Trong mục đích tạo cầu nối cho những thế hệ trẻ gốc Việt đến gần với những bậc phụ huynh và cộng đồng nói chung, Trẻ xin giới thiệu chuyên mục mới TRE VOICES để tạo điều kiện cho giới trẻ bày tỏ, chia sẻ những suy nghĩ và tâm tình của mình. Trong khi luôn khuyến khích việc giữ gìn và trau dồi Việt ngữ. Chúng tôi mời gọi các bậc phụ huynh và các em cùng tham gia gởi các bài viết về gia đình, học đường, xã hội cùng các vấn đề các em quan tâm. Bài viết xin giữ khoảng 500 từ và sẽ có nhuận bút tượng trưng để khuyến khích sự tham gia của các em.

Trước đây ở Anh, khi ai đó hỏi tôi từ đâu tới và nghe Việt Nam, họ thường không nói gì nhiều. Gần đây, vài lần khi ai đó nghe tôi từ Việt Nam, họ lại nhắc đến 39 người thiệt mạng trong xe tải ở Essex.

Ở Anh, sự kiện này đặc biệt gây chấn động. Sau đây là một số điều về người Anh và bi kịch này.

  1. Người Anh bình thường không biết gì về Việt Nam hay cộng đồng Việt

Lâu nay, ở trường đại học và một số môi trường khác ở Anh, khi tiếp xúc, tôi nhận thấy người Anh, đặc biệt giới trẻ, thường không biết nhiều về Việt Nam hay cộng đồng Việt ở Anh. Ðặc biệt trong năm cuối, khi làm film tốt nghiệp về một nhân vật gốc Việt, tôi phải giải thích nhiều vì đám cùng lớp và thầy cô chẳng biết gì về chiến tranh Việt Nam, hay hệ thống chính trị và xã hội Việt Nam hiện giờ, cũng chẳng biết gì về người Việt ở Anh.

Một người bạn của tôi, người Việt ở Canada, có “trò chơi”: đưa ra tên một quốc gia, thử nêu lên ba điều đầu tiên bạn nghĩ tới về nước đó. Trò chơi này sẽ cho thấy hình ảnh của một nước nào đó trên thế giới là thế nào, hình ảnh tích cực hay tiêu cực, quốc gia đó có quyền lực mềm không v.v. Ví dụ nếu nước được chọn là Nhật, người ta có thể kể Akira Kurosawa, manga, anime, sushi, công nghệ điện tử, samurai… Nhưng nếu nước được chọn là Lào, đa phần không biết nói gì. Nếu là Ấn Ðộ, người ta có thể nói thức ăn, Bollywood, Diwali, Satyajit Ray, Gandhi… Nhưng nếu là Pakistan, người ta thường nói Malala và Hồi giáo rồi sau đó tắc tị.

Khi tôi thử trò này với bạn bè ở Anh và nói Việt Nam, đa phần thường chỉ nói chiến tranh Việt Nam, may lắm có thể nhắc thêm phở (cũng không nhiều), và không biết gì hơn. Hai chữ Việt Nam với phần lớn người Anh tôi đã gặp gần như không gợi lên điều gì.

Khi sự kiện 39 người chết trong xe tải ở Essex xảy ra, và khi bắt đầu có thông tin có lẽ họ là người Việt (lúc đầu cảnh sát Anh tưởng họ là công dân China), tôi trao đổi với vài người bạn và phát hiện ra họ không biết ở Anh có chuyện buôn người, cũng chẳng biết ở Anh có nhiều người Việt ở lậu. Họ cũng không biết người Việt làm gì ở Anh.

Nhiều người Việt còn có lầm tưởng người Việt nổi tiếng chuyện làm nail ở Anh, nhưng không – đặc biệt trong thời gian vài tháng gần đây, khi tôi đi làm thêm ở salon, tôi nhận thấy rất nhiều người Anh tưởng dân làm nail toàn là Chinese, không biết nail đa phần là của người Việt.

  1. Cộng đồng Việt có bị chú ý

Người dân thông thường có thể không biết và không để ý đến cộng đồng Việt, nhưng cảnh sát và nhân viên xã hội ở Anh đều biết, và chú ý đến tiệm nail của người Việt.

Hiện giờ, khi bạn google “Vietnamese people in the UK”, đa phần kết quả sẽ nói tới vụ 39 người chết ở Essex và tình trạng người Việt nhập cư lậu vào Anh, vì vụ này đang hot. Trước đây, khi google cụm từ này, sẽ thấy hình ảnh người Việt ở Anh thường gắn với tiệm nail, “trồng cỏ” (tức trồng cần sa), chuyện trốn thuế, rửa tiền, tình trạng buôn người, và nô lệ thời hiện đại.

