Thụy Khuê tên thật Vũ Thị Tuệ, sinh ngày 9 tháng 8 năm 1944 tại làng Doanh Châu, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Học tiểu học tại trường Ngô Sĩ Liên ở Hà Nội, theo gia đình di cư vào Nam tháng 10-1954. Tiếp tục học các trường Bàn Cờ, Văn Lang, Tao Đàn và Gia Long ở Sàigòn. Tháng 9-1962 sang Pháp du học. Học dự bị thi vào Grandes Écoles.

Từ 1987, viết phê bình văn học trên các báo Văn Học, Hợp Lưu, Thế Kỷ 21, … Từ tháng 12/1990 đến tháng 3/2009, cộng tác với đài RFI (Radio France Internationale), phụ trách chương trình Văn Học Nghệ Thuật.

Tác phẩm đã xuất bản:

– Cấu Trúc Thơ, Văn Nghệ, California, 1995

– Sóng Từ Trường, Văn Nghệ, California, 1998

– Nói chuyện với Hoàng Xuân Hãn, và Tạ Trọng Hiệp, Văn Nghệ, California, 2002

– Sóng Từ Trường II, Văn Nghệ, California, 2002

– Sóng Từ Trường III, Văn Mới, California, 2005

– Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc, Tiếng Quê Hương, Virginia, 2012.

– Vua Gia Long và Người Pháp, Nxb Hồng Đức 2015

– Phê bình văn học thế kỷ XX, Hội Nhà Văn xuất bản 2018

Dịch thuật:

– Mademoiselle Sinh (Nàng Sinh), với sự cộng tác của Marion Hennebert, tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Aube, France, 2010.

– Crimes, amour et châtiment, tuyển tập truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, hiệu đính và chú thích toàn bộ; dịch một phần với sự cộng tác của Marion Hennebert, Aube, France, 2012.

Phần 2

Faulet kể việc cha Nghị

cứu Nguyễn Ánh

Giáo sĩ Julien Faulet, sinh ngày 21/11/1741 ở Guilliers (thuộc vùng Morbihan, Bretagne, Pháp) đi truyền giáo từ ngày 29/11/1773, được chuyển đến Cao Miên tháng 6/1775, làm trợ tá cho giám mục Bá Đa Lộc. Trong suốt thời gian truyền giáo ở khu vực này, ông và giáo dân sống trong tình trạng cực kỳ khốn khổ vì chiến tranh và cướp bóc, cái chết luôn luôn gần kề, cuối cùng ông bị bệnh tâm thần, phải quay trở về Âu Châu năm 1781, và mất trên đường về, năm 1783. Giáo sĩ Descouvrières, bề trên của ông, năm 1784, đã tìm kiếm về cái chết của ông, cho biết có thể ông đã chết ở Batavia, cùng với nhiều người Pháp khác, trên chuyến tầu về Ile de France (tức Ile Maurice bây giờ)[11]. Giáo sĩ Faulet viết nhiều thư mô tả tình hình chiến sự, giáo xứ và giáo dân ở Cao Miên và Hà Tiên, trong đó có 2 tài liệu quan trọng:

1- Bản Ký sự dài, thuật việc giám mục Bá Đa Lộc phải tẩu thoát khỏi tu viện Cay-Quao [tu viện do giám mục xây dựng ở phiá Nam Hà Tiên, dưới sự bảo trợ của quan trấn thủ Mạc Thiên Tứ]. Trong tình trạng khẩn cấp, khi Nguyễn Huệ đánh xuống, Bá Đa Lộc phải bỏ tất cả con chiên và giáo sĩ ở lại để thoát thân. Giám mục Bá Đa Lộc chạy ngày thứ Ba [29/7/1777] mà tới thứ Sáu ngày 1/8/1777, giáo sĩ Faulet mới dám báo tin cho những trách nhiệm địa phương biết[12].

Sau đó, qua những gì được ghi trong Sử Ký Đại Nam Việt, mà ta sẽ đọc ở dưới, thì lại biết thêm rằng: giám mục chạy sang Cao Miên. Tóm lại: Bá Đa Lộc chạy khỏi Hà Tiên ngày 29/7/1777 và ông đã chạy sang Cao Miên. Như vậy, giám mục không thể nào “cứu” Nguyễn Ánh trong tháng 9-10/1777 được.

