Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác

Cách đồn điền trà của tôi khoảng 3 chục cây số về phía Nam là rặng núi đá khá cao, kế tiếp với cánh rừng trùng điệp chạy dài tới dãy Trường Sơn. Trong khoảng cây lá rậm rạp trải rộng như biển khơi, loáng thoáng vài thung lũng nhỏ hẹp với mươi nóc nhà sàn, mấy thửa vườn trồng bắp, khoai mì, của nhóm người Thượng chất phác.

Theo tôi, phong cảnh vùng này khá đẹp, khí hậu cũng tốt nữa. Giá không có nạn hổ báo thỉnh thoảng kéo tới phá phách, đời sống thổ dân thực thoải mái, dễ chịu.

Thực ra, đa số hổ báo sống tít trong cánh rừng tre, nhưng đôi khi một vài con vì lý do nào đó, lìa khoảng sơn cốc heo hút, lén lút sống gần buôn để kiếm ăn.

Đó là trường hợp con hổ cái tôi nói tới sau đây.

–oOo–

Chẳng ai rõ nó tới Tà-mun hồi nào, kể cả lão Kíp, tay thợ săn nổi tiếng gan dạ nhất vùng. Lão tới gặp tôi vào một buổi sáng giữa cơn mưa tầm tã:

– Thầy à!… Cái hổ nó bắt người đó!…

Tôi rót cho lão ly rượu thuốc, thứ rượu đế có ngâm vài vị thuốc bắc với cái mật gấu, được coi như thứ thần dược trừ cảm mạo:

– Bắt mấy người?

Đôi chút khiếp sợ còn phảng phất trong ánh mắt lão:

– Mới 5  ngày mà 3 người rồi…

Đó là điều tôi không ngờ … Mãi sau này tôi mới biết, thành tích ăn thịt người của con vật còn ghê gớm hơn thế nhiều.

Nhưng ở Tà-mun, ngoài lão Kíp còn mươi tay thợ săn nữa, tôi nghĩ họ thừa sức hạ một con hổ, cho là hổ dữ đi nữa. Vả lại lão Kíp chỉ ghé chơi cho hay, chứ không thực sự nhờ tôi: mua việc làm gì cho mệt!

Tôi tặng lão ít thuốc lá vụn rồi dặn chiếu lệ:

– Chừng nào hạ được con cọp, cho tôi tới coi nhé!

Lão cười gượng:

– Cái đó còn nhờ trời… Quá lắm, dân làng tới đón thầy về buôn ít bữa, được không?

Tôi cho là lão nói bỡn, đề cao tài thiện xạ của tôi trước khi về, nên cũng chẳng chú ý tới nữa.

Câu chuyện khởi sự từ bữa con hổ cái đang sống thoải mái trong cánh rừng giữa đám hươu, hoẵng nẫn nà, không may đụng đầu với một con nhím … Kết quả là hổ ta bị chột một mắt, và hơn 5 chục lông nhím như đám gai sắt, cắm sâu vào lớp thịt dày, mềm như thứ gối mút dưới gan bàn chân phải. Con vật cố lấy răng nhổ gai, nhưng chỉ làm vết thương loét thêm, rồi mưng mủ… Thế là nó đành nằm chúi trong bụi, liếm chân. Đau nhức, bực bội, rồi đói mồi khiến nó trở nên dữ tợn ghê gớm.

Một người đàn bà Thượng tình cờ tới cắt cỏ gianh sát bụi gai bị nó tát chết… Mùi máu tươi, hương vị ngọt ngào của thứ thịt mềm, mịn thớ, ngon hơn thịt hoẵng làm con thú đang lúc đói bắt thèm… Nó ăn gần trọn xác chết trong 2 ngày liền.

Qua bữa sau, con vật lại hạ thêm một người tiều phu và đứa bé kiếm củi. Nó tha 2 miếng mồi ngon này giấu kín trong bụi để ăn dần.

Ngay từ lúc đó lão Kíp đã cho tôi hay, nhưng phải đợi tới khi nạn nhân thứ hai mươi tư bị hổ vồ chết, dân trong buôn mới chịu tới kiếm tôi.

