Ở đâu mà ông sư có cái ý nghĩ ngộ như vậy. Tôi thấy vui vui nên cãi:

– Nhưng ai nói là dã tràng không thích bị trói buộc vào chuyện se cát? Biết đâu chúng thấy sung sướng trong công việc đó, thấy hạnh phúc thì sao?

Thầy Nghiêm gật gù:

– Có thể… có thể… nhưng chắc chúng thấy lầm bởi xây hạnh phúc bằng cát thì khó bền vững lắm…

– Nếu không có sự phá phách của sóng biển… -tôi nói- với lại đó là do thiên nhiên sắp xếp như vậy mà. Lúc nãy không phải chính thầy đã nói rằng con dã tràng là một phần của biển, không thể thiếu được… thì coi như nó được tạo ra để dính liền với bãi cát để được trói buộc vào công việc se cát không thể đổi khác hơn được. Thật ra nên nói là sóng biển uổng công chứ không phải tụi dã tràng uổng công thì mới đúng…

Thầy Nghiêm bất ngờ:

– Như vậy chắc An thích sự trói buộc, lệ thuộc lắm?

Tôi bối rối:

– Nếu trói buộc lệ thuộc vào những điều vui, vào… hạnh phúc…

– Với An thì thế nào là vui là hạnh phúc?

Tôi lắc đầu:

– Em không biết… Khó nói cho đúng lắm.

Minh họa: minh tinh Tao Okamoto

Lúc đó tôi và thầy bắt đầu đi vô mấy đụn cát về phía mấy cây phi lao. Thầy Nghiêm đỡ cái nón kết đầy vỏ ốc cho tôi và yên lặng không nói nữa. Tôi thì nhớ tới một lần bị thằng Trung hạch sách chuyện gì đó và đã nổi nóng điểm mặt nó: “Con trai mà tỉ mỉ thắc mắc từng chút một… Vô phước cho con nào gặp you, làm vợ you chắc kiếp trước cũng thiếu nợ hay lỡ ăn cắp của chùa còn đánh thầy chùa nữa…” Lúc đó thằng Trung cười khẩy: “Ừ cũng có thể là con nhỏ đó vô phước, không có hạnh phúc khi gặp tui, nhưng còn chị thì sao? Gặp cha Phong chị có chắc là có phước, có được hạnh phúc không? Ngay bây giờ nè chứ đừng nói tới tương lai khi thành chồng thành vợ?” Tôi quát: “Sao you biết là ta không có hạnh phúc chớ?” Trung ngó tôi: “Như vậy những lời tâm sự của chị đều là những tâm sự hạnh phúc đó phải không?”. Chứ không phải sao? Tôi ngơ ngác với chính mình tới đỗi hụt bước trên cát suýt té.

Thầy Nghiêm giựt mình đưa tay đỡ làm rớt cái cát-kết rớt mấy vỏ ốc, mấy con sao biển ra đầy cát. Thầy lo lắng:

– An sao vậy? Có gì không vậy?

Tôi mắc cỡ làm bộ ngồi luôn xuống lượm cái nón và mấy cái vỏ ốc vỏ sò, nói láo:

– Em… em đạp trúng chỗ cát hơi nóng nên giựt mình bước lui rồi mất đà.

Thầy Nghiêm cũng ngồi xuống lượm cho tôi xong đứng lên che mắt ngó mặt trời -đang nóng hực- rồi ngó tôi. Thầy nói:

– Nắng quá nắng… Thôi trở về chỗ trại đi An!

Tôi phủi tay, thở ra:

– Dù gì cũng đã đi hơn nửa đường rồi không lẽ bỏ… Biết đâu tới đó sẽ mát. Có mấy bóng cây mà…

Thầy Nghiêm nhăn mày:

– Nhưng coi bộ An đã mệt, không khéo bị trúng nắng thì mệt lắm. Coi kìa mồ hôi ra đẫm hết… Tôi thiệt là bậy bạ khi không lại rủ An đi tới đây làm chi.

Tôi lắc đầu:

– Em rủ chứ đâu phải thầy. Mà có gì đâu thầy ngại. Em có bị gì đâu.

Thầy Nghiêm chắc lưỡi:

– Tôi sợ An bị cảm nặng. Bậy quá, cái khăn lại bỏ dưới bãi… hay là… -thầy ngần ngừ rồi cởi áo đưa cho tôi- …An lấy cái áo khoác cho đỡ nắng, cho khỏi bị phỏng da. Chai dầu chống nắng tôi cũng bỏ quên ở lều.

