Lời ngỏ: Trong một bài viết cách đây không lâu, tôi có chia sẻ với độc giả ý nghĩa ngày 30/4 đối với riêng cá nhân tôi có tầm quan trọng như thế nào. Lúc đầu, tôi chỉ muốn nhắc đến ngày ấy của năm 1979 đã đóng lên Curiculum Vitae của tôi con dấu “Boat people”. Thoạt tiên, tôi chỉ có ý định kể lại, viết xuống những gì mình còn giữ lại được trong ký ức về hòn đảo đã cưu mang chị em chúng tôi nói riêng và ít nhất trên 80 ngàn người vượt biển giữa 1978-1984 nói chung. Không biết sao, ký ức và suy tư đã đưa tôi đến khúc đoạn trước đó, bắt đầu từ 30/04/1975. Thế nên tôi vẫn “nợ” với quý bạn đọc và các thế hệ sau. Cũng không đúng hẳn! Thực ra là “nợ” với chính tâm nguyện của cá nhân: chỉ muốn ghi lại một giai đoạn khó quên trong cuộc đời riêng và lịch sử Việt Nam nói chung, cho hậu thế có vài tư liệu nếu còn muốn tìm hiểu.
Bây giờ là thời đại của Google và Wikipedia, ai muốn biết về bất cứ điều gì chỉ cần gõ vài chữ là hiện ra biết bao nhiêu thông tin, nhưng tôi không muốn viết kiểu như những thông tin đó. Tôi muốn ghi lại những gì mình thấy và cảm nhận, với con mắt và trái tim của một thiếu niên 13 tuổi. [Kim Nguyễn]
Kim Nguyễn
Buổi sáng 30/4/1979, tàu Mã Lai đưa chúng tôi đến trại tị nạn Pulau Bidong. [Trước đó vài tuần, tàu chúng tôi cập bến một hòn đảo nhỏ khác tên Pulau Pinang. Đây là câu chuyện khác, dịp nào đó, nếu có người muốn đọc, tôi sẽ có một bài viết riêng].Tôi nhớ hôm đó biển êm, trời trong xanh không một gợn mây nên mặt biển cũng xanh mướt. Màu xanh đó một lần nữa lại đập vào mắt tôi khi chiếc tàu Mã Lai đưa chúng tôi đến gần. Cơ man nào là những đốm màu xanh da trời, trải dài khắp bờ biển, lan rộng lên tuốt luốt sườn đồi trên cao! Mãi sau này tôi mới biết đó là các tấm nylon màu xanh dương đậm, khá dầy, đủ sức che mưa, nhưng rất khiêm tốn trong việc che nắng (!), người ta dùng để làm mái che cho các “nhà” để tạm cư.
Tàu đưa chúng tôi đến đậu tại một cây cầu bằng gỗ, vươn dài ra ngoài biển mà sau này tôi mới biết nó tên là “Cầu Supply”. Đi dần vào trong, tôi … hết hồn, cứ phải đăm đăm nhìn xuống. Chẳng phải vì tôi còn say sóng hay vì Cầu Supply khấp khểnh khó đi, mà vì … Trời đất ơi! Thanh niên trai tráng đâu mà nhiều quá vậy? Mà ai cũng ở trần, mặc mỗi cái xà-lỏn, vài người tóc dài thậm thượt như … hải tặc Thái Lan chúng tôi mới gặp cách đây không lâu! Mãi sau tôi mới dám len lén nhìn lên, vẫn còn mắc cỡ vì không quen nhìn đàn ông con trai trong mỗi cái quần xà-lỏn! Phần đông ai nấy da ngăm đen nên cứ làm tôi liên tưởng đến hải tặc, nhưng họ đang cười toe toét, khoe hàm răng trắng bóc. Một số thanh niên đó hỏi có cần khiêng phụ giúp gì không? Mỗi đứa chúng tôi cũng như mọi người khác đâu có vật dụng nhiều, chỉ có vài bộ quần áo gói trong bao vải, nên chúng tôi cám ơn, không nhờ vả gì; đành phụ lòng các nam nhân đó vậy. Nhưng cũng có vài ông bà cụ già cũng như các gia đình có em nhỏ, họ rất biết ơn lòng tốt bụng của người đồng hương không quen biết.
