PHỎNG VẤN HOÀNG KHỞI PHONG
Nguyễn Mạnh Trinh thực hiện
Trong hai thập niên 80 và 90, Hoàng Khởi Phong là một trong những gương mặt của Văn học Hải ngoại. Tên ông gắn liền với hồi ký Ngày N+ mà ấn bản đầu tiên mang tựa Ngẩng Mặt Nhìn Trăng Sáng, ghi chép cuộc triệt thoái Cao Nguyên thảm khốc trên Liên Tỉnh lộ 7.
Cá nhân tôi thích tựa Ngẩng Mặt Nhìn Trăng Sáng hơn. Ngày N+ mang dáng dấp D-Day của phim The Longest Day.
Cá nhân tôi cũng “ưa” Hoàng Khởi Phong giai đoạn làm Trưởng ban Giám thị trông coi tù binh Bắc-Việt xâm nhập bị bắt trong Nam rồi giam tại Phú Quốc. Thời kỳ đó, Hoàng Khởi Phong sống trên “lầu ông Hoàng”, một căn gác gỗ cheo veo trên một đỉnh đồi có thể ở Hàm Ninh hay Dương Đông, vừa kỷ luật tù binh vừa làm thơ phản chiến.
Vì sao mang cấp bậc đại úy Quân Cảnh hết sức tin vào chính nghĩa của miền Nam mà Hoàng Khởi Phong lại làm thơ phản chiến khi cá nhân ông trực tiếp thẩm vấn hàng binh Bắc-Việt và nhận chân họ bị nhồi sọ? Vì quân lực Nam-Việt đầy khiếm khuyết? Vì cuộc chiến vô vọng không thể thắng được?
Phỏng vấn của Nguyễn Mạnh Trinh thực hiện vào năm 1989, cách đây ba thập niên, cho thấy những suy nghĩ của Hoàng Khởi Phong đã từng làm trưởng đồn Quân Cảnh Pleiku, trưởng đồn Quân Cảnh Quy Nhơn, đã hai bận phải “triệt thoái” theo lệnh của bộ Tổng Tham Mưu bỏ Cao Nguyên rồi Nha Trang-Cam Ranh-Bình Định-Tuy Hòa… Phẫn uất nào hơn nữa với một sĩ quan Quân Cảnh là người giữ quân pháp?
Vài tháng nữa phía Cộng sản sẽ rầm rộ Đại Thắng Mùa Xuân và phía Quốc gia sẽ lại đăng lại những hồi ký kiêu hùng của những chiến thắng An-Lộc-Quảng Trị-Xuân Lộc… Sau nửa thế kỷ, cần nhìn lại mọi góc độ của bại trận.
[Trần Vũ]
2 KỲ – kỳ 1
Hoàng Khởi Phong tên thật Nguyễn Vinh Hiển, sinh năm 1943 tại Hải Dương; cựu học sinh trung học Chu Văn An Sài Gòn 1961; cựu sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hoà 1963-1975; nguyên trưởng ban giám thị trông coi tù binh Bắc-Việt tại trại giam Phú Quốc, rồi trưởng đồn Quân Cảnh Pleiku. Chức vụ sau cùng: trưởng đồn Quân Cảnh Quy Nhơn.
Tác phẩm: Mặt trời lên (thơ, 1967), Phục hồi quyền chức làm người (thơ, 1970), Trong hoàn cảnh khác (tập truyện, 1973), Ngẩng mặt nhìn trăng sáng (ký sự, viết chung với Hoàng Chính Nghĩa, 1977), Ngày N+ (hồi ký, 1988), Thư không người nhận (tập truyện, 1991), Người trăm năm cũ (trường thiên tiểu thuyết, tập I, 1993), Cây tùng trước bão (ký sự, 1994), Những con chuột thời thơ ấu (tập truyện, 1995), Viết lên trời xanh (truyện dài, 1996), Quán ven sông (tập truyện, 2001), Người trăm năm cũ (trường thiên tiểu thuyết, tập II, 2002)
Nguyễn Mạnh Trinh: Đối với chiến tranh Việt Nam, qua nhiều thời điểm từ 1970 cho tới nay 1989, hình như ở nơi anh có sự thay đổi cảm xúc cũng như suy nghĩ?
