Sinh 1964, Lâm Quang Dũng bút hiệu Andrew Lâm là con trai của cố Trung tướng Lâm Quang Thi nguyên Tư lệnh Pháo binh VNCH, từng làm giám đốc quân trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt và Tư lệnh phó Quân đoàn I. Trung tuần tháng 6-2022, Tuần san Trẻ đã giới thiệu với bạn đọc truyện ngắn Gỗ Mun và Hồn Ma Bóng Quế. Tuần này là một tạp ký khác, của cùng tác giả ghi lại hình ảnh về phụ thân. Những suy nghĩ chân thực đầy buồn bã như câu kết: “Thất trận của ông là di sản của tôi; cay đắng của ông là kế thừa của tôi.”

[Trần Vũ]

Andrew Lâm | Bản dịch Đỗ Lê Anh Đào

Tôi sắp sửa bằng tuổi cha tôi khi ông đến Hoa Kỳ từ Việt Nam ở cuối cuộc chiến. Tuy là tôi đã sống bằng nghề nhà báo và nhà bình luận hơn mười hai năm rồi, tôi vẫn phải cố gắng mới có thể ghi xuống những lời này, những lời mà tôi cần kể về một cuộc chiến đã qua từ lâu lắm, nhưng trên nhiều phương diện, vẫn chưa chấm dứt. Nó vẫn tiếp tục chia rẽ và làm chủ chúng ta.

Có một thời, hồi xa xưa lắm ở miền Nam Việt Nam, cha tôi từng là một tướng lãnh tự hào, một chiến sĩ trong một cuộc nội chiến dài hơn một phần tư thế kỷ. Là một đứa trẻ sinh ra trong chiến tranh ấy, tôi đã ngưỡng mộ một người đàn ông như là một ông thần hơn là một người cha. Không phải tôi đã từng tưởng tượng mình là một người lớn bước chung những bước quân hành với người đó hay sao?
Nhưng rồi tất cả đã thay đổi.

Ðoạn cuối chiến tranh, khi đạn dược đã cạn và quân lính chỉ được phát khẩu phần súng đạn hạn chế và trực thăng không được phép bay, và sự ủng hộ của Hoa Kỳ đã xa vời, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho những vị chỉ huy của quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong bốn vùng chiến thuật rút quân lại để bảo vệ Sài Gòn, bỏ lại phần lớn đất nước bị Việt Cộng công kích.

Cha tôi, Lâm Quang Thi, là một Trung tướng, chỉ huy một đội quân lực lượng đặc nhiệm suốt chiều dài Khu Phi Quân Sự chia đôi đất nước Việt Nam. Vì không có kế hoạch rút lui, thoạt đầu ông đã chống lệnh, biện giải là rút quân mà không có kế hoạch rõ ràng sẽ gây ra nhiều chết chóc. Hơn nữa, những tấn công của miền Bắc vào lúc đó đang gay gắt nhất. Nhưng chỉ huy của ông ở Ðà Nẵng vẫn ra lệnh rút lui, trích dẫn thủ tục hành pháp, và cha tôi phải chấp nhận.

Cha và quân của ông lên tàu ở Huế và về lại Ðà Nẵng, cách miền Nam khoảng năm mươi dặm. Và sau đó, khi Ðà Nẵng về tay Việt Cộng, họ lại lên tàu về Vũng Tàu, một tỉnh ven biển về hướng đông Sài Gòn.

Lúc đó tôi có gặp cha. Ông đã thay đổi hoàn toàn. Không còn nữa thái độ vương quyền và lạnh lẽo của một trung tướng 3 sao với dáng oai nghiêm làm người gặp phải sợ. Có sự bối rối đâu đó trong đôi mắt ông và ông yếu ớt vì bịnh. Tôi chưa từng bao giờ thấy ông như vậy và điều này làm tôi ớn lạnh suốt xương sống. Nếu như cha tôi, một người mà tôi từng tôn thờ và tin rằng ông quyền thế và dũng cảm, cũng bất an và không nơi nương tựa, thì tất cả chúng tôi còn lại sẽ ra sao?

