó có thể tạo ra một cuộc tấn công nhịp nhàng. Ðể tránh né hoặc bắn lầm lẫn nhau, thay vì tấn công một lượt, chúng tôi bay thành hàng dọc chiếc này khai hoả rồi vung ra ngoài để nhường cho chiếc kế tiếp. Chúng tôi sửng sốt, vì không một viên đạn đại liên hoặc đại bác nào trúng chiếc oanh tạc cơ.

Xem thêm:   Thời vàng son của xế hộp DS

Ðây là lần đầu tiên chúng tôi chạm trán một chiếc B17, và kích thước bất thường cũng như tốc độ mau lẹ lạ lùng của nó làm cho chúng tôi ước lượng sai tầm súng. May mắn, xạ thủ địch cũng tệ không kém.

Sau đó, tôi nhận thấy chúng tôi đang ở trên phi trường Clark. Chắc chắn viên phi công B17 đã gọi chiến đấu cơ Mỹ giúp đỡ. Chúng tôi phải ra tay nhanh chóng. Tôi quyết định đánh cận tập từ phía sau. Tôi lướt đến trong khi các họng súng của chiếc oanh tạc cơ rực lửa nhưng không trúng tôi. Tôi lướt thêm nữa và khai hoả. Những mảnh kim khí bay tung ra từ cánh phải của chiếc B17. Tôi lạng ra và chiếc Zéro từ phía sau tôi xông tới, rót thêm một loạt đạn vô đối thủ. Tuy nhiên khi chiếc Zéro khác nối đuôi theo, thì phi cơ địch chúi mũi cố đáp xuống phi trường Clark với đôi cánh đã lệch hẳn. Tôi chúi theo sau chiếc pháo đài bay què quặt, giữ khoảng cách nhiều trăm thước, và chụp hình với chiếc máy ảnh Leica. Lúc cách mặt đất khoảng 7,000 bộ (2,000m), 3 người nhảy dù ra khỏi phi cơ, và chiếc B17 biến mất vào một đám mây. Về sau, chúng tôi nghe người Mỹ loan tin các phi công Nhựt đã bắn mấy người nhảy dù ra khỏi máy bay. Tin này chỉ có tánh cách tuyên truyền. Tôi là phi công duy nhứt bay gần chiếc oanh tạc cơ lúc đó và tôi không hề bắn ra một viên đạn nào cả. Vật duy nhứt mà tôi bấm là chiếc máy chụp hình Leica của mình. Không một phi công Nhựt nào khác nhìn thấy chiếc B17 rơi, vì vậy, “chiến công” bị phủ nhận vào thời gian đó.

Xế trưa hôm đó, trở về Ðài Loan, chúng tôi nhận thấy cánh của 2 chiến đấu cơ Zéro đầy vết đạn do các xạ thủ chiếc B17 gây ra. Và mười ba năm sau này, tôi có dịp gặp Ðại tá Frank Allen Kurtz chỉ huy Không đoàn 463 Hoa Kỳ ở Ðông Kinh, ông ta đã nói với tôi:

“Ngày Colin bị bắn rơi, tôi đang ở trên đài kiểm soát của phi trường Clark. Tôi nhìn thấy phi cơ của ông ta bay đến và anh đang bay bên phải, phía trên, trong lúc ông ta cố đáp xuống. Ba chiếc dù rơi xuyên qua mây mù, tôi thấy hình như ở cao độ 800 thước. Rồi năm cây dù nữa bung ra. Colin, dĩ nhiên, không kịp thoát khỏi phi cơ.”

Chiều tối hôm đó, tôi nhận nhiều lá thư gửi từ Nhựt Bản và một gói quà nhỏ của Fujiko. Nàng gửi cho tôi một dải lụa thêu một ngàn mũi chỉ đỏ và muốn tôi quấn quanh thắt lưng. Là tấm bùa hộ mệnh truyền thống của phụ nữ Nhựt Bản gửi cho chồng, cha, anh em ruột hay con trai, nhằm gìn giữ người thân của mình trước mũi tên hòn đạn. Lá thư của Fujiko viết: “Hôm nay, gia đình em biết tin xứ sở của chúng ta đã khai chiến với Hoa Kỳ và Anh. Gia đình em chỉ biết khẩn cầu cho chiến thắng sau cùng của tổ quốc và sinh mệnh của anh được bảo toàn. Hatsuyo-san, em họ của anh và cả em, chúng em cùng đứng ở góc phố nhiều giờ mỗi ngày, trong suốt một tuần lễ, để xin 998 phụ nữ qua đường mỗi người một mũi kim thêu cho anh, trên khăn lụa này. Chúng em hy vọng là anh sẽ chấp thuận thắt tấm lụa ấy quanh lưng anh, vì chúng em ước nguyện tấm lụa này che chắn cho anh trước lằn đạn của quân thù…”

