Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác

Xưa nay tôi vẫn được tiếng là thích chụp hình thú rừng hơn là săn bắn. Và riêng đối với loài hổ thì tôi lại có mỹ cảm đặc biệt. Không riêng tôi, đa số các tay thợ săn chuyên nghiệp đều đồng ý với tôi là giống hổ bao giờ cũng đàng hoàng, độ lượng và gan dạ.

Vậy mà mỗi khi có hổ về kiếm ăn quanh vùng này, thiên hạ lại kéo tới nhờ tôi ra tay giúp họ. Trong những ngày rỗi rãi ở đồn điền, tôi chịu khó len lỏi vào tận những khu rừng có tiếng là heo hút nhất, nên đường ngang ngõ tắt trong rừng, nơi nào cũng có vết chân tôi. Thêm nữa tôi đang hồi sung sức lại thêm có vài khẩu súng săn tốt nhất vùng nên thiên hạ đồn đại:

– Ông Tư đã nhận lời săn, thì thần hổ cũng phải chết!

Cũng vì vậy nên bữa đó tù trưởng Bản Co cho người tới mời tôi:

– Có cọp cái lớn lắm… Nó từ rừng Bản Thai sang. Nó ăn thịt nhiều người lắm rồi, nhờ ông chủ hạ cho.

Kể ra từ cả chục năm nay, tôi vẫn phải “hạ” loài cọp ăn thịt người giúp thổ dân. Tôi không lạ gì giống cọp, một khi đã nếm mùi thịt người, trở nên liều lĩnh và có sức phá hoại gần như không thể lường được.

Theo lời viên tù trưởng thì cọp cái này đã ăn thịt cả trăm người ở vùng Bản Thai. Dân trong miền đặt bẫy rồi săn đuổi mà chẳng làm gì nổi nó. Lúc này có lẽ ở đó phòng thủ kỹ quá nên cọp ta đành sang kiếm ăn trong vùng Bản Co.

Theo tôi thì người không phải món ăn thường xuyên của cọp. Cọp ít khi chịu vồ tới người, trừ trường hợp con vật bị thương, có tật hay già nua tới độ không đủ sức vồ nổi hươu hoẵng để kiếm ăn.

Nhờ thổ dân đưa đường, tôi đến khu rẫy có vết chân con cọp này. Cách đây ba bữa nó mới bấu chết và ăn thịt hai vợ chồng người kiếm măng tre. Tuy có dấu chân cọp nhưng trời mới mưa nên chẳng sao theo dõi được. Tôi đoán chừng nó chưa bỏ hẳn cánh rừng, nên nán lại đó ít hôm.

Xóm này nhỏ lắm, có dăm nóc nhà sàn; phía ngoài là khoảng rẫy chừng non mẫu. Dân làng đang sống trong cảnh hãi hùng, thấy tôi tới thì vững dạ lắm.

Họ chỉ cho tôi coi rẫy lúa lốc, nơi cọp vừa mon men tới sáng qua. Nó tính vồ người thợ gặt nhưng họ la hét, đánh cồng ầm ĩ, nên cọp phải bỏ chạy vào rừng.

Theo lời họ thì không phải là một, mà là hai con cọp kìa!

Ðiều đó đúng! Vì theo kinh nghiệm của tôi về giống cọp ăn thịt người ít khi nó đi một mình; thường là có con cọp choai cặp kè bên cạnh.

Cả đêm, dân trong xóm không nhắm mắt nổi. Ðôi cọp cứ thay nhau “à…uôm” ngoài ven rừng. Chắc nó bực tức vì không cướp được mồi.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng

Bữa đó tôi cầm súng ngồi canh cho họ gặt nốt thửa ruộng lúa chín. Khoảng xế trưa, tôi vượt thung lũng, thử vào cánh rừng có đôi hổ xem sao.

–oOo–

Tôi đã quen những chuyến đi rừng một mình thế này. Thợ săn lùng cọp ăn thịt người trong rừng, thường phải tinh ý lắm; nhất là phải biết nghe ngóng động tĩnh, từ tiếng chim kêu, tiếng vượn hót, cho tới bước đi, chân chạy của thú rừng để tìm ra nơi hổ núp và lo giữ lấy thân.

Một vài giống, như con bò tót, con nai xanh, mỗi khi thấy hổ là bao giờ cũng rống lên một hồi báo động cho thú rừng. Nhưng đôi khi thấy người chúng cũng kêu “bép bép” một vài tiếng; hổ nghe động, lẩn mất, thành thử mình mất công toi. Nhưng thường thường, chúng rất hữu ích cho người đi săn.