Xem thêm:   Người tháp chữ A vào tên PARIS

Coi bộ thầy Nghiêm nói đúng, tôi sắp cảm nắng hay sao mà tự nhiên hai bên thái dương máu chạy rần rần, nhịp tim đập mạnh làm thấy khó thở. Muốn đưa tay lấy cái áo mà cũng khó khăn, nói thì giọng nghe như hụt hơi:

– Em… em…

Rồi ngó trân cái sơ mi màu lam nhạt nhưng thẫm ở khoảng lưng và hai bên nách vì bị ướt mồ hôi. Thầy Nghiêm bước tới choàng lên vai tôi nói:

– Ðừng ngại, tôi quen phơi nắng rồi nên chút nắng nơi đây cũng không thấm tháp không hạ được tôi đâu…

Giọng thầy hình như có vẻ hơi khác từ nãy giờ. Không hiểu sao tôi lại không để cái áo khoác vai mà mặc luôn vào. Vừa gài hột nút trên cùng tôi vừa rùng mình nhẹ và thấy rõ da thịt nổi gai. Mắt thầy Nghiêm chợt sáng lên, giọng thầy thì ấm lại:

– Giờ trở về trại nghe An?

Tôi cũng không lấy hơi nổi, giọng thấp chủn:

– Về làm chi… em muốn đi…tiếp.

Tới chỗ hàng cây -giống như loại cây dương- lại còn một dốc cát nữa. Thầy Nghiêm làm bộ lấy đà chạy luôn và tôi cũng bắt chước. Cát nóng hổi như muốn kéo sâu chân, bắt kịp thầy Nghiêm tôi té sấp ngay dưới chân thầy và bật cười lớn. Thầy Nghiêm cũng cười quỳ xuống đỡ tôi đứng lên phủi cát dính đầy ở tay và gối. Tim tôi càng đập mạnh hơn, đầu óc thì bừng bừng -có phải vì chạy và cười nhiều?- phải trở xuống ngồi dựa lưng vô một gốc cây để thở. Thầy Nghiêm đứng nguyên trên dốc cát lấy tay che mắt ngó quanh quất. “Xa phía trong là freeway -thầy nói- ngoài ra cũng chỉ có cát và đá…” Từ chỗ tôi ngồi nhìn lên thấy cả người thầy in trên nền trời xanh hút không một quệt mây nào, ngó hay hay. Tưởng tượng thay cái quần jeans bằng một cái quần lụa bó chẽn ống thắt thêm sợi thắt lưng cũng bằng lụa thả bên hông, thầy Nghiêm đúng là một nhân vật trong mấy phim quyền cước Tàu. Một lần ở sân chơi basketball, thằng Trung vỗ vai thầy nịnh:

– Thiền sư mà bỏ chùa qua Hồng Kông thế nào cũng lọt vô mắt xanh mấy cha làm phim, thế nào cũng thành tài tử bự… Ngó thầy không ăn đứt cái thằng tài tử mặt đần đóng vai Quách Tỉnh hay cái thằng mặt lươn đóng Sở Lưu Hương hay sao?

Mộc Lan lúc đó đứng với tôi và Tâm, nghe vậy liền nguýt Trung một cái dài cả trăm thước. Thần tượng bị đụng chạm nên nó nổi giận. Nó vốn mê mấy tay tài tử cá-kèo của mấy bộ phim truyền hình của Tàu như mê… kép. Mê tới độ hễ xuống Santa Ana là chun vô ngay mấy nhà sách, mấy tiệm cho mướn phim có bán hình mấy nhân vật này để mua đem về dán đầy một album và bỏ trong cặp để trong sắc tay nữa. Nó có thể thức tới hai ba giờ sáng để theo dõi mấy cái tuồng đầu voi đít chuột kéo dài lê thê đó mỗi weekend mà không thấy ngán, không biết mệt. Tôi với con Tâm xỉ vả gần rách miệng nhưng Mộc Lan vẫn trơ trơ. Thằng Trung nói:

– Không mê thì để người ta mê chứ sao lại đả kích. Bà Tâm ghét phim bộ thì tui không biết tại sao chứ còn chị, chị An, tui biết chỉ vì ông Phong ghét nên chị… phải ghét theo luôn…