Công việc tôi phải giúp họ chẳng dễ dàng chút nào: tôi chưa săn loại hổ ăn thịt người bao giờ, nên đâu kinh nghiệm gì; còn cánh rừng quanh Tà-mun, bát ngát như biển, biết đâu mà lần. Thà tìm cái kim trong đống rơm còn đỡ khổ hơn!

Nhưng tôi chẳng có cách nào từ chối: phần vì uy tín của người Kinh, phần vì tôi không nỡ thấy cả một buôn Thượng mất ăn mất ngủ vì một con hổ.

Có 3 người tới đón tôi, họ khuân vác hành lý súng đạn và dẫn đường luôn thể. Qua chặng đường rừng 16 cây số, chúng tôi tới một lán gỗ bỏ không: đây là nơi trú ngụ của nhóm người khai thác lâm sản trước kia; giờ họ kéo về xuôi nên mấy căn nhà sàn khá vững chãi, lúc này trống trơn. Đêm ấy, tôi cho đốt đống lửa thực lớn ngay dưới sàn; hơi nóng tỏa qua khe gỗ, làm tan khí lạnh sơn cước; một gã Thượng ném vào đống lửa vài cành long não, mùi khói thơm bốc lên ngào ngạt:

– Cái khói này chống rét rừng đó thầy Hai!

Tôi ngủ thiếp đi lúc nào không hay; chừng mở mắt dậy, mặt trời đã mọc cao, sương núi tan gần hết. 3 gã Thượng im lặng ngồi bó gối hút thuốc, tôi có cảm tưởng họ không chợp mắt lúc nào thì phải.

Từ đây tới Tà-mun còn khoảng mươi cây số nữa; có vài đoạn dốc nhưng băng qua toàn rừng thưa, tương đối dễ đi hơn. Tôi cho 3 người Thượng về trước, báo tin cho người trong buôn rồi lững thững tới sau, vừa ngắm phong cảnh. Thực ra, tôi không sao theo nổi nhịp bước của họ, hai bắp chân mỏi rã rời, còn toàn thân ê ẩm như người bị đòn. Có lẽ từ lâu tôi chưa đi bộ chuyến nào xa như vậy…

Được khoảng nửa đường, tôi gặp toán lính dõng chừng hơn chục người: họ đi tuần qua Tà-mun bữa trước. Viên cai thấy tôi đi một mình thì lạ lắm; ông ta trợn mắt, miệng tròn vo:

– Thầy coi chừng hà!… Khắp vùng này không ai dám đi đâu một mình… Con cọp này không phải loại cọp thường, thầy biết không…

Ông ta thuật cho tôi nghe một hồi, những chuyện rùng rợn về con cọp Tà-mun thêu dệt với những huyền thoại quái đản của con hổ cái què quặt, bất đắc dĩ bắt người ăn thịt này, nhiều chi tiết đặc biệt khiến tôi cười thầm.

Dù sao câu chuyện của viên cai già cũng phản ảnh phần nào nỗi lo lắng của dân trong vùng: ban ngày chẳng ai đi đâu một mình, còn vừa chập tối, nhà nào nhà nấy gài cửa cho kỹ.

Tôi cảm ơn rồi tháo súng trên vai, lên đạn, cầm sẵn trên tay cho ông ta yên lòng đôi chút.

Xem thêm:   Waki

Vượt qua con dốc uốn lượn ven rừng thông, tôi chợt nghe tiếng the thé của một con bé giong trâu: con nhỏ chừng 8, 9 tuổi, đang cố gắng lôi trâu từ bãi cỏ xanh mướt dưới chân dốc lên đường. Tôi chạy lại giúp nó một tay; hai chúng tôi, người đun, người đẩy, mãi rồi con vật to lớn, kềnh càng có cặp sừng cánh ná bóng loáng như gỗ mun, cũng lên tới mặt đường.

Tôi mỉm cười nhìn nó:

– Trâu ăn trộm hay sao mà khó chăn vậy?

Con bé chẩu môi nhìn tôi, lộ vẻ không bằng lòng:

– Trâu nhà cháu nuôi mà!

Tôi làm lành với nó:

– Nói rỡn đó … Vậy chứ cháu giong đi đâu đây?

– Đem qua cho chú cháu mượn… Trâu của chú cọp vồ rồi… Vồ bữa qua.

Tôi nghĩ thầm: Vị tất con cọp Tà-mun. Ít khi cọp quen mùi thịt người còn nghĩ tới bắt trâu … Nhưng biết đâu đấy!

