“Flying Ace” trong tiếng Anh hay “As” trong tiếng Pháp là một thuật ngữ ám chỉ những phi công lập chiến tích bắn hạ nhiều máy bay đối phương. Tiếng Việt XHCN dịch là “phi công Ách chủ bài”. Trước 75 trong Nam, Nguyễn Nhược Nghiễm dịch là “Sát tinh”, một lối dịch uyên bác và không thô thiển.

Làm cách nào xác định việc một phi công bắn rơi một máy bay địch? Vào thời kỳ chưa có camera, radar satelite, chiến tích phải được chứng nhận bởi ít nhất hai phi công khác với điều kiện máy bay đối phương phải phát nổ hoặc đâm xuống biển. Trường hợp máy bay địch trúng đạn, bốc khói nhưng không rơi, không tính.

Saburo Sakai được công nhận bắn hạ chính thức 64 phi cơ Đồng Minh, đứng thứ 5 ở vị trí sát tinh oanh liệt và là phi công nhiều chiến thắng thứ nhì còn sống sót của Nhật Bản. So với Không quân Đức, thành tích của Sakai có vẻ khiêm tốn bên cạnh Erich Hartmann đã bắn hạ 352 máy bay Nga… Tuy nhiên Sakai vẫn được xem là phi công lỗi lạc, chính vì ngoại trừ 3 phi cơ Nga đầu tiên bắn hạ trên đất Trung Hoa, tất cả những chiến công còn lại của Sakai đều là những chiến đấu cơ tối tân của Anh và Hoa Kỳ. Trên bảng trận liệt, phi công Mỹ tài ba nhất là Thiếu tá Richard Bong chỉ ghi được 40 chiến thắng. Không phải vì phi công Mỹ kém tài nhưng vì tần suất phi vụ ít hơn rất nhiều so với phi công khối Trục, do Không quân Hoa Kỳ nhiều phi công và nhiều máy bay, cũng như lịch công tác luôn được cách quãng với các hoa tiêu liên tục luân chuyển nhằm giữ thể chất, sức khỏe và sự minh mẫn.

Vào thời điểm tháng 3-1942 khi nhận lệnh ra căn cứ Rabaul, Sakai đã dần trở thành một Sát tinh. Chỉ riêng trong các trận Java và Bornéo trên không trung Nam-Dương (Indonesia), Sakai đã hạ 13 máy bay Anh, Úc và Hòa Lan, thêm vào 6 máy bay Mỹ bắn rơi ở Phi Luật Tân. Thành tích này khiến anh bắt đầu được thượng cấp chú ý.

Ở vị trí tiền tuyến cực Nam của Nhật Bản, Rabaul là thủ phủ của New Britain, một đảo nằm sát New Ireland, thuộc cai quản của Úc trong khuôn khổ Khối Thịnh Vượng Chung. Chiếm Rabaul, kế hoạch của Nhật là dùng Rabaul làm trạm xuất phát đánh chiếm Lae trên đảo New Guinea, rồi từ Lae không kích Port Moresby là pháo đài cuối cùng chống giữ Úc châu.

The Royal Australian Air Force (RAAF) và The Fifth Air Force (USAAF) sẽ tung các Fighter Squadrons, Pursuit Squadrons và Bombardment Squadrons tấn công phi đoàn (*) của Sakai để bảo vệ Queensland. Những chương sắp đến, là thời gian hiển hách nhất của Sakai.. [Trần Vũ]

(*) Đơn vị gốc của Sakai là Không đoàn Đài Nam bao gồm Liên Phi đoàn Hán Khẩu, Liên Phi đoàn Đài Nam và Liên Phi đoàn Đông Dương. USAAF phân biệt Fighter Squadron là Phi đoàn Khu trục nhằm tấn công chiến đấu cơ đối phương và Pursuit Squadron là Phi đoàn Săn giặc (Interceptor) đánh chặn oanh tạc cơ địch.