Một cách thành thực, không nhiều phi công Nhựt tin vào phẩm hạnh của bùa hộ mệnh nhưng tôi ý thức công sức lớn lao của Fujiko và cô em họ Hatsuyo của mình đã kiên nhẫn đứng trong buốt giá nhiều tiếng đồng hồ mỗi ngày ở góc đường để xin cho tôi từng mũi thêu. Vì vậy tôi lập tức thực hiện ý nguyện của họ; quấn tấm lụa quanh thắt lưng mình. Cánh thư chân thành của Fujiko còn làm tôi suy nghĩ; lần đầu tiên tôi xem những phi công địch mà tôi đã bắn hạ là những con người giống mình. Cho đến khi ấy họ chỉ là những khách thể xa xôi mà tôi không màn đến. Cảm giác mình đã thờ ơ với đồng loại gây u sầu. Nhưng biết sao hơn, trong chiến tranh trên không trung cũng như trên mặt đất, phải giết để không bị giết.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Chúng tôi tiếp tục các phi xuất tấn kích từ Ðài Loan đến Phi Luật Tân trong mười ngày kế tiếp. Sau đó nhận lịnh thuyên chuyển đến căn cứ Jolo ở quần đảo Sulu, nằm giữa Mindanao và Bornéo, cách phi trường Ðài Nam 1,200 dặm (2,200km) đường chim bay. Ngày 30 tháng 12, tôi cất cánh vào lúc 9 giờ sáng với 26 chiến đấu cơ Zéro khác, bay không ngừng nghỉ đến nhiệm sở mới. Nơi đây mạng lịnh đang chờ sẵn, và chúng tôi thực hiện một phi vụ 270 dặm (500km) xa hơn về phía Nam đến Tarakan, nằm cuối bờ biển phía Ðông Bornéo. Phi vụ không xảy ra điều gì quan trọng, chúng tôi không gặp một phi cơ địch nào.

Phản công chính thức của đối phương đối với các đơn vị chúng tôi được tung ra lần đầu tiên là vào tháng Giêng. Gần nửa đêm, một oanh tạc cơ B17 đơn độc bất ngờ oanh tạc Tarakan. Một dây bom rơi xuống những doanh trại của công binh kiến tạo tại đây, sát hại hơn 100 người cùng gây bị thương cho nhiều người khác, và nhiều toà nhà sụp đổ.

Không một chiếc Zéro nào có thể cất cánh kịp thời, bởi vì phi trường Tarakan là một trong những phi trường xấu nhứt của quần đảo phía Ðông xứ Nam-Dương (Indonesia). Ngay cả trong những hoạt động ban ngày, chúng tôi phải cất cánh và đáp xuống trên phi đạo ngập bùn. Thời gian chúng tôi ở đây, hai chiếc Zéro hư hại do phi đạo gây ra.

Bị oanh tạc, chỉ huy trưởng căn cứ Tarakan phẫn nộ, ra lịnh cho tôi và trung sĩ Kuniyoshi Tanaka cất cánh để bay tuần tiễu bên trên phi trường. Tanaka từng bắn hạ 12 phi cơ địch ở Trung Hoa, và 8 chiếc khác trong cuộc chiến Thái Bình Dương.

Bay đêm rất nguy hiểm và khó khăn, vì trong thời gian đó chiến đấu cơ Zéro chưa được trang bị cơ phận bay đêm, cả tôi lẫn Tanaka không biết phải làm gì nếu bị tấn công trước. May cho chúng tôi, và cho căn cứ, chúng tôi không bị phá rầy trở lại.

