Tháng 3 năm 1989, Mai Thảo đăng Những Người Từ Tuyệt Tình Cốc trên Văn số 81. Phần 2 của tạp bút gây tranh cãi. Vì Thế Uyên sau 75 gặp gỡ Vũ Hạnh và Sơn Nam ở Hội Văn Nghệ mà chính Mai Thảo đánh giá Vũ Hạnh và Sơn Nam theo Cộng. Khi ấy nhạc Trịnh đang bị chống đối ở Hải ngoại. Vì sao chưa tròn năm định cư trên đất Mỹ, sau tù cải tạo, Thế Uyên không chọn đăng Những Người Từ Tuyệt Tình Cốc trên Văn Học của Nguyễn Mộng Giác? Vì Thế Uyên biết rõ Nguyễn Mộng Giác tránh va chạm, còn Mai Thảo ở vị trí thủ lĩnh của Văn nghệ Miền Nam từng là chánh chủ khảo Giải Văn chương Phủ Tổng thống VNCH không có sự e dè đó; cũng như Mai Thảo tôn trọng tự do cầm bút của nhà văn. “Nếu kiểm duyệt như chúng nó, thì chúng ta thành chúng nó! Văn chương là tự do.” Là lời Mai Thảo.

Tạp bút Thế Uyên trưng bày suy nghĩ của một nhà văn từng đi lính rồi thành giáo chức, cháu ruột Nhất Linh và lưu vong tại Hoa Kỳ. Với những nhân vật đã thành ký ức chung.

Tuyệt Tình Cốc. Tên quán mang định mệnh. Cho tới chết Thế Uyên không gặp lại Hoàng Phủ Ngọc Tường.

[Trần Vũ]

2 kỳ – Kỳ 2

Cuộc chiến đấu của Tường và những thân hữu xứ Huế đã bùng ra sôi nổi vô cùng sau đó. Nhiều năm, rất nhiều năm về sau, nhà văn Nguyễn Mộng Giác ở Hoa Kỳ đã lấy nhân vật Hoàng Phủ Ngọc Tường này, thêm phần hư cấu tạo ra nhân vật Tường trong truyện dài Mùa Biển Động. Trên thực tế, đúng như tôi đã lo ngại, khi cuộc tranh đấu thất bại, đa số những người bạn này, kể cả Tường, chỉ còn con đường chạy ra ngoài khu với Việt Cộng. Sau 30 tháng Tư 1975, Tường đã cùng một số bạn sống sót trở về trong hàng ngũ của kẻ chiến thắng và thống trị mới. Tôi không biết anh giữ những chức vụ gì ở ngoài Huế, chỉ thỉnh thoảng đọc một vài ký sự hay truyện ngắn anh đăng trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Tài văn chỉ đại khái thôi. Và dĩ nhiên anh chẳng bao giờ liên lạc hay tới thăm tôi nữa. Cái tệ của chủ nghĩa Mác-Lê là ở chỗ đó. Đã không cùng một lý tưởng, thì cha mẹ anh em bạn bè cố tri cũng đều có thể coi như kẻ thù.

Trong những người từ Tuyệt Tình Cốc đêm đó đi ra, có hai người sau này danh tiếng lẫy lừng. Người thứ nhất là Tuý Hồng đã bỏ Huế vào Sàigòn lập nghiệp, nhưng có một nếp sinh hoạt khác nên thỉnh thoảng tôi mới gặp lại ở các toà soạn báo Văn hay Bách Khoa. Người thứ hai là Trịnh Công Sơn. Sơn nổi tiếng nhanh không kém và danh tiếng phổ biến khắp quần chúng. Nhưng dù nổi tiếng như thế, tác phong anh vẫn giản dị như xưa. Tôi thỉnh thoảng gặp anh ở khu nhà tiền chế trong khuôn viên của trường Đại học Văn Khoa. Vẫn xuềnh xoàng với chiếc áo sơ mi trắng hay kaki ngắn tay với chiếc quần không mấy khi ủi thẳng. Sau này anh có thuê một căn gác nhỏ và khi tôi tới chơi đúng hôm trời mưa, thì mái dột tứ tung. Chủ và khách cứ việc thoải mái xê dịch sao mưa khỏi rơi trúng đầu là được. Tôi không biết các nhà xuất bản in nhạc anh, các nhà thu băng … có trả tác quyền anh khá không, chứ phần tôi, chưa bao giờ thấy anh có tiền nhiều một chút. Có thể nói anh không quan tâm đến tiền bạc, ngay chuyện tác quyền, anh cũng để các em đứng ra thay thế.

