Nguyễn Mạnh Tuân phóng tác

Chiếc xe đò đang ngon trớn bỗng giở chứng. Tiếng máy nổ giòn cứ nhỏ dần rồi tắt hẳn; bốn bánh nhích thêm được chừng vài chục thước rồi nằm ì ra đó. Tha hồ cho tài xế và hai chú lơ loay hoay sửa tới hàng giờ, nó vẫn không buồn nhúc nhích.

Hành khách chừng hơn chục người sốt ruột, kéo nhau xuống xe cho dãn gân cốt. Có tiếng thở dài:

– Xe chết ngay giữa rừng thế này mới ác chớ!

Lúc ấy tôi mới chú ý tới phong cảnh bên ngoài, thì ra chiếc xe dừng bánh ngay trên đỉnh đèo, sát ven rừng. Kể ra cũng chẳng có gì đáng ngại, vì đó là khu rừng thưa. Mãi tít phía trong mới là cánh rừng già, trùng điệp của dãy Trường Sơn.

Có điều ai cũng có cảm tưởng lạc lõng giữa rừng, vì trên sườn núi, dưới chân đèo, bên phải, bên trái chỗ nào cũng san sát tàn lá xanh um của cây rừng. Thỉnh thoảng, trong đám cây thấp, vươn lên vài thân lim trắng nhạt. Trên ngọn cây đàn khỉ chuyền nhanh, kêu khọt khẹt.

Một người reo lên:

– Vớ được chú khỉ choai kia nướng chả ăn thì tuyệt!

Tôi cười thầm:

– Bắn nó còn chưa chắc ăn nữa là bắt… Giống khỉ là khôn nhất đời!

Chẳng ai bảo ai, chúng tôi ngồi cả xuống tảng đá bên đường ngắm đàn khỉ nô giỡn. Người tài xế vừa tháo xong vài bộ phận trong xe, cũng ghé lại:

– Khỉ hả?… Muốn nghe chuyện khỉ phải hỏi ông Ba Lâm đây này… Chúa rừng xanh đấy!

Vừa nói bác ta vừa chỉ một người đứng tuổi, đang nhồi thuốc vào chiếc tẩu bằng thứ gỗ gì đen như mun, có vân nổi tuyệt đẹp.

– Phải không ông Ba?

Ông ta cười dễ dãi:

– Thứ khỉ này bắt dễ ợt… Cho uống rượu say rồi chỉ việc lượm… Thứ khó là khỉ đột kia!

Mọi người xúm vào:

– Ông Ba săn khỉ đột rồi hả… Kể nghe cho vui đi. Xe sửa còn lâu mà!

Ông Ba không để phải năn nỉ, gật gù chiếc đầu tóc hoa râm, rít thêm vài hơi thuốc rồi bắt đầu thuật chuyện…

… “Ðời tôi trôi nổi nhiều, nên học được lắm nghề, trong đó có nghề săn thú. Ngày đó, tôi theo ông Tây Phu sang tận Phi Châu. Ông ta săn đủ thứ, không phải để lấy thịt mà để cung cấp thú rừng cho vườn bách thảo các nước; từ sư tử, hổ báo, cho tới hươu nai, khỉ đột, chẳng thiếu con gì.

Loại khỉ nhỏ, khỉ xanh, khỉ đỏ, khỉ ngựa, khỉ chó… chúng tôi bắt thiếu gì, dễ như trò chơi. Chỉ có giống khỉ đột là hiếm thấy, lại khó bắt hơn cả.

Giống này sống từng nhóm nhỏ, tận trong rừng sâu kia.

Thổ dân sợ nó lắm, họ coi khỉ đột trước kia là người, nhưng sống chui nhủi mãi nên trở thành như vậy.

Xem thêm:   Trên lưng trời

Ðã có lần tôi trông thấy tận mắt một con khỉ đột cao hơn hai thước, lông đen nhánh như than tàu. Thổ dân nói: khỉ đột già lông đầu bạc trắng, nhưng thực tình tôi chưa gặp lần nào.

Tha hồ ai bạo gan tới đâu, bất ngờ gặp khỉ đột trong rừng sâu cũng bủn rủn cả chân tay… Anh em tưởng tượng xem, con vật đã cao lớn như vậy, lại có cái trán nhô, quai hàm bạnh ra, tròng mắt đỏ như than hồng… lại chăm chăm nhìn vào mặt mình, thỉ chỉ có nước vắt chân lên cổ mà chạy!

Tuy vậy, bản tính nó còn dễ thương hơn khỉ chó vì chẳng bao giờ tự nhiên nó đuổi người. Trường hợp bị tấn công hay bị thương lại khác… Lúc đó nó dữ dội như một hung thần… Ðôi cánh tay lớn như vế đùi chỉ khẽ bóp sọ mình cũng vụn thành cám.