Hoàng Khởi Phong: Khi tôi còn trẻ đi lính xa nhà, tuy buồn nhưng tôi không thể nào ngửi nổi những bản nhạc kiểu tâm lý chiến rẻ tiền như: «Anh là lính đa tình», «Kẻ ở miền xa», «Tiền lính tính liền», «Ðám cưới nhà binh» … Nhưng binh sĩ của tôi thì khác, họ hát ỏm tỏi mỗi bài hát suốt một hai tháng. Tôi rất ghét những anh thợ hát trốn lính, khi đi hát thì lại hay mặc đồ dù, đồ bông, đồ bay, đồ… lặn. Cho tới một hôm cách đây 10 năm, tôi ngơ ngẩn trong một khu thương mại của người Việt trên đất Mỹ, trong một dịp đi hội chợ Tết. Cũng vẫn những anh thợ hát đó, vẫn đồ dù, đồ bông, đồ bay, đồ … lặn đó, vẫn «Kẻ ở miền xa» (bây giờ thì xa tuốt mù khơi), vẫn những lời hát ngô nghê, ngớ ngẩn của nhiều năm trước. Tôi nhìn lại những bộ dạng, nhân dáng đáng ghét đó, tự nhiên quặn đau trong lòng. Cả một trời xa đổ về, cả một thời cũ ùa tới. Tôi thấy thương thân mình, thương cả mấy anh thợ hát, cả những bài hát xưa đã nhiều lần làm tôi lộn tiết.
Nguyễn Mạnh Trinh: Anh có thể kể những đụng chạm với chiến tranh, với chết chóc trong đời sống hậu cứ của anh?
Hoàng Khởi Phong: Trong đời binh nghiệp gần 13 năm, tôi có mặt ở đủ 4 vùng chiến thuật. Tôi làm việc ở 15 tỉnh, một hải đảo. Có nhiều chỗ tôi đổi tới làm việc vài ba lần, như Pleiku năm 65, 70 và 75, Biên Hòa năm 64 và 69, Vũng Tầu 2 dạo… Phần lớn những thuyên chuyển của tôi đều là bị phạt, khi thì vì vô kỷ luật thật, khi thì vì không chịu làm một cái bánh xe trong một guồng máy. Tôi là lính chuyên môn. Nếu kẻ tiểu-ẩn ẩn mình trong thâm sơn cùng cốc, kẻ trung-ẩn náu mình nơi chợ búa phố phường và kẻ đại-ẩn nương mình trong chốn triều đình thì tôi là kẻ… đại trốn lính, chuyên bắt những người khác đi lính. Nếu tôi nói tôi đánh giặc ghê gớm lắm thì các ông Cao Xuân Huy (Thủy Quân Lục Chiến), Phan Nhật Nam, Nguyên Vũ, Khánh Trường (Nhảy Dù), Nguyễn Ý Thuần (Biệt Động Quân) sẽ cười. Nhưng quả thật trước 75, về chuyện giáp mặt kẻ thù thì các ông vừa kể không một ông nào theo kịp tôi. Tôi có tới 6 năm phục vụ trong các trại giam tù binh nên có dịp quan sát người lính của cả hai phía. Quân Ðội Miền Nam thì mỗi lúc mỗi mất đi cái thuần chất chuyên nghiệp và bị chính trị thẩm thấu càng ngày càng đậm. Ngoài ra, tệ trạng bè phái, tham nhũng cũng làm cho nó càng lúc càng giống như một con bệnh bị suy nhược. Còn những kẻ trong hàng rào, họ không phải chỉ ngu ngốc kiểu: «cái nồi ngồi trên cái cốc» hay nói ngọng «nàm nụng, nếu náo, lói mò..» như chúng ta vẫn giễu cợt. Ðằng sau cái đần độn bề ngoài đó, họ là một khối vững chắc, họ là những cái máy người. Gật và lắc do sự ưng thuận hay không của một vài kẻ khác. Họ cũng có những âu lo riêng tư như chúng ta, nhưng phản ứng trước một sự kiện thì đồng bộ. Ðây không phải là sự đoàn kết, mà là sự sợ hãi, muôn người như một. Tôi xót xa cho họ, tôi đau buồn cho những người lính của tôi và cho tôi. Tôi hồi hộp chờ đợi một điều tồi tệ nhưng không bao giờ nghĩ, là điều tồi tệ đó lớn đến độ kinh hoàng như năm 75.
Nguyễn Mạnh Trinh: Anh làm thơ phản chiến hồi đó có phải vì bốc đồng tuổi trẻ? Vì thích chống đối để tỏ ra mình tiến bộ? Hoặc vì nhận thức được vai trò tốt thí trong chiến tranh ủy nhiệm?