Vợ tôi, y hệt trăm ngàn phụ nữ khác của thế gian này từ thời khai thiên lập địa tới giờ, rất quan tâm tới việc xem ai là người tình của Trịnh Công Sơn. Và quả thực tôi đã không trả lời được. Tôi không thấy dấu vết đâu là người tình của Sơn. Tôi chưa bao giờ gặp anh đi chơi thân mật với một cô gái nào. Có thời kỳ tôi tưởng Khánh Ly có thể là “người tình trong bóng tối” của Sơn, vì Sơn hay nhắc tới cô du ca này với giọng trìu mến. Anh khen Khánh Ly có một thông minh tuyệt vời về âm thanh, dạy qua một vài lần là đã hiểu, nắm vững được bản nhạc cùng cách thế diễn tả. Nhưng tôi biết không phải là Khánh Ly, từ hôm đang đứng nói chuyện với Sơn ở thềm hiên Hội Hoạ Sĩ Trẻ Sàigòn. Khánh Ly tới, cần hỏi anh điều gì gấp. Nhìn cách thế cô du ca này đặt tay lên cánh tay Sơn, nhất là nhìn ánh mắt nàng nhìn Sơn, tôi hiểu giữa hai người chưa bao giờ có chuyện ái ân. Phụ nữ, khi họ đã từng làm tình với một đàn ông nào trong yêu thương, ánh mắt họ nhìn người đàn ông ấy sẽ hơi có tính cách sở hữu thân thuộc khá dễ nhận ra. Nhiều năm về sau, trong một bài phỏng vấn ở Hoa Kỳ, nữ ca sĩ này cũng xác nhận là trước sau không có quan hệ thân xác nào với Sơn cả.

Vậy ai là đối tượng yêu đương để nhạc sĩ này làm ra những bản tình ca tuyệt vời như thế? Tôi không biết và e rằng cũng chẳng còn cơ hội nào để biết.

Cùng ở Sàigòn, nhưng tôi quá bận nên thỉnh thoảng mới gặp Sơn. Một lần nhóm Thái Độ tổ chức một buổi ra mắt sách tại quán Hầm Gió của Nam Lộc. Phạm Duy, Miên Đức Thắng và Trịnh Công Sơn đều đến tham dự. Khi men đã ngà ngà, một người đề nghị cả ba nhạc sĩ lên hát chung một bài. Đứng giữa Phạm Duy mập mạp và Miên Đức Thắng đẹp trai to khỏe, Sơn thật mảnh mai, thư sinh. Sơn đề nghị hát một bài của Phạm Duy, nhưng ông bạn già này tế nhị từ chối. Sau cùng cả ba cùng đàn và hát một bài của Sơn, trong lúc đó tôi ngồi ngay trên bục gỗ dưới sân khấu, tay cầm một ly bia lớn. Tôi đã thích thú vô cùng vì bài nhạc được lựa là một trong những bài tôi ưa thích nhất thời đó.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 4 tháng 4 năm 2024

Vài hôm sau 30 tháng tư 1975, tôi đang đạp xe tới trường thì gặp Sơn đang đứng ở vỉa hè gần ngã tư Phan Thanh Giản-Lê Văn Duyệt. Hai đứa mừng rỡ bắt tay nhau. Sơn than với tôi là anh đến Quận 3 để xin về Huế thì bị Ban Quân Quản ốp, đòi xuất trình giấy tờ chứng tỏ là Ngụy quân Ngụy quyền. Mấy bộ đội nơi đây lý luận rằng ở hạng tuổi Sơn, nếu không đi làm công chức thì chắc chắn phải đi lính. Sơn đã giải thích rằng anh đã trốn lính và lần này bị ốp nặng hơn. “Giấy chứng nhận trốn lính của anh đâu?”. Nghe kể, tôi phì cười và hỏi ông bạn nhạc sĩ hiền lành đã kiếm ra cơ quan nào phụ trách cấp giấy tờ chứng nhận trốn lính hay chưa… Tôi có hỏi anh về vụ anh hát bài Nối Vòng Tay Lớn trên đài phát thanh những giờ đầu tiên miền Nam đổi chế độ, thì anh cho biết là bạn bè ngoài khu về kiếm ra anh ngay, kéo lên xe đưa đến đài phát thanh. Không kịp về nhà lấy đàn, nên anh phải hát tay không.