Nguyễn Nhược Nghiễm dịch thuật

Ðầu tháng 3 năm 1942, 150 phi công của Không đoàn Ðài Nam trú đóng rải rác trong một khu vực rộng lớn ở Phi Luật Tân và Nam-Dương được tập trung về Bali, phía Ðông Java. Việc chiếm giữ toàn thể xứ Nam-Dương hình như không còn xa nữa. Một đại đội bộ binh Nhựt là lực lượng trấn đóng cả hòn đảo Bali. Nói “chiếm đóng” không mấy thích hợp vì dân bản xứ tỏ ra thân thiện với chúng tôi. Bali giống như một thiên đường với khí hậu tuyệt diệu cùng cảnh sắc tươi đẹp. Tôi chưa từng thấy một nơi nào như vậy ở Thái Bình Dương. Cây cối xanh ngắt vây lấy sân bay và chúng tôi thích thú tìm ra nhiều nguồn suối nước nóng. Thời gian này ít phi vụ nên mỗi chúng tôi tận hưởng những thú vui cá nhân cho riêng mình.

Một buổi trưa, đang trong câu lạc bộ chúng tôi bỗng nghe vang lên tiếng cánh quạt của một phi cơ lớn, có vẻ như đang đến gần phi đạo. Một phi công đang đứng sát cửa sổ, quay lại, trợn mắt la lớn: “Báo động! Oanh tạc cơ B17!” Chúng tôi liền nhào ra ngoài và bàng hoàng. Không sai chút nào. Ðúng là một pháo đài bay B17 khổng lồ đã thả bánh xe, bật liếp thắng, giảm tốc độ và bắt đầu hạ cánh. Tôi dụi mắt vì quang cảnh thực khó tin. Chiếc B17 đến từ đâu? Một khoảnh khắc sau, chiếc máy bay 4 động cơ to đùng đã chạm đất. Các bánh xe tung xốc lên với tiếng phanh rít chói tai. Cả nhóm chúng tôi đồng loạt nhảy xổ đến, cực kích động vì sắp có thể khảo sát tường tận mọi chi tiết của chiếc máy bay bất ngờ rơi vào tay.

Một tràng đại liên nổ vang khi đó, khiến chúng tôi phải nằm bẹp gí xuống đất. Ðơn vị phòng không Nhựt đang khai hỏa! Chiếc B17 chưa hoàn toàn bị bắt sống. Phi công địch đáp nhầm căn cứ và một tên đần đã cho cao xạ bắn liên thanh trước khi máy bay địch dừng hẳn. Khẩu trọng liên chưa kịp nhả hết băng đạn thì 4 động cơ đã rú lên như sấm. Phi công địch xả hết tốc lực, chiếc máy bay tăng gia tốc làm tung mù bụi rồi bất thình lình nhấc bổng lên không và biến mất trong mây.

Oanh tạc cơ Martin B26 Marauder

Chúng tôi đứng như trời trồng, chua chát và choáng váng như vừa bị đấm. Ông trời vừa ban tặng cho chúng tôi một pháo đài bay mới tinh, vậy mà một tay xạ thủ đại xuẩn ngốc đã quá nóng nảy cướp đi may mắn kỳ diệu này! Nhiều kẻ nóng tính trong chúng tôi, không còn kềm chế được nữa, hét vang: “Ð.M, mấy thằng chó đẻ bắn cái gì vậy?” Sự giận dữ này là do lúc ấy tất cả các phi công chúng tôi đều xem loại pháo đài bay này là con mồi quý giá nhứt.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (03/28/2024)

“Ai chó đẻ?” Một trung sĩ của cánh cao xạ bất bình, tiến ra. Viên trung sĩ gầm lên: “Chuyện gì? Ðây là phi cơ địch. Mệnh lệnh là bắn hạ máy bay địch chứ không tiếp đón bằng nghi lễ!”

Chúng tôi đã phải ngăn những đồng đội quá phẫn uất, đã muốn chém đứt đôi viên trung sĩ ngay tại chỗ. Một trung úy đội trưởng Phân đội Phòng không chạy đến. Sau khi nghe chuyện, viên trung úy cúi gập lưng xin lỗi với đầy lúng túng…

Tuần lễ trôi qua, sự căng thẳng giữa phi công hải quân và binh sĩ phòng thủ gia tăng mạnh mẽ. Chúng tôi không có phi vụ chiến đấu nào trong giai đoạn này, do đó chúng tôi dễ sanh ra bực bội. Tình trạng này bùng vỡ vào một đêm khi Trung sĩ Honda đánh nhau với hai binh sĩ bộ binh. Tôi can Honda, nhưng vô ích. Thêm nhiều binh sĩ khác ùa vào, Honda bất chấp. Vừa lúc ấy viên trung úy bộ binh hôm trước bước ra can thiệp, đuổi lính của ông ta về doanh trại. Không nói một lời nào với chúng tôi, nhưng tôi nghe ông ta chửi rủa: “Ðồ ngu, các anh ở đây là để đánh với địch quân, không phải với người cùng quê hương xứ sở. Những phi công này, mỗi người đều là một Samurai, họ không thích làm gì khác hơn là đánh nhau.”

