CHUYÊN ĐỀ DUYÊN ANH

Tôi gặp Huỳnh Phan Anh một lần ở Paris, qua nhà phê bình Đặng Tiến. Khác Duyên Anh bỡn cợt, Huỳnh Phan Anh đạo mạo suy tư. Chúng tôi đến quán La Closerie des Lilas (Vườn Tử Đinh Hương) nơi có những bàn gỗ xưa với tấm bảng đồng ghi “Bàn này Lénine từng ngồi”, trên mặt bàn khác “Chỗ này Karl Marx từng ngồi.” Closerie des Lilas là quán trang trí thập niên 20 mà hầu hết các nhà văn đều muốn tôi dẫn đến. Tôi chọn bàn Lénine. Huỳnh Phan Anh phát tay: “Chỗ khác đi.”

Chúng tôi ra quán Le Procope ở số 13 Rue de l’Ancienne Comédie trong quận 6, sát cạnh Place Odéon. Huỳnh Phan Anh gật gù: “Tên đường thú vị nhưng sao chọn đây?”

Rue de l’Ancienne Comédie dịch sang tiếng Việt là đường Hài Kịch Cũ. Còn tên quán Le Procope gốc Hy-Lạp Prokope mang nghĩa thạnh đạt, thịnh vượng, thăng tiến… Tôi trả lời: “Vì anh không ưa Lénine. Le Procope là quán xưa nhứt Paris, có từ 1686. Ba trăm năm rồi đó anh.” Chúng tôi gọi Coq au Vin gà hầm rượu chát và Pot au Feu là tổ tiên của món phở, những món truyền thống. Uống với Hautes Côtes de Beaune.

Tôi nói: “Em có đọc bản dịch Heinrich Boll của anh.” Huỳnh Phan Anh hỏi: “Cậu có đọc truyện tôi viết?” Tôi lắc đầu: “Không nhiều. Ba tập Phía Ngoài, Cánh Cửa Sau Cùng, Người Đồng Hành.” Huỳnh Phan Anh không hỏi cậu thích ai hay cậu thấy ai hay. Vì tập Phía Ngoài viết chung với Nguyễn Đình Toàn và tuyển tập Cánh Cửa Sau Cùng nhiều tác giả. Huỳnh Phan Anh cũng không hỏi cậu biết tiếng Pháp vậy cậu đánh giá bản dịch của tôi như thế nào. Tế nhị ấy khiến tôi cảm mến nhà văn có gương mặt nghiêm khắc.

Đến tráng miệng, Huỳnh Phan Anh hỏi: “Cậu biết vì sao văn chương Việt Nam tuềnh toàng?”

Tôi gật: “Không có quán Le Procope.”

Chúng tôi cùng cười vì đồng cảm. Không có gì hiện diện trên đất Việt lâu hơn nửa thế kỷ. Hai ba thập niên đã cực hiếm. Chính vì chiến tranh, cách mạng liên tục và triều đại này trảm triều đại kia, thiêu hủy hết thảy mọi thứ cho không còn tàn dư. Cùng với các chính thể là thước đo văn hóa, nền tảng đạo đức bị thay đổi xoành xoạch. Chưa kịp an vị Trang Tử là chuyển sang thẩm mỹ Tư sản rồi vụt cái là thẩm mỹ Mao Trạch Đông trước khi cọp Sô-Viết. Văn nghệ toán loạn!

Chúng tôi chia tay, hẹn gặp lại nhưng không bao giờ gặp lại. Hai giờ ngắn ngủi trong quán Le Procope không kịp giữ chân vì đường đời thênh thang.

