Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Tổng Thống VNCH 1972

 —oOo—

 Khái niệm Căn Cứ Hỏa Lực, Fire Suppport Base do Lục quân Đức phát minh trên chiến trường Nga, được quân đội Pháp áp dụng lần đầu tiên tại Hòa Bình, sau đó ở Nà Sản. Nhiều căn cứ gộp lại thì thành một Tập đoàn Cứ điểm, như ở Điện Biên Phủ. Hoa Kỳ vẫn áp dụng tại A-Phú-Hãn.

Tuy nhiên, cách thực thi có khác: Quân Đức yểm trợ Căn Cứ Hỏa Lực bằng các Xa đoàn Thiết giáp. Quân Pháp trông cậy vào chính hỏa lực pháo binh của căn cứ giúp phòng thủ. Riêng Hoa Kỳ chủ yếu oanh kích. Nhưng nếu Khe Sanh là một chiến thắng, thì ngược lại, Hạ Lào là một thất bại.

Nhiều nguyên nhân. Với mục đích tiêu hủy kho tàng Bắc-Việt trên đất Lào, Lam Sơn 719 được thiết kế như một Raid. Nhưng là một Raid cấp quân đoàn, khác với mô thức thông thường của Raid là small format. Raid, trên mặt hành quân phải là một Operational Warfare Mission, tức phải bất ngờ, ngắn hạn và thần tốc. Cả 3 yếu tố trên không hội tụ ở Hạ Lào. 

  • Phía Bắc-Việt biết trước kế hoạch.
  • Việc thiết lập nhiều Căn cứ Hỏa lực dọc trục tiến quân khiến cuộc hành binh kéo dài quá lâu trên một tháng (từ 8 tháng 2 đến 23-3-1971), khiến Lê Trọng Tấn đủ thời gian tập trung 5 sư đoàn chính quy 2, 304, 308, 320, 324 phản công.
  • VNCH dùng duy nhất 1 Liên đoàn Biệt Động Quân với vỏn vẹn 2 tiểu đoàn để bảo vệ cạnh sườn phía Bắc. Một lá chắn quá mỏng. Ngay cả nếu Lam Sơn 719 đã diễn ra thật nhanh, tấn công vũ bão rồi rút về tức khắc bằng trực thăng, lá chắn này vẫn mong manh. Trong thực tế tiến quân khá chậm đã khiến mạn Bắc trở nên vùng nguy hiểm, nơi phát xuất các đợt tấn công biển người của Lê Trọng Tấn nhắm vào sư đoàn Dù.

Sau hết, chính áp lực Hoa Kỳ muốn mua thời gian rút quân khỏi Nam-Việt đã khiến Quân lực VNCH, thay vì phòng ngự với tất cả ưu thế, phải phiêu lưu sang đất Lào, trên một trận địa rừng rậm bất lợi, phụ thuộc hoàn toàn vào không trợ của Hoa Kỳ. Lam Sơn 719, ngay từ đầu, đã mang mầm của thất bại.

Hồi ký “Tôi Tham Chiến Tử Thủ Căn Cứ Hỏa Lực 30” của Đại úy Trương Duy Hy ghi lại những ngày này, với ưu điểm: Giúp nhìn thấy hoạt động hàng ngày, thậm chí từng giờ của một đơn vị VNCH vào sâu trong đất Lào, trên một cao điểm 727 thước, với tất cả hiểm nguy của nhiệm vụ. Tuy không đề cập đến khía cạnh chiến lược như đã tự xác định trong Thay Lời Tựa, Đại úy Hy vẫn cho cái nhìn toàn cảnh chung quanh Đồi 30. Với chương thứ nhì Vượt Biên Giới, người đọc bắt gặp những ưu tư của Đại úy Hy buổi sáng đầu tiên nhận vị trí và tuy vô cùng khó khăn, Pháo đội C của Tiểu đoàn 44 Pháo binh chỉ mất 2 tiếng rưỡi từ lúc trực thăng Skycrane thả đại bác cho đến khi sẵn sàng khai hỏa. Nói lên khả năng, kỷ luật, cùng nhiệt tâm của binh sĩ.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân - Y sĩ nhảy dù đối đầu với Việt Cộng

Trận chiến sẽ diễn ra trong các chương sau, những tuần lễ kế tiếp.

[Trần Vũ]

—oOo— 

Trương Duy Hy

VƯỢT BIÊN GIỚI

Rạng ngày 8-2-1971, ngày Lịch sử của cuộc vượt biên Lào-Việt.

6g00 sáng, tôi ra lệnh thu xếp hành trang gọn gàng, 6 khẩu đại bác xếp hàng cẩn thận và phân phát mỗi quân nhân 4 ngày lương khô. Giao Trung Úy Lân cùng các Sĩ quan Trung Đội Trưởng ở lại cắt đặt việc móc súng, móc hàng.

