Chúng ta còn chân trời nào ngoài sự bất định?

Chiến tranh là thực tế duy nhất.”

On a quoi comme horizon? Uniquement l’incertitude.

La Guerre est notre seule réalité.

Là lời ta thán của một cư dân Mạc Tư Khoa mà nữ phóng viên Pháp Anne Nivat thâu lại rồi tường thuật bằng Pháp văn trên truyền hình LCI tối 14 tháng 11, ngay sau khi ‘Hồng quân’ phải bỏ Kherson, nói lên ưu tư… Ukraine là một đầm lầy. Hơn một đầm lầy, một nhục nhã cho quân đội Nga không một chiến thắng.

Một cách mâu thuẫn, chính không chiến thắng ấy của Ðại đế Putin khiến nhân loại phập phồng. Ðến Bước Ðường Cùng, như tên một tiểu thuyết của Nguyễn Công Hoan, Putin sẽ đánh bom nguyên tử? Khả dĩ. Vì Sa hoàng đã vào vai Kép Tư Bền, cũng của Nguyễn Công Hoan, thì còn gì để mất?

Ai trách gì Hiroshima? Truman không vĩ đại sao khi đã ép Nhật đầu hàng? Sa hoàng Putin rút ra bài học. Ukraine phải đầu hàng. “Sau khi chúng ta chiến thắng thì không ai nói gì nữa!” là lời châu ngọc của Hitler. Lối thoát nào ngoài nguyên tử?

Bom nguyên tử giúp triệt tiêu ý chí của Zelensky, một Zelensky đã sắm vai Churchill trở thành anh hùng và vì nhập vai Churchill, Zelensky đã tiêm vào máu dân Ukraine phương châm của Churchill: “Trước khi kết thúc chiến tranh, chúng ta phải hận thù kẻ thù của chúng ta đến cùng (..) Thà biến đảo quốc của chúng ta thành biển máu còn hơn là đầu hàng! (Avant la fin de la guerre, nous devrions hair nos ennemis pour de bon (..) Il vaudrait mieux transformer notre ile en mer de sang que de se rendre/ Before the end of the war, we should hate our enemies for good (..) It would be better to turn our Island into a sea of blood than to surrender.” [Andrew Roberts, Churchill, trang 789 và 823, Nxb Perrin 2020].

Bom nguyên tử là giải pháp? Trong sự ‘phập phồng’ hôm nay, là lúc nhìn lại quá khứ. Nhật Bản đã đầu hàng vì bom nguyên tử? Tầm sát thương của bom nguyên tử có nhiều hơn các cuộc không tập trải thảm của các pháo đài bay Hoa Kỳ? Là những thắc mắc phổ thông mà Phong trào Duyệt lại Lịch sử (Révisionnisme) với sự khui mở tài liệu đã cho các sử gia cách nhìn khác. Là tổng hợp và đúc kết giản lược từ các sách đã xuất bản.

Biếm họa của nhật trình The Seattle Times   

1. Bom nguyên tử sát thương nhiều hơn không tập của các pháo đài bay?

Constance Sereni, giảng dạy môn Lịch sử Nhật Bản trong thế kỷ 20 tại đại học Genève Thụy Sĩ, làm một so sánh: Hai bom nguyên tử thả xuống đất Nhật gây cho 70 đến 80 ngàn người chết ở Hiroshima và từ 40 đến 60 ngàn nạn nhân ở Nagasaki… chưa là trận sát thương lớn nhất.

Trận bom tàn sát lớn nhất Ðệ Nhị Thế chiến là vào đêm mùng 9 tháng 3-1945 khi USAAF tung 334 pháo đài bay B-29 dội 1,700 tấn bom hủy diệt 41 cây số vuông Ðông Kinh và làm chết trên 100 ngàn thường dân. Thống kê chính thức của Nhật vào năm 1949 là 183 ngàn người chết. Gấp đôi bom nguyên tử.

Trước đó, Không lực Anh-Mỹ đã trải thảm liên tục xuống các thành phố bên Ðức mà hai trận ném bom lớn là ở hải cảng Hamburg đêm 27 tháng 7-1943 làm chết 45 ngàn dân với 80 ngàn bị thương; và tại Dresden đêm 14 tháng 2-1945 gây tử vong ít nhất cho 30 ngàn người. Nhiều số liệu lên đến hai ba trăm ngàn và vẫn còn tranh cãi.