Chúng tôi được đưa đến một khoảng đất rộng, nền đất cứng và sạch sẽ, chắc được nhiều người đi qua lại nên không còn một cọng cỏ, được nén chắc nịch vì đang là mùa nắng, nên đi lại rất dễ dàng. Sau 5 ngày lênh đênh trên biển và gần 4 tuần ở đảo nhỏ trước đó, lần đầu tôi mới có lại cảm giác vừa vui vừa hơi sờ sợ, vì đảo đông người ghê lắm. Vui vì nghe thật nhiều tiếng Việt lao xao, thấy kỳ kỳ vì thanh niên ai nấy đều ăn mặc “nhẹ ký” như tôi đã nói lúc nãy. Họ cười nói, ồn ào, đi qua đi lại và nhìn chúng tôi. Sau này tôi mới hiểu họ nghe có tàu Mã Lai đưa người đến nên chạy ra xem, biết đâu gặp lại người thân hay bạn bè.
Gần trưa, chúng tôi được Ban điều hành trại lập danh sách, ghi tên chúng tôi để báo cho Cao Ủy Tị Nạn. Đây cũng là lần đầu tiên tôi nghe đến 4 chữ này. Chỉ mơ hồ hiểu rằng mình bây giờ là “con của Cao Uỷ”, như người trên đảo hóm hỉnh đặt cho mình và gọi nhau như thế. Tôi là út nên khỏi phải làm gì nhiều, đã có các chị lớn lo, chỉ đợi đến phiên mình đứng vô chỗ đã định sẵn, cầm tấm bảng nhỏ như bảng học sinh thời tiểu học, giơ lên trước ngực và nhìn không chớp mắt vào ống kính. (Không hiểu sao mà tôi còn giữ được tấm ảnh trắng đen 4×6 nhỏ xíu đó và đã chụp lại đăng trên bài trước).
Họ dặn chúng tôi lắng nghe thông báo trên các loa được mắc rải rác trên đảo, khi nào kêu tàu KG 0469 xuống khu hành chính để lập hồ sơ tiếp tục xin định cư, cũng như khi được kêu xuống phỏng vấn, thì nhớ đến cho đúng giờ.
Sau đó … mạnh ai nấy đi!
Chúng tôi hết sức bỡ ngỡ vì tưởng sẽ có người dẫn mình đến giao cho một khoanh nhỏ nào đó trong một barrack hay cái chòi nào cũng được. Nhưng không phải vậy! Trên đảo, tự ai nấy phải tìm nơi trú ngụ! Gặp được người quen thì tá túc vài hôm, rồi xoay xở mua lại những căn nhà của người khác ra đi (đã gửi lại cho người quen bán giùm). Hoặc mua những nhà mới được cất, do những người khéo tay, ở lâu trên đảo và có thì giờ lên rừng đốn củi, đem về đóng một chòi nhỏ rồi bán lấy tiền.
Sau 3 ngày, chúng tôi may mắn gặp được người quen từ thời ở Sài Gòn giới thiệu mua lại một căn “nhà” ở khu D, là tuốt trên gần đỉnh đồi, cao lắm. Gọi là “nhà” cho nó oai, chứ nó chỉ có một mái làm bằng tấm nylon màu xanh dương đậm và một bên vách. Phía trước và sau không có cửa và bên hông sát với nhà bên kia cũng không có vách ngăn! Người quen trấn an chúng tôi mai mốt anh sẽ giúp dựng lên cái vách, còn bây giờ ở chỗ này khá rộng, đủ cho 6 chị em. Chúng tôi phải chọn khu D, tuốt luốt trên cao vì nhà trên đó rẻ hơn các nhà dưới khu A và B là khu gần Ban hành chánh và gần bờ biển, không phải trèo cao. Nghe nói có những người còn phải đi xa hơn như khu F và khu G. Người quen còn đùa nói ở lâu rồi sẽ thấy thích, vì nhìn xuống thấy mặt biển và có cần “đi thăm lăng Bác” không phải lội bộ xa. “Đi thăm lăng Bác” là từ mới trên đảo họ đặt ra để tả công việc … đại tiện mà ai cũng cần làm. Sáng tạo và hài hước hết chỗ chê!
