Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác
Con chó khựng lại trước tấm da gấu ngựa màu nâu đen, lông mướt như nhung, trải làm thảm dưới sàn gỗ. Nó nhe nanh, gầm gừ lùi lại đôi chút, cái đầu thon nhỏ, đen láy điểm nạm lông vàng sẫm quanh mép, hơi nghiêng một phía, chân nhón lên trong thế thủ đặc biệt của loài chó Lài khi lâm trận.
Ông Giao vỗ nhẹ lên lưng nó:
– Yên, Đích!… Yên nào!
Ông Huy vừa treo chiếc nón săn lên mắc, thấy vậy, quay lại bạn:
– Kỳ há!… Nó sợ gấu lắm thì phải?… Mà sao anh chịu khó chăm sóc con chó quái này?… Có gì đẹp đẽ nào: một chân tập tễnh, mình lại đầy sẹo…
– Ô… Câu chuyện dài dòng lắm. Con Đích không có bộ mã mỹ miều, nhưng đối với tôi, nó là người bạn trung thành, đôi phen vào sanh ra tử với nhau rồi đó…
Ông đẩy con chó Lài sang phòng bên, khép cửa lại, rồi kéo ghế mời khách ngồi. Câu chuyện của Đích được thuật lại bên tách trà thơm, trong không khí êm ả, nhẹ nhàng của buổi chiều sơn cước, giữa đôi bạn đường rừng lâu ngày mới gặp nhau. Giọng ông Giao ấm áp khiến câu chuyện đậm đà.
…Tôi còn nhớ như việc vừa xảy ra, anh ạ!… Sự thực thì cách đây đã trên 5 năm rồi. Bữa đó là một buổi sáng khô ráo, se sắt lạnh, vào đầu tháng Mười… Đang tiết cuối Thu, mà anh còn lạ gì những buổi sáng hồng, có heo may, có tiếng ngỗng trời ngang trên không… Dân thợ săn chúng mình không tài nào ngồi nhà được. Tôi cũng vậy vác súng đi ngay từ sớm… Tôi không theo ven rừng như thường lệ, mà băng ngang sườn đồi qua thung lũng, tới triền núi bản keo, khoảng rừng rậm có dòng suối bạc đó… Chỗ đó, về cuối Thu sẵn nai lắm!
Nhưng lần này ngồi rình mãi chẳng thấy bóng hươu, hoẵng nào, tôi lần mò vào sâu hơn, mãi cánh rừng lim phía dưới.
Chợt tôi nghe văng vẳng có tiếng rên rỉ nghẹn ngào, theo gió thoảng lại… Chẳng rõ tiếng gì, nhưng tôi biết chắc thế nào cũng có người hay vật đang hấp hối trong xó rừng nào đó, sau những hàng cây chi chít, che khuất tầm mắt.
Len lỏi qua mấy bụi gai, tôi lò mò tiến lại phía tiếng rên, cách đó cũng không xa… Tới khoảng rừng thưa, tôi giật mình, đứng sững lại: Chà!… Bây giờ nghĩ lại tôi còn giận sôi sục…
Anh biết không?… Ngay trước mắt tôi, hiện ra cảnh tượng dã man không tả nổi: bên cái cọc tre đóng chặt, căng thân một con chó như ta trải tấm thảm; miệng con vật tọng đầy giẻ, nên không sủa được, chỉ rên rỉ như tôi vừa nói…
Tôi thấy màu đất chỗ đó nâu đỏ, lại rung động liên miên; nhìn thực kỹ, thì ra đó là tổ kiến lửa!
Úi cha… Kiến lửa thì anh biết chứ gì?