Sáng hôm sau viên trung úy bước vô câu lạc bộ. Trái với dự đoán của chúng tôi, ông ta mỉm cười nói: “Thưa quý vị, tôi hân hạnh báo tin cho quý vị biết quân phòng ngự ở Bandung đã túm được một chiếc B17 còn nguyên vẹn, có thể bay được.”

Chúng tôi ồ lên vui vẻ: Một chiếc B17 có thể bay được! Viên trung úy khoát tay: “ Không may, Ðông-Kinh đã ra lịnh gởi chiếc oanh tạc cơ này về Nhựt lập tức. Tin tức này tôi chỉ nhận được ngay khi chiếc B17 cất cánh bay về quê nhà vào sáng nay.”

Tiếng càu nhàu thất vọng trổi lên khi mọi người nghe tin cuối cùng này. Viên trung úy vội vã nói: “Tuy nhiên tôi bảo đảm với quý vị là tôi sẽ cung cấp cho quý vị tin tức càng nhiều càng tốt về chiếc phi cơ bị bắt giữ này.”

Chúng tôi không chút ảo tưởng nào; sẽ không bao giờ chúng tôi còn biết tin về chiếc B17 bị bắt sống; giữa Hải quân và Lục quân, bàn tay trái không khi nào biết bàn tay mặt làm gì!

Một tuần lễ trôi qua, chúng tôi vẫn ở trên mặt đất. Ngay cả không khí yên bình ở Bali cũng đè nặng lên chúng tôi. Nếu ở hoàn cảnh khác, có lẽ chúng tôi sẽ vui sướng hưởng sự nhàn rỗi này nhưng chúng tôi đến đây là để chiến đấu. Nhiều năm nay chúng tôi đâu làm gì khác hơn là học hỏi chiến tranh, tất cả những gì chúng tôi muốn là được trả về không trung.

Thế rồi một buổi sáng, một phi công chạy ùa vô chỗ ở của chúng tôi với tin giựt gân. Thật là choáng! Ðó là tin đồn, hình như chúng tôi sắp được gởi trở về Nhựt! Mọi người bắt đầu tính sổ thời gian ở hải ngoại của mình. Tôi tin, cũng như những người khác, một khi về đến quê hương thế nào tôi cũng sẽ được nghỉ phép. Tôi rời Nhựt Bản tháng 5 năm 1938, và ngoài một năm nằm điều trị các vết thương, tính ra tôi đã ở nước ngoài được 35 tháng. Khi nghĩ sẽ được gặp lại gia đình, nỗi nhớ nhà trong tôi bỗng nhiên thống thiết. Tôi dành hết thì giờ vào mỗi buổi chiều để đọc thơ của má tôi và của Fujiko. Họ viết dài dòng về buổi lễ tưng bừng ở quê hương khi Tân Gia Ba rơi vào tay Nhựt, và những buổi lễ chào mừng các chiến thắng liên tục khác của chúng tôi. Cả nước phấn khích với những cuộc chinh phục vũ bão của các lực lượng Nhựt Bản, nhứt là những thắng trận trên không. Tôi mơ ước được gặp lại Fujiko, một cô gái đẹp nhứt trong đời tôi. Với mơ tưởng, nghĩ rằng nàng sẽ trở thành vợ của mình, và tôi cảm thấy chan hòa hạnh phúc. Tin đồn biến thành sự thật. Vào ngày 12 tháng 3, Thiếu tá phi công hải quân Tadashi Nakajima từ Nhựt đến, và cho biết ông sẽ thay thế Ðại úy Eijo Shingo trong chức vụ chỉ huy trưởng phi đoàn. “Ðại úy Shingo được hoán chuyển cùng với một số phi công.” Nakajima nói, “…bây giờ tôi sẽ đọc danh sách những phi công được lịnh trở về Nhựt.”

Mọi người im phăng phắc khi ông bắt đầu đọc. Người đầu tiên không phải là tôi, như tôi đã hy vọng. Người thứ hai cũng không phải. Người thứ ba cũng không. Tôi mất hết tin tưởng khi vị thiếu tá đọc qua hơn 70 tên. Tên tôi không có. Xúc động. Tôi không biết tại sao tên tôi lại bị loại ra khỏi danh sách, trong khi tôi ở nước ngoài lâu hơn mọi người khác.

