Phần 2

Mạng xã hội có ý nghĩa quan trọng, giúp mọi người kết nối khắp thế giới, lấy tin tức v.v. Tuy nhiên nó cũng có cái hại ở góc độ cá nhân và với xã hội nói chung. Trong bài trước, tôi đã viết về cái hại như ảnh hưởng đến trẻ em, bullying trên mạng, và tác động đến đời thật như mất việc vì viết vài câu trên Facebook hay mất danh tiếng vì #MeToo.

Trong bài viết này, tôi sẽ nói thêm về một số cái hại khác của mạng xã hội.

Slacktivism

Mạng xã hội có thể thay thế hoạt động xã hội (activism) bằng slacktivism, một chữ ghép từ “slacker” (người lười biếng) và “activism”—tức là kiểu hoạt động xã hội dễ dàng lười biếng như post trên mạng xã hội hoặc gửi kiến nghị online nhưng không làm gì có hiệu quả thực sự. Ðặc biệt trên những trang như Facebook hay Twitter, số lượng like và share nhiều có thể khiến người ta có ảo tưởng là đang làm gì đó có tác động nhưng thực tế chẳng phải vậy.

Chẳng hạn, sau khi phong trào Black Lives Matter bùng nổ vài tháng trước, có rất nhiều cái đáng bàn như vấn đề bạo lực cảnh sát, vấn đề chủng tộc  v.v. Tuy nhiên trường đại học Michigan lại đưa ra danh sách một loạt từ bị xem là phản cảm như “blacklist”, “whitelist”, “black-and-white thinking”, “crazy”, “disabled”, “long time no see”… và kêu gọi thay thế từ khác1.

Trường đại học Michigan không phải là trường hợp duy nhất—một loạt công ty như Twitter, Apple, Linux… cũng bỏ những từ trong vi tính như “master/ slave” và “blacklist/ whitelist”2.

Xét ra những điều này thay đổi được gì về vấn đề bạo lực cảnh sát hay bình đẳng chủng tộc? Nhưng những thứ bề ngoài thế này lại được khuyến khích và tán dương trên mạng xã hội, vì activism ngày nay lắm lúc bị thay thế bởi slacktivism.

Bảo Huân

Biển thông tin và ý kiến

Cái lợi lớn nhất của mạng xã hội là ai muốn nói gì thì nói. Cái hại lớn nhất là ai muốn nói gì thì nói.

Ðể được đăng bài trên báo chí, người viết phải đạt chút tiêu chuẩn nào đó; trên mạng xã hội thì không, tha hồ phát biểu ý kiến, dù không có chuyên môn hay kiến thức, dù không có bằng chứng hay lập luận.

Một mặt, mạng xã hội cho mọi người platform, cho mọi người lên tiếng và nói khác với truyền thông chính thống, đặc biệt ở những quốc gia độc tài như Việt Nam. Dư luận đôi khi cũng có tác động đến nhà cầm quyền, có thể gây áp lực nào đó trong trường hợp án oan hoặc người hoạt động dân chủ bị bắt bớ.

Nhưng mặt khác, mạng xã hội cũng cho mọi quan điểm, dù thiếu kiến thức hoặc hỏng lập luận hoặc hoàn toàn dối trá, được đăng lên và phổ biến. Ai dùng Twitter đều có thể thấy, những tweet càng lố bịch càng được phản ứng nhiều, càng được chú ý và thành “nổi tiếng”.

Biến những vấn đề vụn vặt thành mainstream

Ví dụ rõ nhất có lẽ là phong trào chuyển giới (transgender). Ngoài đời đây là vấn đề rất tẻo teo, chẳng mấy ai quan tâm, và trên thế giới có vô số chuyện kinh khủng và quan trọng hơn. Nhưng trên Twitter theo tôi để ý, hai vấn đề lớn nhất có vẻ là chủng tộc (cụ thể là người Mỹ da đen) và chuyển giới—thậm chí không ít lần tôi còn thấy có người nói người chuyển giới là nhóm bị áp bức nhất trên thế giới, hoặc tuyên bố rời nước Anh và xin tỵ nạn nơi khác vì vấn đề chuyển giới.

Những người này thường khoanh vùng trong những người có cùng quan điểm và quên mất Twitter không phải là đời thật, và lầm tưởng rằng cả thế giới chỉ đang nóng một vấn đề duy nhất.

Tuy nhiên hai nhóm này thường ồn ào hơn hẳn các nhóm khác trên Twitter, nên những thứ vụn vặt lại trở thành mainstream và tác động ngược lại tới truyền thông—nếu không có mạng xã hội, chẳng ai quan tâm đến chuyện chuyển giới.

