Sau 9 năm quân ngũ, Sakai thăng từ cấp bậc hèn mọn nhất là Yontosuihei  là Thủy binh hạng IV tức Binh Tứ – VNCH chỉ có cấp bậc Binh Nhì là thấp nhất – lên Hải quân Chuẩn úy thực thụ Kaigun Jun-i  Một trường hợp hiếm. Nếu chức Chuẩn úy trong quân lực VNCH không gì to tát, trong hệ thống quân giai của Đế chế Quân phiệt Nhật là cả một đẳng cấp. Sĩ quan Nhật có quyền đánh chết lính khi phạm lỗi. Cùng lúc, tin tử trận của hầu hết các phi công Phi đoàn Lae ập đến. 150 phi công đồng ngũ của Sakai, duy nhất 20 sống sót. Chương 20 của tập hồi ký pha trộn tình mẫu tử với bi thảm của đồng đội và người đọc bắt đầu nhìn thấy sự khắng khít giữa Sakai với cô em họ Hatsuyo chung huyết thống. Cũng nhìn thấy chế độ kiểm duyệt của An ninh Quân đội Nhật, khá giống VNCH, là “đục bỏ” nhưng không xử phạt. Không ảnh hưởng lên binh nghiệp của Sakai. [Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 23

Chương 20

Vào tháng Mười, tôi được chuyển đến bệnh viện hải quân Sasebo. Sự thay đổi này làm tôi hân hoan, tôi sẽ được gần nhà hơn, và tôi có thể gặp lại gia đình.

Bấy giờ mùa Hạ nóng bức đã trôi qua, và xe lửa lướt đi trong một bầu không khí ấm áp dễ chịu. Tôi mở rộng các cửa sổ, đẫm mình trong ánh mặt trời và gió dịu nhẹ của mùa Thu. Nước Nhựt chưa bao giờ đẹp hơn trước mắt tôi, với cảnh sắc Thu trên núi, trên đồi, dáng vẻ êm đềm lạ lùng của vùng quê trôi qua. Màu cây xanh thẫm và màu hoa đỏ tía điểm tô dọc theo hai bên thiết lộ.

Ba giờ sau khi rời khỏi Yokosuka, Fujikama đã ẩn hiện trong tầm mắt. Tôi nhìn ngắm một trong những hòn núi đẹp nhứt của nước Nhựt này không biết chán. Tuyết đã tan trên những con đường mòn chạy lượn cong trên đỉnh núi, thoắt ẩn thoạt hiện trong màn sương mù lấp loáng dưới ánh mặt trời. Phú Sĩ Sơn (Fuji) nhắc tôi nhớ lại Fujiko. Thiếu nữ ấy, quả thật, đã lấy tên núi này làm tên lót, nhưng hiện thời đối với tôi đã xa cách ngàn trùng.

Xứ sở êm ả và thanh bình. Chiến tranh không có ở đây, không có trong vòng hàng trăm nông trại, ruộng lúa nằm ngay ngắn, khoáng đạt và thịnh vượng dọc theo hai bên đường sắt. Chiến tranh đâu? Tôi chỉ nhìn thấy những gì mà trước kia tôi đã từng thấy, vả lại có phần đẹp đẽ hơn hồi tôi còn là một thiếu niên.
Má tôi chờ đón tôi ở nhà ga Fukuoka. Nơi đây xe lửa chỉ dừng lại ngắn ngủi và hành khách không được phép xuống xe. Tôi nghiêng thân hẳn ra ngoài cửa sổ để vẫy tay gọi má tôi. Thấy tôi, mặt má tôi rạng rỡ. Má tôi già đi nhiều lắm. Bây giờ má tôi chỉ trơ trọi một thân, mấy người con trai của bà đã ra đi hết rồi.

“Con khoẻ mạnh!” Tôi la lớn. “Con vẫn khoẻ mạnh, má! Ðừng lo cho con.”

Xe lửa chuyển bánh. Má tôi đứng trên sân ga, đôi mắt nhoà lệ. Bà vừa khóc vừa phất lá cờ nhỏ in hình mặt trời mọc.