Tôi gặp Duyên Anh hai bận ở quán Đào Viên trong quận 13 đối diện Phở Hòa trên đường Rue Baudricourt ngang hông Avenue d’Ivry. Là giữa thập niên 80. “Con nhà Vũ Mộng Long”, tên cúng cơm và nói theo ngôn ngữ “con nhà” của Duyên Anh, cực vui tính và khá duyên. Duyên Anh thao thao bất tuyệt, nghe ông kể chuyện cười chết thôi. Quá khứ văn nghệ của Duyên Anh là một kho tàng mà Duyên Anh chắt lọc làm phát sáng lộng lẫy. Tôi muốn nói tôi mê nhiều nhân vật nữ trong tiểu thuyết, mê nhất Patricia Hollmann của Eric Maria Remarque trong Chiến Hữu nhưng nhân vật nữ đầu tiên làm tôi si, là Con Thúy của Thằng Vũ của Duyên Anh. Nhân vật nữ thứ nhì tôi si, là Phượng trong Phượng Vỹ cũng của Duyên Anh, năm tôi lên 11. Nhưng tôi im lặng vì Duyên Anh cướp micro, cũng vì ông làm tôi hơi sợ do tôi biết Duyên Anh có khía cạnh dark side những khi ông ký bút hiệu Thương Sinh. Khác Huỳnh Phan Anh chậm rãi, các động tác ở Duyên Anh rất nhanh. Ánh mắt chụp bắt người đối diện thật nhanh.

Có ba nhà văn tôi muốn gặp là Erich Maria Remarque, Julio Cortázar và Duyên Anh. Remarque mất năm 1974. Cortázar mất năm 1984. Remarque là nhà văn của tình bạn thăng hoa thành tình yêu, Cortázar của siêu thực huyễn ảo, còn Duyên Anh của tuổi thơ đã xa.

[Trần Vũ]

Nhiều kỳ – KỲ 2

(tiếp theo)

HUỲNH PHAN ANH: Ông có nghĩ một lúc nào đó sẽ ngồi viết lại tác phẩm mình?

DUYÊN ANH: Không dám nghĩ. Trừ khi có nhà xuất bản nào mua với giá thật cao, đòi viết lại thì sẽ xét sau.

HUỲNH PHAN ANH: Ông có thể cho biết về một tác phẩm ông ao ước viết cho tới bây giờ?

DUYÊN ANH: Một truyện tình lãng mạn thật thơ mộng, thật dân tộc, dày độ 300 trang chữ 12 và chừng 5 truyện thần tiên.

HUỲNH PHAN ANH: Ông viết từ bao giờ? Đến nay ông đã viết tất cả bao nhiêu tác phẩm?

DUYÊN ANH: Tôi viết từ năm 1960. Độ 40 cuốn. Nếu tôi đủ can đảm in những phóng sự như Đi Tàu Suốt, Đầm Giao Chỉ, v.v. và những bài phiếm luận, đoản văn viết ròng rã mười năm chắc số lượng “tác phẩm” của tôi lên tới 200 cuốn! Ông sợ chưa?

HUỲNH PHAN ANH: Dường như ông viết hơi nhiều. Có phải ông là một nhà văn viết nhanh, viết dễ dàng? Đó một thói quen? Một nhu cầu? Nói chung ông đã viết như thế nào? (điều kiện, hoàn cảnh …)

DUYÊN ANH: Vâng, tôi viết rất nhanh. Tôi viết báo có thể chiếm vô địch giải “Nghĩ nhanh viết vội”. Nhưng viết văn thì nhanh hơn người viết chậm thôi. Tôi viết dễ dàng, chỉ là thói quen, nghĩa là, trước tiên nghĩ một cốt truyện, kiếm cho nó cái tên. Hỏi mình xem truyện muốn nói lên vấn đề gì, phác họa đường đi của nhân vật, đặt tên cho nhân vật, mở như thế nào, kết ở đâu, bao nhiêu chương, mỗi chương mấy trang. Chừng bằng lòng với sự “đạo diễn” của mình rồi thì viết. Viết mà bắt gặp những hình ảnh mới hay chợt nhớ hình ảnh trong dĩ vãng là sử dụng liền. Tôi không làm “dàn bài” trên giấy tờ. Nhưng tôi rất thận trọng ở những chuyện viết về dĩ vãng. Thằng Vũ mà nói chuyện với anh lơ xe là chết rồi. Xe hàng mà viết là xe đò cũng hỏng luôn. Hoặc Vũ nói sức mấy mà buồn càng thê thảm. Viết như thế nào, thật khó trình bày. Tôi đã phỏng vấn 7 nhà văn trên tuần báo Tuổi Ngọc: “Ông viết truyện ngắn như thế nào?” Không ai chịu trả lời, cách xây dựng, lối bố cục một truyện ngắn. Ông hỏi tôi viết thế nào? Tôi đành bí.

Duyên Anh

Mỗi nhà văn, hình như, có một “bí-kíp” viết. Và bí kíp ấy chỉ riêng mình hiểu.

