Am tường văn hóa bản địa đến mức mang biệt danh “Le Mandarin” (Viên quan An-Nam), Raoul Salan sang Đông Dương khi còn là một trung úy 25 tuổi tùng sự tại Trung đoàn 3 Tán Binh Bắc Kỳ (3e Régiment de Tirailleurs Tonkinois) rồi làm trưởng đồn Nguyên Bình cách Cao Bằng 30 cây số, hút thuốc phiện, lấy vợ Lào và có con lai là trung sĩ Victor Salan. Một tiểu sử vắn tắt nhưng đầy bí ẩn vì Salan kết bạn với Hồ Chí Minh giai đoạn Hiệp ước Sơ Bộ 1946. Chính Salan thương thảo với Võ Nguyên Giáp tại hội nghị Đà Lạt, và cũng chính Salan đưa Hồ Chí Minh sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau, tại trạm dừng Calcutta, cả hai cùng thăm viếng xứ Ấn. Thư riêng của Hồ Chí Minh gửi Salan, 7 tháng sau khi chiến tranh đã xảy ra, viết: “Tôi vừa được tin chuẩn tướng quay lại xứ chúng tôi. Năm trước (tôi cảm giác chỉ mới là hôm qua mà cũng thật lâu như đã hằng thế kỷ), chúng ta đã du hành chung nhiều lần, đã hàn huyên nhiều với nhau. Trên rất nhiều đề tài về con người và trong nhiều lĩnh vực, chúng ta cùng đồng ý. Tóm lại, chúng ta đã rất thân thiết. (…) Cá nhân chúng ta sẽ tiếp tục làm bạn, chuẩn tướng có muốn như vậy?” [Phóng ảnh thư Hồ Chí Minh gửi Salan ngày 10 tháng 6-1947, Đế Quốc Suy Tàn, tập 2, Nxb Presse de La Cité, 1971]. Lời lẽ thắm thiết chiêu dụ Salan, khi ấy quyền tư lệnh lâm thời Bắc phần, không hiệu quả. 4 tháng sau Salan mở cuộc hành binh Léa mà mục đích là vây bắt Hồ Chí Minh trong chiến khu Việt-Bắc. Léa thất bại và chiến tranh tiếp diễn.

Thu đông 1952, thay thế de Lattre, Salan lên đến chức trung tướng Tổng tư lệnh phải đối phó với 3 sư đoàn Việt Minh vừa tràn ngập phân khu Nghĩa Lộ, mở tung cánh cửa vào miền Thái. Kế sách nào khi xứ Thái là một giải đất dài 300 km, rộng 50 km với vỏn vẹn 35 đồn canh mà mỗi một đồn chỉ do một trung đội phụ lực quân Thái chống giữ? Làm cách nào ngăn chặn chủ lực Việt Minh đang tràn xuống sông Đà? Tiểu đoàn 6 Nhảy dù Thuộc địa (6e BPC) vừa phải triệt thoái khỏi Tú Lệ, thả dù thêm vài tiểu đoàn nữa sẽ vô ích một khi rừng núi làm nên lợi thế của Võ Nguyên Giáp. Giữ đất sẽ vô ích một khi không đủ quân số chống giữ. Moltke, bậc thầy tư duy Phổ, thường xuyên cảnh cáo: “Ai muốn phòng thủ tất cả, sẽ không phòng thủ được gì hết.” Celui qui veut tout défendre, ne défend rien là suy nghiệm của Salan khi ấy. Cũng từ 1950, từ khi Việt Minh chính quy hóa, hình thành một quy luật: Ra khỏi đường kính pháo binh (155 ly tầm xa 15 km hoặc 105 ly tầm xa 10 km) thì Việt Minh thắng trận. Ngược lại, trong đường kính này, quân Liên hiệp Pháp chiến thắng. Hai tiên đề căn bản hiện ra rõ ràng: Phải chấm dứt công thức Phòng tuyến Liên tục và chấm dứt quan niệm chiến tranh là giữ đất. Với Salan, Phòng ngự co giản của Erich von Manstein là nghiệm số duy nhất. Phải bỏ đất, không phòng thủ tỉnh lỵ Sơn La mà lùi thật xa, chiêu dụ Võ Nguyên Giáp vào thật sâu trên một trận địa thiết lập sẵn, rồi dùng phi pháo hủy diệt. Con nhím Nà Sản ra đời từ suy nghĩ quân sự này.

