Mang thương tích thui chột và liệt một bên vì trúng đạn vào đầu nhưng Sakai vẫn cắn răng vượt 1,040 cây số đem máy bay về căn cứ. Hơn một chiến công, một phi thường. 40 năm sau, Sakai sang California và gặp xạ thủ súng máy Harold L. Jones trên pháo tháp chiếc Avenger đã bắn mình trọng thương. Jones cho Sakai biết chiếc máy bay của Thiếu úy Robert C. Shaw Jones là xạ thủ, đã bị Sakai bắn thủng 232 lỗ nhưng đáp được xuống mẫu hạm USS Enterprise. Jones kể lại: “Khi chiếc Zéro lao đến, cả 8 xạ thủ trên 8 chiếc Avenger cùng khai hỏa ở khoảng cách 150m. Sakai cũng bắn vào chúng tôi cùng lúc. Khi còn cách 30m buồng lái của chiếc Zéro nổ tung, tôi nhìn thấy rõ gương mặt đẫm máu của Sakai trước khi chiếc Zéro lao thẳng xuống biển.” [Trần Vũ]

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Nhiều kỳ – Kỳ 20

Chương 18 (tiếp theo)

Dần dần tôi cảm biết những gì đang xảy ra. Chiếc Zéro lao về phía Ðông giống như một hòn đá. Tôi cố mở mắt ra và nhìn quanh, thấy màu sáng chói hực của lửa. Tôi nghĩ rằng chiếc phi cơ đang bốc cháy. Nhưng tôi không nghe một mùi khói. Tôi vẫn choáng váng.

Tôi nháy mắt nhiều lần. Sao lại như vậy? Mọi vật đều màu đỏ hết! Tôi đưa tay sờ soạng. Cần lái! Tôi nắm lấy nó. Vẫn không thấy gì hết. Tôi kéo cần lái về phía sau. Nhẹ nhàng. Chiếc phi cơ bắt đầu gượng lại sức chúi xuống, lấy lại thăng bằng và vượt lên. Áp lực của gió giảm bớt, không còn quật mạnh vô mặt tôi nữa. Một ý nghĩ đầy kinh hãi bao trùm lấy tôi. Là tôi có thể bị mù! Tôi hết còn cơ hội trở về Rabaul!

Tôi hành động theo quán tính. Ðưa tay trái về phía trước để nắm lấy cần gia tốc. Nhưng tay tôi bất động. Tôi cố co mấy ngón tay lại. Không có một cảm giác nào cả. Ðúng là nó đã liệt hẳn. Tôi nhấn hai chân lên bàn đạp bẻ lái. Chỉ có chân mặt của tôi còn cử động và chiếc Zéro lạng qua một bên khi bàn đạp bị ấn xuống. Chân trái của tôi tê liệt. Tôi nghiến răng cố gắng cử động lại một lần nữa. Vô ích.

Nguyên thân bên trái của tôi hình như đã bị liệt. Trong nhiều phút tôi cố nhúc nhích chân và tay trái, nhưng không thể nào cử động. Tôi không nghe đau đớn. Thật khó hiểu.

Ðôi má tôi ướt đẫm. Tôi đang khóc. Hai hàng lệ chảy xuống. Khối nặng trĩu trong tròng mắt tôi bắt đầu trôi đi. Nước mắt đã lau sạch máu đọng trong mắt tôi. Tai vẫn còn điếc câm, nhưng mắt có thể nhìn thấy tuy chỉ một chút ít, nhưng màu đỏ đã loãng dần. Ánh sáng mặt trời chiếu rọi vô phòng lái cho phép tôi nhìn thấy lờ mờ những dụng cụ bằng kim khí. Dần dần tôi nhìn thấy những đồng hồ hình tròn, nhưng không thể nhìn thấy chi tiết. Tôi xoay đầu và nhìn ra ngoài buồng lái. Những khối màu đen vĩ đại lướt qua dưới cánh phi cơ với tốc độ khủng khiếp.