Trong khi tôi suy nghĩ miên man, con bé ngắm tôi từ đầu đến chân rồi tò mò nhìn khẩu súng săn:

– Ông tới giết hổ hả?

Tôi cười:

– Thì cũng tính vậy…

Nó lắc đầu:

– Vậy sao ông không tới thẳng chỗ con trâu chết?

Tôi xoa đầu nó:

– Để đi với cháu tới nhà chú cháu rồi sẽ hay…

Con bé bằng lòng lắm… Nó sợ cọp, chắc vậy mà không dám nói ra. Bây giờ có tôi, nó vững tâm phần nào. Đi được một quãng, tôi gợi chuyện:

– Cháu không nghe con hổ dám bắt cả người sao?

– Có chớ… Cọp bắt bà Siu, ông Rang… với bao nhiêu người trong buôn mà.

– Vậy sao cháu dám chăn trâu một mình … Bố cháu đâu?

– Ổng đau … Rét hành.

– Anh cháu làm rẫy hả?

– Cháu không có anh… Có, nhưng chết lâu rồi, cũng như không.

– Thể mẹ cháu?

– Bả nấu cơm …

Như vậy, con bé mỗi mình vượt chặng đường vắng hoe với con trâu… Hai miếng mồi ngon cho cọp đói… Trong khi đó, người lớn chẳng ai dám thò ra ngoài, có đi đâu cũng tụm 5 tụm 3. Chúng tôi theo lối mòn tới nếp nhà tranh sau hàng rào nứa. Con bé gọi chú ra đón trâu. Có tiếng người vọng ra từ sau tấm cửa liếp:

– Cột trâu vào cột giậu cho chú rồi về ngay đi…

Tôi cột giúp nó, có ý đợi xem ông chú có ló đầu ra chăng… Nhưng không thấy động tĩnh gì, căn nhà êm rơ!…

Trên đường về tôi hỏi đứa bé:

– Ta đi coi chỗ trâu chết được không?

– Được chớ… Cháu đưa tới đó, nhưng cháu biết…

– Chắc bữa đó trâu đang ăn cỏ một mình nhỉ?…

Con bé lắc đầu:

– Đâu có… Có cả bầy nghé chớ… Nhưng nó đứng gần bụi tre nhất.

– Thế ra cọp vồ mồi giữa ban ngày sao?

– Vào sáng sớm, mặt trời vừa mọc mà…

Đi khoảng non cây số, con bé chỉ vào con đường mòn dẫn tới ven rừng:

– Đó … Chỗ khóm tre đó… Con trâu bị vặn gãy cổ rồi cọp kéo luôn vào rừng… Ghê quá!

Con bé nhắm mắt, le lưỡi, ra vẻ sợ hãi. Tôi dẫn nó về nhà rồi quay lại lối mòn. Có vết chân đàn trâu chạy tán loạn; nhưng từ sau bụi tre, tôi nhận rõ dấu cọp tha mồi.

Phải len lỏi qua các khóm gai tới vài trăm thước nữa, mới trông thấy xác con trâu; con vật còn nguyên vẹn, vết máu ở cổ màu tím nâu, đen những ruồi nhặng. Thân hình co quắp của nó nằm ngay dưới chân một mô đất cao chừng 7, 8 thước, cách hẻm núi khoảng 10 trượng. Một cây táo gai khá lớn, vươn lên trong bụi tầm xuân, khoảng giữa mô đất và hẻm núi, là chỗ ngồi rình cọp rất tốt, tôi nghĩ vậy.

Hồi này không có trăng, hổ từ hẻm núi mò ra kiếm xác trâu vào lúc chạng vạng tối, nếu núp xa, chắc khó hạ quá!

Tôi quan sát thực kỹ ven rừng trước khi về Tà-mun.

Người đầu tiên ra đón tôi là lão Kíp. Tôi hơi ngạc nhiên thấy lão mất hẳn vẻ tỉnh táo mọi khi. Lão đỡ cây súng trong tay tôi:

– Đã tưởng thầy không tới chớ … Lo quá!

Tôi cười:

– Chắc lão sợ cọp vồ tôi…

– Đâu có… Nhưng lâu nay, cả buôn chẳng ai dám đi đâu một mình.

