Nguyễn Tú An phóng tác
Cá lên!… Ðó… Ðó… Cá lên…
Tiếng báo động quen thuộc của người thủy thủ ngồi tít trên cao làm cho tay phóng lao choàng dậy. Bích không ngủ, chỉ hơi lim dim… Nhưng y chạy tới mũi tàu trước cả mọi người. Không phải y chạy, y bay mới đúng. Con tàu đang bị sóng nhồi, ngả nghiêng như say rượu, vậy mà Bích chẳng hề hấn gì. Bụi nước phả vào mặt như mưa… Bích hé mắt nhìn lên chòi canh:
– Ðâu?… Phía nào đâu?
Từ chiếc thùng rượu ngang cột buồm, một cánh tay thò ra ngoài, vẫy rối rít:
– Ðó!… Ðó… Ngay phía trước! Cá lên… Cá lên!
Bích ngoảnh lại. Chân trời bồng bềnh lên xuống, từng đợt sóng xám tung bọt lên cao.
– Cá lên… Ðó… Ðó…
Trên ngọn tảng nước lừng lững như trái đồi, Bích nhận thấy cá lên thực. Làn hơi của nó phụt thành tia nước vút, uốn cong dưới sức gió. Ðúng lối thở của cá voi xanh.
Bích hành động ngay. Anh giơ tay ra hiệu cho hoa tiêu tiến thẳng. Tàu lướt sóng, bọt nước tưới vào chiếc áo vải sơn nghe rào rào. Nhưng Bích có thấy gì đâu. Mắt anh xoáy vào mũi súng với làn hơi mỏng mảnh ngoài xa.
Người khác chắc chẳng trông thấy gì hết giữa khoảng sóng, nước, trời, mây, gần như hợp làm một này. Nhưng Bích thì quen quá đi rồi! Anh biết cả con cá cách tàu bao nhiêu, lớn nhỏ, nhanh chậm ra sao nữa kìa!
Lần này cá đi cùng hướng với tàu.
Bích cho xả hết máy. Con tàu rung lên, nhưng Bích vẫn tưởng nó chẳng nhúc nhích chút nào; khối sắt thép như bị gắn xuống mặt biển… Anh giậm chân:
– Nó lặn bây giờ!… Thế là toi…
Cuộc đời người thuyền trưởng kiêm việc phóng lao trong vùng biển cá voi này không lúc nào được thoải mái. Lúc nào cũng băn khoăn:
– Bao giờ mới có cá đây?… Chừng nào nó lên?
– Biết nó “lên” lâu không?
– Nó lặn ra sao đây?… Sâu hay không?
– Nó còn nhô lên hay chìm biển?
– Chẳng biết nó có nghe tiếng máy chạy không?… Chắc nó trốn mất tăm rồi! Tiếc thực!
Cá voi xanh bơi nhanh lắm, tới hai mươi hải lý cũng nên, trong khi tàu chạy mười chín hải lý là…cùng. Ấy là nói lúc tàu xuôi gió… Chứ ngược sóng như lúc này, đừng hòng theo kịp mồi.
Bích chửi thề!… Con cá lặn hồi nào. Biết nó lặn lâu mau, mười…mười lăm phút?… Giây phút chờ đợi mới dài dặc làm sao!
Phía sau lưng Bích là đám đông cả chục người: từ thủy thủ tới đầu bếp. Chỉ có thợ máy, điện tín viên với anh chàng bẻ lái là phải yên vị trong khoang.
Chắc họ điên người lên được!
Thực ra ai cũng từng thấy cá voi bị săn đuổi, trúng lao, rồi bị kéo lên tàu, xả thịt… Nhưng lần nào họ cũng bị kích thích như buổi đầu: cứ nghe “cá lên” là chồm tới coi cho “đã”!
Ðối với Bích thì lại khác: mỗi con cá voi trông thấy là một phần của thân thể anh rồi, thế nào anh cũng phải theo đuổi cho bằng được… Mất con cá anh nghe như bị đứt một mảng thịt.
Bích ngước lên cao, nhìn người thợ canh:
– Chú mà ngủ tôi liệng xuống biển, nghe!
Chú thủy thủ trong thùng gỗ lơ lửng như tổ chích chòe ngủ sao được, tàu lắc như xóc óc, chú không cột chặt người vào cột buồm thì chả cần ai liệng cũng lăn xuống biển từ khuya!
Thời gian chờ đợi tưởng chừng chẳng bao giờ hết.
Nhưng chỉ mấy phút sau đã nghe:
– Cá lên!… Cá lên!… Ðó… Ðó…
Bích trông thấy làn hơi ngay. Rồi anh cũng thấy ngay con cá nổi lên theo, cách tàu khoảng ba trăm thước. Chiếc lưng xanh đen rộng bát ngát, nhưng phía đuôi thon lại, lướt ngang với sóng… Chùm hơi nước tỏa cao, uốn cong như vải lụa… Bích giơ tay ra hiệu… Tàu chuyển mình răng rắc… Lại mở hết tốc lực!
Bích nắm chặt báng súng, chiếc báng tròn, nặng, đặc biệt của khẩu đại bác nhỏ, gọn, cân đối, xoay trở trên trục dễ dàng như món đồ chơi.
– Ðợi chút, cô mình… Ðợi chút!…
Con cá nhô cao trên làn nước, oai vệ như vị thủy thần… Nó lướt sóng sao mà nhẹ nhàng… Mỗi lúc Bích thấy nó một lớn, một đẹp…
– Gần chút nữa, con!… Chút nữa…
Bích lẩm bẩm một mình, mặt nóng bừng, đôi chân như chôn chặt dưới sàn tàu… Anh chẳng thấy giọt nước giá băng đang tưới vào người, vào cổ chút nào… Thân anh, trí anh, lúc này là con cá voi ngoài khơi kia!