Ở Vũng Tàu, cha nhận được lệnh phải đem mình tự thú. Ông và 6 ông tướng khác cùng bị bắt. Tội ác của họ: rút quân mà không có lệnh từ chỉ huy. Có nghĩa: quá nhiều quân lính và tướng tá cùng di chuyển trong một khu vực là một việc làm táo bạo trong quân đội, vì vậy cho nên Tổng thống Thiệu phải ngăn cản một cuộc nổi dậy có thể xảy ra dù là quốc gia của ông, dưới sự tấn công tới tấp của bộ đội Cộng Sản, đã hao mòn chỉ còn một phần tư.

Trung tướng Lâm Quang Thi tại Quảng Trị 1974   

Một vài ngày sau đó và cuộc chiến đã chấm dứt. Nó kết thúc ngày ba mươi tháng tư năm 1975, khi xe tăng Việt Cộng lái vào Sài Gòn và có cả một chiếc đâm sụp cánh cổng tươi mát của Dinh Ðộc Lập khi những chiếc trực thăng đem những người tị nạn lên tàu hải quân.

Buổi sáng hôm đó, cha rời khỏi Việt Nam. Khi nhận được tin là chính quyền Việt Nam Cộng Hoà đã đầu hàng, ông lên tàu ra biển với một vài trăm công chức khác và gia đình của họ trên sông Sài Gòn. Khi tới gần Vịnh Subic ở Philippines họ xin nhà chức trách Hoa Kỳ cho nương náu, ông xếp bộ đồng phục quân đội của mình, thay mặc một cái quần jeans và áo sơ-mi, và lúc đó, một người vô quốc gia, ông vất khẩu súng của ông xuống biển.

Xem thêm:   Istanbul thủ đô Thổ Nhĩ Kỳ

Tôi không có ở đó. Lúc đó tôi đã sang Guam, ra đi trên một chiếc máy bay đầy người tị nạn hoảng sợ rời khỏi Tân Sơn Nhất hai ngày trước lúc Sài Gòn mất. Tôi còn nhớ lúc rúc vào bên cạnh mẹ, chị, và hai bà của tôi, rời rạc nhìn Việt Nam biến mất ở phía chân trời bên ngoài cửa sổ. Ký ức kế tiếp của tôi là mùi vị của miếng bánh mì kẹp xúc xích và phó mát ở căn cứ không quân Hoa Kỳ.

Dù tôi không chứng kiến cử chỉ đó của cha, tôi có thể thấy nó rõ ràng, vì đã tưởng tượng tới nó biết bao nhiêu năm nay. Tôi thấy bàn tay ông run rẩy trước lúc ông quăng khẩu súng thành một vòng cung bay trên mặt biển, dòng nước nâng lên nuốt mất nó. Tôi nhìn thấy đôi mắt ông nhìn vào một tương lai không ngờ trong cảnh tha hương, làn gió thổi mảnh áo trắng của ông chập chờn. Tôi không ở đó để chứng kiến sự kiện này, nhưng tôi đã coi cái giây phút khi ông vứt bỏ súng mình là một chỗ rẽ trong lịch sử riêng mình. Khẩu súng đó, nay rỉ sét ở đáy lòng biển, là một điểm ghi trong đời tôi. Nó đánh dấu sự kết thúc cái huyền thoại ấu thơ của tôi.

Ngôi nhà đầu tiên của chúng tôi ở Mỹ là một căn chung cư chật chội cuối đường Mission, nơi thành phố San Francisco chấm dứt và khu vực ngoại ô bắt đầu. Bác tôi, bốn người con của bác và anh tôi, một du học sinh, đã cư ngụ ở đó, nhà không còn nhiều chỗ để ở. Chúng tôi ngủ ở mọi ngõ ngách: dưới bàn ăn, trên ghế sô-fa, trên võng, ba bốn người ngủ một giường.

Bác tôi thì đã vật lộn với đời sống. Là vợ của một ông ngoại giao Việt Nam, và bị ông ta bỏ rơi, bác mở một nhà hàng nhỏ dưới lầu để sinh sống. Chúng tôi mọi người đều giúp việc nhưng đời sống rất khó khăn. Và tất nhiên mọi sự còn khó hơn vì ai cũng còn bị cơn sốc nặng tinh thần.