Ðây là kết quả của loại bom mới M-69 pha trộn naphtalène (na-)với a-xít palmitique (-palm) do ê-kíp của hóa học gia Louis Fieser phát minh trong phòng thí nghiệm của đại học Harvard, vào tháng 7-1942. Là những rái bom nhỏ, chiều dài 50cm, đường kính 7.5cm trộn thêm phosphore và phát nổ 3 đến 5 giây sau khi chạm đất. Hóa chất bốc cháy với nhiệt độ 1,000 độ C bám vào mọi vật thể và lập tức phát lửa cao 10 thước. Tên thông dụng là bom Na-palm nhưng các phi công Mỹ đã đặt hỗn danh cho bom M-69 là “Tokyo Calling Cards”, tức danh thiếp trước thềm nhà Ðông Kinh.

Không tập trải thảm sát thương nhiều hơn bom nguyên tử. Tuy nhiên ‘tiện ích’ của bom nguyên tử là ít tốn kém. Các không đoàn oanh tạc cơ Hoa Kỳ chiếm 13% ngân quỹ chiến tranh, chỉ riêng dự án chế tạo pháo đài bay B-29 Superfortress đã ngốn hết 3 tỷ Mỹ kim lúc đó, tức là nhiều hơn 1/3 giá thành của toàn bộ dự án Manhattan chế tạo bom nguyên tử là 1 tỷ 9 Mỹ kim. Chưa kể để đạt mức sát thương ấy, USAAF phải vận dụng nhiều trăm pháo đài bay cho mỗi phi vụ oanh kích với cả ngàn phi hành đoàn mà tính mạng vô giá.

Thiên hoàng Chiêu Hòa Hiro-Hito

2. Nhật Bản đầu hàng vì bom nguyên tử?

Xem thêm:   Tùy bút mùa Vu Lan

Ngày 15 tháng 8-1945, 9 ngày sau quả bom nguyên tử đầu tiên rơi xuống Hiroshima và 6 ngày sau quả thứ nhì tiêu hủy Nagasaki, Thiên hoàng Chiêu Hòa Hiro-Hito ra khỏi sự im lặng để nói với quốc dân: “Phải chấp nhận điều không thể chấp nhận.” Sau đó thành một truyền thuyết: Nhật Bản đầu hàng vì bom nguyên tử.

Cả hai phía, Hoa Kỳ và Nhật không phủ nhận.

Phía Mỹ cần chính danh cho việc dùng bom nguyên tử, để tránh tiếng diệt chủng. Công chúng cần tin: nếu không dùng bom nguyên tử, US Army sẽ tổn thất trầm trọng một khi đổ bộ lên đất Nhật. Các trận chiến trên các hải đảo Tarawa, Saipan, Iwo Jima và Okinawa minh xác điều này. Nhân loại tin như vậy.

Phía Nhật, đầu hàng vì bom nguyên tử, là một thứ vũ khí tân tiến không thể kháng cự, giúp cứu vãn danh dự nên không đính chính.

Nhưng có thật Thiên hoàng đã chấp nhận “Ðiều không thể chấp nhận” vì bom nguyên tử?

Sử gia Mỹ gốc Nhật, Tsuyoshi Hasegawa trong nghiên cứu Chạy Ðua Với Kẻ Thù, Racing The Enemy: Stalin, Truman and the Surrender of Japan do Harvard University Press (HUP) xuất bản năm 2005, cho cách nhìn khác:

Triều chính Nhật cho đến lúc ấy chia làm ba phái. Phái Samurai Chủ chiến Kodoha tin vào ‘Con đường Ðế quốc’ (Imperial Way Faction) quyết đánh đến cùng. Phái Kỹ trị Chủ hòa Toseiha còn gọi Phái tự kềm chế (Control Faction) chủ trương thương thuyết và Phái Bảo hoàng O-toha (Royalist Faction) đặt quyền lợi hoàng gia trên hết. Từ giữa thập niên 30 Phái Chủ chiến kiểm soát chính phủ hoàng gia.