Rồi lão thuật cho tôi nghe những chuyến rình cọp của nhóm thợ săn trong buôn.

Họ thất bại là phải: vì lần nào họ cũng phát quang các bụi rậm quanh chỗ hổ vồ mồi để nhắm bắn cho dễ, rồi lại dựng sàn, ngồi rình cả 3, 4 người … hỏi hổ nào còn léo hánh tới!

Lão Kíp bập hơi thuốc dài, lắc đầu:

– Vẫn cái con hổ què… Tôi biết vậy mà không sao hạ nổi, mới bực!

Tôi cho lão hay ý định của tôi:

– Đêm nay tôi leo lên cây táo, lão tính sao?

Ý nghĩ táo bạo đó làm lão giật mình:

– Chớ … Chỗ đó trống quá mà … Để tôi cho dựng chiếc chòi tre, tốt hơn, thầy đợi đêm mai, vội gì!

Tôi lắc đầu:

– Không sao đâu!… Giá con hổ từ trên núi xuống, chắc nó thấy tôi ngay… Đằng này tôi biết nó từ hẻm núi ra, tôi sẽ thấy nó trước.

– Để thầy nghỉ mệt đã… Mai hãy hay.

– Đâu được … Lỡ đêm nay vài con gấu đánh hơi thấy mồi là tan hết con trâu, lại phải chờ hàng tuần … Lão thấy không?

Lão không nói gì thêm, nhưng sửa soạn cho tôi bữa cơm ngon lành và pha ấm trà thực đặc để tôi rót vào bình thủy đem theo.

Tôi len lỏi khá công phu mới vượt nổi hàng rào tầm xuân. Thứ cây ẻo lả này khi quấn vào nhau, đan với cành lá táo, đã trở thành thứ áo giáp đặc biệt che chở cho thân táo khỏi bị lợn rừng hay bò tót cọ gãy.

Kiên nhẫn mãi rồi tôi cũng tìm được một thế ngồi khá thoải mái, nửa trên chạc ba nửa trên bụi tầm xuân. Chờ tôi yên vị đâu đấy, lão Kíp và 3 trai tráng đi theo, mới trở về. Lão đưa cho tôi miếng ngải bằng ngón tay cái:

Xem thêm:   Đặc sản Columbia

– Thầy giắt cái này vào người… Khỏi lo sương đêm với muỗi rừng.

Tôi chẳng tin chút nào, nhưng cũng cầm lấy cho vào túi, làm vui lòng lão. Mùi ngải thoảng ra, thơm nồng và cay.

Trước mặt tôi đồi núi thoai thoải, phía sau là hẻm sâu. Con ác thú từ trên đồi xuống sẽ nhận thấy tôi ngay, nhưng nếu ở hẻm núi mò ra, con vật chỉ có thể nhìn thấy tôi khi tới sát con mồi, lúc này nằm phơi chiếc bụng nâu nhạt cách tôi chừng 6 thước.

Tôi ngồi yên vị trên cây từ 5 giờ chiều. Khoảng một giờ sau, có tiếng con đỏ, một thứ hoẵng cao nguyên, cặp sừng nhỏ xíu, uốn cong như lưỡi câu kêu the thé. Tiếng kêu ré lên rồi nhỏ dần, mất hút về phía Tây. Tôi độ chừng con vật thấy lạ nên bỏ chạy… Có thể hổ tới chăng?

Những phút đợi chờ tưởng chừng vô tận!

Đêm xuống một cách chậm chạp, sương rừng giăng mắc tứ phương, rồi cả trái đồi trước mặt tôi biến mất hồi nào. Trong bóng tối mỗi lúc một dày đặc, tôi chỉ còn thấy vệt trắng nhạt như chút bóng mờ dưới bụng trâu.