Xem thêm:   Big Red Bash Lễ hội âm nhạc giữa lòng sa mạc!

Riêng tôi, tôi muốn nói mà không thể nói được vì đã không có ai dạy tôi viết như thế nào.

HUỲNH PHAN ANH: Những nhân vật nào đã đến với ông và gây cho ông nhiều ấn tượng sâu xa nhất? Tại sao?

DUYÊN ANH: Những người thân yêu của tôi. Tại vì tôi đã chia sẻ với họ mọi ngọt bùi, cay đắng. Tại vì nhờ họ tôi nên người.

HUỲNH PHAN ANH: Dường như với Ngựa Chứng Trong Sân Trường, ông đã chuyển hướng? Cuốn sách đó đề cập đến một đề tài giáo dục. Ông có tin ở giáo dục và ở vai trò giáo dục của chính văn chương?

DUYÊN ANH: Thay đổi đề tài thì đúng hơn là chuyển hướng. Phải tin tôi mới viết chứ. Tôi kể cho ông nghe, khi Ngựa Chứng Trong Sân Trường đang in trên tuần báo Tuổi Ngọc, nhiều sinh viên đại học Sư Phạm đã viết thư cho tôi hoặc đến tìm tôi, tâm sự rằng, nhờ đọc NCTST họ lên tinh thần và muốn sớm ra trường. Nhiều học trò viết thư cho tôi bày tỏ sự hối hận đã khinh nhờn thầy… Ngựa Chứng Trong Sân Trường bán rất chạy. Tôi tự hào đã viết cuốn này. Không phải tự hào về giá trị nghệ thuật, tư tưởng đâu, mà tự hào vì nó, tình nghĩa con người trong một xã hội biến động sẽ bớt phần nào phôi pha chăng?

HUỲNH PHAN ANH: Qua tác phẩm ông, nhất là qua một số tác phẩm tự thuật, người đọc mường tượng ông là một tâm hồn mơ mộng, lý tưởng. Đúng không? Ông có thể cho biết ông sống thế nào? Ông tin vào những gì? Ông có tham vọng nào ngoài văn chương?

DUYÊN ANH: Tôi mơ mộng. Lúc nào tôi cũng mơ mộng. Mơ mộng quên cả đón vợ con. Mơ mộng lái xe quên đường lối. Nhưng tôi sống bình thường hơn cả người bình thường. Tôi ghét tác điệu và mơ mộng hình thức. Nghĩa là để tóc rối bù, đi lang thang vẩn vơ để mọi người biết ta mơ mộng.

Đời sống của tôi ngăn nắp. Cơm nhà quà vợ. Mỗi ngày đưa đón con đi, về học bốn lần. Xi nê với vợ con, sở thú với vợ con và đi xem đá bóng cũng dẫn con đi. Tôi mê ngủ. Ngủ cả ngày lẫn đêm. Nghỉ việc là tôi ngủ. Tôi còn thích làm ông chánh án xử kiện các vụ khiếu nại của ba đứa con tôi. Lên án bị cáo cho nguyên cáo vui lòng thì phải nháy mắt dỗ bị cáo. Vui vô cùng.

Tôi tin vào lòng tin của con người. Tôi thương các con tôi và con tôi cho tôi niềm tin đó. Trẻ con không dạy người lớn hận thù hay tuyệt vọng. Trẻ con chỉ dạy người lớn yêu thương và nhắc nhở “Mai bố nhé, mai bố đưa con đi chơi” như thế. Trẻ con làm người lớn tin vào tương lai đẹp.

Tôi không có tham vọng gì khác ngoài văn chương. Tham vọng văn chương cũng chẳng có nếu ông tin tôi nói thật. Rằng, tôi không ôm ấp tham vọng văn chương trước và sau khi trở thành nhà văn.

HUỲNH PHAN ANH: Ông có đúng là hình ảnh người chồng, người cha trong một số tác phẩm mang màu sắc tự thuật? Ông biết tại sao tôi hỏi câu này chứ?

DUYÊN ANH: Nhiều người vẫn tìm thấy bóng dáng tôi trong tác phẩm tôi. Nhưng không đúng hẳn, dù những hình ảnh đó đã xuất hiện trong một số tác phẩm mang màu sắc tự thuật của tôi. Họ (người chồng, người cha) có khi là những người thân yêu của tôi, có khi là bạn bè tôi, có khi một chút chút thôi.