Thằng quỷ nhỏ không bao giờ muốn để cho tôi và Phong được yên thân. Tôi hỏi nó bộ kiếp trước anh Phong đoạt người yêu của you hay sao mà kiếp này you theo “trù” ảnh kỹ dữ vậy. Trung nhếch miệng: “Cũng dám lắm đó… Còn chị, có khi nào chị thắc mắc xem kiếp trước chị có nợ nần gì ông Phong hay không?”. Tại sao nó nói tôi mắc nợ Phong? Tôi đã như thế nào với anh để cho thằng mắc dịch nói nặng miệng như vậy? Tôi than với Tâm, con nhỏ lắc đầu: “Nó nói có hơi quá trớn… nhưng thây kệ hơi đâu mà để ý cái thằng miệng đàn bà đó”. Con nhỏ này an ủi một câu làm tôi còn thót bụng thêm. Chứng tỏ những người khác cũng thấy chứ không chỉ riêng thằng Trung. Chẳng qua họ lịch sự không nói ngay vô mặt tôi như nó thôi. Nhưng chắc gì không có tiếng xì xào ở phía sau. Tôi thắc mắc lo ngại lời thiên hạ nên cứ nghe ngóng dáo dác xem người ta nói gì về mình về chuyện tôi với Phong. Rồi tôi đâm mệt, đâm quạu, đâm ra giận Phong và giận luôn mình.

Xem thêm:   Cấu tạo của Chùa Ba Vàng

Nhưng tôi thấy giận Phong nhiều hơn. Tại sao Phong lại bỏ đi San Jose -làm như cả cái thành phố lớn này không thể có việc làm đúng nghề của anh-.Tại sao Phong không chịu về thường xuyên với tôi -để bao lần picnic, bao nhiêu lần tiệc tùng, party tôi lủi thủi tham dự một mình phải nghe mọi người ngạc nhiên… ủa Phong đâu… Phong đâu… tới muốn nhừ hai lỗ tai. Tại sao những lá thư gởi về không làm cho tôi thấy vui mà còn ngược lại -để phải tâm sự lung tung cho thằng nhỏ Trung biết được hết gan ruột của mình. Tại sao…tại sao… Trời, tưởng tượng những câu hỏi của tôi đem đặt thẳng với Phong, anh có thức tàn mấy mươi đêm cũng không sao trả lời cho hết được. Nhưng nói thì nói, tưởng tượng thì cứ tưởng chứ tôi biết Phong chẳng cần một buổi -nói chi tới tàn đêm- bởi anh đã có sẵn câu giải đáp -một câu duy nhứt:

– Chẳng qua anh muốn chuẩn bị mọi thứ tốt lành cho tương lai tụi mình!

Chuẩn bị kỹ lắm đến độ Phong chọn luôn nghề cho tôi. Ðến độ anh chúi mũi lún đầu trong công việc để ngày đêm kiếm tiền. Ðến độ thư về chẳng được mấy câu bày tỏ tình cảm mà chỉ rặt những sắp đặt, những chỉ định kiểu “…Khóa hè An ráng lấy cho xong lớp Programming Languages và lớp Psychology để rảnh rang một chút cho khóa Thu… Chịu khó học luôn hai section chứ ở nhà cũng đâu có làm gì…”. Quà gởi về phần lớn là mấy cuốn sách đọc thêm để mở mang về ngành học, hoặc những cuốn để chuẩn bị làm vợ làm… mẹ… Hiếm hoi mới có một cái áo hay một chai dầu thơm, một hộp kẹo…

Vậy mà dễ giận cho tôi, lúc nào tôi cũng nghĩ tới Phong. Cũng ngoan ngoãn nghe theo Phong. Ngoan ngoãn để cho anh lái và để cho anh xâm lấn ảnh hưởng.

Nhưng… -tôi bỗng thắc mắc- …tại sao mãi tới bây giờ, trên đụn cát này, tôi mới thấy hờn Phong, mới chịu giận mình. Không phải là tôi đã nhận được, đã thấy ra những điều này từ lâu rồi hay sao?

Lúc đó thầy Nghiêm trở xuống tới ngồi đối diện tôi trong thế ngồi của mấy ninja trong các phim kiếm hiệp Nhựt Bổn. Tôi hơi vui khi nghĩ cớ gì mà cứ đem ví thầy với các tay giang hồ kiếm khách không vậy. Thầy hỏi đã bớt mệt chưa? Tôi gật đầu rồi cúi xuống vẽ lăng nhăng trên cát để khỏi phải nhìn những sợi lông đen bết mồ hôi nằm ép sát giữa khoảng hai bắp thịt ngực và sáu múi thịt ngó thật săn nơi vùng bụng đang phập phồng vì hơi thở, của thầy. Hình như tôi vẫn chưa hết mệt, vẫn còn say …nắng vì tim vẫn còn đập theo nhịp dồn, máu vẫn còn chạy lên đầu bằng nước rút và nơi sống lưng vẫn còn những luồng cảm giác ớn lạnh kéo qua khiến da thịt cứ nổi gai từng chặp.