Mô thức “con nhím” xuất hiện lần đầu trên mặt trận Nga, khi quân đội Đức sa lầy trong tuyết phải làm chậm sức tiến vũ bão của Hồng quân Sô-Viết. Cấu trúc nguyên thủy là một căn cứ hỏa lực mạnh với phi đạo chính giữa, vây bọc bằng một chuỗi cứ điểm với công sự ngầm cùng những bãi mìn dầy đặc.   

Tuy nhiên, Salan cần thời gian để vận chuyển binh sĩ, pháo binh, đạn dược và thiết bị từ châu thổ sông Hồng lên Nà Sản. Ngày 28 tháng 10-1952, 10 ngày sau khi Nghĩa Lộ thất thủ, Salan phóng ra cuộc hành binh Lorraine: Vận dụng 3 Liên đoàn Lưu động (GM1, GM3, GM4) xuất phát từ Việt Trì đánh lên Phú Thọ, cùng lúc bất thần ném 3 tiểu đoàn Nhảy Dù (1er BEP, 2e BEP, 3e BPC) xuống Phủ Đoan, là kho hậu cần tiếp vận cho chiến dịch Tây Bắc của Võ Nguyên Giáp. Quân Dù tiến chiếm Yên Bình, 40 cây số phía bắc Đoan Hùng (Phủ Đoan), uy hiếp Yên Bái là căn cứ địa Việt Minh và đánh nghi binh lên Tuyên Quang. Ngay lập tức Vi Quốc Thanh yêu cầu Võ Nguyên Giáp rút trung đoàn 36 của sư đoàn 308 và trung đoàn 176 của sư đoàn 316 từ Nà Sản về Yên Bái.

“Opération Lorraine” là một thành công chiến thuật của Salan. Đã phá hủy kho tàng tiếp vận cho quân đoàn tác chiến Việt Minh. 250 tấn đạn dược súng trường, 40 tấn đạn súng sối, 35 ngàn lựu đạn, 2300 mìn đĩa, 1500 vũ khí cộng đồng, 4 xe vận tải Molotova và nhiều phân xưởng sản xuất lựu đạn chày, phóng pháo hỏa tiễn của kỹ sư Trần Đại Nghĩa cùng những kho thóc bị phá hủy. Cả Vi Quốc Thanh và Võ Nguyên Giáp đều lướt qua chi tiết này mà tập trung kể về cuộc phục kích gây tổn thất cao cho Liên đoàn 4 Lưu động (GM4) của trung tá Kergaravat khi lui từ Phủ Đoan về Hà Nội, lúc chấm dứt hành quân. Võ Nguyên Giáp sẽ trả giá máu ngay sau đó, chính vì Salan, với cuộc hành binh Lorraine (mục đích không nhằm giải vây Tây Bắc như Vu Hóa Thầm ghi) đã mua được thời gian cho phép đại tá Jean Gilles, chỉ huy Nà Sản, hoàn tất công sự vững chắc.

Xem thêm:   Hang gấu

Thay vì khai trận cuối tháng 10-1952, ngay sau khi chiếm Nghĩa Lộ và tràn xuống sông Đà, Võ Nguyên Giáp phải mất một tháng để tái tiếp tế 3 sư đoàn Việt Minh vì hậu cần tại Phủ Đoan bị tiêu hủy, và vì phải di chuyển 2 trung đoàn 36 và 176 từ Yên Bái về lại Nà Sản. Khái niệm “Thời gian là hỏa lực gấp đôi” của Heinz Guderian, Võ Nguyên Giáp chưa biết đến.

