Sau Thuần Phong – Người đặt tên cho đường phố Sàigòn trước 1975 của Nguyễn Văn Luận, hãy cùng tìm lại gốc gác xa xôi của vài địa danh quen thuộc mà chúng ta đều đã từng đi qua. Riêng với tên gọi khu Đa-Kao, không phải vì “vào thời Pháp, người Việt phải phiên âm tên Đất Hộ sang tiếng nước ngoài thành Đa-Kao để dùng trong hành chính. Từ đó, cái tên Đất Hộ bị quên lãng…” mà vì người Pháp phát âm Đất Hộ là Đất-tô (do không phát âm chữ H và nối nguyên âm với phụ âm) nên ghi trên bản đồ là Dakau. Do trong tiếng Pháp, “Dat” phát âm là “đát”, để phát âm “Đất” phải viết “Dak”, và “au” phát âm là “ô”. Thành ra Pháp ký âm là Dakau, đọc là “Đất-kô” tức là “Đất Hộ”. Sau, các quan An-Nam phải dùng theo vì nếu không phía Pháp sẽ không hiểu. Nhưng dân Việt lại đọc “Đa-Cau”, lâu dần giọng Nam biến âm thành “Đa-Cao” tuy vẫn giữ chữ K của Dakau. Các trường hợp tương tự như Phủ Thông Hóa (gần Bắc Cạn) thành Phu-Tong-Hoa và Nà Sầm (gần Đồng Đăng) thành Na-Cham trên bản đồ Pháp …rồi được phiên dịch ngược trở lại thành Phủ Tổng Hòa và Nà Chàm trong nhiều nghiên cứu tiếng Việt!

Khúc mắc khác: “do có chồng là thư ký mỗ, nên người đương thời gọi là Thị Nghè”. Chúng ta không hiểu vì sao mỗ thành Nghè và tác giả cũng không giải thích. Tra tự vị thấy ghi: Nghè chỉ những ai đỗ tiến sĩ ngày xưa, đến triều Lê thì không nhất thiết phải có tiến sĩ, cử nhân cũng gọi là Nghè. Đến thời nhà Nguyễn thì những ai làm việc trong các nha, sở cũng gọi là Nghè. Còn mỗ, ngoài nghĩa bà lão, mụ,… còn là người hay chức vụ không xác định. Như thế bà Nguyễn Thị Khánh có chồng làm công việc gì không rõ nhưng chồng làm việc trong Nha, ít nhiều có bằng cấp vì thời đó thư ký phải có bằng Brevet nên gọi là bà Nghè, Thị Nghè.

Còn vài chỗ chưa thỏa đáng và không thấy ghi tên người viết nhưng sưu khảo Sàigòn Xưa đem đến nhiều kỳ thú. [Trần Vũ]

Đại lữ quán Continental Palace trước 1975

Tên gọi Sàigòn nghĩa là thị trấn trong rừng, Ða-Kao là do đọc chệch âm, Hàng Xanh bởi viết sai chính tả, hay Gò Vấp là vùng đất cao trồng nhiều cây vấp… Mỗi vùng đất Sàigòn đều có những cách lý giải thú vị, độc đáo. Bài viết này sẽ tìm hiểu về nguồn gốc một số tên gọi ở Sàigòn có từ ngày xưa.

Người từng sống ở Sàigòn sẽ thấy mảnh đất này trù phú và tốt lành nhường nào. Vì bao đời nay, mảnh đất phương Nam này đã đón nhận triệu người con tha phương tìm đến, lập nghiệp rồi thành công. Không phải ngẫu nhiên, Sàigòn được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Ðông”, bởi cái lẽ sống tự nhiên mà đôn hậu như vậy.

Thế nhưng, sống ở Sàigòn lâu nay, bạn có bao giờ tự đặt câu tên gọi Sàigòn là gì? Tại sao người ta chỉ quen gọi Sàigòn nhiều hơn cái tên TP HCM? Quận Gò Vấp là thế nào? Hàng Xanh do đâu mà thành?… Câu chuyện về tên gọi quen thuộc của các địa danh Sàigòn sau đây sẽ lý giải cho những câu hỏi đó.

 

Sàigòn

Nguồn gốc tên gọi Sàigòn vẫn chưa thống nhất mà có nhiều lý giải khác nhau.

Nhiều người cho rằng, tên gọi Sàigòn là được phiên âm từ “Prai Nokor” trong tiếng Khmer, nghĩa là “thị trấn ở trong rừng”. Sau này, dần dà đọc chệch từ “Prai” thành “Rai” rồi thành “Sài”, từ “Nokor” đọc lướt thành “Kor” và thành “Gòn” nên mới có Sàigòn như hiện nay. Cũng theo thuyết thì ở Sàigòn xưa, cư dân bản địa chủ yếu sống quanh vùng Chợ Lớn hiện nay. Thời đó, có một rừng gòn bao bọc khu vực người dân Khmer sinh sống, vì vậy, người ta gọi đất này là Prai Nokor – nghĩa là thị trấn trong rừng.