Hoàng Khởi Phong: Tôi dứt khoát là người không «hiếu chiến» nhưng cũng không «phản chiến». Ðiều quan trọng là trận chiến và Tôi thèm làm lính của vua … Quang Trung, tôi thèm làm lính của ông … Ðề Thám. Tôi tiếc là mình quá trẻ để không thể làm một chiến sĩ có mặt tại Chapa, đánh trận Sông Lô, hay có mặt trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng. Nói tóm lại đó là những trận chiến chống ngoại xâm (vấn đề Quốc, Cộng là một chuyện khác đến sau). Tôi rất mê thơ Quang Dũng: «…Rải rác biên cương mồ viễn xứ – Chiến trường đi chẳng hẹn ngày xanh … » Vậy thì tôi phản chiến ở chỗ nào? Tôi không phải là một người hùng mũ đỏ mũ xanh nhưng dứt khoát tôi không hèn. Tôi không phải là một sĩ quan gương mẫu nhưng cũng không nhu nhược, nhắm mắt nghe lệnh thượng cấp. Tôi là một người lính, có cơ hội suy nghĩ về mình, về đồng đội, về địch quân. Tôi cố gắng chống trả trong hiện tại, và mơ ước trong tương lai chúng ta có những người chỉ huy đúng nghĩa, có tài có đức. Nếu Miền Nam trụ được thêm 10 năm nữa, tôi nghĩ là chúng ta đã không ngồi tại chỗ đang ngồi ngày hôm nay, lái xe hơi tốt, mặc quần áo đẹp xong rồi cười sằng sặc về vụ «cái nồi ngồi trên cái cốc».
Tôi không thích chữ «phản chiến». Nhạc của Trịnh Công Sơn nói lên niềm tha thiết của con người với hòa bình và cũng nói lên thân phận bèo bọt của con người trong thời chiến. Mà đã là con người thì ở đâu cũng vậy, ai cũng thích một đời sống bình yên, không chết chóc. Nhạc của Trịnh Công Sơn nếu có làm hao hụt tinh thần chiến đấu của Miền Nam như thế nào thì cũng làm hao hụt tinh thần chiến đấu của quân đội Bắc Việt y như vậy. Vấn đề là Miền Nam đã không vận dụng đúng mức cái chất nhạc u uất này, chẳng những thế chúng ta còn đẩy Trịnh Công Sơn mỗi ngày mỗi xa chúng ta, nên tôi không lấy làm lạ khi năm 1975 anh ta «hân hoan ngả về phía những người thắng trận».
Nguyễn Mạnh Trinh: Bây giờ khi cầm bút, anh có nghĩ mình vẫn là người lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà (QLVNCH)?
Hoàng Khởi Phong: Nhà văn, nhiêu đó đủ rồi. Tôi có 13 năm ở lính nên hay viết về đời lính, nhưng không phải vì thế mà bây giờ vẫn tự coi mình là một quân nhân. Tôi là một cựu quân nhân QLVNCH, cái này không có gì lợn cợn. Nhưng giờ này mà vẫn muốn là lính, là cấp tá, cấp tướng, vẫn muốn được gọi bằng cấp bậc cũ thì không thể chấp nhận được. Cái mũ casquette của sĩ quan có một cái khiên, trong cái khiên này, ngay chính giữa là phù hiệu của QLVNCH, bên trên có một hàng chữ: TỔ QUỐC, DANH DỰ, TRÁCH NHIỆM. Ðó là 3 tín niệm một sĩ quan phải đội trên đầu. Khi còn tại chức, anh đội lên đầu mấy chữ đó hay anh ngồi lên mấy chữ đó?
Nguyễn Mạnh Trinh: Viết về những ngày tàn của cuộc chiến Việt Nam, qua Ngẩng Mặt Nhìn Trăng Sáng, Ngày N+.. .. và Cây Tùng Trước Bão, anh có mục đích gì? Vì dằn vặt của ký ức? Hay muốn từ những sự kiện ấy hướng tầm nhìn và dự phóng tương lai dân tộc Việt Nam?
Hoàng Khởi Phong: Mục đích chính của tôi không lớn như anh đặt trong câu hỏi. Nó khiêm tốn hơn, tôi mong cống hiến cho những thế hệ sau một phần nhỏ của SỰ THẬT, những nhà văn khác cống hiến phần của họ. Những thế hệ sau sẽ có cơ hội ráp nối những phần nhỏ SỰ THẬT này, để có một SỰ THẬT tổng hợp của một giai đoạn lịch sử. Họ sẽ thấy những phần nào ÐÚNG, phần nào SAI, họ sẽ có những dữ kiện tốt, để chu toàn bổn phận của họ đối với giai đoạn lịch sử của họ.
Nguyễn Mạnh Trinh: Ngày N+.. có phải là một hồi ký? Như vậy có phần nào hư cấu hiện diện ở trong không? Hay tất cả những chi tiết đều là 100% sự thật?