HUỲNH PHAN ANH: Ông sống thế nào trong gia đình?

DUYÊN ANH: Tôi sống thế nào trong gia đình à, ông Huỳnh Phan Anh. Rất bình thường như bất cứ một người chủ gia đình nào. Tôi thương con tôi và nhường nhịn vợ tôi. Một đôi lần, tôi đã bỏ nhà ra đi, tưởng đi mãi nhưng tôi lại trở về với gia đình ngay. Lần tôi đã bỏ nhà đi lâu nhất là nửa tháng. Bây giờ, khi vợ chồng gây gổ, tôi bỏ đi một tiếng là bò về như một… hồi chánh viên. Tôi yêu đời sống gia đình. Tôi thèm ngửi mùi nước đái dầm của con tôi. Con tôi đã lớn và vợ tôi không còn son trẻ như thuở chúng tôi mới yêu nhau, tôi càng không thể bỏ nhà đi, dẫu chỉ một đêm. Tôi rất sợ nước mắt của vợ con tôi. Tôi biết làm bếp, ngon là đằng khác. Nếu người giúp việc nghỉ, tôi thường lau nhà, giặt quần áo, rửa bát phụ với vợ tôi. Tôi cũng dành chút thì giờ giảng thêm bài học ở trường cho các con tôi. Đại khái tôi sống như mọi người bình thường.

HUỲNH PHAN ANH: Bình thường và hạnh phúc, như những nhân vật ông tạo nên

DUYÊN ANH: Vâng, tôi là một người hạnh phúc. Hạnh phúc tương đối. Càng nhiều tuổi tôi càng thấy hạnh phúc vây quanh tôi. Có lẽ tôi đã qua thời ngựa non háu đá và đủ bình thản coi thường mọi sự ngộ nhận, hiềm khích hay bùn nhơ người vấy lên tôi.

HUỲNH PHAN ANH: Trong tác phẩm của ông, tình yêu thường dừng lại ở mơ mộng. Có phải ông là người chống lại tính cách nhục dục của văn chương?

DUYÊN ANH: Tôi không chống lại tính cách nhục dục trong văn chương của người khác mà chỉ không cho nhục dục tác quái trong văn chương của tôi

Xem thêm:   Chân Trời Mới của Trùng Dương

HUỲNH PHAN ANH: Trong một số tác phẩm, ông có đề cập tới chính trị. Xin ông cho biết vai trò chính trị trong đời sống ông? Ông có nghĩ tác phẩm ông sẽ gây một ảnh hưởng chính trị trực tiếp hay gián tiếp nào không?

DUYÊN ANH: Có, cuốn Ảo Vọng Tuổi TrẻSa Mạc Tuổi Trẻ. Viết thôi chứ chưa làm chính trị nên chưa có vai trò nào. Giữa năm 1955, theo một cái đảng lên Ban Mê Thuột chống ông Diệm. Thấy mình làm guốc cho đàn anh đi, bèn về Saigon gấp. Từ đó, cay cú chính trị và chính khách. Nghĩ chi cho mệt, ông Huỳnh Phan Anh? Ở nước ta, quý vị chính khách cũng như quý vị lãnh đạo lười đọc tác phẩm văn chương lắm. Vả lại, sách bán chạy nhất in 6,000 cuốn, bán hai ba tháng mới hết thì gây ảnh hưởng sao nổi.

HUỲNH PHAN ANH: Nếu phải lựa chọn giữa dấn thân viễn mơ, như một số người ở đây vẫn nói, ông sẽ chọn lựa cách nào?

DUYÊN ANH: Tôi không viễn mơ, không dấn thân. Tôi viết cho độc giả của tôi giải trí trong cuộc đời nhiều phiền muộn. Và tôi viết cho tôi. Tôi không viết cung ứng cho nhu cầu giai đoạn. Văn chương sẽ tồn tại như đã tồn tại không phải vì anh dấn thân hay anh viễn mơ. Mà chỉ là văn chương ca ngợi tình yêu muôn thuở của con người. Việc gì tôi phải chọn dấn thân hay viễn mơ. Nếu có văn chương trung lập xin cho tôi chọn để được trung lập giữa viễn mơ và dấn thân.