Buồn bã làm tôi suy nghĩ miên man. Không có ai trong số những người sinh sống ở đây, từ lão nông, thanh niên đến các đứa trẻ, xã trưởng, phát thư, cảnh sát hay thương gia đã bay trên Guadalcanal ở cao độ sáu ngàn thước để nhìn thấy cả một mặt đại dương rung chuyển vì hàng đoàn chiến thuyền Hoa Kỳ dài đến tận chân trời. Cuộc chiến đã thay đổi. Ở Rabaul tôi chứng kiến Phi đoàn Lae là một tập thể những phi công ưu tú nhứt, các chiến tích không ngớt của chúng tôi làm bằng chứng, nhưng các phi công của Lục quân Nhựt ít kinh nghiệm và không được đào tạo gắt, như phi công Hải quân chúng tôi, đã thường xuyên rơi vào chiếc bẫy của kẻ thù. Ðến ngay cả tôi, cũng bị địch vồ lấy, suýt chết. Chúng tôi không còn làm chủ không trung nữa. Trời cao đã chuyển sang tay đối phương. Ðến một lúc nào đó, từ những tảng mây bên trên thiết lộ này, sẽ rơi xuống thảm bom như ở Rabaul.

Các bác sĩ ở Sasebo lại ra lịnh cho tôi nằm dưỡng bịnh thêm một tháng nữa. Thời gian trôi qua chậm chạp, nhưng cuối tuần lễ đầu tiên, tôi đã hoan hỉ vì có má tôi đến thăm với bánh quà mà tôi thích ăn hồi còn nhỏ. Tôi ngần ngại khi nói cho bà biết tôi đã đui một mắt bên phải. Trước sự kinh ngạc của tôi, bà bình thản nói: “Có sao đâu, con vẫn là một con người, con trai của má.”

Bà đến thăm tôi mỗi cuối tuần. Gặp má, tôi thường thật là thích thú nhưng tôi xin bà đừng đến nữa. Bà đã lớn tuổi, đường xa mệt nhọc, vả lại di chuyển bằng xe lửa càng ngày càng trở nên khó khăn. Các toa xe đều chở đầy ắp chiến cụ, chỗ dành cho hành khách bị thu hẹp và rất tồi tệ.

Ở Sasebo tôi thường  nghĩ đến Hatsuyo, không biết nàng có còn giận tôi đã khước từ Fujiko, là bạn thân nhứt của nàng, cho đến khi tôi nhận thơ của Hatsuyo thông báo sẽ đến thăm ngay khi có thể, tôi mới an lòng.

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Vào tháng 11-1942, một biến cố xảy ra, mà nếu ở hoàn cảnh nào khác tôi sẽ coi đó là một trong những biến cố lớn nhứt của đời tôi. Nhưng ở hoàn cảnh hiện thời biến cố ấy ít có ý nghĩa. Bịnh viện nhận được lịnh thăng cấp Chuẩn úy cho tôi. Con đường dằng dặc khởi từ một tân binh thủy thủ, với kỷ luật tàn nhẫn và hình phạt liên miên, đã đến điểm cuối của nó. Từng bước một, tôi đã leo lên, và bây giờ phần thưởng đã đến tay. Ðó là một chiến thắng hụt hẫng, nhưng có sự đền bù của nó. Tôi viết thơ báo cho má tôi và Hatsuyo biết tôi đã lên sĩ quan. Má tôi khuyên tôi không được phách lối, còn Hatsuyo cho tôi hay là nàng vui mừng khôn xiết suốt tuần lễ, gặp ai cũng khoe anh họ của mình là sĩ quan không quân.

Với thân phận mới, tôi có thể hoàn tất thời gian dưỡng bịnh còn lại tại gia. Tôi chợp ngay lời đề nghị của vị bác sĩ và lập tức rời khỏi bệnh viện đến vùng ngoại ô Fukuoka, nơi má tôi đã đến chung sống với người chị cả và anh rể của tôi.

Tháng kế đó là một tháng đầy tuyệt thú. Lần đầu tiên sau 10 năm, tôi được sống gần má tôi trọn 30 ngày. Hầu như mỗi ngày bà đều hỏi tôi: “Con nghĩ bao giờ sẽ hết chiến tranh, Saburo?”. Tôi biết bà nghĩ đến hai anh trai hiện đang chiến đấu ở hải ngoại. Và mỗi lần bà hỏi, tôi chỉ biết nói sự thật: con không biết.

Rồi má tôi nhìn quanh, để chắc không có ai xung quanh, bà khẽ hỏi: “Saburo, nói cho má biết chúng ta có thắng thật không? Những điều họ nói có thật không?” Tôi chỉ có thể đáp: chúng ta phải thắng.