Cái lo cho tôi là khi mình rình hổ, thì rất có thể hổ cũng rình mình. Với cái nhanh nhẹn, êm ả trời cho, con vật có lợi thế hơn thợ săn. Ðược cái khi hổ rình mồi, bao giờ cũng đón ngược chiều gió, như lúc rình hươu nai. Nên các tay thợ săn lão luyện thường cẩn thận đi ngang ngọn gió, để đoán ra nơi có hổ núp.

Bữa đó khu rừng êm ru. Chẳng nghe nai kêu, cũng chẳng thấy bóng hổ đâu. Tôi không đủ thì giờ quay về bản, nên đành ngủ trên cây.

Tôi đã có kinh nghiệm về cách chọn cây, nên lối ngủ lơ lửng giữa lưng trời này đối với tôi gần thành thói quen. Ðêm đó tôi có nghe hổ gầm, nhưng mãi phía ngoài xa. Khi trăng lên một lát, tôi ngủ thiếp đi hồi nào không hay.

Suốt buổi sáng bữa sau, tôi quanh quẩn trong cánh rừng. Tuyệt nhiên không thấy dấu vết đôi hổ. Nhưng khi vừa xuống tới thung lũng, tôi gặp 3 người Thượng đang nhớn nhác tìm tôi, một người hớt hải nói không ra hơi:

– Ông chủ à! Nó vừa cõng mất con bê trắng của tôi… Hai con cọp từ ngách núi chui ra.

Họ cho tôi hay đàn bò đang ăn thì đôi hổ tới. Chúng chẳng coi người chăn bò vào đâu, lẳng lặng bấu cổ con bê, tha đi.

Theo dấu chân tôi tìm ra ngay ngách núi; mặt đất còn vết chân bê bị kéo lướt đi. Nhưng dấn thân vào đó là chuyện không nên, tôi quanh ra phía sau, tìm đường leo lên sườn núi xem sao đã.

Ngách núi lau lách mọc đầy; thực là nơi lý tưởng cho cọp núp. Tôi nhìn quanh quất mãi mới đoán chừng ra nơi chúng giấu mồi. Thực ra, nếu chúng không động đậy thì chẳng bao giờ tôi nhận được. Tôi còn ngơ ngác bỗng thấy một cẳng bò trắng giơ lên trong đám lá. Tiếp đó là tiếng gầm gừ… Ðôi cọp đang tranh nhau miếng mồi ngon, chắc vậy.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân – Kỷ niệm về đời lính dù

Trong vài phút, tôi đứng im như pho tượng. Lúc này chiếc cẳng bê vẫn rung động, nhưng tiếng gầm gừ không còn. Cách tôi khoảng mười bước, có hòn đá tảng khá lớn. Tôi nhích dần về phía đó, người cúi thấp, nòng súng chĩa thẳng ra trước. Tới được sau phiến đá, tôi rón rén nhoai mình lên… Ðôi cọp đang chồm chỗm bên xác con bê. Một con ngoạm vào mông bê, lắc lư đầu, giựt ra từng tảng thịt bê bết máu. Con kia, ý chừng lửng dạ, nằm sóng soài, hí hoáy liếm chân. Con này có bộ lông hơi nhạt màu, không vàng óng như con hổ đang ăn. Tôi nghĩ chừng lông hổ cũng như râu tóc người ta, càng già càng kém sắc. Vậy con hổ lông nhạt này chắc là con già… Con hổ ăn thịt người đây, không sai rồi! Tôi phải hạ nó trước.

Tôi nâng súng ngắm thực kỹ rồi mới nhả đạn.

Tiếng súng nổ bất ngờ trong cái yên lặng của ngách núi vang lên như tiếng sét. Làn khói khét lẹt tỏa mờ mịt. Tôi thấy rõ ràng con hổ đứng dựng người lên, quờ quạng hai chân rồi ngã vật ra… Con kia phóng vọt vào bụi… Tôi chỉ kịp thấy một vệt vàng lướt như làn chớp, con vật mất dạng trong đám cây rậm rì. Dù nhanh tay tôi cũng không thể nổ súng theo được.

Con cọp trúng đạn nằm yên trong đám lá sậy khô. Tôi nhặt mấy viên đá liệng vào người nó, xem đã thực chết hẳn chưa.

Giống hổ kỳ lắm, đôi khi đạn không trúng nhằm chỗ phạm con vật chỉ ngất đi một hồi. Ðúng vào lúc thợ săn lò dò tới bên, nó bật dậy bất ngờ. Người thiện xạ bạc phước đó chẳng còn cách nào vùng vẫy khỏi hàm nanh bén như dao của nó.

Muốn chắc ăn, tôi bồi thêm phát nữa. Viên đạn xuyên ngọt vào lớp thịt trước ngực cọp. Nó vẫn bất động. Lúc ấy tôi mới thực yên trí mò vào ngách núi.