Sau khi tôi được thả khỏi trại cải tạo, tình hình phía Trịnh Công Sơn đã khá hơn. Trước hết anh không phải đi cải tạo – trong 3 diện chính phải đi là sĩ quan, công chức từ cấp phổ thông trở lên và đảng phái cũ, thì anh đều không dính. Hơn nữa, anh đã được Hội Nhạc sĩ Thành phố kết nạp làm hội viên. Trụ sở hội đặt tại một toà nhà nhỏ trong khuôn viên của Hội Văn Nghệ Thành Phố Hồ Chí Minh đường Trương Minh Giảng. Mỗi lần tôi ghé câu lạc bộ nơi này thăm bạn bè như Sơn Nam hay Vũ Hạnh, tôi đều gặp anh.

Có lần được đọc một bài Sơn viết đăng trên một tạp chí của Đảng trong đó anh tuyên bố rằng trước tháng Tư 75 anh đã đi trong bóng đêm và làm những lời than khóc, còn bây giờ anh đã được đi trong ánh sáng mặt trời… Nhưng đọc thì đọc thôi, tôi không có ý kiến gì bởi vì trong chế độ Cộng sản, ai cũng có thể bị ép buộc để nói ra những lời không thật, lắm khi trái cả với ý nghĩ hay lập trường chân thật của mình. Ngay cả báo chí phỏng vấn cũng vậy. Bất cứ ai khi được phỏng vấn, đều được mớm sẵn câu trả lời cho đúng bài bổn. Giả thử ai có tuyên bố bất ngờ khác với bài bổn quy định, thì toà báo cũng không đăng. Chưa kể trong nhiều trường hợp, nhà báo còn ghép cho mình những câu không hề nói.

Bởi thế trong thời kỳ cắp sách đi học Văn và Sử tại trường Sư Phạm Bồi Dưỡng, khi giáo sư chủ nhiệm cho biết hôm nay sẽ có nhật báo Sàigòn Giải Phóng đến kiếm để phỏng vấn, tôi đã khá đau đầu để kiếm cách tránh né. Đang là sinh viên, đâu có cúp cua ở nhà dễ dàng được – nhất là khoá học này quan trọng đặc biệt cho toàn thể gia đình: tôi có học xong và được bổ nhiệm làm giáo sư trở lại thì cả nhà mới khỏi phải đi vùng kinh tế mới ở An Biên tít mãi miệt Rạch Giá sình lầy … Cứ nghĩ tới cảnh vợ tôi phải lội sình ngang lưng với đỉa bâu như bánh canh, thì quả thật tôi không đùa với ban giám đốc trường đang học được. Sau cùng tôi đã phải dùng một kế rất trẻ con là giờ đầu kiểm danh, tôi có mặt đàng hoàng, nhưng đến giờ thứ hai thì tôi rủ một người bạn nữa phóng qua cổng chui vào quán cà phê túi gần đó núp. Giờ chót lại có mặt trong lớp. Giáo sư chủ nhiệm túm lấy tôi, than là đã phải để phóng viên trở về tay không vì không kiếm ra tôi … Tôi mượn vài lời nói khéo xin lỗi cho qua, còn hơn là để bị phỏng vấn rất tức cười. Tránh không được thì bà con Sài Gòn sẽ được đọc một bài Thế Uyên tuyên bố bí beng giống y chang một nhà văn chính cống từ miền Bắc mới vào. Ngay về sau báo Tin Sáng của Ngô Công Đức phỏng vấn cũng vậy, chỉ có một phần lời tuyên bố là của tôi, còn lại là nhà báo tự tiện thêm vô cho “đúng bài bổn”.

Tuy ở vị trí khá hơn tôi nhiều, nhưng về phương diện tác phẩm thì Sơn cũng chịu chung cùng một số phận. Toàn thể những bản nhạc anh sáng tác trước 30 tháng 4, 1975 đều bị xếp loại “văn hoá thực dân mới” (Đảng Cộng sản gọi toàn bộ văn hoá-văn học của miền Nam bằng từ ngữ như vậy), bị cấm phổ biến, tàng trữ và lưu hành. Toàn bộ đây là tất cả, kể cả bài Sơn hát về Nối Vòng Tay Lớn để cùng xây dựng lại đất nước.