Những khối màu đen chắc chắn là chiến hạm địch. Ðiều này có nghĩa là tôi chỉ cách mặt nước khoảng 300 bộ, dưới 100 thước. Thế rồi tai tôi vang lên những âm thanh lùng bùng. Thoạt đầu là tiếng máy phi cơ kế đến là tiếng súng. Các chiến hạm đang khai hoả vào tôi! Chiếc Zéro chao lắc lư giữa những lằn chớp loé của đạn cao xạ phát nổ. Lạ lùng thay, tôi không hề có một phản ứng nào. Tôi bất động, không tìm cách né tránh. Tiếng súng rơi lại phía sau. Tôi không còn nhìn thấy những khối màu đen trên mặt nước nữa. Tôi đã ra khỏi tầm súng. Nhiều phút trôi qua, tôi vẫn ngồi bất động trong phòng lái với muôn ngàn ý nghĩ lẫn lộn. Tôi lại muốn thiếp ngủ. Trong cơn ngầy ngật, tôi cũng biết rằng tôi không thể nào bay trở về Rabaul, và ngay cả Buka gần hơn Rabaul. Một thoáng, ý nghĩ đâm thẳng xuống biển với hết tốc lực đã lôi cuốn tôi, như một cách giải quyết nỗi tuyệt vọng của mình. Tôi trở nên ngu muội. Tôi cố mở mắt ra. Tôi nguyền rủa mình: Chết như vầy không phải! Nếu phải chết, tôi nghĩ, tôi phải chết cho ra hồn. Tôi đâu phải là một tay mơ chưa từng biết chiến đấu là gì? Tư tưởng của tôi chợt ẩn chợt hiện, tôi biết rằng bao lâu mà tôi còn kiểm soát chiếc phi cơ, bao lâu mà tôi còn có thể bay, tôi sẽ làm mọi cách lôi theo một hai kẻ thù trước khi chết. Chiến đấu cơ địch ở đâu? Tôi chửi rủa và la hét: Ðến đây? Tôi đây! Ðến đánh với tôi!…

Trải qua nhiều phút, tôi thịnh nộ như một tên điên trong phòng lái. Dần dần tôi bình tĩnh trở lại và ý thức hành động đáng buồn cười của mình… Tôi bắt đầu nghĩ đến những may mắn vô song đã khiến tôi sống sót cho đến bây giờ. Tôi đã gặp nhiều hiểm nguy trước đây, nhưng chưa lần nào hiểm nguy hơn lần này. Những viên đạn chỉ cách đầu tôi mấy phân, và gây cho tôi nhiều vết sướt, nhưng không trầm trọng mấy. Tôi có may mắn, tại sao tôi quăng nó đi? Và bỗng nhiên tôi muốn sống, tôi muốn quay trở về Rabaul.
Việc có ý thức đầu tiên của tôi là xem xét các thương tích. Tay trái tôi vẫn tê liệt, tôi đưa tay mặt lên rờ đầu một cách e dè như sợ những gì sẽ tìm thấy. Mấy ngón tay rờ nón phi công, cảm thấy nhớp nháp. Tôi biết đó là máu. Rồi tôi gặp một lỗ thủng trên nón, tôi thọc nhè nhẹ một ngón tay vô. Ðể coi bao sâu? Có vật cưng cứng chạm vô ngón tay tôi. Tôi sợ hãi chấp nhận sự thật. Ngón tay tôi lọt hẳn vô bên trong chiếc nón! Vật cứng đó không gì khác hơn là xương sọ của tôi do đạn phá ra. Có lẽ là hộp sọ bể. Ý nghĩ này làm tôi lặng người. Viên đạn có thể chui vô trong óc, nhưng chắc chắn không sâu. Tôi nhớ lại những gì đã từng học hỏi về thương tích trong lúc chiến đấu. Tôi không cảm thấy đau đớn, nhưng có lẽ vết thương đã làm tê liệt phần thân thể bên trái của tôi. Những ý nghĩ này đến chầm chậm. Làm sao có thể ngồi trong phòng lái chiếc phi cơ hư hại, nửa phần đui mù, nửa phần tê liệt, thọc mấy ngón tay qua lỗ hủng trên đầu của mình và tìm hiểu sự việc xảy ra một cách sáng suốt? Tôi ý thức những gì đã xảy ra, tôi cảm được chất máu nhớp nháp và lỗ hủng trên đầu của tôi, nhưng không ý thức sự nghiêm trọng thật sự của vết thương. Tôi biết tôi bị thương, chỉ có vậy thôi.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Tôi lại di chuyển mấy ngón tay trên mặt tôi. Nó sưng phù lên, nhiều vết sướt, và cũng có máu. Chiếc Zéro tiếp tục bay đều. Ðầu óc tôi dần dần sáng suốt thêm. Cử động của tôi chính xác hơn. Tôi hít một hơi thở thật mạnh. Không có mùi dầu khét, như vậy là cả máy lẫn thùng xăng không bị trúng đạn. Sự nhận biết này là nỗi vui mừng lớn nhất trong đời tôi. Với thùng xăng còn nguyên vẹn và máy móc không hư hại, chiếc phi cơ có thể nuốt hết khoảng không trình còn lại. Gió luồng vô chỗ thủng trên sọ vẫn còn rỉ máu. Tôi có thể bất tỉnh trở lại vì mất máu.