Để đi đến miền “đất thánh” đó chúng tôi chỉ cần leo đồi thêm độ 200m, đi qua những căn nhà cuối xóm là bắt đầu đến một bãi đất mà chúng tôi phải cẩn thận, nhắc chừng nhau coi chừng đạp “mìn”. Vì cũng hay mắc cỡ nên chị em chúng tôi luyện tập cho mình sao có một nhịp sinh lý đều đặn, đợi được đến chiều tối chạng vạng rồi cùng nhau đến đó “thi hành nhiệm vụ công dân” hay làm “Big business”(Chữ của chúng tôi). Chúng tôi phải canh sao đi cho sớm, trời chưa tối lắm để còn thấy đường, nhưng lúc đó muỗi lại bắt đầu vo ve, thi nhau ùa ra tấn công! Buồn cười, chị tôi nảy ra sáng kiến đem theo nhang muỗi. Thế là mỗi đứa cầm trên tay một vòng nhang muỗi màu xanh lá cây, đã được mồi trước. Có lần có người từ trong nhà nào đó gọi ra chọc ghẹo: “Mấy cô lén Ba Má đi hút thuốc há?”
“Big business” lần hồi cũng quen. Thao tác cho “small business” cũng cần tập luyện. Số là mỗi nhà đều tự xây cho mình một “phòng tắm” riêng. Các “phòng” đó lớn như nhà Dixi (bên đây người ta hay mướn cho thiên hạ xài vào những đại hội văn nghệ Festival v.v.) Phòng tắm của chúng tôi cũng vậy, là những thanh cây đóng tạm bợ trên một khung gỗ hình vuông, gác lên trên một hố sâu độ chừng 1m, vách xung quanh được quây bởi những bao tựa như bao gạo được cắt ra. Khi dọn vô, phòng tắm đó 4 vách chỉ còn độ … 3 rưỡi và không cao quá đầu người bao nhiêu. Chúng tôi phải khéo léo “ngồi trông hướng” sao cho khỏi mang tiếng “công xúc tu sỉ”.
“Ngồi trông hướng” đã xong, “ăn trông nồi” dễ dàng hơn nhiều. Vì trong nồi chúng tôi quanh năm chỉ có 3 món: gà, cá hoặc đậu. Đó là 3 món thường trực trong bọc Supply. Ngoài ra, trong đó còn một bọc gạo và một gói bánh khô, vị mặn như bánh Ritz ngày xưa, hoặc một bao mì gói. Bọc Supply là một túi nylon lớn, một mặt in chữ UNHCR màu xanh dương, một mặt có hình trăng lưỡi liềm màu đỏ và hàng chữ tôi không nhớ rõ nữa. Tôi được học chữ UNHCR có nghĩa là “United Nations High Commission for Refugees, còn chữ kia có nghĩa là “Hội Trăng Lưỡi Liềm Đỏ”. Hình cái lưỡi liềm mang màu đỏ làm tôi lúc đầu cũng hơi sờ sợ vì nó làm tôi nhớ đến một cái lưỡi liềm khác. Nhưng may quá, nó đứng một mình, không đi chung với một cây búa màu đỏ. Vả lại, nó cho mình đồ ăn thì chắc dễ chịu và dễ thương với mình? Sau này tôi mới hiểu vì Mã Lai là xứ theo Hồi giáo nên cơ quan thiện nguyện tránh không dùng dấu hiệu chữ thập rất đặc thù cho đạo Thiên chúa giáo. [Bây giờ tôi rõ hơn: IFRC là “International Federation of Red Cross and Red Crescent Societies” có nghĩa “Hiệp Hội Quốc Tế Hồng Thập Tự và Trăng Lưỡi Liềm Đỏ”].
Trở lại các bịch Supplies. Chúng tôi đã “quen mặt” chúng sau 4 tuần ở bên đảo nhỏ trước đó. Thời gian đầu, ai cũng thích được ăn bánh, nhưng chỉ vài tuần sau lại mong được nhận mì gói vì dễ ăn hơn, vì mì gói cũng cho ta được nước như món canh vậy. Ở đảo, có quen biết với người trong đội ngũ phân phối, có “connections”thì có thể đổi lấy bọc Supply trong đó có mì gói!