Thật cũng kỳ lạ, nhiều năm về sau, sau khi định cư ở Hoa Kỳ, tôi lại thấy trên một số báo chí hải ngoại có những bài hô hào đừng nghe đừng hát nhạc Trịnh Công Sơn sáng tác trước tháng 4-75 nữa vì đương sự là cộng sản. Những người cộng sản khi phủ nhận nhạc Sơn, họ có một hệ thống kinh điển và bài bổn lập luận đàng hoàng. Còn những người cầm bút ở hải ngoại kia…

Xem thêm:   Lối đi trong vườn

Như trên đã ghi, Sơn ở vị trí khá hơn, thoải mái hơn anh em văn nghệ sĩ miền Nam cũ. Anh bị xoá bỏ toàn bộ quá khứ, nhưng Đảng cho anh tiếp tục tồn tại như một nhạc sĩ. Anh vẫn được ôm đàn đi hát những nơi anh được mời. Còn về sáng tác, anh vẫn được phép làm nhạc. Nhưng bài nào được phổ biến, bài nào bị vứt vào ngăn kéo, đó là quyền của Đảng, không phải do Sơn. Tôi có theo dõi những bài Sơn mới làm, một số bài khá hay, được phổ biến từ Bắc tới Nam và thu vào tape cho Cassette. Bước vào một quán cà phê nào có để nhạc, khách hàng cũng được nghe một vài bản của anh. Đề tài của nhạc Trịnh Công Sơn bây giờ thường là đề cao tình yêu thương giữa các đồng loại, lòng say mê lao động tại các nông trường, công trường xa.

Và đúng như lời Sơn tuyên bố, bây giờ anh không làm những lời than thở nữa. Nhạc anh mới làm, vui và hào hùng một cách nhẹ nhàng. Tôi ở lại với chế độ Cộng sản hơn 12 năm mới ra đi, trong suốt thời gian dài này, chưa bao giờ tôi thấy anh làm một bài nào ca tụng Hồ Chí Minh, ca tụng Đảng cả.

Về nghệ thuật, bản thân tôi cũng như lớp trẻ mới lớn lên sau này, đều nhận thấy anh làm không hay bằng trước. Trước mười phần thì bây giờ chỉ còn chừng sáu bảy phần. Nhưng bấy nhiêu cũng quá đủ để nhạc anh tiếp tục được ưa chuộng, và lần này, suốt từ Nam ra Bắc.

Đó là nói về văn chương chính thống, được phổ biến công khai. Còn trên thực tế, dân chúng cả hai miền vẫn thích nhạc trước tháng 4-75 của Sơn. Đảng cấm gắt gao thì ta hát nho nhỏ, nghe thì thào. Từ những người bộ đội trẻ của miền Bắc tới cán bộ lớp trung niên trở xuống, đều mua lén những tape nhạc cũ của Sơn để nghe một cách say mê, say mê hơn cả những người miền Nam chính cống nữa. Khỏi nói khi nghe và nghe say sưa những bản nhạc vàng đầy tình người này, tâm hồn những con người tưởng đã sắt đá trong chủ nghĩa ấy đã bắt đầu thay đổi.

Phía tôi, càng ngày tôi càng lánh xa con đường chữ nghĩa văn chương. Tôi không thể tiếp tục viết nếu những bài văn tôi viết không phục vụ cho dân tộc tôi. Thậm chí có lần tôi đã chua chát trả lời đại diện một tờ báo Đảng mời tôi viết rằng: “Bây giờ tôi viết cho ai đây. Viết cho nhân dân thì các anh không cho. Còn viết để ca tụng Đảng, ca tụng chế độ Xã hội Chủ nghĩa thì các anh đã có quá đông người. Tôi rất tiếc không thể chen chân vào hàng ngũ ấy …”

Vào thời đó, lối ăn nói kiểu này gây mất lòng mất bề kinh khủng. Bởi thế ngay đến Hội Văn Nghệ Thành Phố cũng không chịu cho tôi gia nhập, dù chỉ với tư cách dự khuyết. Theo cách tổ chức của chế độ Cộng sản, không được kết nạp vào hội văn nghệ nào, kể như văn nghiệp bị xoá bỏ cho cả tương lai.

Kể từ đó tôi ít lui tới trụ sở Hội Văn nghệ ở đường Trương Minh Giảng, và nếu có theo bạn bè đến, chỉ để uống cà phê khá rẻ ngoài sân cỏ rộng đầy cây cao bóng mát. Một lần, Sơn đã tâm sự với tôi, giọng buồn rầu: “Đứa em chót của tôi vượt biên và đã tới Mỹ. Anh có biết nó viết thư cho tôi thế nào không, khi nó là đứa em gái tôi thương nhất. Nó bảo rằng anh Sơn ơi từ giờ khỏi lo nhé. Bọn em kiếm dư tiền gửi về nuôi anh no đủ để tha hồ mà sáng tác cho Đảng!” Nghe lời than này, tôi chỉ cười vì không biết nói sao.