Vài tuần lễ sau khi tôi đến ở nhà chị cả, một ông khách từ Ðông Kinh đến viếng tôi. Một thông tín viên của nhựt báo Yomiuri Shimbun, một trong những nhựt báo lớn nhứt ở Nhật Bản. Thông tín viên này cho biết tờ báo của ông ta muốn thực hiện một cuộc phỏng vấn độc quyền với phi công tài ba nhứt Nhựt Bản, vì cả nước đều muốn đọc những lời nói của chính tôi về cuộc chiến (Khi được gán cho danh hiệu phi công hạ nhiều phi cơ địch nhiều nhứt nước, tôi tự hỏi Ota, Nishizawa hiện thời đã hạ được bao nhiêu chiếc. Tôi chắc họ đã qua mặt tôi). Tôi không biết tôi có quyền đáp cuộc phỏng vấn này hay không. Tôi có thể phạm kỷ luật nếu tôi nói ra sự thật. Tôi gọi điện cho Sĩ quan Hành chánh ở Sasebo và trình bày vấn đề. Ông ta né tránh và nhấn mạnh rằng không có những quy định đặc biệt nào trong vấn đề này.

“Tôi không có quyền khuyến khích anh tiếp xúc với nhà báo,” ông ta kết luận. “Nhưng tôi phải nhắc anh nhớ rằng những lời nói của anh cần được cân nhắc cẩn thận, và anh phải chịu trách nhiệm những gì anh đã nói. Anh cũng phải luôn luôn nhớ rằng ở đây không tán thành mà cũng không ngăn chặn bất kỳ sĩ quan nào muốn trả lời một cuộc phỏng vấn của báo chí. Hãy cẩn trọng!”

Ðó là một lời đáp chắc chắn có tánh cách phủ định. Tôi quay vô phòng và nói cho viên ký giả biết Thượng cấp của tôi không hài lòng cuộc phỏng vấn mà ông ta yêu cầu. Nhưng ông ta không chịu bỏ cuộc một cách dễ dàng.

“Tôi nghĩ việc này không có gì gây phiền phức cho ông”, hắn cãi. “Tôi vượt bảy trăm dặm đường từ Ðông Kinh đến đây chỉ để tiếp xúc với ông! Xin ông cho tôi hỏi một vài câu thôi! Năm phút là cùng!”

Tôi sớm biết tôi ngu! Khả năng vặn hỏi và mưu mô sắp xếp moi tim của thằng cha này qua cuộc phỏng vấn thật kỳ dị. “Năm phút” của hắn trở thành ba ngày! Mỗi buổi sáng từ khách sạn trú ngụ, hắn lê thân đến nhà tôi ghi chép đủ thứ. Hắn gợi tôi nói đủ chuyện. Những câu hỏi của hắn đều tránh đề cập đến chiến tranh, cho đến khi tôi khám phá ra rằng những câu chuyện liên quan đến chiến tranh. Hắn sớm nhận ngay niềm lạc quan đã mất hết trong tôi, và những phi công chúng tôi ở Rabaul, mặc dù đạt được nhiều thành quả, nhưng hiện thời đang tham dự vào một trận đánh gian nan ở Guadalcanal, và nhận rất ít sự hợp tác của Lục quân Nhựt Bản.

“Chúng tôi cần nhiều chiến đấu cơ và những phi công kinh nghiệm hơn”, tôi nói với hắn trong lúc nổi nóng nhất thời. “Mỗi chiến đấu cơ đều phải xem xét lại toàn diện sau 150 giờ bay. Ngay cả những phi cơ chưa bắn một phát súng nào và chưa bao giờ nhận một viên đạn nào của địch quân, cũng phải xem xét lại. Hiện thời chúng tôi không thể làm gì hơn được. Một chiếc Zéro mang thương tích nhẹ, chúng tôi vẫn coi như còn trong tình trạng khả dụng và chỉ xem xét toàn thể sau 200 giờ bay.”

“Ông hiểu rõ hậu quả như thế nào khi một phi công lâm trận với một chiếc phi cơ mà những dụng cụ kiểm soát không đáp ứng mọi đòi hỏi? Chỉ những phi công tài ba nhứt mới mong tồn tại sau khi lâm trận với loại phi cơ như vậy. Nếu những phi công chân ướt chân ráo, được gởi ra hải ngoại để thay thế, họ không có được các căn bản của những phi công mà tôi đã từng bay chung, lúc đó có trời mới giúp được họ sống sót mà thôi. Những phi công Hải quân Hoa Kỳ mà chúng tôi đã từng đụng độ ở Guadalcanal là những phi công tài ba, và chiến pháp của họ siêu đẳng chưa từng thấy. Phi cơ của họ thì khỏi nói rồi.”