National Hairdressers’ Federation (Liên đoàn thợ làm tóc quốc gia) ở Anh đặc biệt nêu tên tiệm nail của người Việt và tiệm cắt tóc nam của dân Thổ Nhĩ Kỳ là những nơi có thể có black economy, làm chui, trốn thuế, rửa tiền.

Bản thân tôi khi đi phiên dịch cũng có thể thấy các nữ hộ sinh được đào tạo để đặt câu hỏi và nhận diện ai có thể là nạn nhân buôn người, và họ cũng biết người Việt chiếm tỷ lệ cao.

Thủ Tướng Anh Boris Johnson (trái) cùng Cảnh Sát Trưởng Ben-Julian Harrington (phải) quận Essex đặt hoa tưởng niệm 39 nạn nhân thiệt mạng trong chiếc xe tải (Hình: /AFP/Getty Images)

  1. Người Anh không thật sự biết người Việt tìm đủ mọi cách để vào Anh

Và họ cũng không biết tại sao.

Trong thời gian qua, sau vụ 39 người chết, khá nhiều người Việt cũng viết về thế giới nail ở Anh. Trong đó có vài bài khá sai sót khi viết điều kiện làm việc khốn nạn, quyền lợi không có, bị đối xử như nô lệ, tiền trả rất thấp v.v.

Tôi không nói điều này không có—đúng là nếu một thợ nail có tay nghề yếu, lương sẽ được trả rất thấp, gần như không có gì, và những người không có giấy tờ, không có ngôn ngữ, và không thật sự quen ai sẽ dễ dàng bị lợi dụng và bóc lột. Tuy nhiên, không phải không có lý do mà rất nhiều người tìm đủ mọi cách để vào Anh, và không phải không có lý do mà người Việt đâm vào ngành nail – “thợ cứng” (có tay nghề và kinh nghiệm) được chủ Việt trả lương rất cao (thử so với mức lương cho thợ Anh trong ngành làm đẹp), lại được trốn thuế, và nhiều lúc còn được bao ăn ở, không phải trả tiền thuê nhà.

Ở đây tôi sẽ không nói thợ nail Việt được trả bao nhiêu ở Anh, vì không muốn khiến thêm người thèm mức lương ở đây rồi lại liều chết tìm cách vào ở lậu.

Dân Anh không biết người Việt được trả lương thế nào, nên không biết tại sao người Việt tìm mọi cách vào Anh, thậm chí bằng cách nhập cư lậu, sống không giấy tờ. Khi vụ Essex xảy ra, nhiều người cũng không hiểu tại sao phải chui vào xe tải, họ bảo £30,000 là đủ cho một bằng đại học. Bạn trai tôi (người Anh) và một người khác cũng hỏi, tại sao không làm như một số người, đi du lịch rồi trốn ở lại, mà phải chọn cách nguy hiểm như vậy – tôi phải giải thích, vì bạn trai tôi và những người Anh khác đều không biết visa của Anh rất khó khăn, đặc biệt với hộ chiếu như của Việt Nam.

  1. Không phải mọi người Anh đều như nhau

Bàn vụ Essex, tôi để ý thấy rất nhiều người Việt vẽ hình ảnh tất cả người Anh đều như nhau, nhân bản và đầy lòng thương cảm, và đưa lên hình ảnh người Anh thắp nến tưởng niệm và treo câu “Immigrants and refugees welcome”, để tương phản với nhiều người Việt chê trách 39 người chết, bảo “khôn nhờ dại chịu”, và không thương tiếc những người đi lậu và làm nhiều chuyện phạm pháp như “trồng cỏ”. Người Việt không phải ai cũng như nhau, và người Anh tất nhiên không phải ai cũng một kiểu.

Có người thắp nến và muốn dang tay “welcome immigrants and refugees”, và bảo 39 người chết là do chính sách nhập cư khắc nghiệt của Anh. Cũng có người xem cái chết của 39 người là bi kịch, nhưng không có nghĩa là vì thế mà phải nới lỏng luật nhập cư và ai muốn vào cũng nhận. Có người nói, lý do người Việt hay bất kỳ dân nào khác phải bỏ nước ra đi và muốn vào Anh không quan trọng, cái quan trọng là làm sao để dẹp bỏ tình trạng buôn người và không để bi kịch này diễn ra lần nữa. Cũng có người hoàn toàn chống dân nhập cư bất hợp pháp, và chẳng cảm thông gì.

Còn đám trước đây cùng lớp với tôi? Chẳng thấy ai đả động gì tới người Việt và vụ Essex trên facebook. Có lẽ bận với Brexit, Extinction Rebellion, và đợi bầu cử sắp tới.

DN