24 tháng 11-1952, Võ Nguyên Giáp hạ quyết tâm tiêu diệt Nà Sản. Các đợt tấn công biển người đều thất bại.   Đêm 30 tháng 11-1952 Việt Minh tràn ngập đồi 22bis do đại đội 8 của tiểu đoàn 2 Bộ Binh Thái (BT2) và đại đội 278 Phụ Lực quân (278e CSM) chống giữ. Tiểu đoàn 2 Nhảy dù Lê đương (2e BEP) lập tức phản kích. Từ 3 giờ sáng đến 6 giờ sáng, pháo 105 ly của Tiểu đoàn 5 Pháo Binh Việt Nam (5e GAVN) và Tiểu đoàn 4, trung đoàn 41 Pháo binh Thuộc địa (IV/41e RAC) bắn 3000 quả đạn dập nát trung đoàn 165 danh hiệu “Thành đồng Biên giới” của sư đoàn 312. [Na San, Une Victoire Oubliée, Jacques Favreau, chương 9, Nxb Economica, 1999]

Đêm hôm sau, trung đoàn 88 danh hiệu Tu Vũ và trung đoàn Thủ Đô 102 của sư đoàn 308 đánh biển người lên đồi 21bis. Đến sáng, tiểu đoàn 3 của trung đoàn 5 Lê dương (III/5e REI) đếm được 540 xác Việt Minh trên rào kẽm gai, thu 54 trung liên, 70 tiểu liên và 2 đại liên [Salan, trang 354, sđd]. Đêm sau nữa, 11 tiểu đoàn của Quân đội Nhân dân tấn công đồng loạt nhiều cứ điểm. Pháo binh Pháp bắn 5000 quả đạn, Việt Minh thương vong 6000 bộ đội cho toàn chiến dịch. Nà Sản, là chiến thắng của Salan.

Salan còn là vị tướng đã thành lập các Liên đội Lưu động Dân Sự Vụ Chiến Đấu GMAO (Groupement Administratif Mobile Opérationnel) mà mỗi liên đội bao gộp 1 tiểu đội y tá, 1 tiểu đội dân vận, 1 tiểu đội cán sự xã hội, 1 trung đội nội chính và một đại đội Bảo Chính Đoàn (Corps de Défense de l’État) với nhiệm vụ phát thuốc men, cấp phát lương thực, phản tuyên truyền và thanh lọc cán binh cộng sản trong các bản làng vừa tái chiếm. Một hình thức Tỉnh đoàn Cán bộ Xây dựng Nông thôn mà VNCH áp dụng về sau trong chiến dịch Phượng Hoàng. [Trần Vũ]

ĐỒNG CHÍ VI QUỐC THANH TRONG VIỆN TRỢ VIỆT NAM ĐẤU TRANH CHNG PHÁP

Vu Hoá Thầm

bản dịch của DƯƠNG DANH DY

Tiến quân lên Tây Bắc […]

Đến 23/10, tác chiến đợt 1 cơ bản kết thúc, tấn công tất cả 35 cứ điểm tiêu diệt gần 200 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn từ tây sông Hồng đến đông sông Đà. Khi Vi Quốc Thanh đến tiền tuyến Tây Bắc vào đúng lúc tác chiến đợt 1 kết thúc, tác chiến đợt 2 chưa bắt đầu. Đồng chí và Võ Nguyên Giáp chia tay hơn một năm, hôm đó gặp lại tại tiền tuyến, hai người hết sức thân thiết. Vi Quốc Thanh tìm hiểu tỉ mỉ tình hình tác chiến đợt 1 và tình hình địch ta trước mắt.