Đúng 8g00, tôi nghe đài phát thanh Sài Gòn lên tiếng về cuộc Hành Quân Lam Sơn 719 do chính Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu hạ lệnh tấn công sang Hạ Lào. Đồng thời Tổng Thống long trọng xác nhận : “…đây là cuộc hành quân có giới hạn trong thời gian lẫn không gian với mục tiêu duy nhất và rõ rệt là phá vỡ hệ thống tiếp liệu và xâm nhập của Cộng Sản Bắc Việt trên phần đất Ai-Lao mà chúng đã chiếm đóng và xử dụng từ nhiều năm nay để tấn công vào VNCH chúng ta. Ngoài ra, VNCH không có một tham vọng đất đai nào tại Ai-Lao và không khi nào xen vào nội bộ chính trị của vương quốc Ai-Lao vì VNCH luôn luôn tôn trọng nền Độc Lập và sự vẹn toàn lãnh thổ của Vương quốc Ai-Lao…”

Một tiếng đồng hồ sau đấy, tôi và 4 nhân viên gồm có Trung sĩ (TS) Lương, Hạ sĩ Nhất (HSI) Bách, TS Ngân, TS Quá ra phi trường trực thăng cùng với Toán Tiền Thám của Pháo đội C của Tiểu đoàn 3 Pháo binh Dù (PĐC/3 Dù) và Bộ Chỉ huy  Tiểu đoàn 2 Nhảy dù (BCH/TĐ2 Dù).

9g00, trực thăng bốc chúng tôi vượt biên giới.

Ngồi trên trực thăng nhìn xuống, Quốc lộ số 9 thu nhỏ dần, nhỏ dần… thành một đường ngoằn ngoèo khuất lấp, ẩn hiện kéo dài về hướng Tchépone, mất hút ở cuối tầm mắt… Núi rừng trùng điệp, không một thôn xóm, làng mạc… Sau 25 phút bay, chúng tôi được thả xuống một ngọn đồi toàn lau lách, chứ không có cây cao rậm rạp. Nhìn vào bản đồ, đối chiếu địa thế chung quanh và phối hợp với sự quan sát của phi công, chúng tôi xác định được điểm đứng trên tọa độ XD 599-465 với cao độ 727 thước, cách biên giới Lào-Việt cũng như cách Quốc lộ 9 khoảng hơn 8 cây số đường chim bay. Nơi này được đặt tên là: “CĂN CỨ HỎA LỰC 30”.

Trong lúc vạch cỏ lau quan sát địa thế, về mé Nam, có một cái hầm ai đã đào sẵn, vết đất từ hầm vứt lên trên có vẻ mới khoảng không quá 1 tháng trở lại. Hầm vuông, mỗi bề 5 tấc, sâu vừa đứng đến ngực. Tôi thầm nghĩ có lẽ là Tổ báo động phi cơ của Cộng quân đặt tại đây.

Xem thêm:   Con gấu ngựa

Loay hoay trên đồi, tôi, Trung Úy Trí và Trung Úy Thạch phân chia vị trí. Trí chiếm từ đỉnh đồi thẳng xuống triền phía Tây. Pháo Đội chúng tôi từ đỉnh đồi dọc xuống hướng Đông. Giữa vị trí của tôi và Trí, theo mé triền hướng Nam, Trung Tá Thạch chọn đặt BCH/TĐ2 Dù.

10g30, Sky-Crane lần lượt câu súng lên. Tôi đốc thúc và cố gắng hết mình, mong đốt giai đoạn thực hiện khẩn cấp việc gióng hướng cho khẩu đại bác 155 ly đầu tiên đặt xuống đồi. Nhưng vô hiệu! Lần đầu tiên trong đời binh nghiệp, đây quả là một lần cho tôi kinh nghiệm.

Thật vậy, trước lúc di chuyển, tôi ra lệnh nhân viên đài Tác xạ phải thiết lập trước xạ bản, cụ bị đầy đủ vật dụng dùng trong việc thuyết trình, đến nơi đặt giác bàn gióng hướng ngay… Nghĩa là tôi cẩn thận xếp đặt công việc không để xảy ra một sơ sót mảy may nào cho công tác chiếm đóng vị trí mới, hầu có thể tác xạ khẩn cấp – ấy vậy mà rồi ra, công sắp đặt trước hóa thành công cóc! Máy bay Sky-Crane với sức quạt quá mạnh của chong chóng, hết chiếc này đổ vật dụng đến chiếc khác đổ đại bác… kèm theo, các trực thăng tải quân hạ cánh liên tục chuyển đến đồi toàn bộ Tiểu Đoàn 2 Dù (xem hình phần cuối sách)… Đất, sỏi tung lên mù mịt. Một vài đám lau cháy dở do pháo binh, phi cơ oanh kích dọn bãi đáp, nay được Sky-Crane quạt cho, thôi thì tha hồ bốc thành ngọn lửa cháy lan cả đồi. Phần lo tiếp nhận súng, phần lo chữa lửa, chẳng còn ai rảnh tay để thu xếp vật dụng. Nhờ quân nhân trong Pháo Đội trực thăng vận tiếp theo sau tới khoảng 30 phút, nhào đến kịp thời dập tắt lửa. Nếu không, không biết làm sao chu toàn công việc.

