Tháng Một

Không mấy ai chú ý tới virus mới từ China. Một số nước láng giềng như Ðài Loan bắt đầu chú ý, nhưng WHO vẫn nói trên Twitter là chưa có lây từ người sang người (human-to-human transmissions).

Tháng Một, ngoài chuyện viết lách và đi thông dịch, tôi có work experience (thực tập) ở Air TV và đi dự một networking event cho TV.

Ngày 29/1 bắt đầu có trường hợp coronavirus đầu tiên tại Anh1.

Tháng Hai

Coronavirus bắt đầu lây lan tại Anh, nhưng nhìn chung người dân vẫn chưa thật sự chú ý.

Tôi bắt đầu để ý, các thông dịch viên tiếng Việt khác của Language Line bắt đầu không nhận việc—tôi đi gần như mọi appointment từ Language Line. Ngoài ra, còn làm thông dịch cho Language Empire.

Bệnh viện, các công ty dịch, và các nơi khác bắt đầu đưa thông báo chú ý những người vừa du lịch tới những quốc gia có dịch như China, Ý v.v.

Tháng Ba

Ðầu tháng Ba, tôi bắt đầu ho, hắt xì, sốt, sổ mũi…—vài triệu chứng giống coronavirus nhưng có vẻ chỉ là cảm cúm thông thường. Không được kiểm tra dù làm thông dịch viên ở bệnh viện. Khi đến coronavirus pod ở gần bệnh viện Leeds General Infirmary thì bị từ chối vì ở đó chỉ kiểm tra cho bệnh nhân của bệnh viện (inpatient), không test cho người ngoài. Cũng không thể test ở bác sĩ gia đình vì có thông báo là những người có triệu chứng phải ở nhà hai tuần, đừng tới gặp bác sĩ.

Bắt đầu tự cách ly ở nhà. Ngành film bắt đầu hủy hoặc trì hoãn dự án.

Công ty của bạn trai tôi, ngành IT, cũng bắt đầu cho nhân viên làm việc từ nhà.

Trong tháng Hai và Ba, rất nhiều nước ở Châu Âu đã phong tỏa và đóng cửa hết mọi thứ, nhưng suốt một thời gian ở Anh vẫn tranh luận và nói tới thuyết miễn dịch cộng đồng (herd immunity)2.

Ngày 23/3, Thủ Tướng Boris Johnson có diễn văn cho toàn quốc gia, tuyên bố phong tỏa cả nước3. Mọi thứ đóng cửa, mọi người phải giữ khoảng cách an toàn (social distancing)—cách nhau 2 mét v.v.

Xem thêm:   Nhật Thực toàn phần tại Dallas - Fort Worth,Texas

Tôi không làm cho Language Empire vì họ không tôn trọng thông dịch viên, tạm không nhận việc của Language Line, và bắt đầu chuyển sang thông dịch trên điện thoại cho Prestige.

Trên mạng mọi người tranh cãi về Covid-19. So sánh quốc gia, người thì bảo các nước độc tài có vẻ đối phó với coronavirus tốt hơn các nước dân chủ, người khác thì bảo không phải là độc tài hay dân chủ mà là các nước theo văn hóa tập thể (collectivist) như Hàn Quốc hay Ðài Loan đối phó với đại dịch tốt hơn các nước theo chủ nghĩa cá nhân (individualist). Cũng có luận điệu các nước xã hội chủ nghĩa giải quyết tốt hơn các nước tư bản.

Chuyện người gốc Á bị tấn công cũng dấy lên tranh luận về phân biệt chủng tộc và tên gọi virus: coronavirus hay Wuhan virus hay Chinese virus.

Ngoài ra ở Anh cũng có tranh luận về cách đối mặt với Covid-19 và ảnh hưởng xấu đến kinh tế khi đóng cửa mọi thứ, và vấn đề tự do cá nhân. Một số người thậm chí nghĩ Covid-19 chẳng khác cúm mùa, và không có cái gọi là đại dịch.

Sau khi Anh bắt đầu đóng cửa, bắt đầu có nạn thiếu hụt đồ đạc và thức ăn, đặc biệt giấy toilet.

Tháng Tư

Coronavirus càng lúc càng lây lan tại Anh, số người nhiễm và số người chết càng lúc càng tăng.

Trong khi đó, tôi vẫn thấy rất ít người ở Leeds mang mặt nạ—đa phần người mang mặt nạ là dân Châu Á hoặc các dân khác, ít khi nào thấy dân Anh da trắng che mặt. Tuy nhiên, siêu thị bắt đầu ra luật bắt phải xếp hàng, không để quá nhiều người trong siêu thị cùng lúc, không cho mua quá nhiều thứ cũng cùng mặt hàng (chẳng hạn như giấy toilet) v.v.

Một số người vẫn không tin đại dịch có thật, trong khi một số khác nghĩ mạng 5G làm lây lan coronavirus nên đập phá và đốt các tòa nhà 5G4.

Xem thêm:   Facebook có gì ngộ (03/28/2024)

Trong tháng tư, bản thân Thủ tướng Anh Boris Johnson bị nhiễm coronavirus, phải đưa vào phòng chăm sóc khẩn (ICU).

Tháng Năm

Trong khi một số quốc gia khác bắt đầu giảm dần, như China hay Na Uy, thì Anh lại vượt qua Ý với số lượng người chết vì coronavirus cao nhất Châu Âu5.