Nước uống chúng tôi cũng được họ phân phối. Một tuần một lần, hễ nghe loa phóng thanh kêu đến tên tàu của mình thì xuống lãnh nước từ các contain lớn họ chở tới từ Trenganu là thành phố lớn từ đất liền. Tội nghiệp 2 chị lớn phải sắm một can nước có lẽ 20 lít, lùa một cây gỗ vào dưới chỗ tay cầm để chia sức nặng ra 2 đầu, rồi đặt trên vai và ì ạch khiêng từ dưới bãi biển lên đến nhà tận trên sườn đồi cao. Lãnh supplies thức ăn cũng do 2 chị lớn khác đảm nhận. Chị kế tôi lãnh phần nấu cơm, còn tôi là út được giao phần rửa chén bát. Thế là 6 chị em tự chia nhau những công việc trong nhà. Trước khi đến đảo, chúng tôi đã được “huấn luyện” vì sau năm 75, Mẹ tôi phải cho các chị người làm về quê hết. Nuôi bấy nhiêu miệng ăn đã quá vất vả, sức đâu và gan cóc tía đâu mà dám giữ người làm ở nhà? Vì các ông bà “tổ chảng” của tổ dân phố dòm ngó rất kỹ, rất có thể dễ dàng đánh giá là “tiểu tư sản”. Tuy vậy, chị kế của tôi trước giờ chưa từng phải đứng bếp, thế mà chỉ sau vài tuần cũng nấu được nồi cơm không nhão, không khét, lại bằng củi mới tài tình! Nói chung, tội nghiệp nhất là các chị phải gánh nước uống và thức ăn từ dưới khu A lên khu D.
Lúc nãy tôi có nhắc qua đến phòng tắm dã chiến mà nhà nào cũng có. Tháng đầu tiên đặt chân lên đảo còn mùa nắng nên cả đảo lên cơn sốt vì khan hiếm nước để tắm rửa và giặt giũ. Các giếng nước cạn queo! Các “nhà giàu” có giếng nước riêng không dễ dàng chia sẻ cho những nhà nghèo như chúng tôi được nữa. Chúng tôi phải chia nhau đi các nơi, năn nỉ thì được độ nửa xô nước. Nên chúng tôi cũng chế ra được một cách vừa gội đầu, tắm rửa và giặt quần áo bằng … nửa xô nước mà thôi. Bạn tin tôi đi! Tiến trình tắm giặt như thế này: khi xối nước lên đầu cho ướt tóc thì hứng lại nước đó vào xô. Dùng in ít xà bông cho tóc thôi, rồi xối nước xả xà bông cũng trở ngược vô xô. Rồi mới thay bộ quần áo của mình ra để sang bên, lấy chút nước sẵn xà bông đó để chà xát mình mẩy. Cuối cùng, bỏ quần áo dơ vào trong đó giặt cho sạch, vắt khô, đem phơi! Giờ nghĩ lại khó tưởng tượng được làm sao mà sống? Vậy mà mọi người đều vui vẻ vì dù gì cũng đã đến được bờ tự do.
Sau một thời gian khó khăn nhất vì thiếu nước, rút cuộc trời cũng mưa. Các chủ giếng nước không cần lấy đá đè lên miệng giếng và tối phải thức khuya canh chừng người lạ đến múc trộm nước (!!!) Mọi người thở phào. Đồng thời, khí hậu cũng mát mẻ hơn. Bức vách còn thiếu giữa căn nhà chúng tôi và nhà hàng xóm cũng không được dựng lên nữa vì “để vậy cho có gió mát”. Với thời gian, chúng tôi cũng quen, không thấy kỳ cục, dù hàng xóm bên cạnh là 5 anh độc thân. Các anh đa số dân Cần Thơ, vượt biển chung nên hùn tiền mua nhà ở chung. Trời nóng nên thanh niên ai cũng ở trần, quần xà-lỏn. Khắp đảo đều như vậy nên riết rồi thấy cũng quen!
Tôi nhớ các anh khuyên nhủ chúng tôi đừng khai xin đi Úc vì hiện giờ Úc đổi chiến lược, không nhận các cô gái độc thân nữa mà toàn các thanh niên độc thân. Trước đó độ nửa năm, phái đoàn phỏng vấn của Úc chỉ nhận các thiếu nữ còn độc thân, tuổi đến 30-35 là cùng. Bây giờ thì ngược lại. Vì vậy người trên đảo đặt cho một mỹ danh là “Úc khùng”. Có lẽ tùy vào nhu cầu thị trường bên Úc đang cần sức lao động cho ngành nghề nào chăng ?