Chợt có tiếng cành khô gãy ngoài hẻm núi. Tôi có cảm tưởng ai bước thực nhẹ trên lớp lá khô ngay phía sau lưng. Một phút sau, đâu đấy hoàn toàn yên lặng. Lâu lắm mới thoáng nghe cành lá rung động. Không chừng con hổ mò tới ngay dưới gốc cây táo gai!…

Mây đen kéo từ ban chiều làm trời đêm tối mò. Tôi cố chống mắt vẫn không trông thấy gì. Lúc con hổ đển sát xác trâu tôi đâu hay: phải đợi lúc nghe tiếng thở phì phì, tôi mới chắc chắn nó tới. Tôi biết giống hổ mỗi khi gặp con mồi chết từ lâu, bao giờ nó cũng cẩn thận đuổi sạch lũ ong rừng – thứ vò vẽ có vằn đen ưa ăn thịt chết – rồi mới vào tiệc. Dù ban đêm cũng vậy: thường thường giống ong bỏ đi ngay lúc mặt trời lặn, nhưng cũng có nhiều con ăn no quá không bay lên được. Có tiếng sột soạt rõ hơn: có thể đó là con hổ đẩy xác trâu sang một phía, tôi đoán chừng con vật sẽ nằm phía sườn trái về phía tôi.

Trước đây, tôi hy vọng trời có vài ánh sao… Như vậy còn bắn phỏng chừng được. Đằng này tối như bưng lấy mắt, tôi chẳng còn cách nào khác hơn là tin vào thính giác của mình vậy!

Tôi ghì chắc báng súng vào vai, hai khuỷu tay tì vững trên đầu gối, khẽ đưa nòng súng về phía tiếng động … Tôi nghiêng tai phải, lắng nghe … Cho là mình nhắm cao quá, tôi hạ nòng súng chừng một hai phân … Đắn đo mãi tôi mới nổ súng… Roạt!… Như vậy là con hổ vọt qua mô đất mất rồi … Tôi đoán chừng nó chỉ cần nhún hai cái là lên tới đỉnh… Có tiếng lạt sạt rồi êm rơ … Một là con ác thú biến mất, hai là chết lăn ra đó … Tôi đợi một lúc lâu mới dám hạ súng xuống. Đúng vào lúc đó có tiếng gầm nhẹ, gần như tắc nghẹn trong họng: lần này tôi hết thắc mắc, rõ ràng con hổ còn sống nhăn … Tệ hại hơn nữa, chắc chắn nó trông thấy tôi bó gối trên cây táo gai!

Chỗ tôi ngồi cách mặt đất khoảng 4 thước, nhưng lâu dần, đám tầm xuân rũ xuống, còn chừng hơn 3 thước; hai chân tôi lúc buông thõng, lại thấp hơn thế đôi chút.

Vậy mà cách tôi vài trượng, gầm gừ con thú dữ vào bực nhất, có thể cõng con nghé, vượt hàng rào nứa cao vút như chơi … Lại là thứ hổ đã quen ăn thịt người!

Ngay giữa ban ngày, đứng gần con hổ cho rằng nó chưa trông thấy mình chăng nữa, tay thợ săn gan dạ đã thấy rợn người. Còn nói gì lúc này… Tứ phía đen như mực, lại biết chắc con hổ đang rình mình, tôi nghĩ chừng tim muốn rời khỏi lồng ngực mất!

Để trấn tĩnh, tôi nghĩ rằng ít khi hổ vồ người trừ khi cần mồi hay bị khiêu khích. Con vật trước mặt tôi có cả một con trâu, đủ ăn 3 ngày, chắc nó chẳng cần vồ tôi làm gì cho mệt!… Nhưng nghe tiếng sột soạt đâu đó, hình dung con hổ đang bực tức đi đi lại lại, tôi vẫn thấy ớn lạnh phía sống lưng.

Trời nổi gió … Con hổ buông vài tiếng gầm rời rạc mỗi lúc một xa dần. Khi lác đác có vài giọt mưa rơi, tôi biết chắc con vật biến mất vào hẻm núi.

Mưa kéo dài tới gần sáng. Nhờ chiếc áo mưa và bình trà nóng, tôi không hề hấn gì, nhưng cả người mỏi nhừ.

Lão Kíp tới đón tôi ngay lúc tảng sáng. Chúng tôi lại gần xác trâu lúc này bắt đầu chương, lớp da mịn căng như mặt trống. Lão Kíp chỉ vào vết răng hổ vừa ngoạm vào thịt:

– Thầy coi, nó chưa kịp ăn mà!

Lão tìm ra lỗ đạn cách đó chừng hai phân, reo lên:

– Hoài huẫn!… Chỉ chút xíu là nó nát sọ, thầy coi này…

Tôi thấy lão không nói ngoa: lần đầu tiên bắn mò theo tiếng động, phát súng của tôi không đến nỗi dở … Nhích về bên phải vài phân là tôi hạ nó rồi … Tôi đâm tiếc hùi hụi.