Xem thêm:   Miệng Nhà Quan ngày 29 tháng 2 năm 2024

Thầy Nghiêm hỏi gì đó nhưng tôi không đáp và thầy lặp lại rồi kêu lớn An! Tôi giựt mình ngước lên nhìn thấy thầy đang cười. Trời ơi -tôi bỗng nghĩ- nếu được vuốt tay lên khoảng ngực và bụng của thầy như đã được vuốt Phong -Ngực và bụng Phong mềm vì hơi có nhiều mỡ-. Ý nghĩ dễ sợ và sự liên tưởng tới Phong làm tôi giựt mình hoảng hồn đứng bật lên dựa sát thân cây hổn hển:

– …Thôi về… phải đi về… không thôi… họ sẽ kiếm… ra…

Thầy Nghiêm ngơ ngác trước vẻ hoảng sợ của tôi, đứng lên theo:

– …Họ kiếm ra… An làm sao vậy?

Tôi bỗng trào nước mắt, vừa cố nuốt vừa ráng cười thành ra vừa cười vừa khóc nói:

– …Em…sợ…à sợ…họ đi kiếm. Em muốn về. Ðể em gởi lại thầy cái áo…cho thầy mặc vô…em…

Và tôi lính quýnh mở hoài không ra hột nút. Thầy Nghiêm bước sát tới, nắm tay tôi:

– Cái gì vậy… An…An…tôi đâu cần cái á…

Nhưng nói không trọn câu bởi mặt tôi đã dụi mạnh vào ngực thầy, hai tay tôi -có lẽ mất phản ứng nên thầy buông rơi ra- đã bám chặt lưng thầy.

Thầy Nghiêm đứng như thành đá nhưng rõ ràng cả người thầy cảm xúc đang mọc gai. Và chậm rãi hai tay thầy ôm choàng lưng tôi, bên trong cái áo sơ-mi. Tôi vẫn mê man dụi mặt mình trên khắp ngực thầy, trên khoảng da nóng hổi ướt mồ hôi đầy những chấm gai cảm giác. Má, mũi, môi tôi vùi trên những sợi lông đen mướt trên hai bắp thịt chắc nịch và hai đầu vú nâu nâu se cứng. Nước mắt tôi tiếp tục trào ra nhưng tôi biết mình đang cười.

Hai tay thầy Nghiêm vẫn yên trong vị trí nơi lưng tôi nhưng bấu chặt.

Mặt trời từ từ dịu sức nóng và nắng cũng bắt đầu lợt dần.

Hai người – tôi và thầy Nghiêm – trở lại chỗ mấy gộp đá để lấy cái khăn và đôi dép. Nước lên nhưng chỉ có sóng nhẹ nên cả hai thứ đều không bị cuốn trôi, đang nổi phập phều. Thằng Trung chạy tới khi thấy tôi với thầy, nó hơi sựng vì nhận ra tôi đang mặc cái áo sơ-mi  màu lam, tay cầm cái kết đựng đầy vỏ ốc và sao biển. Nó ngó tôi trợn mắt chu mỏ:

– …Chị An… chị đi đâu mà mất tăm mất dạng… Ông Phong, có ông Phong tới đợi chị từ sáng tới giờ. Ổng sợ chị bị chết chìm, bị mất tích nên đòi kêu cảnh sát… đòi gọi cứu cấp đi tìm xác chị… Ổng tuyên bố mặt trời lặn mà không thấy chị về sẽ phone cho cảnh sát liền. Chị đi đâu vậy? Bộ chị bị sóng cuốn phải không chị An?

Tôi gật đầu:

– Ừ, nhưng không phải bị mà được…

Trung quan trọng:

– Giờ ông Phong đang đợi chị ở lều… Chị nói sao với ổng đây…

Rồi nó cười cười quan sát phản ứng của tôi. Thằng quỷ nhỏ này có thể nói láo mà cũng có thể nói thiệt. Nhưng tôi dửng dưng./.

CBM

(*) Trần Vũ đánh máy lại tháng 1-2022 từ báo Độc Lập số tháng 10-1988