Không phải thứ kiến li ti ta vẫn thấy đâu… Kiến này lớn hơn nhiều, mà cũng dữ dằn hơn cả trăm lần. Chẳng cái gì chống lại nó được… Dù hổ báo cho tới cá sấu, voi rừng cũng phải ngán kia… Chỉ trong vài giờ đàn kiến ghê gớm này đủ sức biến con mồi thành bộ xương khô, trắng bóng như vừa được cạo sạch từng đường gân, thớ thịt…
5, 6 hàng kiến bắt đầu bò lên bụng, lên lưng, lên tai con chó đáng thương hại, cả ngàn cặp nanh sắt thép đã rúc dưới lớp lông dày, cắm ngập vào da thịt nó… Thân hình con chó đã rướm máu…
Tôi chồm tới, nhanh như cắt, lia lưỡi dao săn, chặt lớp thừng gai trói con vật… Tôi làm hết sức mau lẹ mà dăm chục kiến đã bám vào tay, vào lưng, vào cổ tôi… Chà!… Buốt như kim châm vậy… Không kịp nghĩ ngợi, tôi ôm cả con chó nhào đại xuống dòng suối cuồn cuộn chảy gần đó.
Cả tôi lẫn nó bị nước cuốn trôi băng… Nhưng cũng nhờ vậy, chẳng con kiến nào còn bám được vào người tôi và con vật.
Thật là may, giá xa không có làn nước mát mẻ ấy, tôi chẳng biết làm cách nào cứu con chó… Nhặt hết kiến, chắc nó cũng chết cứng!
Về tới nhà đã quá trưa… Tôi ôm con vật suốt dọc đường, nên mỏi rã rời. Nó còn thoi thóp, phần đau, phần đói nên nằm lịm một xó.
Tôi không hiểu tại sao có người tàn nhẫn, nỡ hành hạ nó như vậy?… Nhìn kỹ ra thì nó là giống chó rừng, có lai đôi chút, nhưng phần giống chó sói nhiều hơn. Tôi đoán chừng con vật lẻn vào buôn bắt gà vịt sao đó, rồi sa bẫy…
Nhờ trời nó vạm vỡ khỏe mạnh, nên chỉ vài ba bữa sau là dậy được… Những vết thương đóng sẹo… Đó… chỗ trụi lông anh thấy đó. Riêng cái chân què lâu khỏi hơn, vì bị hàm thép của bẫy thú kẹp nát một lóng xương.
Nó ở với tôi được dăm tháng, ngoan ngoãn, trung thành như bất cứ con chó nhà tinh khôn nào. Có điều nó chẳng bao giờ chịu nằm ngủ trong nhà. Cứ đêm đến là ra nằm cuộn tròn như chó ta nuôi… Thỉnh thoảng, trong những đêm trăng sáng, nó tru từng hồi dài… Chắc nó nhớ lại những ngày sống với đàn thuở trước.
Cho tới một buổi sáng, tôi không nghe tiếng móng chân gại vào cánh cửa để đánh thức tôi dậy như mọi bữa, hay tiếng rít quen thuộc của nó báo hiệu trời vừa bình minh. Tôi chạy lại chỗ bụi sim cuối vườn: con Đích biến mất, vết dấu chân nó còn rành rành trên lối mòn vào rừng.
Tôi cất tiếng gọi… Như mọi lần, dù xa tới đâu, nghe tôi gọi, nó vẫn tru lên, đáp lời, nhưng bữa nay, không… Cánh rừng buổi sáng êm rơ, thưa nhặt vài tiếng chim hót… Tuyệt nhiên không thấy tăm tích con Đích.
Một ngày rồi hai, ba ngày qua… tôi đành phải nhận sự thật phũ phàng đó: con Đích đã bỏ tôi, để đi hoang, trở về với nếp sống rừng rú.
Nỗi buồn của tôi nguôi ngoai dần… Tôi biết loại chó rừng đều vậy, cuộc sống nhàn nhã trong một trang trại làm nó chóng chán, rồi tới mùa nào đó, nghe tiếng gọi của đàn chó thoảng lại theo gió ngàn, nó lẳng lặng biến mất, như con Đích vậy.