Trong suốt hai năm 1944-1945 Hoa Kỳ trải thảm bom liên tục lên đất Nhật, 115,000 tấn bom hàng tháng thiêu hủy Osaka, Nagoya, Kobe và Ðại tướng Curtis LeMay chỉ huy US Bomber Command ước tính 50.8% diện tích của Tokyo đã thành bình địa, không làm Nhật thối chí. Các phi đoàn Thần phong Kamikaze được thành lập là để cho Hoa Kỳ hiểu Nhật sẽ không đầu hàng. Nhật Bản chấp nhận ngừng bắn, trong điều kiện của Nhật Bản, nhưng không hàng.

Không phải Bộ Tổng Tham mưu Nhật không nhìn thấy thất trận, Hải quân không còn chiến thuyền nào, tất cả tàu chiến đã bị US Navy đánh chìm, Không quân không ngăn được các cuộc oanh kích và mất dần các  đảo nhưng Nhật vẫn sở hữu Miến Ðiện, Ðông Dương, Mã Lai, Nam Dương, Ðài Loan, Hồng-Kông, Tân Gia Ba, Cao Ly, Mãn Châu và một phần Trung Hoa làm phương tiện trao đổi cho một hòa ước. Cho đến Nagasaki, Nhật vẫn nuôi hy vọng đình chiến và nhờ cậy Nga làm trung gian thương thuyết với Hoa Kỳ.

Nhật cố tin Nga-sô mà Nhật không tấn công mạn sườn Á Châu trong những ngày Mạc Tư Khoa nguy khốn trước uy hiếp của Ðức, sẽ đứng ngoài vòng chiến; vì cho đến khi ấy, Hiệp ước Bất Tương Xâm Nga-Nhật ký tháng 4-1941 vẫn hiệu lực. Và đến khi Nga đơn phương chấm dứt hiệp ước này vào tháng 4-1945 thì Nga vẫn không tuyên chiến. Nga, trong nhãn quan Nhật, cần một trái độn ở Thái Bình Dương giữa Nga và Hoa Kỳ, và Nhật là tấm đệm ấy. Cho nên cuộc tổng tấn công của Nga-sô ngày 9 tháng 8-1945, tấn công đồng loạt trên các mặt trận Mông Cổ, Mãn Châu, Ðông-Bắc Cao Ly và phía Nam của quần đảo Sakhalin vào lúc 4 giờ sáng, vài giờ trước khi quả bom nguyên tử thứ nhì rơi xuống Nagasaki, là một cú trời giáng.

Với cuộc hành binh Bão Tháng 8 (August storm), Stalin tung vào mặt trận: Một triệu sáu trăm ngàn lính Nga-Ba Lan, 5,500 chiến xa, 30,000 đại bác, 5,300 máy bay. Ðạo quân Quan Ðông Nhật (Kwantung Army Group) của Ðại tướng Otozo Yamada vì phải trấn đóng Trung Hoa, nên tuy lên đến một triệu hai trăm ngàn binh sĩ, 6,700 đại bác và 1,000 xe tăng, chỉ có thể dàn ra tuyến phía Bắc 800,000 lính. Chỉ trong vòng vài ngày, chưa đến một tuần, Ðại Nguyên soái Vassilievski đã bao vây, đánh thủng và tiêu diệt đại bộ phận quân Quan Ðông. Mãn Châu, Mông Cổ, Bắc Cao Ly và cả thủ phủ Hoa Thái (Karafuto-cho/ Quật Thuyết hay Khố Hiệt trong tiếng Tàu) ở phía Nam đảo Sakhalin đều rơi vào tay Nga.