Anh em đã nghe nói khỉ đột bắt người, nhưng đó là chuyện chẳng bao giờ có. Trong tám năm ở Châu Phi, tôi vượt hết cánh rừng này tới cánh rừng khác, chỉ có một lần thấy nó túm người liệng, như ta quăng con ếch… Ðó là một chị da đen; chị ta đi kiếm mật ong rừng, lớ quớ thế nào lại giẫm phải con khỉ đột đang nằm ngủ trưa trong đám cỏ rậm. Con vật giật mình nắm ngang lưng chị quăng xa hàng chục thước, rồi bỏ chạy mất. Chân người đàn bà gãy lỉa… Chúng tôi hết sức chữa chạy, nhưng ba hôm sau vết thương làm độc, nạn nhân sốt kịch liệt rồi chết.

Kể ra cũng lạ, vì thường thường chẳng bao giờ khỉ đột ngủ dưới đất. Nó hay kết cành cây với dây leo thành một thứ ổ cách mặt đất một vài thước để tránh ẩm thấp và mưa lũ. Bao giờ khỉ cái, khỉ con cũng nằm trên ổ. Khỉ đực đôi khi dựa lưng vào thân cây ngáy khò khò.

Trước tôi ngỡ khỉ đột sống riêng rẽ, mãi sau này gặp nhiều đàn đông tới ba bốn chục con, tôi mới biết chúng họp thành bộ lạc hẳn hoi, do một khỉ chúa to lớn nhất, cầm đầu. Chẳng bao giờ chúng chịu ở yên một chỗ, cũng chẳng ngủ trên một cây nào tới hai lần. Ðồ ăn chính của chúng là hoa quả, măng non, đôi khi trứng chim hay chim non chúng cũng chẳng từ.

Bữa đó, một tay thợ săn da đen tới tìm tôi:

– Có khỉ đột, thầy ơi!

Tôi mừng quá, vì tôi tìm bắt khỉ non cả tháng nay mà chưa gặp. Tôi hỏi y:

– Ðàn khỉ có mấy con?

Anh ta giơ cả hai bàn tay, vẫy vẫy mấy ngón: như vậy là nhiều, nhiều lắm. Tôi gật đầu:

– Vậy sáng mai ta đi!

Ði săn khỉ đột đối với dân da đen là một chuyện quan trọng. Họ coi đàn khỉ đột như một bộ lạc thù địch. Săn nó tức là đánh nhau hẳn hoi, nên trước khi xuất hành, thầy phù thủy phải cúng cấp, làm lễ cầu an cho trai làng, cầu may cho những tấm lưới mang theo.

Xem thêm:   Quán nhậu thời đo... cồn

Ðêm ấy họ nhảy múa cho tới khuya.

Thường thường tôi không phải mang theo nhiều lưới, tất cả đều thuê lão Tù trưởng lo cho cả. Dân săn khỉ vẫn có lưới riêng, tết bằng gai, cao thước rưỡi, nhưng dài cả chục thước. Họ còn dao, búa, lao, với cung nỏ nữa.

Lão Tù trưởng cắt hai người nhỏ thó đi dò đường. Lão gật gù bảo tôi:

– Hai thằng này khá lắm… Thế nào chúng nó cũng tìm được khỉ đột cho thầy.

Công việc hai gã dò đường khá vất vả. Họ phải băng qua cả khu rừng để theo dấu đàn khỉ. Ðược cái nhóm khỉ đột đi tới đâu là phá phách như giặc nên cũng dễ thấy dấu vết. Có điều lỡ gặp chúng nó bất ngờ thì dễ chết lắm.

Họ không cần đuổi hay bắn mà theo xa xa, dò chừng xem đêm ấy chúng ngủ nơi đâu là đủ.

Hễ biết chỗ chúng ngủ, một người ở lại canh, một người đi thực nhanh về báo tin cho toán thợ săn.

Vừa hay tin, chúng tôi khởi hành ngay. Phải đi từ lúc trăng lên mới kịp tới khu rừng có khỉ vào khoảng quá nửa đêm. Tôi cho họ chăng lưới ngay.

Tôi bắt cắm cọc tre làm nọc để buộc lưới. Cột không cần lớn lắm, miễn sao giữ vững lưới cho tới lúc đàn khỉ xô tới. Lúc đó cột càng đổ nhanh càng hay, lưới sẽ cuốn lấy khỉ.

Công việc vừa xong thì trời gần sáng. Nhóm thợ săn da đen nằm lăn ra đất ngủ mê mệt. Tôi cũng chợp mắt được một lát. Mặt trời vừa ló là phải bắt tay vào việc rồi.