Hoàng Khởi Phong: Ngày N+.. .. là một cuốn hồi ký, không có gì hư cấu trong đó. Tôi biết trí nhớ của tôi rất tốt, khiêm tốn thì tôi nhớ được 80%, 20% còn lại có thể là sai, nhưng nhớ lộn thì không phải là hư cấu. Trong trường hợp tái bản, tôi sẽ sửa lại vài chi tiết sai về tên người cũng như sự kiện. Hiện nay tôi biết đã lầm 3 chi tiết, trong đó có một chi tiết liên quan đến người em họ tôi là Ðại Úy Ðàm Quang Thức, Nhảy Dù. Anh ta không chết, đi học tập hơn 10 năm và đã về nhà.
Nguyễn Mạnh Trinh: Có người nói trong Ngày N+.. có sự lãng mạn của những bài thơ. Vậy chất thơ ấy có phải là hư cấu? Hay chỉ là cốt lõi ngôn ngữ Hoàng Khởi Phong?
Hoàng Khởi Phong: Cũng chỉ là cảnh mặt trời lặn mà có người thấy thê lương, có người thấy huy hoàng, lại có người chẳng thấy một chút ấn tượng nào. Trong cảnh hỗn loạn cùng cực của một cuộc rút lui, nếu viết lại ngay lúc đó, tôi chắc là sẽ có nhiều hình ảnh khác, sẽ có nhiều súng nổ, đạn bay, người chết như ngả rạ. 10 năm sau, những cái còn lại trong đầu chính là những hình ảnh mạnh mẽ nhất, sắc nét nhất và lắng đọng nhất. Nếu nó lãng mạn như một bài thơ, thì điều đó có nghĩa là ngay cả chiến tranh và cõi chết cũng có chất lãng mạn, chất thơ của nó.
Nguyễn Mạnh Trinh: Từ Ngửng Mặt Nhìn Trăng Sáng cho tới Ngày N+.. anh có sửa đổi thêm thắt gì không? Sự thêm thắt ấy do nhớ lại nhiều chi tiết hơn hay là trộn lẫn thêm những suy tưởng và cả những hư cấu cần thiết?
Hoàng Khởi Phong: Phần đầu của Ngày N+.. .. (Pleiku — Tuy Hòa) gồm 70 trang giữ nguyên từ Ngẩng Mặt Nhìn Trăng Sáng. Phần hai (Quy Nhơn – Phú Quốc) và phần ba (Sài Gòn – Subic Bay) và lá thư gởi cho các em học sinh của Trường Tiểu Học Vườn Hồng được viết sau này. Lý do là khi thực hiện Ngẩng Mặt Nhìn Trăng Sáng, số tiền của nhà xuất bản Bố Cái dành cho cuốn sách đó của Hoàng Chính Nghĩa và tôi chỉ có thể in được bấy nhiêu. Ngày đó in tại nhà in Mỹ đắt gấp ba bây giờ in tại nhà in Việt. Sau này nhà Văn Nghệ muốn tái bản cuốn đó, tôi đề nghị để tôi viết trọn vẹn cuốn sách mà 10 năm trước tôi chỉ in được một phần thật nhỏ.
Nguyễn Mạnh Trinh: Một đoạn trong Ngày N+.. anh viết về những em Thiếu Sinh Quân ở Pleiku, trong ngày di tản, hoặc các em Hướng Đạo Sinh dắt dìu nhau ở Liên Tỉnh Lộ 7B, những đoạn ấy rất cảm động. Từ những trường hợp ấy, anh nghĩ gì đến những đứa trẻ trong đời sống hôm nay? Và liên tưởng nào khác xa hơn những cảnh anh đã chứng kiến?
Hoàng Khởi Phong: Hơn một thế kỷ, các thế hệ trẻ thơ của nước ta đã quen thuộc với chiến tranh từ thời thơ ấu, đến độ nhìn súng đạn như đồ vật quen thuộc trong nhà. Ðến khi khôn lớn, được người ta nhét một khẩu súng vào tay thì không thấy nó là một vật bất tường. Kiểm điểm lại, trong thế kỷ 20 này người Việt tham dự bao nhiêu cuộc chiến tranh? Chống Pháp, chống Mỹ, chống lẫn nhau, rồi đánh Tầu, đánh Cao Miên. Ấy là chưa kể thời gian chống Nhật và một trận đánh ít người nhớ là chống Liên Quân Anh-Ấn khi đoàn quân này vào giải giới từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam. Thử hỏi trong thế kỷ 20 này, có trẻ thơ nước nào như trẻ thơ nước Việt không?