Lại tới bên con vật, tôi thất vọng ngay: chỉ thoáng nhìn tôi đã thấy đây không phải con cọp già vẫn vồ người mà là con cọp choai cặp kè theo sau!

Nhưng dù sao thì tôi cũng đã trừ được một con cọp đang tập sự trở thành thứ cọp ăn thịt người chính thức. Công việc của nó là đỡ tay cho cọp già khi táp mồi hụt, và giúp con này tha mồi chạy cho nhanh.

–oOo–

Lột da con hổ chết là chuyện khó khăn. Dù có đủ dụng cụ ở ngoài bãi rộng, một tay nhà nghề cũng phải vất vả tới hàng giờ. Ðằng này tôi chỉ có mỗi con dao găm, lại loay hoay trong ngách núi, với lau sậy vướng vít, nên công việc này thực mệt nhọc!

Thêm nữa, tuy không có gì thực sự nguy hiểm, vì tôi biết giống hổ khi no ăn rồi, chẳng bao giờ vồ người; nhưng tôi vẫn cảm thấy gai gai khó chịu, tưởng chừng như con hổ cái già còn quanh quất đâu đây xoi mói từng cử chỉ của tôi.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Công việc lây nhây mãi rồi cũng phải xong. Lúc đó trời đã chạng vạng tối. Lại một đêm nữa ngủ trên cây. Tôi mệt mỏi quá, thiếp đi ngay. Trong giấc mơ, tôi còn nghe tiếng con hổ già gào thét gọi bạn.

Tôi chỉ dám trở về bản khi mặt trời lên cao.

Dân trong xóm xúm lại nghe chuyện, giúp tôi căng bộ da hổ và rủ nhau đi khiêng xác hổ về. Ðối với họ đây là một dịp chè chén say sưa ít có.

Cả tuần đó, không thấy ai nhắc nhở tới con hổ già. Vài người lạc quan cho là con vật suýt chết, nên bỏ đi vùng khác. Có người nói nó còn chờ có hổ choai khác đi kèm rồi mới lại vồ người.

Thực ra, chẳng ai đoán trúng vì sang ngày thứ chín, lại một con bê bị bấu cổ chết ngay dưới chân đồi. Nhưng khi tôi tới chỗ con vật lại không thấy dấu chân hổ mà toàn những vết chân nhỏ của loại báo mun trong vùng.

Một ông già ngắt chiếc lá cỏ, đo vệt lõm trên mặt cát rồi bảo tôi:

– Ðúng là con báo mun thọt đây… Con này phá hại cả trăm bò bê rồi… Xin ông chủ trừ giúp cho đi… Một bên cọp bắt người, một bên beo bắt vật, dân chúng tôi chắc phải bỏ làng mà đi quá!

Tôi đành nhận lời giúp họ. Trong thâm tâm tôi vẫn mong may ra có khi rình beo lại gặp cọp cũng nên.

Tôi núp ngay trong một hốc núi khá sâu, gần chỗ con bê chết. Giống báo quen kiếm mồi ban ngày, nhất là ít khi chịu bỏ mồi nên tôi không phải đợi lâu lắm.

Khoảng lặn mặt trời, nó mò đến ngay. Con này tuy già nhưng lớn con mà nhanh nhẹn lắm. Tôi vẫn không thích tính loài báo: ít khi dám dàn mặt, chỉ rình vồ trộm. Ðã vậy lại nhát, hơi nghi ngờ là lảng mất. Nhưng tôi phải chịu là dáng dấp chúng tuyệt đẹp, vừa mềm mại, vừa uyển chuyển, ngắm không chán mắt.

Con vật hiện ra trên sườn núi, lướt nhanh trong bóng lá rồi chồm từng bước nhảy ngắn, êm như ru, tới cạnh con bê chết. Tôi đợi nó ngoạm vào mồi rồi mới nổ súng.

Con báo mun ngoẹo đầu sang một bên, cào hai chân sau xuống mặt đất rồi nằm im. Viên đạn trúng giữa đỉnh đầu nó thì phải.

–oOo–

Thế là tôi hạ một cọp một beo, nhưng không tìm ra con hổ ăn thịt người. Tôi đành phải tạm biệt dân làng ít lâu. Nhìn nét mặt buồn thiu của họ, tôi không đành lòng chút nào. Tôi hứa với họ sẽ trở lại vào đầu tháng tới, để trừ cho bằng được con hổ già mới nghe. Lúc đó họ mới tươi cười trở lại.

NMT

Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác, Nxb Sống Mới, Sàigòn 1970

Trần Vũ đánh máy lại tháng 7-2022