Khoảng nửa năm sau, bữa đó tôi đang cặm cụi đốn cây cẩm lai – thứ gỗ thức, có vân hoa, tuyệt đẹp, chợt nghe tiếng rít khẽ, thật đặc biệt của con chó được tôi cứu sống ngày nào… Tôi giật mình quay phắt lại: con Đích đứng đó, ngay sau lưng tôi, vẫn lầm lì, yên lặng như chiếc bóng… Những sẹo trên người nó còn nguyên, thêm vài hàng ngang dọc nữa là khác. Điều đó chứng tỏ những ngày xa tôi nó cũng trải nhiều gian truân… Nhưng lần này nó không cô đơn… Cách nó vài chục bước, còn con chó nữa, chó cái, 4 chân mảnh mai, tai nhọn hoắt, đang đăm đăm nhìn tôi… mắt đỏ khé, môi nhếch lên, nhe hàng nanh mũi dùi, trắng bóng.
Tôi biết đó là người bạn đường của Đích… Có thể nó là lý do quyến rũ đã bắt Đích khỏi trang trại của tôi.
– Giá hai con cùng về cả thì hay.
Tôi nghĩ vậy, nhưng con chó lạ đột nhiên xù lông cổ, gù cao lưng, sủa dữ dội rồi quay phắt đi nhón chân bước vào rừng.
Con Đích ngơ ngác một chút, ghé mõm vào chân tôi đánh hơi tỏ dấu quyến luyến… Tôi nhẹ nhàng vuốt đầu nó…thông cảm hoàn cảnh khó xử của con vật. Nó ve vẩy đuôi một cách khúm núm như mong muốn tôi thứ lỗi, rồi lẳng lặng bước theo bạn…
Trước khi khuất trong bóng lá, nó còn ngoảnh lại nhìn tôi lần chót.
Tôi mừng lắm, biết nó còn sống, chưa bị hổ báo xé xác là tôi yên tâm rồi.
Mùa Đông tới… Xuân qua… Tôi không có dịp nào gặp lại con Đích. Cho tới một bữa, tôi mãi theo dấu đàn trâu rừng, đi lạc vào tận cánh rừng Bản He… Vùng này toàn cây lớn cao ngất trời; dưới đất cơ man là bụi dâu, thứ dâu rừng có trái bằng đầu ngón tay cái, lúc chín tím thẫm, ngọt lịm.
Chợt tôi thấy động đậy trong bụi, rồi chiếc mõm ngắn, nâu hồng, bê bết mật dâu của con gấu non thò ra… Anh biết chớ gì!… Đối với chúng ta, gấu là thứ vật có hại, thứ kẻ thù cần diệt trừ…
Đôi khi nó vồ người, nhưng thường xuyên nó phá mùa màng, bắt gia súc, điều đó ai cũng rõ.
Lập tức tôi đưa súng lên vai, nhả đạn… Con vật ngã lăn ra, kêu xăng xẳng như con chó con… Tôi nghĩ thầm:
– Tốt… Khỏi cần phí thêm đạn, tới cho nó một báng súng nữa là đủ.
Nhưng tôi chưa kịp thi hành ý định ấy, thì nghe tiếng gầm gừ sau lưng… Thứ tiếng hằn học của loài gấu lúc tức giận nghe rợn người!… Tôi quay phắt lại, giơ súng, nẩy cò… Đạn không nổ… Trong mùa mưa, tôi quên không cất vào chỗ khô khan, một số kíp bị ẩm chắc vậy, tôi cuống lên.
– Thế này mới là cái chết!
Trước mặt tôi, con gấu đứng dựng người… Dễ nó cao tới 2 thước. Trông…phát rét! Tôi biết giống gấu có lối tấn công như vậy, nó chỉ cần ghì chắc kẻ thù vào ngực, rồi ghé miệng, ngoạm hàng nanh nhọn vào cần cổ là rồi!… Khỏe đến đâu cũng không chống lại nổi.