Hàng chục thợ săn vừa la hét vừa đốt pháo lệnh từ ngoài bìa rừng, dồn cho đàn khỉ hoảng sợ đâm nhào vào lưới. Lưới tuy chắc, nhưng tôi cũng cẩn thận cho căng cách mặt đất khoảng ba tấc, như vậy lũ khỉ lớn khôn ngoan có thể chui qua đó để thoát thân. Giữ chúng vô ích, chúng khỏe quá nên phá lưới là thường.

Vả lại, tôi chỉ cần bắt con khỉ non. Chẳng ai nuôi khỉ đột lớn. Giữ trong chuồng chừng mươi ngày là chúng rạc đi rồi chết, mất công vô ích.

Tiếng thanh la, tiếng hò hét, tiếng pháo làm đàn khỉ kinh hoàng thật sự. Chúng tôi núp trong các bụi rậm, sát cạnh lưới. Bữa đó, tôi lại cẩn thận đeo khẩu súng săn bên mình. Cùng núp với tôi là gã thợ săn đi dò đường.

Tôi chưa thấy con khỉ nào nhô ra, nhưng gã thợ săn đã tỏ vẻ sốt ruột lắm, gã nhớn nhác bảo tôi:

Xem thêm:   Kinh đô thời trang Roma

– Nó tới đó… Tôi đi đây, sợ lắm!

Tôi phì cười:

– Thì chắc nó tới rồi, nó đâm vào lưới chứ vồ mình sao mà sợ.

Nhưng gã nhất định không chịu đứng đó, co giò chạy biến mất.

Chỉ khoảng nửa phút sau, tôi nghe tiếng cành cây gãy răng rắc, rồi tiếng thình thình như tiếng trống, Lão Tù trưởng chạy tới thì thào:

– Nó tới… Ðám khỉ đực biết bị vây… Chúng đấm ngực nghe như ta đánh trống… Chắc khỉ lớn lắm!

Lão chỉ vào một lùm cây cách đó khoảng mươi thước:

– Chúng kia kìa!…

Theo hướng ngón tay lão, tôi nhận rõ đàn khỉ khoảng sáu bảy con, lố nhố chạy ra… Toàn khỉ cái và khỉ con cả. Chúng nhớn nhác nhìn quanh, rồi lao mình tới khoảng đất trống… Và đâm nhào vào lưới.

Tôi ra hiệu cho đám thợ săn đứng đó xô đổ cột rồi cuốn lưới trùm lấy chúng… Lũ khỉ kêu chí chóe, giẫy giụa kịch liệt… Tôi giục họ làm thực nhanh tay trước khi đàn khỉ đực tới. Những con này bao giờ cũng đi đằng sau để đối phó với nhóm người đang dồn chúng vào bẫy.

Công việc vừa xong, tôi dẫn bọn thợ tránh sang một bên. Gặp khỉ đực lúc này thì nguy lắm. Nó đang cơn sợ lại bị mất vợ mất con, thế nào cũng lăn xả vào người để trả thù.

Tôi vừa bước được vài bước trong đám bụi rậm bỗng thấy ai nắm nòng súng trên vai giựt thực mạnh về phía sau… Có tiếng nổ súng rồi tôi ngã vật ra đất… Ðồng thời tôi nghe con khỉ đột rú bên tai… Vừa lóp ngóp dậy được, tôi thấy nằm sóng sượt dưới chân tôi một con khỉ chúa to lớn khủng khiếp… Lúc đó tôi mới thấy sợ.

Lão Tù trưởng chạy lại:

– Thầy tốt phước lắm!… Nó toan nắm cổ thầy, nhưng nắm nhằm cây súng đó!

Nghe lão nói, mồ hôi trên người tôi toát ra như tắm: con khỉ chỉ cần bóp nhẹ, xương cổ tôi nát vụn ra rồi! Thực hú vía!

Phải mười người trai tráng mới khiêng nổi con khỉ lớn về trại. Tôi cuốn tất cả lưới, cho vào trong cũi. Lũ khỉ vừa cào vừa cắn một lúc, là lưới rách tung. Tôi giữ bốn con khỉ con đem về, còn khỉ cái lại thả về rừng. Chúng ngơ ngác giây lát rồi chạy biến mất…

Ông Ba Lâm ngừng lại để nhồi thuốc vào tẩu. Cùng lúc đó có tiếng động cơ nổ ròn rã, và tiếng người tài xế vui vẻ:

– Bà con lên xe thôi… Máy chạy ngon lành lắm rồi!

Chiếc xe đò xa dần miền sơn cước, nhưng câu chuyện săn khỉ đột vẫn lưu lại trong trí chúng tôi đôi chút dư vị của rừng sâu.

NMT phóng tác, Nxb Sống Mới, Sàigòn 1970

Trần Vũ đánh máy lại tháng 1-2023