Vào ngày 21 tháng 1-1942, một đoàn công-voa của chúng tôi rời cảng Tarakan mang quân đổ bộ lên Balikpapan ở phía Nam Bornéo cách 900 cây số. Bộ chỉ huy tối cao Hoàng gia ra lịnh cho phi đoàn chúng tôi cung cấp không yểm, nhưng chúng tôi chỉ có thể thực hiện một cuộc tuần thám trên đoàn công-voa mà thôi.

Thay vì được cung cấp một số lượng chiến đấu cơ to tát theo nhu cầu sử dụng của chúng tôi, vào những tháng đầu năm 1942, chúng tôi chỉ có trong tay không hơn 70 chiếc Zéro cho toàn thể khu vực Ðông Nam-Dương rộng lớn. Và các chiến đấu cơ còn cần phải bảo trì, sửa chữa sau mỗi 150 giờ bay, do đó chỉ còn trung bình 30 chiếc khả dụng.

Giữa tháng Giêng, oanh tạc cơ B17 bắt đầu được đưa đến căn cứ Malang của đối phương ở Java, và tung ra các cuộc tấn công sơ khởi nhắm vào lực lượng trên bộ của chúng tôi ở Phi Luật Tân và Ðông Nam-Dương. Các pháo đài bay này có đường kính hoạt động 3200 cây số làm bộ binh Nhựt điêu đứng, nhưng vì con số ít ỏi nên không thể ngăn nổi các cuộc hành quân của chúng tôi.

Vào mùa Xuân 1942 những oanh tạc cơ B17 loại mới, với các pháo tháp đại liên 12 ly 7 nòng đôi phía sau đuôi, xuất hiện trên chiến trường. Chúng tôi sớm tìm ra yếu điểm của loại phi cơ này để tấn công.

Chiều ngày 24 tháng Giêng, Tanaka trở về phi trường với hai đồng đội sau một cuộc tuần thám ở Kalikpapan. Cả ba phi công đều kiệt sức, tuy không ai bị thương. Tanaka báo cáo đã đụng độ với 8 pháo đài bay B17 vào buổi sáng và cuộc tấn công của hắn không có kết quả. Tanaka cho biết có nhìn thấy đạn đại liên và đại bác của hắn trúng vào thân phi cơ địch rõ ràng, nhưng chiếc oanh tạc cơ không rơi. Hắn có vẻ chán nản: “Mấy chiếc oanh tạc cơ khốn nạn này thật khó ăn khi chúng bay theo đội hình phòng vệ.” Chúng tôi hiểu một hợp đoàn B17 mà mỗi chiếc trang bị 12 đại liên là cả một tấm lưới đạn khủng khiếp. Tanaka tiếp tục kể việc hắn đã tấn công khiến cho các oanh tạc cơ địch thả bom không chính xác xuống đoàn công-voa phía dưới. Chỉ có một chiếc tàu dầu khổng lồ trúng bom và, khi hắn rời Balikpapan để quay về, lửa vẫn còn bốc cháy dữ dội.

Xem thêm:   Hang gấu

Ngày hôm sau, tôi lại thực hiện cuộc tuần thám ở Balikpapan với một phi cơ khác do trung sĩ Sadao Uehara lái. Cả 2 chiếc Zéro của chúng tôi là tất cả những gì còn khiển dụng mà căn cứ Tarakan có thể tung ra giúp đoàn công-voa, các chiến đấu cơ khác đều đã được cắt đặt nhiệm vụ riêng. Biết Tanaka chạm địch ở cao độ 20,000 bộ (6000m), chúng tôi bay cao hơn hắn 2,000 bộ (600m). Nhìn xuống dưới, chiếc tàu dầu trúng bom ngày hôm trước vẫn còn bốc cháy như một cây đuốc.

Khoảng 10 giờ, nhiều chấm đen nhỏ xuất hiện trên nền trời, tiến đến Java. Các chấm đen lớn mau dần cho đến khi hai nhóm phi cơ, mỗi nhóm 4 chiếc hiện ra rõ ràng. Các pháo đài bay, bay sát cánh nhau, giống như Tanaka đã mô tả ngày hôm qua. Nhóm phi cơ sau bay cao hơn nhóm dẫn đầu, và khi chúng tôi lướt đến, nhóm thứ hai bay sát vào nhau hơn, lập thành một Box phòng vệ.