Bỗng nhiên đau đớn bao trùm lấy tôi. Mắt phải của tôi bắt đầu mờ dần khi cơn đau gia tăng kịch liệt. Tôi đưa tay dụi mắt. Cơn đau đến không chịu đựng nổi. Tôi lại dụi mắt. Tôi mù rồi!

Tất cả phi công Nhựt đều mang theo trong túi bốn mảnh băng vải hình tam giác. Tôi lôi ra một mảnh và phun nước miếng lên đó. Miệng tôi khô khốc và cảm thấy khát nước kinh khủng. Tôi đưa mảnh băng lên miệng để nhai cho đến khi một góc của nó trở thành ẩm ướt. Chồm về phía trước để tránh gió, tôi lau mắt với góc băng ướt. Có hiệu quả, tôi nhìn thấy chút ít. Một vài giây sau, khi tôi ngồi ngay ngắn trở lại, đầu tôi lại đau dữ dội, như có một chiếc búa gõ lên sọ. Tôi đắp ngay mảnh băng vô lỗ hủng trên đầu, nhưng khi tôi vừa lấy tay ra, gió thổi mảnh băng bay mất ra ngoài cửa kiếng bể.

Thất vọng tột cùng! Làm cách nào tôi có thể cột mảnh băng quanh đầu? Tôi phải cầm máu lại. Tay trái tôi tê liệt, tôi chỉ có thể sử dụng tay mặt để giữ mảnh băng, nhưng tay này phải giữ cần điều khiển. Tôi kéo mảnh băng thứ hai để đắp, nó lại bay mất khi tôi vừa lấy tay ra. Mảnh thứ ba và bốn cũng vậy. Tôi phải làm gì đây? Tôi hầu như rối loạn. Cơn đau gia tăng dữ dội hơn.

Tôi còn một chiếc khăn quàng bằng lụa quấn quanh cổ. Tôi tháo ra và đè một chéo dưới đùi bên mặt để gió khỏi cuốn đi. Sau đó tôi rút con dao bỏ túi dùng răng kéo lưỡi dao ra. Tôi cắn chặt một chéo của khăn quàng và cắt một đoạn, nhưng bị gió cuốn bay mất lập tức. Tôi không biết làm sao. Tuyệt vọng. Tôi cuống cuồng tìm giải pháp. Chỉ còn một đoạn khăn quàng.