Xem thêm:   Trên cả tuyệt vời!

Tay phóng viên hài lòng hơn nữa. Hắn không thể nào che giấu sự phấn chấn, ngỏ lời cảm ơn rối rít và từ giã tôi. Tuy nhiên, sau đó tôi mới nhận thấy mình đã vấp phải một sai lầm quan trọng, khi đem nói hết mọi chuyện với hắn.

Một tuần sau đó, tôi trở lại bệnh viện Sasebo, và ghi tên xin tái khám tổng quát lần cuối cùng. Lần này sẽ quyết định việc bổ nhiệm trở lại của tôi. Lời xin được chấp nhận và tôi được sắp xếp một chiếc giường trong bịnh viện để ngủ cho đến khi cuộc khám bịnh nhiều ngày hoàn tất.

Sáng sớm hôm sau, tôi được gọi đến Phòng Hành chánh của Bộ Tư Lệnh Sasebo. Gương mặt của vị đại tá đỏ gay vì giận dữ.

“Chuẩn úy Sakai,” ông hét lên “anh là một thằng ngốc!”, “trong đời tôi chưa thấy sĩ quan nào thiếu suy xét như anh.”, vị đại tá thét lớn: “Tôi vừa nhận được công điện của Tổng Hành Dinh Hải quân ở Ðông Kinh, họ đã cấm đăng toàn thể bài phỏng vấn anh của báo Yomuiri Shimbun. Ði nói hết những chuyện mà anh đã làm, anh có điên không? Ðông Kinh đã khiển trách tôi nặng nề, với lý do thiếu kiểm soát thuộc cấp. Tôi sẽ không để cho chuyện ngu dại này xảy ra nữa. Bây giờ tôi nói cho anh biết, anh không hở một tiếng nào về nhiệm vụ chiến đấu của anh mà không hội ý trước với sĩ quan Tâm Lý Chiến. Anh hiểu chớ? Lặp lại sự dại dột này, không chỉ một mình anh mà chính tôi cũng phải ra toà án quân sự!” Vị đại tá đập bàn: “Tôi cảnh cáo anh lần này. Chớ có sắm vai ngu xuẩn, hiểu chưa?”

Tôi biết hoàn toàn! Tôi bị bịt miệng, nhưng tôi thông cảm cái thế của ông ta. Ðơn giản hơn hết, Sakai, hãy ngậm miệng của mày lại.

Tôi quay về bịnh viện, gặm nhấm những lời trách mắng vừa nhận lãnh.

Có người gọi tên tôi. Một binh sĩ chạy việc đứng nghiêm ở cửa chào tôi. “Gì đó?”. Tôi vội hỏi.

“Dạ thưa, Chuẩn úy có một ông khách. Một phi công hải quân lớn con, đang chờ Chuẩn úy ở phòng khách. Hình như ông ta nói tên là Nishizawa.”

“Hả?” Tôi la lớn: “Nishizawa, có thật hắn ta không?”

Tôi quên câu chuyện vừa xảy ra và chạy như điên ra phòng khách, chạm vào tên lính tà lọt muốn té lăn cù. Tôi mở cửa phòng và nhìn vô.

Một người đàn ông gọn ghẽ, to lớn, bước lui bước tới trong phòng, miệng ngậm thuốc. Ðây rồi! Hắn không thay đổi chút nào.

Hắn ngước nhìn tôi, cười rạng rỡ và thét lên “Sakai!..” Tôi la tên hắn “Nishizawa!”, chúng tôi ôm choàng lấy nhau, sung sướng không nói nên lời.

Tôi nắm chặt hắn rồi xô dang ra xa, “Ðể tôi nhìn anh coi!”. Tôi nói. “Ngon lành lắm! Phong độ lắm! Không bị thương à?” tôi hỏi nhanh.

“Không, Saburo,” Nishizawa đáp giọng vui vẻ. “Tôi vừa rời Rabaul hồi tháng 11. Không một vết trầy nào hết. Hình như đạn sợ tôi.”