Đa số dân tị nạn nào cũng muốn đến Mỹ, nhưng sau một thời gian ai cũng phải suy nghĩ lại, tính toán cho kỹ xác suất được nhận có nhiều hay không, mới nên nộp đơn xin định cư tại Mỹ. Số là Mỹ có một hệ thống nhận định-cư phân chia rất rõ ràng: Ưu tiên # 1 có thân nhân ruột thịt tại Mỹ; #2 dành cho người đã từng làm việc với các hãng xưởng của Mỹ trước 1975; #3 nếu bản thân hoặc có cha mẹ là quân nhân của Việt Nam Cộng Hòa (và bản thân phải dưới 21 tuổi); #4 là … không có gì hết, nếu chịu trận được thì sau 3-5 năm sẽ được nhận định cư theo diện “hốt rác” – một mỹ từ mới dân tị nạn trên đảo Bidong đặt cho!
Ngoài Mỹ và Úc là 2 nước thường xuyên gửi phái đoàn đến phỏng vấn nhận người tị nạn còn có Canada. Nhưng ai cũng kháo nhau Canada lạnh lắm, một năm giá băng hết 9 tháng nên không mấy ai thích đi. Nhưng không biết từ đâu có một thành ngữ khá phổ biến, quảng cáo cho xứ Lá Cây Phong: “Canada: xứ lạnh tình nồng!”
Thời đó hầu như chẳng có phái đoàn nào của các nước Tây Âu như Anh, Pháp, Đức, Hoà Lan, Đan Mạch. Nhưng tôi nhớ có một anh thanh niên hình như gốc người Tây Âu cao lớn, mắt xanh, tóc vàng đến đảo làm thiện nguyện. Anh ta chọn công việc nặng nề, hèn mọn nhất trên đảo: dọn rác rến! Anh làm việc suốt ngày từ sáng đến chiều, tối thì trải chiếu ngủ trên “cầu Supply”. Anh chỉ xin Ban chấp hành trại cung cấp cho anh mỗi ngày đủ 10 thanh niên để đi theo giúp anh dọn rác rến do các người dân thiếu ý thức vứt vô tội vạ, làm nghẹt các ống thoát nước và gây ngập rác tại bờ biển. Hình ảnh “Anh Tây” mắt xanh mũi lõ cũng mình trần, xà-lỏn, cầm bao rác đi thu dọn các “bãi chiến trường” khiến Ban chấp hành trên đảo cũng xốn mắt, nên lập một danh sách tuần tự các tàu phải cung cấp cho Anh Tây đầy đủ nhân lực.
Sau một thời gian, quen công việc nên nhà của chúng tôi lần hồi cũng được vén khéo gọn gàng, sạch sẽ. Với sự giúp đỡ tận tình của người quen từ Sài Gòn, chúng tôi có một cái giường lớn, “phản gỗ” do nhiều cây nhỏ ghép lại. “Nệm” của chúng tôi là vài thùng carton trước đựng Supplies, nay được tháo ra và đè xẹp xuống để nằm. Để có được những thùng carton đó cũng phải có connections với Ban phân phối Supplies đấy nhé!
Về sau, chúng tôi cũng có một cái bàn thấp để ngồi viết lách được trên đó. Sau độ 2 tháng, 2 đứa nhỏ nhất trong nhà được các chị khuyến khích ghi tên học tiếng Anh miễn phí. Tôi nhớ rõ mình được phát một cây viết và một cuốn tập mỏng cũng in hình trăng lưỡi liềm. Một tuần được học 2 buổi. Sau bữa ăn sáng sơ sài, chúng tôi đi bộ xuống khu A. Lớp học chật ních người, đủ mọi thành phần và tuổi tác. Ông thầy đứng ở trước, viết chữ lên bảng rồi cho học sinh ê a đọc lại như trong trường tiểu học. Ghi chép theo rất khó khăn vì ngồi san sát với nhau, chỗ đâu mà để tập, rồi còn viết lách? Tôi còn giữ trong đầu kỷ niệm buổi học đầu tiên ông thầy cứ lặp đi lặp lại câu “Đây là chữ đồng âm dị nghĩa, đồng âm dị nghĩa!” Bây giờ tôi cũng không nhớ 2 chữ nào ông thầy dạy trong tiếng Anh mang tính chất “đồng âm dị nghĩa”!?!