Tôi khom người về phía trước để tránh gió, và bắt đầu nhét đoạn khăn vô bên trong chiếc nón phi hành ngay chỗ vết thương. Thành công. Tôi ngồi thẳng dậy và đưa chiếc phi cơ vượt lên. Cơn đau dịu xuống nhanh chóng. Máu ngưng chảy. Nhưng cơn buồn ngủ lại ập đến, tôi xô đuổi cách mấy cũng không được. Hơn một lần tôi chợp mắt, cằm gục xuống ngực. Tôi lắc lắc đầu, hy vọng cơn đau sẽ làm tôi tỉnh táo. Chiếc phi cơ đâm đầu xuống mấy lần. Cơn buồn ngủ vẫn không xua đuổi được khiến tôi nổi giận. Tôi đưa tay tát vào má thật mạnh nhiều lần. Tôi không thể tiếp tục lối này mãi được. Tôi sớm cảm chất máu mằn mặn. Má tôi sưng phù thêm, không khác nào ngậm một trái banh trong miệng. Nhưng không có cách nào khác hơn, tôi tiếp tục tát vào má nữa. Có lẽ thức ăn sẽ thắng cơn buồn ngủ. Tôi lôi hộp thức ăn ra và nhét bánh mặn đầy miệng. Tôi lại cảm thấy buồn ngủ hơn bao giờ hết. Tôi nhét thêm thức ăn vô miệng nữa, nhai thật kỹ trước khi nuốt.

Lát sau, tôi nôn mửa dữ dội làm chiếc phi cơ mất kiểm soát khi tôi vặn vẹo thân thể trong cơn nôn. Thức ăn tung toé đầy trên chân tôi và trên tấm bửng dụng cụ. Ngay cả sự khổ sở mới này vẫn không xua đuổi nổi cơn buồn ngủ ùa đến. Tôi lại tát má liên hồi cho đến khi không còn cảm giác nào nữa. Trong lúc tuyệt vọng, tôi đưa tay đập lên đầu, nhưng cũng vô ích. Tôi muốn ngủ! Ồ! Hãy cứ ngủ đi, quên mọi chuyện…
Chiếc phi cơ chao qua chao lại, bay xiên xẹo. Tôi cố giữ cần lái một mực, không biết rằng nhiều khi tay tôi rớt xuống bên trái hoặc bên phải khiến cho phi cơ xoay vòng dữ dội. Tôi sẵn sàng bỏ cuộc. Tôi biết không thể giữ mãi tình trạng này mãi mãi. Nhưng tôi nguyện với lòng sẽ không chết như một tên hèn nhát, bằng cách chúi xuống biển, ít ra tôi phải chết như một Samurai. Cái chết của tôi phải lôi theo nhiều kẻ thù.

Một chiến hạm. Tôi cần một chiến hạm địch để lao xuống. Thoát ra khỏi cơn tuyệt vọng tràn ngập, tôi quay chiếc Zéro hướng về Guadalcanal. Nhiều phút sau đó tôi tỉnh táo trở lại. Không còn buồn ngủ nữa. Không còn đau đớn nữa. Tôi hiểu hành động của mình. Nhưng tại sao lại chết bây giờ, nếu tôi có thể bay đến Buka hoặc ngay cả Rabaul? Tôi lại quay hướng chiếc Zéro và bay về phía Bắc. Một vài phút sau đó tôi lại muốn thiếp ngủ. Trí óc tôi u mê. Thế giới quanh tôi mù mịt. Tôi lại quày phi cơ, hướng về Guadalcanal. Quày đi quày lại năm lần như vậy. Tôi bắt đầu la khan nhiều lần. “Hãy thức tỉnh!”. Dần dần cơn buồn ngủ biến mất. Tôi nhắm hướng Rabaul. Hiển nhiên là nếu cứ bay về phía Bắc thì không gì bảo đảm tôi sẽ về tới căn cứ. Nhưng tôi không định nổi vị trí. Tôi chỉ biết nhắm hướng Rabaul một cách tổng quát. Tôi biết tôi ở phía Bắc Guadalcanal, nhưng không biết khoảng cách bao xa. Tôi nhìn xuống biển, nhưng không tìm ra một hòn đảo nào trong chuỗi đảo trải dài đến Rabaul. Chỉ chân mặt của tôi còn đạp bàn đạp điều khiển bánh lái được, như vậy chiếc phi cơ có thể đã xoay về phía Ðông của quần đảo Solomon.

Xem thêm:   Tuyết lạnh bên trời

Tôi rút tấm hải đồ dưới ghế ngồi. Nó vấy đầy máu. Tôi nhìn hồi lâu, chà tấm hải đồ lên quần để tẩy mấy vết máu, nhưng vô ích. Tôi cố định vị trí bằng cách nhìn mặt trời nhưng vô ích. Cả ba mươi phút trôi qua vẫn không có một hòn đảo nào xuất hiện. Có cái gì không ổn? Tôi hiện ở đâu? Bầu trời trong sáng hoàn toàn và đại dương trải dài vô tận.