Sakai và Nishizawa tại Rabaul 1942

Tôi phấn kích: “Ha! Ha! Chúng tôi đặt tên Ác quỷ Không trung cho anh thật thích hợp!” Tôi nói. “Quả thật anh là vị thần hộ mệnh của chúng tôi, lướt xuyên qua cả Lae lẫn Rabaul mà không một vết thương nào. Nishizawa, được gặp lại anh thật là tuyệt thú.” Tôi siết tay Nishizawa với niềm vui tột cùng.

“Anh cho tôi biết những chuyện đã xảy ra sau khi tôi ra đi. Chắc hiện thời anh là phi công hàng đầu của hải quân. Ồ! Tôi có thể tưởng tượng hình ảnh của anh trên không phận Guadalcanal,” Hắn khoát tay phản đối. “Ðưa tôi lên quá nhiều, Saburo,” hắn phàn nàn. “Tôi cũng không biết chắc số nạn nhân của tôi. Năm mươi hoặc có lẽ trên chút ít. Nhưng tôi vẫn còn thua anh xa.” Hắn mỉm cười. “Có lẽ anh không biết, nhưng anh vẫn còn là phi công số một.”

“Anh điên rồi!” tôi nói. “Tôi biết anh mà. Ngay từ trước đây tôi đã ngại anh qua mặt tôi rồi. Nhưng, nói tôi biết anh làm gì ở Sasebo?”

“Họ gởi tôi về Không đoàn Yokosuka” hắn đáp, mặt tiu nghỉu. “Một huấn luyện viên! Là công tác họ giao cho tôi, một huấn luyện viên! Saburo, anh có thể tưởng tượng cảnh cả ngày tôi bay vòng quanh với một chiếc phi cơ hai tầng cánh vừa cổ lỗ vừa xộc xệch, hò hét mấy tên ngu như bò, dạy cho chúng biết quành quẹo như thế nào, và làm sao giữ cho quần của chúng đừng ướt mẹp không?”

Tôi cười ngất. Hắn nói đúng! Nishizawa mà làm huấn luyện viên sao được!

Xem thêm:   Trên lưng trời

“Ðó”, hắn tiếp, “sau một ít lâu ở đó, tôi cảm thấy muốn chết giấc. Vì vậy, tôi đã tình nguyện đi hải ngoại trở lại, họ vừa chịu buông tôi. Tôi nhận lịnh hồi sáng này, qua Phi Luật Tân. Do đó mà tôi phải gặp anh hôm nay. Sáng mai chúng tôi cất cánh.”

“Sớm vậy?”

“Tôi muốn như vậy, Saburo,” hắn đáp. “Bay quanh Yokosuka chán quá rồi. Tôi muốn chiến đấu. Tôi phải chiến đấu trở lại. Ở đây, tôi đang bị giết lần mòn.”

Tôi hiểu hắn. Thật vậy, tôi hiểu rõ hắn. Nhưng… có nhiều câu chuyện cần hỏi thăm, những người bạn khác của chúng tôi.

“Tôi ganh tị với anh, Nishizawa. Nhưng này, hãy nói chuyện Rabaul, kể cho tôi nghe về mấy người khác. Ðại úy Sasai bây giờ ở đâu? Và Ota, hắn có bay với anh không? Hai phi công bên cánh của tôi, Yonekawa và Hatori? Kể hết chuyện của họ cho tôi nghe đi.”

“Cái gì?” hắn nhìn tôi, đôi mắt trống rỗng. Ðôi mắt đong đầy nỗi tuyệt vọng. “Thì ra họ không nói với anh…”

“Anh nói gì vậy?” tôi hỏi.

Hắn khoát tay một cách yếu ớt.

“Anh sao vậy, Nishizawa? Mấy người kia được gởi về xứ với anh phải không?”

Hắn quay đi, lưng day về phía tôi. Tiếng nói của hắn đầy xúc động. “Saburo, họ…” hắn đặt một tay lên trán, rồi xoay mau lại “Chết hết rồi!”

Tôi không tin!… Chuyện đó không thể xảy ra được!

“Anh nói gì?” Tôi hét lên.

“Họ chết hết rồi! Anh và tôi, Saburo, anh và tôi… chúng ta là hai người duy nhứt còn sống sót của Phi đoàn Lae.”