– Bà chị kế tôi không học chung lớp, vì ở Việt Nam chị chọn lớp Pháp Văn, nên bây giờ phải chịu vỡ lòng English for foreigners. Tôi không nhớ chị theo lớp được bao lâu? Chỉ nhớ sau một thời gian ngắn tôi không hào hứng đi học nữa vì lớp quá đông học sinh, hâm hấp hơi nóng của người và người, cũng chẳng luyện được giọng gì hơn là về nhà học với mấy chị! Không có sách vở nên nhớ tới đâu, các chị dạy tới đó. Ngoài ra, học lời trong các bản nhạc hấp dẫn hơn nhiều. Thí dụ bản nhạc “One day, when we were young, a wonderful morning in May…” tôi mau chóng hiểu và thuộc lời ro ro!
Một ngày đẹp trời, chị thứ tư trong nhà nghe trên loa phóng thanh thông báo Ban phát thanh tuyển xướng ngôn viên. Nghĩ sao mà chị tỉnh bơ xuống đó ghi tên! Mới tròn 17 tuổi mà chị được nhận mới “hách xì xằng” chớ! Kể từ đó, mỗi tối chị đi xuống để góp mặt trong buổi đọc tin tức thời sự. Lúc đầu chị tôi là giọng đọc phụ. Giọng chính do một cô người Cần Thơ đảm nhiệm. Cô ấy có giọng đọc thật ngọt ngào, trong trẻo. Liên quan đến giọng đọc đó chúng tôi có một kỷ niệm khó quên: Gần đến lễ Vu Lan, ông giáo sư Trưởng Ban phát thanh không biết tìm đâu được đoản văn Bông Hồng Cài Áo của thầy Nhất Hạnh. Ông cho chị xướng ngôn viên ấy đọc lên cho cả đảo nghe. Trời ơi! Đến bây giờ tôi vẫn nổi da gà, như sống lại không khí ấy: Buổi chiều tối, sau cơn mưa dông, dường như cả đảo nín thở lắng nghe đoản văn nổi tiếng ấy. Lời lẽ chân tình, nội dung thắm thiết, đi thẳng vào lòng của bao nhiêu người con xa mẹ, cộng thêm giọng đọc đầy cảm xúc của chị, chắc chắn đã làm bao nhiêu con tim thổn thức … Vài giọt mưa còn sót lại trên mái nhà và tàn cây, tí tách rơi khi gió lùa về, đã giúp che giấu được bao nhiêu nước mắt đang tuôn lã chã trong đêm? Buổi đọc đó quá thành công nên chắc có nhiều người xin Ban phát thanh đọc lại lần nữa. Lúc đó tôi chẳng biết Thích Nhất Hạnh là ai, đang ở đâu và viết đoản văn đó trong giai đoạn nào? Tôi chỉ biết mình nhớ Mẹ, nhớ nhà khôn cùng! …
Qua động lực đóng góp trên đài phát thanh với tư cách xướng ngôn viên của người em, nên 2 chị lớn kế nảy ra ý định xuống xin Ban phát thanh cho các chị cũng đóng góp, lập một chương trình cho các em Thiếu nhi với các môn học hát, đọc truyện cổ tích, kể chuyện vui và chương trình “Chị ơi!” để trả lời những câu hỏi các em gửi về. Tôi nhớ mang máng hình như vào Trung Thu, các anh chị trong nhóm cũng xin được bánh kẹo dẫn vài em thiếu nhi đi “cắm trại” (chỉ là ra bãi biển chơi một ngày thôi)
Nói chung, chúng tôi không bị rơi vào tình trạng mong mục, không biết làm gì “cho qua ngày đoạn tháng”, mà bằng cách này hay cách khác, cũng chịu nhận lấy vài nhiệm vụ nhỏ nhoi!
Người ở lâu trên đảo cũng phát huy được nhiều tay nghề, khi có sáng kiến, thậm chí còn làm giàu được nữa. Đầu đường rẽ vào nhà tôi có một gia đình khá đông con, ông bố có sáng kiến lúc đang có sẵn đất tốt lúc đào giếng, đắp thành một lò nướng bánh mì. Họ bắt mánh được với người buôn lậu, mua được bột mì, rồi sau vài lần chế biến, trau dồi tay nghề, họ tạo được những ổ bánh mì kiểu bánh mì Sài Gòn, mùi bánh mới ra lò thơm phưng phức làm cả xóm phải thòm thèm. Họ giao cho các con nhỏ mỗi đứa 1 thùng nhỏ đội trên đầu, đem xuống “chợ” bán cho dân có tiền. Một trong các em đó là một cô bé độ 7-8 tuổi thôi, khi rảnh rỗi em thích đong đưa thật mạnh trên võng và hát vang những bài được sửa lời như “Đêm qua em mơ gặp bác Hồ. Chân bác dài bác đạp xích lô. Em thấy bác em kêu xe khác. Bác gật đầu học tập nha con!” Một chứng minh hùng hồn rằng em đã được hít thở không khí tự do.