2- Trong một bức thư khác, giáo sĩ Faulet cho biết ai cứu thoát Nguyễn Ánh tháng 9-10/1777. Đó là lá thư Faulet viết ở Cao Miên ngày 25/4/1780 gửi M. Descouvrières, kể về tình trạng cực kỳ khốn khổ của họ đạo ở Hà Tiên, giữa cướp bóc và giặc giã, đoạn chót có câu: “Chính cha Paul [Paul Nghị] đã nuôi ăn và giấu ông vua trẻ trong chiếc thuyền nh của ông và báo cho Đức thánh cha [Bá Đa Lộc] biết” [13]Lá thư này là một tư liệu quý, bởi vì linh mục Faulet lúc đó ở Hà Tiên, có lẽ ông đang ở trong nhà Giám Mục Bá Đa Lộc, cho nên biết rõ chuyện: cha Paul Nghị đã giấu Nguyễn Ánh trong thuyền của mình.

Sự sai lầm của

Tạ Chí Đại Trường

Tạ Chí Đại Trường, có đọc câu này của Faulet, nhưng ông lại hiểu và viết lại như sau: “Lúc bấy giờ Nguyễn Ánh ở đâu mà lại thoát khỏi cái vạ diệt tộc này? Sử quan nhà Nguyễn không lưu ý nhiều đến việc chạy trốn không lấy gì làm vẻ vang cho chúa của họ nên không xét đến nơi chốn lưu lạc của ông. Họ thay thế cái nhục lẩn tránh Tây Sơn bằng câu chuyện cá sấu đưa qua sông, một bằng chứng mang số đế vương của ông hoàng này… Thế mà chỉ trong một tháng sau ta thấy ông có mặt ở Long Xuyên với Đỗ Thanh Nhân. Điều đó chứng tỏ ông vẫn theo Duệ Tông từ lúc rời Ba Giồng. Nhờ đó mà được Pigneau đem giấu trốn và sai Hồ Văn Nghị đem thức ăn nuôi sống (Chú thích: Thư của ông Faulet cho ông Descouvrières…”[14].

Việc một cậu bé 15 tuổi, một mình chạy thoát kẻ đã giết cả họ mình, thì có gì là xấu hổ, là cái nhục? Thực Lục, Liệt Truyện, ghi cả những chuyện có thể gọi là “nhục” hơn: “Vua đi một ngày đêm chưa ăn, [Nguyễn Đức] Xuyên chạy vào nhà dân xin cơm” hoặc: “Gặp lúc hết lương ăn, quân đói xanh mặt, có thuyền buôn ở Hạ Châu đi qua, [Nguyễn Văn] Thành đem quân đi cướp bị lũ lái buôn chống lại rất dữ, Thành bị vài vết thương cố nhảy lên cướp được thuyền gạo đem về”[15].

Cái lạ là lập luận “móc nối” của Tạ Chí Đại Trường: Tại sao việc “một tháng sau, Nguyễn Ánh có mặt ở Long Xuyên” lại chứng tỏ là Ánh đã “theo Duệ Tông từ lúc rời Ba Giồng”? Để dẫn đến kết luận: Vì “Ánh đi theo Duệ Tông” nên nhờ đó mà được Pigneau đem giấu trốn?

Xem thêm:   Có một bài thơ

Nhưng cái lạ nhất vẫn là một câu trong thư của Faulet, nguyên văn tiếng Pháp như sau: C’est le P. Paul qui a nourri et caché le jeune roi dans son petit bateau, qui a fait connaitre Monseigneur et la sainteté de notre religion” (Chính cha Paul đã nuôi ăn và giấu ông vua trẻ trong chiếc thuyền nhỏ của ông và đã báo cho Đức thánh cha [Bá Đa Lộc] biết), lại được Tạ Chí Đại Trường viết thành: “được Pigneau [Bá Đa Lộc] đem giấu trốn và sai Hồ Văn Nghị đem thức ăn nuôi sống“. Faulet viết rõ ràng như vậy, vì lý do gì mà Tạ Chí Đại Trường lại xoay hẳn nghĩa câu này cho đúng với lập luận của Maybon và những người Pháp thực dân?