Một hòn đảo! Cuối cùng, một hòn đảo, ngay trước mặt tôi. Nó ở mãi phía chân trời, nổi lờ mờ trên mặt nước. Phấn kích, tôi cười khan. Bây giờ, mọi việc yên rồi, tôi có thể định vị trí và chắc chắn tôi đang hướng về Rabaul. Tôi bay và tiếp tục bay, bồn chồn dõi mắt tìm kiếm bờ biển.

Hòn đảo biến mất. Nó đâu rồi? Tôi không nằm mơ chớ? “Hòn đảo” đang trôi qua bên phải tôi, đó là một đám mây sà thấp!

Tôi cố gắng xem lại la bàn. Tôi không thể nào đọc được những con số. Tôi cúi mọp về phía trước, mũi hầu như chạm vô mặt kiếng la bàn. Cuối cùng tôi đọc được. Tôi đang bay ở hướng 330 độ. Gần hai tiếng đồng hồ tôi không nhìn thấy hòn đảo nào cũng phải. Chiếc Zéro đang tiến ra trung tâm Thái Bình Dương! Soát lại hải đồ, tôi biết vị trí của tôi cách phía Ðông Bắc quần đảo Solomon 60 dặm. Chỉ phỏng đoán, nhưng đó là điều tốt nhất mà tôi có thể làm. Tôi xoay chiếc phi cơ về phía trái 90 độ và hướng đến một nơi mà tôi hy vọng là đảo New Ireland, nằm phía Ðông Bắc New Britain và Rabaul.

Những lượn sóng buồn ngủ lại phủ chụp lấy tôi. Nhiều lần làm tôi hoảng hốt giữ thăng bằng khi chiếc phi cơ đảo cánh hoặc lộn ngược. Tôi bay chập choạng xuyên qua bầu trời, lâu lâu cúi về phía trước xem la bàn, điều chỉnh hướng bay cho đến khi tôi chắc chắn phi cơ đang tiến đến New Ireland.

Nhưng bỗng nhiên cơn đau trên đầu gia tăng khiến tôi không còn buồn ngủ nữa. Rồi thình lình tôi tỉnh táo hẳn. Không một dấu hiệu báo trước, chiếc phi cơ tắt máy. Tôi biết bình xăng chánh đã cạn. Tôi còn một bình xăng phụ, nhưng phải mất một thời gian ngắn để chuyển qua. Khi mở nút chuyển tiếp xăng phải làm nhanh chóng và chính xác. Thông thường, công việc này tôi sử dụng tay trái và không có gì khó khăn. Nhưng hiện thời tay trái tôi đã liệt hẳn. Tôi phải sử dụng tay mặt, nhưng với qua phía bên kia phòng lái không tới.

Chiếc Zéro tắt máy rớt xuống biển chầm chậm và êm ái. Tôi cố gắng hết sức cuối cùng mở được.

Xăng không chảy qua ống, vì ống quá lâu nên đã thoát hết không khí. Tôi vội vã sử dụng bơm tay, dự trù cho trường hợp bất ngờ. Hiệu quả tức khắc. Với một tiếng rồ nhẹ, máy chạy trở lại và chiếc Zéro lướt êm về phía trước. Không phí một giây nào, tôi trở lên cao độ 500 thước.

Phi cơ bay chầm chậm. Tôi chỉ còn trong tay không đầy hai giờ nhiên liệu để đáp xuống hòn đảo do Nhựt chiếm đóng. Không đầy hai giờ, tôi sẽ sống hoặc chết.

Một giờ trôi qua… Trước mắt tôi vẫn chỉ là biển cả bao la và bầu trời xanh thăm thẳm. Thình lình tôi thấy một vật gì nổi trên mặt nước. Một hòn đảo! Lần này không lầm nữa, không phải là một đám mây trước mắt. Nhứt định là một hòn đảo. Hòn đảo Xanh, hòn đảo san hô có hình móng ngựa mà tôi đã để ý trên đường bay đến Guadalcanal sáng nay. Tôi soát lại bản đồ. Hy vọng tràn trề… Tôi chỉ cách Rabaul 110 km!