Sau khi mở màn chiến dịch, quân Pháp điều động 4 tiểu đoàn Dù từ Hà Nội đổ bộ xuống vùng Tây Bắc. Quân lính đóng tại vùng Tây Bắc, quân Pháp hiện có 7 tiểu đoàn cơ động, 4 tiểu đoàn phòng thủ, cộng với ngụy quân địa phương và những tên bị đánh tan ở Đông sông Đà tháo chạy, ở vùng Sơn la, Lai Châu có tất cả khoảng 10.000 binh lực, phân bố trên một dải đất dài 300 km, rộng hơn 50 km. Phòng ngự của địch tương đối phân tán mỏng yếu. Quân đội Việt Nam tuy có thương vong, nhưng số quân không giảm mấy và do trận đầu thắng lợi tinh thần lên cao, cung cấp hậu cần cũng không có vấn đề gì lớn. Vì vậy, Vi Quốc Thanh tán thành tiếp tục tiến hành tác chiến đợt 2. Nhưng lúc này, quân Pháp ở đồng bằng sông Hồng áp dụng hành động mới. Ngày 29/10 quân Pháp điều động 3 binh đoàn cơ động, và phối hợp với cụm pháo binh do viên chỉ huy khu vực Bắc Bộ de Linarès chỉ huy, xuất phát từ tây đồng bằng sông Hồng, tiến vào vùng Phú Thọ, hòng chiếm đóng Phú Thọ và Yên Bái căn cứ hậu cần của quân đội Nhân dân, cắt đứt tuyến cung cấp lương thực của quân đội Việt Nam, để giải vây cho Tây Bắc.

Ý đồ của địch rất rõ ràng, nên xử lý tình hình này như thế nào? Sau khi Vi Quốc Thanh và Mai Gia Sinh trao đổi với nhau đã kiến nghị phía Việt Nam rút ra 2 trung đoàn chủ lực trở về Phú Thọ, cùng với 2 trung đoàn chủ lực bố trí sẵn ở vùng gần đó và một số bộ đội địa phương quần nhau với địch. Đồng thời, nhân lúc binh lực ở đồng bằng sông Hồng đang trống, quân đội Việt Nam tăng cường hoạt động vũ trang sau lưng địch, ra sức mở rộng vùng du kích, uy hiếp hậu phương địch. Võ Nguyên Giáp tiếp nhận kiến nghị này.

Xem thêm:   Truyện tranh Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam

Quân Pháp tiến vào Phú Thọ bị chủ lực quân đội Việt Nam và bộ đội địa phương kiên quyết chặn đánh, hành động chậm chạp. Sau khi đến gần Tuyên Quang được tin hậu phương của chúng không ổn địch, buộc phải rút lui. Trên đường rút lui không ngừng bị quân đội Việt Nam tấn công bắn chết, bị thương. Ngày 17/11 trung đoàn 36 đại đoàn 308 từ tiền tuyến Tây Bắc quay về phục kích trên quốc lộ số 2, một lúc tiêu diệt hơn 400 tên địch, bắn hỏng hơn 10 xe tăng và hơn 30 ôtô. Ba trung đoàn chủ lực Việt Nam truy kích quân Pháp đến phòng tuyến đoạn phía Tây đồng bằng sông Hồng mới thu quân. Hành động giải vây Tây Bắc của quân Pháp lần này đã phải trả giá bằng việc hơn 1.200 tên địch bị thương vong, rốt cuộc thất bại hoàn toàn.

Ngày 15/11, tác chiến đợt 2 bắt đầu. Sáu trung đoàn chủ lực quân đội Việt Nam vượt sông Đà, triển khai cuộc tấn công vào tỉnh Sơn La giáp Lào, công phá các cứ điểm quan trọng của quân Pháp, qua 6 ngày đêm liên tục tác chiến đã giải phóng các thành phố thị trấn quan trọng Mộc Châu, Yên Châu, Thuận Châu, Tuần Giáo v.v.. tiêu diệt rất nhiều quân địch.