Bạn trai tôi và nhiều người quen vẫn tiếp tục làm việc từ nhà, và không có dấu hiệu gì sẽ quay lại sở làm sớm. Language Line không có appointments cần tiếng Việt.

Với luật của Anh, mọi thứ đóng cửa, mọi người phải tự cách ly, chỉ ra đường khi thật sự cần thiết như đi chợ hoặc đi làm, dù mỗi ngày vẫn được quyền đi dạo, nhưng phải giữ khoảng cách 2 mét. Bạn bè và người thân không ở cùng nhà không được gặp nhau. Ðám tang chỉ có người trong gia đình. Nhiều người — thậm chí trẻ con, nhiễm coronavirus phải chết một mình vì người thân không được tới gần.

Gây chú ý trong tháng năm ở Anh là Dominic Cummings, một nhân vật của chính phủ, phá luật lockdown khi chuyển từ London sang Durham, rồi sau đó có lúc chạy xe tới Barnard Castle6. Liên tục suốt 3-4 ngày trên Twitter, dân Anh gần như không nói chuyện gì khác—tất cả đều tranh cãi, và đa phần chỉ trích Dominic Cummings vì phá luật trong khi mọi người khác đều phải hy sinh ở nhà.

Vài tuần sau đó, cuối tháng Năm ở Anh nổi ra biểu tình Black Lives Matter, đi theo biểu tình ở Mỹ sau cái chết của George Floyd. Tranh luận đi theo hướng mới—một số hỏi tại sao lại biểu tình giữa mùa dịch, đặc biệt khi số lượng người chết vẫn đang rất cao. Nhưng số khác thì bảo đây là vấn đề quan trọng, cần phải xuống đường, và nhiều người sẵn sàng chết vì công lý.

Rất nhiều người trên Twitter trước đó đả kích Dominic Cummings phá luật, bây giờ ủng hộ biểu tình Black Lives Matter và biểu tình chống cảnh sát ở Anh.

Tháng Sáu

Luật không đổi nhưng mọi người ở Anh bắt đầu giảm chuyện cách ly và tạo khoảng cách an toàn. Ðôi khi đi chợ tôi để ý thấy người xung quanh ra đường nhiều hơn và không còn chú ý như trước.

Xem thêm:   Chuyện nhân duyên

Vụ biểu tình ở Anh từ cuối tháng Năm bắt đầu có bạo loạn, đập phá, hôi của, tấn công cảnh sát…

Cuộc biểu tình để ủng hộ phong trào ở Mỹ và nói về chuyện phân biệt chủng tộc ở Anh dần dần biến dạng, bắt đầu có lời kêu gọi bãi bỏ cảnh sát (abolish the police), và mặt khác, bắt đầu một kiểu chủ nghĩa xét lại. Cả Mỹ và Anh đều có người biểu tình tấn công, lật đổ, bôi vẽ lên tượng đài nhân vật lịch sử. Chẳng hạn ở Anh, tượng đài của Edward Colston ở Bristol bị lật đổ và quăng xuống sông7.

Trong khi đó mọi người trên Twitter tiếp tục tranh luận về biểu tình giữa mùa dịch. Trong cách nhìn của người biểu tình, phân biệt chủng tộc không phải là vấn đề của riêng Mỹ mà Anh cũng có, và đây là thời điểm nhìn lại lịch sử nô lệ và thuộc địa của Anh. Ngược lại, phe chống cho rằng không có ai hoàn hảo, nhân vật lịch sử phải nhìn trong bối cảnh lịch sử, không thể xét bằng tiêu chuẩn hiện đại—cả tượng của Churchill và Gandhi cũng bị bôi vẽ, và lật đổ tượng không giải quyết được bất kỳ vấn đề gì cụ thể. Mặt khác, biểu tình trong mùa dịch bị xem là vô trách nhiệm. Hình như với nhiều người, mùa dịch đã qua rồi, coronavirus không còn nguy hiểm.

Giữa tháng 6, chống lại phong trào Black Lives Matter là biểu tình và bạo loạn từ phe cực hữu ở Anh, ban đầu lấy danh nghĩa bảo vệ tượng đài nhưng gây loạn, tấn công cảnh sát.

Thành viên các phe đổ ra đường biểu tình hoặc bạo loạn, như thể mùa dịch đã qua.

Trong khi đó, China bắt đầu có đợt coronavirus thứ hai8.

DN

1: https://metro.co.uk/2020/04/19/first-case-coronavirus-uk-covid-19-diagnosis-12578061/

2: https://www.ft.com/content/38a81588-6508-11ea-b3f3-fe4680ea68b5

3: https://www.gov.uk/government/speeches/pm-address-to-the-nation-on-coronavirus-23-march-2020

4: https://www.businessinsider.com/attacks-cellphone-towers-coronavirus-5g-conspiracy-2020-4

5: https://www.reuters.com/article/us-health-coronavirus-britain-casualties/uks-covid-19-death-toll-tops-40000-worst-in-europe-idUSKBN22O16T

6: https://www.bbc.co.uk/news/uk-politics-52784290

7: https://edition.cnn.com/2020/06/07/europe/edward-colston-statue-bristol/index.html

8: https://www.bbc.co.uk/news/world-asia-china-53034924