Trên lớp đất màu đỏ gạch, còn rành rành vết chân cọp, tiến thẳng vào hẻm núi. Tôi quay lại lão Kíp:

– Nghỉ ngơi một chút rồi ta kiếm nó, lão nghĩ sao?

Lão cười, nhe hàm răng ám khói thuốc, vàng khè:

– Chỉ lo thầy mệt thôi… Tôi đâu ngán!

Trên đường về, lão chỉ dẫn tường tận cho tôi địa thế vùng này: hẻm núi uốn khúc theo vách đá dẫn tới sườn ngọn đồi phía Tây, giáp với giòng sông nhỏ, lúc này nước dâng cao vì trận mưa đêm qua. Như vậy chỉ việc chia làm hai toán, một dồn từ trên đồi xuống, một xua từ hẻm núi lên, chúng tôi có nhiều hy vọng thấy dấu vết ác thú.

Tôi ngủ mê mệt hết buổi sáng, nhưng khi tỉnh dậy lại khỏe khoắn hơn trước. Tôi đã lo bị cảm mưa … Miếng ngải của lão Kíp có lẽ ảnh hưởng tới cơ thể mà tôi không hay cũng nên.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 16 tháng 5 năm 2025

Chúng tôi kéo nhau đi ngay lúc gần trưa. Tôi băng ngang hẻm núi, còn nhóm thợ săn vòng lên đồi.

Thực là một ngạc nhiên chẳng thú vị cho tôi chút nào: hẻm núi tưởng quang đãng lại chi chít những bụi rậm, có chỗ dốc thẳng đứng kéo dài cả trăm thước. Tôi vừa đi vừa nghe ngóng … Địa thế này, con cọp có thể bất ngờ chồm tới lắm. Phải hơn tiếng đồng hồ tôi mới tới chỗ vách đá bích lập, phía dưới là giòng sông, nước réo ào ào, đúng như lời lão Kíp. Có tiếng ruồi nhặng vo ve quanh đó … Tôi tìm ra nửa thân con nghé trong bụi cỏ gianh. Thuận chân, tôi hất tảng thịt bắt đầu có mùi đó xuống phía dưới. Khối thịt không rớt ngay xuống sông mà vướng vào mỏm đá cách mặt nước non 10 thước.

Tôi rẽ sang phía trái, vạch lau lách leo lên đồi.

Từ xa vọng lại tiếng la hét của bọn thợ săn. Hiển nhiên họ cũng như tôi, chẳng ai thấy dấu vết con hổ què đâu. Chúng tôi dừng lại phía sườn đồi bên trái, ngồi đón gió mát dưới gốc khóm tre lạc ngà, gai góc tua tủa… Ít ra, ngồi đây chúng tôi khỏi sợ hổ vọt ra bất ngờ!

Tôi đang tính bàn với lão Kíp về chuyện rình cọp đêm nay, bỗng tôi có cảm tưởng lão vừa thấy chuyện gì khác lạ: Lão đăm đăm nhìn ra phía sau lưng tôi … Quay phắt lại, tôi cũng ngây người như lão: ngay dưới chân đồi, cách chúng tôi chừng 4 trăm thước, trong khoảng rừng thưa sát ven sông, con hổ cái đang lững thững bước một, tiến lại phía dòng nước.

Nó còn cách bờ sông gần 3 trăm thước, ẩn hiện thấp thoáng giữa những bụi sim và cỏ gianh… Chúng tôi không dám nhúc nhích, sợ nó thấy động lẩn mất, lại mất công tìm nhọc … Tôi vừa nhìn con vật, vừa quyết định nhanh chóng: đợi nó bước tới rặng cây bạch dương giáp ven sông là tôi trườn thực nhanh tới chỗ vách đá, chĩa súng xuống…

Tôi ra hiệu cho nhóm thợ săn ngồi yên: đây là dịp may mắn độc nhất trong ngày của tất cả chúng tôi, ai cũng biết vậy.