Khi tấn công Thuận Châu, quân đội Việt Nam được biết từ cửa miệng tù binh, binh lực địch ở Điện Biên Phủ trống vắng, chỉ có 200 lính người Thái canh giữ dưới sự chỉ huy của một trung úy quân Pháp, liền đưa một tiểu đoàn bộ binh, qua hai ngày hai đêm băng rừng lội suối ngày 30/11 nhẹ nhàng lấy được Điện Biên Phủ, bọn địch canh giữ chạy tán loạn vào rừng. Ngày 22/11 quân Pháp bỏ tỉnh lỵ Sơn La. Khoảng 8 tiểu đoàn binh lực địch tháo chạy khỏi các nơi ở Sơn la tập trung về Nà Sản cách Sơn La 20km về phía nam, tranh thủ xây dựng công sự hòng cố thủ. Sau khi Vi Quốc Thanh và Võ Nguyên Giáp bàn tính quyết định tập trung 6 trung đoàn chủ lực, bao vây và tấn công Nà Sản, tiêu diệt quân địch cố thủ, giành toàn thắng của chiến dịch.

Nhưng lúc này tình hình ở Nà Sản có thay đổi. Quân địch giữ Nà Sản được không quân Pháp ra sức chi viện; trước tiên thả tấm thép làm đường băng làm sân bay đơn giản rất nhanh, tiếp đó máy bay vận tải chở xe tăng, pháo và vật liệu xây dựng công sự, binh lính xây dựng thành tập đoàn cứ điểm, hơn 20 cứ điểm. Sau khi chuẩn bị ngắn ngày, đêm 30/11 quân đội Việt Nam tấn công 4 cứ điểm bên ngoài Nà Sản. Do địch phát huy ưu thế hỏa lực, chi viện cho nhau, có cứ điểm chưa công phá được, có cứ điểm sau khi công phá bị địch lấy lại, bộ đội ta bị thương vong nặng. Lúc này quân Pháp lại cho 2 tiểu đoàn nhảy dù xuống Nà Sản, tổng binh lực lên đến hơn 7000 người.

Sau khi phân tích tình hình tác chiến ở ngoại vi Nà Sản, Vi Quốc Thanh cho rằng cứ điểm của địch thành cụm, hỏa lực chi viện cho nhau, công sự ngày càng tăng cường binh lực ngày càng tăng thêm quân đội Việt Nam khó gặm nổi cục xương cứng này. Tiếp tục đánh, bộ đội thương vong nhiều hơn, tiêu hao lớn hơn, lúc đó nếu địch phản kích, quân đội Việt Nam sẽ bị thiệt hại lớn. Vì vậy, đồng chí kiến nghị với Võ Nguyên Giáp thu quân từ đây, kết thúc chiến dịch. Phía Việt Nam chấp nhận kiến nghị này. Chiến dịch Tây Bắc kết thúc ngày 10/12.

Trong chiến dịch Tây Bắc trải qua gần hai tháng, quân đội Việt Nam giành được thắng lợi to lớn, tiêu diệt tất cả 13.800 tên địch giải phóng vùng đất rộng 28.500 km2 và 25.000 dân. Toàn bộ vùng Tây Bắc, trừ ngoại vi Nà Sản của tỉnh Sơn La và nửa phần phía bắc của tỉnh Lai Châu, đều do quân đội nhân dân kiểm soát. Vùng giải phóng nối liền thành một dải với căn cứ địa Việt Bắc, hình thành hậu phương chiến lược rộng lớn, thay đổi hơn nửa tình thế chiến lược địch ta của chiến trường Bắc Bộ.