Xem thêm:   Hang gấu

Lý giải thú vị về tên gọi Sàigòn và những địa danh quen thuộc ai cũng biết nhưng ít khi rõ nghĩa.

Trong Ðại Nam Quấc Âm Tự Vị, Huỳnh Tịnh Của cũng bảo: “Sài tức là củi thổi, gòn là loại cây bông xốp nhẹ, nhẹ hơn bông thường, trong Nam thường dùng để dồn gối, dồn nệm…”. Cùng quan điểm, học giả Trương Vĩnh Ký đã quyết là xưa người Khmer có trồng nhiều cây gòn chung quanh đồn Cây Mai và chính cụ cũng đã thấy loại cây đó. Vậy nên Sàigòn có thể đơn giản mang nghĩa là “rừng gòn”.

Gò Vấp

Chợ Gò Vấp thời Pháp

Hiện nay, Gò Vấp là một địa danh hành chính quen thuộc ở Sàigòn, một quận tập trung đông cư dân sinh sống. Có thuyết cho rằng, cái tên Gò Vấp ra đời bởi trước đây nơi này là một gò đất cao có trồng nhiều cây vấp (loại cây có nguồn gốc từ châu Á, cây thân gỗ lớn, thuôn thẳng, cao từ 15-20m, vỏ màu nâu đen, tán lá rậm). Loại cây này đã mọc nhiều thành rừng đã che chở cho đời sống của cộng đồng người Chăm, vì vậy, trong dấu tích tiếng Chăm vẫn gọi cây vấp là Krai.

Sau này, người dân do đọc chệch âm và viết sai chính tả thành Gò Vấp như hiện nay. Còn về cây vấp, bấy giờ đã không còn trên địa bàn Sàigòn, nhưng nhiều cư dân bản địa cho rằng: Ở Thảo Cầm Viên Sàigòn vẫn còn 2 cây vấp có tuổi thọ trên trăm năm.

Bên cạnh cách giải thích về loài cây vấp, dân tiểu thương tại chợ Gò Vấp lại kể một câu chuyện hài hước: “Ngày trước ở đây cao, dân buôn bán nhà nghèo tụ họp thường bị rượt đuổi hoài, bỏ chạy thì vấp gò mà té nên gọi là Gò Vấp”. Dĩ nhiên đây chỉ là một lý giải cho vui chứ không có phần nào là sự thật.

Riêng bàn về quận huyện ở Sàigòn, bên cạnh quận có chữ số: Q.1, Q.2, Q.3, Q.4…, vẫn còn những tên quận được đặt tên với ý nghĩa là vùng đất mới, trù phú và mong muốn an lành như Tân Bình, Bình Chánh, Bình Thạnh…

Ngã tư Bảy Hiền

Ngã tư Bảy Hiền thời VNCH

Ngày nay, ngã tư Bảy Hiền là giao lộ trọng yếu của Q. Tân Bình nối Lê Văn Duyệt nối dài  – Lê Văn Duyệt– Võ Tánh– Nguyễn Văn Thoại. Chắc hẳn người Sàigòn đã quá quen thuộc với địa danh này. Thế nhưng Bảy Hiền là ai, và vì sao người ta lại lưu giữ cái tên này đến tận bây giờ không đổi thì ít ai hiểu được.

Theo đó, Bảy Hiền tên thật là Trần Văn Hiền, là một chủ điền nổi tiếng ngày xưa. Không chỉ giàu có, ông Hiền còn giàu lòng thương người. Vào mỗi dịp Rằm hằng tháng, ông thường đem bạc đựng trong hai thúng đầy trước nhà (nay là Trung tâm văn hóa Tân Bình) để phân phát cho dân nghèo. Vào ngày nọ, người dân tập trung đông đúc chen lấn lấy bạc khiến hai đứa trẻ chết ngạt. Ông Hiền đau khổ, dằn vặt. Từ đó, ông không phát tiền nữa, mà mỗi tháng sẽ cho người đem sổ sách ra ngay ngã tư bây giờ, cứ ai khó khăn thì trình bày, ký báo thì ông sẽ giúp đỡ.

Sau khi mất, người Sàigòn nhớ ơn ông Bảy Hiền mà gọi địa danh này là ngã tư Bảy Hiền.

Hàng Xanh

Ngã 4 Hàng Xanh trước 75

Là nút giao thông lớn ở cửa ngõ phía Ðông của Sàigòn, Hàng Xanh quen thuộc với mọi người Sàigòn. Thế nhưng, bạn có biết rằng, địa danh này hình thành là bởi sự đọc chệch, viết sai chính tả của người miền Nam?