Chúng tôi nhấn mạnh điểm này, vì câu văn ngắn ngủi của Faulet hết sức quan trọng, đây là lần đầu tiên và duy nhất, có một chứng nhân tại chỗ, người Pháp, người ấy là giáo sĩ Faulet, ông đã xác định: Paul Nghị mới là người cứu sống Nguyễn Ánh, không phải Bá Đa Lộc. Ý kiến của Faulet lại trùng hợp với một ý kiến khác, của một người Việt, là tác giả Sử Ký Đại Nam Việt.

Sự tường thuật của

Sử ký Đại Nam Việt

Về việc Nguyễn Ánh chạy trốn, Sử ký Đại Nam Việt trình bày 3 điều, có liên quan mật thiết với nhau:

1- Về người mẹ của Nguyễn ÁnhSử Ký Đại Nam Việt viết như sau: “Con thứ hai của ông Vũ Vương [Võ Vương Nguyễn Phước Khoát], tên là Chưởng Vũ [Nguyễn Phước Luân], chẳng khác tính cha là bao nhiêu [tức là cũng ăn chơi như cha]. Trong các vợ ông ấy có một đứa con hát sinh đ?ng nhi?u con trai; trong nh?ng con trai ?y, th? con th? hai t?n l? ??c Ho?ng Nguy?n ?nh, c? danh ti?ng, v? ??n sau ???c n?i d?ng c?ng t?n l?n l?m vua, g?i l? Gia Long“ặng nhiều con trai; trong những con trai ấy, thì con thứ hai tên Đức Hoàng Nguyễn Ánh, có danh tiếng, vì đến sau được nối dòng cùng tôn lên làm vua, gọi là Gia Long[16].

Chi tiết bà mẹ Nguyễn Ánh là “con hát” rất đáng chú ý, bởi lúc Nguyễn Ánh bị nạn, cũng theo Sử ký Đại Nam Việt, sẽ được một người “con hát” cứu thoát.

2- Điểm thứ hai, trái với Thực Lục, nói rằng, Nguyễn Ánh chạy với Định Vương, Sử Ký Đại Nam Việt, lại nói rằng Nguyễn Ánh chạy với Tân Chính Vương. Dưới tiểu đề “Quân Tây Sơn giết ông Hoàng Tôn”, Sử Ký Đại Nam Việt viết như sau: “Đến sau, quân lính Hoàng Tôn [tức Hoàng Tôn Dương hay Tân Chính Vương] đã phải thua một trận cả thể lắm, quân giặc bắt đặng ông Huệ Vương [tức Định Vương Nguyễn Phước Thuần] mà giết ông ấy đi với các anh em. Ông Hoàng Tôn với ông Nguyễn Ánh thì trốn được vào đồn kia với một ít quân. Song bởi quân ấy thấy ông Hoàng Tôn cô thế, thì chẳng có lòng với ông ấy là bao nhiêu, nên giao với quân Tây Sơn, mà chịu hàng cùng nộp ông Hoàng Tôn với ông Nguyễn Ánh cho nó. Song ông Nguyễn Ánh trốn khỏi. Vậy quân giặc bắt ông Hoàng Tôn mà giết đi một cách kín đáo, chẳng dám giết trước mặt người ta, kẻo còn nhiều kẻ phục ông ấy mà thêm loạn lạc chăng”[17].

Nếu thoại này đúng, thì Hoàng Tôn Dương bị quân của mình bắt, nộp cho Nguyễn Huệ, còn Nguyễn Ánh đã chạy thoát từ tháng 9, bởi vì Hoàng Tôn Dương tức Tân Chính Vương bị giết ngày 19/9/1777.

3- Về việc Nguyễn Ánh chạy trốn, Sử Ký Đại Nam Việt viết trong đoạn “Nguyễn Ánh trốn giặc” như sau: “Ấy vậy mà tông tộc nhà Nguyễn đã gần tuyệt, còn lại một ông Nguyễn Ánh cùng 3 anh em mà thôi. Chẳng khỏi bao lâu thì 3 ông nầy lại phải sự khốn khó mà chết hết. Vậy còn một ông Nguyễn Ánh mới lên 14 hay 15 tuổi mà thôi.