Không thể là sự thật! Hai đầu gối tôi khuỵu xuống. Choáng váng, tôi dựa vô cạnh bàn, trong lúc đầu óc cố phân tích thảm kịch này. Làm sao…

Nishizawa bắt đầu kể. “Ðại úy Sasai ra đi đầu tiên. Vào ngày 26 tháng 8, hai tuần sau khi anh rời Rabaul, chúng tôi thực hiện một phi vụ càn quét ở Guadalcanal. Không phải như trước kia đâu, Saburo. Tôi không thể đếm bao nhiêu chiếc Wildcat cả thảy, nhưng chúng ùa đến như một giòng suối bất tận. Hết lớp này đến lớp khác. Chúng tôi không có một dịp may nào cả. Ðội hình chúng tôi phải phân tán mau đến nỗi không ai nhìn thấy phi cơ của Sasai rơi xuống! Chúng tôi nghĩ rằng có lẽ phi cơ của ông ta hư hại và đã bay phía trước chúng tôi. Nhưng khi trở về Rabaul, ông ta mất tích… Ông ta không bao giờ trở về.”

Nishizawa lộ vẻ mệt mỏi. “Kế đó là Ota. Ðúng một tuần sau đó. Cứ mỗi lần ra đi là mỗi lần chúng tôi mất thêm phi cơ. Guadalcanal hoàn toàn nằm dưới quyền kiểm soát của địch quân. Ota đã ra đi giống như Sasai. Chúng tôi bị tấn công tứ phía, không ai nhìn thấy phi cơ của hắn rơi. Hắn không trở về căn cứ. Rồi khoảng ba hoặc bốn ngày sau đó, Yonekawa và Hatori bị bắn rơi. Cả hai chết cùng ngày. Nhóm 80 phi công thực hiện phi xuất hôm đó, chỉ có tôi, Ðại tá Saito, Trung tá Nakajima và 6 phi công khác trở về.”

Tôi chết đứng. Nishizawa lặng yên. Chuyện này hình như không thật. Làm sao mà họ có thể chết hết được? Họ là những phi công tài ba nhứt, làm sao họ có thể chết đồng loạt?

Bốn trong những người bạn tốt nhứt của tôi. Tất cả đều bị giết trong lúc tôi nằm như chết trong bịnh viện Yokosuka. Tôi hiểu tại sao tôi không nhận được tin tức về sự mất mát này. Nishizawa và Trung tá Nakajima đã giấu tôi, trong thời gian công việc chữa trị đôi mắt của tôi đang diễn tiến. Họ không muốn tôi xúc động sẽ ảnh hưởng đến thần kinh mắt.

Khuôn mặt những người đã chết chập chờn trước mặt tôi. Tôi nhớ lại Ota, nụ cười của hắn từ trong phòng lái lúc chúng tôi lộn nhào trên không phận Moresby. Yonekawa và Hatori, hai người luôn luôn bám sát sau đuôi tôi trong các trận không chiến, luôn luôn chăm chăm bảo vệ tánh mạng của tôi. Ðại úy Sasai luôn chăm sóc tôi những khi đau ốm, thương tích, ông ta… Và bây giờ, họ đã… chết. Tôi khóc nức nở, không xấu hổ, giống như một đứa trẻ òa khóc. Tôi khóc mùi mẫn, thân thể rũ rượi.

Nishizawa nắm lấy tay tôi, khuyên lơn. “Saburo, đừng khóc nữa!”. Tôi ngước nhìn hắn.

“Tôi là một tên khốn nạn!” Hắn nói. “Tôi không thấy họ rơi xuống! Tôi không bảo vệ được họ. Ngay cả khi họ mất tôi cũng không biết. Những bạn thân của chúng ta, Saburo, những bạn thân nhất của chúng ta. Tôi đã không làm gì để giúp đỡ họ hết!”.

Hắn ngồi xuống. “Không, không, điều này cũng không đúng. Tôi không thể làm gì được. Phi cơ địch đông vô số, không đếm xuể. Chúng như những tảng mây lấp đầy bầu trời.” Tiếng nói của hắn mòn mỏi.

Chúng tôi ngồi lặng yên hồi lâu, nhìn lẫn nhau cùng im lặng.

Còn gì để nói nữa đây?

Kỳ sau: Chương XXI

Đáo nhiệm Không đoàn Đài Nam

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles, Nxb Presses de la Cité, 1957

Minh họa từ trang War Thunder và minh tinh Ayase Haruka