Xem thêm:   Trên lưng trời

Theo nhiều nghiên cứu, ban đầu địa danh có tên Hàng Sanh (Sanh là một loại cây lớn, nhánh có tua, về loại cây da, mà lá nhỏ). Ngày trước, dọc đường nay vẫn có 2 hàng cây sanh lớn được người dân trồng. Vì quen thuộc nên họ gọi khu vực bằng tên cây là Hàng Sanh. Song, do sau này người miền Nam không phân biệt “s” và “x”, cũng như viết sai chính tả đã tạo nên sự thay đổi của địa danh thành Hàng Xanh như hiện nay.

 

Cầu Bông

Cầu Bông xây lại thời Đệ nhất Cộng hòa

Người Sàigòn vẫn quen thuộc với những cây cầu nối liền các quận ở Sàigòn như Chà Và, Thị Nghè… Cầu Bông cũng là một phần như thế. Cầu nằm trên đường Ðinh Tiên Hoàng, hiện nay nối liền Q.1 với Q. Bình Thạnh. Theo đó, cầu Bông được xây dựng vào thế kỷ 18, do một người Khmer bắc cầu cho dân tiện đường sang sông.

Tên gọi cầu Bông có nhiều giả thuyết đặt ra, tuy nhiên theo nghiên cứu thì vào đời Tả quân Lê Văn Duyệt đã cho xây một vườn hoa gần cầu, người dân quen thuộc gọi là cầu Hoa. Sau này, vào đời vua Minh Mạng, vì hiện tượng kỵ húy với tên gọi của vợ vua là bà Hồ Thị Hoa nên người ta phải đổi hẳn sang cầu Bông. Bởi lẽ, với người Nam, từ bông là cách gọi khác để chỉ hoa cỏ.

 

 

 

 

Bến Nghé

Rạch Bến Nghé

Từng là tên một bến nước xưa, rồi thành tên rạch, tên sông và giờ Bến Nghé trở thành địa phận hành chính của Q.1. Hiện nay, người ta vẫn có nhiều lý giải tên gọi của địa danh này, tuy nhiên nguồn gốc thì luôn gắn liền với hình ảnh con trâu.

Theo Trịnh Hoài Ðức, Bến Nghé trước đây là bến nước tụ họp cho trâu con uống nước, do một tên rất cũ là Kompong Krabey (bến trâu) đã được Việt hóa. Nhưng nhiều nhà nghiên cứu khác cũng thêm rằng: Bến Nghé từng không phải là nơi trâu uống nước mà theo tương truyền, trên sông này ngày trước có rất nhiều cá sấu sống, đêm đêm chúng kêu lên văng vẳng như tiếng gầm của trâu rống, nên được người ta gọi là “nghé” kết hợp với “bến” trong từ bến nước.

Dù cách lý giải như thế nào, ta vẫn thấy rõ ràng, ở nơi này đã từng là một địa bàn có cuộc sống của thú rừng, cây cỏ trù phú,… đặc trưng của vùng sông nước phương Nam.

Đa-Kao

Rạp Casino Đa-Kao với khu mì vịt tiềm Hải Ký Mì Gia góc Trần Quang Khải-Mạc Đỉnh Chi

Bạn có tin rằng, Ða-Kao nghe có vẻ Tây hoá, nhiều người thường ngộ nhận là địa danh tiếng Pháp, thực ra lại là một từ vựng rất thuần Việt bị người dân đọc chệch và phiên âm mà thành.

Theo đó, Ða-Kao bắt nguồn từ tên vùng đất Sàigòn xưa gọi là Ðất Hộ. Sau này, vào thời Pháp, người Việt phải phiên âm tên đất sang tiếng nước ngoài thành Ða-Kao để dùng trong hành chính. Từ đó, cái tên Ðất Hộ bị quên lãng, người hiện nay chỉ còn nhớ về địa danh Ða-Kao là một phường hành chính thuộc Q.1.

 

 

 

 

Ông Lãnh, Bà Chiểu, Bà Hạt, Bà Điểm, Bà Quẹo, Bà Hom

Saigon – Cầu Ông Lãnh

Ở Sàigòn, có lẽ ai cũng nghe tên 5 chợ mang tên các bà này. Có giả thuyết cho rằng đây là tên của 5 bà vợ của Lãnh Binh Thăng, là một lãnh binh tên Nguyễn Ngọc Thăng (1798-1866), võ tướng nhà Nguyễn thời vua Tự Ðức. Ðịa danh cầu ông Lãnh cũng là từ ông Lãnh Binh nổi tiếng này.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Học giả Trương Vĩnh Ký cho rằng 5 người phụ nữ được đặt tên chợ ở Sàigòn này vốn là các bà vợ của ông Nguyễn Ngọc Thăng. Những vị quan đa thê thời xưa thường áp dụng phương pháp kinh tế tự túc nên vị lãnh binh đã lập 5 chợ ở khu vực khác nhau, giao cho mỗi bà cai quản một cái. Việc này tránh các bà đụng mặt nhau, đồng thời chuyên tâm làm kinh tế.