Nguyễn Mạnh Trinh: Nếu có người đề nghị mang lá thư anh gửi cho các em học sinh của Trường Tiểu Học Vườn Hồng lên đầu cuốn Ngày N+.., anh nghĩ thế nào? Có phải đó là một phương cách mở đầu quyển sách với ấn tượng mạnh?
Hoàng Khởi Phong: Lá thư gửi cho các em học sinh của Trường Tiểu Học Vườn Hồng phải ở cuối, bởi cuốn sách không nên đóng lại bằng những đớn đau, ê chề, nhục nhã. Cá nhân tôi bỏ đi không có gì đáng tiếc, nhưng tôi còn một chút hy vọng vào tương lai của xứ sở. Quốc gia chúng ta đã từng bị Bắc Phương đô hộ cả ngàn năm, đã bị Tây Phương cai trị cả trăm năm, mà nước Việt vẫn tồn tại trên bản đồ thế giới.
Chúng ta mới có một cuộc chiến Nam Bắc 20 năm, nhưng chúng ta đã từng có một cuộc tương tranh Trịnh Nguyễn kéo dài tới hai thế kỷ. Lịch sử không bao giờ ngưng lại tại đây.
Ðây chỉ là một giai đoạn lịch sử bất lợi cho miền Nam, cho toàn thể dân tộc. Tôi gửi những hy vọng của tôi qua tập sách này, đến các thế hệ kế tiếp. Tôi hy vọng họ sẽ thấy được những sai lầm của thế hệ chúng ta, ngõ hầu họ có thể tránh được những điều làm phương hại đến vai trò của họ, trong giai đoạn lịch sử sắp tới. Do đó trước khi được ngỏ lời với họ, tôi phải có can đảm đi qua những vũng bùn của chính tôi.
Nguyễn Mạnh Trinh: Những tác phẩm khác của anh như Thư Không Người Nhận, Thư Gửi Người Bạn Cũ, Cháo Lú … có thể sắp vào loại nào? Tạp ghi? Tùy bút? Nghị luận chính trị pha lẫn với văn chương?
Hoàng Khởi Phong: Cả loạt bài anh đề cập đến có nhiều chất chính trị, nhưng điều quan trọng không phải là xếp nó và loại nào, mà là tôi làm bật được cái gì trong đó. Theo tôi một nhà văn không nhất thiết phải có hành vi chính trị, nhưng trong thời điểm của chúng ta, nhà văn phải có ý thức về chính trị. Ðây cũng chính là điểm mà anh Nguyễn Mộng Giác đôi lần tỏ ý băn khoăn về tôi, bởi vì đối với phần lớn các nhà văn, chữ «chính trị» bao hàm những ý nghĩa không mấy tốt đẹp.
Nguyễn Mạnh Trinh: Đối tượng của anh khi viết những bài văn trên là ai? Có phải là sẽ đi xa hơn là những tâm sự với những người thân, với Trần Hữu Lục, Vị Ý…
Hoàng Khởi Phong: Thời điểm chúng ta đang sống là một thời điểm thật lạ lùng và phức tạp. Chúng ta có thể bị quất ngã bởi một nghìn thứ. Trước tiên hết là hai phe Quốc và Cộng, phe nào cũng có thể đốn con người quỵ xuống như đốn một cây chuối. Xã hội miền Bắc có những khó khăn của họ, và xã hội trong Nam có những khó khăn khác.
Thư gửi một người bạn văn có thể là những suy nghĩ giữa Trần Hữu Lục và tôi, có thể giữa anh và một nhà văn nào đó còn ở lại quê nhà, có thể giữa bất kỳ một nhà văn nào ở đây với một nhà văn phía bên kia. Nếu chúng ta nhìn rõ mình đang ở đâu trong cơn biến động này, và giới hạn những hoạt động của mình trong những gì mình có thể làm tốt, như thế là chúng ta đã tiến được một bước về phía hành trình tìm lại chính mình.
Chiến tranh thì quá lớn, trong góc nhìn hạn hẹp của mỗi nhà văn, nếu còn để những thiên kiến, đố kỵ, hẹp hòi, thiển cận.. .. chi phối thì viết làm chi. Chúng ta là nhà văn, nhà văn Việt Nam ít người giầu có. Nhà văn chỉ có mỗi một tấm lòng, do đó tôi muốn mở toang nó ra và không ngần ngại đem chính mình ra làm một ví dụ. Xấu hay tốt cũng tùy vào các sự kiện, và bởi cách nhìn của những tấm lòng khác.
(còn tiếp 1 kỳ)