Lý do thất trận của Lục quân Nhật nằm trong ưu thế chiến xa và ưu thế cơ động của Hồng quân. Mông Cổ và Mãn Châu là những bình nguyên không rừng núi, không sình lầy, thích hợp cho vận động chiến. Quân Nga vận dụng 86,000 xe bọc thép và xe vận tải các loại, trong lúc toàn bộ đạo quân Quan Ðông chỉ có 1,215 xe cộ (cho một triệu hai binh sĩ). Nhật cũng không có chiến xa hạng nặng như Panther hay Tiger của Ðức để đương đầu với tăng T-34 và KV-II của Nga, không pháo binh cơ giới, không bazooka và đặc biệt không có lý thuyết thiết giáp. Chiến xa Nhật quá nhỏ, bọc thép mỏng, động cơ yếu và trang bị nhẹ gần như chỉ hữu dụng cho việc “săn thổ dân” như mỉa mai của Thống chế Rommel dành cho chiến xa Ý. Nếu trên các hải đảo nhiệt đới rừng rậm và hang động giúp phòng vệ, trên thảo nguyên Mãn Châu và Mông Cổ là những cánh đồng mênh mông không chỗ trú ẩn. Kết quả cuối cùng của trận đánh: 83,000 lính Nhật tử vong và 594,000 tù binh. Một địa chấn.

Xem thêm:   Vũng Lầy Giáo Dục

Chiến thắng của Nga-sô là cú đấm vào mặt Phái Chủ chiến. Các Samurai tin bằng vào ý chí, quyết tâm và sự hy sinh có thể gây tổn thất cao cho đối phương như đã gây cho Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ tổn thất nặng nề khi đổ bộ lên các hải đảo, để kẻ thù buộc phải hưu chiến. Mặt trận Mông Cổ-Mãn Châu-Cao Ly chứng minh ngược lại: Ðạo quân Quan Ðông lừng danh mà Ðại tướng Hideki Tojo từng là tư lệnh trước khi làm Tể tướng, cũng là đạo quân đông nhất, hùng mạnh cuối cùng của Nhật Bản, đã bị đánh tan tác, chịu nhục nhã mà không gây thiệt hại lớn cho quân Nga.

Hơn một sỉ nhục, một hiểm nguy áp sát. Bằng vào việc thôn tính Cao Ly, Nga-sô ở vị thế dễ dàng đặt chân lên chính quốc Nhật. Một ngày sau khi Stalin tuyên chiến, Phái Chủ hòa thúc giục Thiên hoàng chấm dứt chiến tranh; bằng lập luận là Nga sẽ chiếm trọn vẹn Cao Ly và từ Busan (Phủ Sơn) trên bán đảo Cao Ly đến Tsushima (Ðối Mã) chỉ cách 60 hải lý. Phía Bắc, từ mũi Bukhta Morzh ở cực Nam Sakhalin sang Soya-misaki trên Hokkaido là miền Bắc Nhật Bản chỉ cách 28 hải lý. Hiểm họa xâm lăng của Cộng sản khó tránh. Mùa hè tan băng, Stalin sẽ đưa chiến thuyền từ Bắc Băng Dương sang Bắc Thái Bình Dương. Cần đình chiến ngay tức khắc.

Trước thất thế và mất uy tín của Phái Chủ chiến, Phái Bảo hoàng thêm lý lẽ: Với một Nhật Bản cộng sản hóa, chế độ Quân chủ Lập hiến sẽ cáo chung. Ðầu hàng lập tức giúp toàn cõi xứ Nhật vẫn thống nhất, do Hoa Kỳ cai quản không lệ thuộc Anh-Pháp-Nga; với thương lượng bảo tồn vị trí của Thiên hoàng. Hòa bình sẽ đến, cai trị của Hoa Kỳ rồi sẽ qua và Hoàng gia Nhật tiếp tục trị vì.

Chính đây mới là luận điểm then chốt, khiến Thiên hoàng yêu cầu thần dân “Chấp nhận điều không thể chấp nhận”. Quyết định đầu hàng của Hiro-Hito – áp đặt lên Phái Chủ chiến – mang ý nghĩa: bằng mọi giá, giữ ngai vàng cho dòng dõi của Minh Trị Mutsuhito và tránh cho Nhật Bản thảm họa Cộng sản.

Thời điểm đó, Hiro-Hito đã nhìn thấy tình cảnh Ðức bị chia đôi, nhìn thấy kết cuộc thảm thương của các quân vương Âu Châu sau khi cộng sản ‘giải phóng’ Nga và Ðông Âu, vừa nhìn thấy số phận bi ai của Hoàng đế Phổ Nghi trên đất Mãn Châu.