Xem thêm:   Lễ hội hoa anh đào ở Macon

Sau đó, tôi bước đến vị chỉ huy trưởng và hỏi: “Thưa thiếu tá, tôi biết tên tôi không nằm trong số những phi công về quê hương. Xin phép thiếu tá, thiếu tá có thể cho tôi biết lý do tại sao không? Tôi không tin rằng tôi…”

Thiếu tá Nakajima khoát tay chận lời tôi, mỉm cười: “Không, anh không về xứ với những người khác. Tôi cần anh đi với tôi, Sakai. Chúng ta sẽ đến một căn cứ không quân mới, nơi tốt nhất để đương đầu với đối phương. Ðó là Rabaul, ở New Britain. Từ lâu tôi đã để ý, anh là phi công tài ba nhứt của phi đoàn này, và anh sẽ bay chung với tôi. Hãy để cho mấy người khác đi bảo vệ quê hương, còn chúng ta tấn công Úc châu.”

Câu chuyện kết thúc. Dưới hệ thống chỉ huy của hải quân, tôi không dám hó hé gì nhiều hơn với vị chỉ huy trưởng. Tôi trở về doanh trại, buồn bã, vô vọng gặp lại gia đình và Fujiko. Phải rất lâu sau này tôi mới biết chính nhờ sự ưu ái mà Thiếu tá Nakajima dành cho mình, tôi mới còn sống sót. Tất cả những người về xứ đều được thuyên chuyển đến Hạm đội Hỗn hợp Ðặc nhiệm tham gia trận Midway ba tháng sau đó. Hạm đội này đã bị đối phương đánh tan vào ngày 5 tháng 6-1942. Cả 4 hàng không mẫu hạm Akagi, Kaga, Soryu, Hiryu của chúng tôi đều bị đánh đắm. Nhựt Bản mất 248 máy bay, hầu hết những phi công rời khỏi Bali khi ấy đều thiệt mạng.

Nhiều tuần lễ kế tiếp, tôi sống trong tình trạng tinh thần tồi tệ chưa từng thấy. Tôi cảm thấy đau yếu, chán nản và tuyệt vọng.

Nhiệm sở kế đó của chúng tôi, Rabaul, cách phía Ðông Bali 2,500 dặm là trên 4,000 km. Khoảng cách quá xa đối với sức bay của loại chiến đấu cơ Zéro mà tầm bay không thể quá 3,150 cây số. Thay vì di chuyển nhóm phi công chúng tôi bằng vận tải cơ hoặc thủy phi cơ, hay là bằng chiến hạm có tốc lực mau, chúng tôi đã khủng khiếp khi nhận thấy bị lùa như bầy súc vật xuống một chiếc tàu buôn nhỏ bé, cũ kỹ và suy nhược. Hơn 80 đứa chúng tôi được nhét vô chiếc tàu hôi hám, chạy khập khiễng trên mặt nước với tốc độ 12 hải lý một giờ này. “Lực lượng” bảo vệ chúng tôi chỉ đơn độc một chiếc tàu săn tiềm thủy đĩnh nhỏ bé 1,000 tấn.

Chưa bao giờ tôi cảm thấy phơi lưng trước kẻ thù bằng lúc tôi ngồi trên chiếc tàu đáng sợ đó. Chúng tôi không thể hiểu nổi ý nghĩ của giới chỉ huy cao cấp trong việc này như thế nào. Chỉ cần một trái thủy lôi phóng đi từ một chiếc tiềm thủy đĩnh núp lén hoặc 1 trái bom 500 cân thả xuống từ một chiếc oanh tạc cơ, chiếc tàu mỏng manh này sẽ tan thành hàng ngàn mảnh. Một việc không thể tin, nhưng mà có vẻ thật, rằng các vị chỉ huy của chúng tôi muốn thí mạng phân nửa số phi công chiến đấu của phi đoàn Java, đặc biệt là những phi công kinh nghiệm nhứt, bằng một cuộc hải hành khủng khiếp như thế. Bất mãn và rầu rĩ, tôi đâm ra xuống tinh thần và nhuốm bịnh. Tôi nằm mẹp trên giường nhỏ dưới gầm tàu trong suốt hầu hết chuyến đi hai tuần lễ từ Bali đến Rabaul.