Nhiều năm nữa trôi qua tôi mới lại uống cà phê nơi trụ sở hội này. Không còn là nhà văn nữa, lui tới nhiều làm chi. Lần đó, tôi cũng gặp Sơn. Tình hình lúc đó đã thay đổi nhiều. Chủ nghĩa Mác Lê-Nin đã tỏ ra thất bại trong việc mang lại tự do và cơm áo cho toàn dân, hàng ngũ đảng viên cán bộ đã thoái hoá nhiều, biến thành một thứ quan lại Bắc Kỳ tham ô hống hách. Đa số các đảng viên đã hết là con người cách mạng, mơ thực hiện một giấc mơ thiên đường hạ giới cho toàn dân.

Tôi hỏi đùa Sơn: “Trước 75 anh bảo là anh đi trong bóng đêm, sau 75 vài năm thì anh bảo anh đi dưới ánh sáng mặt trời, vậy thì bây giờ anh đang đi dưới ánh sáng gì?”. Sơn nhìn tôi với đôi mắt vẫn hiền lành sau làn kính cận, không trả lời, quay lưng bỏ đi không một lời giã từ.

Đó là lần cuối cùng tôi gặp Sơn, một con người ra đi từ Tuyệt Tình Cốc năm xưa.

Đêm đầu tiên tại trại tị nạn bên xứ Phi, cả gia đình tôi dùng những đồng tiền cuối cùng mang theo ra quán cà phê do dân tị nạn mở trong trại. Xứ Phi cũng có mùa đông nên trời khá lạnh. Quán lại bày bàn ghế giữa trời nên bọn tôi mặc thêm áo lạnh và tape nhạc đầu tiên bọn tôi yêu cầu chủ quán để cho nghe là một tape nhạc cũ của Trịnh Công Sơn. Ở Việt Nam, mọi người vẫn đàn và hát nhạc Trịnh Công Sơn cũ, nhưng bao giờ cũng mắt trước mắt sau xem có công an hay cán bộ nào ở trong tầm của âm thanh hay không. Ngay lũ con tôi cũng vậy, thường tới đêm khuya, tôi đã ngà say với xị rượu, chúng mới mang đàn ngồi chiếc ghế đối diện đàn những bản nhạc cũ xưa cho tôi nghe … Bây giờ đến được vùng đất tự do, phải nghe cho lớn và công khai cho đã.

Xem thêm:   Người đeo dao quắm

Sau khi đã định cư ở Mỹ, tôi mượn tất cả những tape nhạc cũ của Trịnh Công Sơn của các bạn bè đi trước, để vừa uống bia vừa nghe lại hết những âm điệu cũ trong mùa đông dài đầu tiên nơi quê hương mới còn đầy xa lạ. Nhưng dĩ nhiên cả nhà dần dà không còn thấy hay, rung động như thời ở quê hương cũ nữa.

Con người phải thay đổi để hội nhập vào xã hội mới. Chúng ta phải xa dần nếp sống ngày xưa với nền văn hoá cũ quen thuộc. Người Việt hải ngoại mỗi ngày một nghèo đi về di sản văn hoá mang theo. Bởi thế tôi không đồng ý với những người bạn cực đoan kia đang đòi hỏi xoá bỏ nhạc Trịnh Công Sơn khỏi gia tài văn hoá cũ. Là một giáo sư dạy Việt văn hơn 20 năm xuyên hai chế độ, đã soạn sách giáo khoa cho học sinh trung học, có bao giờ tôi thắc mắc về những tác phẩm của các nhà văn tiền chiến đâu.

Chúng ta đã giảng dạy trong bao nhiêu năm văn thơ của những Xuân Diệu, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Nguyên Hồng… trong khi những người này đã ở lại miền Bắc sau 1954. Chế độ Việt Nam Cộng Hoà đã có lý vô cùng khi cho rằng những tác phẩm trước 1954 đã thuộc về gia tài văn hoá chung của người Việt Nam. Sau 1954, họ có theo Đảng Cộng Sản thì là chuyện chọn lựa riêng của họ. Chúng ta chống Cộng thì con em sẽ không học những tác phẩm sáng tác sau 1954.