Về cây cầu mang tên Ông Lãnh, nhà bác học Trương Vĩnh Ký khẳng định “chiếc cầu gỗ do ông Lãnh binh ở gần đó cho bắc qua, chắc là ông Lãnh Binh Thăng này, chớ không phải ai khác”. Cây cầu này đầu tiên (nối đại lộ Ðông Tây ngày nay) bắc qua một con rạch nhỏ. Khi rạch bị lấp, cây cầu mới nối bến Chương Dương (quận 1) và Bến Vân Ðồn (quận 4).

Năm 1874, một ngôi chợ được xây ở khu vực này, mang tên chợ Cầu Ông Lãnh. Nơi đây tàu ghe tấp nập từ miền Tây theo sông Sàigòn vào kênh Tàu Hủ buôn bán. Chợ được chia làm 3 khu vực: bán trái cây, bán cá và bán tạp hóa.

Tuy nhiên trong cuốn “Sàigòn năm xưa”, học giả Vương Hồng Sển lại cho rằng nên thận trọng khi cho “Ông Lãnh” và “Bà Chiểu”, Bà Ðiểm”, “Bà Hom”, “Bà Hạt”, “Bà Quẹo” là vợ chồng.

Bởi theo ông, Bà Hạt, Bà Ðiểm, Bà Chiểu có thể là người đầu tiên buôn bán tại các chợ này, sau lấy tên đặt cho chợ. Giống như chợ Bà Hoa ở khu ngã tư Bảy Hiền (quận Tân Bình), do người đàn bà tên Hoa đã hiến đất xây chợ và là người đầu tiên buôn bán nên người ta lấy tên bà đặt cho ngôi chợ.

Lý giải về Bà Hom, có sách chép rằng do Bàu Hom (bàu ngâm hom tre) nói chệch thành. Còn tên Bà Quẹo cũng đọc chệch từ Bờ Quẹo hoặc Bàu Quẹo vì khu này có một khúc quẹo rất rõ. Từ quẹo vốn cũng được đặt cho nhiều địa danh như Cống Quẹo ở xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) hay lộ Quẹo tại huyện Cần Giờ.

Thị Nghè

Cầu Thị Nghè

Ở quận Bình Thạnh có cầu, chợ và kênh mang tên Thị Nghè. Người này vốn tên Nguyễn Thị Khánh, con gái quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân. Trịnh Hoài Ðức trong Gia Ðịnh Thành Thông Chí viết rằng, “do có chồng là thư ký mỗ, nên người đương thời gọi là Thị Nghè. Do bà khai hoang đất ở, bắc cầu để tiện việc đi lại, nên dân gọi là kênh, cầu Thị Nghè”.

 

 

 

 

 

 

Ông Tạ

Ðịa danh Ông Tạ là vùng đất thuộc các phường 3, 4, 5, 7 thuộc quận Tân Bình hiện nay, cũng là tên một ngôi chợ ở phường 5, cạnh chợ có một tiệm thuốc Nam của ông Tạ.

Ông Tạ tên thật là Trần Văn Bỉ, lấy hiệu Tạ Thủ là một thầy thuốc nam chữa bệnh nổi tiếng trong vùng.

Trước đây, ông Tạ có mở một tiệm thuốc nằm ở góc đường Phạm Văn Hai – Cách Mạng Tháng Tám hiện nay. Ða số người bệnh tìm đến ông và lấy thuốc về đều khỏi. Tiếng lành đồn xa nên người dân ở các tỉnh Nam Kỳ tìm về cơ sở của ông không ngớt.

Ông còn là một nhà hảo tâm, thường xuyên chữa bệnh và bốc thuốc miễn phí cho người nghèo. Khu đất xung quanh tiệm thuốc của ông Tạ được đặt tên là ông Tạ ngay khi ông còn sống, là cách nhân dân tỏ lòng tôn kính ông vì đã chữa bệnh giúp người.

Ngã 5 Chuồng Chó

Ðây có lẽ là địa danh lạ nhất, được nhân dân quen gọi cho dù khu đất này ngày nay đổi tên chính thức thành Ngã 6 Gò Vấp. Nguồn gốc tên gọi là vào những năm 1945, Pháp cho xây ở khu vực ngã năm này một cơ sở nuôi, huấn luyện quân khuyển lớn nhất Ðông Dương, phục vụ việc tuần tra và canh giữ.

Theo Saigon Xưa