Ghi chú quân sự:

Oanh tạc cơ 2 máy Martin B26 hỗn danh Marauder (Kẻ Cướp).

Tránh nhầm lẫn với oanh tạc cơ Douglas B26 Invader bàn giao cho Không lực VNCH.

Phi hành đoàn 7 người

Trọng lượng 17,000 kg

2 x động cơ  1,900 mã lực 

Vận tốc tối đa: 460 km/h

Đường kính: 4,590 km

Trần bay:  6,400 m

12 đại liên 12 ly 7  *  1,800 kg bom


Cuộc hải hành đầy gian nan vất vả. Trời oi bức không thể chịu đựng nổi. Suốt cả tuần không ai khô ráo. Mồ hôi cứ đổ ra như tắm. Mọi phi công đều lâm bịnh. Sau khi vượt qua đảo Timor từng thuộc Bồ Ðào Nha, do lực lượng của chúng tôi chiếm giữ, chiếc tàu hộ tống quay trở về. Bấy giờ bịnh của tôi trở nên trầm trọng. Nhiều khi tôi cảm thấy đang hấp hối. Nhưng ngay cả sự khốn khổ tồi tệ nhứt, cũng có phần thưởng của nó. Ở bên cạnh tôi suốt chuyến đi là một đại úy trẻ tuổi, vừa được bổ nhiệm chỉ huy phi đội của tôi. Ðại úy Junichi Sasai là một trong những người nổi bật nhất mà tôi đã gặp từ trước tới nay. Xuất thân từ Hàn Lâm viện Hải quân Nhựt Bản, giữa ông ta và hạ sĩ quan hiển nhiên là có một sự ngăn cách. Theo hệ thống quân giai nghiêm ngặt của Hải quân, ngay cả khi chúng tôi hấp hối đi nữa, ông ta cũng không cần phải bước vô hầm tàu hôi hám này. Tuy nhiên Sasai lại khác hẳn. Ông không chú ý đến “lề luật bất thành văn” của Hải quân, theo đó, sĩ quan không được thân mật với thuộc cấp. Trong lúc mê sảng tôi la hét, mình mẩy ướt đẫm mồ hôi, hầm tàu chật hẹp xông lên mùi hôi hám khó chịu, Sasai vẫn ngồi bên cạnh giường, tận tâm chăm sóc tôi. Sự ưu ái của ông đã khiến bịnh tôi dần dần bình phục.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Cuối cùng, chiếc tàu lướt vô hải cảng Rabaul, hải cảng chánh của quần đảo New Britain. Tôi nặng nhọc lê thân xuống cầu thang, bước lên bến tàu. Tôi không tin những gì đã nhìn thấy. Nếu Bali là một thiên đường, Rabaul là một địa ngục thực sự. Chúng tôi có một phi đạo nhỏ hẹp và lấm bụi để sử dụng. Ðó là một phi đạo tồi nhứt mà tôi chưa từng thấy ở bất cứ nơi nào. Ngay phía sau phi đạo khốn khổ này là một ngọn núi lửa đầy doạ nạt, vươn cao 700 bộ (200m) trên bầu trời. Cứ một vài phút mặt đất lại rung chuyển và núi lửa gầm lên hồi lâu rồi phun khói dày đặc, lẫn lộn hợp chất phún thạch. Xa hơn nữa là một dãy núi màu xanh mét, trần trụi bóng cây.

Ngay khi xuống tàu, nhóm phi công di chuyển ngay đến sân bay. Trên con đường lấm bụi, chân chúng tôi ngập sâu trong đá bọt và tro than do núi lửa phun ra. Sân bay hoang phế. Bụi và tro dâng cao trong không khí. Hơi thở ngột ngạt vì khí quyển đặc quánh. Những tiếng càu nhàu đầy thất vọng khi các phi công nhận thấy nhiều chiến đấu cơ Claude, bộ phận hạ cánh cố định và buồng lái lộ thiên cổ lỗ nằm giữa bãi đậu.

Tất cả những thứ đó quá nhiều đối với tôi. Tôi phát đau trở lại và ngã quỵ xuống. Ðại úy Sasai đưa tôi vô một bịnh xá chưa hoàn tất, nằm trên một ngọn đồi, cạnh sân bay.