HUỲNH PHAN ANH: Ông quan niệm thế nào về vai trò nhà văn trong xã hội, vai trò văn chương trong đời sống.

DUYÊN ANH: Văn chương phải làm đẹp cho quê hương và cuộc đời. Tôi là nhà văn lạc quan yêu đời. Và tôi tin rằng cuộc đời sẽ đẹp như cuộc đời trong tiểu thuyết lý tưởng của tôi.

HUỲNH PHAN ANH: Ông có đọc những bài phê bình viết về ông?

DUYÊN ANH: Có chứ. Nhưng người ta ít viết phê bình về tôi cũng như các nhà văn khác.

HUỲNH PHAN ANH: Ông nghĩ gì về phê bình ở đây?

DUYÊN ANH: Phê bình coi mòi uể oải. Cái gọi là phê bình hôm nay thu gọn vào hai động từ kép “ca ngợi” và “đánh đập”. Là bạn (cùng khuynh hướng hay tri kỷ chi đó) thì khen hết lời. Là thù (không cùng khuynh hướng hay không thân thiết lại có chút hiềm khích) thì đánh nát tác phẩm. Tôi nhớ một tạp chí chuyên về phê bình, tờ Tin Sách, xuất bản cách đây 9 năm mà buồn cười. Họ ca ngợi tác phẩm Cái Bong Bóng Lợn của Phan Văn Tạo là Tổng giám đốc Thông tin (quyền ngang hàng Tổng trưởng Thông tin bây giờ). Họ dạy người khác viết văn đại ý, viết phải giản dị, nhẹ nhàng như ông Phan Văn Tạo, đừng có vừa khuân tảng đá vừa viết văn. Nhưng mà họ đã chê lối viết giản dị của tôi là … đường xưa lối cũ, là Tự Lực Văn Đoàn. Tôi nhớ không sai mảy may, người phê bình tập truyện Hoa Thiên Lý của tôi là ông Đặng Tiến. Và người ghi chú những điều để “đánh” tôi bằng bút chì trên cuốn Hoa Thiên Lý là ông Trần Phong Giao. Ông Đặng Tiến phê bình theo lời “gửi gắm” của ông Trần Phong Giao. Rốt cuộc, Hoa Thiên Lý đã tái bản lần thứ năm. Cũng như, ngày xưa Nguyễn Tuân xuất bản cuốn nào, Thượng Sĩ đả kích tơi bời cuốn ấy trên nhật báo Tin Sớm. Bây giờ, người ta chỉ còn nghe danh Nguyễn Tuân. Ở Việt Nam, từ khi tôi xuất bản sách, hầu như, không có người phê bình sách theo đúng nghĩa của phê bình cho nên vấn đề phê bình không nên đặt ra. Mà dẫu có phê bình, tôi nghĩ, nó cũng chẳng thể giúp gì cho tôi. Tôi đủ bình tĩnh đọc những lời phê và nghe những lời bình. Nhà văn có thể xúc động vì sự khen quá đáng hoặc chê quá đáng. Nhưng không vội tưởng bở hay tỏ ra cay cú, nghiệt ngã với phê bình gia, tôi nghĩ thế. Con đường đã vạch ra, cứ thế mà đi. Rất tiếc, sách bây giờ xuất bản thật nhiều mà người phê bình sách chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.

Huỳnh Phan Anh

HUỲNH PHAN ANH: Ông học viết văn ở đâu?

DUYÊN ANH: Ở mấy bộ Quốc Văn Giáo Khoa Thư của Trần Trọng Kim. Văn trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư gọn, giản dị, trong sáng.

HUỲNH PHAN ANH: Ông đọc những nhà văn khác cùng thời hay trước ông không? Ông thích nhất những ai?

DUYÊN ANH: Tôi đọc hết các tác phẩm của Tô Hoài và tôi thích ông ta nhất. Tôi còn đọc Nguyên Hồng, Lê Văn Trương, Thạch Lam, Khái Hưng, Nguyễn Tuân … Những nhà văn cùng thời với tôi, tôi đọc rất nhiều và chưa thể nói tôi yêu nhất ai. Vì tôi đang yêu nhiều người một lúc.