Cuộc đầu hàng diễn ra chóng vánh. Ngày 15 tháng 8 Thiên hoàng đọc lời hiệu triệu quốc dân Gyokuon-hoso và thông báo chấp nhận các điều kiện của Hội nghị Postdam. Ngày 17, Thiên hoàng xuống chiếu bằng đạo dụ bắt toàn thể binh sĩ phải buông súng. Ngày 28 bộ chỉ huy SCAP (Supreme Commander of the Allied Powers) của Thống tướng McArthur đến Ðông Kinh, quân Mỹ đặt chân lên đất Nhật. Ngày 2 tháng 9, ký kết văn kiện trên thiết giáp hạm Missouri. Tất cả vỏn vẹn trong hai tuần lễ, Nga-sô không kịp trở tay. Gần như chính Nhật Bản đã mời Hoa Kỳ phải cấp kỳ chiếm đóng. Các Samurai đành rạch bụng để đền nợ nước.

Thống tướng McArthur và Thiên hoàng Chiêu Hòa Hiro-Hito ngày 27-9-1945

3. Giải pháp bom nguyên tử ban đầu nhằm tránh tác chiến trên đất Nhật?

Các sử gia phương Tây hôm nay hầu hết đều đồng ý là Nhật đã đầu hàng vì khai chiến của Stalin ở Mãn Châu và bom nguyên tử không nhằm thay thế việc Mỹ phải đổ quân lên chính quốc Nhật, như đã làm ở Normandy. Tháng 2-1945 tại Hội nghị Yalta phân chia thế giới, Franklin Roosevelt dù trước đó được Tư lệnh Không quân Hoa Kỳ là tướng Henry Harley Arnold thông báo việc thành lập Không đoàn Oanh tạc nặng 509th Bomb Wind trang bị pháo đài bay B-29 cho mục đích ném bom nguyên tử, vẫn không tin vào hiệu năng và việc Nhật sẽ đầu hàng vì một trái bom. Chính vì vậy Roosevelt thuận giao Ðông Âu cho Stalin đổi lấy việc Nga sẽ xé Hiệp ước Bất Tương Xâm ký với Nhật và khai chiến ở Bắc-Á. Roosevelt tạ thế và kế nhiệm là Harry Truman, tại Hội nghị Postdam tháng 7-1945 vẫn không tin bom nguyên tử sẽ khiến Nhật đầu hàng. Truman tiếp tục thúc giục Stalin mở mặt trận ở Mãn Châu.

Xem thêm:   Quy tắc thiết kế

Cả hai Tổng thống thứ 32 và 33 của Hiệp Chủng Quốc đều không tin bom nguyên tử sẽ giúp kết thúc chiến tranh, nên Ngũ Giác Ðài lên kế hoạch đổ bộ lên đất Nhật vào mùa xuân 1946. Theo kế hoạch, vẫn đánh bom nguyên tử trước khi đổ bộ, theo đúng học thuyết của Grant là mỗi bước chân của người lính bộ binh phải được khai quang bằng chất nổ. Bom nguyên tử giúp đẩy đến mức tột cùng của học thuyết này. Hoa Kỳ thông báo với Nga, và Stalin cùng lên kế hoạch: Sau thôn tính Cao Ly, Hồng quân Sô-Viết sẽ đổ bộ lên đảo Cửu Châu (Kyushu) vào tháng 3-1946.

Quyết định đầu hàng tức thì của Thiên hoàng Chiêu Hòa làm thay đổi cục diện.

Cho đến nay, việc Truman ra lệnh ném bom nguyên tử vẫn còn nhiều diễn dịch: 1- Nhằm dằn mặt Nga đừng quá tham vọng. 2- Thông báo với nhân loại, đặc biệt Á Châu, từ nay trong trật tự Hoa Kỳ. 3- Trả thù Trân Châu Cảng và trừng trị giặc Nhật. 4- Xác quyết sức mạnh bá chủ của Hoa Kỳ. 5- Ép Nhật đầu hàng.

Trong 5 diễn dịch trên, diễn dịch thứ 3 và 5 đã bị loại bỏ.