Sáu chục hải lý. Thông thường chỉ là một cái nhảy ngắn. Nhưng tình trạng hiện thời đầy bất thường và đang tồi tệ thêm. Tôi chỉ còn đủ xăng để bay trong vòng 40 phút. Chiếc Zéro lại bị hư hại trầm trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến tốc lực. Tôi bị thương nặng, tê liệt một nửa thân, mắt bên mặt mù hẳn và mắt trái nhìn thấy không rõ lắm. Tôi đã kiệt sức, và tôi phải tận dụng hết năng lực để giữ chiếc phi cơ thăng bằng.

Một hòn đảo khác, ngay trước mắt tôi. Ðây là đảo New Ireland, và phía xa xa là rặng núi cao 2,400 bộ. Vượt qua phía bên kia rặng núi đó, tôi có thể về tới Rabaul.

Tôi đã đâu mặt với hàng loạt chướng ngại vật phía trước khi tiến vô căn cứ nhà. Những đám mây dầy đặc tụ quanh các đỉnh núi, và đột ngột một cơn mưa bão thật dữ dội trút xuống. Dường như khó có thể vượt qua nổi. Kiệt quệ cả tinh thần lẫn thể xác, nửa đui nửa sáng, và trong một chiến đấu cơ hư hại trầm trọng, làm sao tôi có thể vượt qua một cơn mưa bão, nguy hiểm tột cùng ngay cả dưới những tình trạng bình thường?

Xem thêm:   Sân bên Side Yard

Tôi đành bay vòng. Kim đồng hồ chỉ mực xăng của tôi càng lúc càng hạ thấp. Tôi chỉ còn vài mươi phút trên không. Tôi bặm môi và quay về hướng Nam. Chiếc phi cơ bay chầm chậm xuống eo biển George nằm giữa Rabaul và New Ireland. Hai vệt trắng xoá lướt trên mặt nước phía dưới cánh tôi. Tôi thấy hai chiến hạm Nhựt, có vẻ là hai tuần dương hạm hạng nặng, đang xả hết tốc lực chạy về hướng Nam, tức hướng Guadalcanal.
Tôi hầu như ứa nước mắt khi nhìn thấy hai chiến hạm. Tôi muốn chúi phi cơ xuống biển, một trong hai tuần dương hạm có thể cứu tôi. Hy vọng tràn ngập trong tôi. Rabaul lúc ấy hình như cách xa hàng triệu cây số. Tôi quần mấy lần trên hai chiến hạm, sẵn sàng đáp xuống mặt nước.

Tôi không thể thực hiện ý định của mình. Hai tuần dương hạm đang trên đường đến Guadalcanal để chiến đấu. Nếu chúng ngừng lại để vớt tôi lên, việc này không chắc lắm, nhiệm vụ thúc bách của chúng sẽ trì trệ. Không thể đáp xuống biển. (Nhiều tuần lễ sau này tôi mới biết đó là hai tuần dương hạm Aoba và Kinugasa, mỗi chiếc 9,000 tấn đang hướng đến Guadalcanal với tốc lực hơn 33 hải lý một giờ. Cùng với nhiều chiến hạm khác, Aoba và Kinugasa tấn công đoàn công-voa của Ðồng Minh ở Luga, đánh chìm bốn tuần dương hạm cùng gây hư hại cho một tuần dương hạm và hai khu trục hạm khác của địch quân).

Một lần nữa, tôi quay về hướng Rabaul. Ðồng hồ chỉ mực độ xăng cho thấy chỉ còn hai mươi phút bay nữa mà thôi. Tuy nhiên nếu không tiến về Rabaul được, tôi có thể đáp trên bãi biển. Thế rồi hòn núi lửa quen thuộc hiện ra ở chân trời. Ðã đến nơi rồi, Rabaul đã nằm trong tầm mắt.