HUỲNH PHAN ANH: Trong những tác phẩm sau này ông thường ký tên thật (Vũ Mộng Long) kèm theo bút hiệu (Duyên Anh). Ông có ý?

DUYÊN ANH: Chẳng có ý gì cả. Nếu ông đọc Nhà Tôi, ông sẽ hiểu lý do. Vợ tôi ghét bút hiệu Duyên Anh, chỉ thích tên trong giá thú là Vũ Mộng Long. Tôi lại thích bút hiệu Duyên Anh. Vợ chồng tôi đã hội thảo … trên giường và thỏa thuận ký cả bút hiệu lẫn tên cúng cơm của tôi trên mỗi cuốn sách ở trang thứ năm.

HUỲNH PHAN ANH: Dường như những nhân vật của ông đều thuộc khá nhiều thơ. Ông có làm thơ không, ông Duyên Anh?

DUYÊN ANH: Có. Tôi đã làm ra năm trăm bài thơ tình thuở tôi chưa lấy vợ. Lấy vợ rồi, tôi thấy thơ của tôi không bằng ai nên tôi đốt hết. Đã có Đinh Hùng, Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Nguyên Sa, Hoàng Anh Tuấn … làm thơ cho ta học thuộc lòng, ta cần gì làm thơ nữa. Thơ không thể thiếu trong tác phẩm cũng như trong đời sống của tôi. Tôi là người mơ mộng. Thơ giúp tôi đẩy sự mơ mộng thoát lên …

Xem thêm:   Cung thủ không tay

HUỲNH PHAN ANH: Nếu một người trẻ tìm đến ông, hỏi ông kinh nghiệm của mười năm sáng tác, ông sẽ trả lời thế nào?

DUYÊN ANH: Tôi sẽ hỏi họ những câu sau đây:

– Anh có phục tôi không?

– Anh có muốn viết hay bằng tôi không?

– Anh có muốn viết giống tôi không?

Nếu anh ta mắt sáng ngời, mặt tươi tỉnh, gật đầu và lễ phép trả lời “Thưa có”. Tôi sẽ khuyên anh ta: “đừng nên viết văn. Một người muốn trở thành nhà văn, trước hết, phải dám kiêu hãnh. Tôi thích ông là đủ. Phục ông thì không bao giờ. Tôi sẽ viết khác hơn ông, sẽ làm ông bị quên lãng. Và muốn thế tôi không thèm viết giống ông hay giống ai. Giống ông, dẫu hay gấp mười lần ông, đọc tôi, người ta vẫn chỉ nhớ ông”. Nhưng nếu anh ta lắc đầu tỏ vẻ khó chịu, tôi sẽ khuyên anh ta những câu sau đây:

– Trí thức sẽ đến cùng với tuổi tác và sự học hỏi của anh. Chừng nó chín muồi tự nhiên nó trải kín văn chương của anh. Anh phải gồng mình làm dáng trí thức. Văn chương không chấp nhận sự phô trương những kiến thức chưa kịp tiêu hóa và càng không chấp nhận sự bịp bợm.

– Anh muốn viết về cái gì, tùy ý anh, nhưng anh nhớ giùm hãy viết cho gọn gàng, sáng sủa, dù để trình bày một vấn đề tối mò. Tư tưởng vĩ đại cách mấy vẫn có thể thấm vào tâm hồn độc giả bằng cách diễn đạt gãy gọn, giản dị, trong sáng.

– Anh hãy viết đi, đừng mất công ngồi nguyền rủa đàn anh cản đường vít lối. Đừng lạy lục người ta phê bình tâng bốc mình, đừng sợ hãi “sa đích phê bình văn nghệ rẻ tiền” đánh đập tác phẩm mình.

– Bây giờ người ta viết văn đông lắm, hàng hàng, lớp lớp. Anh muốn được chú ý ngay phải biết tách khỏi đám đông. Nghĩa là phải chọn cho mình con đường đi riêng.

– Những tác phẩm vượt thời gian, không gian đều là những tác phẩm ca ngợi tình yêu và viết giản dị, trong sáng.

– Hãy tập khó tính với chính mình. Viết ít thôi, càng ít càng tốt. Đọc nhiều, đi nhiều và đừng chịu ảnh hưởng của bất cứ một nhà văn nào.