4. Hỏa tiễn nguyên tử “chiến thuật” của Putin?

Trong cẩm nang Mao Trạch Ðông Ngữ Lục, Mao chủ tịch đánh giá vũ khí nguyên tử: “Bom nguyên tử là con hổ giấy mà bọn phản động Hoa Kỳ dùng hù dọa thế giới. Trông vẻ khủng khiếp nhưng không phải vậy, vì kết quả một cuộc chiến do chính nhân dân quyết định chứ không phải một hay hai loại vũ khí mới.”

(La bombe atomique est un tigre en papier dont les réactionnaires américains se servent pour effrayer les gens. Elle a l’air terrible mais elle ne l’est pas: c’est le peuple qui décide de l’issue d’une guerre, et non une ou deux armes nouvelles./ Mao, Le Petit Livre, 1964).

Áp giáng sinh, đài truyền hình LCI đặt câu hỏi: Với hỏa tiễn nguyên tử ‘chiến thuật’, tức một loại bom nguyên tử ‘bỏ túi’ tầm sát thương và hủy diệt giới hạn, liệu Putin sẽ chiến thắng?

Pierre Servent, giảng sư trường Cao đẳng Quốc phòng và nguyên giám đốc hội thảo tại Học viện Quân sự Pháp, chừng như đồng tình với Mao, đáp:

“Câu hỏi phải là cần bao nhiêu bom nguyên tử ‘bỏ túi’ để đánh gục Ukraine? Với một diện tích rộng hơn nước Pháp và dân số 40 triệu thì không phải một, hai hay vài trái hỏa tiễn nguyên tử ‘chiến thuật’ có thể tàn sát hết dân Ukraine và tiêu diệt sạch quân đội của Kiev. Sẽ là thảm sát nhưng dân Ukraine sẽ không đầu hàng một khi vẫn còn trợ giúp từ phương Tây. Với các nạn nhân, có khác gì giữa cái chết vì bom thường và bom nguyên tử? Chiến tranh đã đến tình trạng ‘mắt đổi mắt, răng đổi răng’…

Mặt khác, Nga sở hữu 5,977 đầu nguyên tử, 13 tàu ngầm nguyên tử, với một ngân quỹ quốc phòng là 57 tỷ Mỹ kim cho 900,000 binh sĩ và mọi thứ. Pháp sở hữu 280 đầu nguyên tử, 4 tàu ngầm nguyên tử, với một ngân quỹ quốc phòng là 48 tỷ Mỹ kim cho 270,000 binh sĩ và mọi thứ. Không cách biệt nhiều ở mặt ngân sách, thì như vậy làm sao Nga bảo trì các dàn phóng hỏa tiễn nguyên tử đi kèm với radar, vệ tinh, phòng thủ “đối không” là những công nghệ rất đắt tiền đòi hỏi chuyên viên kỹ thuật cao cấp, ở số lượng gấp 20 lần? Rất có thể là 2/3 nguyên tử của Nga đang trong tình trạng không chắc hoạt động mỹ mãn…”

Vậy thì gì? Vẫn là học thuyết của Grant: Mỗi bước chân của người lính bộ binh phải được khai quang bằng chất nổ. Sau nổ, cần bộ binh. Mà bộ binh là chất liệu thô chưa tinh xảo của quân Nga lúc này./.

Putin đo màn cửa (Putin measures the drapes), minh họa The New Yorker

TV (Tất niên 2022)

Thư mục sách:

Constance Sereni, Le Bombardement d’Hiroshima a été de loin le plus meurtrier que le Japon ait jamais connu, Les Mythes de la Seconde Guerre Mondiale, volume 2, trang 345, Perrin 2017.

Churchill, Andrew Roberts, Perrin, 2020.

Le Japon a capitulé en raison d’Hiroshima, Bruno Birolli, Les Mythes de la Seconde Guerre Mondiale, volume 1, Perrin, 2015.

Hirohito and The Making of Modern Japan, New York, Perennial, 2001.

The Soviet Strategic Offensive in Manchuria 1945, New York, Routledge, 2003.

La Guerre du Pacifique 1941-1945, Nicolas Bernard, Tallandier, 2016.

Flames over Tokyo : The US Army Air Force, Incendiary Campaign against Japan, 1944-1945, Bartlett Kerr,

New York, Fine, 1991.

Les Japonais et La Guerre: 1937-1952, Paris, Fayard, 2013.