Ông ấy tuy khỏi chết, song đã phải túng cực lắm vì chẳng còn của gì, chẳng còn ai giúp cùng chẳng biết tin ai nữaMay còn một đứa nhà trò có lòng trung tín, ban đêm đã kiếm đặng một chiếc thuyền nhỏ, thì 2 thầy tớ liền đem nhau tìm nơi mà ẩn trong rừng lau láchTình cờ lại gặp thuyền ông Phaolồ [Paul Nghị], là Thầy Cả bổn quốc, cũng đang chạy giặc. Bấy giờ ông Nguyễn Ánh, tuy chưa quen biết thầy Phaolồ, song đã biết là Thầy Cả bổn quốc, cũng biết là thầy đạo, thì xưng danh mình ra, xin thầy Phaolồ cứuThầy Phaolồ liền chịu và đem qua giấu trong thuyền mình và chèo thẳng qua Hà Tiên, mà giấu trong nhà Đức Thầy Vêro [Bá Đa Lộc]. Khi ấy Đức Thầy Vêrô đã sang bên Cao Miên, cho nên thầy cả Phaolồ vội vàng gởi tin cho người biết sự ấy cho kíp.

Ông Phaolồ có ý giấu ông Nguyễn Ánh trong nhà Đức Thầy Verô cho kỹ, nên chẳng cho ai biết. Song cũng khó lắm, vì quân Tây Sơn đã biết tỏ ông ấy đã trốn sang Hà Tiên, nên đã truyền tìm bắt người mà nộp. Vậy qua một tháng thì chẳng còn lẽ nào giấu trong nhà nữa, nên ông Phaolồ phải đưa ông Nguyễn Ánh lên rừng nơi vắng vẻ. Đoạn hoặc ông Phao Lồ, hoặc thầy giảng kia, tên ông Toán, thỉnh thoảng lén chở đồ ăn đến cho mà thôi. Vậy ông Phao Lồ chịu khó mà liệu cách khôn ngoan thể ấy đặng 2,3 tháng, thì có công với ông Nguyễn Ánh cả thể lắm. Vì chưng nếu chẳng có thầy cả ấy, thì ông Nguyễn Ánh phải bắt chẳng khỏi.

Khi ấy quan phủ kia tên là Nhất Trịnh, nghe tin ông Nguyễn Ánh hãy còn, thì lấy một ít quân mạnh bạo đi tìm mà giết. Quân Tây Sơn canh giữ đồn kia áp xứ Đồng Nai và Cao Miên, những ra sức tìm cho đặng ông Nguyễn Ánh. Dần dần thì nó biết đặng ông ấy còn ẩn mình trong thuyền ông Phaolồ trong Rạch Giá.

Cũng một khi ấy Đức Thầy Vêrô ở Cao Miên mà về, tìm được ông Nguyễn Ánh; người lại đem một Langsa, tên là Gioang [Jean] có nghề võ cùng bạo dạn gan [can] đ?m v? c? t?i ??nh gi?c l?mảm và tài đánh giặc lắm[18].

Theo tác giả Sử Ký Đại Nam Việt, thì có 3 người giúp Nguyễn Ánh thoát nạn:

Xem thêm:   Cá nhân tôi bỏ đi không có gì đáng tiếc

– Một đứa nhỏ nhà trò có lòng trung tín, tức là một tiểu đồng con nhà hát, liên hệ với mẹ Nguyễn Ánh, trung tín theo hầu, chính cậu nhỏ nhà trò này đã tìm thuyền cứu chủ, giấu vào lau lách.

– Hồ Văn Nghị, hay Paul Nghị, thầy giảng, là người thân tín của Bá Đa Lộc, đã cứu Nguyễn Ánh giấu vào thuyền mình, chở về nhà Bá Đa Lộc ở Hà Tiên và báo tin cho Bá Đa Lộc biết, lúc ấy giám mục Bá Đa Lộc đang ở Cao Miên. Ít lâu sau sợ bị lộ, đem Nguyễn Ánh trốn vào rừng.

– Thầy giảng Toán, cũng liều mình đem đồ ăn đến cho Nguyễn Ánh.

Sau đó, khi Bá Đa Lộc từ Cao Miên trở về Gia Định, mới gặp Nguyễn Ánh, vào thời điểm nào, đó là một vấn đề khác, chúng tôi sẽ xác định sau.