Trong nhiều trường hợp, chúng ta còn mở rộng tới nền thi ca trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1946-1954, nếu những tác phẩm đó hay và không đề cao Cộng Sản. Từ bao nhiêu năm trước 30 tháng 4-1975 có ai thắc mắc về việc phổ biến những bài thơ của Quang Dũng, Hoàng Cầm … Đến độ bài Màu Tím Hoa Sim được phổ biến thành nhạc phổ thông khắp hang cùng ngõ hẻm cũng đâu gây ra một thắc mắc trở ngại văn học nào.

Bởi thế tôi nghĩ rằng sống ở hải ngoại trên 40 xứ rải rác trên trái đất này, chúng ta không nên khó khăn quá đối với di sản văn hoá cũ còn mang theo được. Tất cả những nhạc Trịnh Công Sơn trước tháng 4-75 hãy để chúng thuộc vào gia tài văn hoá của Việt Nam. Một mình Đảng Cộng Sản Việt Nam phủ nhận, đốt bỏ, cũng là quá đủ rồi. Còn với những bản nhạc nhạc sĩ này sáng tác sau 75, nếu hay và đầy đủ tình người, thì chúng ta cứ nghe.

Nhưng là vì người đã nghe nhiều nhạc mới của Trịnh Công Sơn, tôi cũng thành thực ghi nhận rằng loại nhạc này chẳng có bao nhiêu hy vọng được ưa chuộng trong thế hệ sau của Việt Nam hải ngoại. Bản thân chúng ta đã thay đổi dần, con cháu chúng ta còn thay đổi hơn. Nếu còn một chút góc tai nào muốn lắng nghe âm thanh của Việt Nam, cũng còn là điều đáng mừng cho tất cả.

Trời miền Tây Bắc nơi tôi cư ngụ về mùa Thu mùa Đông nhiều khi rất buồn. U ám, mây bay, sương mù, mưa dầm, không khí giá lạnh. Nhiều buổi sáng, khi kéo cổ áo cho mưa bớt rơi vào cổ, ngậm điếu thuốc, tôi đi như chạy trên những con đường nhỏ trong khuôn viên trường đại học đang theo học cho kịp giờ học kế … những lúc ấy thật thấy nhớ nhà và thèm cái nắng ấm của Sài Gòn, của Việt Nam nhiệt đới. Tâm hồn bay bổng đôi lúc về quê hương cũ, về những người thân yêu còn ở lại, về dân tộc mình bên kia biển Thái Bình Dương rộng lớn, tôi đôi lúc thở dài.

Trịnh Công Sơn đã có lý khi anh chọn ở lại quê hương. Nơi này, anh có đất nước, có dân tộc và dĩ nhiên có cả quê hương đích thật. Anh vẫn được làm một nhạc sĩ, mặc dù 10 bài làm ra thì quá nửa không được chính quyền cho phổ biến. Nhưng với những bản còn lại, nhạc điệu và lời ca đẹp như thơ của anh vẫn được vang lên khắp từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau đầy bùn lầy và phù sa. Anh được làm nhạc sĩ cho dân tộc hơn 60 triệu của mình, trên quê hương mình. Anh chọn lựa ở lại là phải. Bởi vì ai danh tiếng cho bằng người bạn già Phạm Duy thân ái của tôi, nhưng hay đến10 bài Rong Ca thì cũng chỉ phổ biến trong có một triệu người xa quê phân tán trên khắp hành tinh trái đất này.

Trịnh Công Sơn ở lại là phải. Nhưng còn tôi, tôi ra đi cũng là phải. Tôi không thể ở lại để viết những bài trái với lương tâm mình, không phục vụ cho dân tộc mình. Ở lại, tôi trở thành một người già vô dụng, không giúp ích gì được cho bất cứ ai, và cũng chẳng còn là nhà văn tiếp tục. Ra đi, tôi có tự do và được làm nhà văn theo ý mình một lần nữa, dù chỉ là nhà văn cho có một triệu người.

Rốt cuộc mỗi người một hoàn cảnh. Chọn lựa nào cũng có cái lý của nó, và cũng có một nỗi buồn riêng. Một kết luận có vẻ nhiều bi quan. Có lẽ tại mùa Đông đang đến, tại buổi sáng sương mù, tại mưa rơi trên những con đường dẫn tới lớp học chăng?

Tôi cũng không biết nữa./.

TU

Bản in trên tạp chí VĂN của Mai Thảo ở California, số 81, tháng 3-1989.