Tôi khám phá sáng hôm sau là Rabaul không phải là một căn cứ tiền tiêu xa xăm hoang vu như tôi đã nghĩ. Mà ngược lại, chính là một trạm trung chuyển quan trọng sẽ ở ngay trung tâm điểm của cuộc chiến phía Nam Thái Bình Dương. Rabaul cách những vị trí tiền phương của Liên quân Úc-Hoa Kỳ không xa. Chúng tôi sẽ nhanh chóng lao vào một trận chiến mới.

Sáng hôm sau nữa, tiếng còi báo động không tập lôi tôi ra khỏi giấc ngủ thiêm thiếp. Qua cửa sổ tôi nhìn thấy 12 chiếc Marauder, oanh tạc cơ hai máy B26, sà thấp trên hải cảng thả nhiều trái bom ngay xuống chiếc Komaki Maru, là chiếc tàu buôn chở chúng tôi từ Bali đến đây. Thủy thủ đoàn chạy tán loạn lên bến tàu và nhảy xuống nước. Trong một vài phút chiếc tàu bốc cháy và chìm dần. Các oanh tạc cơ mang huy hiệu của Úc Ðại Lợi, bấy giờ quay sang tấn công sân bay và các phi cơ đậu trên đó. Các oanh tạc cơ Marauder quay lại ba ngày liên tiếp, xạ kích tất cả những gì di động trên mặt đất. Các cuộc tấn công là những liều thuốc tốt nhất đối với tôi. Tôi xin bác sĩ cho tôi xuất viện ngay lập tức. Tôi muốn đặt đôi tay ngứa ngáy của mình lên cần kiểm soát của một chiếc Zéro trở lại. Vị bác sĩ cười: “Ở đây thêm vài bữa nữa, Sakai. Anh xuất viện để làm gì bây giờ? Không có một chiếc phi cơ nào còn khiển dụng cho anh bay đâu. Khi nào nhận thêm máy bay mới, tôi sẽ cho anh xuất viện.”

Bốn ngày sau, gần bình phục hẳn, tôi rời bệnh viện. Với 19 phi công khác, tôi leo lên một thủy phi cơ 4 máy vừa bay đến vào buổi sáng hôm đó. Chúng tôi sẽ sớm được bay trở lại vì chiếc thủy phi cơ này cất cánh từ hàng không mẫu hạm Kasuga (Ðại Ưng), chiếc tàu có nhiệm vụ chở 25 chiến đấu cơ Zéro mới cho phi đoàn của chúng tôi. Nhưng các cuộc không thám và oanh tạc liên tục của đối phương đã ngăn trở Kasuga chạy vô Rabaul. Chiếc tàu phải đậu ở gần đảo Buka, cách xa đây 200 dặm (370km), và cho thủy phi cơ chở chúng tôi đến đó nhận máy bay.

Hai giờ sau chúng tôi trở về Rabaul, cười đùa như bọn học trò với 25 chiến đấu cơ mới tinh, tất cả đều được võ trang và sẵn sàng lâm trận. Tuy nhiên, một phi cơ thám thính của địch quân đã nhìn thấy các chiến đấu cơ mới của chúng tôi, và nó biến mất trước khi chúng tôi kịp cất cánh.

Rabaul trở nên yên tĩnh, ngoại trừ những cơn mưa tro phún thạch không lúc nào giảm bớt của ngọn núi lửa. Nhiều tuần lễ kế đó, các chiến đấu cơ và oanh tạc cơ Nhựt không ngớt được đưa đến Rabaul. Chúng tôi gom góp năng lực mới cho cuộc tấn công đang xúc tiến, nhằm chống lại Úc Ðại Lợi và hải cảng Moresby. Các kế hoạch của Nhựt Bản, như chúng tôi được nói cho biết, là đánh chiếm toàn khắp vùng Papua New Guinea. Nhưng trước tiên phải khống chế bầu trời bên trên biển Bismarck và biển Solomon.

Kỳ sau: Chương 11

Căn cứ LAE

Saburo Sakai, Đông Kinh 1956

Bản Anh ngữ của Martin Caidin, New York 1956

Bản dịch Nguyễn Nhược Nghiễm, Sàigòn 1972

Trần Vũ hiệu đính theo bản Pháp văn của Robert de Marolles,

Nxb Presses de la Cité, 1957.

Ảnh: Đại úy Junichi Sasai và

tài liệu của tạp chí Guerres et Histoire.