Chúng tôi không có tin gì về cha khi ở trại tị nạn ở Guam, và khi mới tới Mỹ, cũng không biết gì về thân phận ông. Mẹ tôi, ngày càng hao mòn, mắt thì sưng đỏ vì đêm nào cũng khóc than từ ngày rời Việt Nam, không cất tiếng nhưng ai cũng biết bà đang nghĩ gì. Có lẽ là cha còn ở lại. Có lẽ là cha, với lòng yêu nước và trung thành với quân lính của ông, đã quay về với họ và cùng chiến đấu ở đâu đó dù kết quả ra sao. Và hơn nữa, mọi người đều biết ông ghét nhất là thua trận và có thể danh dự đó đã sai khiến ông làm một hành động quyết liệt nhất của những người cùng thời với ông: tử thủ. Ðã có những tướng chỉ huy khác tự vẫn khi đồn trại của họ bị Việt Cộng chiếm được. Tôi đã nghe mẹ thầm thì những từ này với cô tôi một đêm, và sau đó tôi không tài nào ngủ được. Tử thủ: phòng thủ tới chết. Tử thủ, tử thủ, những từ này lặp đi lặp lại trong đầu tôi.

Thiếu úy Lâm Quang Thi (trái) năm 1951

Nhưng một buổi trưa nọ ở nhà hàng điện thoại reo. Mẹ bắt lên. Ở bên kia là tiếng nói của cha. Bà nghẹn ngào. Bà khóc lóc. Bà nói không thành tiếng. Rồi bà phát cười. Họ không trò chuyện lâu lắm nhưng khi bà cúp điện thoại, bà và bác tôi ôm lấy nhau. Tôi nhìn họ từ đằng sau quầy bếp khi hai người đàn bà ôm nhau khóc giống như những người đã lênh đênh trên biển rất lâu, đột nhiên thấy một con tàu cứu vớt ở chân trời. Chỉ lúc này, khi tôi thấy mẹ tôi vui trở lại là tôi mới nhận biết được cái mà chúng tôi đã trải qua bao lâu nay từ lúc rời Việt Nam: sự tuyệt vọng.

Ðám mây tăm tối bay đi. Tối hôm đó tôi lại nghe tiếng cười của người lớn. Nụ cười hiếm hoi đến nỗi nó có cảm tưởng như chúng tôi lại được đang ở Việt Nam trong những ngày Tết. Mọi người trong gia đình cùng nói một lúc. Mọi người cười vui vẻ. Mọi người đùa giỡn. Chúng tôi bàn tính sẽ làm một bữa tiệc ăn mừng khi cha tới Mỹ. Chúng tôi không còn là những cái bóng vật vờ trong căn chung cư tối tăm. Tôi nhớ mình đi qua đi lại, người thì run lên vì vui mừng và nôn nóng. Cha sắp tới rồi. Chúng tôi sẽ hoàn phục, phục hồi gia phong, có phải vậy không?

Xem thêm:   Dubai

Có một thời gian trong căn chung cư chật chội đó, cha tôi, ông trung tướng tha hương, suy tư nghiền ngẫm. Ông đọc báo nhưng không tìm công việc làm. Ông uống rượu mỗi tối và coi TV. Tôi thường lại gần ông và ngồi trong lòng ông, và cha và con cùng ngồi như chúng tôi đã từng làm ở Việt Nam. Ông thường vuốt tóc tôi một cách lơ đãng, hôn má tôi và để tôi ôm ông. Nhưng lúc đó tôi lớn lên rất nhanh, giọng tôi bắt đầu vỡ, và tuy rằng tôi có thể nhớ được ngồi cạnh ông, tôi cũng có thể cảm thấy được là có một điều gì đó trống vắng. Ông làm những hành động cũ nhưng đôi mắt ông nhìn những gì không hiện diện trong căn phòng khách đó. Trên màn ảnh cái TV trắng đen, Walter Cronkite kể cho chúng tôi nghe những ghê sợ của Ðông Dương sau chiến tranh: những người đi vượt biên chết trên biển, Cam pô chia biến mất dần dưới sự cầm quyền của Khờ me đỏ, và nhiều điều khác. Cha tôi phản ứng lại với những tin tức buồn đó bằng một tiếng trầm và khàn khàn như ông là một con thú đang bị giam cầm, “Hờ! Hờ!”