Một phút rồi hai phút… Hình thù vàng vằn đen của con thú khuất vào rặng cây… Tôi chạy thực nhanh xuống sườn đồi, người gập làm đôi luồn qua hàng rào tầm xuân cong vút như con đường hầm … Vừa tới vách đá, tôi chợt nghe tiếng xương gãy răng rắc: con hổ đã nhanh chân vọt đến chỗ thân nghé bị tôi hất xuống đó, ngốn ngấu bù lại bữa ăn hụt đêm qua.

Tôi chưa biết nên hành động ra sao: nếu con vật ăn xong, đi ngược lên đồi, tôi nổ súng dễ dàng; nhưng nếu nó biến vào hẻm núi, tôi đành chịu… Ngồi trong bụi nghe tiếng nhai xương rau ráu, tôi để ý tới lối mòn dài chừng vài chục thước ăn thẳng tới bờ sông … Tôi có thể mò theo đó tới gần con vật được.

Đúng vào lúc tôi nhỏm dậy, lão Kíp chạy tới: lão đưa cho tôi chiếc nón vướng vào bụi tầm xuân khi tôi băng ngang đó. Tôi vừa cảm động vừa bực mình … Trong lúc vội vã, tôi nhảy lao vào giữa bụi mây, ra hiệu cho lão nghe phía dưới … Mặt lão tái dần … Tôi nghĩ chừng lão cố gắng lắm mới không vắt giò lên cổ mà chạy.

Tiếng nhai thưa thớt rồi im bặt.

Bàn tay tôi nhớp nháp mồ hôi; phải chờ đợi lâu nữa chắc tôi run tay không bắn nổi cũng nên… Mãi 5 phút sau tôi mới thấy bóng con vật hiện ra sau rặng bạch dương. Nó có vẻ què một chân thật, nhưng dáng dấp vẫn uyển chuyển lạ lùng … Tôi hy vọng có thể lựa cho đường đạn lách qua khe cây để trúng đích … Nhưng súng vừa nổ, tôi bàng hoàng thấy con vật vọt thẳng về phía tôi … Lúc đó tôi chưa hay viên đạn trúng ngay thân cây sát đầu con hổ, mà nó chột mắt trái, nên không trông thấy tôi … Nghe tiếng nổ, nó hốt hoảng quay lại, chạy quàng vậy thôi!… Còn tôi, yên trí là con vật chồm đến vồ tôi … Những trường hợp này tôi đã có kinh nghiệm: tôi quỳ gối, chờ cho thân hình gân bắp của nó tới cách chừng 3 thước mới nhả đạn vào khớp xương vai trước …

Sức dội của cỡ đạn lớn bẻ chệch đà nhảy của con vật … Nó hộc lên, rướn mình… rơi tõm xuống dòng nước phía dưới. Trên cao nhìn xuống tôi thấy rõ nó nằm ngửa, giữa làn nước trong vắt bắt đầu nhuốm hồng …

Tôi ra hiệu cho lão Kíp: lão chạy lại cẩn thận ngó kỹ rồi nhảy dựng lên:

– Chết rồi … Hổ chết thực rồi …

Lão bắn thêm 3 phát liền để báo tin mừng.

Chỉ nửa giờ sau, con hổ đã được cả chục người khiêng về Tà-mun. Lúc đó tôi mới nhận ra nó chột mắt và có hàng năm chục gai nhím trong bàn chân phải … Què quặt như vậy nó chỉ còn cách bắt trâu bò và người để sống, đó là chuyện dĩ nhiên.

Mỗi lần hạ được hổ ăn thịt người, tay thợ săn nào cũng cảm thấy thích thú đặc biệt, cái thích thú của kẻ hoàn tất một công việc khó khăn cần thiết… Không những vậy còn có cái thoải mái đượm chút kiêu hãnh đã thắng một kẻ địch dũng mãnh ngay trong giang sơn của hắn…

Nhưng riêng tôi, ngoài những cảm giác phức tạp đó, tôi thoáng nghĩ tới con bé giong trâu bữa qua… Tôi hãnh diện đã trả lại cho khoảng đất heo hút này nếp sống êm đềm cố hữu của nó, để cho những mái đầu thơ ngây có thể nhởn nhơ ngoài ven rừng, không sợ bị vùi trong bụng cọp.

NMT phóng tác

Trần Vũ đánh máy lại tháng 8-2024 từ tuyển tập 15 Truyện Săn Bắn của Nxb Sống Mới in tại Sàigòn trước 75.