Tôi phải đáp xuống. Việc này thật khó khăn vô cùng, với một nửa thân thể hoàn toàn tê liệt của tôi. Tôi cố đảo quanh phi trường, do dự, không biết làm gì. Tôi không biết rằng tôi đã bị báo cáo mất tích, tôi cũng không biết rằng tất cả các phi cơ khác đã đáp xuống hai giờ trước đó, ngoại trừ hai chiếc bị hạ ở Guadalcanal. Sau này Ðại úy Sasai nói với tôi ông không tin hai mắt của mình khi nhận ra chiếc Zéro của tôi xuyên qua ống dòm. Ông la tên tôi thật lớn, và tất cả các phi công khác túa ra khắp nơi trên phi đạo.

Lúc này tất cả những gì tôi nhìn thấy được là phi đạo nhỏ hẹp phía dưới. Tôi quyết định đáp xuống mặt nước cạnh bờ biển. Chiếc Zéro xuống chầm chậm. Tám trăm bộ, bảy, bốn rồi một trăm bộ, tôi chỉ còn cách mặt nước năm mươi bộ. Là 15 thước. Tôi lại thay đổi ý kiến. Cảnh máy bay vỡ tan trên biển và cái đầu bị thương của tôi đập về phía trước, là hình ảnh đáng sợ. Tôi khó mà sống sót được.

Tôi vượt lên và quày lại phi đạo ở cao độ 500 m. Lần này hoặc là tôi đáp xuống hoặc là không bao giờ nữa.  Chiếc Zéro hạ chầm chậm khi tôi đẩy cần điều khiển về phía trước. Tôi thả bánh xe. Tốc lực chiếc phi cơ giảm xuống. Tôi nhìn những dãy chiến đấu cơ xếp dài hai bên phi đạo đang xô chạy về phía tôi. Tôi phải tránh đụng các phi cơ đó. Tôi vượt trở lên, vì nhận thấy tôi đã xuống lệch quá xa về phía trái.
Sau khi quần đến lần thứ tư, tôi cố đáp xuống một lần nữa. Dù cho xăng còn rất ít trong bình, chiếc phi cơ vẫn có thể nổ nếu nó va chạm. Hàng dừa trồng ở đầu phi trường lờ mờ trước mắt tôi. Tôi lướt phía trên và cố điều chỉnh độ cao của tôi bằng những ngọn dừa này. Bây giờ… tôi đã ở trên phi đạo. Một cái xóc thật mạnh khi bánh xe chạm mặt đất. Tôi kéo ngược cần điều khiển và ghì chặt với tất cả sức mạnh để giữ cho chiếc phi cơ khỏi chạy xiên vẹo. Chiếc Zéro lao bánh và ngừng lại gần Bộ Chỉ Huy. Tôi cố mỉm cười, một làn sóng đen thẫm phủ chụp lên tôi.

Tôi cảm thấy như bị rớt chìm xuống đáy một hố sâu vô tận. Mọi vật hình như đều xoay tít dữ dội. Tôi nghe những tiếng thét gọi tên tôi vang lên xa xa. “Sakai! Sakai!” Tôi rủa thầm. Tại sao họ không giữ im lặng? Tôi muốn thiếp ngủ.

Màu đen biến mất. Tôi mở mắt ra nhìn thấy nhiều khuôn mặt bao quanh. Tôi đang nằm mơ, hay tôi đã thật sự trở về Rabaul? Tôi không biết. Mọi thứ đều không thật. Tất cả đều là mộng mị. Tôi chắc vậy. Những gì tôi đang thấy không thể là sự thật. Mọi thứ lại tan thành những lượn sóng màu đen sẫm trộn với những tiếng la lớn.

Tôi cố gượng dậy. Tôi bám vào buồng lái và cố đứng lên. Ðây là “Rabaul”. Cuối cùng, không phải là mộng mị. Thế rồi tôi ngã quỵ xuống hẳn. Không còn sức lực. Những cánh tay mạnh mẽ nhấc bổng tôi ra khỏi phi cơ.

Tuần sau: Chương 19

Gặp lại Hatsuyo trong thương tích

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles, Nxb Presses de la Cité, 1957

Minh họa từ trang War Thunder và Squadron Signal Publications