Tăng chia rẽ

Một trong những cái đáng chú ý của mạng xã hội là người ta có khuynh hướng hạn hẹp mình với người có cùng cách nhìn và quan điểm, không chơi, unfollow, hoặc block những người có suy nghĩ khác, từ đó càng ngày càng củng cố và vững tin vào cách nghĩ của mình, không có khả năng nhìn khía cạnh khác hoặc đặt nghi vấn, và dẫn tới tâm lý kiểu “us vs them”. Ở góc độ xã hội, những trang mạng như Twitter hay Facebook càng làm con người trở thành cực đoan hơn và làm xã hội thành chia rẽ hơn: nếu phong trào Black Lives Matter càng ủng hộ chính sách nâng đỡ (affirmative action) và các chính sách ưu tiên người da màu, đặc biệt đa đen, phe chủ nghĩa dân tộc càng cảm thấy dân da trắng bị tấn công và tiến gần hơn với tân phát xít, và khi chủ nghĩa tân phát xít phổ biến hơn, nhóm Black Lives Matter càng trở thành cực đoan hơn…

Chính trị Mỹ, so với chính trị Anh, có chia rẽ nặng nề hơn nhiều, đặc biệt về chủng tộc.

Bản thân người Việt từ xưa đến nay đã chia rẽ, không thể đoàn kết và không thể đứng chung: Bắc vs Nam, người trong nước vs người hải ngoại, cờ đỏ vs cờ vàng, thuyền nhân vs người nhập cư sau này… Trong 4 năm vừa qua, sự chia rẽ còn nặng nề hơn nhiều chỉ vì chính trị Mỹ, và có thể nói là hoàn toàn giết chết phong trào dân chủ ở Việt Nam—nhà cầm quyền thoải mái đàn áp người dân và bắt bớ người hoạt động nhân quyền trong khi người Việt, kể cả người đang sống ở Việt Nam, bận đánh nhau vì chính trị Mỹ.

Tin giả và thuyết âm mưu

Một cái hại nhất khi mạng xã hội cho tất cả muốn nói gì thì nói là nạn tin vịt, tin giả, và thuyết âm mưu.

Tin giả là một trong những vấn đề lớn nhất trên thế giới trong vài năm gần đây: fake news, hình ảnh bị photoshop, và thuyết âm mưu tràn ngập khắp nơi, gây hại cho hệ thống dân chủ, tác động đến bầu cử  v.v.

Nhiều hơn những trang web khác, Youtube là một ổ thuyết âm mưu: về đặt chân lên mặt trăng, trái đất phẳng, ngày 11 tháng 9, Illuminati, vaccine, QAnon, 5G, v.v. Khi công nghệ phát triển như ngày nay, ai cũng có thể quay video bằng điện thoại và edit vài cái đơn giản quăng lên mạng, và ai cũng có thể đưa video lên Youtube, và một số người xem hết video này đến video khác và tự tẩy não bản thân mà không biết.

Bạn trai tôi quen một người tin là trái đất phẳng. Tôi có quen hai người nghĩ Covid-19 chỉ là trò lừa và không có cái gọi là đại dịch.

Thậm chí tôi còn cho rằng một trong những lý do đại dịch ở Anh khó kiểm soát và mãi không giảm là do một số người vẫn không tin Covid-19 nguy hiểm hoặc có gì hơn cúm mùa.

Ðể đối phó với những tác hại này ở góc độ nhà nước hoặc bản thân các công ty như Facebook, Twitter, Youtube… là câu hỏi phức tạp. Ở góc độ cá nhân, ngoài những ý thường nói như đọc nhiều nguồn, cân nhắc mọi thứ và luôn kiểm tra nguồn, tiếp xúc với người với nhiều quan điểm khác nhau, không chạy theo phong trào…tôi cho rằng đôi khi người ta cần tạm nghỉ mạng xã hội một thời gian, từ một tuần đến vài tháng, và sống offline.

Cảm giác sẽ rất khác.

DN

1: https://www.thecollegefix.com/umichs-it-department-told-to-stop-using-word-picnic-it-could-harm-morale/

2: https://www.zdnet.com/article/linux-team-approves-new-terminology-bans-terms-like-blacklist-and-slave/

https://www.bbc.com/news/business-53273923

https://www.pcmag.com/news/apple-to-remove-masterslave-and-blacklist-terms-from-coding-platforms

3: https://www.theatlantic.com/technology/archive/2019/02/reason-conspiracy-videos-work-so-well-youtube/583282/