Trở lại ổ bánh mì thơm phức của nhà em, chúng tôi chỉ được ngửi chứ chưa bao giờ được nếm qua! Như đã nói, thực đơn hằng ngày chúng tôi là gà, cá hay đậu. Gần nửa năm sống trên đảo, 6 chị em được một lần duy nhất nhận … nửa con gà. Chúng tôi đồng ý đem nấu cháo để ai cũng có cơ hội chiêm ngưỡng và hưởng thụ món thịt tươi.
Riêng ai có được thân nhân đã đi định cư trước, gửi tiền về, có thể sống rất phây phả. Họ có thể đến khu C là khu giáp với một bãi cát khá mịn màng, để ngồi uống cà phê, nghe nhạc trong các quán có cả đèn màu thắp lên khi đêm về. Tôi chỉ được vài lần ngồi chơi với các chị trên bãi cát mịn, vểnh tai nghe tiếng nhạc xa xa phát ra từ máy cassette chắc các chủ quán mua lại của dân buôn lậu.
Nhắc đến nhạc không thể không nhắc đến sáng kiến của ông giáo sư, Trưởng Ban phát thanh. Mỗi lần đọc xong các danh sách người nào được đi định cư, ông luôn luôn kèm theo một bản nhạc, khi thì “Nghìn Trùng Xa Cách” của Phạm Duy, khi thì “Biển Nhớ” của Trịnh Công Sơn. Chắc ông không có bài “Phút Cuối” của Lam Phương nên lúc đó người trên đảo không được nghe, chỉ tự ca trong các buổi tiễn đưa, chia tay trong vòng thân mật riêng tư .
Như đã nói, bọn “nghèo rớt mùng tơi” như chị em chúng tôi chỉ biết mùi nhưng không biết được vị của bánh mì Bidong, cà phê khu C hay hủ tiếu khu A. Nhưng nhu cầu đi chơi ai mà không có? Tôi nhớ có lần “bà chị xướng ngôn viên” rủ tôi, 2 chị em bỏ vào túi một chai nước và một gói bánh, cùng nhau leo tuốt lên đồi cao, đi qua khu G rồi thả bộ xuống bãi biển bên kia. Nơi đó không ai ở, hoang vu, tịch mịch. Bãi cát trắng mịn với nước biển trong veo, đúng cảnh “Mắt em là bóng dừa hoang dại”, đẹp hơn cả Vũng Tàu là bãi biển duy nhất chúng tôi được đến chơi khi còn ở quê hương. Chúng tôi để nguyên bộ đồ đang mặc trên người xuống biển bơi, rồi lên bờ ngồi đợi quần áo khô, chứ đâu có áo bơi khăn bông tắm gì đâu! Mới ngồi nghỉ được một chút, có một anh thanh niên đến tán dóc với chúng tôi. Thế nên tuy quần áo chưa khô, chị tôi giục thôi đi về. Sau này tôi mới hiểu chị khó chịu vì ánh mắt nhìn hơi thô lỗ của chàng thanh niên hướng về chúng tôi. Áo quần tuy không mỏng manh nhưng bị ướt nước nên dán chặt vào người chị. Tôi còn nhỏ chưa có “lồi lõm” gì và cũng ngây thơ nên không hiểu, chứ chị tôi lúc đó khó chịu là phải.
Kể về một quãng đời tuy ngắn ngủi nhưng đầy đủ “hỉ nộ ái ố”, tôi không thể không nhắc đến vài mối tình trong xóm mà dù không muốn tò mò, tọc mạch mình cũng biết được, vì nhà cửa ai nấy rất “thông thoáng”. Chỉ cần ngồi trong nhà nhìn xéo chênh chếch qua bên kia đường hẻm, chúng tôi thường xuyên được ngắm một cặp tài tử giai nhân thường nắm tay nhau, 2 mái đầu chụm lại để tỉ tê tâm sự … Với chút phá phách, chúng tôi đặt tên cho 2 anh chị đó là “Bạch Tuyết và Hùng Cường”! Không biết sau đó 2 anh chị có được đoàn viên và bây giờ chung sống hạnh phúc với nhau, con đàn cháu đống hay chăng?