Giữa khuya trong phòng riêng của họ, cha mẹ tôi cãi nhau. Mẹ tôi – người đã đứng đợi dưới một cái dù, tại bãi biển Ðà Nẵng trong những ngày cuối cuộc chiến, chờ hải quân của cha tôi đến đón từ Huế – trong khi lực lượng Việt Cộng và súng cối của họ bắn từ đèo Hải Vân đến thành phố sau chỗ bà đứng, đã giết hàng trăm người; mẹ tôi – một người tình trung thành như trong những truyện ngụ ngôn Khổng Giáo – bây giờ dọa rằng bà sẽ bỏ cha tôi nếu như ông không sửa đổi. “Một bà vợ ông trung tướng bây giờ làm phụ bếp. Tại sao ông chồng không làm bất cứ gì đó để phụ giúp?” Mẹ tôi la lớn. Có phải ông muốn thấy con ông chết đói ở Mỹ hay sao, bà hỏi?

Tôi không nhớ là cha tôi có trả lời bà không, hay là ông có nói bất cứ điều gì hay không, trừ việc bảo bà nhỏ tiếng lại. Tôi nhớ, hai bà nội ngoại của tôi lắc đầu và lần tràng hạt của họ trong phòng khách, giả bộ như không nghe thấy. Ðiều gì đã xảy ra đến với người chồng, người cha, người con gan dạ, tài giỏi, và hào hoa? Người đàn ông trầm lặng này là ai, người đã bốn mươi ba tuổi nhưng chỉ trò chuyện khi đã say sưa?

Bên ngoài cửa sổ, bên kia đường, trong bãi đậu xe ngoài chợ, anh tôi là một bóng hình cô độc trong bóng tối. Anh dọn dẹp và lau quét, làm một người phu công lương ít. Anh đã rời Việt Nam như một chàng hoàng tử. Anh không phải chạy trốn như kẻ tị nạn giống chúng tôi, nhưng lịch sử cũng bắt được anh và biến anh trở thành một kẻ nghèo. Vì vậy mà anh co mình lại, ủ rũ thẫn thờ. Anh tôi, người đã từng tôn thờ và kính mến cha tôi, đã từng theo cha trên trực thăng đến những khu vực chiến đấu lúc anh còn nhỏ và được cha sai việc coi bản đồ, đã từng thực tập cực khổ để có thể đoạt được đai đen võ Taekwondo lúc anh mười hai tuổi để có thể làm cha hài lòng, trở thành người con quá quắt ở Mỹ. Anh cãi lời cha. Ðôi khi anh tát mặt tôi. Anh bập bềnh giữa hai người, một người con ngoan ngoãn và một thiếu niên nghiện ngập, giữa chuyện làm anh hùng trong một cuộc chiến đã thua và cái cố gắng nổi loạn với số mệnh. Có những đêm anh về nhà khi đã say mèm và làm cho gia đình tôi càng nổi lửa trong cơn bất mãn.

Thật sự gia đình tôi đã có một mơ ước kín đáo: Cha sẽ bằng cách nào đó hoàn phục thanh danh chúng tôi. Chúng tôi thật đã không sẵn sàng để có thể chấp nhận cái thực tế mới – làm sao làm được? Chúng tôi cũng không thể chấp nhận là kể cả cha mình cũng không có cách nào khác, cha cũng ở trong cơn sốc nặng nề và bị ám ảnh bởi quá nhiều chết chóc. Kể cả cha cũng có yêu ma quỷ dữ chế áp tinh thần.

Gần hai năm sau thì cha mới có thể thoát khỏi những yêu ma áp chế đó để có thể làm lại từ đầu, đưa chúng tôi vào đời sống thoải mái hơn, để làm được một công việc với sức mạnh phi thường, đạt được bằng cao học thương nghiệp học trường đêm trong khi ban ngày thì làm việc ở ngân hàng. Nhưng đến lúc đó thì tình thương, sự kính trọng, và lòng hiếu thảo đã từng sưởi ấm và xây dựng gia đình tôi đã đổ vỡ; Hoa Kỳ và tất cả những cám dỗ ở đó đã tràn vào, chia rẽ chúng tôi, làm cho chúng tôi trở thành xa lạ với nhau.

Xem thêm:   2 người thợ săn

Tốt nghiệp tú tài triết học Pháp, người từng đọc Camus và ái mộ La Fontaine, đoạt đai đen hạng ba võ Taekwondo, một chiến sĩ và nhà triết học, đáng lẽ cha phải không nhất thì nhì. Ở Việt Nam, vì những chiến công huy hoàng của ông và làn da ngăm đen của ông, Việt Cộng từng gọi ông là, “Con Beo Ðen Của Miền Nam”, một lời khen hiếm hoi. Nhưng sân khấu nơi ông từng đóng vai chính bây giờ không còn nữa, trôi dạt đi ngay dưới chính đôi bốt quân đội của ông. Ở Mỹ thì ông bị kiềm chế, nản lòng, và trong một thời gian, lạc đường lạc lối. Ở Mỹ thì ông chỉ làm chủ ký ức của mình, và rồi ký ức của ông bắt đầu làm chủ ông.