Tất cả câu chuyện này, ăn khớp với nhau: Nguyễn Ánh, sau khi Tân Chính Vương bị bắt rồi bị hại, lẩn trốn với sự trợ giúp của 3 ân nhân trên đây. Và họ đã giấu ông trong khoảng 2 tháng, đến tháng 11/1777, Nguyễn Ánh xuất hiện ở Long Xuyên, trong trận đánh ở Long Hồ, sẽ nói đến sau.

Hoàng Đế Gia Long

Le Labousse viết về

linh mục Hồ Văn Nghị

Chứng sau cùng, là những lá thư của giáo sĩ Le Labousse, viết trong những thời điểm khác nhau, nói về linh mục Hồ Văn Nghị:

1- Lá thư của M. Le Labousse gửi cho M. Létondal, Quản thủ (Procureur) tu viện Macao[19], ngày 15/6/1789, có câu: “Đã đến lúc phải trình ông tin về sự thăng thưởng của cha Paul [Paul Nghị]. Chẳng cần làm quan, mà ông ấy được hưởng tất cả các đặc quyền; có lẽ còn hơn các quan nữa; tôi biết chắc rằng ông ấy có một tấm thẻ bài của vua, hay một dụ, ra lệnh cho các quan phải tuân lệnh và cống hiến tất cả những gì mà ông ấy cần. Điều này làm cho con người ưu tú này trẻ ra một chút: các quan đến lạy chào, chúng tôi cũng được thơm lây”[20].

Những lời trong lá thư này của Le Laboussse chứng tỏ vua Gia Long đã kín đáo thưởng công cho ân nhân cứu mạng. Hơn thế nữa, qua thư từ giao dịch giữa các giáo sĩ, ta có thể biết Nguyễn Vương trao cho Hồ Văn Nghị những trọng trách tế nhị, bôn ba khắp trong vùng biển Đông, đi về giữa Ma Cao, Ấn Độ, Phi Luật Tân… với những sứ mệnh, có thể là bí mật. Khi giao Hoàng tử Cảnh cho Bá Đa Lộc đưa sang Pháp, Vương cũng sai ông đi tháp tùng Hoàng tử cùng với Phạm Văn Nhơn, Nguyễn Văn Liêm. Nhưng dường như Bá Đa Lộc không muốn có người Việt có học, biết tiếng Pháp và thân tín của vua đi theo Hoàng tử sang Pháp, hoặc vì một lý do gì khác, nên Phạm Văn Nhơn, Nguyễn Văn Liêm và Hồ Văn Nghị đã phải, từ Pondichéry quay về Vọng Các.

Xem thêm:   Cá nhân tôi bỏ đi không có gì đáng tiếc (kỳ 2)

2- Tin linh mục Hồ Văn Nghị qua đời được giáo sĩ Le Labousse thông báo như sau:

“M. Paul Nghị mất ở Sài Gòn ngày 19/2/1801.

Thư của M. Le Labousse gửi cho các Giám đốc Hội truyền giáo ngoại quốc

Bình Khang ngày 20/4/1801

Năm nay, chúng tôi thông báo cùng quý vị cái chết của M. Paul, linh mục người nước Nam.

Ông mất sau nửa buổi bị đau bụng, ngày 19 tháng 2 năm nay.

Xin nói gọn rằng hội truyền giáo Nam Hà mất đi một trong những tác nhân hàng đầu. Đó một người có thế lực qua sự nghiệp và lời nóiĐược đào luyện theo đường lối của đức Giám mục Adran, người đã giảng dạy và ban cho ông danh hiệu tư tế và ông đã chứng tỏ, cho tới tuổi 67, xứng đáng là đệ tử của người thầy như thế. Ông đã tháp tùng vị chủ giáo trong mọi chuyến đi và chia sẻ với người những nhọc nhằn và bất hạnh. Họ chỉ tạm xa nhau ở Pondichéry, khi ông Paul phải ở lại để trông nom những người hầu cận Hoàng tử trong khi chờ đợi Hoàng tử trở về. Nhà vua, trong thời điểm tai biến, đã may mắn có ông cung cấp những nhu cầu tối thiểu, vì vậy rất quý mến ông. Chính ông là người mà Đức ông nhờ cậy mỗi lần phải gửi đến triều đình việc gì và từ khi Đức ông về trời, ông là người chính yếu giải quyết vấn đề và trợ giúp hàng đầu của chúng tôi. Sau khi Thượng đế đã cất đi cánh tay này, chúng tôi chỉ còn một mình ông Liot”[21].