Sáu mươi thước… Năm mươi thước… Rồi.
Súng nổ… Sợi dây “cáp” vọt theo mũi lao… Bích bỏ súng, nhào lại ống nói:
– Từ từ… Hãm máy… Tốp!
Sợi dây dài căng thẳng, cong lại, mềm ra đôi chút…
– Dữ vậy con!… Từ từ thôi nào… Giãy làm gì…!
Con cá ngoài xa đang cố sức gò mình lôi theo con tàu… Tàu vừa theo, vừa giữ nó lại… Cái khéo của Bích lúc này là làm thế nào co dãn sợi dây, lúc căng, lúc chùng cho cá chóng kiệt sức.
Loại cá voi xanh này, trước kia, những thuyền nhỏ đâu dám đụng tới. Nhưng bây giờ, với tàu đánh cá tối tân, hy vọng tồn tại của nó mỏng manh lắm!
Mũi lao như viên trái phá ngập sâu trong người nó. Khối thuốc súng phía sau nổ tung… Những ngạnh gai cuối cùng lao giương ra, móc chặt vào thịt… Con cá bị mảnh đạn xuyên khắp mình, làm tê liệt thần kinh, mất sức hẳn… Ðôi lúc nó lặn xuống, kéo thẳng dây, nhưng nhoai lên ngay… Hơi thở ngắn đi, tia nước như mưa bụi chỉ còn vài thước cao. Bọn người trên tàu hò reo như điên cuồng. Bao giờ cũng vậy, giây phút hào hứng nhất là lúc cá giằng co với tàu.
Chiếc đuôi còn quẩy mạnh, đập xuống nước như núi lở. Nhưng cá yếu dần…yếu dần… Lúc này nó chỉ còn cách tàu khoảng năm mươi thước. Giọng Bích khan đặc:
– Tốp!… Lùi lại… Nhẹ thôi…
Có tiếng hò reo vang lên:
– Nó phun hoa rồi!… Hay!…
“Phun hoa” là thứ tiếng nhà nghề. Cá phun hoa vào lúc hơi thở của nó không còn là nước trắng xóa nữa, mà đổi thành màu hồng lợt rồi thẫm.
Cá sắp chết… Thở ra máu tươi, có vậy thôi.
Những tia máu từ trong phổi thủng lỗ bắn vọt lên cao, rớt xuống nhuộm đỏ một khoảng biển… Ai nấy như nghe tiếng hào hển nghẹn ngào của con cá khổng lồ.
Chẳng ai thương xót nó hết. Ðó là thứ âm nhạc người ta cũng đón nghe một cách thích thú. Nhất là Bích: điều đó báo hiệu chiến thắng của anh.
Con cá giãy lần chót… Lúc này máu túa ra nhiều, màu thẫm hơn. Con vật nghiêng mình… Bụng nó phơi lên, trắng xóa.
– Tàu lùi lại!… Kéo dây!
Chân người thình thịch trên boong; tiếng dây xích lẻng xẻng, dây “cáp” cuốn nhanh phía cần trục. Thân cá dần dần áp mạn tàu.
Bích nhô hẳn người ra ngoài, cắm mạnh một thứ lao ngắn lên mình con vật, mũi lao nối với một ống hơi.
– Bơm lên! Bơm lên!
Giống cá voi xanh nặng lắm, hễ chết là chìm. Cũng vì vậy, xưa kia người ta ít săn loại cá này. Bây giờ săn được phải bơm ngay hơi vào thân cá để giữ nó nổi trên mặt nước.
– Mau lên!… Chú Lý đâu?
Lý là thủy thủ giữ việc đánh dầu cá. Y chờ cho thân cá căng phồng, rút ống hơi, cắm vào đó chiếc nút gỗ, trên có lá cờ hiệu. Công việc nhanh chóng lắm…
Cả chục người quay cần trục, nâng đuôi cá khỏi mặt nước, buộc dây cáp vào đó, thế là xong. Cá được thả vật vờ trên mặt biển. Lát nữa đây, tàu lớn sẽ đến kéo lên. Giá gặp biển lặn thì cũng dễ, nhưng trong lúc sóng ngất trời, cả một khối thịt gần hai trăm tấn ấy co kéo, giằng giật với cần trục, tưởng như dứt đứt đôi con tàu được!
Ðiện tín đã đánh đi. Trong sổ cái trên tàu lớn, kế toán viên vạch một vạch ngang. Khi cá đem về tàu, ông ta ghi thêm nét gạch dọc, thành dấu chữ thập. Bao nhiêu chữ thập, bấy nhiêu cá được biến thành dầu, thành mỡ, thành thức ăn, thành đồ hộp…
Tiếng gã thủy thủ trên vọng gác lại réo vang:
– Cá lên!… Cá lên!… Ðó… Ðó…
Rồi tiếng Bích la hét:
– Mở hết máy!… Bên phải, hăm nhăm độ…
Con tàu lồng lên giữa khối sóng ngất trời. Gió đẩy người ngã sấp xuống sàn. Sương mù từ đâu kéo tới, bọt nước buốt như cắt da… Vậy mà nhóm ngư phủ vẫn bám lấy thành tàu, theo dõi con cá nhô lên hụp xuống phía ngoài xa…
Lại một chuyến săn khác bắt đầu…
Và công việc cứ vất vả như vậy cho tới hết mùa săn cá voi.
NTA phóng tác
Nxb Sống Mới, Sàigòn 1970
Trần Vũ đánh máy lại tháng 6-2023