Bên cạnh những nhu cầu vật chất tối thiểu về sinh lý để sống còn, con người luôn luôn có nhu cầu về tâm linh. Không biết từ đâu, bao giờ mà đảo Bidong chúng tôi có một khu gọi là “Đồi Tôn Giáo”. Ở đó có một ngôi chùa nhỏ và một nhà thờ đơn sơ. Cả 2 tuy khiêm nhường nhưng đủ đem an bình đến cho rất nhiều tâm hồn cô đơn, lo lắng, sợ hãi, nếu không muốn nói là đã tang thương, rách nát vì phải trải qua vài biến cố khủng khiếp trên đường vượt biển của họ!
Pulau Bidong đã cưu mang chúng tôi đúng 5 tháng. Tính trung bình cho một kiếp người tị nạn, đó là một khoảng thời gian khá ngắn. 6 chị em chúng tôi được đi định cư sớm nhất trong tàu. Đất nước đón chúng tôi đến không cần phỏng vấn, chỉ cần dựa theo quy tắc đoàn tụ gia đình là lập danh sách đưa về UNHCR. Một buổi chiều đầu tháng 10 năm 1979, chị thứ tư của tôi lúc đó là xướng ngôn viên chánh, cầm danh sách tên những người đi định cư không tin ở mắt mình, đọc lớn tên của các chị em. Đọc xong, chị chỉ kịp bắt tay và chào tạm biệt bạn bè làm việc trong “đài phát thanh”, rồi lật đật trở về “nhà” để gói ghém vài bộ quần áo, kịp ra cây Cầu Supply, lên tàu của cảnh sát Mã Lai đưa chúng tôi đi tiếp. Chúng tôi không có thì giờ để làm buổi tiệc nho nhỏ cho kẻ đưa, người tiễn như những hàng xóm, láng giềng, hay vài người quen khác trong tàu cùng nhau vượt biển, đã làm được. Hàng xóm, bạn bè nghe tin, ai nhanh tay thì kịp nhét vào trong túi chúng tôi những bức thư ngắn, gọn, nhờ gửi cho thân nhân nước ngoài. Tất cả mọi thứ khác chúng tôi bỏ lại hết. Căn nhà chúng tôi bỏ ra 2 chỉ vàng để mua lại, ban đầu xập xệ, hơi đổ nát, sau 5 tháng đã có nhiều sinh khí nhờ những tiếng ca hát, tiếng học bài, ê a ôn luyện Anh văn, tiếng khóc thút thít của ai đó … Tất cả đã là một phần của chúng tôi. Nhưng chúng tôi vui vẻ bỏ lại hết, cộng thêm một chút háo hức, nhưng cũng hơi lo sợ khi nghĩ đến chặng đường kế tiếp trước mặt. Lại một cuộc hành trình mới sẽ mở ra, sẽ đưa chúng tôi đến gần xứ tự do hơn nữa. Nhưng Pulau Bidong là nơi đầu tiên cho chúng tôi nếm lại không khí tự do. Tuy còn chật vật, thiếu thốn đủ điều về vật chất, nhưng về mặt tinh thần, chúng tôi như được “sống lại” và phát huy nhiều khả năng trước đó không hề dám nghĩ tới. Đứng trên tàu đưa chúng tôi rời đảo, tôi quay lại, căng mắt, cố nhìn vài nét cuối của đồi núi trên hòn đảo ấy … đang mờ dần trong đêm. Người ta đặt tên cho đảo là “Buồn Lâu Bi Đát”, riêng tôi lại có thật nhiều kỷ niệm khó quên nên khi nhớ lại, bao cảm xúc lẫn lộn trào dâng./.
NK
* Chùa Lá, NttK bắt đầu viết vào ngày 30/04/2023; viết xong ngày 03/05/2023. Tặng cho tất cả đồng bào vượt biển đã từng cập bến Pulau Bidong nói riêng và những thuyền nhân Việt Nam nói chung.
**Bức tượng ở đảo Pulau Bidong, do ai tạc không rõ tên, sau đó được hoạ sĩ ViVi tạc và tu bổ thêm