Ngày 17/12, khi gửi điện cho Quân uỷ Trung ương Trung Quốc trình bày tình hình tác chiến Tây Bắc, Vi Quốc Thanh có nói : Tác chiến từ Nghĩa Lộ đến Yên Châu, đều căn cứ vào chỉ thị của Mao, Bành, tập trung binh lực hỏa lực ưu thế, chủ động tấn công tác chiến; đồng thời binh lực địch tương đối phân tán, các cứ điểm không thể tiếp ứng cho nhau, cho nên dễ bị ta công phá từng cái. Ta lợi dụng tấn công ban đêm, tránh được đe dọa của không quân, pháo binh, giải quyết chiến đấu nhanh chóng, lại có thể lợi dụng địa hình có lợi, di chuyển trận địa nghỉ ngơi tiêu hao đạn dược chưa được bổ sung, cho nên tuy thường bị đói hành động tác chiến dồn dập, nhưng thắng lợi liên tiếp, tinh thần rất caođến giai đoạn bao vây Nà Sản, cán bộ bắt đầu có tâm lý cho là gặp may, đánh giá chưa đầy đủ tình hình địch ở Nà Sản, khinh địch, cho nên khi đánh bốn cứ điểm bên ngoài Nà Sản thương vong tương đối lớn. Do hỏa lực của không quân, pháo binh địch được phát huy cao độ, tâm tư bộ đội chuyển biến nhanh, tư tưởng bi quan dao động nhanh chóng lan tràn, nảy sinh tâm lý oán trách. Thái độ của cán bộ đại đoàn, trung đoàn im lặng (vì đã không bảo đảm lấy được Sơn La, trước mặt Hồ Chí Minh), không dám báo cáo lên trên tình hình chân thực của bộ đội, Bộ Tổng Tham mưu không thể nắm chính xác tình hình bộ đội. Kết quả cán bộ đại đoàn, trung đoàn muốn cố vấn đề đạt ý kiến lên trên, Bộ tổng thì yêu cầu đại đoàn, trung đoàn bày tỏ thái độ có thể thắng hay bại, hình thành tình trạng trên dưới không chịu trách nhiệm đối với chiến tranh. Căn cứ theo tình hình lúc bấy giờ, chúng tôi không thể không nhanh chóng bày tỏ thái độ ”.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Vào lúc kết thúc chiến dịch Tây Bắc, Hồ Chí Minh từ Liên Xô trở về Bắc Kinh. Trong thời gian ở Moscow, Stalin tiếp kiến Hồ Chí Minh, hai bên trao đổi một số vấn đề trọng đại liên quan đến cách mạng Việt Nam. Ở Bắc Kinh, Hồ Chí Minh nhận được báo cáo tình hình quân sự của chiến dịch Tây Bắc. Người cảm thấy quân đội Việt Nam ngừng tác chiến hơi sớm, còn có thể đánh tiếp, tốt nhất nhân đà khí thế đang hăng đánh lấy Nà Sản. Vì thế ngày 14/12, Người điện cho Võ Nguyên Giáp và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam. Bức điện viết: “Bọn địch ở Nà Sản cô lập, tấn công Nà Sản có ý nghĩa rất lớn đối với củng cố Tây Bắc, phát triển quan hệ với Lào, nên ra sức tiêu diệt quân địch ở đây, đừng để cho chúng chạy thoát. Nếu không thể tiêu diệt một lần thì chỉ vài lần tiêu diệt chúng. Và đề ra, trên nguyên tắc, không ảnh hưởng đến đánh Nà Sản có thể đồng thời hoặc sớm hơn quét sạch bọn địch ở vùng Lai Châu ”.