Tuy ông không cáu kỉnh khi say rượu, nhưng sự im lặng của ông rồi cũng mở đường cho một giọng nói to lớn kể chuyện những cuộc chiến ông đã thắng. Lúc này thì bác tôi và con bác đã dọn ra ngoài ở, và cô út tôi, người trẻ nhất trong ba chị em và gia đình cô đã dọn vào. Cô đi làm ở nhà hàng trong khi hai anh em rể bắt đầu lễ nghi hồi tưởng. Chú tôi từng làm thủ lĩnh đội nhảy dù trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Chú đã chia sẻ một phần nào những đổ máu. Thường thường thì chú ngồi uống rượu với ba tôi mỗi tối và hai chiến sĩ phòng khách so sánh với nhau những vết thương chiến trận, kể lại tất cả những hành động dũng cảm và ngu si họ đã từng làm khi họ còn là lính, còn là trai trẻ.

Nhớ hồi ở Sa Ðéc khi Việt Cộng đến tấn công nhà mình…

Nhớ hồi đi Cam pô chia năm đó khi mình bị xâm lược, gần chết…

Nhớ hồi nhảy dù xuống giữa bãi mìn..

Ông bà Lâm Quang Thi tại Fremont Hoa Kỳ

Trong kiểu này, mỗi tối chiến tranh đều trở về. Trong căn phòng khách ọp ẹp, những tiếng nổ B-52 vang lên, bom napan nổ lên giữa cánh rừng dày dặm, trực thăng đáp xuống giữa đồng ruộng màu mỡ.

Có nhiều khi tôi cũng nhắm mắt lại và mơ màng. Tôi nhớ lại chuyến bay trực thăng của chúng tôi trên đồng ruộng từ Quảng Trị về Huế, và tôi nhớ vầng trăng tròn vàng theo đuổi chúng tôi trên những ô vuông thẳng dưới đất. Tôi nhớ đứng chung với cha tôi một cách hãnh diện trong một cuộc diễn hành ở Ðà Lạt. Và có một đêm khi ông kể về Huế tôi thấy mình ở một lần nữa trên bờ sông Hương, chờ cho trực thăng của cha đáp xuống, những lưỡi cỏ phất phới. Khi cha xuống tới, tôi chạy vào lòng cha và ông bồng tôi vào lòng trong tiếng cười hạnh phúc.

Những nụ hôn của cha rát râu của ông và đồng phục của ông toả ra đầy mùi mồ hôi, dầu thơm, bùn đất, xì gà, và thuốc súng – những hương vị tôi luôn nhớ của chiến trường. Tôi thật hạnh phúc trong cái ôm đó, hạnh phúc thật nhiều bên cạnh một dòng sông cổ kính tên được đặt theo mùi hương những nụ sen nở cuối hè; dòng sông chảy như lịch sử, có những lúc mãnh liệt, có những lúc êm đềm, và đến lúc đó vẫn có bên phía chúng ta…

Khi tôi mở mắt ra và nhìn chung quanh, tôi nhìn thấy một thế giới thật khác lạ: hai người đàn ông ngồi trên một sô-fa cũ kỹ dưới ánh đèn mờ, kể lại những gì đã xa mất, màn ảnh tivi chiếu Carol Burnett và Tarzan, một tấm hình bạc màu chụp cầu Golden Gate trên tường, những màn cửa rách rưới, và, bên ngoài cửa sổ, siêu thị L và M với những người đi chợ giai cấp công nhân và sương mù bay bay – thế giới lạnh lẽo và ảm đạm mới của tôi.

Cha tôi thì cứ kể tiếp. Giọng say rượu của ông lung lay tất cả những màn kính trong ngôi nhà mới của chúng tôi, khuấy động từng hạt bụi, và tràn đầy trong tôi, một cách chầm chậm mà chắc chắn, một khung cảnh diệt vong. Thất trận của ông là di sản của tôi; cay đắng của ông là kế thừa của tôi.

AL

Đỗ Lê Anh Đào dịch 30 tháng 4-2007