Nó chồm vào tôi… Nanh vuốt chìa ra… Mắt tóe lửa, dữ dằn như hung thần… Tôi chẳng có cách nào hơn là liệng khẩu súng vô ích xuống đất rồi rút nhanh con dao săn đeo bên mình…
Chắc là anh lấy làm lạ sao tôi không bỏ chạy rồi nạp viên đạn khác?… Vô ích, loài gấu thông thường thì nặng nề đấy, nhưng lúc tức giận, hay rượt mồi, nó nhanh nhẹn như ngựa đua kia!… Thà đứng lại dùng dao ăn thua đủ với nó lại có đôi chút hy vọng thoát thân.
Vả lại hồi ấy tôi đang sung sức, lại có con dao lưỡi thép bào mỏng, sắc như nước, nên đâm liều… Nhưng tôi chưa kịp ra đòn, con vật đã quờ lấy phải tôi, đè xuống… Thế là hết!… Nó ghì tôi vào ngực khiến tôi suýt nghẹt thở… Tôi nghe rõ trống ngực mình đập liên hồi… Rồi liếc thấy cái mõm đỏ chót há rộng, đang tính ngoạm vào tôi… Cái chết của tôi chỉ còn trong đường tơ kẽ tóc…
Chợt tôi có cảm tưởng con gấu bị xô nghiêng, rồi chân con vật gì đạp vào lưng tôi… Tôi nhận ra ngay con Đích.
Con chó rừng đánh đu vào họng con gấu khiến nó không đè được tay tôi nữa… Lưỡi dao săn sáng lấp lánh nhắc tôi phải ra tay ngay: tôi đâm liên hồi vào cổ, vào sườn, vào bụng con gấu… Tới lúc nó ngã vật xuống, tôi vẫn còn như say máu, cắm lút cán dao giữa ngực nó.
Con Đích cũng nằm lịm, không nhúc nhích, một tai rách bươm, còn mạng mỡ bị vuốt gấu cào sâu, máu chảy ròng ròng, thấy mà xót ruột!…
Tôi ôm vội lấy nó, cởi áo buộc tạm vết thương, rồi bồng nó về trại.
Lại một lần nữa nó nằm mê man… Phải cả tháng sau con vật mới thực lành mạnh. Từ đó, nó không bỏ trại nữa… Cho tới nay, ít khi nó rời tôi… Nói có anh, tôi chỉ mong sao nó sống trọn vẹn kiếp chó có nghĩa bên tôi thôi!
–oOo–
Huy chỉ vào tấm da gấu dưới chân:
– Tôi hiểu… Vậy ra tấm da gấu này đây?… Kẻ thù của con Đích đây?
Ông Giao gật đầu:
– Anh đoán đúng… Tính ra đã 6, 7 năm trời, mà tôi vẫn không sao làm cho con Đích quên được chuyện cũ. Mỗi lần thấy tấm da này, là nó gầm gừ muốn cắn xé… Cũng vì vậy, nên tôi ít dám cho con chó vào phòng này.
Trong lúc ấy, ngoài vườn, dưới bụi sim, con Đích vểnh tai: xa, xa lắm, có tiếng chó rừng tru từng hồi, mơ hồ vẳng lại… Chắc lại bầy sói đi săn đêm… Nhưng rừng khuya lúc này bớt quyến rũ đối với nó… Con vật nhìn lại phía ánh đèn tỏa ra từ căn nhà nhỏ, ấm cúng, ve vẩy đuôi, rồi nằm duỗi dài, lim dim ngủ.
Trở về già, nó đã thực sự vĩnh biệt nếp sống hoang để trở thành thứ chó nhà trung thành.
NMT phóng tác
Trần Vũ đánh máy lại tháng 7-2024 từ tuyển tập 15 Truyện Săn Bắn của Nxb Sống Mới in tại Sàigòn trước 75.