Bức điện đó của Hồ Chí Minh Vi Quốc Thanh được xem trước, vì điện văn qua lại giữa Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đều do điện đài của Đoàn cố vấn sau khi nhận và dịch mới chuyển cho phía Việt Nam. Sau khi xem điện Võ Nguyên Giáp lại bàn với Vi Quốc Thanh, ý kiến của hai người nhất trí. Trước mắt không thể tiếp tục đánh Nà Sản. Ngày 17/12 Vi Quốc Thanh điện cho Quân uỷ Trung ương: “ Đã biết bức điện ngày 14 của Hồ chủ tịch, chấp hành điện này có khó khăn. Quân địch cố thủ Nà Sản hiện có 10 tiểu đoàn bộ binh và 1 tiểu đoạn lựu pháo, còn ta trong 5 trung đoàn có 3 trung đoàn thương vong tương đối lớn, không chỉnh đốn thì không thể đánh tiếp. Vì vậy đề nghị thu quân thắng lợi, tạm thời bao vây quân địch ở Nà Sản, đợi tình hình có lợi sẽ tấn công lấy Nà Sản. Phải mất hai tháng làm tốt việc chấn chỉnh bổ sung bộ đội tranh thủ trước mùa mưa mở lại chiến dịch ở Tây Bắc. Ở phía bắc quét sạch bọn địch ở ngoại vi Lai Châu, cô lập Lai Châu. Ở phía nam tấn công lấy Sầm Nứa của Lào, nối liền với Điện Biên Phủ, tạo điều kiện tiếp tục mở ra chiến trường trung Lào ”.

Ngày 19/12, Quân uỷ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc điện trả lời Vi Quốc Thanh, nêu rõ: “Bọn địch ở Nà Sản gặp rất nhiều khó khăn, nếu quân đội nhân dân có thể tấn công thì rất có lợi cho việc củng cố Tây Bắc, giải phóng Lào. Nhưng tấn công Nà Sản không phải làm ngay lập tức, cần phải chuẩn bị ít nhất ba tháng, khi có đủ năng lực công kiên và nắm chắc thắng lợi mới tấn công tiêu diệt ”. Bức điện này vừa nêu lên tầm quan trọng của việc đánh lấy Nà Sản, ủng hộ ý kiến của Hồ Chí Minh vừa nêu ra phương châm cần phải chuẩn bị đầy đủ, sau khi có đủ điều kiện hãy đánh Nà Sản, cũng giải tỏa được nỗi lo của Vi Quốc Thanh.

Đầu tháng 1/1953, Vi Quốc Thanh lại về Bắc Kinh báo cáo công tác và xin chỉ thị vấn đề tác chiến.

(Còn tiếp)

Vu Hoá Thầm

(đăng trong Thượng tướng phong vân lục nxb Đại Bách Khoa toàn thư  năm 2000)

Xuất phát từ Lào Cai, Tuyên Quang và Yên Bái, 3 sư đoàn 308, 312, 316 tấn công Nà Sản thu đông 1952. Cùng thời gian, cuộc Hành quân Lorraine từ Việt Trì đánh vào hậu phương của Việt Minh tại Phú Thọ, Phủ Đoan, Yên Bình.

Tiểu đoàn 2 Nhảy dù Lê dương (2e BEP) tại Phủ Đoan, 28 km phía bắc Phú Thọ, 1952.

Liên đoàn 4 Lưu động (GM4) với chiến xa nhẹ M-24 Chaffee trang bị đại bác 50 ly của trung tá Kergaravat từ Phú Thọ lên đón quân Nhảy dù.  Cách Đoan Hùng 10 cây số rơi vào ổ phục kích của trung đoàn 36 thuộc sư đoàn 308 của Vương Thừa Vũ.

Vũ khí Việt Minh, trung liên Tiệp Khắc và đạn súng cối tịch thâu tại Phủ Đoan (Đoan Hùng).

Salan và Hồ Chí Minh viếng Calcutta, Ấn Độ, 1946

Con Nhím Nà Sản 1952: tiểu đoàn 3 của trung đoàn 5 Lê dương (III/5e REI)  đếm xác Việt Minh trên đồi 21 bis

Xác Việt Minh tại Nà Sản, đồi 22bis.

Tiểu đoàn 3 Nhảy dù Việt Nam (3e BPVN) duyệt binh tại Hà Nội trước khi tăng phái cho Nà Sản tháng 5-1953.

Huy hiệu của Tiểu đoàn 3 Nhảy dù Việt Nam (3eBPVN)

Bảo Đại tiếp Salan tại Đà Lạt 1953