Đại khái tôi sẽ khuyên họ như vậy. Nếu họ đồng ý, tôi sẽ nói hết với họ những kinh nghiệm sáng tác của tôi.

HUỲNH PHAN ANH: Ông có ý nghĩ đến một lúc nào đó ông sẽ viết khác hơn tất cả những gì đã viết?

DUYÊN ANH: Chắc sẽ có một lần tôi đi xa như tôi đã trả lời với ông. Tôi không biết chuyến đi tương lai có thành công không, nhưng phải đi xa để viết khác hẳn những gì tôi đã viết. Trả lời cuộc phỏng vấn của tạp chí Văn, tôi nói tôi viết văn như tôi đùa rỡn. Tôi còn đang đùa rỡn. Năm nay tôi 37 tuổi, đùa rỡn vẫn thấy thú vị. Năm 40 tuổi, tôi sẽ hết đùa rỡn và sẽ nghiêm túc làm văn chương. Nghiêm túc không xong tôi lại đùa rỡn miễn là độc giả còn thích đùa rỡn với văn chương của tôi. Xin ông cho tôi bổ túc một câu hỏi ông. Giữa viễn mơ và dấn thân, nếu không được chọn trung lập tôi sẽ chọn văn chương đùa rỡn. Có những người tự khoác cho mình những chiếc áo sứ mạng văn nghệ phục vụ cái này, phục vụ cái kia, họ bỗng quan trọng ghê và họ sẽ khổ sở phải dứt bỏ khuynh hướng cũ bước sang khuynh hướng mới hoặc là thay đổi hết. Tôi không khoác áo sứ mạng nào cả. Tôi tự do như con chuồn chuồn. Nếu cần, tôi sẽ dấn thân một tí, viễn mơ một tí để được đùa rỡn đều đều.

HUỲNH PHAN ANH: Ông có ý nghĩ một ngày nào đó sẽ ngừng viết hẳn? Tại sao? Nếu không viết nữa, ông làm?

DUYÊN ANH: Ngày ngừng viết là ngày tôi viết hết nổi hoặc viết không có ai đọc nữa. Ngày ấy phải tới, nhưng tôi sẽ về vào buổi trưa. Tôi sợ về vào buổi chiều. Vậy tôi sẽ nghỉ viết, sẽ bẻ bút vào ngày tôi hoàn tất một tác phẩm mà tôi cho rằng sau nó tôi không thể viết nổi tác phẩm nào hơn nó và trước nó chưa có tác phẩm nào của tôi bằng nó. Không viết văn, chắc chắn tôi được sống đến chết mà không phải lo cơm áo cho vợ con. Tôi sẽ chết bình yên nếu cuộc đời mãi mãi thế này. Tiền bán sách của tôi đã đủ để các con tôi ăn học nên người. Tôi có thể nghỉ viết ngay hôm nay. Nhưng nghỉ từ hôm nay thì buồn lắm, mới có 9 giờ. Vả lại dù sao tôi cũng đã mang tiếng viết văn. Vậy cần viết thêm, cố gắng viết thêm đến buổi trưa, để khỏi ngượng, nhờ ai thương mình cứ gọi mình là NHÀ VĂN. Nghỉ viết thì có nhiều việc nên làm lắm. Chẳng hạn, theo văn hữu Nguyễn Đình Toàn vào Phú Lâm câu cá rô. Nghe nói mồi kiến câu cá rô miền Nam ly kỳ vô cùng. Văn hữu Nguyễn Đình Toàn ca ngợi mồi kiến và lưỡi câu ghê quá. Hoặc sang Nhà Bè câu tôm. Cuối cùng phải gia nhập làng mạt chược, nhận người bạn đời Nguyễn Tuấn Anh là sư phụ. Rất có thể tôi sẽ đi học lớp luyện thi tú tài và phúc tốt, đậu xong thì ghi tên học Luật làm sinh viên bô lão. Tôi còn biết chọc cười thiên hạ nữa, đi làm hề cũng hay hay. Đó, sơ sơ những việc sẽ làm khi tôi không còn viết văn./.

(Hết)

Trần Vũ đánh máy lại tháng 4-2024, từ khảo luận Duyên Anh, Tuổi Trẻ, Mộng và Thực của Huỳnh Phan Anh in tại Sàigòn năm 1972, Nxb Vàng Son, Chương VIII.