Cho dù lúc bấy giờ không có lửa cháy lan, chúng tôi cũng không thể thực hiện việc gióng hướng súng trước sức mạnh của gió do Sky-Crane tạo ra. Đất núi tại chỗ đáp mà còn bị gió cào, bốc lên, thì làm sao ngồi ở càng súng để nhìn vào máy gióng hướng! Tôi lo ngại! Riêng Trung Úy Lân vẫn bình tĩnh góp ý rằng: Hãy đợi đến lúc tiếp nhận đủ súng rồi gióng hướng luôn một lần.

Mãi đến 13g00, 6 đại bác 155 ly của tôi mới “an tọa” tại vị trí quá hẹp, tôi phải sắp xếp vất vả lắm mới có chỗ mở càng.

Tôi hết sức bực mình ngay từ phút đầu. Vì trên nguyên tắc, toán tiền thám của tôi có nhiệm vụ chọn vị trí thuận lợi cho việc thiết lập vị trí Pháo Binh. Nhưng chúng tôi lại được thả ngay trên một ngọn đồi do Thượng Cấp định sẵn – dù muốn, dù không tôi cũng không thể xin đổi dời chỗ khác được. Phương chi, lúc thả toán tiền thám của tôi, lại thả luôn BCH/TĐ2 Dù… Chỉ một việc lo cắt đặt các Đại Đội này, đã làm cho Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 Dù không còn thì giờ hội ý kỹ với chúng tôi về vị trí đại bác nữa.

Xem thêm:   Đại Tá Hoàng Cơ Lân – Kỷ niệm về đời lính dù

Trung Úy Trí thích cao địa, nhất là mặt phía Tây dốc rất đứng, địch khó đột kích. Tôi an phận của kẻ tăng phái vậy.

Hướng bán chính thức của Pháo Đội, sẽ theo sự phối trí hỏa lực pháo của Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh Dù và PĐC/3 Dù khi có lời yêu cầu. Song trên thực tế, Trung Úy Trí bàn với tôi, dành cho tôi tác xạ hướng Tây và Nam, còn Trí tác xạ hướng Tây và Bắc. (Hướng Bắc là hướng hai căn cứ Ranger North và Ranger South của Biệt Động Quân, hướng Tây về Tchépone và Nam là hướng A-Lưới).

6 khẩu đại bác 155 ly của tôi đặt thành hình cung nửa vòng tròn từ Nam lên Bắc theo thứ tự khẩu 5 do TS Ngân Khẩu Trưởng, Khẩu 6 TS Đợi, Khẩu 1 TS Nhơn, Khẩu 3 TS Hóa, Khẩu 2 TS Thìn và Khẩu 4 HSI Cũ.

Riêng Khẩu 6 và Khẩu 1 hai móng càng chỉ cách nhau 50 phân! Tóm lại, vị trí pháo tại căn cứ hỏa lực 30 thật là bất lợi vì quá chật hẹp. Hầm ngủ của nhân viên khẩu và các hầm đạn khẩu không thể nào làm xa nhau được.

Về phần cán bộ, tôi cắt đặt nhiệm vụ rõ ràng cho từng người:

– Trung Úy Lân phụ tá tôi và kiểm soát tác xạ.

– Thiếu Úy Ngân đặc trách đài tác xạ, theo dõi và làm yếu tố tác xạ cho từng mục tiêu, ghi chú điểm đứng Tiền sát viên từng phút một.

– Thiếu Úy Thiện phụ trách về đại bác, Sĩ quan an ninh tác xạ kiêm đạn dược.

– Thiếu Úy Toại đặc trách thu dọn tiếp liệu phẩm của các loại 1 đến 4.

– TSI Bình nuôi ăn và chu toàn nhiệm vụ của một Thường Vụ Pháo Đội.

(Còn tiếp)

TDH, 1971

Kỳ sau: TÁC XẠ, THIẾT LẬP CĂN CỨ HỎA LỰC 31 VÀ A LƯỚI.

(*) Trần Vũ đánh máy lại tháng 10-2018 từ bản in của Nxb Đại Nam 1980.  

(**) Lexique: Tiểu Đoàn (TĐ), Bộ Chỉ Huy (BCH), Pháo Binh (PB), Pháo đội C (PĐC), Trung Sĩ Nhất (TSI), Trung Sĩ (TS), Hạ Sĩ Nhất (HSI), Hạ Sĩ (HS).

(***) Ảnh minh họa sưu tập từ Beaufort County Now, Dòng Sông Cũ, Hoàng Sa, Pinterest, Cherrieswriter, vuhmai.blogspot, Getty Images, Militaria, Nam magazine và vnaf.