Linh mục Le Labousse, mất ngày 25/4/1801 ở Nha Trang, 4 ngày sau khi viết bức thư này.

Một điểm cần nhấn mạnh nữa: Trong bức thư trên đây, linh mục Le Labousse cũng chỉ nói: Nhà vua, trong thời điểm tai biến, đã may mắn có ông cung cấp những nhu cầu tối thiểu (Le roi, dans le temps de ses désastres, fut heureux de l’avoir pour lui procurer les choses de dernière nécessité), tức là Le Labousse cũng chỉ nói đến công lao của Paul Nghị nuôi Nguyễn Ánh, chứ không nói gì về sự tham dự của Bá Đa Lộc.

Tóm lại, 2 giáo sĩ gần gụi giám mục Bá Đa Lộc nhất, trong thời kỳ này là Faulet và Le Labousse, cũng xác nhận việc Hồ Văn Nghị nuôi vua, mà không nói đến “ơn cứu tử” của Bá Đa Lộc. Riêng giáo sĩ Faulet viết rõ cả chi tiết, cứu, rồi mới báo cho Đức thánh cha biết, đúng như những điều tác giả Sử Ký Đại Nam Việt thuật lại.

Barrow có thể là người đầu tiên, về phiá Tây phương, viết về chuyện này, ông cũng xác định việc Paul Nghị nuôi vua, nhưng ông thêm vào đoạn Bá Đa Lộc đưa gia đình vua chạy trốn là hoàn toàn sai sự thực, vì lúc đó vua chưa có vợ con và Bá Đa Lộc đã chạy sang Cao Miên trước rồi.

Montyon, người viết cuốn sách ký tên Bissachère (chúng tôi sẽ giới thiệu sau) chỉ chép lại thoại của Barrow.

Những sai lầm phát xuất từ Barrow, sẽ được hầu như tất cả những người viết sử về Bá Đa Lộc chép lại, để “ghi ơn cứu tử” vua Gia Long, như một thành tích đích thực của vị giám mục. Rồi “sự kiện” này lại được học giả sử gia Maybon xác định một cách chính thức, bằng cách “biên tập” lại lời Barrow, như chúng tôi đã chứng minh ở trên, để biến nó trở thành “sự thực”.

Qua những chứng từ mà chúng tôi trình bày trên đây, xin minh định lại một lần nữa:

– Chú tiểu đồng, con nhà trò, đã tìm thuyền cứu chủ Nguyễn Ánh.

– Linh mục Hồ Văn Nghị tiếp cứu Nguyễn Ánh khỏi sự lùng bắt của Nguyễn Huệ, trong 2 tháng 9-10/1777, với sự trợ giúp của thầy giảng Toán.

TK 2015

(Trích  Chương 5 trong tổng tập Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long)

[11] Launay, III, t. 13 và t. 153.

[12] Relation abrégée de ce qui est arrivé au collège de Cay-Quao depuis l’évasion de Mgr Pigneaux, par M. Faulet – Ký sự về những gì xảy ra cho tu viện Cay-Quao sau khi Giám Mục Bá Đa Lộc tẩu thoát) (AME, quyển 800, t. 1559), in lại trong Launay III, t. 131-136.

[13] Nguyên văn: “C’est le P. Paul qui a nourri et caché le jeune roi dans son petit bateau, qui a fait connaitre Monseigneur et la sainteté de notre religion» (Launay III, t. 70).

[14] Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam, t. 91.

[15] Liệt Truyện, II, t. 167, t. 370.

[16] Sử Ký Đại Nam Việt, t.3.

[17] Sử ký Đại Nam Việt, t. 12.

[18] Sử Ký Đại Nam Việt, t. 12-13.

[19] Tu viện Macao lúc đó là cơ sở chủ đạo của Hội Thừa Sai ở Á Châu, vì thế các giáo sĩ và binh sĩ Pháp, thường viết thư gửi viên Quản thủ (Procureur) tu viện Macao để tường trình mọi việc xảy ra ở các nước trong vùng.

[20] Launay, III, t. 227.

[21] Launay, III, t. 480-481.