Tám chiếc B17 bay ngang phía dưới tôi nửa dặm. Tôi lộn lại, với Uehara theo sát bên cánh, và chúi xuống tấn công. Ðịch vẫn còn nằm ngoài tầm súng nhưng tôi cũng quất một quả đại bác khi lướt qua. Tôi nhìn thấy những trái bom từ bụng oanh tạc cơ rơi xuống đoàn công-voa phía dưới. Tôi lộn nhào nhiều vòng, lướt thẳng lên, và nhìn thấy những cột nước tung cao. Không trái bom nào trúng mục tiêu. Bầu trời trong sáng. Tôi quày phi cơ lại, cách 500 thước bên trên nhóm oanh tạc cơ bay phía sau, và chúi xuống hết tốc lực với mọi loại súng đều khai hoả. Vô hiệu. Quanh tôi hầu như không nơi nào là không có bóng dáng phi cơ địch. Tôi chúi xuống trót lọt và bắt đầu vượt lên để chúi xuống tấn công nữa.

Chúi xuống, lộn nhiều vòng, tập trung hoả lực vào một oanh tạc cơ. Lần này tôi túm được đối thủ. Tôi thấy những viên đạn nổ bùng, những đốm đỏ và đen túa dọc theo thân phi cơ địch. Chắc chắn nó sẽ rớt ngay lập tức. Nhưng không có gì xảy ra. Không có lửa, không có khói… Chiếc B17 vẫn tiếp tục bay trong đội hình.

Tôi đảo vòng vượt lên và lộn lại tấn công hiệp thứ ba. Lần này tôi nhắm chiếc oanh tạc cơ trúng đạn của tôi khi nãy. Tôi nhìn thấy những viên đạn phát nổ và những mảnh kim khí túa ra từ cánh và thân phi cơ địch. Tôi lướt ngang qua, bung một vòng thật rộng, quày trở lại và vượt lên cao.

Chiếc B17 vẫn còn trong đội hình. Không lửa, không khói. Mỗi lần tôi chúi xuống tấn công, mọi khẩu súng của địch thủ đều khai hoả dữ dội, nhưng cũng may đội hình chặt chẽ đã giới hạn hoả lực địch rất nhiều. Chiếc Zéro của tôi nguyên vẹn. Tôi lại tấn công thêm hai lần nữa với sự hỗ trợ của Uehara, và mỗi lần chúng tôi đều nhìn thấy đạn đại liên và đại bác của mình nện vào thân phi cơ địch, nhưng không thấm tháp gì hết. Vỏ chiếc B17 bọc thép!

Chúng tôi vừa hoàn tất đợt tấn công thứ sáu, tám oanh tạc cơ địch tẻ ra làm hai, một đảo qua trái, một đảo qua phải. Tôi gia tăng hết tốc lực đuổi theo nhóm có chiếc B17 bị hư hại và tụt hẳn lại phía sau ba chiếc kia. Với tốc lực tối đa, tôi lướt đến trong khoảng 50 thước, và bóp mạnh cò súng. Bao nhiêu đạn đại bác 20 ly và đại liên 7 ly 7 cuối cùng tôi đều rót hết vào đối thủ què quặt. Một bụm khói đen bốc lên, chiếc oanh tạc cơ chúi mũi xuống và biến mất trong đám mây phía dưới.

Trở về Tarakan, tôi báo cáo chi tiết phi vụ cho thượng cấp của tôi là Trung úy Singo. Các phi công khác bu quanh để nghe tôi kể lại quang cảnh của trận đụng độ và tất cả đều cho rằng tôi trở về được là một phép lạ, sau khi phải đối đầu với hoả lực tập trung của 8 pháo đài bay. Nhân viên dưới mặt đất chỉ tìm thấy ba lỗ đạn gần đầu cánh chiếc chiến đấu cơ của tôi. Hai ngày sau, một phi cơ thám thính Nhựt báo cáo có một chiếc B17 đã vỡ tan khi cố đáp xuống một hòn đảo nhỏ nằm gần Balikpapan và Surabaya.

Kỳ tới: Chương IX

Không chiến Nam-Dương

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles,

Nxb Presses de la Cité, 1957.

Minh họa Japanese Girl from between the 1930s and 1940s

và Squadron Signal Publications.